Giáo sư Tôn lắc đầu không hiểu, bốn mảnh bùa cổ bằng đồng xanh này, hốc mắt có thể cho ánh sáng của ngọn nến chiếu qua, khiến quẻ tượng ở mặt lưng tấm gương cổ Quy Khư hiện lên. Ngoài ra, dường như việc chúng không có mắt, còn ám chỉ một đạo lý nào đó của vạn vật tạo hóa, chỉ khi nào hiểu được ám thị này, mới có thể tìm được vị trí sắp xếp quẻ phù trên mặt lưng gương cổ.
Tôi gật đầu nói: "Ông nói đúng rổi đấy, nếu không phải tôi nghe được khẩu quyết quẻ số Chu Thiên từ miệng Đản dân ở Nam Hải, lại nhờ cao nhân dịch học trong chốn dân gian là đại huynh Trương Doanh Xuyên tương trợ, có lẽ cả đời này chúng ta cũng chẳng thể đoán được ám thị của quẻ phù không mắt này đâu, dẫu có cả quẻ kính lẫn quẻ phù cũng chỉ biết giương mắt mà nhìn thôi."
Tôi thực ra cũng không chắc chắn lắm, lại nôn nóng muốn thử nghiệm, cảm thấy lúc này chẳng còn gì để mà giấu giếm nữa, đã toan nói cho giáo sư Tôn biết bí mật của mấy mảnh quẻ phù không mắt, nhờ lão ta giúp xác nhận lại, sau đó có thể sử dụng gương cổ Quy Khư ngay tại nơi tàng phong tụ khí bên hang ổ của lũ chim yến này, "hỏi" ra phương vị cụ thế của mộ cổ Địa Tiên.
Đang định mở miệng, tôi chợt nghe mấy tiếng sấm rền liên tiếp bên trên khe núi, vang vọng cả bầu không, khiến ai nấy đều thấy ù ù trong tai. Đúng là "sấm đánh không kịp bưng tai" năm người chúng tôi nằm rạp trên cây xà gỗ, lập tức giật bắn mình, tay chân run bần bật, ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy hàng vạn con yến đang lao vút lên trời cao. Thì ra, đàn yến bị tiếng sấm chấn động, lại một lần nữa ùa ra khỏi hang ổ.
Màn sương mù bảng lảng trong núi cũng theo đó tan biến, trong sáng ảm đạm như một điểm báo chết chóc, chẳng thể phân biệt được đâu là đàn yến đông đúc, đâu là mây đen xám ngắt như chì nữa. Chỉ thấy từ trong khe đá tuôn ra những làn khí đen ngùn ngụt, tựa như vô số cột khói bốc thẳng lên trời, chỗ dày đặc như mây mù bập bềnh, chỗ thưa mỏng lại tựa những sợi tơ mảnh đen thẫm uốn éo bay lượn. Dưới tầng mây đen kịt, nơi phát ra tiếng sấm lấp loáng mấy tia sáng trắng chói mắt.
Tôi thấy trong chớp mắt bầu trời đang sáng bạch bỗng tối sầm, lòng không khỏi kinh hãi, vội cúi đầu nhìn gương cổ, bùa cổ trên tay, chỉ thấy mảnh bùa hình rồng phát ra ánh huỳnh quang màu lục rợn người trong bóng tối. Trong đầu tôi lập tức lóe lên hình ảnh ở thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ mười mấy năm trước, cảnh tượng thi thể Lão Dương Bì bị sấm sét thiêu rụi ấy, đến chết tôi cũng không thể nào quên được.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có ai giải thích được chuyện đó, nhưng cảnh tượng trước mắt không khỏi khiến tôi lờ mờ cảm thấy: mảnh long phù bằng đồng xanh này là cổ vật được trui rèn bằng long hỏa ở Nam Hải, lại đứng đầu trong bốn mảnh quẻ phù, được cổ nhân coi là mật khí phong thủy, trên trời không dưng lại xuất hiện sấm sét, phần nhiều là do vật này mà ra.
Năm xưa các tín đồ Nguyên giáo thờ phụng Hoàng đại tiên đều tin tưởng mảnh long phù không mắt này là do lũ rùa biển mang từ ngoài biển vào. Bởi lẽ ở Quy miên địa thường xuyên hiện ảo ảnh thành thị trên biển, vả lại lũ rùa biển có tập tính hồi du12, mai rùa lại là linh vật, hải khí của long mạch tàng nạp bên trong có thể nghìn năm không tiêu tán.
Nhưng gần đây chúng tôi khảo cứu lại biết được rằng mảnh long phù này tuy là bảo vật của Nam Hải, nhưng không phải được phát hiện bên trong xác rùa, mà là một món minh khí được bồi táng cùng với Chu Mục vương. Truyền thuyết thứ này bắt nguồn từ Quy miên địa, rất có khả năng là do đám người Nguyên giáo kia bịa ra mà thôi.
Nhưng vật này đích thực là mật khí phong thủy, chôn dưới lòng đất thì không sao, một khi tiếp xúc với xác chết ở những nơi lộ thiên, có thể sẽ làm khí âm khí dương xung đột, dễ dẫn động lôi hỏa bùng phát. Trên vách đá ở hai đầu cây xà gỗ đen này có rất nhiểu xác cổ bị lôi ra khỏi quan tài treo, trong hẻm núi nồng nặc đầy âm khí, tuyệt đối không thể sử dụng long phù và quẻ kính ở nơi này được.
Ý niệm này vừa lóe lên trong đầu, liền có mấy quả cầu lửa từ trên không rơi xuông, thì ra đó là lũ chim yến bị sét đánh trúng. Lúc này, chỉ cần một tia sét đánh vào cây xà gỗ, cả bọn chúng tôi chắc chắn sẽ mất mạng. Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, tôi nào dám lần khân, vội nhét tấm gương đồng và mấy mảnh bùa vào trong túi buộc kín, vẫy tay bảo những người còn lại: "Nơi này không thể ở lâu, mau chạy thôi."
Giáo sư Tôn dường như vẫn chứa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vần đề, cứ luôn miệng hỏi chuyện gì thế? Tôi chẳng buồn trả lởi, đẩy lão ta bước đi. Có sấm sét ì ùng thúc giục, hành động của mọi người quả nhiên nhanh nhẹn hơn nhiều, lập tức bám vào khe nứt có quan cài treo ở cạnh đó, nhích người men theo vách đá, trong chốc lát đã rời khỏi cây xà gỗ bắc ngang hai vách núi.
Đột nhiên hẻm núi tối đen như mực bỗng sáng lòa, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thì ra đã có mấy quả cầu lửa rơi xuống cây xà gỗ, cũng không biết là xác chim yến bị sét đốt cháy hay sét hòn từ không trung giáng xuống, cây xà gỗ lập tức bùng lên thành một cột lửa khổng lồ, phát ra những tiéng nổ tanh tách, ánh lửa sáng rực cả một khoảnh xung quanh.
Vì tôi đã cất long phù vào túi bao kín, tiếng sấm trong đám mây đen cũng chỉ ì ùng thêm một chập rồi lặng hẳn, nhưng ngọn lửa trên cây xà gỗ vẫn cháy phừng phừng. Tôi đeo mình trên vách đá cách đấy không xa cũng cảm thấy nóng bức khó chịu, lại lo ngọn lửa sẽ đốt cháy cả đám dây leo và quan tài trên vách đá, vội vàng bảo cả bọn chớ nên dừng lại, tiếp tục bám vào các huyệt mộ và khe nứt, tránh ra càng xa càng tốt.
Các huyệt mộ quan tài treo trên vách núi phân bố rất dày đặc, mặc dù vách đá dựng đứng nhưng đâu đâu cũng có chỗ để đặt chân bám tay, cả bọn cứ đu mình trên vách đá dịch chuyển như vậy, tới chỗ một khe nứt theo phương ngang khá rộng rãi, tôi thấy chỗ này đá cách cây xà gỗ bị cháy kia tương đối xa, liền bảo mọi người leo vào bên trong nghỉ ngơi giây lát.
Trong khe đá nứt theo phương ngang này có bốn cỗ quan quách, đều đá bị trộm mộ hỏi thăm, xác cổ nằm nghiêng ngả trong huyệt mộ. Trong mấy cái xác ấy, có một cái tóc bạc mặt hóng, da thịt trắng đến cơ hồ chảy cả nước ra, hơn nữa còn tỏa ra mùi hương lạ nức mũi, trông hết sức yêu dị.
Chúng tôi chui vào trong mộ huyệt, không thể không khom lưng cúi đầu, lần lượt đi qua bên cạnh cái xác cổ này. Giáo sư Tôn quanh năm làm việc trong khu mộ, bình thường đã thấy nhiều xác chết, chui vào huyệt mộ chứa quan tài treo trên vách núi đối với lão ta cũng chẳng có gì đáng sợ. Tôi, Tuyền béo và Shiriey Dương đều là Mô Kim hiệu úy, đâu bao giờ để ý những chuyện vốn nằm trong chức nghiệp của mình kiểu như thế này, Nhưng điều khiến tôi lấy làm lạ là cô gái mới hai mươi tuổi đầu như Út cũng không hề sợ hãi, vả lại trông bộ dạng cô, hình như còn có tâm sự gì đó.
Tôi không nén được tò mò hỏi: "Em gái này, em gan dạ thật đấy, nếu là con gái bình thường nhìn thấy quan tài với xác chết, e rằng đã sợ bở vía, lăn ra ngất xỉu tại chỗ rồi, hiếm hoi lắm mới có người hét lên được thành tiếng, vậy mà sao em chẳng chớp mắt lấy một cái vậy?"
Út bảo tôi, hồi cô mười hai mười ba tuổi, cha mẹ cô bấy giờ vẫn còn sống, đã nhận sính lễ của gã trọc đầu mở quán cơm, chuyện hôn nhân của cô coi như đã quyết, sau này sẽ phải gả cho thằng cha trọc đầu cắm xẻng xào thức ăn ấy. Đến thời buổi này rồi nhưng tệ nạn ép hôn ở vùng núi vẫn còn khá phổ biến, năm nay cô đang bị thằng cha chủ quán cơm đầu trọc ấy bức phải thành hôn, ngày nào cũng rầu rĩ rửa mặt bằng nước mắt, may mà ông nuôi của cô có mắt nhìn người, bèn nhờ chúng tôi dẫn cô đi khỏi núi. Lần này dẫu có lên núi đao xuống biển lửa cô củng không quay đầu, dường như thấy đám cương thi này còn dễ coi hơn tên trọc kia nhiều.
Ngay cả Tôn Cửu gia luôn ra vẻ nghiêm trang đạo mạo cũng bị những lời này của Út chọc cười, lão lắc đầu cười khổ: "Đây chính là chỗ đáng sợ của tệ nạn ép hôn đấy, người xưa nói thuế khóa còn độc hơn rắn rết, mà ép hôn ép gả còn đáng sợ hơn cả cương thi trong mộ cổ, chao ôi... gì chứ chuyện này thì tôi đồng cảm sâu sắc, hồi đó ở quê cũng được người nhà sắp xếp hôn sự cho, đến khi rước vợ vể mới biết người ta hơn tôi những tám tuổi. Cuộc hôn nhân như thế làm sao có hạnh phúc chứ? Tôi cũng không hiểu mình đả chịu đựng những năm tháng ấy như thế nào nữa..."
Tuyền béo nghe Tôn Cửu gia lại bắt đầu tố khổ, cảm thấy hai tai sắp chai cả đi, liền bươi móc: "Thế sao ông không tham gia cách mạng đi ? Hồi ấy nếu ông lấy hành động thực tế ra phản kháng lại xã hội cũ xấu xa đầy tội ác thì cũng đâu đến nỗi sau này ngay cả tư cách bị hiểu lầm là kẻ phản bội cách mạng còn chẳng có."
Tôi lo Tuyền béo nói nhãng nói cuội lại chọc trúng chỗ đau của Tôn Cửu gia, đã toan lên tiếng đưa đẩy chủ đề câu chuyện sang hướng khác, nhưng vừa mới ngoảnh đầu lại, liền trông thấy từ trong khe nứt của huyệt mộ, một bộ mặt lông lá thò ra, dung mạo xấu xí như sơn quỷ, thì ra chính là con khỉ Ba Sơn lúc nãy đã đẩy Tuyền béo lên "cầu tiên vô ảnh "
Tôi không biết con khỉ này cứ lén la lén lút có ý đồ gì, nhưng có thể khẳng định con quái này lòng dạ bất lương, muốn đẩy chúng tôi vào chỗ chết, vội rút ngay xẻng công binh ra định lao tới đập cho nó một phát. Nhưng vừa cuống lên, tôi quên béng mất mình đang ở trong khe nứt trên vách núi, ngẩng đầu liền đập ngay vào tầng nham thạch bên trên. Lúc ấy, bọn tôi còn chưa kịp đội mũ bảo hộ leo núi, cú va đập này lại không nhẹ chút nào, khiến tôi đau đến nỗi phải hít vào mấy hơi khí lạnh, vội đưa tay lên xoa xoa đỉnh đầu.
Bấy giờ, bốn người còn lại cũng phát hiện ra con khỉ Ba Sơn nấp trong huyệt mộ, Tuyền béo hận con khỉ này thấu xương, lập tức ngoác miệng ra chửi: "Tổ cha mày, phen này ông tễn mày đi Tây Thiên luôn con ạ!" Vừa gầm lên giận dữ, cậu ta vừa giơ nỏ liên châu lên định bắn.
Giáo sư Tôn cả kinh, vội ngăn Tuyền béo lại: "Đừng con khỉ Ba Sơn ấy nhận ra tôi." Nói đoạn, lão ta đẩy cây nỏ của Tuyền béo sang bên, quay người lại nhìn con khỉ kia. Lão lại lo ánh sáng của đèn pin mắt sói quá mạnh, làm con khỉ sợ chạy mất, bèn tắt đèn, khom người xuống, chầm chậm nhích dần về phía trước.
Khỉ Ba Sơn vì có tướng mạo quá dữ tợn xấu xí, trong dân gian vẫn thường được gọi là "sơn quỷ". Tương truyền, "sơn quỷ biết được chuyện một năm", ý là nó có thể dự đoán những chuyện sẽ xảy ra trong vòng một năm, đương nhiên đây chỉ là truyền thuyét, có điều, xét từ một khía cạnh khác, cũng chứng tỏ loài khỉ này rất có linh tính.
Con khỉ Ba Sơn nấp sâu trong huyệt mộ nhìn trộm chúng tôi dường như đã nhận ra Tôn Cửu gia từ trước, có điều lúc ở hầm phòng không nó bị Tuyền béo dùng nỏ liên châu bắn sượt qua người, lại bị tôi giơ đèn pin mắt sói lên rọi vào làm chói mắt, trải mấy phen kinh hãi liên tiếp đâm ra không dám tùy tiện tiếp cận chúng tôi nữa. Lúc này, thấy Tôn Cửu gia gọi, nó mới dè dặt thò nửa người ra, vươn cánh tay khỉ giật lấy cái mũ bảo hộ leo núi lão ta đội trên đầu.
Có lẽ hồi trưóc ở nông trường cải tạo lao động, Tôn Cửu gia thường bị nó giật mũ và kính nên đã quen, không hề lấy thế làm điều. Lão ta giật cái mũ bảo hộ về, nhìn một lượt từ đầu đến chân con khỉ, không ngừng lẩm bẩm nói với nó, như gặp lại bạn cũ sau nhiều năm xa cách: "Ông bạn à, mày còn nhớ tao không? bao nhiêu năm nay không gặp, tao già rồi, mày cũng già rồi, thế nào hả? Hôm nay ăn chưa? Hình như gầy hơn trước nhiều thì phải..."
Tôi thấy giáo sư Tôn cứ lải nhải nói chuyện với con khỉ mãi không thôi, phen này không phải có siêu năng lực thì là đầu óc lão ta không bình thường rồi, con khỉ già ấy hiểu được tiếng người sao? Vừa nãy ở trước đài Hách Hồn, chính con ôn vật này suýt nữa đã đưa cả bọn vào chỗ chết, lão biết được trong đầu nó có ý đồ xấu xa gì chắc ?
Tuyền béo cũng nói: "Phải đấy, một ngày là địch, muôn đời là họa, chúng ta không thể chùn tay với kẻ địch được, nói cho các người biết, đừng hòng ai ngăn được tôi, xem ông mày lột da nó đây!" Dứt lời, cậu ta liền xắn tay áo, rút dao bước lên.
Con khỉ Ba Sơn kia cũng không chịu lép vế, liền nhe răng ra dọa Tuyền béo, thấy vậy giáo sư Tôn vội vàng khuyên giải: "Nếu không phải cậu chưa hỏi han gì đã dùng nỏ liên châu bắn nó, nó cũng không ở sau lưng đẩy cậu xuống vách đá đâu, con khỉ này hiểu hết đấy, đừng coi nó như giống súc sinh. Năm xưa ở mỏ đá, tôi với trung đoàn trưởng Phong ngay canh rau cải thối cũng chẳng có mà ăn, đều nhờ con khỉ này thỉnh thoảng trộm ít đồ hộp, thuốc lá, kẹo đường ở huyện thành, rồi lẩn tránh bọn lính canh mang đến cho chúng tôi. Tôi thấy nó còn có tình có nghĩa hơn con người nhiều, thời buổi này, lắm kẻ vong ân phụ nghĩa qua cầu rút ván, thua cả loài súc sinh ấy."
Nghe giáo sư Tôn nhắc, tôi mới nhớ ra con khỉ Ba Sơn này đã được trung đoàn trưởng Phong nuôi dưỡng nhiều năm, lửa giận trong lòng cũng nguội bớt tám chín phần, bèn khuyên Tuyền béo bỏ qua đi, bọn ta là hạng người nào chứ? Không nên chấp nhặt với một con khỉ làm gì.
Tuyền béo hằn học nói: "Nếu không phải nể mặt chủ nhà nhà nó củng là bộ đội, tôi nhất quyết không tha cho con ôn vật này đâu. Có điều, cũng không thể dễ dàng bỏ qua thế được, tiên sư nó, đem mì ống Mỹ khó ăn nhất của chúng ta ra đây cho nó ăn đi, để nó tự sát mãn tính mà chết."
Lúc nãy, Shirley Dương và Út thấy con khỉ Ba Sơn đó hiểu được tính người, đều cảm thấy thú vị, bèn lấy kẹo ra cho nó ăn. Con khỉ ăn mấy viên kẹo, đại để hiểu ra giáo sư Tôn là người quen, không còn nguy hiểm gì nữa, nên cũng dần dà bình tĩnh hơn, còn bắt chước người ta xin thuốc hút.
Tôi lấy thuốc lá châm cho nó một điếu, nhìn bộ dạng phả khói thuốc kỳ quái của con khỉ, tôi nói với cả bọn: "Con ôn vật này tuy rất có linh tính, nhưng chẳng học được thứ gì hay ho, hết ăn trộm ăn cướp lại còn hút thuốc, hơn nữa, mọi người có từng nghĩ, sao nó lại xuất hiện trong huyệt mộ quan tài treo này không? Từ đường hầm đối diện với Long môn chắc hẳn không thể leo xuống được, lẽ nào ở gần đây có mật đạo? Nếu trong núi có đường hầm thông nhau, làm sao nó lại biết được?"
Shirley Dương rọi đèn pin vào sâu bên trong khe đá: "Bên trong quả có một đường ngầm rất hẹp, không biết thông tới đâu, có lẽ chủ nhân của con khỉ này đã dẫn nó đến đây. Nếu bài "Quan Sơn chỉ mê phú" khắc trên tấm bia đá kia là giả, vậy thì chỉ có trung đoàn trưởng Phong mới biết tuyến đường chính xác dẫn đến mộ cổ Địa Tiên thôi. Từ bấy đến giờ đã nhiều năm trôi qua, không biết ông ta còn sống trên đời không nữa?"
Tôi nghe Shirley Dương nói, thầm nhủ quá nửa là vậy rồi, bèn lấy ra nguyên một bao thuốc lá, đong đưa trước mặt con khi Ba Sơn kia: "Này khỉ, nguyên cả bao đấy, mau mau dẫn đường cho ông nào...
Giáo sư Tôn thấy thế, liền bảo tôi: "Cậu đừng nói tiếng nước ngoài với nó, nó làm sao hiểu được? Tránh ra tránh ra để tôi." Nói đoạn, lão ta đẩy tôi sang một bên, rồi đưa tay lên đầu làm động tác đội mũ quân đội, vừa khua tay múa chân vừa hỏi con khỉ : "Lão Phong ở đâu? Mày biết trung đoàn trưởng Phong đâu không? Dẫn bọn tao đi tìm ông ấy đi... chúng ta đều là những người bạn có thể tin cậy được mà."
Con khỉ vò đầu bứt tai một lúc, cơ hồ phải nghĩ ngợi hồi lâu mới quyết định, sau đó nó chui phắt vào trong đường hầm. Tôi mừng thầm, lập tức bảo mọi người bám theo sau, chỉ cần tìm được trung đoàn trưởng Phong thì coi như đã tìm thấy mộ cổ Địa Tiên, bằng không thực không biết phải tìm kiếm đến bao giờ mới ra kết quả nữa.
Tôi cũng thầm hy vọng vị trung đoàn trưởng Phong kia còn sống, ông ta sống trong núi sâu rừng thẳm cách biệt với thế gian mười mấy năm, giờ cũng đến lúc phải quay về rồi. Ông ta tuy là hậu nhân của Đại Minh Quan Sơn thái bảo, mộ cổ Địa Tiên chẳng khác nào mộ tổ nhà ông ta, nhưng nếu tôi thương lượng được, chắc có thể hỏi xin ông ta đơn đỉnh giấu trong mộ, xét cho cùng đều là người trong quân ngũ, từng xông pha chiến trường, không đời nào thấy chết không cứu, lại là người cùng nghề, chưa chừng ông ta còn cho chúng tôi một ít minh khí cũng nên.
Tôi vừa nghĩ ngợi linh tinh, vừa theo con khỉ kia đi sâu vào đường ngầm trong núi, dần dần phát hiện mật đạo này thực ra là do con người đục thông những khe nứt trong lòng núi mà thành, người nào không biết thì dẫu đứng ở chỗ huyệt mộ quan tài treo trên vách núi cũng không thể nhìn ra được. Vách núi bên này chính là phía có hang động nơi chúng tôi đi vào, có thể trong hang động cổ ấy có một bí đạo cực kỳ ẩn mật, nối liền với vách núi có quần thể quan tài treo.
Bọn tôi đi theo con khỉ, men theo đường hầm bí mật quanh co khúc khuỷu bên trong vách đá dựng đứng, đi qua mấy chỗ huyệt mộ có quan tài, đến một huyệt động bán lộ thiên trên vách núi. Hang động này khoảng bằng một gian nhà nhỏ, bên ngoài vẫn là khe núi sâu hun hút, dưới nền có một cỗ quan tài bằng gỗ tùng nằm đổ vật. Trong đống đất bừa bãi dưới sàn, lộ ra một cỗ quách đá cực lớn, bề mặt nắp quách đá hình như điêu khắc hình núi sông rất tinh xảo, đồng thời có chín cái khóa đồng xanh hình ly hổ móc chặt. Con khỉ tung mình nhảy lên quách đá, rồi ngồi chổm hỗm nhìn chằm chằm vào chúng tôi, ánh mắt sáng như đuốc, nói gì cũng không chịu đi tiếp nữa, cứ dùng móng vuốt chỉ chỉ vào một ngọn núi cao khắc trên nắp quách, kêu lên chi chí.