Những bức nham họa trên vách đá cổ ấy giống như một dạng totem hay truyền thuyết, phong cách kỳ dị hiếm thấy, men theo điểu đạo nghìn thước đi xuống, chỗ nào cũng có, không biết từ niên đại nào sót lại đến ngày nay. Những cảnh tượng được vẽ lại, cơ hồ đều là những tai họa khủng khiếp, có nạn châu chấu che kín cả mặt trời, có nước lũ ngập tràn mặt đất, cũng có núi lửa phun trào, núi long đất lở, loài người và muông thú tàn sát lẫn nhau...
Tôi xem mà lấy làm kỳ quái, sao bao nhiêu kiếp nạn khủng khiếp đều đổ dồn về hẻm núi Quan Tài trấn Thanh Khê này như vậy? Thật đúng là "nước sôi lửa bỏng", nhưng nhìn địa thế khu vực hẻm núi chằng chịt đan xen này, tựa như vô số con rồng đang cuộn mình tiềm phục, trong núi mây khói biến ảo vấn vít, thác nước trên vách đá cheo leo như sông Ngân từ trời đổ xuống, theo quan điểm phong thủy học thì đây là đất "ẩn nạp, tàng tiên", lẽ nào thời viễn cổ lại là chốn Địa ngục A Tỳ hay sao?
Shirley Dương nói: "Nước sông cuộn máu, ếch nhái khắp nới, rận rệp thành đàn, dã thú chết hết, ôn dịch lây lan, da dẻ thối rữa, mưa đá lửa đỏ, châu chấu ùa về, bóng tối xâm chiếm, con trưởng chết thảm là mười hình phạt của Chúa Trời được ghi chép trong Kinh Thánh. Tuy rằng văn hóa Trung Quốc và phương Tây có sự khác biệt, nhưng tôi thấy nơi này thật giống vùng đất bị thần linh lãng quên được nhắc đến trong Kinh thánh vậy."
Giáo sư Tôn không đồng ý với cách nhìn của chúng tôi, lão ta lập tức chỉ ra: "Chớ nên theo chủ nghĩa duy tâm tin vào thần linh hay trời phạt, theo kinh nghiệm của tôi, những bức nham họa này là di tích có từ trước thời Chiến Quốc. Trước khi Tiên Tần xây dựng công trình thủy lợi Đô Giang Yến, vùng Ba Thục này liên tiếp gặp thiên tai, năm nào cũng có lũ lụt hay núi lửa phun trào, hoàn toàn không phải truyền thuyết không có thật đâu."
Tôi vốn định tranh luận thêm với lão ta, nhưng điểu đạo càng đi càng hiểm trở, không thể phân tâm nói chuyện hoặc để ý đến những bức họa trên vách đá được, ai nấy đều phải dán lưng sát vách, nhích từng bước một. Tuyền béo mặt mày tái mét, nhắm tịt mắt lại không dám nhìn xuống dưới, bốn phía mênh mang toàn sương khói mông lung mờ ảo, người đi trên điểu đạo như lạc giữa tầng mây, chẳng thể phân biệt được Đông Tây Nam Bắc.
Chúng tôi đi trên điểu đạo đục lõm vào vách đá một lúc lâu, chợt nghe tiếng nước ầm ầm như sấm động dưới chân, trên vách đá lạnh toát toàn hạt nước, thiết tưởng cách đáy hẻm núi không còn bao xa nữa. Lúc này, Shirley Dương đi đầu đột nhiên dừng lại, thì ra con đường đã bị cắt đứt, không sao tiến thêm lên được, có điều, chỗ này chỉ cách mặt đất chừng ba mét mà thôi.
Shirley Dương nói bên dưới có thể đặt chân được, bèn thả phi hổ trảo xuống, để mọi người lần lượt bám vào dây xích đánh từ thép ròng tụt xuống đáy hẻm núi. Dưới đáy hẻm là một dòng sông nước chảy rất xiết, hai bên có nhiều bãi đá xanh tự nhiên. Giữa những bãi đa nguy hiểm "loạn thạch tứ tung, sóng dữ cuộn trào" ấy, có mấy con đường lát đá quanh co khúc khuỷu có thể đi được.
Tuyền béo chạm được chân xuống đất, mới thấy yên tâm: 'Nhất à, chúng ta đến đâu rồi ? Viện bảo tàng mộ cổ của địa tiên ở trong hẻm núi này đấy hả?
Tôi đảo mắt nhìn quanh bốn phía, trên đỉnh đầu là màn sương mỏng thoắt tụ thoắt tan, đáy hẻm núi thì đầy hơi ẩm, nước bẩn tung tóe, chỉ thấy khắp dải núi non đều mênh mang mờ mịt, thực không biết đã đến nơi nào. Còn chưa biết trả lòi Tuyền béo ra sao, chợt nghe Shirley Dương nói: "Mọi người nhìn phía sau kìa..." Chúng tôi vội ngoảnh đầu nhìn, thì ra bên dưới vách đá sau lưng chúng tôi toàn đá vụn lở vỡ, trong đám ngổn ngang ấy lộ ra mấy chỗ gần giống dấu tích của rường đá, cửa đá, xem chừng trước đây dưới chân vách đá này có một cửa hang bằng đá rất lớn, nhưng giờ đã bị đất lở bít kín hoàn toàn.
Shirley Dương nói: "Út nói nơi đây là khu vực rìa của hẻm núi Quan Tài, đường hầm dẫn đến cửa đá này, rất có thể là đường tiến vào từ bên ngoài hẻm núi, giờ chúng ta đã đến được cổng lớn của hẻm núi Quan Tài rồi đấy."
Tôi và Tôn Cửu gia đểu cảm thấy mười phần chắc tới tám chín là như vậy, nhưng hẻm núi Quan Tài này địa thế hiểm trở, không rõ có mạch khoáng hay giếng khai thác gì không. Phỏng chừng, hầm phòng không Thanh Khê cũng chưa vươn vào tới đây, bản đồ bản vẽ tìm được trong thị trấn đều vô dụng mất rồi. Bởi vậy, tuy đã vào đến cửa núi, nhưng đối diện với hẻm núi sâu thần bí khó lường này, tôi thực tình cũng không biết bước tiếp theo nên hành động thế nào.
Mọi người thương lượng tại chỗ vài câu, rồi nhanh chóng quyết định dựa theo phương vị của cửa đá ở lối vào hẻm núi, từ đây tiến sâu vào trong thăm dò kỹ hơn. Chúng tôi mang theo nhiều lương khô, đủ dùng trong thời gian ngắn, chỉ có điều, hẻm núi Quan Tài này cách biệt với thế giới bên ngoài, bên trong lại im lìm hoang vắng, chỉ sợ sẽ gặp phải nguy hiểm khó lường, về mặt trang bị rõ ràng có hơi đơn sơ. Tôi thấy Út tuy rất gan dạ, lại quen trèo đèo vượt núi, nhưng dẫu sao vẫn còn thiếu kinh nghiệm, bèn dặn dò Shirley Dương chiếu cố đến cô, đừng để cô đi phía trước, cũng chớ để cô rớt lại đằng sau.
Tuyền béo vẫn canh cánh "kim châu bảo ngọc" trong bảo tàng mộ cổ, liền xách nỏ liên châu đi trước mở đường, vừa đi vừa hỏi dò giáo sư Tôn: "Cửu gia, ông tiết lộ cho bọn tôi nghe chút ít nội tình đi, kim châu có phải bằng vàng ròng không? Bảo ngọc quý giá đến chừng nào?"
Giáo sư Tôn nghe giọng điệu Tuyền béo có vẻ không ổn, vội nói: "Cái cậu Tuyền béo này, lại định giở quẻ đấy à, đã nói trước là các cậu chỉ cần đơn đỉnh, phần tôi là quẻ phù Long cốt, những thứ khác coi như phát hiện chung của mọi người, báo lên cấp trên hẳn công lao không nhỏ, sao cậu lại nảy ý khác rồi ?" Tuyền béo nói: "Ông đừng phí lời, giờ là thời buổi dân chủ, mà chúng tôi còn đang nắm thóp ông đấy nhé, đại gia Tuyền béo đây mốn làm thế nào thì làm thế ấy, đâu đến lượt nhà ông mặc cả mặc lẽ ? Có muốn lấy lại quyển nhật ký công tác kia nữa không đây?"
Giáo sư Tôn đành đấu dịu: "Được, được, được, tôi chỉ cần quẻ phù Long cốt, những thứ khác... các cậu muốn thế nào thì thế ấy đi, có điều sau này nhất thiết không được nói quẻ phù Long cốt của tôi là tìm thấy trong mộ cổ nhé. Không phải tôi thèm muốn gì vật này, chỉ là không nỡ để nó vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng đất, mà cũng muốn nhân chuyện này giành lấy cơ hội vươn lên..."
Tuyền béo nói: "Tôn Cửu gia cũng đừng ngại, chẳng phải chỉ là mấy mảnh mai rùa thôi sao? Còn nhớ ông Lỗ Tấn từng nói thế nào không? Người đọc sách trộm sách không tính là trộm cơ mà, Cửu gia ông uống đây một bụng mực đen, bây giờ đi đào mộ trộm thiên thư, có gì mà phải khó xử? Cứ dứt khoát mặt dày mày dạn, thoải mái mà làm là được rồi, lúc về diệt hết bọn cầm đầu phái học thuật phản động mắt chó không biết nhìn người kia đi, cũng là biểu dương uy phong của Mô Kim hiệu úy chúng tôi."
Lời lẽ của Tuyền béo tuy toàn là pha trò giễu cợt, nhưng không câu nào không cắt đúng chỗ đau hiện nay của giáo sư Tôn, khiến nét mặt lão ta lúc trắng lúc xanh, hết sức ngượng ngập, lẩm bẩm tự hỏi lòng: Người đọc sách trộm sách không tính là trộm... Lỗ Tấn từng nói vậy sao? Lão dường như cảm thấy hết sức bức bối, bất giác ngẩng đầu thở dài, đột nhiên chỉ lên không trung bảo chúng tôi: "Mau nhìn mau nhìn, có quan tài treo!"
Chúng tôi ngước mắt lên, quả nhiên thấy trên vách núi dựng đứng có treo vô số quan tài, phân bố cao thấp đan xen, vị trí cực kỳ phân tán, những chiếc ở nơi cao nhất trông chỉ bằng cái chấm đen, số lượng cực nhiều, không sao đếm xuể, áng chừng sơ sơ cũng phải lên đến hàng vạn, quả là một kỳ quan hiếm thấy.
Từ chỗ này, hẻm núi âm u cũng dán thu hẹp lại, ngẩng đầu nhìn lên, trời mây chỉ còn là một sợi chỉ nhỏ, tựa hồ cách chỗ chúng tôi đang đứng một khoảng vô cùng vô tận, nếu có hòn đá nhỏ từ trên cao rơi xuống đập trúng đầu, ắt cũng đủ lấy mạng người ta. Giữa chốn thâm sơn cùng cốc này, mọi người bất giác rùng mình run sợ.
Tuy biết nơi này được gọi là hẻm núi Quan Tài, thế nào cũng sẽ bắt gặp quan tài treo trên vách đá, nhưng lúc này thấy số lượng quan tài treo trên vách đá đối diện nhiều đến khó tin, cả bọn cũng không khỏi hiếu kỳ, bèn đứng lại quan sát một lúc lâu. Tuyền béo cứ lải nhải bảo tôi leo lên xem trong quan tài treo có cái gì không, nhưng tôi nói: "Treo quan tài không phải hình thức thổ táng, không hề quan trọng việc nhập thổ vi an, cậu nhìn đống quan tài kia ở trên cao đã trải bao gió dập mưa vùi rồi, đa phần đều mục nát hết cả, mà công nghệ chế tạo cũng rất thô sơ, toàn là thổ dân chặt gỗ ở khu rừng nguyên sinh gần đấy, trực tiếp khoét rỗng thân cây, đặt xác người chết vào trong đấy, rồi đắp vỏ cây lên làm nắp quan tài, chẳng có thứ minh khí bồi táng nào đáng tiền đâu. Thời xưa, nghề trộm mộ cực kỳ thịnh hành, nhưng rất ít người có ý định đi trộm quan tài treo, vì thực sự chẳng có gì để trộm cả."
Giáo sư Tôn nói: "Chưa chắc, táng theo kiểu treo quan tài này có nhiều hình thức khác nhau, có thể chia làm dạng hang động, dạng khe hở trên vách núi và dạng đóng cọc vào vách núi, cũng có sự phân chia cao thấp sang hèn như mộ phần bình thường vậy. Những quan tài treo ở đây, thuộc dạng đóng cọc vào vách núi, có lẽ toàn là nơi táng xương cốt của dân chúng..." Nói tới đây, lão ta chợt bảo: "Không đúng lắm... mọi người có cảm thấy có gì đó là lạ không... sao quan tài treo đều tập trung cả ở một bên? Phía bên kia sao không có cái nào..." Lời còn chưa dứt, Shirley Dương đã đột ngột chen vào: "Mọi người nhìn kỹ xem, những quan tài treo kia xếp thành hình dáng... giống như là...?"
Lúc này, chúng tôi đang đi bên dưới vách đá có quan tài treo, nghe Shirley Dương nói vậy không biết là ý gì, bèn lập tức ngẩng đầu lên nhìn theo cô, chỉ đúng lúc mây mù trong núi tan đi, từ góc độ này nhìn lên, chỉ thấy những cỗ quan tài treo rải rác trên cao đột nhiên tập trung lại, lở mờ phác họa nên một bóng người khổng cao lớn kỳ vĩ.
Càng nhìn lâu, hình dáng mơ hồ của mảng quan cài treo ấy càng trở nên rõ nét, bộ dạng ngồi ngay ngắn giống hệt như thật. Hai vai bằng nhau, hai tay đặt trên đùi, hai chân khổng lồ giẫm lên dòng nước cuồn cuộn dưới đáy hẻm núi. Có điều, đường nét ấy, tuy giống hình người như đúc, song lại không có đầu, tựa hồ như một vị thiên thân không đầu cao lớn uy vũ, im lìm bất động dính chặt vào vách núi cao nghìn thước, năm người chúng tôi đều chỉ là những con kiến nhỏ dưới gót chân vị thần ấy.
Tôi nhìn đến ngẩn cả người ra, đến lúc cảm thấy cổ mỏi nhừ đau nhức mới giật mình sực tỉnh, thấy mấy người Tôn Cửu gia xung quanh vẫn đang ngẩng đầu thẫn thờ nhìn đám quan tài treo đầy trên vách đá, há hốc miệng tấm tắc khen lạ. Lúc này, trong đầu mọi người ngoài "trầm trồ kinh ngạc" ra, hẳn đều không hẹn mà cùng nghĩ đến câu ám ngữ Hay cho đại vương, có thân không đầu.
Hình người không đầu do vô số quan tài treo ghép lại mà thành này, nếu không đứng dưới chân ngước lên nhìn, thì dù từ góc độ nào khác cũng không thể hiện lên rõ ràng như vậy được, người xưa tựa hồ cố ý sắp xếp như thế, đế những người đến nơi này đều phải ngẩng đầu lên chiêm bái vậy.
Giáo sư Tôn mừng rỡ ra mặt: "Hình dạng ẩn giấu trên vách đá quan tài này uy vũ trang nghiêm, hệt như một vị vương giả thời cổ, vả lại còn thiếu mất cái đầu, ứng với câu có thân không đầu, quả nhiên ông bạn cùng chung hoạn nạn năm xưa không gạt tôi..."
Mặc dù tôi đã đứng dưới chân hình vóc vị thiên thần không đầu tạo thành từ vô số quan tài treo, cũng biết rõ những quan tài thần bí này có liên quan mật thiết đến ám ngữ của trung đoàn trưởng Phong để lại, song vẫn không hề có cảm giác hân hoan, mà ngược lại còn cảm thấy câu đố về mộ cổ Địa Tiên quyết không thể dễ dàng giải được.
Tương truyền, trước khi địa tiên vào mộ, trong gia tộc có một số người không tin vào huyền cơ vi diệu của ông ta, không muốn nhập mộ thành tiên, vì vậy vị địa tiên chân quân, đồng thời cũng là thủ lĩnh Quan Sơn thái bảo đã để lại cho người đời sau một đoạn ám ngữ, chỉ cần lần theo đầu mối này sẽ có thể tiến vào mộ cổ thôn Địa Tiên bất cứ lúc nào, thoát khỏi xác phàm, vũ hóa phi thăng, đắc thành đại đạo, trường tồn cùng nhật nguyệt.
Trung đoàn trưởng Phong chính là người nắm giữ bí mật này, nhưng huyền cơ sao có thể tùy tiện tiết lộ như vậy? Ông ta muốn khuyên giáo sư Tôn cùng bỏ trốn với mình nên mới nói ra một đoạn trong đó, nội dung rất hữu hạn, chỉ là mấy câu mở đầu. Từ khi chúng tôi tiến vào trấn Thanh Khê, đã liên tiếp gặp được những sự vật đối ứng với đoạn ám ngữ này, ở đây không chỉ có "mạch khoáng muối Vu", "thú đá Ô dương", mà giờ còn gặp một lượng lớn quan tài treo trên vách đá xếp thành hình đại vương không đầu.
Mặc dù những manh mối này đều từ một khía cạnh chứng minh mộ cổ Địa Tiên nằm ở Thanh Khê, nhưng sự việc lại thông hề thuận lợi như những gì hiện lên trước mắt. Mấu chốt nhất là giữa những đầu mối ấy hoàn toàn không có mối liên hệ nào cả, khiến người ta càng thêm hoang mang không biết phải làm thế nào.
Tôi nói những âu lo này ra với mọi người, đến Tôn Cửu gia cũng chẳng thể nào vui nổi: Lão Phong này... bí hiểm với tôi mười mấy năm, đến giờ vẫn khiến người ta không thể đoán biết được, từ lúc tiến vào hẻm núi Quan Tài này, mọi việc dường như thuận lợi đến mức khó tin, nhưng giờ nghĩ kỹ lại... những đầu mối tìm được chẳng có cái nào hữu dụng cả.
Tôi gật đầu: "Đúng là phạm phải sai lầm của chủ nghĩa lạc quan mù quáng rồi... trước đây tôi cứ nghĩ Quan Sơn thái bảo chỉ là một tên địa chủ, liệu được bao nhiêu phân lạng chứ? Giờ xem ra, e rẳng là bậc cao thủ có bản lĩnh thực sự đấy." Đầu óc tôi bắt đầu rối loạn, hẻm núi trước mắt núi non trập trùng, lại không có đầu mối nào để lần theo, giữa lúc nôn nóng, cũng may còn có người hiểu chuyện như Shirley Dương giúp đưa ra chủ ý. Nghĩ đoạn, tôi bèn hỏi ý kiến cô, theo điều lệ quân sự, sĩ quan tham mưu có quyền kiến nghị ba lần về quyết định cụ thể của chỉ huy, không nên lãng phí.
Shirley Dương ngước nhìn vách đá dựng đứng, ngãm nghĩ một lúc mới nói: "Mọi giả thiết và suy đoán đều phải dựa trên cơ sở ám ngữ năm xưa trung đoàn trưởng Phong để lại là thật. Em nghĩ, mạch khoáng muối Vu, tượng thú đá Ô dương, hình đại vươngkhông đầu, đều là di tích cổ có thực ở khu vực Thanh Khê, từ đây có thể hoàn toàn loại trừ khả năng đoạn ám ngữ kia là một câu đố kiểu chiết tự hay thơ đố chữ, mà quá nửa là có liên quan đến một truyền thuyết cổ xưa nào đó của địa phương này, đồng thời, lối vào mộ cổ Địa Tiên ẩn giấu chính trong truyền thuyết ấy."
Tôn Cửu gia tán đồng: "Cô Dương phân tích có lý lắm, nói trúng điểm mấu chốt rồi đấy, nhưng rốt cuộc đó là truyền thuyết thế nào? Thân hình vị vương giả tổ hợp từ những quan cài trên vách đá chắc hẳn chính là đại vương không đầu được nhắc đến trong câu đầu tiên của ám ngữ rồi, nhưng vị vương không đầu này chỉ là di tích totem người xưa dùng để trấn núi trấn hẻm hay vào thời cổ đại nơi này đích thực từng có một vị vương như thế?"
Những gì Shirley Dương và giáo sư Tôn vừa nói, tuy không đưa đến kết quả rõ ràng gì, nhưng lại cho tôi khá nhiều gợi ý, loại trừ khả năng nội dung ám ngữ là câu đố, mà nghĩ theo chiều hướng trong đó ẩn chứa một truyền thuyết cổ xưa, trong những câu nghe tưởng như thông mà lại chẳng thông này, có lẽ ẩn giấu cả những nội dung không phải truyền thuyết mà cũng chẳng phải câu đố.
Tôi tự hỏi, âm thầm nhẩm đi nhẩm lại mấy lượt: "Hay cho dại vương, có thân không đầu; nương tử không đến, núi non không khai; đốt củi bắc lò, nấu gan nấu phổi; đào giếng lấy muối, hỏi quỷ xin tiền; điểu đạo tung hoành, trăm bước chín hồi; muốn đến Địa Tiên, hãy tìm ô dương..." đoạn lại ngẩng lên quan sát kỹ vô số quan tài treo trên vách đá hiểm trở, trong đầu chợt lóe lên một ánh chớp, đột nhiên nghĩ đến một mắt xích quan trọng nhất mà từ đầu đến giờ mọi người vẫn lơ là, huyền cơ ẩn chứa trong đoạn ám ngữ để tìm kiếm lối vào mộ cổ Địa Tiên hẳn chính là ở đây.
Tôi thầm mắng mình càng lúc càng hồ đồ, sự việc quan trọng như vậy mà lại quên béng mất, vội bảo mọi người: "Quan Sơn thái bảo giỏi nhất việc gì nào?"
Những người kia nghe hỏi đều ngớ ra, Út đáp: "Những người trong mộ yêu tiên, đương nhiên biết yêu pháp, giỏi nhất chính là yêu pháp chứ gì."
Tôn Cửu gia lại nói: "Bản lĩnh sở trường của Quan Sơn thái bảo, đương nhiên là trộm mộ và xây mộ... còn chuyên môn sưu tầm cổ vật nữa."
Tuyền béo nói: "Mặc xác nó là ai, nó giỏi cái gì thì đại gia đây chẳng biết, đằng nào việc đại gia Tuyền béo này giỏi nhất mà cũng muốn làm nhất bây giờ, chính là vào mộ nó mò vàng phát tài một phen đây."
Trong những người này, chỉ có Shirley Dương là tư duy mạch lạc, nói cũng tương đối hợp lý, không hẹn mà trùng với điều tôi đang nghĩ trong đầu: "Quan Sơn thái bảo... Quan Sơn chỉ mê".