“Tiền cược mạng” vừa là tiền thưởng vừa là phí an gia, nếu chẳng may người “phạm hồng” có đi mà không có về, già trẻ trong nhà cũng có khoản tiền này để duy trì sinh kế, không phải lo ngày sau; còn nếu người đó lập công trở về, “tiền cược mạng” sẽ coi như một phần thêm vào khoản khao thưởng riêng.
Lão Trần không hổ danh là thủ lĩnh quân trộm cướp trong thiên hạ, rất giỏi mua chuộc lòng người, tiền cược mạng phát vô cùng hậu hĩnh. Sắp xếp ổn thỏa, lão liền hạ lệnh giải tán, tất cả bắt tay chuẩn bị ngay trong đêm.
Đám trộm Xả Lĩnh có các loại trận pháp, khí giới, trước khi xuất phát phải cọ xát diễn tập thêm, các công cụ trộm mộ cũng phải lần lượt sắp xếp chỉnh đốn, lại thêm phải học phương ngữ phong tục Vân Nam, đợi khi vạn sự sẵn sàng, đã không chỉ một ngày.
Gà Gô lại đơn thương độc mã, nói đi là đi, chưa quá vài ngày đã chuẩn bị hoàn tất, lấp tức khởi hành. Lão Trần cứ khăng khăng đưa tiền, dẫn theo mấy tên thân tín, tiễn chân Gà Gô tới tận hồ Động Đình.
Hồ Động Đình rộng tám trăm dặm, khói sóng mênh mông, thuyền buồm thấp thoáng, lão Trần và Gà Gô một đời phiêu bạt, quẩn quanh với những tục lụy thế gian, chưa lúc nào được thảnh thơi nhàn rỗi, nay trước cảnh sơn thủy hữu tình đều cảm thấy lòng như được gột sạch bụi trần. Ngẩng đầu thấy trên ngọn núi bên hồ có một tửu lâu, lão Trần bèn đề nghị lên đó ngắm cảnh, mượn vò rượu tiễn Gà Gô lên đường.
Gà Gô bảo như thế cũng hay, anh ta đang muốn chiêm ngưỡng phong cảnh Động Đình. Lão Trần liền dặn dò thuộc hạ ở dưới lầu, đoạn cùng Gà Gô hai người một trước một sau đi lên gác hai, chọn chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ, gọi rượu thịt tới, trước tiên uống với nhau vài chén, sau đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy vị trí tửu lâu này thực đắc địa, từ trên cao nhìn xuống, cảm giác cột buồm mọc ngay dưới chân, toàn cảnh sông núi phía xa hiện ra trước mắt.
Hai người dang nặng trĩu ưu tư, lên lầu nhìn thấy sơn thủy hữu tình, thực đúng như giữa ngày hè gặp con suối mát, lòng chợt dạt dào cảm xúc. Lão Trần tay cầm chén rượu, mắt nhìn ra mặt hồ, đắc ý nói với Gà Gô: “Hiền đệ này, chú xem từ cổ chí kim, thời nào cũng có bậc anh hùng hảo hán kinh thiên động địa, không sợ gian nan nguy hiểm, chỉ vì giang sơn gấm vóc này mà dốc tài thao lược tung hoành thiên hạ, lưu danh thiên cổ. Ta và chú cũng đều là hạng chân tài thực học, tuyệt đối không thể lạc hậu thua kém.”
Gà Gô không có dã tâm như lão Trần, từ lâu đã chán cảnh suốt ngày vào sinh ra tử, thấy lão Trần lại lôi lời cũ ra nói để khuyên mình nhập bọn, chỉ đành miễn cưỡng trả lời: “Được mất thịnh suy đều do số trời, đâu phải cứ tính là được? Đệ đây không được như Trần huynh, vốn không có tài mưu đồ việc lớn, sau khi tìm được Mộc Trần Châu, nếu trời cao thương tình cho giữ lại mạng này, đệ nguyện học theo ẩn sĩ thời xưa, rời khỏi giang hồ, không bao giờ làm mấy chuyện bán mạng này nữa”
Lão Trần thấy Gà Gô tâm ý đã quyết, khó lòng níu giữ thì nghĩ bụng: “Như thế cũng tốt, đằng nào một núi cũng không thể có hai hồ, nếu ta đã không dùng được, thà để hắn rời khỏi giang hồ, tránh về sau gặp nhau lại tay đao tay súng, mất cả nghĩa khí. Sắp tới hắn đi Tây Hạ đào cát ở Hắc Thủy Thành, cầm chắc toi công uổng sức, đợi ta đào được lăng mộ Hiến vương ở núi Già Long rồi, hắn sẽ biết bản lĩnh thực sự của Thường Thắng sơn, Ban Sơn đạo nhân có theo cũng không kịp.”
Lão còn định mang Hồng cô nương ra làm bài để Gà Gô vì Thường Thắng sơn mà bán mạng thêm vài lần nữa, bènCòn một việc nữa, Hồng cô nương trong sơn đầu chúng ta có nhờ Trần mỗ làm mai, ta thấy việc tốt nên nhận lời cô ấy, coi như em gái. Sau này đợi chú từ Hắc Thủy Thành trở về, lúc ấy cái chân gãy của Hồng cô nương chắc cũng đã lành, chi bằng để cô ấy theo chú, cả nhà cô ấy gặp họa diệt môn, một thân một mình đơn côi khổ sở, chốn gian hồ lại chẳng phải nơi đàn bà con gái an thân lập mệnh.”
Gà Gô không nề hà tiểu tiết, lập tức nhận lời: “Chuyến này tới Hắc Thủy thành Tây Hạ, thành bại khó lường, nhưng chỉ cần còn sống trở về nhất định sẽ không phụ ý tốt của Trần huynh, nguyện dẫn cô ấy cao chạy xa bay.”
Lão Trần chửi thầm trong bụng: “Hay cho cái đồ đạo sĩ rởm tu tâm không tu khẩu, cai sắc chẳng cai dâm nhà ngươi, nhận lời mau mắn làm sao, cũng chẳng thèm từ chối lấy lệ… Hồng cô nương dù gì cũng đã cắm chân hương trong Thường Thắng sơn, sau này muốn rút chân hương xuống núi, rửa tay gác kiếm đâu phải chuyện dễ dàng, đến lúc đó xem ta làm khó ngươi thế nào.”
Hai người trong lòng đã chia rẽ sâu sắc, có điều vẫn chưa để lộ ra ngoài mà thôi, lúc này trong tửu lâu thực khách đã dần đông lên, ngồi kín hết chỗ, chuyện bí mật không tiện thổ lộ chỗ đông người, Gà Gô và lão Trần tuyệt nhiên không nhắc đến việc trộm mộ nữa, chỉ lẳng lặng uống rượu ngắm cảnh, chỉ trỏ phong cảnh núi non.
Không ngời mới uống được nửa tuần rượu, chợt nghe đám thương nhân bàn kế bên trong lúc nói chuyện cứ nhắc đi nhắc lại mấy từ “phong thủy đổ đấu”, hai người liền bị thu hút. Đám người này cố ý hạ thấp giọng, nhưng làm sao giấu được bốn cái lỗ tai chuyên nghe huyệt tìm mộ táng của hai bấc trùm sỏ đổ đấu.
Gà Gô và lão Trần đều quen hành tẩu trên giang hồ, kinh nghiệm vô cùng phong phú, thường nghe nói “người trên giang hồ”, vậy thế nào mới gọi là giang hồ? Thực ra giang hồ không phải toàn đánh đấm giết chóc, mà là tên gọi của một dạng xã hội ngầm, có hệ thống quy củ và ám ngữ riêng, sống nhờ vào xã hội bình thường, người chưa từng tiếp xúc với xã hội này đương nhiên không thể hiểu, nhưng nếu gặp phải dân trong nghề thì chỉ nhìn qua là biết ngay. Nhìn bề ngoài hai người có vẻ dửng dưng, vừa uống rượu vừa nói chuyện phiếm, nhưng từng lời của đám thương khách đều không lọt khỏi tai họ một chữ.
Sáu người khách ăn mặc theo lối thương gia ngồi quây quanh cái bàn bên cạnh, người nào người nấy cao to lực lưỡng, uống rượu nói chuyện đều phải lom khom cúi người nhìn là biết kẻ quanh năm đào mộ, lại thêm trên người còn thoang thoảng mùi đất tanh. Thứ mùi này chỉ có dân trộm mộ quanh năm đào đất, phá quan, khiêng xác, kỳ cọ tóe máu cũng không hết được, nhưng người bình thường thậm chí ngay chính họ cũng không ngửi ra.
Đám người này gặp phải lão Trần và Gà Gô thì giấu sao nổi. Lão Trần lẳng lặng nghe ngóng quan sát, sớm đã nhận ra mấy thương khách này đều là dân trộm mộ cải trang, thầm nghĩ không biết lũ trộm vặt có mắt như mù nào lại dám mò đến Tương Âm đổ đấu thế này? Bèn nháy mắt ra hiệu với Gà Gô, lặng im nghe xem bọn chúng định mưu đồ gì.
Chỉ nghe mấy tên trộm giả dạng thương khách đang bí mật bàn bạc, mộ gã mặt rỗ nói: “Lần này gọi anh em tới là muốn bàn một chuyện đại sự. Gần đây việc phiến quân đào trộm mộ ở huyện Nộ Ninh Tương Tây, chắc anh em đã nghe cả rồi chứ?”
Một gã mặt sẹo dáng vẻ cục cằn nói: “Việc này thực ồn ào quá, quân thổ phỉ trong vùng đều tham dự, ngay cả báo chí cũng đưa rặt tin này. Nghe nói có một nhóm phiến quân dùng rìu phá quan trong mộ cổ, kết quả làm làn khí trắng trong đó tràn ra khắp mộ thất, mẹ nó chứ, sơn dân trong vòng mười mấy dặm đều nhìn thấy làn khó đó. Cùng lúc, một cỗ cương thi bỗng dưng bật dậy từ trong áo quan, mồm nhả ra một viên kim đơn trấn thi, đám trộm mộ sợ quá tán loạn quay đầu bỏ chạy, cừ thật, dọa người hay lắm…”
Gã mặt rỗ khinh bỉ nói: “Giả Lão Lục, ông biết cái cóc khô gì, đấy toàn là bọn ký giả trong tỉnh bịa ra làm nhiễu thông tin thôi, nếu không viết vậy thì tờ báo rách của bọn nó đến chùi đít cũng không ai thèm.”
Một tên có cái cổ như trục xe ngồi bên liền hỏi: “Ngô Lão Đại này, tôi có cậu em họ đang kiếm cơm trong đám phiến quân, nghe cậu ta nói đến Lão Hùng Lĩnh Tương Tây trộm mộ lần này là một đội quân gồm vô số người ngựa. Chúng ta chỉ có mấy anh em thế này thì làm được trò trống gì? Vả lại, ăn đồ thừa người khác bỏ lại cũng không đỡ thèm được đâu.”
Gã mặt sẹo tên Giả Lão Lục cũng phụ họa: “Nhị Bột Tử nói phải đấy. Anh Ngô ạ, hiện nay mộ cổ trong núi sâu huyện Nộ Ninh đa phần đều đã bị bọn phiến quân thổ phỉ vét sạch cả rồi, chúng ta lại đi “lọc hố” thì còn kiếm chác được gì? Vả lại chúng ta không thông thuộc địa hình nơi đó. Theo ý anh em, chẳng thà chạy đến Thiểm Tây cho xong, nghe nói ở đó có một ngọn núi lớn bên trong chôn một vị nữ Hoàng đế, với mấy gã trai bà ta lén lút qua lại lúc sinh tiền.”
Gã mặt rỗ lại chặn họng Giả Lão Lục: “Này, im con mẹ nó mồm ông đi, làm như chỉ mình ông là hiểu biết, ông thông thuộc đất Thiểm Tây đấy phỏng? Còn bày đặt giả vờ giả vịt trước mặt tôi, tôi bóp ông chết trước… Giờ nói vào việc chính đây, chuyện ở Tương Tây mặc dù đã đồn đại khắp nơi, nhưng càng nơi đầu sóng ngọn gió lại càng dễ kiếm chác. Cứ theo kinh nghiệm của Ngô Lão Đại tôi thì Lão Hùng Lĩnh rất có thể còn một khu mộ táng lớn, đám thổ phỉ phiến quân ô hợp kia biết gì về thuật trộm mộ chứ hả? Tiên sư… chúng nó chỉ đào bới lung tung thôi, mộ thất thực sự bao giờ cũng chôn sâu dưới lòng đất, đào sâu ba thước thì sao thấy được. Tôi đoán cái bọn phiến quân kia chỉ đào được mấy ngôi mộ táng nông toẹt cận đại, còn ngôi mộ cổ nhét đầy vàng bạc trong núi vẫn chưa lộ diện tí nào đâu.”
Giả Lão Lục và Nhị Bột Tử nghe thế đều nỏi máu tham nhưng suy đi tính lại, bọn phiến quân thổ phỉ cứ hở ra là dùng đến cả nghìn người, lại chả xới tung vùng đồi này rồi ấy à? Mộ cổ ngay bọn chúng cũng không đào được, ắt chôn giấu kỹ lắm, có trời mới biết là chỗ nào. Tuy thuật đổ đấu của Ngô Lão Đại không ai sánh bằng, nhưng muốn tìm lăng tầm dưới lòng đất e không dễ tẹo nào,chẳng lẽ lại phải học theo Ngu Công dời núi, đào bới mãi đến đời con đời cháu, cứ thế này chắc đến đời chắt mới đào được đến nơi.
Lão Trần và Gà Gô nghe đến đây đã có ý khinh thường, té ra là mấy tên trộm vặt không biết trời cao đất dày, ngồi đây nghe bọn chúng nói vớ vẩn cũng chẳng ích gì, đợi lát nữa cử hai tên thuộc hạ lanh lợi tìm nơi vắng vẻ kết liễu chúng, quẳng xác xuống hồ là xong, khi không lại bị chúng làm cho cụt hứng.
Đúng là hai người định mác xác chúng thì lại nghe Ngô Lão Đại mặt rỗ cười nhạt một tiếng, hạ giọng nói đám đàn em: “Lũ quê mùa các ông, tưởng trộm mộ thực sự chỉ là bới đất đào hố thôi chắc, những tay cao thủ trộm mộ thực sự đều dùng mắt để nhìn, đấy gọi là xem phong thủy. Mộ cổ trong núi đều chôn ở nơi có đất báu phong thủy tốt, chỉ cần tìm ra long mạch, một nhát xẻng đào xuống là đủ để kiếm chác, đâu phải cứ đào bới lung tung mà được. Cái đạo cao thâm tầm long điểm huyệt này các ông có hiểu không hả?”
Mấy tên còn lại lắc đầu: “Chúng tôi là ếch ngồi đáy giếng, không hiểu đâu. Lẽ nào anh Ngô lại biết cả tầm long điểm huyệt? Vậy mà thường ngày giấu kỹ thế?”
Ngô Lão Đại kia bèn cao giọng: “Tôi đoán ngay các ông không hiểu mà. Nhưng nói thật, tôi cũng chẳng hiểu mẹ gì, chúng ta không hiểu cũng không sao, tôi nói các ông đừng phao tin ra ngoài, trong thành có tay thầy bói họ Hồ, mở một cửa hiệu gieo quẻ xem tướng đoán chữ ngay đường cái, nói về phúc họa chẳng sai tẹo nào. Thế thì cũng thôi, quan trọng là người này rất giỏi xem đất, âm trạch dương trạch không gì là không tinh thông, chỉ cần lão ấy biết là được rồi. Đợi tý cơm no rượu say, ta vào trong thành hỏi thăm xem lão họ Hồ ấy ở đâu, đợi khi trời tối lẳng lặng xông vào trói nghiến lão lại, mang sinh mệnh già trẻ lớn bé nhà lão ra uy hiếp, bắt lão phải chỉ huyệt vị phong thủy trong núi cho bọn ta, lúc ấy lo gì không tìm thấy ngôi mộ cổ to nhất trong rừng sâu núi thẳm. Đợi bọn ta đào được đầy chầu đầy bát rồi thì cho cả nhà lão đi luôn, con bà nó, đảm bảo thần không hay quỷ không biết.” Lão Trần và Gà Gô đưa mắt nhìn nhau, không khỏi kinh nhạc, đám trộm này âm mưu thật độc ác. Thường Thắng sơn tuy là phường trộm cướp táo tợn nhưng không dám làm thứ việc hạ cấp này, lẽ nào trong thành có lão họ Hồ biết xem phong thủy thật? Trước đây chưa nghe nói bao giờ, không biết là thật hay giả, có điều cõi trần rộng lớn, hào kiệt đông đúc, mắt trần không nhìn ra được bỏ lỡ mất bao dịp may, nay gắp được cơ duyên này, lẽ nào lại không vào thành gặp lão ta một chuyến? Người này có phải là hữu danh vô thực hay không, phải thử mới biết được.