Gà Gô lắc đầu nói: “Hắc Thủy Thành Tây Hạ bị bão cát vùi lấp, thuật Ban Sơn Điền Hải quả thật không làm gì nổi. Nhưng tương truyền trên đời này có Mô Kim hiệu úy giỏi sưu sơn tầm long, phân kim định huyệt, trong Tầm Long quyết của họ có bí thuật về Thiên tinh phong thủy, có thể ngửa cổ nhìn sao trời, cúi đầu tìm địa mạch, nếu học được thuật này, hoặc mời được Mô Kim hiệu úy tới tương trợ, việc tìm dấu vết Thông Thiên Đại Phật tự và Hắc Thủy thành sẽ dễ như thò tay vào túi lấy đồ vậy.”
Lão Trần nói: “Mô Kim hiệu úy? Nghe nói truyền đến đời Trương Tam Gia cuối thời nhà Thanh, dưới gầm trời này chỉ còn lại có ba tấm bùa Mô Kim thôi, từ sau thời Dân Quốc đã không còn nghe nói trên đời có sự tích phái Mô Kim nữa rồi. Cứ cho là nay vẫn còn hai ba cao thủ biết thuật Phân kim định huyệt, nhưng bậc cao nhân như thế biết tìm đâu bây giờ?”
Nghe nói trụ trì chùa Vô Khổ trước khi xuất gia từng là một Mô Kim hiệu úy, có điều thời nay những chuyện khoác lác vô căn cứ quá nhiều, lão Trần và Gà Gô chưa gặp vị trưởng lão này bao giờ nên không biết lai lịch thật thế nào, vả lại lão hòa thượng đó tuy tinh thông thiền học nhưng tuổi tác đã cao, có trời mới biết ông ta giờ còn sống trên đời hay không. Huống hồ bí thuật Thiên tinh phong thủy của Mô Kim hiệu úy có triển khai được trên sa mạc hay không, cũng chưa dám nói chắc.
Gà Gô và lão Trần ai cũng có việc đại sự không thể không làm, đều cho rằng “việc người kia nghĩ thực mù mờ vô căn cứ, khó mà thành công”, hai bên tâm ý đã định, dù tám bò chín trâu kéo cũng nhất định không chịu quay đầu, nói đến cùng cũng chỉ chốt lại một câu “mỗi người mỗi chí, không thể cưỡng cầu”, đành chia tay nhau ở Tương Âm, chuẩn bị đường ai nấy đi, người đi tìm lăng mộ Hiến Vương, kẻ tới Hắc Thủy thành.
Mấy ngày sau tin tức lại truyền về, đám sơn tặc thảo khấu quanh Lão Hùng Lĩnh đã nhất loạt động binh, đến cổ mộ trong đơn cung Bình Sơn “lọc hố”, các bên xảy ra xung đột vũ trang kịch liệt , nhân mạng thương vong rất nhiều , bọn chúng không chỉ hủy sạch sơn động tổ đơn cung, mà vừa hưởng được chút lợi lộc nên tưởng đào mộ dễ phát tài to, liền tập hợp đội ngũ , đánh phá huyện thành, dùng mìn nổ tung cổ tháp Phụng Minh của huyện Nộ Tinh.
Tòa cổ tháp này rất linh nghiệm, trước đây từng xây đi xây lại đến tám lần, mỗi lần không quá mời năm đều tự dưng sập xuống, hoàn toàn không phải do bớt công giảm liệu hay có người phá hoại, nguyên nhân không sao lý giải nổi, đến tận lần tu sửa cuối cùng vào đời nhà Nguyên mới giữ được đến giờ, là di tích nổi danh trong vùng.
Thổ phỉ và phiến quân địa phương nhân thanh thế trộm mộ Bình Sơn, dùng cực hình tra khảo vị sư già canh tháp, biết được bên dưới tháp Phụng Minh có một lăng mộ cổ, có thể chính là vị Lạt ma chết cùng tay tướng Nguyên trong núi Bình Sơn.
Đám trộm nắm được tin tức, liền cho nổ tung cổ pháp dưới móng tháp quả nhiên tìm thấy cánh cửa đá ngàn cân, có điều bên trong ngoài kim thân của Lạt ma ra cũng không có nhiều châu báu lắm, lại gặp phải sự cố quỷ nhập tràng nhả đơn, trong lúc hỗn loạn có kẻ châm thuốc nổ làm chết không biết bao nhiêu người. Dân chúng đều bảo do cổ tháp bị hủy, kinh động đến Thi vương trong núi, nhà nào nhà nấy thi nhau dán bùa Thần Châu, cả Lão Hùng Lĩnh nhớn nhác như ong vỡ tổ, khắp nơi kinh động không yên.
Lão Trần nghe thế thì nổi cơn thịnh nộ, cơ hội đám trộm Xả Lĩnh lỡ để tuột mất rốt cuộc lại rơi vào tay đám trộm tép riu ngoại đạo, bảo sao không buồn phiền cho được, càng nghĩ lại càng muốn làm một vố lớn chấn hưng thanh thế.
Vừa hay gặp đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch, chính là ngày Quan lão gia mài dao, phải tổ chúc đại lễ thưởng phạt mỗi năm một lần. Đám trộm cướp cắm chân hương trong Thường Thắng sơn vào ngày này đều từ khắp nơi kéo về tụ họp, lập hương đường trong miếu Thánh Vũ Tương Âm, cúng thần bái thánh, triệu tập các đầu đảng trộm cướp thổ phỉ, bảy tám trăm người cùng tề tựu trước lễ đường.
Mười lần như một, rằm tháng Ba năm nào trời cũng mưa. Trên trời mây đen giăng kín, mưa bụi lất phất, đát trời xám xịt, thi thoảng lại có tiếng sấm đì đùng, lễ đường tuy rộng cũng chỉ chứa được hơn trăm con người, số còn lại phải đứng dưới trời mưa. Lần này thất bại nên không so được với mọi năm, không khí nặng nề khác thường, gần ngàn con người lạnh ngắt như tờ.
Đầu tiên Trần thủ lĩnh bước lên, dẫn mọi người dập đầu lạy Quan Công đao, sau đó đốt hương khấn vái trái thần vị. Dân trộm cướp hương không giống với người thường, theo lệ cũ chỉ đốt ba nén rưỡi, bên trong có rất nhiều quy củ điển cố về tôn trọng đạo nghĩa, ngầm ám chỉ nghĩa khí giữa những kẻ đào mộ.
Nén thứ nhất đốt cho Dương Giác Suy và Tả Bá Đào thời Xuân Thu chiến quốc. Năm đó hai người kết bạn đi nhờ vả nước Sở, giữa đường cơm áo thiếu thốn chỉ đủ cho một người dùng, Tả Bá Đào vì muốn Dương Giác Suy thuận lợi đến được Sở đã tự vẫn chết, quần áo lương thực đều để lại cho bạn, hy sinh mạng sống giúp cho Dương Giác Suy hoàn thành sự nghiệp.Tấm lòng người xưa đến nay vẫn khiến người đời cảm kích.
Hai nén còn lại lần lượt đốt cho ba anh em kết nghĩa vườn đào là Lưu Quan Trương và một trăm lẻ tám tướng Lương Sơn Thủy Bạc, họ vừa có cái “nghĩa” huynh đệ, lại vừa có cái “trung” quân thần. Thêm vào hai bậc tiền nhân Dương Tả đến chết vẫn không phụ nhau, truyền lại tiếng thơm, khiến người đời sau thành tâm cúng bái, được thụ toàn hương.
Một nửa nén hương cuối cùng đốt cho các hảo hán ở Ngõa Cương trại. Vì sao các anh hùng ở Ngõa Cương trại không được thụ toàn hương? Là vì vào thời Tùy Đường, Tùy Dạng đế vô đạo, thiên hạ đại loạn, ở Giả Gia Lâu có ba mươi sáu bạn hữu cùng nhau kết nghĩa tạo phản, họ tụ nghĩa ở Ngõa Cương trại, dựng cờ hiệu muốn thay trời hành đạo, trừng phạt hôn quân bất nghĩa, một độ danh nổi như cồn. Về sau đám người này thuận theo ý trời quy thuận Lý Đường, duy chỉ Đơn Thông Đơn Hùng Tín là thà chết chứ nhất định không chịu hàng Đường, vì thế mà mất mạng, lúc bị giải đến pháp trường hành hình, trong số các anh em kết nghĩa của ông ta chỉ có Tần Quỳnh Thúc Bảo một mình đến đưa tiễn bạn . Cái chết tình nghĩa Ngõa Cương không trọn vẹn nên chỉ đốt cho họ nữa nén hương, cũng là để cảnh báo hậu nhân.
Đốt hương kính cáo thần linh xong bắt đầu đến mục luận công lĩnh thưởng mỗi năm một lần của phá Xả Lĩnh, những kẻ làm điều xằng bậy cũng sẽ bị trừng phạt hôm nay. “Trộm cũng có đạo” nghĩa là quân trộm cướp vẫn mang bản sắc Lương Sơn, quan bức thì dân phản, vào rừng làm cướp, hoặc có tài không gặp thời tạm nương thân chốn lục lâm, đều không có gì đáng hổ thẹn. Có điều trộm cướp cũng có quy định của trộm cướp, kẻ nào dám phạm điều cấm kỵ coi như tự tìm cái chết, Thường Thắng sơn trừng phạt vô cùng nghiêm khắc.
Lão Trần ra lệnh cho người chấp sự bước lên trước, nhắc lại một lượt những điều cấm kỵ của Thường Thắng sơn, người chấp sự bày hết các loại hình cụ ra trước hương án, đoạn đọc to: “Vong ân bội nghĩa quên trung nghĩa, chặt chân bẻ tay đào hố chôn; dưới trướng làm phản không tuân lệnh, tám mươi gậy hồng da thịt nát; tham thủy thông phong[36] bị bắt gặp, tam đao lục động[37] cũng khó tha; nói lời sơ sẩy phá hoại sơn danh, lấy răng mà tự nhai lưỡi…”
Đợi chấp sự đọc hết từng điều một, lão Trần liền vẫy tay làm hiệu cho thuộc hạ áp giải bảy tám tên trộm bị trói giật cánh khuỷu ra trước lễ đường. Mấy kẻ này lúc Bình Sơn sập xuống đã ôm theo châu báu đào ngũ cùng đám phiến quân của La Lão Oai, về sau đều bị bắt giải về đây. Bọn họ thấy thủ lĩnh mặt nặng như chì, sát khí bao trùm khắp lễ đường thì biết phen này chết chắc, người nào người nấy nhũn ra như bún.
Chỉ nghe tiếng lão Trần hỏi chấp sự: “Theo quy định của Thường Thắng sơn ta, những kẻ lâm trận ôm theo minh khí đào ngũ làm phản phải xử thế nào?”
Chấp sự đáp: “Tội này quá lớn, không thể dung tha. Theo lệ phải chặt đầu dưới đao, chết rồi mà không được an táng hoàn thân.” Bảy tám tên trộm bị trói nghe rõ mồn một từng câu từng chữ, mặt mày xám ngắt, việc đến nước này không thể trách ai, mình làm mình chịu, đành nhắm mắt chờ chêt, những người chứng kiến trước lễ đường cũng đều run rẩy sợ hãi.
Những lão Trần lại nói: “mộ cổ Bình Sơn đã cướp mất nhiều huynh đệ của ta, lỗi này do tôi lâm nguy do dự, trước khi hành sự không chu toàn kế hoạch, theo lệ cũng phải rơi đầu dưới đao, về lý thì phải chặt đầu tôi trước. Mấy anh em này tuy có tội nhưng chưa đến mức phải đáng chết, dập đèn[38] trừng trị là được rồi.”
Đám trộm ai cũng thán phục lão Trần lòng ngay dạ thẳng, vội lên tiếng khuyên ngăn, nói chuyện Bình Sơn là do ý trời muốn Thường Thắng sơn ta phải tổn thất chuyến này, đây đâu phải chuyện sức người có thể xoay chuyển được, nên sai không ở một người, Thường Thắng sơn quyết không thể như rắn mất đầu, sau này còn mong thủ lĩnh dẫn anh em ngóc đầu dậy.
Lão Trần vốn cũng tiếc cái mạng sống hơn năm mươi cân của mình, cố làm ra vẻ đòi sống đòi chết một hồi, được mọi người khuyện giải liền mượn dốc xuống ngựa, tiện thể tha luôn mấy tên trộm kia, lệnh cho họ theo mình lấy công chuộc tội. Mấy tên này giữ được mạng sống, nước mắt nước mũi ròng ròng, cam tâm tình nguyện nghe lời thủ lĩnh.
Lão Trần bước tới trước lễ đường, quay về phía mọi người cao giọng nói: “Hiện nay thế đạo suy yếu, chính là lúc anh hùng hảo hán kiến công lập nghiệp. Mười vạn quân trộm cướp Xả Lĩnh chúng ta, sau khi đạo quân Xích Mi bị bại trận dưới thời nhà Hán thì tứ tán bốn phương, tụ nghĩa sơn lâm, bước vào giang hồ đã lâu, tuy chỉ làm những việc đổ đấu kiếm lợi, chia của tụ nghĩa nhưng trong lòng vẫn luôn mưu đồ việc lớn. Nhìn cục diện thiên hạ hiện nay tứ hải rối ren, lòng người thay đổi, chúng ta lẽ nào lại ngồi im? Hiểu thời cuộc mới là trang tuấn kiệt, biết thế đạo mới xứng bậc anh hùng, gặp cơ hội tốt này chúng ta anh hùng hợp chí, hào kiệt đồng tâm, tất sẽ đoạt được áo tím đai vàng, lưu danh sử xanh, không uổng phí một đời.”
Đám trộm toàn phường mạt hạng, nghe những lời sặc mùi kích động của lão Trần lập tức hò hét rầm trời. Có điều các phiến quân ở phương Bắc hiện nay thế lớn lực mạnh, trang bị toàn súng tây pháo tây vô cùng lợi hại, Thường Thắng sơn tuy có mấy cánh phiệt quân nhưng vẫn khó lòng chống chọi với chúng, không có súng ống đạn dược hiện đại việc lớn khó thành.
Lão Trần bảo, đám trộm mộ Xả Lĩnh đã quen kiếm ăn bằng nghề trộm mộ, bất cứ lăng mộ cổ xưa nào cũng phải chứa đến già nửa của cải trong thiên hạ đương thời, chỉ cần đào được một tòa Đế lăng hoặc mộ chư hầu vương nguyên vẹn thì từ vàng bạc châu báu đến báu vật thượng cổ e là vạn người lấy trong mấy tháng cũng không hết . Vừa hay hôm trước biết tin, sau núi Già Long bên dòng Lan Thương có lăng mộ Hiến Vương, trong mộ xa hoa trang nghiêm, đa phần không chỉ là phàm vật nhân gian, nếu đào được ngôi mộ này thì đại sự ắt thành, của cải châu báu mười đời cũng không tiêu hết.
Nhưng Vân Nam núi cao đường xa, lại vượt suối băng đèo không phải ngày một ngày hai là tới, lại cách xa địa bàn Thường Thắng sơn, gian nan nguy hiểm trùng trùng không nói đã biết, song đây cũng là cơ hội vang danh tên tuổi, kiếm một mẻ lớn. Trong đám trộm, những kẻ có dã tâm lớn liền muốn đi ngay, đám lão thành già cả lại chủ trương không đi, còn đa số đều chần chừ không quyết, bèn tranh luận ầm ĩ cả lên.
Lão Trần từ khi thất bại trên núi Bình Sơn, cảm thấy người đông việc lại khó thành, lần này chỉ cần ma mấy chục người xuống Vân Nam, nếu chẳng may thất thủ cũng không đến nổi mất nhiều nhân mạng, bằng không lỡ chết thêm vài trăm người nữa, dù người xung quanh không nói năng gì, lão cũng chẳng còn mặt mũi nào mà làm thủ lĩnh. Chủ ý đã quyết, đợi cho tiếng ồn trong lễ đường lắng bớt, lão mới sai bày giấy vàng, lập đại chú Quá Hồng Kê truyền lại từ xa xưa, quyết định ai đi ai không.
Mọi người lập tức tán đồng, thuận mệnh nghe trời như thế để không ai cấn cá do dự, những kẻ muốn lập công chuộc tội đương nhiên phải đi, số còn lại ai bị Hồng Kê chỉ định cũng chẳng nói thêm được nữa.
Lục lâm chính là hắc đạo, đốt hương lập hội đều không thể thiếu những việc chặt đầu gà, đốt giấy vàng, thề thốt lập minh ước. Quá Hồng Kê cũng là một loại trong Tài Kê lệnh nhưng không phải thề thốt kết nghĩa mà chọn ra đội cảm tử quân đi trộm mộ.
Vậy Quá Hồng Kê làm thế nào để chỉ định tên người? Chỉ thấy dưới màn mưa mù lâm thâm, trong miếu Quan Đế đèn đuốc sáng choang, trước tên giấy bút được mang ra, tên họ của đám trộm Xả Lĩnh được viết cả lên một trang giấy vàng lớn, do người quá đông nên khi viết xong nhìn lại, trang giấy chỉ chit chẳng còn trống chỗ nào, trợ thủ cùng lão Trần tới núi Già Long ở Vân Nam sẽ được chọn ra từ danh sách này, đi bao nhiêu người, những ai đi, hết thảy đều nghe theo ý trời.
Người chấp sự chọn ra một con gà trống khỏe mạnh, đứng trước mọi người hát một lượt bài “Tài kê tán”, cũng không ngoài những câu như: “Gà mày vốn ở trên trời, có sao xuống hạ giới này làm chi? Phàm nhân có nó như không, ta đây đệ tử đem tài hồng kê…” Hát hết bài tán người chấp sự liền lôi ra một con dao sang loáng, quỳ gối trước mặt lão Trần: “Dám hỏi thủ lĩnh hôm nay tài phượng hoàng kê, dùng văn tài hay là võ tài[39]?”
Lão Trần đang ngồi ngay ngắn trên lễ đường, lúc này liền đứng dậy hành một lễ với con gà phượng hoàng, đoạn bảo người chấp sự: “Chiếu theo lệ cũ của Xích Mi, Hồng kê này đem điềm danh trạng nên không dùng văn tài cũng không dùng võ tài, phải xem khẩu tài của người anh em.”
Chấp sự nhận được hiệu lệnh “khẩu tài” bèn ngậm lưỡi dao trong mồm, nhấc con gà trống lên trước mặt, xoay đầu một cái, lưỡi dao trong mồm lập tức rạch đứt cổ gà, sau đó chấp sự há mồm nhả dao, đoạn kêu to: “Đỏ quá này!”, hai tay núm chặt lấy con gà đã bị cắt đứt khí quản đưa đến trước tấm giấy vàng đang trải trên hương án, quét qua một lượt từ Tây sang Đông, tiết gà vừa hay phun ra, máu nóng rỏ xuống ướt đẫm tờ giấy.
Trên tờ danh sách, phàm tên người bị tiết gà nhỏ trúng liền coi như “phạm hồng”, những người này sẽ phải đi Vân Nam với lão Trần, tính đi tính lại được hơn ba chục người, lập tức tuyên đọc danh tính.
Những người nào không vào hồng danh đều chắp tay chúc mừng người “phạm hồng”, rượu mừng lũ lượt mang ra; những người được điểm tên cần phải uống liền ba bát huyết tửu cho vững dạ, rượu rót đến đâu cạn đến đấy. Huyết là tiết gà vàng, rượu là rượu Đỗ Khang, uống hết huyết tửu coi như đã loại bỏ hết ám khí trên “điểm danh trạng”. Lão Trần lại phát ngay tại chỗ cho mỗi người một khoản tiền đề lo liệu cho già trẻ trong nhà, gọi là “tiền cược mạng”.