Ma Thổi Đèn

Quyển 6 - Chương 39: Xạ nhật




Tôi vừa tiến vào gian thần điện trong lòng núi giữa biển này, nhớ đến cảnh tượng trông thấy trong Quy miên địa ở Nội Mông mười mấy năm về trước, trong lòng bất giác rối như tơ vò, bèn cùng Tuyền béo ba hoa phét lác một hồi, nói toàn mấy chuyện lăng nhăng cho bớt phần căng thẳng. Nhưng đúng lúc ấy, Shirley Dương lại nói, hai chữ “Hận Thiên” này, rất có thể tương tự chuyện ma cà rồng hút máu căm hận mặt trời trong truyền thuyết phương Tây.

Tôi ngẩng nhìn những đầu người bằng đồng xanh treo lơ lửng trên trụ đá, không hiểu Shirley Dương nói vậy là có ý gì. Chuyện về ma cà rồng thì tôi không rõ cho lắm, nhưng tôi cũng biết, những truyền thuyết kiểu như vậy cũng chỉ là một dạng Liêu Trai chí dị của phương Tây, trên đời này lấy đâu ra ma cà rồng hút máu thật chứ? Hình xăm trên lưng Cổ Thái có tiêu ký của Quy Khư, rõ ràng cậu ta chính là hậu duệ của người nước Hận Thiên. Lúc lênh đênh trên biển phơi nắng không biết bao nhiêu lần, cũng có thấy cậu ta có điều gì dị thường đâu chứ?

Shirley Dương lắc đầu nói: “Tôi chỉ lấy một ví dụ trực quan cho các anh dễ hiểu thôi, ma cà rồng hút máu coi mặt trời là kẻ thù, phương Tây có, phương Đông chắc gì đã không có. Tôi e người nước Hận Thiên chính là một dân tộc thù địch mặt trời như thế. Các anh nhìn mà xem, những bức tượng đồng còn nguyên vẹn, đầu đều đội mũ hình xương cá; còn những bức bị chặt đầu, toàn là đội mũ hình con quạ lửa. Tất cả những nền văn minh cổ đại cực thịnh trên thế giới đều khởi nguyên ở lưu vực các con sông lớn, chẳng hạn như sông Hoàng Hà, sông Hằng, sông Euphrates, sông Amazon. Có lẽ, tổ tiên người nước Hận Thiên từng thuộc một nhánh của nền văn minh Hoàng Hà ở Hoa Hạ. Vào thời Ân Thương và những thời kỳ trước đó, con người coi cá là biểu tượng của mặt trăng, còn quạ lửa là biểu tượng cho mặt trời, những tượng đồng đội mũ hình quạ lửa, rất có thể chính là hóa thân của mặt trời mà người Hận Thiên coi là kẻ thù.” Giai đoạn trước thời Ân Thương, được coi là thời đại truyền thuyết trong lịch sử Trung Quốc. Từ khi cùng Tuyền béo làm Mô Kim hiệu úy rồi buôn bán ở Phan Gia Viên, tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều cổ vật, cũng biết rất nhiều câu chuyện truyền thuyết trong lịch sử, nhưng về mặt này, dẫu sao cũng không bằng được người có học uyên thâm như Shirley Dương, nên nhất thời cũng không thể lý giải tại sao người Hận Thiên lại căm thù mặt trời như thế. Trong quan niệm thông thường của mọi người, chẳng phải là mưa gió tưới tắm cho mùa màng tốt tươi, vạn vật muốn sinh trưởng phải nhờ vào ánh mặt trời đó hay sao?

Shirley Dương xoay chuyển ngọn đèn pha cho cột ánh sáng chầm chậm di động, ánh mắt chúng tôi cũng chăm chú nhìn theo. Chỉ thấy, trong gian đại điện này còn rất nhiều mảnh vỡ của “thạch tiễn” chìm ngập trong nước. Đây là hóa thạch của một loài sinh vật biển cổ đại, hình dạng như con mực, đầu nhọn như mũi tên, có thể chế thành vũ khí. Ở đỉnh đại điện có một bàn đá tròn, trên đặt con quạ đồng bị mũi tên đá bắn xuyên chi chít.

Gian thần điện dưới đáy biển này có niên đại đã quá xa xưa, rất nhiều vật phẩm bị bào mòn hủy hoại, nhưng nhìn tư thế của những tượng đồng đội mũ xương cá vẫn có thể nhận ra, dường như đây đều là những võ sĩ đang giương cung đáp tiễn, những đầu lâu bằng đồng treo trên cột trụ chính là chiến lợi phẩm của họ, cái bàn đá có tiêu ký quạ lửa bằng đồng dường như tượng trưng cho mặt trời bị bọn họ bắn tên xuyên thủng.

Shirley Dương đợi chúng tôi nhìn kỹ càng rồi mới nói: “Đại điện này ghi chép lại truyền thuyết chiến tranh của người nước Hận Thiên, mới đầu tôi cũng không hiểu lắm, nhưng vừa nhìn thấy con quạ lửa và tiêu ký biểu thị mặt trời, liền sực ngộ ra, bọn họ chính là bộ tộc trong truyền thuyết ‘Xạ nhật’ của văn minh Hoàng Hà đấy.”

Tôi và Minh Thúc, Tuyền béo đều ngơ ngác nhìn nhau: “Xạ nhật? Hậu Nghệ xạ nhật?” Tương truyền, thời thượng cổ, trên trời có mười vầng dương, làm cho mặt đất khô cạn nứt nẻ, cây cỏ cũng không sống nổi, thần xạ thủ Hậu Nghệ bèn dùng cung tên bắn rớt chín cái. Về sau, ông ta bị vợ là Thường Nga lén trộm thuốc trường sinh bất tử rồi bay lên cung trăng trốn. Xạ nhật, bôn nguyệt[50], thuốc tiên trường sinh bất tử, đây toàn là truyền thuyết thần thoại, trẻ con ba tuổi cũng biết là chuyện phịa, nhưng giờ lại nghe từ miệng Shirley Dương nói ra, mấy người chúng tôi đều không dám tùy tiện phản bác để khỏi phải lộ ra bản chất vô học vô thuật của mình. Thế giới mênh mông, chuyện kỳ lạ gì mà chẳng có, biết đâu hồi xưa trên trời có mười vầng mặt trời thật cũng không chừng.

Shirley Dương thấy chúng tôi người nào người nấy trợn mắt há hốc miệng ra, biết là đã có hiểu lầm, liền nói: “Các anh nghĩ đi tận đâu đấy? Trên trời chỉ có một mặt trời, một nước không thể có hai vua. Tôi chỉ muốn nói, người dân nước Hận Thiên, là một dân tộc sùng bái totem Xạ nhật mà thôi. Trong tín ngưỡng của họ mặt trời rất có thể là thần hoặc totem của thế lực đối địch.”

Hiện nay, có học giả cho rằng nền văn minh Maya ở Nam Mỹ có nhiều điểm tương đồng với văn minh Thương Chu của Trung Quốc, thậm chí còn nêu giả thuyết người Maya chính là hậu duệ của người Trung Quốc, vì tượng thần và totem, cùng với phục trang và kiến trúc của hai bên giống nhau cực kỳ. Có điều, quan điểm cho rằng nền văn minh Maya là do người nước Ân vượt biển lập nên đến nay vẫn chưa được công nhận. Người Maya là một dân tộc tôn thờ thần mặt trời, còn “Xạ nhật” là một truyền thuyết chiến tranh khởi nguyên ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà, những điểm này rất ăn khớp với lai lịch của nước Hận Thiên.

Ở vùng biển vực xoáy San Hô quanh năm sóng gió, đất nước cổ xưa tôn thờ totem là những mũi tên khổng lồ này từng đạt đến đỉnh cao của thuật luyện chế đồng thau, nhưng vì khai thác khoáng mạch long hỏa quá độ mà dẫn đến sóng thần núi lở, toàn bộ cơ đồ bị nhấn chìm xuống đáy biển, người dân sống sót lưu lạc thành Đản nhân lang bạt trên biển khơi. Nơi đây, rất có thể chính là một mỏ quặng khổng lồ, trụ đá và bệ đá đổ sụp ngoài kia có khả năng thuộc công trình dựng lên để lấy long hỏa luyện đồng, song đã bị chôn vùi nơi đáy biển. Ở trong hải nhãn hoang tàn, hải khí mờ mịt hỗn độn, nước biển lên xuống bất thường không theo một quy luật nào, tuyệt cảnh do tự nhiên tạo ra này khó lường và hiểm ác hơn những cạm bẫy vô số do con người bày đặt ra trong mộ cổ bội phần.

Nghĩ tới đây, tôi cũng rối trí, chỉ dựa vào hai chiếc xuồng cứu sinh bằng cao su, muốn yên thân thoát khỏi Quy Khư này đã khó lắm rồi, lại còn thiếu nước ngọt và lương thực, làm sao chúng tôi có thể vượt qua vực xoáy San Hô đầy rẫy sóng gió bão tố để trở về đảo Miếu San Hô đây? Tiếng sóng vỗ đập vào vách núi vang liên miên bất tuyệt bên tai, trong lúc này chúng tôi quả thực không có cách nào chèo xuồng ra ngoài tìm đường thoát khỏi nơi đây được. Tôi chợt nhớ, xác của Nguyễn Hắc vẫn còn nằm trên xuồng bên kia, bèn quyết định thực hiện di nguyện của người chết lúc sinh tiền, tìm chỗ chôn cất ông ta trước đã.

Đa Linh muốn mang di thể sư phụ về đảo Miếu San Hô an táng, nhưng tôi không đồng ý. Viên “trụ nhan châu” mà người chết ngậm trong miệng đúng là có tác dụng khiến thi thể không bị thối rữa, có điều cũng giới hạn ở những nơi đất lành mà thôi. Phong thủy hình thế có tốt có xấu, chỉ những nơi sinh khí đủ đầy hưng vượng như long mạch mới có thể đảm bảo xác chết không bị rữa nát. Mà nói về long khí phong thủy, thử hỏi khắp thiên hạ này có nơi nào so được với Quy Khư ở tận cùng mạch Nam Long này đây? Địa khí Nam Long từ núi Nga My men theo sông chạy ra biển, hội tụ cả tại nơi này, táng Nguyễn Hắc ở đây mới là lựa chọn tốt nhất, bằng không dù có ngậm ngọc trong miệng, gặp phải thời tiết nóng bức thế này, ở trên biển chưa đến ba ngày cái xác chắc chắn sẽ bốc mùi.

Tôi nói rõ tình hình với Đa Linh và Cổ Thái, sau đó đưa mắt nhìn xung quanh, gian điện đá này rất rộng và sâu, chúng tôi đã mất Khôi tinh bàn và Ti thiên ngư, người ở bên trong nhất thời cũng khó mà phân biệt được phương hướng. Cả bọn đành ngồi trên xuồng đi một vòng, thấy trên vách đá có một cánh cửa nhỏ bị ngập nước, dường như thông với một gian phòng nhỏ ở mé trên, bèn khua mái chèo xoay mũi xuồng tiến thẳng về phía đó.

Đột nhiên có mấy con cá lớn bơi vào lòng điện tránh sóng quẫy nước tung tóe, có con nhảy vụt lên mặt nước chỗ ngay bên cạnh xuồng cao su, làm cả mấy người ướt sũng sĩnh. Trong bóng tối, chúng tôi không nhìn rõ là loài cá gì, chỉ sợ cá lớn lật xuồng nhỏ, hết sức lo lắng, cảm thấy hai chiếc xuồng nhỏ này thực không hề an toàn chút nào.

Ở chợ đen trên đảo Miếu San Hô, súng ống đạn được thứ gì cũng có, hầu hết là vũ khí để lại từ thời chiến tranh Thái Bình Dương. Trước khi khởi hành, chúng tôi đã mua một ít để phòng thân. Tuyền béo rút ra một khẩu cạc bin M1 của Mỹ, nhằm xuống chỗ mặt nước có lũ cá đang quẫy loạn kia lia vài viên. Chỉ thấy, dưới ánh sáng đèn pha, có những dòng máu từ từ nổi lên, không đợi con cá chết ngửa bụng nổi lên mặt nước, đã thấy có mấy con cá mập rẽ sóng xông tới cắn xé tranh nhau làm thịt con cá xấu số chết dưới tay Tuyền béo.

Bọn tôi vừa trông thấy trong gian điện có cá mập tiến vào, thảy đều cả kinh thất sắc, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi mặt nước, cấp tốc khua mái chèo, cuối cùng cũng tiến vào cánh cửa đá thấp lè tè ấy. Xuyên qua một gian phòng nhỏ cũng ngập nước, phía trước mở rộng ra, ngẩng đầu lên có thể trông thấy vòm không đỏ như máu. Hóa ra, đây là một giếng trời trong lòng núi, chính giữa có một gò nhỏ nhô lên. Khi lại gần, chúng tôi mới nhìn rõ, cái gò nhô lên ấy, toàn bộ đều do vỏ trai vỏ ốc chất chồng lên mà thành, giờ đã bị nước biển nhấn chìm hơn nửa. Mặt tường lồi lõm trong lòng giếng gắn rất nhiều lồng đèn làm từ da nhân ngư.

Chúng tôi kéo xuồng cao su lên cái gò toàn vỏ trai, quan sát dấu vết bào mòn trên bốn mặt tường, liền biết được biên độ lên xuống của nước bên trong Quy Khư. Thời gian nơi này ngập hẳn dưới làn nước biển không nhiều lắm, cả vệt ngấn nước lẫn đường nét các bích họa trên tường đều còn khá rõ nét. Chỉ thấy, trên vách tường lốm đốm vết ăn mòn ấy, toàn là cảnh người xưa giết trai lấy ngọc, quần nhau với các loài cá dữ dưới đáy biển, thì ra các ngón nghề của dân mò ngọc đúng là được truyền ra từ nơi này. Vậy thì người Hận Thiên cổ có thể được coi như tổ sư gia của nghề mò ngọc ở Nam Hải được rồi.

Tôi nói với cả bọn, núi đá và di tích bên ngoài ngăn sóng biển, không phải lo nơi này đổ sập xuống chôn sống cả bọn. Ở Quy Khư, chẳng còn chỗ nào an toàn hơn nơi này nữa. Chúng tôi nghỉ ngơi tại chỗ mấy tiếng đồng hồ, sau đó, tôi và Cổ Thái khiêng xác Nguyễn Hắc ra khỏi xuồng cứu sinh chuẩn bị đem chôn. Tôi nói với Đa Linh và Cổ Thái: “Sư phụ của cô cậu là một kẻ mò ngọc số khổ, vất vả cả đời, hy vọng duy nhất chính là sau khi chết đi không phải làm thức ăn cho cá, lại có thể ngậm ‘trụ nhan châu’ mà nhập thổ vi an, giờ chúng ta làm cho ông ấy một cái áo quan bằng vỏ trai, chôn ở nơi này nhé. Hai cô cậu thấy thế nào?”

Đa Linh và Cổ Thái ủ rũ gật đầu. Cổ Thái nói: “Anh Nhất, em tin anh, sư tỉ và sư phụ rơi xuống biển, anh cứu họ, nguy hiểm thế mà cũng không chớp mắt, em chưa gặp ai như anh cả.”

Tôi nghe cậu ta nhắc đến chuyện tôi cứu Đa Linh và Nguyễn Hắc lúc trước, mới biết thì ra Cổ Thái ra sức liều mình giúp chúng tôi vớt Tần Vương Chiếu Cốt kính dưới xác tàu đắm, là muốn báo ân. Lúc này, tâm tư tôi đang hỗn loạn, cũng chẳng nghĩ đến việc kể công nữa, bèn chỉ bảo cậu ta và Đa Linh chuẩn bị thu xếp cho Nguyễn Hắc, rồi tìm cái vỏ trai thích hợp chôn cất cho ông ta.

Đa Linh cùng Cổ Thái dỡ tấm vải trắng bọc thi thể Nguyễn Hắc ra, lấy nước sạch rửa vết máu còn dính trên mặt, sau đó cẩn thận khâm liệm theo phong tục của dân mò ngọc. Người Nam Dương hầu hết thờ Phật, hai người xong xuôi bèn chắp hai tay trước ngực, cầu khấn cho vong linh ông ta sớm ngày thành Phật. Thế gian này, chuyện đau đớn nhất chẳng gì hơn sinh ly tử biệt, nghĩ đến vị sư phụ đã đối đãi với hai người họ như con đẻ giờ đã ra đi mãi mãi, sau này cũng không bao giờ gặp lại, Cổ Thái và Đa Linh không kìm được nước mắt đầm đìa, ôm lấy thi thể mà khóc. Khóc lóc hồi lâu, hai chị em lại cất giọng hát lên khúc hát thường ngày Nguyễn Hắc vẫn hay ngâm nga ư ử trên tàu, tiếng ca réo rắt thê lương, ai nghe cũng muốn rơi lệ.

Tôi và bọn Shirley Dương đang đào hố trên gò vỏ trai, nghe khúc ca sầu khổ vô biên, tuy không hiểu lời, nhưng trong lòng dường như cũng dấy lên cảm xúc u ám buồn bã, bất giác cùng dừng tay lắng nghe. Trong bọn, chỉ có Minh Thúc hiểu được ý nghĩa của ca từ, lão thở dài một tiếng, thấp giọng thì thào: “Hai đứa chúng nó đang hát khúc ca của dân mò ngọc thời xưa... Thần ở trên cao, xin cứu lấy đứa con trai mệnh khổ của con, không sợ đổ máu, chẳng sợ đổ mồ hôi, chỉ sợ không về được nhà...”