Ma Chó

Chương 27: Truy tìm nguồn gốc




‎ ·Khanh về đến nhà, liền gác lại công việc bào chế thuốc, đi luôn lên tầng ba. Cậu nhớ ra, trong những tài liệu cổ ông nội cậu ghi chép lại về những bí thuật, hiện tượng quái dị của cổ nhân, có một quyển đề cập đến " một loại chó " cổ xưa, xưa nay chưa từng thấy, hiếm có vô cùng. Cậu đã có lần đọc qua nó hồi lên mười tám tuổi, đã rất nhiều năm về trước... Điều này khiến sự hiếu kỳ và phấn khích trong cậu trỗi dậy, bước nhanh vào phòng, bật sáng đèn lên rồi vội vã bắt tay vào tìm kiếm trên kệ sách.

Kệ sách lớn của Khanh chật kín những quyển sách đã cũ mèm xếp bên cạnh những quyển sách hiện đại dày cộp. Trên ngăn ba và ngăn hai đều không thấy quyển sách cổ ấy, chỉ toàn tài liệu về đông y, nam dược hoặc nghiên cứu về hệ thống kinh mạch trên cơ thể con người... Kệ cuối cùng của cái tủ, là nơi đặt những hộp lớn, nhỏ chứa những thứ minh khí và " bảo bối " ông nội để lại cho cậu. Thực ra, bao năm nay cậu không dám lôi ra dùng hay nói đúng hơn là không có cơ hội để sử dụng chúng, mà kỳ thực, cách dùng cụ thể ra sao, cậu cũng chưa được tỏ tường, đành chỉ giữ lại làm kỷ niệm tưởng nhớ đến ông nội mình mà thôi. Dạo gần đây vì bận rộn việc kinh doanh và ông bố lâm bệnh nặng, cậu hầu như không ngó ngàng tới cái kệ sách nữa, cũng quên bẵng đi mấy hộp đồ đó đựng những thứ gì bên trong. Ánh mắt Khanh dừng lại ở một cái hộp bằng kim loại màu đen, có khoá chốt ngoài. Cái hộp này là cái đặc biệt nhất trong số hộp đựng ở đây. Nó được làm dành riêng cho cậu. Trong sinh nhật năm lên 10 tuổi, ông nội đã tặng cậu chiếc hộp ấy cùng với một chiếc vòng cổ, mặt dây là móng vuốt của một con hổ đực, được đục đẽo và tạc khéo léo thành chìa khoá để mở hộp. Bao năm qua cậu vẫn luôn đeo nó trên người. Khanh đưa tay lên sờ soạng quanh cổ, móc trong áo ra một sợi dây chuyền, thân dây được bện từ hai sợi vải màu vàng và đỏ, mặt dây là chiếc móng vuốt hổ đực hơi sẫm màu, cứng rắn. Khanh tháo nó xuống, đưa cái móng vuốt hình chìa khoá kì lạ vào ổ khoá xoay theo chiều kim đồng hồ 90 độ, một tiếng " tách " vang lên, nắp hộp liền bật ra. Cái hộp không to lắm, đủ để đựng một số đồ nhỏ linh tinh hoặc bằng kích thước một quyển vở. Bên trong hộp, có vài lá linh phù đặc biệt của ông nội, một cái nhẫn bằng đồng đen quý giá, trên mặt chạm chìm hình ba vị đại bồ tát hộ vệ cạnh Phật Tổ Như Lai là Bồ Tát Kim Cang Thủ, Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Bồ Tát đang ngự toạ. Nằm ở đáy hộp là một quyển sách cũ. Khanh nhấc quyển sách lên, phủi phủi vết bụi mờ đang bám trên đó, rồi lật giở bên trong ra xem. Quyển sách bìa màu xám tro, trên bìa là hàng chữ Hán đã phai mờ đi quá nửa, được đóng tay bằng chỉ dày, chất giấy cổ mỏng, trơn láng màu vàng xỉn. Nội dung bên trong đa số là cách thức vẽ những loại linh phù, cách kiết ấn và những kiểu toạ thiền trong Mật tông nói chung. Một số ghi chép về huyền thuật cổ xưa, thất truyền ít ai biết đến mà ông cậu đang nghiên cứu dở dang. Gần cuối sách viết về những cổ trùng, cổ dược ở khắp nơi trên đất nước Trung Hoa và Việt Nam. Khanh giở mãi, cuối cùng tìm thấy một ghi chép có hình minh hoạ là một con chó dáng vẻ lạ kì với cái tên " Âm Dương Hoả Khuyển ". Ánh mắt Khanh như sáng lên, vội đem quyển sách lên bàn, soi dưới ánh đèn chăm chú đọc.

Sang ngày hôm sau, vừa khéo là mồng một đầu tháng, ông em dậy sớm, xách xe ra chợ hôm mua ít hoa quả về thắp hương. Bình thường việc này do bà em lo hết, nay bà đi vắng ông đành sắn tay vào làm vậy. Trên đường đi ra chợ, ông mông lung nhớ lại vụ " ghé thăm " của đám mèo đen đêm hôm qua. Y như lời cậu Khanh nói, quá nửa đêm là bọn chúng lại mò đến, dụ ông ra ngoài, thôi thì giở đủ trò nhưng chúng nó tuyệt nhiên không thể xâm phạm vào căn nhà gỗ cổ của ông được. Dường như có một nguồn năng lượng vô hình chặn bọn chúng lại. Lại vướng con vàng canh giữ bên ngoài nên độ canh ba chúng kéo nhau bỏ đi, liên tục rít lên những tràng âm thanh ghê rợn như tiếng trẻ em khóc réo rắt trong đêm. Ông em cứ y lời cậu Khanh dặn dò, nhét bông vào hai tai, nằm im cố gắng nhắm mắt ngủ, dù khó chịu cỡ nào cũng tuyệt đối không chạy ra ngoài nửa bước. Sáng nay dậy ra sân, cánh cửa sổ cũ kĩ bị mọt ăn rỗng quá nửa chi chít những vết cào cấu nham nhở, còn có cả dấu răng. " Bọn này hung dữ thật " - ông cả kinh. Sực nhớ ra lũ gà, ông giật mình vội vàng chạy ra chuồng kiểm tra, đập vào mắt là một cảnh tượng hãi hùng khiến ông sững ra giây lát. Hai con gà mái đang kỳ ấp trứng nằm cứng đơ dưới nền đất, cổ bị gặm nham nhở rách nát gần như đứt lìa, ổ bụng bị cào cấu toang hoác, bộ lòng đã biến mất sạch trơn. Trên nền cũng không có lấy một giọt máu nào vương ra. Con gà như một cái xác khô nằm duỗi chân thẳng đuột, thân cứng ngắc bên cạnh những cái lông rơi xuống lả tả. Trên ổ rơm, mấy quả trứng bị dày xéo quả nứt nẻ, quả vỡ nát một đống nhầy nhụa lẫn lộn. Mùi máu gà hoà với mùi tanh của trứng trộn lẫn vào nhau tạo thành một thứ mùi khó ngửi kinh khủng. Ông bặm chặt môi, quai hàm cơ hồ lại bạnh ra, xô cái cửa chuồng đánh " rầm " một cái, không kìm được thốt lên: " mẹ nó!". Ông nhặt xác hai con gà gói vào tờ giấy báo lớn, xách xuống vườn chôn. Đống trứng vỡ ông nhặt ra, đổ vào bát cho con vàng ăn, gì chứ món này lũ chó khoái lắm, còn trị cả trường hợp chó bị đánh bả. Xong xuôi thì xách xe ra chợ.

Mua đồ về thắp hương rồi dọn dẹp nhà cửa, lọ mọ nấu nướng, loáng cái đã quá trưa, ông em đang chuẩn bị đóng cửa lên giường đi nghỉ thì nghe tiếng cậu Khanh gọi vọng vào. Con vàng đang nằm trên nóc chuồng tránh nắng, nhớn thấy bóng áo sơmi, nó nhảy tót xuống cánh vườn bên dưới, chạy mất dạng. Ông em lật đật ra mở cửa cổng, cậu Khanh đứng bên ngoài vẻ mặt háo hức nói vọng vào:

- Chú H, có kết quả rồi đây!.