Ly Uyên

Chương 6: Ly Hâm | 1




TÁM NĂM LÂN TIÊU, GỐI ĐẦU MỘT GIẤC PHỒN HOA, ẤY VẬY MÀ, TẤT CẢ CHỈ NHƯ MỘNG TÀN THÀNH BỤI CÁT.    

________________________________________________________________________________

Năm Ngụy Thiên Kỳ mười chín, tức năm Tề Tuyên Minh thứ hai, Thiên Kỳ đế băng tại kinh đô Lân Tiêu nước Ngụy, các chư hầu tề tựu về kinh chịu tang. Thái tử Ngụy Ly đăng cơ, xưng là Cẩn Hâm đế. Sau khi kế vị, Cẩn Hâm đế lấy danh nghĩa nhớ thương huynh đệ để ép buộc các vương tử Ngụy Viễn, Ngụy Diêu, Ngụy Luân - bấy giờ đã đem toàn bộ binh mã vào kinh thành - ở lại Lân Tiêu mấy tháng trời, cho đến khi những vương tử này chủ động giao trả binh quyền mới được thả cho về lãnh địa. Từ đó về sau, các huynh đệ của Thiên Kỳ đế đều tự giác biết rằng xung quanh mình đầy rẫy hiểm nguy, dồn dập dâng thư chứng minh lòng trung thành, chỉ trích lẫn nhau rắp tâm mưu phản, hòng tranh thủ được sự ủng hộ của Cẩn Hâm hoàng đế. Nhân cơ hội này, Ngụy Ly ngồi yên làm ngư ông đắc lợi, thẳng tay đoạt nốt toàn bộ binh quyền của các vị hoàng thúc, đón họ vào trong Lân Tiêu, ban phát cho rất nhiều điền sản để giam lỏng ngàn đời. Chỉ trong vòng một năm từ khi đăng cơ, Cẩn Hâm đế đã bứt sạch gốc rễ mối họa cơ bản nhất nước Ngụy, đó là nạn binh quyền phân tán đã tồn tai từ buổi đầu nhà Ngụy lập nước, từ đó thay đổi triệt để cấu trúc nền quân sự nước này. Vì để loại trừ mọi lo lắng về sau, Cẩn Hâm đế giao cho Viên Duẫn Đàn nắm toàn bộ binh mã trong thiên hạ, gia phong y làm Bình Loạn vương. Huy hoàng của gia tộc họ Viên lúc bấy giờ lên tới đỉnh điểm, trở thành vương duy nhất khác họ trong lịch sử nước Ngụy. Còn nước Ngụy từ đó cũng bước vào năm đầu tiên của niên hào cuối cùng - Năm Cẩn Hâm thứ nhất.

Người đời sau bàn luận, cho rằng lúc đó Cẩn Hâm đế có thể triệt hết binh quyền cũng không phải có mưu sách quá cao thâm. Hắn đạt được thành công này chủ yếu là do biết kết hợp tất cả những cơ hội có sẵn. Thiên Kỳ đế là người ham mê thâu tóm quyền lực, dù các vương được phân phong không dám làm càn nhưng Thái tử Ly cũng khó có cơ hội tham gia vào chính sự. Tuy nhiên, từ khi Thiên Kỳ đế đổ bệnh trở về sau, ông nằm liệt giường suốt hai năm cho tới khi bệnh nặng qua đời. Lúc chưa nắm rõ bệnh tình của Thiên Kỳ đế, sức uy hiếp của ông vẫn hiện hữu nên các lộ chư vương không dám khinh động, cũng là để tạo một khoảng thời gian đủ cho Cẩn Hâm đế - lúc ấy còn là Thái tử - tiếp quản triều chính và an bài quan lại. Cũng tương tự, ngày Thiên kỳ đế băng hà khéo sao lại là ngay hôm sau ngày Ngụy Ly tìm được báo phù điều khiển quân Báo Đằng của kinh đô. Ngay khi được tin quân quyền Lân Tiêu đổi chủ, các vương hối hả theo lễ mà ùn ùn kéo về chịu tang, có thể nói là không chút đề phòng đối với những có thể xảy ra bên trong thành Lân Tiêu, càng khiến cho Ngụy Ly dễ dàng đắc thủ.

Tất nhiên cũng có một số ít sử gia xem sự trùng hợp đó rất đáng nghi ngờ. Họ cho rằng, rất có thể Ngụy Ly thấy lúc đó thời cơ đã chín muồi, hắn ra tay giết chết Thiên Kỳ đế nằm bệnh lâu ngày, đoạt lấy thiên hạ. Hầu hết mọi người đều phủ nhận giả thiết này vì nó quá đáng sợ. Âm mưu đen tối trong chốn cung đình chắc chắn là có, nhưng phát sinh trong thời kỳ mà hiếu đạo được tôn sùng như Lục quốc là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Hầu hết tất cả đều cho rằng, Cẩn Hâm đế vừa mới đăng cơ là kẻ may mắn được lịch sử ưu đãi.

Trong đại điển đăng cơ của Ngụy Ly, Trịnh Uyên chỉ đứng từ xa mà chăm chú nhìn theo hắn. Hắn vận áo mão màu tía ánh vàng, tay áo vuông rộng, thêu hoa văn nhật nguyệt tinh tú sáng rực như tranh huy cùng thiên hạ. Hắn đội miện quan hắc báo, trước sau buông rũ hai mươi bốn chuỗi ngọc ngũ sắc màu bạc, đỏ, biếc, vàng, đen. Ngụy Ly chậm rãi bước lên đài, những chuỗi ngọc đung đưa theo từng bước chân, nhìn từ góc độ nào cũng không thấy được khuôn mặt nghiêm trang tôn quý của đấng quân vương.

Trịnh Uyên nhìn thấy những cung nhân đeo chiếc mão hắc báo long lên đầu Ngụy Ly, thấy họ đeo báo phù bằng ngọc thủy thương bên hông Ngụy Ly. Từ phía trước, vẫn như ngàn lần trong quá khứ, hắn dừng chân ngoái lại, đưa tay vén những chuỗi ngọc trước mặt mình sang một bên. Trịnh Uyên nghĩ hắn sẽ nói gì đó, nhưng Ngụy Ly chỉ nhìn cậu thật sâu, thật sâu.

Trịnh Uyên thề, trong tích tắc khi những chuỗi ngọc ấy lại buông xuống, trong đôi mắt của Ngụy Ly lại ánh lên sắc màu như cậu từng thấy trong những ngày xưa cũ - vết màu nhung huyền thăm thẳm, hấp háy rỡ ràng dưới nắng mặt trời.

Trịnh Uyên buồn bã mà cười. Sao cậu lại không hiểu cho được? Người ấy chỉ là thoáng một lúc động tình, còn bản thân cậu đã vạn kiếp bất phục.

Làm sao mà cậu không biết, vừa dứt chín năm, lục thân tình tuyệt. Trong khoảnh khắc khi Ngụy Ly ngoái nhìn, đó chính là vĩnh quyết.

Nhưng cậu không thể không vui thay cho hắn. Cậu thích nhìn dáng vẻ đường bệ của hắn khi khoác long bào đứng trước chúng sinh. Cậu thích nhìn hắn hiệu lệnh sinh sát ngạo nghễ khắp bốn phương trời. Cậu thích ngắm hắn, ngắm ánh mắt hắn nhìn cậu thật sâu trước khi cất bước ra đi.

Sau khi Ngụy Ly đăng cơ, đồn thổi thị phi về Trịnh Uyên trong cung trở nên mỗi lúc một lan rộng, bách tính trong thành Lân Tiêu cũng bắt đầu tò mò chuyện đã tới nước nào. Dân chúng có thể để mặc cho Thái tử ở Đông cung muốn hồ đồ ra sao cũng được, nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận hoàng đế của họ lãng phí công sức trên thân một luyến đồng. Con tin nước Trịnh càng lớn lên càng thanh tao tuyệt lệ, ấy vậy mà lại khiến cho người ở trong Ngụy cung thấy mặt là sợ hãi tránh xa. Bọn họ nghe đồn rằng Trịnh Uyên là mục tiêu tranh giành giữa bệ hạ và Bình Loạn vương gia, rồi đoán già đoán non về động cơ rất có thể đứng đằng sau việc bệ hạ gia phong cho Bình Loạn hầu lúc ấy.

Trước những lời ong tiếng ve mỗi lúc một dội vào tai, Trịnh Uyên chỉ một mực im lặng. Ngụy Ly chưa lập phi, không có con cái, nên Trịnh Uyên vẫn tiếp tục ở lại trong tòa Đông cung trống trải. Thi thoảng Viên Duẫn Đàn sẽ ghé qua thăm chốc lát, y luôn luôn điềm đạm mà bảo Trịnh Uyên rằng, cậu đừng lo nghĩ nhiều, bệ hạ đâu đó đều tốt cả.

Khi nói những lời ấy, Bình Loạn vương vẫn giữ vẻ bình tĩnh trước sau như một. Bỗng Trịnh Uyên chợt nghĩ, trên cuộc đời này, người hiểu Ngụy Ly nhất là y, mà hiểu cậu nhất, e rằng cũng chỉ có y.

Một năm sau nữa, khi Ngụy Ly đã thâu tóm mọi binh quyền của Lân Tiêu về trong tay, hắn mới bước chân trở lại vào Đông cung, lúc bấy giờ chừng như đã có dấu hiệu suy tàn. Hắn thảng thốt khi thấy Trịnh Uyên tiều tụy, mà bên dưới dáng hình gầy yếu đó, là một vẻ đẹp khiến người khác tan nát cõi lòng.

Ngụy Ly sai tất cả lui hết, chỉ để lại môt mình hắn đứng đối diện với Trịnh Uyên trong gian phòng học cũ, nơi hắn đã từng nói quàng xiên những thứ lớn lao. Hắn vẫn đội chiếc mão hắc báo long tượng trưng cho quyền uy vua chúa, nhưng tháo xuống hai mươi bốn chuỗi ngọc, để Trịnh Uyên lại có thể nhìn thấy khuôn mặt đẹp đẽ, càng ngày càng rắn rỏi ấy.

Trịnh Uyên buông cho ánh mắt chùng xuống, hồi lâu sau mới cất tiếng hỏi: "Bệ hạ hôm nay đến đây, phải chăng muốn khiển ta về Trịnh?"

Ngụy Ly ngẩn ra, sau đó thì nhoẻn miệng cười. Trịnh Uyên của hắn, dù chưa bao giờ lên tiếng vạch trần hắn, nhưng vẫn luôn nhạy cảm và thông minh như vậy. Từ thuở trẻ con chơi đùa với nhau đã thế, bao nhiêu lần hắn lén lút mở cửa sổ luồn vào trong thư phòng, thì bấy nhiêu lần hắn thấy Trịnh Uyên đứng bên bậu cửa tròn xoe mắt mỉm cười. Hắn có thể gạt được cậu sao?

"Đồn đại hại thân, ngàn năm trơ bia miệng. Trẫm chỉ sợ, đến lúc đó thân bất do kỷ, không bảo vệ được ngươi."

"Ta biết... Trịnh Uyên thầm nghĩ có nên hỏi bệ hạ, khi Trịnh Uyên trở về Trịnh rồi, bệ hạ còn muốn khởi binh phạt Tề nữa không?"

Ngụy Ly im lặng trong giây lát, nhưng câu trả lời sau đó của hắn là như đinh đóng cột. "...Có."

Vị trí của nước Trịnh ví như một khớp nối liền kề Ngụy và Tề. Hai nước này nếu muốn tấn công nhau đều phải đi qua nước Trịnh. Vài năm gần đây, trong lòng Trịnh đế vẫn canh cánh mối lo làm thế nào để chu toàn cả hai nước lớn kia, không được một phút nào ngơi nghỉ. Nếu Ngụy, Tề khai chiến, ngay lập tức sẽ dồn ép Trịnh đến bước đường cùng, không còn chỗ thoái lui.

Dù đã giao nộp Trịnh Uyên, nước Trịnh vẫn chơi trò hai mặt với nước Ngụy, lén lút tăng cường thắt chặt quan hệ với nước Tề. Nên, nếu mai kia Ngụy - Tề giao chiến, đó sẽ là cơn ác mộng lớn nhất đối với Trịnh Uyên.

Nhưng Ngụy Ly không quan tâm.

Mà cũng chỉ vì thế, hắn mới là Cẩn Hâm hoàng đế của Ngụy quốc.

Trịnh Uyên khẽ cười. Dẫu sao hắn chưa từng lừa gạt cậu.

Ngụy Ly bỗng ngước lên, ánh mắt sáng quắc của hắn chực như muốn thiêu đốt Trịnh Uyên. Lúc Trịnh Uyên còn mải miết kiếm tìm sắc xanh lục quen thuộc ấy, Ngụy Ly lại quay nhìn về hướng khác, khản giọng mà nói: "Ngươi sẽ hận trẫm."

"Không đâu. Trịnh Uyên đến bây giờ cũng không hận bệ hạ."

"Ngươi sẽ hận." Ngụy Ly hít một hơi thật sâu. Hắn nghiêng người đi dời ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. "Dù ngươi ở lại hay ra đi, cuối cùng ngươi sẽ hận trẫm mà thôi."

Trịnh Uyên không biết tìm đâu ra thứ can đảm ấy, cậu bước đến, ôm lấy Cẩn Hâm đế cao quý từ sau lưng: "Trung Thu năm ấy, bệ hạ cõng ta trở về, ta không kịp nói cảm ơn bệ hạ." Cậu ngập ngừng một lát, nhắm mắt lại, tiếp tục nói: "Ta đã nghĩ là sẽ giữ lời cảm ơn này lại đến phút cuối cùng, như vậy, khi đến thời điểm đó sẽ không cần phải nói "chào tạm biệt". Hôm nay, đã đến nước này rồi, Trịnh Uyên không chỉ muốn cảm ơn bệ hạ, mà còn muốn cảm tạ trời xanh."

"Uyên", Ngụy Ly quay lại ôm y vào lòng, dồn dập thở. Họ cùng nghe thấy tiếng tim đập của nhau. "Uyên, Trẫm biết Tiểu Viên cũng thích ngươi, trẫm biết cả... Ta luôn muốn hỏi, ta muốn biết --- ngươi, có thích ta không...?"

"Ta yêu."

Không đợi hắn hỏi tròn câu, Trịnh Uyên đã ngước đôi mắt trong veo lên nhìn hắn, rồi đánh rơi ánh mắt ấy vào nơi sâu thăm thẳm dưới đáy lòng Cẩn Hâm đế.

Đó là lúc hai con người ấy được gần nhau nhất, trong cả cuộc đời này.

-

Cỗ xe ngựa chở Trịnh Uyên xuất phát rời khỏi Lân Tiêu đi về hướng Tây giữa bầu trời trĩu nặng. So với tám năm về trước khi cậu vừa đến nước Ngụy, bên cậu giờ đây đã không còn người thầy dạy học theo cùng - năm kia, ông cụ đã cưỡi hạc về trời tây. Trịnh Uyên cảm khái nhìn đoàn tùy tùng xung quanh mình, cậu thấy họ và cậu đều như nhau, ngay đến cả một bộ quần áo của người nước Trịnh cũng không có lấy mà mặc, chỉ có thể mặc quần áo của người Ngụy. Ngày Ngụy Ly phái người mang lệnh bài cho phép đi qua cửa thành, Trịnh Uyên hiểu hắn muốn thúc giục cậu ra đi, càng nhanh càng tốt, không gặp lại nữa. Cậu bâng khuâng không rõ Viên Duẫn Đàn đã biết việc này hay chưa, nếu đã biết thì chắc chắn y sẽ đến từ biệt cậu.

Xe ngựa thong thả đi theo những đoàn xe thương buôn khác ra khỏi cổng thành Lân Tiêu. Trịnh Uyên xót xa ngoái lại, nhìn thấy hai tòa điện Thanh Hoa, Vô Lương vút cao hiện lên trong tầm mắt. Bên dưới những thinh thang rộng lớn đó, phải chăng đã che khuất đi bóng ai đó chắp tay áo sau lưng đứng một mình - người mà Trịnh Uyên chôn sâu một tình yêu thăm thẳm. Tiếng bánh xe lăn lộc cộc, lộc cộc, bỏ lại hết thảy phồn hoa phía sau, mà Trịnh Uyên như vẫn nghe hoài, nghe hoài tiếng dòng sông Lân Tiêu cồn cào dậy sóng.

Chỉ mới có tám năm, mà cậu tưởng đã hết nửa đời người.

Đường về nước Trịnh rất xa, nhưng xa đến mấy thì cứ đi rồi sẽ đến. Đoàn người đi miệt mài hơn mười ngày, Tương Thành - tòa thành quan trọng trấn giữ biên ải nước Ngụy đã hiện lên trước mắt. Chỉ cần vừa bước qua khỏi cửa Tương Thành thì sẽ không còn đứng trên đất Ngụy nữa rồi.

Trịnh Uyên ở trong xe nhắm mắt nghỉ ngơi, bản thân cậu không trông mong nhiều việc trở lại nước Trịnh. Khi cổng Tương Thành đã gần ngay trước mặt, bất chợt từ phía sau xe ngựa có tiếng gầm quát dội lên. Người xà ích ghìm ngựa dừng lại, nhảy xuống xe bước về phía sau cung kính đứng chờ quân lính nước Ngụy ở phía sau.

Đám người này ruổi tới gần thì thấy đó là cả một toán lính, người nào người nấy đều mặc áo giáp bạc khắc hình báo, cách ăn vận hoàn toàn không phải là của dạng quân trấn giữ biên giới. Ngược lại, thoạt nhìn qua thì thấy giống như là Báo Đằng quân, đội quân tinh nhuệ phụ trách bảo vệ kinh thành mà Trịnh Uyên từng gặp qua vài lần tại Lân Tiêu. Toán lính kia cản trước cỗ xe, chẳng đợi người xà ích thưa thốt đã mở miệng nói vọng vào trong: "Có phải công tử Uyên nước Trịnh đó không?"

Trịnh Uyên không hiểu đầu đuôi ra sao, cũng không dám tỏ vẻ cao ngạo trước mặt quân nước Ngụy, bèn nhanh tay vén rèm xe lên đáp: "Phải."

Quan quân dẫn đầu không buồn xuống ngựa, chỉ phất tay lên ra hiệu cho toán lính vây quanh cỗ xe: "Công tử đây là muốn bỏ trốn về Trịnh sao?"

Trịnh Uyên giật mình, chỉ sợ rằng có chuyện hiểu lầm nên vội vã giải thích: "Tướng quân, đây là ơn bệ hạ ban cho ta, đặc biệt cho phép ta về Trịnh phụng dưỡng phụ mẫu, tuyệt nhiên không hề bỏ trốn. Ta còn có cả lệnh bài của bệ hạ làm chứng, nếu tướng quân không tin thì có thể về Lân Tiêu để xác minh." Nói đến đó, Trịnh Uyên liền sai người hầu trình lên tấm lệnh bài của Ngụy Ly.

Quan quân dẫn đầu không buồn liếc mắt đến lệnh bài mà chỉ cười lạnh: "Ta bắt đầu đuổi theo công tử từ Lân Tiêu đến tận đây thì còn cần gì phải tra xét?" Gã đanh giọng: "Công tử Uyên nước Trịnh, chịu ân hai đời quân vương nước ta mà không cảm kích, tâm địa độc ác, âm mưu giả lệnh bài chạy trốn. Nay, phụng khẩu dụ của bệ hạ, bắt giữ về Lâm Tiêu hỏi tội!" Dứt lời, gã giơ lên một tấm lệnh bài bằng ngọc màu xanh nhợt nhạt.

Chỉ vừa nhìn thấy, tim Trịnh Uyên cậu tê dại như chết đi. Thứ mà gã quan quân kia cầm trong tay chính là báo phù ngọc thủy thương mà Ngụy Ly hay đeo bên thắt lưng, nếu không phải do hắn tự tay lạ lệnh trao cho, há có kẻ nào trộm được?

Bên cạnh Trịnh Uyên chỉ có ba bốn người tùy tùng, không có một võ tướng nào cả. Mà cho dù là có, thì làm sao đấu lại với quân Báo Đằng dũng mãnh thiện chiến nhất trong quân đội nhà Ngụy? Cậu ngoan ngoãn xuống xe, trong lòng rối bời không biết Ngụy Ly đang toan tính điều gì. Ban đầu bảo cậu đi là hắn, bây giờ bắt cậu lại cũng là hắn. Thật ra, nếu Ly thay đổi chủ ý, muốn giữ cậu lại bên cạnh thì chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt, là đủ để Trịnh Uyên cho hắn tất cả, cam tâm gánh lấy mọi thóa mạ của người đời.

Toán quân sĩ kia thấy Trịnh Uyên xuống xe, nhìn kỹ thì thấy mặt cậu tái nhợt đi, vài kẻ mang lòng khinh khi đã bắt đầu rộ tiếng cười đùa cợt. Toán nhân mã bao vây Trịnh Uyên chính giữa, thúc ngựa rảo vòng quanh, móng ngựa hất bụi đất văng vào người Trịnh Uyên trông vô cùng bẩn thỉu. Chúng khoái chí đùa bỡn ra mặt, phấn khích muốn áp giải cậu quay trở lại Lân Tiêu.

Lúc này, lại có tiếng vó ngựa từ xa xa đến gần, lộp độp như mưa rớt hạt. Trịnh Uyên nghe thấy tiếng ngựa hý một tràng dài rồi có ai đó lạnh lùng nói: "Dừng lại!"

Bọn người đang đùa cợt Trịnh Uyên nghe thấy tiếng vó ngựa kia thì biết có người đến thế thôi, cũng không nghĩ gì khác. Nhưng vừa nghe thấy tiếng người hô lên thì đã có kẻ sợ đến ngã bổ nhào khỏi lưng ngựa. Quan quân cầm đầu kịp lấy lại bình tĩnh rồi cũng vội vàng xuống ngựa thủ phục xuống không dậy nổi. Trịnh Uyên ngước lên, thấy người kia cưỡi một con ngựa ô đạp tuyết, thân mặc giáp bạc khắc chín mãng xà, đầu đội mão lông vũ thắt dây kim tuyến lấp lánh, dáng người ngời ngời cao quý, kiêu ngạo đến rợn ngợp. Còn khuôn mặt y tuấn tú, nét mặt nghiêm nghị mà rất đỗi ung dung điềm đạm ---- chính là Bình Loạn vương Viên Duẫn Đàn.

Viên Duẫn Đàn sinh ra trong võ tướng thế gia, từ nhỏ đã nghe danh sư giảng dạy. Xét về công phu sử đao dùng kiếm, sợ rằng đỏ mắt tìm hết nước Ngụy cũng không ai dám sóng vai đứng ngang hàng với y. Y còn phụng mệnh thống suất toàn bộ binh mã nước Ngụy, nhưng bình thường cách ăn mặc cũng không có gì là đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Trịnh Uyên thấy y ăn vận như thế, cảm thấy y trông sán lạn đến không thể diễn tả được, rồi cùng lúc đó lại thấy như không thể tới gần, nên trong giây phút đó bản thân cậu không dám nghĩ là mình quen biết con người này nữa. Rồi lại nghĩ đến Ngụy Ly có lẽ cũng thường hay mặc quân phục, nhưng cậu chưa bao giờ thấy.

Chỉ nghe gã quân lính cầm đầu nọ nhỏ giọng thưa: "Tiểu nhân Báo Đằng quân, Vệ úy Tả doanh Lý Hạo Kỳ, mạo muội tham kiến Vương gia."

Viên Duẫn Đàn nhẹ gật đầu, y không nói nhiều mà chỉ quay sang Trịnh Uyên: "Mời công tử lên xe, tôi tiễn người ta khỏi thành."

Một lời thốt ra, cả Trịnh Uyên và tất cả bọn lính đã xuống ngựa đều sửng sốt. Gã tên Lý Hạo Kỳ kia thận trọng dò hỏi: "Tiêu nhân phụng mệnh bệ hạ tới bắt người, có báo phù ở đây. Vương gia nói muốn thả cho đi, xin hỏi có bằng chứng gì không?"

Viên Duẫn Đàn thản nhiên nói: "Ngươi đã biết rõ Báo Đằng quân ở kinh kỳ đều nằm dưới quyền thống lĩnh của bản phiên, còn hỏi bằng chứng?"

"Nhưng chúng tiểu nhân phụng khẩu dụ của bệ hạ."

"Việc này bệ hạ có sắp đặt khác, bản phiên trở về Lân Tiêu sẽ đích thân diện thánh thưa trình."

"Vương gia xin hãy để chúng tiểu nhân tiện hành sự lúc này. Bệ hạ chính miệng sai bọn tiểu nhân ngàn vạn lần cũng phải bắt đoàn xe của Trịnh công tử dừng lại..."

Viên Duẫn Đàn quát một tiếng: "Các ngươi dám?"

Chỉ một câu nói đó đã khiến Lý Hạo Kỳ cứng họng chôn chân tại chỗ. Viên Duẫn Đàn lại quay sang Trịnh Uyên bảo: "Cậu còn không mau đi?"

Lúc này thì ngạo khí và sự tôn quý của Bình Loạn vương nước Ngụy biến mất, y lại trở thành một Viên Duẫn Đàn mà Trịnh Uyên quen biết. Trịnh Uyên như vỡ lẽ ra điều gì, quay người bước lên xe, ra lệnh cho người xà ích quất ngựa đi tới. Quả nhiên, toán quân Báo Đằng răm rắp tránh đường sang một bên, không ai dám hé răng thêm lời nào. Viên Duẫn Đàn cũng giục ngựa đi theo phía sau xe, rồi cứ vậy mà tiễn Trịnh Uyên tới tận nơi giáp ranh vào nước Trịnh.

Trịnh Uyên bước xuống xe để cảm ơn y, cậu cũng cậy nhờ Viên Duẫn Đàn hỏi Ngụy Ly để kiểm chứng việc toán quân Báo Đằng. Dù có ra sao, cậu cũng không muốn Ly hiểu lầm tâm tư của cậu.

Nhưng Viên Duẫn Đàn lặng người đi một lúc, rồi y nhỏ giọng nói: "Không có hiểu lầm gì cả. Bệ hạ... cần một lý do để dấy binh phạt Trịnh."

Cả người Trịnh Uyên bủn rủn, mặt cậu như cắt không còn hạt máu, run rẩy nhìn Viên Duẫn Đàn như muốn lý giải ý nghĩa những lời y vừa nói. Rồi dần dần, cậu thấy xung quanh mình chỉ còn một nỗi thê lương bao phủ. Trong thành Lân Tiêu, bên hồ Dao Nguyệt, ánh nước lúng liếng bóng pháo hoa chớp lòe lên rồi vụt tắt, Liễu Nương khoác áo đỏ thắm cất khúc hát nỉ non, tiếng ca khi nhặt khi khoan, thoảng gần rồi trôi xa hun hút.

Hắn chủ động thả cậu về quê hương, rồi lại vu khống cậu phản bội mà chạy trốn, để dưới cơn thịnh nộ đó, hắn sẽ khởi binh phạt Trịnh. Chao ôi là viện cớ, không sót một kẽ hở nào. Mặc cho Trịnh Uyên có bị giải về Lân Tiêu hay không, vì cái cớ người đã trốn mất khỏi kinh thành này mà cậu trở thành kẻ đưa Ngụy xâm lăng Trịnh, thành một tội nhân thiên cổ.

Ngụy Ly cũng rất có thể đã lường trước được Viên Duẫn Đàn sẽ xuất hiện thả cậu về Trịnh. Cũng vừa khéo để hắn nhân cơ hội này đàn áp danh vọng của họ Viên, để trong lòng trăm vạn con dân chỉ phục tùng sùng kính một mình Cẩn Hâm đế hắn, cũng có thể gầy dựng danh tiếng thưởng phạt phân minh của bậc nhất đại minh quân.

Hay cho mưu chước nhất tiễn tam điêu.

Thảo nào hôm ấy hắn nói, "Ngươi sẽ hận trẫm", bằng thứ xác tín lớn lao đến thế. Hắn đã biết trước nếu Ngụy Tề dấy nạn lửa binh, nước Trịnh chắc chắn sẽ chọn quy phục nhà Tề. Chi bằng tiên hạ thủ vi cường, cướp đường máu của nước Trịnh trước.

Tám năm Lân Tiêu, gối đầu một giấc phồn hoa, ấy vậy mà, tất cả chỉ như mộng tàn thành bụi cát.

Trịnh Uyên cảm thấy đầu minh đau đớn như muốn nứt ra, y nhắm nghiền mắt để rồi khi mở ra lần nữa, ánh mắt y trở nên yên lặng, trong ngăn ngắt. Ánh mắt bình thản mà xa lạ đó khiến Viên Duẫn Đàn đau buốt tận xương tủy. Cậu hỏi Viên Duẫn Đàn: "Huynh đã biết hết tất cả, vì sao còn muốn tới đây?"

Viên Duẫn Đàn thoáng cười: "Vua là vua, thần là thần, giới hạn đó không thay đổi được. Bệ hạ đối với họ Viên nhà tôi ân sủng vô cùng, vinh quang không hết. Ngày sau dù có thế nào, Duẫn Đàn đều không oán hận dù chỉ một lời." Y quay lưng lên ngựa, lại cúi xuống cáo biệt Trịnh Uyên: "Lòng bệ hạ đã định, tôi không còn giúp cậu được nữa. Nhưng mà, giờ cậu đã ở trên đất Trịnh, có ra sao thì cũng tốt hơn ở Ngụy nhiều lắm."

Trịnh Uyên dõi mắt nhìn theo bóng y ra đi khuất sau bụi mờ, cậu quay người lại, xuyên qua mi mắt là là hình ảnh lá cờ phục hổ viền xanh lam mà cậu đã xa rời nhiều năm, giờ đang cắm trên bờ tường thành nước Trịnh, phất phơ chực đổ.

Năm Ngụy Cẩn Hâm thứ hai, tám năm kể từ lúc ra đi, con tin nước Trịnh - Trịnh Uyên - một lần nữa bước vào đô thành Ly Hâm nhà Trịnh. Về lý do và quá trình cậu đào thoát khỏi nước Ngụy từng có nhiều giả thiết gây xôn xao lớn trong giới nghiên cứu sử, nhưng chưa có kết luận rõ ràng. Chỉ có một điều mà các sử gia đồng thuận, đó là nếu như phải lựa chọn một sự kiện có tầm quan trọng mấu chốt cho sự sụp đổ của lịch sử Lục quốc, thì việc Trịnh Uyên trốn Ngụy về Trịnh chính là sự kiện ấy