Nguyện thân như ánh trăng soi sáng,
bầu bạn theo ngàn dặm quân hành.
Thái hậu lấy thân phận Thái hậu, ban một đạo chiếu chỉ, tự phế Hậu ngay trong Đại điển đăng cơ của Hoàng đế, chiếu ra khi Thái hậu vẫn là Thái hậu, theo lý không ai bác được. Nhưng chuyện xảy đến quá nhanh, trên dưới chưa kịp định thần, ngày hôm sau một đạo thánh chỉ khác đã được ban ra. Hoàng đế lập Hậu. Chẳng phải ai khác, lại chính là nữ nhi Kim Lăng Nhan thị. Chẳng cần nhiều lời, đạo thánh chỉ này khơi lên sóng to gió lớn đến mức nào.
Trước ngự tiền, quân cương quyết không đổi, thần kịch liệt phản đối, dù là đã có lệ thời Thế Tông[1], nhưng nay lại là quân vương và Thái hậu! Nhưng trong chuyện này, lùi bước nhìn lại, e rằng Thái hậu mới là người nhận nhiều phỉ bang chỉ trích hơn cả, bao nhiêu đời nay cũng chẳng thiếu chuyện Thái hậu lộng quyền, âm thầm thao túng bức bách Hoàng đế.
[1] Tấn triều Thế Tông hoàng đế, 200 năm trước, bối cảnh của Quy Tự Dao.
Vào hạ, Túc Châu gặp hạn, tặc đạo thịnh hơn nhân đạo, lòng dân lung lay không yên, phỏng rằng, thế chính là do quân vương vô đạo, thượng bất chính thì hạ tắc loạn đấy. Cứu hạn còn chưa xong, ở Hải Châu nơi ấy đã lục đục chiến sự, quân của Hải Châu vệ và quân Lãng Cơ rơi vào cục diện giằng co căng thẳng, triều đình dốc toàn lực ứng phó, việc trở tay cũng đã là không dễ. Chuyện dời đô về Kim Lăng đành gác lại, mà ở nơi Hoàng thành Yến Kinh này canh gác càng thêm cẩn mật, phòng cho trong buổi biến loạn xảy ra chuyện kinh thiên.
Cả một năm dài đằng đẵng, tưởng như thể mây mù che kín khắp trời, chưa từng có một tin tốt truyền lên đến Ngự tiền. Trên dưới chỉ lo đến chuyện chính sự, bàn tới chuyện binh đao, nào còn thì giờ mà nghĩ tới chuyện hậu đình. Sức ép lớn lao, mệt mỏi rệu rã, dường như chuyện dời đô kia chẳng phải điềm lành.
Nếu trong tâm bão vẫn có thể đứng vững, vậy đợi bão tan cũng chỉ là chuyện thời gian.
Nhưng hết thảy đều là chuyện của tương lai.
Bao đời lịch đại, phàm khi thái bình suy yếu, gặp nạn binh đao, quan viên sẽ tấu thỉnh cải nguyên, cốt như thay đổi quốc vận. Nay cũng không phải ngoại lệ, bắt đầu từ Chính đán năm sau, cải nguyên Vĩnh Thuần.
Vĩnh Thuần nguyên niên, Lãng Cơ quốc khiển sứ nghị hòa.
Chiến sự căng thẳng, địa điểm lại giáp biển, Lãng Cơ quốc ban đầu chỉ là muốn uy ép chiếm lợi thế thông thương, sau lại thành một hồi hai bên đều có thương vong. Thế nhưng trận chiến này cũng không phải thuần túy là thắng làm vua thua làm giặc, trên thực tế thế lực ngang nhau, giết địch một vạn thương tổn tám ngàn, Tấn triều không nhượng bộ, mà Lãng Cơ quốc cũng không dễ dàng từ bỏ. Vì thế cho nên, chuyện nghị hòa này trì hoãn đình trệ.
Năm Vĩnh Thuần thứ nhất, cuối năm.
Binh tướng nơi tiền tuyến vẫn siết chặt phòng thủ, tình thế tiến thoái lưỡng nan này đã kéo dài hơn một năm. Lúc này sứ giả lại tới trước Ngự tiền, đôi bên nhượng bộ, ắt phải tìm cho ra một hướng đi chung. Trận này triều đình Đại Tấn tổn thất nhiều, yêu cầu quân hạm của Lãng Cơ quốc rút khỏi Hải Châu là một chuyện, mềm nắn rắn buông nghị chuyện bồi thường tổn thất lại cũng là một chuyện khác. Nhưng quan hệ lân bang, xưa nay cốt là ở lợi ích song phương, Hoàng đế hạ chỉ mở cảng, hoàn toàn thông thương, trong năm tới sẽ soạn chính sách giao thương có lợi cho Lãng Cơ quốc.
Nghị hòa kết thúc, sứ giả cũng ly kinh về cố thổ.
Cho tới khi chiến sự êm xuôi, ấy cũng là lúc tiết Xuân sưu sắp đến.
Theo điển lễ, Thế tử Thế nữ từ các nhánh vương thất tròn tám tuổi sẽ được đưa vào Đế kinh rèn mài lục nghệ, cho tới khi đến tuổi nhược quán, tuổi cập kê, mới có thể ly kinh. Thị đọc của Đông Cung cũng tuyển từ trong những người trẻ tuổi ấy mà ra. Nay thế sự trong triều như vậy, trong vài ba năm chắc chắn Hoàng đế sẽ không tuyển Hoàng phu, không lập tự quân, càng sẽ không có ngôi Đông Cung, vậy thì cũng chẳng cần thị đọc. Vậy là, tất cả đều dồn sự chú ý vào Xuân sưu.
Xuân sưu năm nay, các Thế tử Thế nữ dường như còn càng quyết tâm hơn, hăng hái phô trương tài trí, thể hiện năng lực, tranh tranh đoạt đoạt ngôi Khôi thủ. Từ Đại điển đăng cơ năm ấy cho đến nay, triều chính rối ren, nhưng quyết tâm lập nữ nhi Kim Lăng Nhan thị lên ngôi Hậu của Hoàng đế vẫn chưa phai đi nửa phần, triều thần can gián kháng nghị cũng chẳng hề lung lay. Quân thần căng thẳng đã lâu, dù có kéo dài thế nào rồi cũng phải đến lúc kết thúc, chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Mà nếu ngôi Hậu không phải của Kim Lăng Nhan thị mà là một nữ tử nào đó khác, cuối cùng thì cũng là không thể có Hoàng tự. Lịch sử rồi sẽ lặp lại, cũng giống như Tiên đế khi xưa. Vừa hay, Xuân sưu năm nay là dịp tốt để trổ tài, dọn đường cho tương lai.
- --
Hôm nay, vạn dặm trời xanh, cảnh xuân vừa lúc, gió nhẹ khe khẽ phất qua, lòng người cũng nhẹ nhõm thong dong.
Lá quân kỳ ngoài trướng bay trong gió, mùi thuốc súng thoang thoảng khắp bốn bề. Lại nghe tiếng vó ngựa nện đất, nhìn cảnh đất bụi dội lên, trong chốc lát giáo trường rộng lớn không còn bóng người, chỉ còn thấy những bóng lưng ghì trên thân ngựa.
Tùy giá dịp Xuân sưu năm nay còn có cả văn thần, Chung Cố và Vệ Dung cũng đang ở nơi này.
Năm xưa Chung Cố lập công kịp thời ứng cứu mệnh quan triều đình, qua vài năm cống hiến lại được Hoàng đế chủ tâm nâng đỡ, nay đã đặt chân lên tới Đô Sát viện, chẳng mấy chốc sẽ nắm lấy cái chức Binh bộ Thị Lang. Vệ Dung, một bên là cánh tay đắc lực của Hoàng đế, một bên lại được Lại bộ Thượng thư Nghiêm Ngật nâng đỡ, tư lịch trong sạch, nay cũng đã là Thiếu khanh Hồng Lư tự.
Nhìn Xuân sưu năm nay náo nhiệt, Chung Cố và Vệ Dung đưa mắt nhìn nhau, tự hiểu trong lòng tất cả những người này đều chẳng ai lọt mắt Quân thượng. Người Hoàng đế muốn, ắt phải là một người không có tư tâm, như trang giấy trắng. Vệ Dung cũng hiểu, thời gian này Bệ hạ ngoài trừ ngoại địch, trong phòng nội loại, đã sớm mệt mỏi, càng đừng nói đến chuyện đại thần phản đối lập Hậu. Chẳng nói đến tấu sớ can gián, ngay đến tấu thỉnh Nhan Y rời khỏi Vị Ương cung, cũng chưa ngày nào không xuất hiện trên Ngự án.
Chuyện từ đầu cho tới bây giờ, mặc dù trong lòng Vệ Dung không ủng hộ chuyện này, lại cũng không thể không bất giác cảm thán trong lòng – dù sao cũng là chuyện hậu đình mà thôi, nếu đã là lưỡng tình tương duyệt, không ảnh hưởng đến quần thần cũng chẳng liên lụy đến bách tính, cũng không phải là không thể chấp nhận được.
Lại nói, ở Xuân sưu năm nay có hai đứa trẻ đang còn chưa tới tám tuổi đã được tham dự. Một là nữ nhi nhà Kiến Ninh vương, một là nữ nhi nhà Khang vương, đều còn nhỏ như vậy, dù là vương nữ nhưng đương nhiên chưa có phong hào.
Trên đài cao, Trì Tái đứng bên tùy thị. Hắn dõi mắt theo, quan sát đã mấy ngày nay, âm thầm đưa ra phán đoán chủ tử hẳn là vừa lòng với Yên Nhiên, vương nữ nhà Khang vương hơn. Nói là vừa lòng mà thôi, cũng chẳng thể phỏng đoán đến chuyện lựa chọn thu dưỡng, chứ chớ nói đến chuyện ngày sau lập Trữ quân. Còn về phần nữ nhi nhà Kiến Ninh vương, Ỷ Ngọc – vẫn luôn nói hai chữ Vương không tôn quý bằng một chữ Vương, chỉ nói riêng chuyện này cũng đã thấy luận về thân phận, Ỷ Ngọc không bằng được với Yên Nhiên.
Hai đứa trẻ còn rất nhỏ, không thích gió cát nơi thao trường. Gió xuân nhẹ mà se lạnh, cả hai đều được quấn trong lớp y phục ấm áp.
Yên Nhiên, đứa trẻ này thật rất lanh lợi hoạt ngôn, dường như còn rất hứng thú với chuyện ăn uống, mỗi khi nhìn thấy điểm tâm sẽ liền cười lên, mà mỗi khi cười lên, đôi mắt đen láy lại lấp lánh. Đường Oanh nhìn, chuyện cũ năm xưa đã phủ bụi lại như hiện lên ngay trước mắt. Nàng nhớ đến Vĩnh Hưng quận vương, nàng nhớ đến vị Lục ca ca đã tạ thế từ lâu.
Hội săn hôm nay đã qua được nửa nén hương, Hoàng đế ban thêm điểm tâm, lại cho nhũ mẫu đưa hai đứa trẻ vào trong trướng nghỉ ngơi.
- --
Trong trướng, cho đến lúc này Đường Oanh vẫn trằn trọc thao thức. Nàng buông tóc, dựa lưng trên gối, tay nâng gáy sách mà ánh mắt lại nhìn về phía ngoài kia.
Quân thần bất hòa, lâu ngày tất sinh biến. Đường Oanh rõ điều ấy hơn cả, suốt thời gian qua cũng đã âm thầm tính toán bài bố, vừa chống giặc ngoài phòng loạn trong, mà cũng vừa nhân thời triều chính rối ren mà củng cố quyền lực. Cho dù là Thân Vệ quân hay Ngũ quân Đô Đốc phủ, trên dưới đều phản kiểm soát cho tốt, biến dù có sinh cũng vẫn có thể trừ.
Nói tẫn kê tư thần, nói họa loạn triều cương, cũng đều là vì mục đích kéo nàng rơi khỏi Đế vị. Xuân sưu này, cốt để cho Hoàng đế chọn Trữ quân, hay để cho kẻ gian nhân cơ hội, nàng cũng còn chưa rõ được. Phụ thần phụng mệnh Tiên đế phò tá Hoàng đế nay đã không còn, Tiêu Thận cáo quan quy ẩn, Vương Bạc Viễn đã biếm trích từ lâu, Nhạc Mậu tuy chấp chưởng Binh bộ nhưng không có quyền lãnh binh, Minh Ngạn là văn quan, dù quả đúng là nhân sĩ mưu lược, nhưng thời loạn cũng chẳng thể dùng đầu bút mà dẹp loạn. Các thế lực trọng thần nay đều đã dần tan rã, dù là còn phe cánh nhưng cũng như thiếu đi chủ tướng, xét đi xét lại cũng là không đủ uy hiếp đối với hoàng quyền. Thế nhưng có tính toán thế nào, có phòng bị ra sao, việc này còn liên quan đến một người khác nữa, mà chỉ cần là việc liên quan đến người ấy, nàng đều sẽ thấp thỏm bất an.
Đang suy nghĩ đã thấy Trì Tái cúi đầu đi vào, trình lên một phong thư.
Đường Oanh nhận lấy, mở thư ra, mi tâm đang nhíu cũng thả lỏng.
Thư viết: Nguyện thân như ánh trăng soi sáng, bầu bạn theo ngàn dặm quân hành. [2]
[2] Nguyện thân năng tự nguyệt đình đình, thiên lý bạn quân hành.
Nét chữ thanh mảnh, đường bút tinh tế, nhưng dấu mực ở nét cuối của câu đầu lại đậm hơn trông thấy, như thể là viết đến giữa chừng lại trầm ngâm suy tư.
Đường Oanh gập thư lại vuông vức, cất vào trong ống áo. Thư chỉ hai dòng ngắn ngủi, cũng đã đủ khiến nàng yên lòng.
Lại bỗng nghe thấy có tiếng động truyền tới từ ngoài kia, tự hồ còn nghe được cả giọng nói non nớt của con trẻ. Cũng đúng như dự đoán, chẳng bao lâu sau đã thấy một búi tóc nho nhỏ ló ra khỏi màn che, hóa ra chẳng phải Yên Nhiên lanh lợi, mà lại là Ỷ Ngọc. Đứa bé nhút nhát ít nói, chớp chớp đôi mắt, ngước lên nói với Đường Oanh: "Bệ hạ, con nghe thấy tiếng chuông của ngài, con đoán ngài vừa ngủ dậy rồi. Con tới đây tìm ngài muốn hỏi ngài một chuyện."
Đất phong của Kiến Ninh vương ở phía Nam, ngữ điệu của Ỷ Ngọc cũng thực êm tai, không có sự cứng cỏi như trong giọng nói của người phương Bắc. Đứa trẻ này thường rất ít nói, nay nói liền mấy câu như vậy, hẳn đã là khó có được.
Đường Oanh đi về phía đứa trẻ, ôn tồn dịu dàng, nhẹ giọng: "Muốn hỏi chuyện gì? Muốn hỏi chuyện gì thì cứ hỏi, đừng ngại."
Ỷ Ngọc nghe vậy mới lại gần thêm một chút, đầu nhỏ nghiêng ngiêng: "Bệ hạ, con có thể xin thêm chút hoa quả không?" Thấy Hoàng đế vẫn nhìn mình, lại vội nói thêm: "Con muốn lấy loại rất chua, mấy loại ngọt kia con sẽ đổi lại cho ngài."
Đường Oanh cúi đầu nhìn đứa trẻ, mà vóc người nàng rất cao, đứa trẻ lại thật thấp bé, vậy là bèn quỳ gối xuống: "Ngươi không thích đồ ngọt ư?"
Ỷ Ngọc đăm chiêu, lắc đầu: "Con thích đồ ngọt, đồ ngọt ngon lắm."
Đường Oanh đã hiểu ra, lại hỏi: "Vậy trong nhà có ai thích ăn chua? Phụ vương?"
Ỷ Ngọc lắc đầu, đôi mắt nài nỉ: "Không phải, nhưng a nương thích, a nương đang có tiểu đệ đệ, không có đồ chua ăn cơm sẽ không ngon."
Ánh mắt Đường Oanh nhìn đứa trẻ thật nhu hòa, vỗ vỗ gáy Ỷ Ngọc, mới cười: "Trẫm nhớ ra rồi. Ngày ấy a nương ngươi lần ấy không tới dự yến, chính là vì đang hoài thai nên mệt mỏi đường xa."
Ỷ Ngọc gật đầu, nhưng thực chất cũng là không hiểu chuyện dự yến ấy là từ đâu mà ra. Bỗng thấy mình đã được bế lên, cũng rất tự nhiên mà ôm lấy cổ người lớn.
"Ỷ Ngọc đi xa như vậy có nhớ a nương không?"
"Con nhớ lắm, nhưng nhũ mẫu dặn không được nói cho người khác biết." Vừa nói xong đã nhíu mày mím môi, nhận ra mình vừa nói cho Hoàng đế biết mất rồi.
"Tới mai đã có thể về nhà rồi, có vui không?" Đường Oanh mỉm cười, như thể là đang hỏi cả chính bản thân mình.
Ỷ Ngọc gật đầu, cái gật đầu cũng thật khoa trương. Lại hỏi: "Hình như Bệ hạ cũng vui lắm...?"
Đường Oanh nghiêng đầu nhìn về nơi xa, thấp giọng: "Phải, trẫm cũng đã bắt đầu nhớ nàng."
"Nàng là ai?"
"Thê tử." Đường Oanh lại nhìn đứa trẻ, cười trêu chọc, nhưng rồi nụ cười bay đi. "Không hẳn, cũng chưa phải thê tử. Chưa bái tạ trước tổ tiên, mới chỉ là ý trung nhân mà thôi."
Ỷ Ngọc lại càng không hiểu: "Ý trung nhân của Bệ hạ là ai vậy?"
Ỷ Ngọc nhìn sườn mặt người đang bế mình trên tay, cảm thấy hình như mình đã nhầm lẫn rồi. Người nhà dặn dò là một chuyện, phần khác cũng vì mấy ngày vừa qua cảm thấy vị Bệ hạ này thật nghiêm túc, ánh mắt mỗi khi nhìn mọi người cũng luôn lành lạnh như vậy, lúc cười cũng chẳng biết có phải cười thật hay không, thật không dám lại gần làm thân. Lúc này Bệ hạ lại ấm áp dịu dàng như vậy, Ỷ Ngọc cảm thấy mình thực thích vị trưởng bối này.
"A nương của trẫm."
Đường Oanh trả lời theo thói quen mà thôi, vô thức quen miệng, không để ý tới lời mình nói đã khiến đứa trẻ càng thêm khó hiểu.
Ỷ Ngọc suy ngẫm một lát, phản bác chân thành: "Nhưng mà ý trung nhân của con có phải a nương đâu?"
- -- Hết chương 81 ---
Thấy Bệ hạ bế Ỷ Ngọc lại nhớ đến năm xưa Tiên đế bế Bệ hạ. Tiên đế thương Bệ hạ như vậy, cầu Tiên đế trên ấy hãy giúp con gái cưới được nữ nhi Kim Lăng Nhan thị về cho đúng truyền thống của gia tộc đế vương nhà họ Đường (• ◡•)