Luận Anh Hùng

Chương 75: Sát Cục




Vào thời Nhân Tông, khu vực phía tây nam Ung châu từng nổi loạn, tộc nhân họ Nùng vùng lên cướp đoạt giết chóc. Trong đó có Trí Cao, là một người gan dạ thiện chiến. Trước tiên y yêu cầu triều đình phong tước, không cho liền chiếm đất xưng vương, đóng giữ Ung châu, lại đánh hạ một mạch tám châu Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Cung, Khang, Đoan, Đối. Nhân Tông kinh hãi, Địch Thanh mới xin xuất binh, lúc đó còn có bốn đệ tử của Vi Thanh Thanh Thanh đầu quân trợ giúp Địch Thanh, phản quân cuối cùng bị dẹp yên.

Trí Cao tháo chạy về Đại Lý, phóng hỏa đốt thành, chờ cơ hội nổi dậy.

Nhân tông sợ Trí Cao lại gây sóng gió, bèn mời người tài ngầm tiến vào Đại Lý ám sát Trí Cao.

Y đã bảy lần tự mình đến mời Diệp Ai Thiền chấp hành nhiệm vụ.

Diệp Ai Thiền thật sự là một người văn võ song toàn, y từng làm việc dưới trướng của Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yêm, trải qua trận chiến Thủy Xuyên và chiến dịch Vị Thủy, mỗi lần đều trí dũng hơn người, giết địch vô số. Nhưng triều đình suy nhược lâu ngày, muốn chấn hưng cũng không có sức, đã là xu thế tất yếu, giao chiến với Tây Hạ luôn thất bại quay về. Sau này y trở lại trong triều, trải qua tranh đấu bè đảng, gièm pha lẫn nhau. Trong lòng Diệp Ai Thiền vốn đã nguội lạnh, lúc đó lại xảy ra một chuyện thương tâm nên càng chán nản, vì vậy đã từ quan rời đi. Sau khi nhìn thấu hồng trần, trên thế gian đã không còn Diệp Ai Thiền nữa, chỉ còn lại Lãn Tàn đại sư dạo chơi bốn biển, không biết kết cuộc ra sao.

Vì vậy nhiệm vụ ám sát Trí Cao đã rơi vào tay ba sư đệ của Diệp Ai Thiền.

Thiên Y Cư Sĩ từ nhỏ thân thể yếu ớt, tính tình lại lương thiện thương người (sau này bị “cầm thú” Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đả thương, hai mạch Nhâm và Đốc bị tắc nghẽn, khí không thể vận chuyển đến đan điền, dù văn tài võ lược có cao, nhưng hoàn toàn không luyện được võ công cao thâm), cho nên không có tác dụng gì trong hành động ám sát lần này.

Đương nhiên, nhiệm vụ này được giao cho Gia Cát tiên sinh và Nguyên Thập Tam Hạn. Lúc đó hai người vẫn còn trẻ tuổi hăng hái, tâm cao khí ngạo, chí lớn tài cao.

Lúc ấy, Nguyên Thập Tam Hạn bộc lộ tài năng, Gia Cát tiên sinh thâm trầm tự phụ, hai người tuy có lúc tranh chấp nhưng giao tình vẫn khá tốt. Nguyên Thập Tam Hạn luôn cảm thấy Gia Cát tiên sinh rất may mắn, ví dụ khi như hai người chia nhau truy bắt hung thủ, Gia Cát tiên sinh luôn chọn đúng con đường, thuận lợi chờ đợi hung thủ chạy đến, còn hắn lại chìm vào trong vùng lầy; hay như hoàng đế muốn phân biệt triệu kiến hai người, đến ngày tiếp kiến Nguyên Thập Tam Hạn thì lại xảy ra động đất, chuyện triệu kiến dĩ nhiên bị xoá bỏ; còn ngày tiếp kiến Gia Cát lại là trời trong nắng ấm, thiên tử liền gọi Gia Cát Chính Ngã đi săn bắn với y.

Nguyên Thập Tam Hạn đương nhiên cũng không đi phân biệt từng chút. Có nhiều “vận may” quả thật là không thể nắm giữ, nhưng lại có nhiều “vận may” là do Gia Cát tiên sinh tự mình “kiếm” được.

Chẳng hạn như chuyện truy bắt hung thủ, Gia Cát tiên sinh dựa vào sự thông minh của mình, suy đoán hung thủ có thể chạy theo hướng nào, từ đó đưa ra lựa chọn. Y không thể bỏ qua việc truy bắt “hung thủ” kia, bởi vì với “Cửu Tử Vô Hối thần công” của “Cửu Tử Nhất Sinh” Cừu Lệ Sinh, e rằng Nguyên Thập Tam Hạn không thể ứng phó được. Gia Cát tiên sinh không muốn Tứ sư đệ mạo hiểm, hơn nữa y tự tin có thể bằng cơ trí bắt được Cừu Lệ Sinh.

Nguyên Thập Tam Hạn dĩ nhiên cũng không biết, trong rất nhiều tình huống, Gia Cát tiên sinh đã cố ý nhường nhịn, không tranh với hắn. Nguyên Thập Tam Hạn cũng là người thông minh, có lúc cũng cảm giác được Tam sư huynh cố ý nhường mình, điều này càng làm cho hắn bực bội, cảm thấy đây là một sự sỉ nhục, một sự khinh bỉ, còn khiến hắn giận dữ hơn so với việc đánh bại hắn.

Có điều, Nguyên Thập Tam Hạn mặc dù đố kị, nhưng vẫn muốn quang minh chính đại tranh đấu với Gia Cát tiên sinh, nhất định không chịu dùng thủ đoạn âm hiểm.

Lần này trước khi ám sát Trí Cao, bọn họ đã đưa ra một ước định.

Ai giết được Trí Cao trước, sau này người còn lại phải phục tùng người đó, không được oán trách.

Lần này Nguyên Thập Tam Hạn quyết chí thể hiện một phen, đánh bại Gia Cát.

Gia Cát tiên sinh cho rằng làm như vậy có thể miễn trừ hậu hoạn. Y biết Tứ sư đệ là một người tuân thủ lời hứa, bất kể ai thắng ai thua, sau này đều có thể xóa bỏ rất nhiều ưu phiền.

Người sống trên đời có thể xóa bỏ ưu phiền hay không?

Đáp án đương nhiên là không thể.

Gần như có thể nói, không ai có thể tuyệt đối xóa bỏ ưu phiền.

Thậm chí có thể nói, người hoàn toàn không có ưu phiền e rằng cũng không phải là người nữa.

Gia Cát tiên sinh là trí giả, nhưng trí giả cũng không thể xóa bỏ ưu phiền. Bình thường, một trí giả ngoại trừ chứng minh hắn là một người thông minh, cũng ngụ ý hắn là một người thường phải vận dụng đầu óc để giải quyết vấn đề.

Cho nên trí giả thường ưu sầu, phải tự biết thõa mãn thì mới vui.

Nguyên Thập Tam Hạn không thõa mãn.

Hắn vẫn luôn căm phẫn bất bình.

Gia Cát có thể, vì sao hắn không thể?

Không ngờ trên đời này lại có việc mà ngươi làm được nhưng ta không thể, cũng như có việc mà ta làm được còn ngươi không thể.

Gia Cát tiên sinh một lòng muốn thua.

Chỉ cần y thua, Nguyên Thập Tam Hạn thắng, như vậy sẽ có thể bình yên.

Gia Cát muốn Nguyên Thập Tam Hạn bình tâm, chỉ cần bình tâm đương nhiên là có thể ôn hòa.

Đáng tiếc là trên đời có một loại người, ngươi cho hắn hoa hồng thì hắn lại muốn hoa lan, ngươi cho hắn vàng bạc thì hắn lại muốn châu báu.

Ngươi muốn nhường nhịn người khác, khoan dung người khác, trước tiên phải để người đó hiểu được sự nhường nhịn của ngươi. Ngươi kính người một thước, người kính ngươi một trượng, đây mới là có qua có lại. Nhưng có người vốn không chấp nhận sự nhường nhịn của ngươi, kết quả là được một bước đòi hai bước, được hai bước đòi ba bước. Đến cuối cùng, ngươi muốn nhịn cũng không thể nhịn, muốn nhường cũng không thể nhường, không bằng ngay từ đầu đã không nhịn không nhường, không lùi nửa bước thì tốt hơn.

Có loại người, nếu như ngươi nhường hắn, đối với hắn không phải thiện ý mà lại là sỉ nhục.

Trên đời có người thường xem địch ý là thiện ý, có người lại xem thiện ý là địch ý, có người lại khéo léo ẩn giấu địch ý phía sau sau thiện ý, cũng có người trong lòng thiện ý nhưng lại làm cho người khác hiểu lầm là địch ý. Đối với Nguyên Thập Tam Hạn, bất kỳ việc thiện của Gia Cát tiên sinh, hắn cũng xem như địch ý; còn đối với Gia Cát tiên sinh, tất cả hành động đối địch của Nguyên Thập Tam Hạn, y đều dùng thiện ý để hóa giải. Còn nếu là ngươi thì sao?

Thực ra đối với người trong lòng có thiện ý, không phải muốn được báo đáp, mà là để cho mình được sống vui vẻ.

Báo thù chỉ sẽ gây thù chuốc oán thêm. Không để sự hận thù cắn nuốt thời gian của vui vẻ của mình, không hao phí thời gian quý giá của mình vào việc thù hận kẻ địch, dùng thời gian đối địch để đi giúp người khác, hơn nữa ban ơn không cần báo đáp, đây mới là con đường tốt nhất, “cầu xin mình còn hạnh phúc hơn so với cầu xin người khác”.

Gia Cát tiên sinh lẻn vào Đại Lý. Y vốn có ba cơ hội đột phá trận địa của quân địch, có thể dễ dàng lấy mạng Trí Cao.

Nhưng y lại không ra tay.

Y đánh bại, đánh tan, đánh lui sáu người trong “Thất Tuyệt Thần Kiếm” thủ hạ của Trí Cao, nhưng lại không xuống tay với Trí Cao.

Y để lại Trí Cao cho Nguyên Thập Tam Hạn.

Trên thực tế, y đánh bại một mạch Kiếm Thần, Kiếm Tiên, Kiếm Quỷ, Kiếm Ma, Kiếm Yêu, Kiếm Quái trong “Thất Tuyệt Thần Kiếm”, bản thân cũng bị tổn thương nguyên khí.

Y cho rằng “Thất Tuyệt Thần Kiếm” chỉ còn lại một người, Nguyên tứ sư đệ nhất định có thể đối phó được.

Không ngờ, “Kiếm” trong “Thất Tuyệt Thần Kiếm” là danh hiệu của một thiếu niên, võ công của một mình hắn lại tương đương với sáu tên đồng môn hợp lại.

Khi Nguyên Thập Tam Hạn ám sát Trí Cao, lại đụng phải tên “Kiếm” khó dây vào nhất này.

Hai người giao đấu một trận, Nguyên Thập Tam Hạn đánh trọng thương “Kiếm”, nhưng chính hắn cũng bị thương không nhẹ.

Ngoại trừ thương, còn có giận.

Hắn cho rằng Gia Cát tiên sinh cố ý để đối thủ khó nhất lại cho hắn.

Hắn lập tức trở về Bạch Tu viên dưỡng thương, đúng lúc Gia Cát tiên sinh cũng đang ở đó. Nếu như không có Thiên Y Cư Sĩ hòa giải khuyên nhủ, e rằng Nguyên Thập Tam Hạn đã đòi quyết một trận tử chiến với Gia Cát tiên sinh.

Phương pháp hóa giải của Thiên Y Cư Sĩ là dời sự chú ý của hai người đi (nhất là Nguyên Thập Tam Hạn).

Khi đó, y biết Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đang ở Tương Dương.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất chính là người đã ám toán Thiên Y Cư Sĩ.

Thân thể Thiên Y Cư Sĩ vốn suy nhược, không thể tu luyện võ nghệ cao thâm, nhưng vẫn còn một chút võ công làm vốn. Một chút “võ công làm vốn” này là do đại hiệp Vi Thanh Thanh Thanh dạy dỗ, cho nên trong võ lâm cũng không thể xem thường.

Nhưng y lại bị Hạ Hầu Tứ Thập Nhất ám toán, đến nỗi Nhâm mạch tắc nghẽn, Đốc mạch tổn thương, nguyên khí không thể duy trì, chân khí không thể ngưng tụ, đều là do Hạ Hầu Tứ Thập Nhất ban cho.

Về nguyên nhân mà y kết thù với Hạ Hầu Tứ Thập Nhất, hoàn toàn là vì nhúng tay vào một chuyện “không liên quan”.

Đảng Thái Kinh hạ lệnh cho “tâm phúc nanh vuốt” số một của bọn họ trong võ lâm là Hạ Hầu Tứ Thập Nhất, kẻ bị người ta thầm gọi là “không bằng cầm thú”, nghiên cứu chế tạo một loại thuốc. Loại thuốc này khiến cho người bị tử hình, lúc chém đầu không thể lên tiếng, dáng vẻ bại hoại hổ thẹn, hơn nữa còn không được để người khác nhìn ra từng bị hạ độc.

Bọn họ nói đây là việc làm cần thiết, bởi vì triều đình thường dùng tội danh “tội ác tày trời” để xử tử một số phạm nhân, nhưng những tử tù này biết mình vô tội, bị oan mà chết, cho nên ưỡn ngực mà đứng, không hề sợ hãi, càng không hổ thẹn. Lúc đi đến ngọ môn chịu chết, bọn họ còn trợn trừng hai mắt, không ngớt mắng to; hoặc đến pháp trường hành hình, cũng ngẩng đầu sải bước, không hề xấu hổ, hơn nữa còn coi thường cái chết, hát vang khẳng khái, dùng giọng nói hào hùng trước lúc chết để chỉ trích triều đình hủ bại. Khí khái không sợ chết như vậy khiến cho dân chúng dọc đường rơi nước mắt vì bọn họ, cất tiếng hoan hô, đưa thức ăn hỏi thăm, tế lễ quỳ bái.

Như vậy thì còn ra “thể thống” gì? Đảng Thái Kinh mỗi ngày đều giết oan rất nhiều người, sao có thể để loại “tội phạm” này làm nhục “quốc thể” như vậy? Cho nên bọn họ tìm rất nhiều quan lại chuyên hành hình đến để nghiên cứu ra một kế sách vẹn toàn, khiến cho người bị hành hình không thể lên tiếng, làm cho người ta vừa nhìn là biết nghiệp chướng nặng nề, chỉ có thể cúi đầu chịu giết.

Thế là có người phát minh ra đủ loại khí giới, kỹ thuật khiến cho khí quản và cổ họng của phạm nhân bị tắc nghẽn, nhưng lại rất khó làm cho người sáng suốt hoàn toàn không phát giác ra. Vì vậy bọn họ muốn Hạ Hầu Tứ Thập Nhất phát minh ra một loại thuốc có thể đạt được hiệu quả này, lại ngầm lệnh cho Nhậm Lao và Nhậm Oán tu luyện một loại kỳ công, khiến cho phạm nhân bị nội lực công kích tự động lên tiếng nhận tội.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất là bậc thầy võ học, sở trường ám toán, nhưng lại không phải là dược sư.

Vì muốn hoàn thành mệnh lệnh của Thái Kinh, cũng muốn lấy lòng quyền tướng, hắn đành phải đi cầu xin “Lão Tự Hiệu” Ôn gia.

“Lão Tự Hiệu” Ôn gia vốn nổi tiếng về chế độc.

Nhưng lúc này lại nảy sinh một vấn đề.

“Lão Tự Hiệu” Ôn gia cũng không phải tất cả đều dùng độc.

Lão Tự Hiệu lại chia làm bốn chi nhánh.

Chế độc là Tiểu Tự Hiệu.

Cất độc là Đại Tự Hiệu.

Dùng độc là Tử Tự Hiệu.

Giải độc là Hoạt Tự Hiệu.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất trước tiên tới Lạc Dương tìm Ôn Vãn.

Ôn Vãn vốn thuộc về nhánh Hoạt Tự Hiệu, hơn nữa còn là một trong ba người đứng đầu của Hoạt Tự Hiệu.

Y dứt khoát cự tuyệt chuyện dùng độc với tù phạm.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất thẹn quá hoá giận, nhưng cũng không dám đắc tội với “Đại Tung Dương Thủ” Ôn Vãn.

Thế lực của Ôn Vãn tại cố đô Lạc Dương không thể xem thường, hơn nữa còn mở rộng đến cả hai phe hắc bạch, nếu như có thể thì tốt nhất không nên trêu chọc.

Cho nên hắn đi tìm cao thủ Ôn Sa Công của Tử Tự Hiệu.

Nhưng Ôn Sa Công cũng không chịu giúp hắn hạ độc.

Người của Tử Tự Hiệu giỏi về hạ độc, nhưng chưa chắc tất cả đều không có phẩm giá, không để ý đến nguyên tắc, bán mạng cho quyền tướng hoạn quan.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất lại đi tìm Ôn Đế của Đại Tự Hiệu.

Bởi vì hắn từng nghe nói Lão Tự Hiệu đã sớm nghiên cứu chế tạo ra loại thuốc này. Khi uống loại thuốc này vào, người uống sẽ luôn nói rằng mình không đúng, nhận tội nhận sai liên tục, cho đến chết mới thôi.

Mà nơi cất giấu loại thuốc này chính là Đại Tự Hiệu.

Cho nên hắn đi tìm Ôn Đế.

Ôn Đế vốn không muốn phục vụ cho đảng Thái Kinh, nhưng cũng không dám đắc tội với Thái Kinh.

Đang lúc khó xử thì Thiên Y Cư Sĩ lại xuất hiện.

Y nghe Ôn Vãn kể lại chuyện này, cho nên chạy tới ngăn cản Hạ Hầu Tứ Thập Nhất, chớ nên vì đám người Thái Kinh mà làm chuyện tán tận lương tâm như vậy.

Y từng có duyên ba lần với Hạ Hầu Tứ Thập Nhất. Lần đầu tiên là Hạ Hầu tới thỉnh giáo y về phương pháp phá trận. Thiên Y Cư Sĩ cho rằng hắn muốn phá trận do người Kim bày ra, cho nên đã dạy hắn, kết quả là hắn lại dẫn người đi phá trận pháp do hảo hán Lương Sơn Bạc “Trí Đa Tinh” Ngô Dụng bố trí. Lần thứ hai là Hạ Hầu bị thương, bị trúng châm pháp “Nộ Tú Cuồng Hoa” của Thần Châm Tiên Tử, bao gồm bảy yếu huyệt lớn ở lưng là Đại Chùy, Đào Đạo, Thân Trụ, Thần Đạo, Toàn Trường, Cân Súc, Tích Trung. Hắn nhờ Thiên Y Cư Sĩ giúp thông huyệt cứu gân, Thiên Y Cư Sĩ niệm tình võ lâm đồng đạo nên cũng giúp hắn. Lần thứ ba là Hạ Hầu Tứ Thập Nhất tới mượn y một con bồ nông mỏ đỏ. Bồ nông là một loại chim bắt cá, còn gọi là chim cốc, tên tục là con quạ nước. Khi đó hoàng đế Triệu Cát đam mê tửu sắc, trác táng quá độ, đến nỗi không thể tiếp tục vui vầy cá nước, thuốc và châm cứu không có hiệu quả nên tìm đến tiên đan, tiên đan không được lại nhờ vào bùa chú. Cái gọi là “tiên đạo” có rất nhiều yêu cầu, trong đó bao gồm một con bồ nông mỏ đỏ. Chuyện này cũng không phải là không có nguyên nhân, trong phần “Hậu Nhân” của “Kinh Thi Tào phong” cũng từng đề cập đến. Con cò bắt cá, tự có dụ ý nam nữ giao hoan. Thái Kinh biết bồ nông mỏ đỏ không dễ tìm, nhưng vì muốn lấy lòng quân vương nên tìm kiếm khắp nơi, thừa cơ bóc lột. Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đoán rằng chỗ Thiên Y Cư Sĩ chắc sẽ có, vì vậy mới đến bái kiến cầu xin. Thiên Y Cư Sĩ yêu thú vật như mạng, cho dù đối phương hứa hẹn lợi lớn quyền cao, y cũng không chịu đưa bồ nông cho những tên yêu đạo này luyện chế thứ “tiên đan” rác rưởi. Hạ Hầu Tứ Thập Nhất mất đi cơ hội nịnh hót chủ nhân, sớm đã ghi hận trong lòng với Thiên Y Cư Sĩ.

Lần này Thiên Y Cư Sĩ khuyên Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đừng làm chuyện mất hết tính người này. Hạ Hầu Tứ Thập Nhất bề ngoài vâng vâng dạ dạ, nhưng thật ra là bằng mặt không bằng lòng, ngầm ép bức dụ dỗ, muốn Ôn Đế giao ra loại thuốc “Duy Mệnh Thị Tòng”.

Ôn Đế vẫn còn do dự.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất cực kỳ tức giận. Hắn lại dùng danh nghĩa của Thiên Y Cư Sĩ, trước tiên giết chết vợ con của Ôn Đế, lại hăm dọa Ôn Đế rằng đám người Gia Cát tiên sinh đã biết y muốn dâng độc dược giết hại trung lương, cho nên muốn giết cả nhà y. Việc đã đến nước này, không bằng y cứ dâng thuốc cầu xin Thái tướng gia che chở.

Đến lúc này, Ôn Đế cũng không thể không theo.

Hạ Hầu Tứ Thập Nhất nhận ra Ôn Đế vẫn còn nửa tin nửa ngờ, cho nên hắn cũng làm dứt khoát.

Hắn bày sát cục, trước tiên dùng Ôn Đế làm thí nghiệm.

Hắn không chế Ôn Đế, bắt y tự ăn Duy Mệnh Thị Tòng.

Kết quả, Ôn Đế quả nhiên không hề “phục tùng mệnh lệnh”, chỉ mệt mỏi mà thôi.

Rất mệt, đến mức ngay cả ngẩng đầu, ăn cơm, nháy mắt cũng không có sức.

Nhưng y cũng không nhận tội, biết sai, tự phê phán mình.

Lúc này Hạ Hầu Tứ Thập Nhất lại lộ ra vẻ mặt dữ tợn, bắt Ôn Đế giao ra Duy Mệnh Thị Tòng thật sự.

Đến lúc này, Ôn Đế cũng không thể không giao.

Y nộp một loại thuốc khác. Hạ Hầu Tứ Thập Nhất lại bắt y viết ra phương thuốc.

Ôn Đế cũng đành phải viết.

Lúc viết y lại nở một nụ cười kỳ dị.

Sau khi viết xong, Hạ Hầu Tứ Thập Nhất liền giết chết Ôn Đế. Hắn không thích nhìn đối phương cười, nhất là một con sâu đáng thương sắp chết trong tay mình, còn mang theo một nụ cười kỳ dị như vậy.

Việc làm của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đã chọc giận Thiên Y Cư Sĩ.

Trên đường Hạ Hầu Tứ Thập Nhất trở về kinh, Thiên Y Cư Sĩ đã chặn đường hắn.

Thiên Y Cư Sĩ trách hỏi hắn, vì sao lại tiếp tay cho giặc, ra tay độc ác như vậy?

Phản ứng của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất là “hối hận”.

Hắn “hối hận” là để “hành động”.

Khi làm cho Thiên Y Cư Sĩ cảm thấy hắn đang hối hận, hắn lại ra tay với Thiên Y Cư Sĩ.

Thiên Y Cư Sĩ vốn không đề phòng.

Nhưng y lại cảm giác được một loại sát khí, còn có một loại khí tức hung bạo. Khi một người động sát cơ, trước khi giết người tại mi tâm luôn có một loại màu sắc, trên đầu luôn có một làn khí, trong mắt luôn có một luồng ánh sáng phát ra.

Thiên Y Cư Sĩ đã phát hiện ra sát khí dày đặc này, cho nên mới kịp thời thoát khỏi công kích của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất.

Hai người giao đấu một phen, “Tương Tư đao” và “Tiêu Hồn kiếm” của Thiên Y Cư Sĩ ước chừng đánh ngang tay với “Cát Tu Khí Bào Di Hình Hoán Vị đại pháp” của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất. Nhưng Thiên Y Cư Sĩ vừa giao đấu, vừa đá chân phất tay, dùng đất đá chung quanh bố trí thành trận thế. Đánh được ba trăm hiệp, Hạ Hầu Tứ Thập Nhất đã bị vây trong trận, cho dù Thiên Y Cư Sĩ không ra tay thì hắn cũng không thể thoát ra được.

Đến lúc này, Hạ Hầu Tứ Thập Nhất không chiến đã bại.

Hắn đột nhiên ngồi xuống, sắc mặt tái xanh, run rẩy không ngớt, sau đó hét lớn một tiếng. Hắn giống như tỉnh ngộ, quỳ xuống xin tội, tự cắt ngón út, khóc lóc kể lể xin Thiên Y Cư Sĩ tha cho hắn một lần, sau này mỗi ngày hắn sẽ làm ba việc thiện, diệt trừ tà ác để báo ân tình, chuộc tội của mình.

Thiên Y Cư Sĩ là một người tiếc tài.

Y không đành lòng giết chết Hạ Hầu Tứ Thập Nhất, lại hi vọng hắn thật tâm sửa đổi, tạo phúc cho võ lâm, cho nên mới thu hồi trận thế, để Hạ Hầu Tứ Thập Nhất có thể hối cải, làm một con người mới.

Bởi vì như vậy, y lại sa vào trong sát cục do Hạ Hầu Tứ Thập Nhất dày công bố trí.

Thiên Y Cư Sĩ tha cho Hạ Hầu Tứ Thập Nhất, nhưng kẻ thù của Hạ Hầu Tứ Thập Nhất lại tìm tới Thiên Y Cư Sĩ.

Đó là “Thần Châm Tiên Tử”.

Người đời gọi là “Chức Nữ”.