Chúng tôi chưa
đi được bao xa thì chú Tô đã cho người đến đón Tô Linh San rồi. Cô ấy ôm chặt
lấy Kì Ngôn không chịu buông tay. Kì Ngôn liền nhẹ nhàng dỗ Tô Linh San: -Linh
San ngoan nào, em về nhà trước đi!. Cuối cùng thì Tô Linh San cũng đồng ý tạm
biệt Kì Ngôn để ra về.
Cô ấy là một cô
gái dám nghĩ dám làm. Nếu đổi lại là tôi, tôi tuyệt đối sẽ không làm như vậy
đâu.
Khi Tô Linh San
về, tôi khẽ liếc nhìn Kì Nặc. Lúc ấy môi anh đang mỉm cười, liệu có phải anh
đang mỉm cười bởi vì Kì Ngôn có được cái phúc như vậy không nhỉ? Hai người
chúng tôi, Kì Nặc đẩy xe lăn, tôi thì xách lồng đèn, người đi bên trái, người
đi bên phải. Bên cạnh là những con đom đóm lập lòe tỏa ra ánh sáng xanh lè. Tôi
thật sự hi vọng thời gian có thể ngừng trôi để cho chúng tôi có thể đi bên nhau
mãi mãi như vậy.
Tôi chịu mở
miệng nói chuyện, người vui nhất đương nhiên là bố. Tôi ngồi trong phòng khách,
ăn canh gà mà Kì Nặc đã hâm nóng lại cho tôi. Canh gà là huyện trưởng mới mua
về cho chúng tôi. Tôi vừa mở miệng gọi “bố” là bố liền cười to sung sướng, điệu
bộ rối rít như một đứa trẻ con. Bố đi đi lại lại trong phòng, niềm vui hiện rõ
trên khuôn mặt khiến cho mặt mẹ kế như sa sầm xuống.
Bố nói: -Kì Nặc
quả là một đứa trẻ ngoan! Tôi biết là lần này đến huyện Thụ Thủy nhất định sẽ
có thu hoạch lớn mà! Tôi nhất định sẽ sửa cho xong đường xá, sau này phải
thường xuyên tới đây mới được. Mà tôi muốn nhận nuôi Kì Nặc, tôi nghĩ chắc chắn
cậu bé sẽ mang lại niềm vui cho Tiểu Mạt!
Bố vừa nói xong
câu ấy, miếng canh gà tôi còn chưa kịp nuốt trong miệng lập tức phụt ra ngoài. Kì
Ngôn ngã nhào xuống đất. Cánh tay đang xào nấu của Kì Nặc chợt khựng lại.
Mẹ kế nghe vậy
liền lên tiếng: -Kì Nặc, còn không mau chạy đến cám ơn chú La đi!
Huyện trưởng
nói: -Đây là một chuyện tốt! Kì Nặc à, những ngày tháng vất vả của cháu đến đây
là chấm dứt rồi!
Tôi vừa vui mừng
vừa vô cùng ngạc nhiên, đưa mắt nhìn sang Kì Nặc . Anh ấy vẫn vừa xào nấu vừa
từ tốn hỏi: -Thế còn Kì Ngôn thì sao?
Bố tôi không ngờ
Kì Nặc sẽ đưa ra câu hỏi này, ông bối rối nhìn sang Kì Ngôn: -Điều này…
Kì Ngôn liền xua
xua tay nói: -Em rất ổn, anh đi rồi em sẽ không bị người khác mang ra so sánh
với anh nữa! Như vậy chẳng phải tốt quá còn gì! Yên tâm đi, em sẽ ở đây với
huyện trưởng!
Tôi biết trong
lòng Kì Ngôn đang rất buồn phiền và hụt hẫng. Mặc dù anh ấy diễn kịch rất giỏi
nhưng tôi chỉ nhìn qua là biết ngay. Bởi vì tôi cũng đã từng che dấu sự đau khổ
của mình bằng cách ấy. Nhưng tôi biết con người không thể dấu nổi nỗi đau đớn
trong lòng.
Kì Ngôn tập tễnh
đi lên gác, tôi bước lên trước dìu Kì Ngôn nhưng anh đã hất tay tôi ra và nói:
-La Tiểu Mạt, người vui mừng nhất có lẽ là em đấy nhỉ?
Dứt lời Kì Ngôn
liền bật cười, cái bóng cô độc của anh ấy khuất dần trên cầu thang.
Tối đến, tôi đi
ngang qua phòng ngủ của bố, nghe thấy tiếng bố nói chuyện với huyện trưởng. Bố
nói: -Tôi chỉ có thể nhận nuôi một đứa, còn về Kì Ngôn…tôi đành phải xin lỗi…
Huyện trưởng
nói: -Anh đừng nhìn cái vẻ bề ngoài tinh quái, nghịch ngợm của Kì Ngôn mà vội
đánh giá nó không tốt, thực ra thằng bé cũng là một đứa trẻ rất ngoan, chỉ có
điều không chịu khó học hành mà thôi!
-Nhưng mà tôi
nhận thấy Tiểu Mạt có vẻ phụ thuộc vào Kì Nặc, vì vậy tôi muốn nhận nuôi Kì
Nặc!
……
Trong lòng tôi
rất vui, nhưng lại chợt cảm thấy rất lo lắng. Với tính cách của Kì Nặc, anh ấy
chắc chắn sẽ không để lại Kì Ngôn một mình ở huyện Thụ Thủy này. Đây chắc chắn
là điều không thể!
Tôi đến trước
cửa phòng của Kì Ngôn, bởi vì Kì Nặc đã nhường phòng lại cho tôi nên tạm thời
trong thời gian này tôi và Kì Ngôn sẽ ở chung với nhau. Lúc ấy Kì Nặc đang băng
bó vết thương cho Kì Ngôn, nhưng Kì Ngôn lại co chân loại, ném hết cả băng gạc
xuống đất.
Kì Nặc liền nói:
-Em đừng bướng bỉnh nữa, sau này chẳng may chân bị tàn phế thì sao?
Kì Ngôn bực mình
gắt lên: -Anh không phải lo! Anh đã là người chuẩn bị đến Cảnh An sống rồi, còn
lo cho em làm gì? Kì Nặc, em chán cái bộ dạng này của anh lắm rồi, chán cái vẻ
ngoan ngoãn hiểu chuyện của anh lắm rồi! Đừng lúc nào cũng tỏ ra mình là anh cả
như vậy!
Tôi tức tối đẩy
tung cánh cửa, lao vào phòng rồi cầm thuốc lên ấn mạnh vào vết thương của Kì
Ngôn.
Kì Ngôn hét lên:
-La Tiểu Mạt, cô coi thường mạng người như vậy à?
Tôi lấy bông
băng từ trên tay của Kì Nặc rồi nói: -Đáng đời, cho anh đau chết luôn! Ai bảo
anh dám tỏ thái độ với anh trai mình!
Kì Ngôn đáp:
-Tôi cứ thái độ đấy, cô không nhìn quen mắt thì đừng nhìn nữa!
Tôi tức điên
lên, vừa quấn chặt vết thương vừa nói: -Anh nhìn xem người ta tay chân lóng
ngóng cũng giúp anh băng bó vết thương. Đây có thể nói là cái phúc mấy đời của
anh rồi, còn cáu cái gì mà cáu?
Kì Ngôn nói:
-Cái phúc mấy đời này có lẽ cũng chẳng được mấy ngày nữa đâu!
Kì Nặc lấy khăn
mặt lau mồ hôi cho Kì Ngôn. Nhìn thấy vết thương của Kì Ngôn bị mình băng bó
chẳng ra làm sao, tôi đành cầu cứu Kì Nặc: -Anh giúp em băng lại vết thương đi
nhé! Em thấy cứ để em băng thế này anh ấy sẽ chết nhanh hơn đấy!
Kì Ngôn đột
nhiên co chân lại, nói: -Không cần bó lại đâu, tôi muốn chết nhanh hơn một
chút!
Câu nói này
khiến cho cả tôi và Kì Nặc phải bật cười. Kì Nặc mỉm cười chạy xuống nhà lấy
nước lên. Tôi ngồi bên mép giường nhìn chằm chằm vào Kì Ngôn, anh ấy cũng ương
ngạnh nhìn lại tôi. Những lúc ngồi yên tĩnh, Kì Ngôn chẳng khác Kì Nặc là mấy. Nhưng
tại sao tôi lại thích Kì Nặc? Nhất định là do trên người Kì Nặc có một cái gì
đó thu hút tôi rồi!
Kì Ngôn đột
nhiên lên tiếng: -La Tiểu Mạt, đừng nhìn anh như thế, anh là Lặc Kì Ngôn!
Kì Nặc điềm đạm
và thận trọng, còn Kì Ngôn thì tinh nghịch và thích đùa cợt. Lúc buổi chiều,
hình như Kì Ngôn vốn định nói với tôi rằng anh ấy không phải là Kì Nặc, nhưng
lại muốn trêu chọc tôi nên đã mạo danh là Kì Nặc.
Đúng vào lúc tôi
đang trầm tư suy nghĩ thì đột nhiên có cái gì đó động đậy dưới chân mình. Tôi
mở to mắt nhìn xuống, một con chuột to đùng, đen sì sì đang bò lên chân tôi. Tôi
hét lên thất thanh, đứng bật dậy hất tung con chuột về phía Kì Ngôn. Anh ấy mỉm
cười nói: -Chỉ là một con chuột thôi mà, có gì đáng sợ đâu chứ?- nói dứt lời,
Kì Ngôn lại đẩy con chuột vào chân tôi.
-Lặc Kì Ngôn,
anh là đồ đáng ghét!- tôi hét lên, hoảng hốt nhảy phắt lên cái phản mà Kì Ngôn
đang nằm.
Chỉ nghe thấy
“rầm” một tiếng, cái phản mà tôi vừa nhảy lên đã lật úp xuống khiến cho tôi ngã
lăn ra đất.
Đương nhiên,
người cùng ngã lăn ra đất với tôi chính là Kì Ngôn, người vốn đang nằm yên trên
cái phản ấy.
Kì Ngôn ngã đè
lên người tôi. Tiếng động mạnh vang lên từ trên gác xép khiến cho mọi người
dưới lầu hoảng hốt không biết trên gác đã xảy ra chuyện gì. Toàn thân tôi đau ê
ẩm, nằm im dưới đất mà khóc. Tôi vừa khóc vừa gào lên:
-Đau quá! Kì
Ngôn chết tiệt! Anh còn không mau xuống khỏi người tôi đi!
Kì Ngôn nằm trên
người tôi, khổ sở nói: -Em tưởng là anh thích nằm trên người em chắc? Chân của
anh bị thương rồi, làm sao mà cử động được?
Người đầu tiên
chạy đến là Kì Nặc. Anh vội vàng lôi Kì Ngôn dậy. Tiếp đó, bố tôi, mẹ kế và
huyện trưởng cũng chạy lên.
-Tiểu Mạt, con
không sao chứ?- bố hoảng hốt ôm tôi vào lòng.
-Cô ấy sợ chuột,
liền nhảy lên phản. Nào ngờ phản cập kênh nên cả hai cùng bị ngã lăn xuống
đất!-Kì Ngôn giải thích.
Tôi sợ quá chỉ
biết khóc thật to. Bố kéo tôi xuống nhà, khẽ nói với tôi: -Từ sau con đừng chơi
với Kì Ngôn nữa. Bố thấy mỗi lần con chơi với nó đều bị nó dọa cho chết khiếp. Hết
gặp rắn lại đến ngã xuống đất. Từ sau con cứ đi cùng với Kì Nặc thôi, con đi
với cậu ấy bố mới yên tâm!
Tôi gật đầu, vừa
mới đi đến chân cầu thang đã nghe thấy tiếng hét của Kì Ngôn: -La Tiểu Mạt, đợi
chân anh khỏi sẽ lại dẫn em đi chơi xích đu!
Tôi thu mình
trong lòng bố, quay lại mắng Kì Ngôn: -Không chơi với anh nữa, anh toàn bắt nạt
em thôi!
Mẹ kế nói: -Anh
xem Tiểu Mạt vừa biết khóc vừa biết làm nũng. Như vậy chẳng phải rất tốt hay
sao? Xem ra cái cậu Kì Ngôn này thật là có bản lĩnh!
Tôi ngoảnh đầu
lườm Kì Ngôn một cái, thấy anh ta đang dựa vào cửa cười toe toét với tôi. Kì
Nặc liền nói với Kì Ngôn: -Kì Ngôn, mau vào băng bó lại vết thương đi nào!
Tôi thôi không
khóc nữa, ngồi xuống bàn ăn món trám trắng xào mà Kì Nặc vừa làm. Món trám
trắng xào này thật là ngon, cho thêm một loại cỏ vào xào lẫn để cho có màu
xanh, ăn lại có vị bạc hà thoang thoảng. Quan trọng hơn đấy là, món trám trắng
này có mùi hương của Kì Nặc.
Nghĩ đến đây tôi
cảm thấy rất vui, liền gắp một đũa to bỏ vào miệng.
Bố ngồi bên cạnh
xoa xoa đầu tôi. Tôi ngẩng đầu, trìu mến nhìn bố. Trong suốt khoảng thời gian
tôi không nói chuyện, bố không lúc nào cảm thấy vui vẻ. Tôi chưa từng trông
thấy vẻ mặt của bố nhẹ nhõm và dễ chịu như thế này bao giờ.
Có người bố nào
không hi vọng con cái mình có thể khóc, có thể cười, có thể làm nũng cơ chứ?
Tôi gắp một
miếng trám xào nhét vào miệng bố: -Bố à, có ngon không?
Nhìn thấy đôi
mắt của bố đỏ lên tôi liền vội vàng ôm lấy cổ bố: -Bố ơi, bố khóc vì vui quá
phải không?
Bố hiền từ nói:
-Đúng thế, bố hi
vọng Tiểu Mạt mãi mãi hạnh phúc!