Lời Nguyền Lỗ Ban

Quyển 5 - Chương 6: Quả nát người




Mau! Dùng vũ khí thường xuyên sử dụng nhất đâm xuống dưới chân! – Chu thiên sư hét vang.

Bất kể là người làm trong ngành nghề nào, thứ dụng cụ mà họ sử dụng thường xuyên nhất, quen tay nhất, trải qua một thời gian dài sẽ được thẩm thấu mồ hôi tinh huyết, ánh sáng nhật nguyệt, có thể dùng để trấn hung trừ tà. Ví dụ con dao mổ của người đồ tể, lười rìu của thợ mộc, dùi đục của thợ đá, lưỡi kéo của thợ may..., chúng đều có linh lực nhất định.

Mọi người đều vội vã vung đao, kiếm, rìu, thích đâm xuống mặt đất, Thủy Du Bạo cũng đổ chút rượu xuống bên chân. Mặt đất từ từ bình lặng trở lại, nhưng mạng lưới kim tuyến vẫn rung động không ngừng, hơn nữa, ngay cả sợi dây kim tuyến cũng trở nên nóng bỏng, khiến những ngón tay đang giữ sợi dây nóng rát như muốn bốc cháy.

-Đừng hoảng loạn! Cố gắng chịu đựng! Tất cả chỉ là ảo giác! – Chu thiên sư ngoài miệng nói vậy, nhưng ông hiểu rõ chỉ bằng mấy lời nói sẽ không thể giúp mọi người chịu đựng được cảm giác bỏng giãy như thiêu như đốt này. Ông bèn thò tay vào trong túi, móc ra một bình sứ màu xanh, miệng lầm rầm tụng niệm:

-Tây có núi xanh, núi liền trời xanh, trời có khí thanh, khí thông một khiếu trong lành, khí thịnh vạn vật thanh linh. Thiên sư cầm sách, Lão Quân ban lệnh, khai thanh mở linh. Biến! - Nắp bình vừa mở, mọi người liền cảm thấy có một luồng khí mát rượi chạy dọc theo sợi kim tuyến, khi chạy qua những chỗ thắt nút, cảm giác bỏng rát lập tức biến mất. Sau đó, hơi mát truyền qua ngón tay chạy xuống, ngay cả cái nóng như thiêu đốt trên mặt đất cũng nhanh chóng tiêu tan.

-Mọi người hãy nhắm mắt ngưng thần, mặc kệ mọi thứ, có xuất hiện chuyện quái lạ gì cũng không được di chuyển. Cố gắng chịu đựng qua giờ Ngọ ba khắc, mọi chuyện sẽ ổn! - Lỗ Thiên Liễu nói lớn, vì cô biết phương pháp của Chu thiên sư chỉ có tác dụng tạm thời, nếu muốn trấn áp được mối nguy nhật sát, hẳn cô phải hy sinh chút máu mới xong.

Sau khi Thủy Du Bạo giảng giải cho Lỗ Thiên Liễu về ma đêm, vong sáng và sát ngày, Lỗ Thiên Liễu đã rà soát trong các lý luận của Đạo gia, và tìm ra một câu “sát ngày dùng máu thuần âm để phá”. Máu thuần âm có rất nhiều loại, máu ly xà, máu rùa thiêng, máu chim tinh vệ, song những loài đó chỉ có thể ngẫu nhiên gặp được mà không dễ tìm. Còn loại máu thuần âm thường gặp nhất là máu của xử nữ, tức con gái trinh tuổi dưới hai mươi bốn. Ngón trỏ thông với trung nguyên, mạch của nó đi thẳng tới uyên điền cực âm. Lỗ Thiên Liễu bèn đưa ngón tay trỏ vào trong miệng, sẵn sàng cắn rách ngón tay, dùng âm huyết phá giải dương sát.

Mạng lưới kim tuyến sau một hồi rung lắc, lại từ từ dừng lại. Vẫn chưa đến giờ Ngọ ba khắc, tất cả mọi thứ đều đã khôi phục trạng thái bình thường.

-Không cần dùng tới máu của cô nữa! Ngày Thái âm, năm Thanh hòa, lại đúng hôm mưa dầm âm u. Tất cả đã được người ta tính toán từ trước, nên mới không lo không sợ, quả là liệu việc như thần. Cao thủ ẩn thân, kim giấu trong bông. Lợi hại! - Thủy Du Bạo cao giọng nói lớn, cách nói năng đã khác hẳn với giọng điệu của lão bếp lèm bèm lúc trước, dường như muốn cạnh khóe điều gì. Nhưng chẳng ai để ý đến lời của Thủy Du Bạo, không biết là do chưa hết khiếp đảm bởi dưỡng thi, hay đang âm thầm tính toán điều gì khác.

-Cú đứng mãi thế này cũng không phải cách hay, liệu chúng ta có thể cứ duy trì vị trí này rồi di chuyển xuống chân núi không? - Lỗ Thịnh Nghĩa đưa ra một cách xem chừng không mấy khả quan.

-Hôm qua tôi thấy dưỡng thi không túm được anh Lỗ, hẳn là vì chân anh phải đi cà nhắc. Hay là chúng ta cũng thay đổi cách đi, cứ hai bước lại co chân nhảy một bước, như vậy có lẽ dưỡng thi không thể bắt được! – Du Hữu Thích là kẻ đầu óc lanh lợi, suy đoán và phương pháp của hắn nghe rất có lý.

-Bây giờ thì không được! Chỉ cần di chuyển, hình sẽ tán loạn, khí của tám vị trí phân bố không hài hòa, khó tránh được sát ngày tấn công. Hãy cố đợi thêm chút nữa!

-Chu thiên sư nói rất đúng, chúng ta hãy đợi đến giờ Dậu hãy đi, lúc đó dưỡng thi sẽ ẩn phục bất động! - Lỗ Thiên Liễu cảm thấy mình cần đứng ra nói đỡ cho Chu thiên sư đôi câu, nếu không, mọi người sẽ không thể hiểu nổi Chu thiên sư đang làm gì.

-Cho dù đến giờ Dậu cũng không được! Còn cần phải có một hai vật trấn có thể trấn áp được chúng! – Chu thiên sư nói.

-Hoa nghìn cánh cỏ độc rữa, nấm trăm màu rêu địa hoàng, rắn năm bước dế sọc đỏ, thịt diêm tiêu mì nước kiềm. Xa, không đi được. Gần, sao không tìm? - Thủy Du Bạo lại lảm nhảm, hai mắt nhắm lại, mí mắt giật liên hồi, tựa như mê ngủ.

Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra, mấy câu này xuất hiện trong trước tác “Vật khắc vật biện kim phương” của danh y Khang Mai Đình người Cửu Giang đời Minh. Ông Lục nói sách này có điểm tương đồng với phong thủy học, ông đã từng nghiên cứu kỹ, và giảng giải cho Lỗ Thiên Liễu nghe.

Mấy thứ mà Thủy Du Bạo vừa nhắc đến đều từng đôi tương khắc với nhau, thế nhưng giữa chúng lại có quan hệ nương tựa, nên thường xuất hiện rất gần nhau. Hoa nghìn cánh nếu không có cỏ độc rữa bên cạnh sẽ không thể nở, và hoa nghìn cánh cũng là phương thuốc duy nhất có thể giải được độc tố của cỏ độc rữa. Nấm trăm màu chỉ có thể sống được trên rêu địa hoàng, và cũng chỉ có rêu địa hoàng mới có thể giải được độc của nấm trăm màu. Rắn năm bước phải nhờ dế sọc đỏ bóc bỏ lớp màng dịch độc dính trên răng, còn dế sọc đỏ lại phải ăn lớp da lột của rắn năm bước mới có thể sống qua mùa đông. Còn hai thứ sau cùng là do Thủy Du Bạo tự chế ra, lão cho rằng nấu mì với thịt muối diêm tiêu là ngon nhất, và dùng nước luộc thịt để nấu mì cũng là đúng vị nhất.

Cho dù Lỗ Thiên Liễu không biết ý nghĩa của hai thứ cuối cùng, nhưng những thứ phía trước cũng đủ để cô đoán được Thủy Du Bạo đang ám chỉ điều gì. Cô đã tìm được vật trấn dưỡng thi, nó chỉ ở quanh đây, ở ngay sát vùng đất dưỡng thi.

Không một ai dám liều lĩnh di chuyển. Tất cả bọn họ đang phải giăng tấm lưới kim tuyến “Bát tiên định tà”, giống hệt như một đám châu chấu bị xâu trên sợi dây. Không ai dám, cũng không ai có thể tự tiện hành động theo ý mình.

Kỳ thực như bọn Du Hữu Thích, Quan Ngũ Lang, tuy đều biết rõ cao nhân núi Long Hổ bản lĩnh phi thường, nhưng xét từ độ tín nhiệm, họ vẫn nghe lời Lỗ Thiên Liễu hơn. Vì vậy, khi Lỗ Thiên Liễu nói cần đợi đến giờ Dậu, bọn họ đều tập trung ánh nhìn về phía Lỗ Thiên Liễu, chỉ cần cô lên tiếng, sẽ lập tức hành động.

Song Lỗ Thiên Liễu từ đầu đến cuối chỉ kín đáo đưa mắt nhìn về phía Chu thiên sư, thi thoảng lắm mới qua lại dăm ba câu không đầu không cuối với Thủy Du Bạo. Trong suốt buổi chiều, cô để ý thấy Chu thiên sư mặc dù mặt ngoài điềm tĩnh, nhưng vẫn có rất nhiều động tác nhỏ cho thấy ông đang lo lắng trong lòng, sau đó lại chuyển từ lo lắng sang bất lực. Tại sao lại như vậy? Đang tiến dần đến thời điểm dưỡng thi ẩn phục, đã sắp sửa được thoát thân rồi. Phải chăng vì không tìm được vật trấn nên ông mới thành ra như vậy?

Đột nhiên, Lỗ Thiên Liễu sực nhớ đến một chuyện rất không hợptình hợp lý. Đệ tử của Chu thiên sư! Hắn đang nấp ở bên kia sườn dốc, nhưng từ đầu đến cuối không thấy thò mặt ra một lần nào. Dường như ngay cả Chu thiên sư cũng đã quên bẵng mất kẻ này, ngay cả lúc nguy hiểm nhất đêm qua cũng không hề gọi hắn đến giúp đỡ.

-Ông Thủy ơi, ông hãy nói xem vật trấn ở đâu? Giờ Dậu sắp đến rồi, mà hình như Chu thiên sư vẫn không tìm thấy! - Lỗ Thiên Liễu biết đã đến lúc phải chuẩn bị, không thể tiếp tục chết dí ở đây thêm một đêm nữa. Chưa nói tới sự nguy hiểm của dưỡng thi, chỉ riêng việc tiếp tục dầm mưa cũng đủ khiến mọi người thể lực khó đương, nên đến giờ Dậu bằng mọi giá phải rời đi.

-Đừng lo lắng! Lúc cần biết tự nhiên sẽ biết! - Thủy Du Bạo chỉ cười rồi nói nhỏ với Lỗ Thiên Liễu.

Đúng vậy! Đến một lão nấu bếp già trên núi Long Hổ còn biết được vật trấn ở đâu, chẳng nhẽ một vị thiên sư đạo hạnh cao thâm cai quản Duyệt Vi đường lại không thể tìm ra.

Đã gần đến giờ Dậu, Chu thiên sư lại trở nên bình tĩnh khác thường, những biểu hiện lo lắng và bất lực khi nãy đều đã tiêu tan, hồi phục hoàn toàn vẻ uy nghi của bậc tiên phong đạo cốt. Ông hết sức thận trọng nhưng không hề chậm chạp, lôi ra một lô một lốc đồ lễ, có bùa giấy vàng, bột chu sa, ấn đoạn hồn, bút âm dương, lại còn cả kiếm gỗ đào, nến không khói, hương miếng. Ông trải một tấm lụa Bát quái có hình vẽ Tam Thanh xuống đất, rồi lần lượt bày những thứ kia lên.

Quá trình thực hiện cũng hết sức tuần tự: đốt nến, thắp hương, vẽ bùa, đóng ấn, niệm chú. Mọi công đoạn đều hết sức chỉnh chu trật tự, những thứ dùng xong lập tức được cất vào trong túi. Rất nhanh chóng, những thứ vừa mới bày ra la liệt giờ chỉ còn lại hai lá bùa và một miếng hương đang cháy dở.

Lỗ Thiên Liễu thì thầm hỏi Thủy Du Bạo:

-Ông ấy làm vậy có đúng không?

-Đúng! Đây là dùng trúc thay nến, trúc sáo định hồn sở dĩ có thể bao vây vùng đất dưỡng thi, vì bản thân nó quả thực có tác dụng định hồn, lại thêm được hấp thụ thi khí dưới lòng đất trong một thời gian dài, dùng nó làm loại nến bùa cắm xuống hai đầu dòng khí của vùng đất dưỡng thi. Trong khi cây trúc bốc cháy, sẽ có thể trấn định không cho dưỡng thi chui lên khỏi lòng đất.

-Vật trấn chính là trúc sáo định hồn ư? - Lỗ Thiên Liễu đột nhiên sực tỉnh.

Chu thiên sư đã xong xuôi mọi việc, cất giọng sang sảng mà nói:

-Bây giờ, tôi sẽ buông dây kim tuyến. Dây vừa buông hết, cậu Ngũ hãy nhanh chóng chạy ngược lại, chặt lấy hai cây trúc sáo mang về. Còn tất cả những người khác chạy ngay xuống núi, càng nhanh càng tốt!

Lời vừa nói dứt, không đợi cho người khác kịp hỏi han thắc mắc, Chu thiên sư đã buông chùng sợi dây liền mấy thước, rồi đưa dây lên miệng. Chỉ nghe “phựt” một tiếng, sợi dây đã bị cắn đứt.

Các nút dây đang quấn quanh ngón tay mọi người chớp mắt đã bung ra. Sợi dây còn chưa kịp rơi xuống đất, ai nấy đã cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng xuống dốc. Chỉ có Chu thiên sư vẫn đứng yên bất động.

Mọi người mới vừa cất bước, đất đá trên sườn núi lập tức bung ra, nhưng tốc độ chậm hơn đêm qua rất nhiều. Đến khi Ngũ Lang chạy đến bên vạt trúc, mới có đôi ba cánh tay dưỡng thi lẻ tẻ thò lên.

Chu thiên sư vô cùng điềm tĩnh, ông thổi hai hơi vào miệng hương, khiến nó càng cháy đượm, rồi miệng lầm rầm tụng niệm. Khói hương phả đến nơi nào, những cánh tay vừa mới thò lên lập tức bất động giống như bị giữ chặt. Đây là một pháp thuật rất thường gặp trong các chiêu pháp thần kỳ của núi Long Hổ, tức phép “thổ phục” nhờ khói và bùa chú, khiến các xác hung hồn ác đã ngoi lên ngộ nhận rằng chúng vẫn đang ẩn phục dưới lòng đất.Khi miếng hương cháy hết, Ngũ Lang và Chu thiên sư kịp đã vót nhọn gốc hai cây trúc cắm phập xuống đất, rồi rũ hai lá bùa vàng đã viết sẵn cho cháy bùng lên, dính lên trên ngọn trúc. Hai cây trúc sáo liền cháy bừng bừng như hai ngọn nến, soi sáng ít nhiều cho sườn dốc dưỡng thi.

Du Hữu Thích lúc này đã chạy xuống đến chân núi, nhìn thấy Chu thiên sư đã hoàn thành mọi việc, thì buột miệng lầm bầm:

-Đơn giản thế thôi mà tại sao đêm qua không chịu làm ngay đi, báo hại cả đám sợ đến vỡ mật, lại phải dầm mưa suốt cả đêm!

-Không đơn giản đâu chú ơi, vả lại cũng phải đợi đúng giờ này nữa! - Lỗ Thiên Liễu phân trần với Du Hữu Thích.

-Chưa chắc! Cách nấu đã thông thạo, lại có phụ bếp tốt, mà lừng khừng mãi không chịu dọn bàn, chắc chắn còn có mưu mô gì khác! - Thủy Du Bạo lại nói nhăng nói cuội chuyện nấu nướng, song trong lời lẽ hồ đồ quả thực có ẩn chứa huyền cơ, chỉ có điều không phải ai cũng hiểu được.

Hai cây trúc sáo dùng để thay cho nến cúng cháy rất nhanh, vì chúng được trồng ngay bên cạnh mảnh đất dưỡng thi, nên đã hút được một lượng lớn mỡ người từ xác chết. Chu thiên sư không lường trước được tình huống này, vì vậy khi ông và Ngũ Lang chưa chạy được bao xa, hai cây trúc sáo chỉ còn lại non nửa, về cơ bản đã không còn tác dụng trấn áp. Những cánh tay dưỡng thi đã thọc lên mặt đất lại bắt đầu vùng vẫy, và những chỗ khác cũng bắt đầu lổn nhổn thò ra những phần cơ thể của dưỡng thi.

Khi ngọn lửa cuối cùng trên trúc sao tắt ngấm, dưỡng thi chớp mắt đã rào rào đội đất chui lên từ trên đỉnh dốc trở xuống, tựa như một cuộn thảm đang lăn đi vùn vụt trải thẳng xuống chân dốc, không biết đến đâu mới chịu dừng lại.

-Chạy mau! Chạy tiếp xuống dưới! – Chu thiên sư vừa chạy cuống cuồng vừa hét lớn.

Đám người đang đứng lại dưới chân dốc không thể ngờ được rằng vùng đất dưỡng thi lại rộng lớn đến vậy, lúc này mới vội vã quay đầu tháo chạy thục mạng.

-Chạy vào trong rừng! Vùng đất dưỡng thi không kéo dài tới đó! – Chu thiên sư gào lên lạc giọng.

Dưới chân dốc quả nhiên có một cánh rừng, cây cối thấp lùn mọc san sát, hẳn là trong rừng rễ cây chằng chịt, không thể “trồng” được dưỡng thi. Hơn nữa cây sống hấp thu khí của trời đất, đón ánh sáng của nhật nguyệt, ít nhiều cũng có mang linh tính, cho dù có dưỡng thi, chúng cũng không thể đội cây mà chui lên.

Mặc dù Lỗ Thiên Liễu không phải là người chạy đầu tiên, nhưng cô bẩm sinh đã có mối linh cảm đặc biệt với cây cối, nên là người đầu tiên phát hiện ra rừng cây có chỗ bất ổn. Cây trong rừng là loại lãnh sam lá kim, theo lẽ thường thì phải mọc ở những khu vực tương đối cao so với mặt nước biển, có khí hậu giá rét. Hơn nữa, xét về chỉnh thể, trông những thân cây rất không cân đối, trên cành lá có một số thứ không thuộc về cây.

-Không được vào rừng! - Lỗ Thiên Liễu hết lên thật lớn.

Người chạy đầu tiên là đệ tử của Du Hữu Thích. Khi nghe thấy tiếng hét, hắn còn cách bìa rừng hơn chục bước chân, bình thường với khoảng cách này, hắn hoàn toàn có thể dừng lại kịp. Thế nhưng đến gần bìa rừng, lại xuất hiện một sườn núi rất dốc, cộng thêm quán tính lao xuống khiến cho hắn khác nào chiếc xe trượt nghìn cân, không thể dừng lại được.

Điều duy nhất mà hắn có thể làm lúc này là thuận đà nhảy vọt lên, khiến cơ thể bay ngang trên không trung một đoạn, nhằm tiêu trừ xung lực, tránh để lao thẳng vào cây rừng mà bị thương. Vị trí tiếp đất hắn cũng đã chọn sẵn, đó là một tán cây của hàng cây thứ hai, có thể nhờ vào tán lá để giảm bớt lực đạo rơi xuống.

Chạy phía sau hắn là Du Hữu Thích. Mặc dù chỉ chậm hơn tay đệ tử hai bước, song vừa nghe thấy tiếng hét của Lỗ Thiên Liễu, hắn đã lập tức thu bước dừng chân. Lênh đênh sông nước đã nhiều năm, định lực dưới chân hắn đã đến mức độ phi phàm, nên chỉ loạng choạng hai bước nhỏ, hai chân hắn đã đứng thẳng trong tư thế dừng. Song tư thế này chưa thể giúp hắn dừng ngay lại, mà lực quán tính vẫn đẩy hắn trượt đi theo con dốc.

Lỗ Thiên Liễu cũng đã đuổi kịp, may nhờ có Du Hữu Thích ngăn cô lại, cô mới chụp được quai hòm trên lưng Lỗ Thịnh Nghĩa.

Đối với người nhà họ Lỗ, chiếc hòm gỗ sau lưng cũng chẳng khác gì vũ khí tùy thân của người luyện võ, không được phép rời tay. Vì vậy, khi Lỗ Thiên Liễu chụp được quai hòm, Lỗ Thịnh Nghĩa theo phản xạ lập tức vung tay giữ lấy đầu còn lại của tay nắm.

Cùng lúc đó, Lỗ Thiên Liễu phóng Phi nhứ bạc về phía sau lưng, Phi nhứ bạc vừa hay quấn chặt lấy tay Chu thiên sư. Chu thiên sư đang chạy với tốc độ không nhanh, đột ngột bị giật mạnh về phía trước, suýt chút nữa đã ngã lộn cổ, may nhờ có Ngũ Lang phía sau kịp chụp lấy thắt lưng ông.

Cơ thể của Ngũ Lang gần như đổ nghiêng xuống sườn dốc trượt đi. Để ngăn chặn thế trượt, anh ta bèn cắm phập phác đao xuống mặt đất. Mũi đao rạch trên sườn núi đầy sỏi, tóe ra từng chùm lửa xẹt. Lực kéo của cả mấy người đồng thời tác động lên bàn tay trái đang giữ chặt chuôi đao của Ngũ Lang, khiến các đầu móng tay bật cả máu tươi.

Cuối cùng phác đao cũng đã dừng lại. Con sóng dưỡng thi rùng rùng phía sau cũng chấm dứt chỉ cách phác đao chưa đầy hai thước. Vùng đất dưỡng thi cuối cùng cũng đến chỗ kết thúc.

Đám Lỗ Thịnh Nghĩa, Chúc Tiết Cao và Du Hữu Thích đang lôi kéo lẫn nhau ở dưới cùng cũng đã dừng lại, chỉ còn cách cây lãnh sam ngoài cùng chưa đầy một thước. Nhưng mặt mũi của họ lúc này có phần biến dạng, vì trong khi đang trượt xuống, một cơn mưa máu dày đặc đã nhuộm đỏ bầm cơ thể họ từ trên xuống dưới.

Là máu tươi của đệ tử Du Hữu Thích. Lúc này, nằm vắt ngang trên tán cây lãnh sam đã không còn là cơ thể cao lớn của gã thanh niên, mà là một đám máu thịt nát bấy.

Phát hiện của Lỗ Thiên Liễu quả không sai. Môi trường sống tự nhiên của cây lãnh sam lá kim thường là vùng núi cao với áp suất khí quyển thấp. Bởi vậy, lãnh sam mọc ở nơi đây do môi trường khí hậu không phù hợp, nên rất khó kết thành quả nón. Những thứ không thuộc về cây lãnh sam trong cảm giác của Lỗ Thiên Liễu chính là đám quả nón trên cành. Vì tất cả những quả nón trên cây đều là loại quả nón bằng sắt vừa chạm là nổ. Chúng được tạo thành bằng cách ghép các vảy sắt lại với nhau, bên trong ẩn giấu chốt lẫy lò xo, nếu chạm phải, toàn bộ vảy sắt sẽ bắn tứ tung, không thể tránh né.

Lỗ Thịnh Nghĩa quan sát kỹ lưỡng những quả nón bằng sắt, phát hiện ra chúng được móc vào nhau, chứ không phải là xỏ bằng dây, kỹ thuật tinh xảo thật khó tưởng tượng.

Mặc dù Du Hữu Thích là kẻ cướp, song rất trọng tình cảm, nên tỏ ý muốn lấy thi thể đệ tử xuống chôn cất. Lỗ Thịnh Nghĩa chắc chắn không thể từ chối yêu cầu này. Du Hữu Thích đã vì đại sự của nhà họ Lỗ mà phải giải tán anh em, phá hủy sào huyệt, những người đi cùng hoặc tử thương, hoặc mất tích không còn một ai, quả thực đã phải hy sinh quá lớn.

Lỗ Thịnh Nghĩa bảo mọi người tránh ra xa, sau đó cởi bỏ tấm áo ngoài dày rộng, lấy từ trong hòm gỗ ra một chiếc ống da và hộp dây. Trong ống da đựng những dụng cụ khều dây gỡ nút như kim, móc, kéo, kẹp, trong hộp dây đựng dây kết bằng bờm ngựa. Ông định dùng dây bờm ngựa xuyên vào trong mắt lỗ của quả nón bằng sắt để gỡ chúng xuống.

Trong suốt quá trình đó, tất cả mọi người đều căng thẳng như muốn nghẹt thở. Du Hữu Thích cũng bắt đầu hối hận về yêu cầu của mình, bèn đến can ngăn Lỗ Thịnh Nghĩa. Ai dè Lỗ Thịnh Nghĩa nhất định không chịu, nói rằng muốn xem bản lĩnh của đối phương ghê gớm đến đâu.

Mưa đã ngớt, chỉ còn lất phất vài hạt. Song mồ hôi lại đổ ròng ròng khắp người Lỗ Thịnh Nghĩa, gần như có thể nghe thấy tiếng lộp độp khi chúng rơi xuống đất.

Một quả, hai quả, ba quả... Những quả nón bằng sắt đã được dây bờm ngựa chốt lại không thể bùng nổ lần lượt được bỏ vào hòm gỗ. Cuối cùng thì mọi người cũng nghe thấy Lỗ Thịnh Nghĩa lên tiếng:

-Được rồi! Nút đã giải hết!

Mọi người cùng xúm lại, gỡ thi thể từ trên tán cây xuống.

-Cẩn thận, đừng đụng vào cây bên cạnh! Đầu tiên dịch chuyển thi thể đi, rồi nâng lên, đề phòng bên dưới vẫn còn nút lẫy chưa được giải! - Lỗ Thịnh Nghĩa đứng bên cạnh nhắc nhở.

Đợi đến khi lấy được cái xác xuống chôn cất xong xuôi, Lỗ Thịnh Nghĩa mới nói rằng, ông đã gỡ được bảy quả nón bằng sắt trên cây lãnh sam bên ngoài. Đáng ra phải có tám quả, nhưng một quả đã bị gã đệ tử chạm phải mà phát nổ. Trên cây lãnh sam phía trong ông gỡ được ba quả, đáng ra phải có sáu quả, nên ba quả còn lại hẳn đã bắn hết lên người gã.

-Quá nhiều, quá dày đặc. Nếu chỉ nổ một quả may ra còn có cơ hội sống! - Lỗ Thịnh Nghĩa nói.

-Anh Lỗ, sao anh không vứt mấy quả đó đi, còn cất vào hòm làm gì? – Chúc Tiết Cao hỏi.

-Đây đều là những vật hiếm có, cho dù muốn bắt chước để làm theo cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức. Cứ giữ lấy, biết đâu sau này lại phải dùng đến!

Rừng cây rậm rạp vô cùng, cây nào cây đấy chi chít quả nón bằng sắt, cho dù là thần tiên cũng không thể vượt qua. Vì vậy, phương pháp an toàn nhất là đi vòng qua nó.

Sau khi vòng qua rừng lãnh sam, một vạt rừng đạm trúc[8] hiện ra trước mắt họ, trải dài dưới một thung lũng với vách đá hai bên. Bọn họ không ai có khả năng trèo lên vách núi dựng đứng, vì vậy buộc phải xuyên qua rừng trúc mà đi.

Chú thích

[8] Là một giống tre cỡ trung bình. Thân non màu xanh sẫm, có lớp phấn trắng bao phủ dày đặc, khi già ngả màu lục nhạt hoặc vàng. Còn có tên là trúc mao kim, trúc phấn xanh.