Lời Nguyền Lỗ Ban

Quyển 4 - Chương 23: Đường mê dấu




Tại sao trên mặt đường này lại tích tụ lớp mỡ người dày đến vậy? Lỗ Thiên Liễu không dám nghĩ ngợi gì thêm, trong lòng chỉ có một niềm thôi thúc là mau chóng tẩu thoát khỏi nơi chốn quá đỗi rùng rợn này. Cho dù như vậy, Lỗ Thiên Liễu vẫn không đánh mất sự cảnh giác và thận trọng cần có. Con đường chạy qua đầu ngõ rất ngắn, đi sang trái hay sang phải cũng chỉ hai mấy bước chân đã đến ngã rẽ. Ngã rẽ bên trái chia thành bốn đường, nhưng không phải là một ngã tư ngay ngắn. Các lối đi cũng xiên xẹo chẳng theo quy luật gì. Đứng từ đầu ngõ nhìn về ngã rẽ, mặt đường và nhà cửa đều mờ mờ ảo ảo, khó phân biệt thực hư. Ngã rẽ ở bên phải chia thành năm nhánh, tình trạng cũng không có gì khá hơn.

“Đường Mê dấu chia bốn xẻ năm”, Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra. Đây cũng là kỹ thuật do Lỗ gia sáng chế, thường xuyên được ứng dụng khi xây dựng những thành trì nhỏ. Như vậy, cho dù kẻ địch có phá vỡ cổng thành xông vào, vẫn có thể lợi dụng đường đi và ngõ ngách để ẩn nấp và đánh trả.

Chỉ trên một đoạn đường ngắn ngủi này, Lỗ Thiên Liễu đã đi đi lại lại đến bốn năm lần, song vẫn không thể xác định nên đi theo đường nào. Mặc dù đường Mê dấu đúng là thủ pháp của nhà họ Lỗ, nhưng sau những kinh nghiệm vừa trải qua, Lỗ Thiên Liễu đã nhận thức được rằng khảm diện ở đây đều không chân thực, bên ngoài cơ quan lại có một tầng cơ quan khác. Hơn nữa, những nút lẫy đã được cải tạo đều là nhằm vào người trong nghề khảm tử, đều mang lại hiệu quả tập kích bất ngờ, nhử người vào bẫy.

Nhà cửa ở hai bên đường đều có cửa chính, cửa sổ đầy đủ, cũng không phải cửa giả, mà có thể ra vào. Nhưng Lỗ Thiên Liễu biết rõ, nếu đột nhập vào bên trong mà bị vây khốn, tử thương hẳn là khó tránh.

Lỗ Thiên Liễu lại dừng bước ngay đầu ngõ, tĩnh tâm suy nghĩ một hồi. Từ cách cục kiến trúc, nhìn vào các nóc nhà lúp xúp vảy cá, có thể phán đoán số lượng phòng ốc không nhiều. Cô bèn sử dụng kỹ xảo “đo bằng ngón tay” trong công phu Định cơ, dùng “triều xa án gần”[36] làm tiêu chuẩn quá độ, dùng mắt ước lượng độ cao thấp của vị trí mình đang đứng, sau đó căn cứ vào cách sắp xếp phân bố của đường đi để tìm ra một số quy luật thông thường trong kỹ pháp của nhà họ Lỗ.

“Đường Mê dấu chia bốn xẻ năm” ở đây có đường giả và đường vòng. Tại đường giả có thiết kế gương ngược và các đồ hình, lợi dụng sự phản xạ hình ảnh và khúc xạ ánh sáng để đánh lừa người trong khảm. Tại đường vòng vận dụng vị trí cao thấp để gây ra ngộ nhận về cảm giác, lại cộng thêm cách bố trí các mái hiên, góc nhà, cây cối, biển hiệu một cách khéo léo, khiến người ta cứ đi lòng vòng trong một phạm vi nhất định mà không thể thoát ra. Hai kiểu đường này kết hợp với nhau, sẽ khiến người trong khảm cảm thấy góc độ, độ cao thấp và thứ tự của các vật thể liên tục biến đổi, không thể tìm được vật làm chuẩn. Thậm chí ngay cả ký hiệu do chính mình tạo ra cũng bị lẫn lộn, trùng lặp.

“Có cả đường giả và đường vòng, thảo nào trông những con đường kia cứ mờ mờ ảo ảo”. Sau khi đã khẳng định phán đoán của mình, Lỗ Thiên Liễu bèn dứt khoát tiến về phía ngã năm.

Trong cách bố trí đường Mê dấu chia bốn xẻ năm có thiết kế đường giả, con đường chính xác thường được đặt ở ngã năm, bởi vì đường giả phải có bố cục đối xứng, nên số lượng luôn là số chẵn. Nếu có số lẻ, trong đó chắc chắn sẽ có một đường sống. Nguyên lý này đúng với tất cả các khảm tử gia.

Đứng trước ngã năm, trước tiên, Lỗ Thiên Liễu phải tìm ra “hợp tuyến”[37] trong số đó. Cô phát hiện con đường thứ nhất và con đường thứ tư tính từ bên hình chữ S kéo dài, có thể gây ra cảm giác sai lệch về phương hướng và độ cao thấp. Cặp “hợp tuyến” còn lại, cô phải tìm kiếm rất lâu, cuối cùng cũng phát hiện ra con đường thứ ba tính từ bên trái và đoạn đường mình đang đứng là đối xứng bắt chéo, nó lợi dụng sự thò thụt của nhà cửa ven đường và sự nhấp nhô của mặt đường để gây ra cảm giác chồng chéo rối loạn.

Chỉ còn lại con đường thứ hai, đó là con đường sống duy nhất!

Lỗ Thiên Liễu phóng vụt Phi nhứ bạc khỏi tay áo, quả cầu thép trong tấm khăn nảy tưng tưng vài cái trên mặt đường nơi ngã rẽ. Mặt đường không có vấn đề gì, thế là cô nhanh chóng đi qua ngã rẽ, điểm giẫm chân đều là vị trí mà quả cầu vừa đập xuống.

Đã đặt chân lên con đường thứ hai, Lỗ Thiên Liễu mới thở phào một hơi. Bình thường người bên phía đối phương cũng thường xuyên đi trên con đường sống này, nên chắc hẳn sẽ an toàn.

Sau khi bị luồng nước cuốn ra khỏi căn phòng đá, Lỗ Thiên Liễu toàn thân ướt sũng. Khi nãy cô chỉ chuyên chú phân tích khảm diện nên không kịp để ý, lúc này gió núi chiều hôm thổi đến, toàn thân bỗng thấy rùng mình ớn lạnh. Nhưng cô không để tâm tới giá lạnh, cô chỉ ghê sợ với lớp mỡ người nhớt nhát đang dính khắp cơ thể. Nó khiến cô buồn nôn, lợm giọng, trong lòng chợn rợn hoang mang.

Phía trước có tiếng nước róc rách. Không biết là nước suối hay nước mưa, hợp thành một dòng chảy qua rãnh nước lát đá ven đường. Nhìn vào tốc độ chảy của dòng nước, có thể đoán chắc ở đây không thể thiết kế nút độc, dòng nước lại trong vắt nhìn thấu tới đáy. Lỗ Thiên Liễu bèn lội xuống rãnh nước gột rửa, chỉnh trang lại quần áo tóc tai. Cô ngạc nhiên khi thấy nhành hoa cài trên bím tóc vẫn còn, chỉ thiếu mất mấy cánh. Cô nhủ thầm: “Áp lực ghê gớm và xung lực dữ dội của khảm diện vẫn không thể xé nát đoá hoa bé nhỏ này, chẳng lẽ mình lại chẳng bằng một đoá hoa ư?”.

Tiến lên phía trước mấy bước, lại đến một ngã rẽ. Mới một đoạn ngắn như vậy đã có thêm ngã rẽ, thế nhưng khi đứng ở ngã năm vừa nãy, Lỗ Thiên Liễu lại không hề nhìn thấy ngã rẽ này. Song cô không bất ngờ, bởi vì con đường sống luôn bị che giấu nguỵ trang. Thế nhưng khó hiểu là ở chỗ con đường này đã được nguỵ trang như thế nào?

Bước chân của Lỗ Thiên Liễu đột nhiên khựng lại. Cô phát hiện ra, rất có thể mình đã lầm!

“Trừ phi nó có đường hợp tuyến, phản xạ lại cảnh tượng ở đầu bên kia của con đường hợp tuyến để che đậy cho tình hình ở đây” – Tim Lỗ Thiên Liễu đập lên thình thịch – “Nếu là đường hợp tuyến, thì đây chắc chắn không phải là con đường sống, mà là một khảm diện có hình con đường!”.

Lỗ Thiên Liễu từ từ quay đầu lại. Từ lúc tiến vào con đường này, cô chưa hề quay đầu lại nhìn về phía sau. Và lúc này, cảnh tượng hiện ra trước mắt càng khiến cô khẳng định mình đã sai lầm.

Từ chỗ đứng của cô có thể nhìn đi rất xa, rất rõ, ngay cả bốn con đường rẽ ở ngã tư tại đầu bên kia cũng có thể nhìn vào rất sâu.

Ở phía cô vừa đi qua, nhà vẫn là nhà, đường vẫn là đường, cây cối um tùm, cờ quạt phấp phới. Song nhà lại không phải là những ngôi nhà cô vừa băng qua, đường cũng không phải là con đường cô vừa đi qua, còn cây cối cờ quạt không phải là lúc nãy cô không để ý, mà thực sự không hề nhìn thấy.

“Lại trúng kế rồi! Con đường Mê dấu ở đây đã đi ngược lại nguyên lý của khảm diện. Nhưng...” - Lỗ Thiên Liễu hết sức băn khoăn ngờ vực. Đường chia năm ngả, con đường cô đang đứng là con đường bị lẻ còn dư ra, vậy nó sẽ được kết hợp với vị trí nào để nguỵ trang che chắn cho nhau? Nhưng cô biết rõ, thiết kế ở đây vẫn theo chiêu số “mời ngài vào vò”, mục đích là để vây khốn người trong nghề khảm tử. Thủ pháp, kỹ xảo và mưu mô ẩn chứa trong đó quả thực đã cao hơn người nhà họ Lỗ một bậc.

Lỗ Thiên Liễu không thể tiến lên phía trước, phía trước chắc chắn là đường chết. Nhưng cô cũng không dám lùi lại, vì lúc này, cô chỉ nhìn thấy đường giả. Chưa tìm ra chỗ khuyết mà đã mù quáng trở ra, sẽ càng lún càng sâu, càng đi càng rối.

Đúng lúc Lỗ Thiên Liễu đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, thì từ phía cô vừa đi qua, bỗng vang lên một tiếng kêu lanh canh. Mặc dù âm thanh rất nhỏ, nhưng không thể lọt khỏi thính giác nhạy bén của Lỗ Thiên Liễu. Âm thanh giống như tiếng lò xo bật căng, tiếng khánh sắt thình lình, giống như... Phải rồi, đồng bạc! Nó là tiếng va chạm khi búng vào mép của một đồng xu bạc.

Liền sau đó, Lỗ Thiên Liễu lại nghe thấy một tràng những tiếng leng keng liên tiếp. Lần này có thể khẳng định, đó là tiếng đồng xu bạc đang nhảy nhót lăn đi trên mặt đường lát đá.

Lỗ Thiên Liễu đã di chuyển, di chuyển một cách chớp nhoáng như con thỏ thoát cũi, lao thẳng về hướng đồng xu đang lăn đến. Ở phía đó có góc tường, có cây cối, song dường như Lỗ Thiên Liễu không hề nhìn thấy, cũng không vòng qua để tránh, mà cứ thế lao thẳng vào.

Quả nhiên là một đồng xu bạc đúc hình Viên Thế Khải, vừa nảy tưng tưng vừa xuyên tường lao ra. Khi Lỗ Thiên Liễu nhìn thấy đồng xu bạc, cũng là lúc cô sắp đâm phải một góc nhà.

Đồng xu lăn qua bên chân Lỗ Thiên Liễu, không có dấu hiệu dừng lại; Lỗ Thiên Liễu lao qua bên cạnh đồng xu, lại càng không có ý dừng chân. Thính giác nhạy bén của cô đã ghi nhớ được quãng đường lăn của đồng xu, cô muốn đi hết đoạn đường đó trước khi nó biến mất khỏi trí não.

Sau khi xuyên qua một bức tường, băng qua một gốc cây, Lỗ Thiên Liễu đã đến được khởi điểm nơi đồng xu bắt đầu lăn đi. Cô dừng bước, quan sát kỹ lưỡng hai bên, và phát hiện ra mình đã lao thẳng đến giữa ngã tư đối diện khi nãy. Ngoảnh đầu nhìn lại, đoạn đường vừa mới băng qua vẫn là con đường ngắn ở bên ngoài ngõ cụt. Không thấy tường, không thấy cây cối, hình dáng nhà cửa cũng không hề thay đổi. Ảo ảnh! Tất cả những thứ cô nhìn thấy khi nãy đều là ảo ảnh, chỉ có điều không biết nó được chiếu đến từ nơi nào.

Ảo ảnh chỉ có thể nhìn thấy khi bản thân đã sa vào đường khảm, còn khi trở ra, phải tiến đến tận giữa ngã tư ở đầu bên này, ảo ảnh mới biến mất. Nếu không có điều kiện phía trước, cho dù có đi đi lại lại bao nhiêu lần trên đoạn đường này, cũng không thể nhìn thấy ảo ảnh khi nãy.

“Phải rồi! Đoạn đường ngắn này chính là một khúc đường chuyển tiếp. Người chưa vào khảm, sẽ là đường thực; người vừa vào khảm, nó sẽ lập tức biến thành một nút lẫy trong con đường Mê dấu. Chính khúc đường chuyển tiếp khó phân hư thực này đã liên kết hai con đường khảm diện là ngã tư và ngã năm ở hai bên để kết hợp thành một hợp tuyến ba đoạn, đoạn này tiếp nối đoạn kia, đoạn này lồng vào đoạn kia, khiến cho xa gần lẫn lộn, hư thực khó phân”.

Sau khi đã hiểu được cách thức bố trí của khảm diện, Lỗ Thiên Liễu hít vào một hơi thật sâu. Trong mấy lần đụng độ với đối phương trước đó, về cơ bản đều là họ bẫy ta phá, ta gài họ giải, không hề cảm thấy phương pháp thủ đoạn của đối phương có điểm gì đặc biệt. Nhưng với con đường Mê dấu chia bốn xẻ năm đã được cải tạo kia, nếu không có đồng xu bạc bỗng nhiên lăn tới, e rằng bản thân khó lòng thoát ra được.

“Quái lạ, đồng xu kia ở đâu ra nhỉ? Có đồng bạc chắc chắn sẽ có người, hơn nữa, người này đang âm thầm giúp đỡ mình!” - Lỗ Thiên Liễu vốn rất lạc quan, chuyện gì cũng đều nghĩ theo chiều hướng tốt. Bởi vậy, cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, mọi nỗi sợ hãi khiếp đảm khi nãy đều quên phắt. Cô khẽ mỉm cười, vẻ hồn nhiên trong trẻo hệt như đoá hoa trắng xanh đang cài trên bím tóc.

Nhưng Lỗ Thiên Liễu đã không phát hiện ra, trên một nóc nhà bên cạnh ngã tư, bỗng xuất hiện thêm một con thú nóc[38], và cũng đúng vào lúc này, con thú đang chậm rãi khép mở hai con mắt. Đó là hai con mắt cỡ lớn lồi hẳn ra ngoài, song đã bị mi mắt sụp xuống che khuất, chỉ có thể gắng gượng hé ra một khe rất hẹp. Nhìn qua khe hở, không thấy được phần tròng đen, chỉ thấy một vệt vàng xỉn. Đôi mắt vàng xỉn đó đang lừ lừ nhìn về phía Lỗ Thiên Liễu...

Rút kinh nghiệm từ lần trước, Lỗ Thiên Liễu lại càng thận trọng hơn nữa. Cô lấy ra một bàn Độn giáp nhỏ làm bằng thiếc, kim chỉ trên bàn Độn giáp xoay chuyển, cho thấy trong bốn ngã rẽ của con đường, chỉ có một ngã rẽ hướng về phía chính đông.

“Đi về phía đông là chính xác! Nếu quả thực ở đây có giấu bảo vật Thuỷ minh, kế tiếp của Hoả linh, như vậy, căn cứ theo nguyên lý muôn dòng chảy tụ về đông, bảo vật chắc hẳn sẽ ở phía đông.” - Lỗ Thiên Liễu thầm tính toán.

Ngã rẽ phía đông rất ngắn, mới đi một lát đã đến tận cùng, trước mắt là vách núi chắn ngang, không còn đường đi nữa. Đây chắc chắn không phải là con đường chính xác. Ở phía cuối con đường có một ngõ nhỏ, có khả năng con ngõ đó sẽ thông với một con đường khác trong trấn, có thể theo con đường đó mà tiếp tục tiến về phía đông.

Lỗ Thiên Liễu áp dụng phương pháp Phục long thám căn để rà soát, không phát hiện ra hiện tượng đáng ngờ nào trên con ngõ nhỏ. Cô lại dùng chiêu Cánh tay xích để kiểm tra mặt tường ở hai bên ngõ, cũng không có gì bất thường.

Kết quả thăm dò không phát hiện ra bất cứ khảm diện hay nút lẫy nào, nhưng Lỗ Thiên Liễu vẫn không dám chủ quan. Cô tập trung tinh thần cao độ, hết sức thận trọng bước chân vào con ngõ.

Bề mặt ngõ được lát một lớp đá vụn, bàn chân giẫm lên có cảm giác rất khó chịu. Hơn nữa, mặt đá lát cũng không vững chãi, khi bước lên chúng hơi cập kênh, dao động và lõm xuống, hướng dao động không đồng nhất, độ lõm cũng nông sâu khác nhau.

Lỗ Thiên Liễu bỗng đờ người ra, bước chân khựng lại một thoáng. Nhưng chỉ là trong khoảnh khắc, chớp mắt cô đã xoay lưng, nâng hông, xoạc chân trước sau tạo thành thế kiếm bộ, chỉ hai cú tung mình đã lao vọt ra khỏi con ngõ.

Thoát khỏi ngõ, Lỗ Thiên Liễu đưa tay gạt nhẹ những giọt mồ hôi lạnh trên trán, rồi ngoảnh đầu lại nhìn con ngõ sau lưng, vẻ mặt đầy băn khoăn nghi hoặc.

Con ngõ cô vừa đi qua là khảm diện ngõ loanh quanh, được cải tiến từ một loại nút lẫy đơn giản nhất của tổ tiên nhà họ Lỗ. Nút lẫy của nhà họ Lỗ chỉ có một tảng đá có thể chuyển động, thường gọi là “tiên bổ nhào”. Nhưng con ngõ này lại có rất nhiều tảng đá, bên dưới mỗi tảng đá đều thiết kế những nút lẫy khác nhau, giẫm phải một lẫy sẽ chuyển động một tảng đá. Phương thức chuyển động của mỗi tảng đá cũng khác nhau, song đều được tính toán kỹ lưỡng căn cứ theo cách di chuyển của hai chân. Sau khi một tảng đá chuyển động, sự dịch chuyển của tảng đá sẽ buộc bước tiếp theo phải giẫm lên một tảng đá đã định sẵn. Tảng đá đó lại dịch chuyển, lại tiếp tục bức bách phải giẫm lên tảng đá tiếp nữa. Cứ như vậy, sẽ khiến người sa vào khảm diện như ngã lại như đi, tưởng tiến mà lại lùi. Để cố gắng giữ cho cơ thể thăng bằng không bị ngã chúi, sẽ cứ thế liên tục tiến trước lùi sau, sang phải sang trái trong phạm vi bảy tám bước, lặp đi lặp lại các bước chân, không ngừng không nghỉ.

Cho đến tận khi đi tới giữa con ngõ, Lỗ Thiên Liễu mới phát hiện ra đây là ngõ loanh quanh. Nếu như đến lúc này mới thoái lui, chẳng thà lao thẳng về phía trước. Thế nhưng kỳ lạ là ở chỗ ngõ loanh quanh không hề xuất hiện bất cứ động tĩnh nào.

Quả thật Lỗ Thiên Liễu cảm thấy hết sức băn khoăn. Khảm diện không động là một nhẽ, nhưng tại sao một khảm diện thường gặp như vậy, cô lại không thể nhận ra ngay từ khi đứng ở đầu ngõ? Đáp án chỉ có một và cũng hết sức đơn giản. Sau khi Lỗ Thiên Liễu đẩy một tảng đá lát đường lên, mọi chuyện đã hoàn toàn sáng tỏ: chốt lẫy của khảm diện ngõ loanh quanh đã bị buông. Nói cách khác, nó đang ở trong trạng thái đã hoạt động xong, tổng huyền đã nhả hết. Là do cao thủ phá giải ư? Hay là tổng huyền tự đứt vì quá cũ kỹ?

“Một khảm diện tinh xảo khéo léo đến nhường này, nguyên liệu dùng để làm tổng huyền không thể dễ dàng bị đứt. Phải chăng cũng giống như đồng xu lúc nãy, đều là do có cao thủ đang ngấm ngầm trợ giúp mình. Thế nhưng trong một thế giới bí ẩn cả trăm năm chưa có ai bước vào như nơi đây, đúng vào lúc mình căn cứ theo chỉ dẫn trên tấm lụa vàng để đột nhập vào, lại có thêm cao thủ khác xuất hiện đồng thời, ra tay giúp đỡ, sự trùng hợp này quả thực quái lạ!” – Nghĩ đến đây, Lỗ Thiên Liễu không những không vui, mà lại càng cảm thấy ngờ vực bất an.

Trước mặt là một đoạn đường thẳng tắp và dốc xuống. Lỗ Thiên Liễu lại tiến hành so sánh với các đỉnh núi xung quanh, có thể nhận ra rằng, nếu đi dọc xuống theo con đường này, sẽ thoát ra khỏi thị trấn, tiến sâu hơn vào trong thung lũng.

Lỗ Thiên Liễu không có ý dừng bước quay đầu, cô chỉ thầm cầu nguyện trong lòng: “Mong sao phía trước chính là nơi mình muốn đến! Mong sao nơi đó sẽ có thứ mình đang tìm!”.

Khác với đoạn đường trước đó, ở đây có vài cửa tiệm mở rộng cửa. Dưới ánh chiều nhàn nhạt, đoạn mặt đường phía trước các cửa tiệm loa loá sắc trắng bạc.

Những thứ đang phản chiếu ánh sáng trắng bạc gồm có liềm gập đôi, kéo đuôi én, chũm choẹ tuyết hoa, dùi đuôi tròn, cưa hai lưỡi. Lỗ Thiên Liễu không thể nhận ra chúng là tiệm rèn hay cửa hàng kim khí, song cô đã nhận ra đây là khảm diện đối hợp Sông chảy không ngừng. Giới khảm tử trong giang hồ có câu: “Sông chảy vừa qua, không còn hơi thở”, từ đó có thể thấy được, lực sát thương khủng khiếp của thứ khảm diện bá đạo này.

Nhưng lúc này, khảm diện tuyệt sát cực kỳ tàn độc có thể giết chết Lỗ Thiên Liễu không biết bao nhiêu lần mà kể kia đã động, tất cả các nút đều đã nhả hoàn toàn. Vì thính giác nhạy bén của Lỗ Thiên Liễu đã phát giác ra một rung động vi tế của một vật rất nhỏ bé. Lần theo làn âm thanh cực nhỏ mà người thường không thể nghe thấy, cô đã nhìn thấy trên cánh cửa, trên trụ cửa các cửa tiệm găm chi chít những mũi kim thép dài mảnh, toả sắc xanh trầm lạnh lẽo. Đây chính là nút cuối cùng trong khảm diện đối hợp Sông chảy không ngừng, mang theo nọc ong chúa kịch độc.

Không có người, cũng không thấy xác chết. Trên đời không một ai có đủ khả năng vượt qua khảm diện này, vì vậy chắc chắn đã có một cao thủ trong nghề khảm tử đã kích hoạt tất cả các chốt lẫy cơ quan, đợi đến khi toàn bộ các nút trong khảm diện đều đã bung ra hết, mới ung dung đi qua.

Khi băng qua khảm diện Sông chảy không ngừng, Lỗ Thiên Liễu nghĩ thầm: “Xem ra phía trước chắc chắn đã có cao thủ tiến vào. Nhưng cao thủ này có tính toán gì? Không chừng lại giống như cuộc giao tranh ở Cô Tô, nửa đường thình lình xuất hiện kẻ thứ ba có cùng mục đích. Như vậy, nếu bảo bối rơi vào tay họ, cũng sẽ hết sức nan giải!”.

Cầu ván xoay ba đoạn, đây là một khảm diện được bố trí ở lối ra của trấn. Cây cầu được chia làm ba đoạn, bình thường cho người xe qua lại chẳng khác gì cầu cống bình thường. Nhưng một khi cơ quan, chốt lẫy được bày, giẫm chốt chạm lẫy, thì mối nối giữa các tấm ván lợp mặt cầu sẽ tách rời thành ba đoạn, lập tức xoay tít mù quanh trụ cầu nằm ở chính giữa mỗi đoạn. Sau khi mặt cầu tách rời, ở hai đầu của mỗi đoạn cầu bật ra tua tủa những mũi đao sắc nhọn dài hơn một thước. Bất kể người lọt vào trong khảm rơi xuống dưới hay nhảy lên trên, khi cơ thể còn lơ lửng trên không đã bị chém nát như tương.

Khi Lỗ Thiên Liễu đi qua, mặt cầu đã bị tách ra, nhưng không xoay tròn. Đó là do khảm diện đã hoạt động xong, vẫn chưa kịp thu lẫy cài nút để khôi phục lại. Mặc dù mặt cầu đứt đoạn, song Lỗ Thiên Liễu vẫn dễ dàng vượt qua. Cô dùng Phi nhứ bạc kéo mặt cầu xoay ngang lại, rồi tung người nhảy đi, điểm đặt chân chính là vị trí của trụ cầu nằm chính giữa mỗi đoạn, chỉ sau ba bước đã đặt chân được lên đầu cầu bên kia.

Khi Lỗ Thiên Liễu đã đứng vững trên đầu cầu, cô lập tức cảm giác phía sau có gì đó bất thường, khiến cô kinh sợ đến nỗi sợi gân sau gáy co giật dữ dội. Cô vội quay phắt lại, song không nhìn thấy gì cả. Lẽ nào lại là ảo giác?

Tiếp tục tiến lên phía trước là một khe núi hẹp, có dấu vết đẽo gọt của con người. Mặt đường cũng đã được đẽo phẳng. Có lẽ ban đầu lối đi này nhỏ hẹp và kín đáo hơn nhiều. Vừa tiến vào khe núi, phía trước đã là chỗ ngoặt, không thể nhìn thấy tình hình bên trong. Tuy nhiên thính giác nhạy bén của Lỗ Thiên Liễu vẫn có thể loáng thoáng nghe thấy bên trong có tiếng chim sẻ vỗ cánh rượt đuổi nhau, tiếng nước chảy róc rách, những phần da thịt lộ ra ngoài cũng cảm nhận được luồng hơi ẩm ướt dào dạt phả ra từ phía trong.

Có thể tiếp tục tiến vào! Những thông tin mà thính giác và xúc giác thu thập được đủ để Lỗ Thiên Liễu đưa ra quyết định. Nhưng đúng lúc định cất bước tiến lên, cô đột nhiên nhớ lại quẻ bói bàn tay đã gieo khi đứng trước lối vào thị trấn. Tướng thuận xuất, không biết “thuận xuất” có bao gồm cả khe núi trước mặt hay không? Nếu chỉ bao gồm thị trấn khi nãy, thì quả thật cô đã thoát ra vô cùng thuận lợi.

Lỗ Thiên Liễu lại từ từ xoè lòng bàn tay ra. Lúc này cô mới phát hiện ra cơn mưa không biết đã tạnh tự khi nào. Trong rừng núi phía xa xăm, sương mù đã bắt đầu lan toả. Không ngờ trong vùng núi này, mới sau cơn mưa mà nước đã bốc hơi nhanh như vậy.

Lỗ Thiên Liễu thu bàn tay lại, thầm động viên bản thân: “Không quẻ chính là quẻ định sẵn, trong quẻ bàn tay lúc nãy đã bao gồm cả nơi đây!”.

Muốn tiến thì phải nhanh, tất cả các hiện tượng đều cho thấy đã có người vượt lên phía trước. Lỗ Thiên Liễu không nghĩ ngợi gì thêm nữa, nhanh chóng rảo bước vào trong khe núi, sau vài bước đã biến mất sau chỗ ngoặt.

Lúc này, trên mặt nước phía dưới cầu ván xoay ba đoạn lại hiện ra vài cặp mắt, giống hệt như cặp mắt trên nóc nhà nơi ngã tư. Con mắt rất lớn song chỉ hé ra một khe nhỏ, để lộ một đám tròng trắng vàng xỉn, đục ngầu.

Lỗ Thiên Liễu không ngờ khe núi lại rất ngắn, ngắn đến ngoài sức tưởng tượng, ngắn như một cánh cửa có xây huyền quan, vừa qua chỗ ngoặt, đi thêm vài bước đã qua bên kia khe núi.

Song cảnh tượng mở ra trước mắt càng khiến Lỗ Thiên Liễu kinh ngạc hơn, tựa như cô đã lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh. Trước mắt cô bát ngát hoa thơm cỏ lạ, tùng bách xanh tươi. Gần ngay phía trước là cột đá xen kẽ, đá núi nhấp nhô, phía xa xa róc rách suối tuôn, líu lo chim hót. Rừng núi xung quanh điệp điệp trùng trùng, khói sương lãng đãng, tựa như một bức tường hoa cỡ lớn, bao quanh một bầu thế giới thần tiên. Thần kỳ hơn nữa là ánh sáng ở đây cũng sáng sủa hơn rất nhiều, khác hẳn với sắc chiều nhập nhoạng ở ngoài kia. Không biết do cảnh tượng trong thung lũng khiến người ta lẫn lộn thời gian, hay ở đây còn có nguồn sáng thần kỳ nào khác.

Qua khe hở giữa các cột đá, Lỗ Thiên Liễu thấp thoáng nhìn thấy bên trong có bọt nước bắn tung trắng xoá. Lẽ nào đó chính là thác Nhạn Linh?

Chú thích

[36] Là thuật ngữ phong thuỷ, chỉ khái quát núi non hình thế xung quanh. Vị trí xa và lớn là triều sơn (núi chầu), vị trí gần và nhỏ là án sơn (núi án).

[37] Là thuật ngữ của khảm tử gia. Khi thiết kế khảm diện gồm nhiều con đường, không phải giữa tất cả các khảm diện đều có thể phối hợp để phát huy tác dụng, bởi vì phương pháp, kỹ thuật, vật liệu khi thiết kế mỗi con đường đều có sự khác biệt. Trong đó, có hai hoặc trên hai con đường có thể phối hợp với nhau về mọi mặt, cùng kết hợp thành một khảm diện lớn hơn nữa, nguy hiểm hơn nữa, được gọi là “hợp tuyến”.

[38] Tượng thú thần được đặt trên nóc nhà dùng để trấn trạch.