Lời Nguyền Lỗ Ban

Quyển 2 - Chương 17: Tìm khe hở




Lỗ Thịnh Nghĩa nhìn con người ngây dại kia, hiển nhiên ông ta đã bị Tạc quỷ hào cướp mất linh hồn. Đã nhiều năm không gặp, người này nay đã già nua đến khó có thể nhận ra, lại thêm bộ dáng đờ đẫn vô hồn, thân thể chằng chịt vết thương, quần áo rách rưới như mớ giẻ, trông thảm hại vô cùng, chẳng khác gì bóng ma lang thang nơi địa ngục. Không hiểu ông ta đến Cô Tô khi nào? Tại sao lại lạc vào khu vườn này? Đến đây có mục đích gì?

Lỗ Thịnh Nghĩa không phải kẻ ngốc. Ông là một tay giang hồ lão luyện đã nhiều năm bôn ba sóng gió. Một bụng ngờ vực dường như đã có chút manh mối nhỏ nhoi, nhưng manh mối này cần phải lần tìm một cách hết sức cẩn trọng, chỉ hơi bất cẩn sẽ đứt mất dấu tích, không biết đằng nào mà lần.

Ông không bận tâm đến người quen cũ vô hồn kia nữa, mà nhanh chóng tiến về phía vừa phát ra tiếng vọng. Ông còn việc quan trọng và cấp bách hơn nữa phải làm.

Mới đi được mấy bước, ông đã phát hiện ra ánh sáng. Ánh sáng chiếu ra từ gian mật thất, trên bức tường nối liền giữa mật thất và con đường vòng đã bị đập vỡ một lỗ hổng. Người trong nghề đúng là người trong nghề, Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn đứng trong con đường, nhìn sang hai bên một thoáng, sau đó nhòm qua lỗ hổng quan sát nhanh bố cục bên trong mật thất và cửa thổi gió, cửa gió về. Ông lập tức nhận ra nguyên lý cơ bản của Tạc quỷ hào. Và ông cũng đã hiểu tại sao con người không còn hồn phách kia lại đập vỡ tường chui vào trong hang.

Khi nãy, Lỗ Thịnh Nghĩa đã tìm lối ra tại trung tâm của khảm diện, chính là tầng trong cùng trong ba vòng xoáy ốc của Lung linh bách khiếu. Ông dùng chùy hồi âm gõ lên vách hang để tìm chỗ trống. Lúc đó, trong con đường không có gió, nên âm thanh vọng ra đã không còn là âm thanh xoay vòng theo hướng gió thổi tuần hoàn qua trăm lỗ hổng nữa, mà từ sáu ngả phải trái tập trung về mật thất. Không phải khảm diện của đối phương có khiếm khuyết, mà vì kẻ điều khiển khảm diện nấp trong mật thất bỏ chạy để tránh bột sặc, đã không kịp đóng kín cửa thổi gió và cửa gió về.

Một tiếng truyền sáu vòng, con đường xoáy ốc trong Lung linh bách khiếu là một môi trường khuếch âm cực tốt. Bởi vậy, những tiếng âm vang như thần chú đuổi hồn tiếng Phạn vẳng trong con đường thẳm tối, khi truyền đến mật thất đã được khuếch đại thành những tiếng sấm dội kinh hoàng. Có lẽ cũng chỉ có thứ âm thanh khủng khiếp hơn cả Tạc quỷ hào mới có thể kích thích đến con người đã bị Tạc quỷ hào đoạt mất hồn phách kia, khơi dậy trong kẻ đó chút ý thức sinh tồn còn sót lại. Bởi vậy, ông ta mới đập vỡ tường, đi về phía Lỗ Thịnh Nghĩa.

Lỗ Thịnh Nghĩa thấy trong mật thất không có người, liền chui vào trong. Mật thất không có cửa, chỉ có một bức tường liền khối.

Một căn phòng chỉ có một bức tường liền, như vậy, bức tường chỉ có một cách xây, đó là xây hình ống tròn. Đây cũng chính là hình thức phòng ngự tốt nhất. Vì nhìn từ bên ngoài, bất cứ chỗ nào cũng là chỗ cao nhất của cung tròn, nên có thể chịu được lực công kích rất lớn từ bên ngoài. Cũng giống như chiếc cầu cong có khả năng chịu tải tốt hơn hẳn. Thế nhưng khả năng chịu lực từ phía trong của nó lại rất yếu, bởi vậy kẻ vô hồn kia mới có thể đập thủng tường một cách dễ dàng.

Lỗ Thịnh Nghĩa lấy con dao khắc gỗ. Bộ dao khắc gỗ của nhà họ Lỗ tổng cộng có mười tám chiếc, mỗi chiếc lại có một kiểu lưỡi khác nhau, mỗi loại đều có mục đích sử dụng và phương pháp sử dụng riêng biệt. Lỗ Thịnh Nghĩa vừa chọn con dao có lưỡi hình tam giác nhọn như mũi dùi. Đây là loại dao khắc có sức sát thương và sức tấn công mạnh mẽ nhất. Ông biết, khi đã tìm được đường ra, rất có thể phải lập tức đối mặt với một trường huyết đấu.

Lỗ Thịnh Nghĩa thu lại mồi lửa, cầm lấy cây đèn dầu trên bàn, soi lên vách tường để xem có khe hở nào không, thi thoảng lại áp tai vào vách tường tập trung nghe ngóng. Ông không dám gõ tường tìm khe hở, vì sợ tiếng vang sẽ kinh động đến người phía đối phương đang ở bên ngoài.

Nhưng kỳ thực, ông đã kinh động đến đối thủ. Hàng trăm những âm thanh sấm sét vọng vào mật thất khi nãy đã khiến kẻ vừa bỏ chạy tránh bột sặc cảm thấy vô cùng khiếp sợ. Vốn dĩ thiết kế của mật thất có tác dụng tĩnh âm, ngay cả những tiếng động khủng khiếp như quỷ rú ma gào ban nãy, người trong mật thất cũng không hề nghe thấy mảy may, chứ chưa nói là ở bên ngoài mật thất.

Bởi vậy, hắn đã sinh lòng hiếu kỳ, thận trọng mở cửa mật thất. Lỗ Thịnh Nghĩa chợt nghe thấy tiếng cọt kẹt…

Nghe thấy tiếng mở cửa, tức là đã biết được vị trí cửa ra. Đó là vị trí mà Lỗ Thịnh Nghĩa hoàn toàn không ngờ tới, vì lúc nãy ông đã tìm kiếm ở chỗ đó nhưng không hề nghe thấy tiếng vang của tường rỗng.

Lỗ Thịnh Nghĩa đứng đối diện với cửa ra, tay trái giơ cao cây đèn dầu lớn, tay phải nắm chặt con dao khắc mũi dùi, đặt sát dưới cây đèn.

Cánh cửa đã mở ra, rất rộng, và được mở theo chiều từ dưới lên trên. Có nghĩa là mép dưới cánh cửa cũng chính là mép dưới chân tường. Mặc dù cửa rất rộng, nhưng lối ra chỉ bằng khoảng một phần tư của cửa, vì ba phần tư còn lại đã xếp chồng lên tường. Lối ra rất thấp, chỉ cao ngang tầm ngực. Với kết cấu thế này, thảo nào Lỗ Thịnh Nghĩa không thể tìm ra được khe nối hai bên cửa, cũng không hề nghe thấy tiếng vang từ tường rỗng. Vì ông đã căn cứ theo độ cao và bề rộng thông thường để tìm kiếm.

Lối ra rất thấp cũng nằm ngoài dự liệu của Lỗ Thịnh Nghĩa, mặc dù không bị ánh sáng chiếu thẳng vào mặt gây lóa ánh nhìn, nhưng góc độ tấn công mà ông đang sẵn sàng thủ thế đã bị chệch. Lại thêm kẻ bên ngoài ập vào cực nhanh, ông có muốn điều chỉnh lại cũng không kịp.

Kẻ bên ngoài cúi thấp đầu luồn vội vào trong. Có lẽ hắn không hề có kinh nghiệm giang hồ. Hắn có thể có võ công, cũng có thể là người trong nghề khảm tử, nhưng chắc chắn không phải người trong giang hồ. Nhìn vào động tác chui vào, còn có thể đoán rằng hắn là một kẻ lỗ mãng. Trong ám thất vọng ra hàng loạt âm thanh kỳ quái, mà hắn không thèm nghĩ ngợi xem liệu có xảy ra sự cố gì không, đã vội chui vào mà không hề phòng bị. Đương nhiên, cũng có khả năng hắn hoàn toàn không ngờ được rằng, lại có người đập vỡ được bức tường hình ống kiên cố để chui vào mật thất.

Hắn đã chui vào, vừa ngẩng đầu liền nhìn thấy một cái bóng, nhưng không nhìn rõ mặt, vì ngọn đèn dầu lớn đã khiến hắn lóa mắt, cũng chắn luôn mặt mũi của đối phương. Và đương nhiên, hắn càng không nhìn thấy lưỡi dao tam giác ẩn tàng trong ánh sáng. Chỉ đến khi thấy trước trán đau nhói, hắn mới biết bên trong chùm sáng lóa mắt kia có ẩn chứa mũi nhọn giết người.

Lỗ Thịnh Nghĩa đã không đâm trúng yết hầu đối phương như dự kiến, mà ông đã đâm trúng giữa trán hắn. Đối phương quả thực có biết võ công, hơn nữa, võ công còn rất đỗi cao cường. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến hắn dám nghênh ngang lao vào mật thất mà không cần phòng bị. Vừa cảm thấy trước trán đau nhói, hắn lập tức bật về phía sau, tốc độ còn nhanh hơn cả lưỡi dao đâm tới. Bởi vậy, tuy dao đã đâm trúng trán, nhưng vẫn chưa xuyên thủng đến xương.

Nhưng không gian né tránh là có hạn, đầu hắn đã chạm vào bức tường phía trên lối ra, không thể lùi thêm được nữa. Nhưng mũi dao vẫn chỉ chạm được vào trán hắn, không thể đâm sâu thêm. Vì hắn đã lợi dụng khoảng cách vừa kéo giãn, dùng hai tay bấm chặt lấy huyệt Thiên phủ ở dưới nách Lỗ Thịnh Nghĩa.

Lỗ Thịnh Nghĩa hoàn toàn không hiểu gì về huyệt vị kinh mạch trên cơ thể, nhưng ông cảm thấy chỗ đối phương chụp vào đau mà tê rần, tê mà đau buốt. Từ vai trở xuống, từ eo trở lên phút chốc đã tê nhũn.

Ở người thường tay phải sẽ khỏe hơn tay trái, đối phương và Lỗ Thịnh Nghĩa cũng vậy. Vì vậy, cánh tay trái của Lỗ Thịnh Nghĩa đã trở nên bất lực trước đòn phản công bằng tay phải của đối phương, cây đèn dầu trên tay rơi đánh choang xuống đất. Ông ý thức được rằng con dao bên tay phải cũng sẽ chịu chung số phận như vậy, vì các ngón tay phải đang dần dần mất đi cảm giác.

Thật không ngờ khó khăn lắm mới thoát khỏi khảm diện hung hiểm, lại lập tức bị một gã chuyên giật dây kéo nút cầm chân. Lỗ Thịnh Nghĩa giờ đây sức không thắng nổi người, tài không bì kịp người, khác nào một đứa trẻ trong tay đối phương.

Tay phải không nắm được con dao…. Tay phải đã không giữ nổi con dao… Tay phải đã rời khỏi con dao.

Cây đèn dầu rơi trên mặt đất chỉ ngoan cố bập bùng thêm mấy nhịp nữa rồi tắt hẳn. Đúng vào lúc ánh đèn vụt tắt, bàn tay phải của Lỗ Thịnh Nghĩa đã hoàn toàn buông khỏi con dao khắc.

Trong bóng tối vọng ra một tiếng rú thê thảm, rất ngắn, nhưng tiếp tục vang dội không dứt trong con đường Tạc quỷ hào.

Đúng vào khoảnh khắc Lỗ Thịnh Nghĩa không còn đủ sức để giữ con dao khắc, đúng vào khoảnh khắc Lỗ Thịnh Nghĩa buông tay bất lực, ông đã đập thật mạnh trán mình vào đúng cán dao. Cánh tay đã tê liệt, nữa thân trên cũng tê liệt, nhưng cần cổ vẫn còn sức, cái đầu cũng vẫn còn sức.

Cái đầu của ông đã thế vai cho một quả búa tạ. Cú đập đã khiến trán ông tóe máu. Vì đó là cán của một con dao khắc gỗ thực thụ. Nhưng dù sao cũng có một điều đáng mừng, đó là phần lưỡi tam giác nhọn như dùi đã xuyên vào trước trán của gã giật dây một độ sâu trí mạng. Vì vậy, mặc dù trán ông máu tươi bắn vọt, nhưng cuối cùng ông đã có thể tự đi ra khỏi mật thất.

Lỗ Thịnh Nghĩa cảm thấy hai cánh tay như đã biến mất khỏi cơ thể. Nhưng khi kinh mạch dần dần thông suốt, một nỗi đau đớn kịch liệt đã lập tức thế chỗ cho cơn tê dại, tựa như co thịt ở vùng dưới nách đã bị bóp nát.

Lỗ Thịnh Nghĩa lại lấy ra một con dao khác. Đây là một con dao với đầu lưỡi sắc nhọn uốn cong như lòng máng. Con dao mũi tam giác vừa rồi coi như tặng luôn cho đối phương, không cần tốn công rút ra nữa.

Ánh sáng bên ngoài không quá chói mắt, vì hôm nay cũng là một ngày âm u. Mặc dù phải lần mò một hồi lâu trong con đường tối thẳm, nhưng ông đã quá độ từ mồi lửa, đèn dầu cho đến lúc này, nên đã có thể thích nghi với ánh sáng bên ngoài. Vì vậy, ông đã nhanh chóng định vị được, bản thân đang đứng trong bụi hoàng dương bên cạnh con đường nhỏ rợp bóng hoa.

Lỗ Thịnh Nghĩa nắm chặt con dao khắc trong tay, nghĩ ngợi một thoáng, lại đưa tay vào trong hòm lấy ra một cái bào mắt phượng. Tại sao lại gọi là bào mắt phượng, vì phần lưỡi của chiếc bào mảnh mà uốn cong hệt như mắt phượng.

Mỗi tay cầm một vũ khí chí ít cũng đã giúp ông tự tin thêm mấy phần. Ông nhẩm tính đường đi nước bước một lát, rồi băng qua một bụi hoa quế, vòng qua hai cây chuối lớn, đã bước lên được con đường nhỏ.

Con đường này không giống với con đường khi nãy ông đã men theo rồi sa vào trong hang đá, mà nó dẫn thẳng đến hành lang hình thuyền hoa gần căn lầu nhỏ ven ao. Còn con đường khi nãy chưa đi được vài bước đã ngoặt vào trong hang đá. Nhưng hiện tượng kỳ quái này không thu hút được sự chú ý của ông, vì ông đã khựng lại trước một cảnh tượng máu tanh thảm khốc, khiếp đảm kinh hồn….