Lốc Xoáy Thời Gian

Chương 6: Chống trả




Thiện Hùng thở hổn hển, chạy như bay về một hướng không nhất định, cố gắng giữ khoảng cách với bọn côn đồ đang đuổi sát lưng cậu. Mặc dù cậu đã chạy với tốc độ tối đa nhưng cậu vẫn không thể nào cắt đuôi bọn chúng. Cậu sinh ra với chiều cao khiêm tốn, chân dài không bằng ai thì làm sao chạy thoát cho được! Đúng là nổi khổ của một người chân ngắn!

Kế chuồn này, coi bộ không ổn cho lắm. Tại sao tác giả không chú thích chiêu này không hợp với những cây nấm lùn như cậu? Thiện Hùng thầm chửi rủa, oán trách.

Cậu có thể nghe được tiếng bước chân dồn dập, tiếng hò hét ồn ào, càng ngày càng gần kề hơn. Bọn côn đồ đông đảo như vầy, nếu bị tóm được, Hùng chắc chắn sẽ bị đập thê thảm, không xuống mồ thì cũng nhập viện.

Xem ra Hùng không thể không đánh nhau với bọn chúng, nhưng để bọn chúng đánh hội đồng cậu thì cậu sẽ đánh không lại. Nếu cậu có thể tách bọn chúng ra, đánh với từng người, từng người một, may ra cậu có cơ hội thoát thân.

Nghĩ vậy, Thiện Hùng đổi hướng, rời khỏi đường cái, chạy về phía đồi núi. Ở trên đường mòn, không gian quá rộng, rất dễ cho bọn chúng bao vây cậu; nhưng ở phía đồi núi, có một cây cầu treo nối hai ngọn đồi nhỏ, thân cầu eo hẹp, chỉ đủ cho tối đa hai người đi. Nếu dẫn bọn côn đồ tới đó thì sẽ có lợi cho cậu hơn. Vì không gian trên cầu rất hẹp, nên nhiều lắm cậu chỉ phải đối phó với hai hoặc ba người cùng một lúc.

Tim Hùng đập thình thịch, miệng thở hổn hển, đầu nhã mồ hôi, cố hết sức lực chạy về phía cây cầu. Cậu cảm thấy bọn côn đồ đằng sau rất gần kề, dường như chỉ cần vương tay là có thể túm lấy áo cậu.

Một đứa cầm cành cây, hướng đầu Hùng, quất ngang.

Hùng cúi đầu, né tránh.

Thấy cây cầu hiện trước mặt, Hùng lấy đà, nhảy lên cầu. Hai tay chống xuống, đỡ cú ngã. Cậu quay mình, đá sát đất, quèo chân hai người sau lưng.

Bị gạt chân, bọn chúng ngã xuống. Mấy đứa đằng sau không kịp dừng lại, ngã theo.

Cây cầu chấn động, lắc lư nguy hiểm. Xung quanh, núi rừng im ắng lạ thường. Cả khu rừng nín thở, quan sát trận đấu sắp diễn ra, thầm lo lắng cho sự an nguy của Thiện Hùng.

Hùng cướp gậy của một đứa, đứng vào tư thế chiến đấu. Đôi chân dang rộng bằng vai, tay cầm gậy như cầm kiếm – Tam Thiên Lưỡng Địa Ngũ Chỉ Pháp. Tam Thiên – ba ngón chỉ trời – Lưỡng Địa – hai ngón chỉ đất. Cách cầm kiếm theo lời dạy bảo của các Kiếm Sư Đại Việt thời xưa.

Tư thái ung dung, bình tĩnh, không gợn sóng.

Bọn côn đồ lồm cồm bò dậy, tức giận nhìn Hùng.

“HÂY DA!”

Chúng hét lớn, nhào vào tấn công. Một người đánh đầu. Một người đấm bụng.

Hùng bước nhanh, tránh né. Kiếm gỗ lưu loát phách xuống cổ tay.

Đối thủ đau điếng, xuýt xoa thổi vết thương. Hùng không chờ đợi, lập tức đâm quai hàm.

Hạ gục một đứa.

Không để đối thủ tiến tới, Hùng động thủ trước, sí kiếm như cánh chim, giăng kiếm ngang vai. Đối thủ bất ngờ, lùi bước, hụt chân, ngã xuống đồi.

Hạ gục hai đứa.

Chưa kịp lấy hơi thở, hai người nữa xông lên. Một người nhảy cao, chém xuống. Một người khuấy kiếm, tấn công.

Hùng tiệt kiếm, chặt đòn, phá thế. Cả người rung rinh trên cầu.

Hùng nhíu mày, tay không bắt gậy, tay kiếm đâm cổ. Đối thủ ngất xỉu.

Hạ gục ba đứa.

Hùng xoay mình, chạm kiếm với người kế tiếp. Sau vài chiêu, cậu nhận ra sơ hở. Cậu cong môi cười. Lợi dụng thời cơ, cậu thích kiếm ngay đầu. Đối thủ nứt đầu, chảy máu, ngã khụy.

Hạ gục bốn đứa.

Một người vừa ngã xuống, người khác lại tiến lên. Đối thủ ập đến như sóng dữ, từng đợt, từng đợt, không dừng.

Lúc này, đối thủ đã mất kiên nhẫn, vung gậy loạn xạ vào Hùng. Thế kiếm vô bài bản của người điên, còn khó đỡ hơn đòn kiếm của một Kiếm Sư.

Hùng loạng choạng áp kiếm, ngăn giữ. Cậu đã mệt. Trán lấm tấm mồ hôi.

Đối thủ bất ngờ tấn công ngang hông, Hùng phản ứng chậm, không kịp đỡ đòn.

Hông chợt rát lên, đau đớn. Hùng thóp bụng, cố nhịn.

Hùng lập tức lùi lại, thoát khỏi đường gậy của đối thủ.

“Đệt mịa mày!” Hùng tức giận chửi rủa. Chưa có đồ ăn lót bụng, lại mới bị đuổi chạy mệt mỏi, bây giờ còn phải đánh nhau, cậu nhanh chóng mất sức.

Hùng biết cậu không thể cầm cự được lâu nữa, cậu cần phải giải quyết bọn chúng nhanh chóng trước khi kiệt sức. Bọn chúng có vẻ như muốn kéo dài thời gian, chơi trò mèo vờn chuột, làm cậu mỏi mệt.

Hùng lập tức quyết định. Không còn thời gian chờ tư vấn. Vào lúc này, tình thế bất lợi. Cha cậu đã từng nói – thà đối đầu với một Kiếm Sư xuất sắc, còn hơn đánh nhau với trăm kẻ gà mờ. Một chọi mười, dù kỹ thuật đối thủ tệ cách nào, một mình khó có thể chống đối. Hiện tại, cậu chỉ có một cách để thoát thân. Tốc chiến tốc thắng – sử dụng tuyệt chiêu của Tây Sơn hiệp đạo – Lôi Phong Tùy Hình Kiếm, được biến chế từ Tây Sơn võ trận.

Lịch sử ghi chép, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, cuộc sống của những người dân trong nước rất bần cùng. Phong trào nông dân nổi lên, được các anh em Tây Sơn dẫn đầu, từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài*, chống đối bọn quan lại áp bức. Bài võ Lôi Phong Tùy Hình Kiếm được sinh ra từ những năm đầu khởi nghĩa Tây Sơn và được thái úy* Trần Quang Diệu, một trong Tây Sơn thất hổ tướng, hoàn tất vào ngày 21 tháng 3, Cảnh Hưng năm thứ 30, 1769.

* Đàng Trong, Đàng Ngoài: miền Nam, miền Bắc.

* Thái úy: đứng đầu các quan võ, một trong tam công, ba chức quan cao nhất của triều đình.

Bài võ đã được Trần Quang Diệu kỹ lưỡng biên soạn, loại bỏ những động tác rườm rà, chỉ sử dụng những chiêu thức cơ bản cần thiết. Tuy đơn giản, nhưng đây là bài võ khét tiếng vì người sử dụng có thể dễ dàng múa kiếm nhanh nhẹn, đường kiếm gồm bảy mươi tám động tác liên tiếp, biến hóa như mây, nhanh như gió, dũng mãnh như lôi.

Chiêu thức này rất công dụng, nhưng nó cũng rất tàn ác, vì nó nhắm vào điểm tử của đối thủ mà tấn công. Cho nên, Thiện Hùng lưỡng lự, không muốn dùng chiêu thức nguy hiểm này với những đối thủ không biết võ công như bọn côn đồ.

“Các anh ỷ đông ép tôi.” Hùng nghiêm mặt, nói. “Dừng lại đi! Nếu không thì đừng trách tôi nặng tay!”

“Ha ha ha ha!” Thằng gây rối cười tự đắc. “Mày đang đe dọa bọn tao à? Mày có tư cách sao?”

“Tôi chỉ khuyên nhủ. Không đe dọa.”

“Vậy tao cũng có lời khuyên mày. Hãy cầu nguyện đi!”

Lời nói vừa dứt, hai bên lao vào nhau. Hùng vung kiếm, đánh bài Lôi Phong Tùy Hình Kiếm.

Cây cành, hoa lá rụng xác sơ.

Hùng chém vào tay, vào bụng. Đối thủ ngã xác sơ. Hạ gục năm đứa.

Hò hét, chim kêu, trời chấn động.

Hùng thét lớn, áp đảo đối phương. Đối thủ hoảng sợ, té xuống cầu. Hạ gục sáu đứa.

Gió lùa, sấm nổ, đất rung rinh.

Hùng đạp chân, dao động cây cầu. Đối thủ mất thăng bằng, trượt ngã. Hạ gục bảy đứa.

Lìa gươm, lên mây chầu Thượng Đế.

Hùng phao kiếm, phóng khỏi tay, bay trúng đầu đối thủ. Hạ gục tám đứa.

Báo lưỡi lâm đao, viếng lâm quân.

Hùng lượm kiếm, bổ như đao, vào đầu gối. Đối thủ gãy chân, quỵ xuống. Hạ gục chín đứa.

Sao ngày kia, ra đi trước chớp.

Nhanh như chớp, Hùng trừu kiếm, cứa rọc. Hạ gục mười đứa.

Đuổi theo bắt búa của Thiên Lôi.

Người kiếm cùng tiễn, lao tới, vừa chận, vừa chém, đánh bại đối thủ. Hạ gục mười một đứa.

Dặn dò đã nhiều phen kẻo muộn.

Động tác dứt khoát, Hùng điềm kiếm, đâm cổ đối phương. Hạ gục mười hai đứa.

Để ta sớm rảnh nợ tan bồng.

Hùng tước kiếm, khảm đối thủ, ngay ngực. Hạ gục mười ba đứa.

Đến đây, bài kiếm kết thúc, nhưng Hùng vẫn chưa hạ gục được một nửa số đối thủ. Cậu đã kiệt sức, đứng xiểng niểng như người say. Mồ hôi từ trán trườn xuống mắt, nhòa tầm nhìn. Con át chủ bài đã được tung ra, không còn gì đễ chống đỡ.

Hùng biết cậu không ổn.

Đối phương cũng biết cậu không ổn.

Bọn chúng mỉm cười quỷ dị.

Hùng lui bước. Bọn chúng áp đảo, vung gậy tứ phía. Cây cầu rung chuyển, bầu trời rung chuyển, và Hùng đang thua. Cậu cúi đầu, nhưng một gậy lại ập tới. Cậu nghiêng người, nhưng một gậy lại quất ngang.

Bọn chúng đông hơn, bọn chúng nhiều hơn, bọn chúng mạnh hơn, Hùng không thể phủ nhận.

Trúng một đòn, một đòn, rồi một đòn nữa. Tiếng gỗ chạm gỗ rồi tiếng gỗ đập vào người.

Đối thủ vạch kiếm, một đòn quyết định, vuốt kiếm của Hùng khỏi tay. Kiếm gỗ bay vụt, rớt xuống cầu. Hùng hai tay không, vô lực.

Một gậy từ cao giáng xuống, ngay vai. Một gậy vót ngang, trật khớp tay. Một gậy xung lên, trúng lưng.

Hùng quỳ xuống, ngã nhào. Mưa gậy tiếp tục rớt xuống như vũ bão. Không ngừng.

Hùng bị đánh nhừ tử.

Khắp người đau đớn ê chề, nước mắt đầm đề, đầu óc choáng váng, cố dứng dậy, nhưng không thể. Bọn côn đồ hăng say đánh túi bụi. Mang máng quanh tai nghe tiếng xương gãy, dần dần cảm giác tê liệt.

Tuyệt vọng.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, bất chợt một mùi thôi thối thoảng qua. Mưa gậy bỗng dừng lại. Bọn côn đồ nhíu mày, chửa rủa, tìm tòi nguồn gốc mùi thối.

Lúc đầu mùi hôi thum thủm, nhưng vài giây sau, nó hôi nồng nặc. Mọi người bịt mũi, nhịn thở, thở bằng miệng cũng không dám vì sợ ngộ độc thực phẩm. Bọn công đồ bắt đầu đổ thừa nhau đã thả ra bom nguyên tử kinh khủng.

Mùi thối kinh tởm, cay sặc sỡ, xông lên mũi, vào tới não, khiến người ngửi chảy nước mắt, nước mũi tèm lem, buồn nôn ói mửa. Thật sự hôi như một con chồn chết.

Con chồn… con chồn…

Bọn côn đồ lập tức hiểu ra điều gì đõ, trợn to mắt nhìn xuống dưới chân chúng. Xung quanh là một đàn chồn hôi đang hung hăng thải ra khí độc, bao quanh. Vài con chồn tội nghiệp đứng gần chân bọn côn đồ, bị đá một phát, rớt vèo xuống cầu, chết thảm.

Những con chồn khác thấy đồng bọn bị giết, giận xù lông, nhe nanh múa vuốt, ra sức thải thật nhiều khí độc hôi thối như xác rữa vào những kẻ đã tấn công anh em của chúng. Bọn côn đồ thấy đám chồn hoang dã không dễ giải quyết, liền xách dép chạy, tránh xa khỏi bọn chồn hôi hung dữ.

Về phần Thiện Hùng, cậu lúc này đã thực sự muốn bất tỉnh nhân sự. Vừa bị ăn đập xong, giờ lại bị ăn một quả bom nguyên tử. Cậu vẫn có thể thoi thóp giữ lại chút hơi tàn là đã giỏi lắm rồi. Cậu cố gắng rời xa bọn chồn, vừa lết vừa ho sặc sụi vì mùi hôi thối cay nồng của bọn chúng.

Bò đến đầu cầu treo, cậu thấy được đôi chân thon nõn của ai đó. Cậu thầm mắng chửi cái số đen như than của cậu, tưởng rằng bọn côn đồ quay lại đập cậu lần nữa. Nhưng khi ngước đầu lên, cậu mờ ảo nhìn một cô nhóc, người lúc sáng bắn viên sỏi, đánh rớt con dao của thằng gây rối.

Đôi mắt cô nhóc đen sâu thẳm như bầu trời đêm, lạnh nhạt nhìn xuống, quan sát Hùng. Lúc này, Hùng đã không còn khí lực để kháng cự nữa, cậu buông xuôi hai tay, bỏ mặt tánh mạng cho cô nhóc quyết định.