Tây Viện, Học Viện Sử Học Quốc Gia
Trong lúc các em học sinh đang bận bịu làm bài thi thì tại hành lang ở Tây viện, có một người đàn ông cao tuổi, đầu tóc bạc phơ với bộ râu dài tới cổ áo, bàn tay lấm tấm vết đồi mồi, từ xa xa trông như một ông bụt trong các câu truyện cổ tích xưa kia, bước đi mau lẹ có mục đích. Ông ta bỗng dừng lại trước một cửa phòng, nâng tay gõ vào chiếc cửa gỗ hai tiếng cộc cộc to rõ.
“Mời vào.” Một giọng đàn ông trung niên trầm trầm từ trong phòng vọng lại, cho phép người ngoài cửa tiến vô.
Ken két.
Tiếng cửa mở kẽo kẹt kêu lên. Người đàn ông cao tuổi nhẹ nhàng đẩy cửa vào và nhanh chóng khép cánh cửa lại sao lưng ông.
Đây là một căn phòng nhìn có chút bừa bộn, những sợi dây điện màu đen nằm chằn chít, quấn quéo lộn xộn, trườn bò vào nhau như những con lươn trên mặt đất, nối liền các thiết bị điện tử đầy phức tạp và những chiếc máy vi tính cầu kỳ, hiện đại lại với nhau.
Trên trần nhà được lắp ráp mười mấy chiếc máy chiếu ánh sáng đang chiếu những hình ảnh sống động về những gì đang diễn ra trong khuôn viên học viện thẳng lên dãy tường trắng như mây trước mặt chúng.
Trong phòng chỉ có mỗi người đàn ông trung niên đang đứng trước dãy tường trắng, chắp tay sau lưng, chăm chú quan sát một màn hình đang phất phớ phản chiếu trên tường.
“Thầy viện trưởng,” người đàn ông cao tuổi không để ý tới những gì đang được chiếu trên màn hình, chỉ hướng về phía ông viện trưởng, cung kính nói.
“Việc viện trưởng dặn dò, chấm rớt những em nào trả lời rằng sử gia có thể quay về quá khứ để thay đổi lịch sử trong phần thi Sử… tôi đã nói lại với các giáo sư phụ trách chấm bài.”
Viện trưởng gật đầu hài lòng, không đáp lại mà chỉ tiếp tục nhìn chăm chăm vào màn hình trên tường, dường như là ông đang suy tư điều gì đó.
Người đàn ông cao tuổi cũng theo hướng tầm mắt của ông viện trưởng nhìn vào màn hình đang diễn chiếu lại cảnh Vũ Minh Hùng kịch liệt đánh trả một đám người đông đảo trên cây cầu treo.
“Thầy viện phó,“ lúc này, ông viện trưởng mới mở miệng, bình thản nói. “Thầy nghĩ sao về cậu Thiện Hùng này?”
“Thầy viện trưởng,” ông viện phó cung kính đáp lại. “Nói thật thì không thể phủ nhận khả năng chiến đấu của cậu ta, một mình đánh bại mười ba người.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,“ ông viện trưởng nói. “Cho cậu ta đậu vào học viện.”
Nghe ông viện trưởng nói như vậy, viện phó bất ngờ giật mình, lên tiếng phảng kháng: “Viện trưởng, mặc dù cậu ta giỏi đánh đấm, nhưng ba phần thi khác cậu ta làm rất tệ!”
“Phần thi Văn thì cậu ta không đọc được chữ Nôm, cậu đã dùng mười ngón tay vẽ nguệch ngoạc lên mười con giun rồi nộp bài. Hình như cậu ta tưởng cậu ấy là Trạng Quỳnh đang thi vẽ với Sứ Tàu1!” Ông viên phó chặc lưỡi, lắc đầu.
“Phần thi Mưu thì cậu ta tô đen mấy con cờ trắng rồi trả lời rằng bước kế tiếp, em sẽ tô đen mấy con cờ trắng để giảy vây cho quân ta.” Nói đến đây, ông viện phó cảm thấy thật là bó tay bó chiếu với câu trả lời độc đáo của Thiện Hùng.
“Tôi lại cảm thấy câu trả lời đó rất hay,“ ông viện trưởng cong khoé môi, khẽ cười. “Cho cậu ấy năm điểm phần thi Mưu. Còn phần thi Sử, tôi thấy cậu ấy trả lời đúng câu hai, cho năm điểm luôn. Coi như cậu ta vượt qua ba phần, đạt tiêu chuẩn vào học.”
“Không được,” Ông viện phó kịch liệt phản đối. “Phần thi Mưu thì tôi khỏi phải bàn, trả lời như vậy chỉ có thể ăn trứng ngỗng, làm sao mà cho năm điểm. Còn phần thi Sử, mặc dù cậu trả lời sử gia không được phép thay đổi lịch sử nhưng cậu ta không giải thích tại sao.”
“Thầy viện phó,“ ông viện trưởng cau mày nói. “Thầy cứ làm theo những gì tôi phân phó. Việc cứ như vậy đi, không bàn nữa!”
Nghe viện trưởng quả quyết như vậy, ông viện phó cũng đành ngậm miệng, không ý kiến ý cò gì nữa. Ai biểu người kia là viện trưởng, còn ông thì chỉ làm được tới viện phó. Những lúc như thế này làm cho ông cảm thấy thật bức xúc.
“Được rồi,“ ông viện phó không bằng lòng nhưng vẫn đáp ứng. “ Không biết thầy còn điều gì khác muốn dặn dò hay không?”
“Cho em Hoa Khôi đậu luôn.” Ông viện trưởng nói.
“Cái gì!” Viện phó lại một lần nữa bị viện trưởng cho một cú sốc, há hốc miệng mà thốt lên. “Thầy viện trưởng, việc này tôi chưa nói cho các giáo sư khác biết, nhưng chắc thầy cũng rõ em Hoa Khôi lấy được thẻ bài từ đâu phải không?”
Viện phó cẩn thẩn không nói trắng ra chuyện Hoa Khôi đã lén lén lút lút ăn vụn với một nữ giáo sư trẻ tuổi của học viện, dụ dỗ cô giáo sư đó cho cậu thẻ bài. Tất nhiên, ông viện trưởng biết rõ điều này, đâu có chuyện gì xảy ra trong học viện mà ông ta lại không hay biết chứ!
“Tôi biết cậu ấy đã làm gì.” Ông viện trưởng ung dung đáp lại. “Nhưng tôi cũng muốn nói cho thầy hiểu... Trong chiến tranh, không phải chỉ có thể ra chiến trường mới giết được giặc. Đôi khi phải lên giường với giặc mới bắt được giặc. “
Viện phó cau mày, không hiểu.
Thấy vậy, viện trưởng nói tiếp: “Chẳng lẽ thầy không nhớ truyện Mị Châu, Trọng Thủy?”
Hồi ấy, An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, được Rùa Vàng Kim Quy tặng cho chiếc nỏ thần, dùng để bảo vệ nước nhà. Nhờ có nỏ thần mà Triệu Đà, tướng nước Tần ở phía Bác, nhiều lần dẫn quân xuống nước Nam xâm lược Âu Lạc bị thảm bại.
Lại nghe nói An Dương Vương có cô con gái là Mị Châu vẫn chưa lấy chồng, Triệu Đà bèn ngỏ ý cầu hôn Mị Châu cho con trai ông ta là Trọng Thủy, với mục đích thăm dò nước Âu Lạc, tìm ra điểm yếu của An Dương Vương. Nhiều lần chăn gối, anh anh em em với Mị Châu, Trọng Thủy cũng lấy được lòng tin của Mị Châu và đã lợi dụng Mị Châu để trộm nỏ thần, giúp Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc.
“Cho nên,“ ông viện trưởng kết luận. “Học viện chúng ta không chỉ cần những người thiện chiến nơi xa trường mà cũng cần người thiện chiến nơi giường trường.”
Nghe vậy, ông viện phó lại được thêm một phen há mồm, căng mắt, đầu hàng chịu thua ông viện trưởng, không biết phải nói gì.
“Thôi được rồi,” ông viện phó miễn cưỡng nói. “Vậy tôi sẽ làm theo những gì thầy phân phó.”
Sau khi đã bàn bạc xong mọi việc, ông viện phó gật đầu cáo lui rồi quay mình bước ra khỏi phòng viện trưởng, để lại ông viện trưởng trầm ngâm, tiếp tục quan sát cuộc thi qua các màn hình.
Chú thích:
1. Trạng Quỳnh thi vẽ: truyện kể rằng, Sứ Tàu vẽ rất đẹp. Một hôm, hắn gọi Trạng Quỳnh ra thách thức. Hai người trong vòng ba tiếng trống, phải vẽ xong một con vật. Trạng Quỳnh đồng ý. Nghe tiếng trống đầu tiên, Sứ Tàu cắm cúi vẽ, Trạng Quỳnh ngồi ăn trầu, không thèm cầm bút. Tiếng trống thứ hai, Trạng Quỳnh vẫn chưa chịu vẽ gì. Đến khi hồi trống thứ ba sắp được vang lên, Trạng Quỳnh mới chấm mười ngón tay vào nghiên mực, vẽ lên mười con giun. Cuộc thi kết thúc, Sứ Tàu chỉ vẽ được một con cá, trong khi Trạng Quỳnh vẽ được tới mười con giun. Quỳnh vẽ nhiều con vật hơn Sứ Tàu, nên được tính là thắng cuộc thi này.