Lọ Thủy Tinh

Chương 34: Đón tiếp




Giang Miểu nhận được lô lốc tin nhắn mẫu về “Đám cưới trong mơ” sau bữa tối ba người, tất cả đều do Phu nhân Thành đang gắng khơi sức tưởng tượng cho cô. So với bà Thành cuống hết cả lên, rõ ràng cha mẹ Edwin thủng thẳng hơn nhiều. Họ đến vào tháng kế như thể đi nghỉ phép. Ba Ed bận đồ theo phong cách của một quý ông Ý vào thập niên 50, đội mũ, mặc bộ vest trắng với họa tiết ấn tượng, khăn túi vuông xanh nhạt gấp trên ngực, xách túi da nâu mềm. So sánh ra mới thấy mặt mày Edwin như khuôn đúc từ ông, nhưng có sự trung hoà từ nét dịu dàng của mẹ Ed, trông hiền hoà và dễ gần hơn. Trang phục của mẹ Ed dung dị nhưng tân thời, được cắt may rất ư đẹp mắt, trang nhã nhưng không hề lỗi mốt. Dưới trời lạnh giá của rét mùa xuân, bà mặc một chiếc áo dệt kim hở cổ ngắn bên ngoài, cổ tay đeo đồng hồ dây mảnh, chân mang giày đế thấp thủ công. Bà khoác tay chồng, đây là một khung cảnh hòa hợp không cách nào nguỵ trang.

Đưa hai người đến khách sạn, Giang Miểu và Edwin dành ra mấy ngày dẫn họ tham quan Thành phố M, trong đó có hai ngày là Edwin và ba Ed tách riêng đến khảo sát chi nhánh công ty. Giang Miểu và mẹ Ed dùng xong bữa sáng, được hôm thời tiết trong xanh và ngập nắng, mẹ Ed đề nghị dạo công viên.

“Cám ơn cháu đã chăm sóc nó.” Bà vỗ tay Giang Miểu, khí chất nền nã của mẹ Ed khiến cô không thể không sinh thiện cảm.

Rất nhiều chi tiết Edwin không chủ động đề cập, mẹ Ed kể về khoảng thời gian trước khi hai người gặp nhau như một sự bù đắp. Những tật xấu có thể lường trước được thuở bé thơ, hồi cấp 3 giấu gia đình đi dạy, lên đại học hiếm khi nhắc đến thành tích của mình ở trường, thế cho nên gia đình từng hoài nghi liệu anh đã bị đuổi khỏi trường và thật chất đang rửa bát ở góc xó xỉnh nào trên thế giới. “Vẫn là đứa trẻ hiểu chuyện.”

“Cô dạy anh ấy rất tốt.” Giang Miểu thấy bà đứng tại quầy hoa lan trắng một lúc thì trố mắt nhìn, “Giờ hiếm gặp lắm đấy ạ.” Cô mua dây hoa và tròng vào hộ bà.

“Trao hoa kiếp này, an lành kiếp sau.” Mẹ Ed cảm ơn, nở nụ cười với bà lão hàng hoa. Bà cất cặp hoa thừa vào túi. “Ba nó có yêu cầu cao nhưng không phải chuyện xấu, cô chẳng cầu chi nhiều, chỉ mong nó làm người tử tế.”

Gốc 今生卖花,来世漂亮: nôm na là đời này làm thiện, tích đức cho đời sau

Mẹ Ed kể thêm vài việc thú vị về Edwin, nhắc đến tháng ngày tương lai, bà bảo: “Nó đã trình bày với bọn bác trước khi tới đây, hai vợ chồng bác cũng chẳng có ý kiến chi. Cháu và Edwin là người lý trí, bọn bác tin đây là lựa chọn sau khi hai đứa đã cân nhắc kĩ lưỡng.”

“Cảm ơn bác đã tin tưởng ạ.”

Mẹ Ed vỗ mu bàn tay cô.

Cuối cùng Giang Miểu đổi ý trước khi họ rời đi.

Có lẽ những bức ảnh và tin nhắn do bà Thành gửi có tác dụng, hoặc có lẽ thời tiết mấy ngày nay quá đỗi tươi đẹp. Cô có một giấc mộng dài, khi tỉnh dậy thì quyết định tổ chức đám cưới. Edwin hết sức mừng rỡ. Ba mẹ Ed đổi vé máy bay, sáu người của hai gia đình Giang –  Ed tụ họp. Chẳng giống như phải bàn bạc nhiều chi tiết, mọi thứ được hoạch định chỉ trong một nốt nhạc.

Giang Miểu không thích đông đúc, xét đến việc mời một người thì phải mời những người khác chung vòng, cuối cùng họ quyết định giới hạn nội trong cha mẹ song phương và hai người dì thân thiết. Quá trình hết sức giản đơn, lễ cưới định vào một ngày đẹp trời vào tháng Năm năm sau, dùng bữa xong, đôi tân hôn đến nhà thờ làm lễ. Buỗi lễ cử hành tại nhà nguyện Ánh Sáng ở Nhật, tất cả họ sẽ bên nhau mấy hôm rồi ai nấy giải tán. Edwin thảo luận về bộ ảnh cưới với Giang Miểu vào tối hôm trước. Hai người quyết định chụp hai bộ, kịp lúc chờ lễ phục của năm nay, một bộ chụp tại công viên giải trí bỏ hoang vào mùa thu, một bộ chờ đầu xuân sang năm đến nông trường hoa cải dầu. Ngay khi hay tin cô bằng lòng tổ chức đám cưới, bà Thành cho hai người họ toàn quyền quyết định mọi việc, ba người còn lại càng chẳng tỏ ý kiến, thậm chí còn không hỏi chi tiết mà để mặc họ chịu hết trách nhiệm. Mặc dù không ai so đo khoản chi tiêu nhưng nghĩ đến việc cô dâu chú rể bao thầu trọn gói, hai bên trực tiếp mở thẻ cho họ làm quỹ đám cưới, về phần dùng ra sao thì để họ tự tính.

光之教堂, nhà nguyện Ánh Sáng là nhà nguyện chính của nhà thờ Ibaraki Kasugaoka.  Nó được xây dựng vào năm 1989, tại thành phố Ibaraki, tỉnh Osaka. Tòa nhà này là một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của kiến ​​trúc sư Nhật Bản Tadao Ando.

Vào ngày đưa tiễn mới hay té ra cha mẹ Edwin đã dự trù hết rồi. Hai cha con nhìn nhau, ba Ed lấy từ trong túi ra chiếc nhẫn niêm phong mà Edwin đã đeo hồi đại học, đeo lại cho anh. Mẹ Ed tháo xuống chiếc trâm cài áo kim cương để vào hộp, đó là một vật cũ xưa và ý nghĩa của nó hết mực hiển nhiên.

“Con là người thứ năm.” Ba Ed nháy mắt.

Tuần thứ hai sau khi ba mẹ Ed rời đi, Giang Miểu cầm một túi tài liệu và hai chiếc chìa khóa về nhà. Chìa khóa xe hơi là chiếc Big G mà cô hằng thích, kể cả biển số cũng mang ý nghĩa tốt lành. Chùm còn lại là chìa khóa nhà, nhìn vào hợp đồng sẽ thấy đây là khu biệt thự thường được giới truyền thông nhắc tới. Cuối tuần Edwin cùng cô tới tận nơi tham quan, quả thực rất tốt. Edwin nhẩm tính điện nước của phần bất động sản, trêu rằng: “Sau khi dọn vô chắc chúng mình có nước ăn dưa muối chan canh.”

Big G: phiếm chỉ một vài dòng xe địa hình nổi tiếng của Mercedes Benz G-Class

“Em yêu, sao bây giờ, mai mốt anh chỉ có thể cách hai tháng mua váy cho em một lần.”

Giang Miểu chẳng mấy thích nơi này. Nó rộng lớn, trống trải, thiết kế cũng quá hiện đại, y chang hàng mẫu tham gia cuộc thi kiến ​​trúc thay vì chỗ cho người sống. Quả thực ngay từ đầu cô đòi những thứ đắt đỏ, vốn cũng chẳng định vào ở, cầm sổ tiết kiệm nở nụ cười, cô nói trong hững hờ: “Từ lâu em đã bảo ông ấy sang tay cục nợ mà.”