Linh Phi Kinh

Quyển 2 - Chương 8: Tinh Ẩn chân nhân




Hai từ "Vân Hư" hệt như một gáo nước lạnh dội thẳng xuống đầu Nhạc Chi Dương, gã sợ hãi giật lùi lại, ngay cả thở mạnh cũng không dám, thầm nghĩ chả trách giọng nói lại quen tai đến như vậy, hóa ra là Vân đảo vương. Hành động của Vân Hư quả là kỳ lạ, nửa đêm canh ba không ngủ, lại chạy đến nơi này hành hạ một tên tù nhân.

Đang ngẫm nghĩ, người tù lại thét lên mấy tiếng, tiếng sau yếu hơn tiếng trước tựa như sắp lìa đời. Qua một lúc sau, Vân Hư lạnh lùng bảo: 
- Thôi bỏ đi, chúng ta cứ phí thời gian như vậy, để ta xem ông có thể cầm cự được đến năm nào tháng nào!

Người tù cười khà khà: 
- Năm khỉ tháng ngựa, ngài thấy sao?

Vân Hư xùy một tiếng, người tù lại bật cười: 
- Thứ cho không tiễn.

Bóng đen trong hang chớp động, một người luồn thân lướt ra, tay xách đèn lồng. Dưới ánh sáng đèn soi tỏ, gương mặt gầy gò của Vân Hư hiện ra hằm hằm sắc giận, ông đứng nán lại cửa hang thoáng chốc rồi phất tay áo, xoay người bỏ đi.

Nhạc Chi Dương nằm rạp một bên không dám thở, đợi đến khi Vân Hư đi thật xa mới dám mò đến trước miệng hang, nương theo một sợi dây leo tuột xuống, thấp giọng gọi: 
- Lão tiên sinh, lão tiên sinh...

Trong hang lặng im hồi lâu, người tù nhân nọ lạnh lùng hỏi: 
- Nhóc con, ngươi đến đây làm chi?

Nghe thấy giọng nói vẫn còn yếu ớt, Nhạc Chi Dương cười đáp: 
- Không phải tiền bối bảo ta đến hay sao?

Người nọ hỏi: 
- Ta bảo ngươi đến hồi nào?

Nhạc Chi Dương mỉm cười, ngân giọng ngâm: 

Ngửi mùi hoa quế độ ba thu
Cho buổi xa nhau chớm mịt mù
Rồi dưới Suối Vàng mai sau gặp
Lại nghe sáo ngọc réo vi vu



- Một bài thơ thì tính làm gì?

- Đây là một bài thơ chứa ẩn ý, bốn từ đầu tiên của bốn câu khi ghép lại với nhau, chẳng phải là "Canh ba đến gặp" hay sao?(*)
(ND chú: nguyên văn bài thơ: “Tam thu văn quế tử, canh hữu li biệt kì, lai nhật tuyền hạ phùng, hội hữu thính ngọc địch” khi ghép các từ đầu tiên lại được “Tam canh lai hội” có nghĩa là “Canh ba đến gặp”) 

Người nọ trầm ngâm giây lát rồi chợt cất tiếng cười khà khà, bảo: 
- Thằng nhóc con này, đến giờ ngươi mới phát hiện điều bí mật ấy ư? Tuy biết hơi chậm nhưng còn hơn là vô tri vô giác, đủ thấy tâm tư nhà ngươi cũng mẫn tiệp đủ để thảo luận với lão phu một phen.

Nói xong đèn lửa chợt hắt ra sáng rỡ từ một mảng song sắt, Nhạc Chi Dương tiến về phía trước, chỉ thấy sau song sắt là một đôi mắt tựa như hai vì sao lạnh in soi đáy giếng đang lặng lẽ quan sát gã. Gã lập tức chấp tay cười chào:

- Tiểu tử Nhạc Chi Dương, dám hỏi đại danh của lão tiên sinh?

- Ta là đạo sĩ. - Người nọ đáp: - Họ tục gia là Tịch, đạo hiệu Ứng Chân.

Nhạc Chi Dương mỉm cười: 
- Hóa ra là một vị đạo trưởng. Thất kính, thất kính!

Trong lòng gã lại nghĩ thầm: "Ba chữ "Tịch Ứng Chân" có vẻ quen quen, hình như đã từng nghe qua ở đâu đó thì phải!"

Tịch Ứng Chân nhìn thấy sắc mặt của gã thì có chút ngạc nhiên, nghĩ bụng đa số đệ tử Đông Đảo đều biết rõ mồn một danh hiệu của mình, nhưng nom vẻ mặt của Nhạc Chi Dương thì hình như chả biết ất giáp gì cả, ông bèn hỏi: 
- Thằng nhóc, ngươi không phải đệ tử Đông Đảo hả?

Nhạc Chi Dương đáp: 
- Không phải.

Tịch Ứng Chân lại hỏi: 
- Ngươi là con nuôi của Nhạc Thiều Phượng, cớ sao lại đến Đông Đảo?

Nhạc Chi Dương bèn vắt tắt thuật lại câu chuyện, Tịch Ứng Chân cười lạnh bảo: 
- Tên tiểu tử Vân Hư, lừa gạt người ta thì không tính đi, lại còn vùi dập nhân tài như thế đúng là có mắt không tròng mà.

Nhạc Chi Dương không nhịn được hỏi: 
- Tịch đạo trưởng, sao Vân Hư lại hành hạ ông như vậy?

- Kể ra thì dài lắm! - Tịch Ứng Chân cười khà khà: - Nhóc con, ngươi có biết Thái Hạo Cốc không?

Rồi không đợi cho Nhạc Chi Dương kịp trả lời, ông lại cười rằng: 
- Ta hồ đồ rồi, ngươi không phải là người trong giang hồ thì làm sao mà biết các môn phái này chứ.

Lão đạo sĩ ngừng một lúc, lại tiếp lời: 
- Thái Hạo Cốc của ta ngụ ở phương Bắc, vốn được vị cao nhân tiền triều là Liễu Tình sáng lập, về sau nhờ tổ sư Bách Ách phát dương quang đại, hai vị trên đều là những kỳ nữ trong giới Huyền Môn. Tổ sư Bách Ách vốn không định thu nhận nam đồ, mãi đến cuối đời chán nản, mới phá lệ thu nhận thầy của ta là Thiên Dịch chân nhân làm học trò, đến thời của ta đã truyền được bốn đời. Nhưng kể ra về gốc gác thì Thái Hạo Cốc và Đông Đảo cùng xuất phát từ một mạch, "Dịch Tinh Kiếm" của bổn cốc và "Phi Ảnh Thần Kiếm" của Đông Đảo đều có nguồn gốc từ "Quy Tàng Kiếm" của đại kiếm khách tiền triều Công Dương Vũ, tổ sư của hai phái lại càng có nhiều quan hệ dây mơ rễ má phức tạp với nhau.

Nhạc Chi Dương cười hỏi: 
- Vậy trong hai loại kiếm pháp ấy, thứ nào lợi hại hơn?

Tịch Ứng Chân cười khà khà, trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của gã: 
- Luận về thân phận, ta cùng vai vế với Vân Xán, cha Vân Hư. Lúc ta xuất đạo đương vào lúc triều Nguyên hỗn loạn, thiên hạ nhiễu nhương bất an, bá tánh lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Năm ấy ta với bản tính nghĩa hiệp tuổi trẻ, vácc kiếm lên vai chu du thiên hạ, thấy bọn bắt nạt người lương thiện thì tất nhiên ra tay diệt trừ. Nhưng ta dần dần nhận ra, kẻ ác trên đời này giết mãi chẳng hết, thật khiến lòng người chán nản. Càng đau lòng hơn chính là đệ tử Đông Đảo tốt xấu lẫn lộn, cát cứ một phương mà phá luật làm ác, nhưng vì thuở trước gia sư có dặn không cho phép ta kết oán với Đông Đảo, cho nên ta trông thấy mà chẳng thể làm gì được.

- Một ngày nọ, ta đi qua địa giới Hào Châu, chợt bắt gặp có kẻ đang đánh nhau, trong đó bên ít người hơn toàn sử dụng võ công Đông Đảo; bên còn lại đều mặc áo lính, tuy quân số đông nhưng võ nghệ lại rất tầm thường. Bọn họ hô hào dũng cảm chiến đấu để bảo vệ một vị tướng quân. Vị tướng quân nọ lâm nguy không loạn, chỉ huy một nhóm quân sĩ bình thường ngăn cản một đám cao thủ võ học. Trong lòng ta lấy làm lạ bèn cẩn thận quan sát dung mạo người đó, không những dáng vẻ không xuất chúng mà thậm chí còn có phần xấu xí, tuy nhiên khí phách lớn như vậy thì là lần đầu tiên ta trông thấy. Hai bên chém giết đã lâu, Đông Đảo cuối cùng cũng chiếm được thượng phong, binh sĩ càng đánh càng ít đi, vị tướng quân nọ cũng sắp nguy khốn đến nơi. Ta thấy bọn người Đông Đảo ra tay ác hiểm, nhất thời nổi máu, liền vung kiếm xông ra đẩy lui đệ tử Đông Đảo, tuy nhiên ra tay cũng có phần nương nhẹ, chỉ đâm bị thương chân cẳng của chúng, tuyệt không hại đến tính mạng.

Nhạc Chi Dương nghe đến đây, trong dạ thầm kinh ngạc. Tịch Ứng Chân kể lại thì vắn tắt sơ sài, nhưng hai phe đang giao chiến, muốn làm bị thương chân cẳng từng kẻ địch mà lại không ảnh hưởng đến tính mạng họ, đủ thấy kiếm pháp của ông cao cường khó bề tưởng tượng.

Tịch Ứng Chân tiếp tục kể: 
- Thủ lĩnh bên Đông Đảo nhận ra lai lịch của ta, bèn nói: “Linh Ngao Đảo và Thái Hạo Cốc như chim liền cánh cây liền cành, bổn đảo trước giờ kính nhường quý phái ba phần, cớ sao lại chõ mũi vào phá đám đại sự của chúng ta?”

- Trong lòng ta sẵn bực bội, bèn đáp: "Tiền bối của quý đảo ta đây hết sức khâm phục: Thích Thiên Phong, Công Dương Vũ, đại hiệp Vân Thù, Hoa Kính Viên chẳng phải là những con người kinh thiên động địa, lòng đầy hiệp nghĩa đấy sao? Còn hiện nay, các ngươi vì tranh giành thiên hạ, ai nấy đều đã quên tổ phản tông, thất tín bội nghĩa, chỉ nhăm nhe tranh quyền đoạt lợi, chẳng màng thiên hạ chúng sinh, phá hoại cả một vùng Giang Nam xương trắng đầy nội, chợ búa thành không, tiền bối của quý phái dưới đất kia nếu hay được chẳng biết sẽ có cảm nghĩ như thế nào?" 

- Mắng sướng lỗ tai thật! - Nhạc Chi Dương vỗ tay khen hay.

Tịch Ứng Chân cũng bật cười, kể tiếp: 
- Kẻ nọ nghe xong chỉ cười lạnh, bảo: "Mấy lời này ta sẽ nguyên văn thuật lại cho đảo vương nghe, những mong đạo trưởng nếu biết trước biết sau thì chớ có bỏ chạy mất tăm là được.”

- Cao thủ Đông Đảo nhiều như mây, sức ta một mình đơn lẻ, chỉ là tuổi trẻ thẳng tính, đầu óc nóng ran liền mở miệng đáp trả: "Trốn làm gì? Chuyện lớn đến đâu mình ta cũng gánh vác nổi." 

- Kẻ nọ cười lạnh bỏ đi, vị tướng quân nọ cũng tiến lên trước gặp ta, hai bên cùng xưng tên báo họ, ngươi nói thử xem người nọ là ai?

Nhạc Chi Dương suy nghĩ rồi đáp: 
- Chẳng lẽ là Chu Nguyên Chương?

Tịch Ứng Chân í một tiếng, hỏi: 
- Dựa vào đâu mà ngươi nói vậy?

- Ông kể nơi xảy ra sự việc là Hào Châu, đó là đất nổi dậy của Chu Nguyên Chương, ông nói tướng mạo người đó xấu xí nhưng khí phách kinh người, lâm nguy không loạn mà còn trực tiếp chỉ huy, đủ thấy ông đối với người đó hết sức khâm phục. Nhân vật như đạo trưởng đây, người có thể khiến ông khâm phục e rằng không nhiều, ngẫm đi nghĩ lại, cũng chỉ có Chu Nguyên Chương mà thôi.

Tịch Ứng Chân vỗ tay cười: 
- Khá thật, lại bị ngươi đoán trúng rồi. Tiếc là thiếu rượu, bằng không phải cạn với ngươi một chung.

Nhạc Chi Dương củng mỉm cười: 
- Đạo trưởng cứu Chu Nguyên Chương, hẳn là đã kết bạn với ông ta nhỉ?

- Thằng nhóc không biết trời cao đất dày. - Tịch Ứng Chân cười mắng: - Y dẫu sao cũng là đương kim thiên tử, thiên tử không có bạn, cả đạo lý này mà ngươi cũng không biết hay sao?

Nhạc Chi Dương biết Tịch Ứng Chân thích nói chuyện theo kiểu "Chê trước khen sau", liền cười bảo: 
- Khi ấy Chu Nguyên Chương chưa phải là thiên tử, nếu không kết giao bạn bè rộng rãi, sợ rằng sẽ không có được thiên hạ đâu.

Tịch Ứng Chân sững người, thở dài: 
- Thẳng quỷ con, tuổi còn nhỏ mà cũng thấu tình đạt lý gớm. Không sai, ta và y vừa gặp như đã quen thân, hai bên tính tình tương đồng, đã cùng nhau kết nghĩa ngay tại nơi ấy.

Nhạc Chi Dương giật mình: 
- Hóa ra các người không phải bạn bè mà là huynh đệ.

- Đó đã là chuyện nhiều năm trước rồi. - Tịch Ứng Chân thở dài xa vắng: - Y hiện giờ một thân một mình, cái gì là huynh đệ công thần đều đã sớm không còn trong mắt của y nữa!

Nhạc Chi Dương vốn ở tại kinh thành, nghe xong tự nhiên hiểu thấu. Mấy năm gần đây, Chu Nguyên Chương trừ khử công thần, hở tí là diệt tộc, tịch biên tài sản. Nhạc Chi Dương tận mắt trông thấy, một khi tấm lệnh bài trảm quan được ném xuống thì bất kể là già trẻ nam nữ, đầu người đều phải lăn dài dưới mặt đất. Gã từng một lần chứng kiến và từ đó không muốn thấy lại lần nào nữa, ngược lại Giang Tiểu Lưu thì hào hứng vô cùng, mỗi dịp có sự kiện như vậy đều lâng lâng thích thú chạy đi xem náo nhiệt.

- Chu Nguyên Chương mời ta đảm nhiệm một chức vị quan trọng cho y, ta chả có hứng thú gì với chuyện đánh trận công thành nhưng lo sợ cao thủ Đông Đảo đến xâm phạm nên mới đồng ý ở lại Hào Châu làm cảnh vệ. Ba ngày đầu trôi qua bình yên vô sự, đến đêm ngày thứ tư, cao thủ Đông Đảo quả nhiên xâm nhập, một lần đến hơn sáu tên đều bị ta huơ kiếm đánh lui. Qua hai ngày sau lại có bốn tên mò đến, bốn tên này hết sức lợi hại, trong đó có một tên ta không kịp thu kiếm, lỡ tay đâm chết. Cho dù đã hai lần đẩy lùi kẻ địch, nhưng tốp đến sau càng lợi hại hơn tốp đến trước, trong lòng ta hết sức lo lắng, luôn sớm chiều cảnh giác không dám lơ là.

- Đến đêm ngày thứ tám, bỗng nhiên xuất hiện hai lão già, võ công cao cường vô cùng, tuy không nằm trong dòng tứ tôn nhưng cũng là nhân vật có địa vị cao. Ta cùng bọn họ giao thủ trên giáo trường, lấy một chọi hai, ta phải chống đỡ hết sức vất vả. Mắt thấy sắp thua đến nơi, ta chợt nghe tiếng một người đàn ông bật cười ở trên cao, ta ngước lên xem, trên đỉnh cột cờ có một kẻ đang đứng sừng sững. Cột cờ ấy cao đến hơn bốn trượng, kẻ này nhảy lên đó từ khi nào, ba người chúng ta đều không hay không biết, bản lĩnh cỡ này có gọi là xuất quỷ nhập thần cũng không đủ hình dung. Nhị lão Đông Đảo e ngại đây chính là trợ thủ ẩn mình của ta, một người trong bọn liền đột ngột tung chưởng phải, định bất ngờ đánh gãy cột cờ. Một chiêu này độc địa vô cùng, xung quanh cột cờ trống trải chênh vênh, người nọ không có điểm đặt chân nhất định sẽ phải ngã chết.

- Ôi chao. - Nhạc Chi Dương khẽ hô lên: - Như vậy người đó ngã chết ư?

- Nói cũng lạ, cột cờ rầm rầm đổ xuống còn người nọ thì lại không rơi xuống theo. Ta nheo mắt nhìn kỹ liền không khỏi kinh ngạc, y treo người lơ lửng ở trên không, sau đó bồng bềnh đáp xuống mặt đất, thế rơi hết sức ung dung, không giống như thân thể bằng xương thịt mà tựa như một cánh diều mang hình dáng con người. Đến khi người nọ hạ xuống đất, ta cẩn thận quan sát lần nữa, chỉ thấy y còn rất trẻ, cùng lắm chỉ mới hơn hai mươi một chút.

- Ông nói kẻ đó là người, không phải hồn ma à? - Nhạc Chi Dương lấy làm kinh sợ.

Tịch Ứng Chân ha ha cười lớn: 
- Y đương nhiên là người, có điều võ công tu luyện hết sức kỳ diệu, lên trời hóa chim, xuống nước thành rồng, có thể khéo léo điều khiển lực hút của thiên địa tạo hóa.

- Có nhân vật lợi hại như thế sao? - Nhạc Chi Dương như đang nghe kể một câu chuyện thần thoại, cảm giác khó mà tin được.

- Chẳng những ta sửng sốt mà nhị lão Đông Đảo thấy y có bản lĩnh như vậy cũng kinh ngạc không kém. Người trẻ tuổi ấy cười rằng: "Hai vị già như vậy rồi, không chịu ở Đông Đảo hưởng phúc mà lại chạy đến Trung Thổ làm loạn. Ta theo dõi hai vị suốt ba ngày nay, dọc đường đi các vị cứ tác oai tác oái, chả làm chuyện gì có ích cả. Cái tên đảo chủ Vân Xán kia cai quản thuộc hạ không nghiêm, làm hổ thẹn lây cả tổ tiên, các người nếu như còn chút liêm sỉ thì hãy ngoan ngoãn rời khỏi nơi này mà trở về Đông Đảo tu tỉnh." 

- Hai lão già nghe được y đã theo họ ba ngày, ai nấy đều tỏ vẻ không tin, một lão nói: "Tên tiểu tử nhà ngươi nói khoác không biết thẹn, vậy ngươi bảo xem ba ngày qua bọn ta đã làm những gì?"

- Người trẻ tuổi mỉm cười: "Đêm đầu tiên, hai vị tuổi già hồi xuân, ghé hưởng lạc ở đường Tập Khánh (T/G chú: nay là thành phố Nam Kinh), đã ăn bánh không trả tiền thì chớ lại còn đánh trọng thương gái thanh lâu nhà người ta. Sáng sớm ngày thứ hai, hai vị lão huynh gặp tai nạn bất ngờ, bèn chuyển sang cướp lấy một thớt ngựa, chủ ngựa tỏ vẻ phản kháng liền bị các ngươi đá cho một cước gãy đoạn chân trái. Cũng vào trưa ngày hôm đó, một đám dân đói đến xin ăn các ngươi, kết quả bị các ngươi quét cho hai chưởng, làm thương nặng ba người, gây thương nhẹ bốn người, một người trong số đó nếu không có ta cứu chữa kịp thời sợ rằng tính mạng cũng khó giữ được. Ngoài ra còn có một chuyện, các ngươi đến đây không chỉ có hai người mà là ba người, hai người phụ trách dẫn dụ vị đạo sĩ này đi khỏi để cho người còn lại ám sát đại tướng thành Hào Châu.

- Ta nghe xong lời này cảm thấy kinh ngạc lạ thường, sắc mặt nhị lão Đông Đảo lại càng khó coi hơn, một lão hét lên: "Người huynh đệ ấy của ta, ngươi đã làm gì hắn rồi?" 

- Người trẻ tuổi nọ cười: "Cũng chẳng làm gì, hồi nãy ta đem treo hắn ở dưới lá cờ, tiếp đó không hiểu sao cột cờ lại gãy sụm, về sau hắn thế nào ta cũng không biết nữa.”

- Hai người kia biến sắc vội vã xông lên đằng trước, dưới lá cờ quả nhiên có che phủ một người, kẻ đó trông có vẻ bị người trẻ tuổi kia bắt giữ rồi điểm huyệt đạo, treo trên cột cờ. Mới rồi hắn ngã xuống theo cột cờ, vỡ đầu toạc óc chết tươi. Ta thấy tình hình như vậy mới thở phào một hơi. Nhị lão Đông Đảo giết nhầm đồng môn, bi phẫn cùng cực, nhảy chồm lên toan ra tay tàn độc với người trẻ tuổi nọ. Ta sợ y gặp nguy khốn, đang định bạt kiếm tương trợ, nào ngờ hai bên vừa chạm trán, nhị lão Đông Đảo đã song song té nhào, thậm chí đến nỗi người trẻ tuổi nọ ra tay thế nào ta cũng không kịp nhìn rõ.

Nhạc Chi Dương buột miệng hỏi: 
- Người này là ai mà lợi hại thế?

Tịch Ứng Chân nghiêm trang đáp: 
- Người này họ Lương, tên Tư Cầm!