Linh Dị Âm Dương

Chương 52: 52: Phạm Thái Tuế





Phu nhân nọ bị Cố Cửu nhìn thấu cũng không tỏ ra xấu hổ, chỉ khẽ cười: “Tiểu đại phu, cậu xem bệnh cũng giỏi mà xem bói cũng tinh.”
Con gái của bà đang mang thai không thể uống thuốc bừa nên bà cẩn thận cầm đơn thuốc Cố Cửu đã cho đến cho một thầy thuốc quen xem thử.

Thầy thuốc đó xem xong bèn nói đơn thuốc này rất tốt, không những chữa được chứng đau dạ dày mà còn không gây hại gì cho con gái bà và đứa bé trong bụng cô.

Chính vì vậy nên khi thấy Cố Cửu biết xem bói bà mới đến nhờ cậu tính bát tự ngay.
Cố Cửu cười cười, quay lại chủ đề về bát tự: “Vậy xin hỏi rốt cuộc phu nhân muốn tính gì?”
Phu nhân nghe Cố Cửu hỏi thì không tươi cười nữa, lộ ra vẻ sầu lo: “Cứ tính xem nó có tầm hoa vấn liễu không đi vậy.”
Cố Cửu gật đầu, cúi đầu xem xét bát tự đó lần nữa, sau đó nói: “Nếu dựa theo địa chi trên bát tự thì người này sinh vào tháng sáu.”
“Đạo trưởng tính không sai.” Phu nhân nọ gật đầu, thay đổi cách xưng hô với Cố Cửu.
Cố Cửu nói tiếp: “Thông thường người sinh ra vào tháng này khá chung tình trong chuyện tình cảm.

Ngày sinh của người này là ngày Bính Thìn, nếu xét về thiên can địa chi thì Bính thuộc hành hỏa, Thìn thuộc hành thổ, hỏa và thổ tương sinh.

Mà thiên can đại diện cho chủ nhân của bát tự, địa chi đại diện cho phối ngẫu của họ, vì vậy có thể nói nếu người nam có bát tự thế này sẽ rất chung thủy với vợ.”
Cố Cửu chốt lại: “Hơn nữa thiên can của người này có sao Chính Tài, không có sao Thiên Tài, cho nên có thể kết luận người này không phải kẻ lăng nhăng.”
Một người đàn ông như vậy, chỉ cần người vợ trong gia đình không quá tệ lậu thì dù hai vợ chồng không ân ái mặn nồng vẫn có thể sống hòa thuận với nhau cả đời.
Nghe xong kết quả, phu nhân có vẻ bớt âu sầu một chút, nhưng vẫn chưa thả lỏng hẳn.

Bà tìm trong tay áo một lát, lấy ra một tờ giấy khác đưa cho Cố Cửu: “Vậy cậu xem giúp cho con gái tôi với.”
Cố Cửu nhận lấy tờ giấy, nhìn thoáng qua, hỏi: “Lệnh ái là cầm tinh con ngựa?
Phu nhân gật đầu: “Đúng vậy.”
Cố Cửu nói: “Trong địa chi Tí tức chuột thuộc thủy, Ngọ tức ngựa thuộc hỏa, như nước với lửa.


Năm nay lại vừa đúng là năm Canh Tí, năm chuột vàng, Tí và Ngọ tương khắc.

Dân gian chúng ta hay truyền nhau rằng “Thái Tuế viếng thăm, không phúc ắt họa”.

Lệnh ái năm nay phạm Thái Tuế, dễ bị tiểu nhân dòm ngó.”
Phu nhân vỡ lẽ, vô cùng tức giận: “Tôi còn nói sao bỗng dưng gần đây con gái và con rể tôi cứ hay cãi nhau, chắc chắn là bị kẻ tiểu nhân quấy phá rồi.

Vậy bây giờ con gái tôi phải làm sao?”
Cố Cửu nói: “Cứ đến miếu thờ bái đương cai Thái Tuế, chính là vị thần đang tại vị năm nay là được.”
Phu nhân nhíu mày: “Chỉ vậy thôi sao? Làm đơn giản như vậy có khi nào thành ra thiếu tôn trọng Thái Tuế hay không?”
Cố Cửu cười nói: “Nếu phu nhân còn không yên tâm thì có thể xin một lá bùa Thái Tuế về cho lệnh ái đeo bên mình, cũng có thể lập đàn bái Thái Tuế Tinh Quân ngay trong nhà, nhưng cái này cần phải mời đạo sĩ về làm pháp sự mới được.”
Vị phu nhân này thấy Cố Cửu chỉ cần xem qua liền nhìn thấu được bát tự bà đưa lúc đầu là của nam chứ không phải nữ, sau đó lại giải thích cặn kẽ mạch lạc cho nên rất tin phục.

Bà ướm hỏi: “Pháp sự đó đạo trưởng có thể làm chứ?”
Cố Cửu nói: “Có thể, nhưng sư huynh của tôi am hiểu hơn tôi.”
Phu nhân nhìn sang Thiệu Dật, đề nghị: “Vậy một việc không cần nhờ đến hai đầu, việc kính Thái Tuế trong nhà của con gái tôi xin làm phiền hai vị.”
Cố Cửu và Thiệu Dật nhận lời, dọn dẹp đồ đạc, ôm Tiểu Đệ đi theo phu nhân.
Phu nhân không dẫn bọn họ đến nhà của con gái bà mà dẫn về nhà mình, vừa vào đến cửa đã có gia nhân ra báo: “Phu nhân, cô gia tới.”
Phu nhân vốn rất ưng bụng chàng rể này, bây giờ nghe được kết luận về bát tự của y từ Cố Cửu thì càng hài lòng hơn, cho nên dù lần này hai người cãi nhau dẫn tới con gái bà bỏ về nhà ngoại thì bà vẫn không giận y, tỏ ý quan tâm: “Minh Viễn tới rồi à? Còn Vĩnh Hân đâu?”
Gia nhân kia thưa lại: “Cô gia đang dỗ tiểu thư về nhà, tiểu thư nhốt mình trong phòng không muốn ra gặp.”
Phu nhân nhăn mặt: “Con bé này, sao lại càn quấy đến thế?” Bà nói xong mời hai người Cố Cửu đến phòng khách ngồi tạm rồi lật đật đi dàn xếp chuyện con gái mình.
Cả một buổi sáng nay Thiệu Dật chẳng ừ hử tiếng nào với Cố Cửu, lúc này trong phòng khách chỉ có hai gia nhân đứng hầu trong góc phòng, Cố Cửu và Thiệu Dật thì ngồi cách nhau một cái bàn nhỏ.

Cố Cửu len lén thò tay qua vươn hai ngón tay túm lấy tay áo của Thiệu Dật lắc lắc.


Thiệu Dật không thèm để ý đến cậu thế là cậu bèn túm lấy lắc mãi không buông.
Đến khi Thiệu Dật nhịn không nổi nữa, quay mặt sang trừng mắt nhìn cậu thì thấy Cố Cửu cười hì hì lấy lòng: “Sư huynh à ~”
Thiệu Dật trợn mắt nhìn cậu một lát, sau đó chịu thua im lặng quay đầu qua chỗ khác, khẽ phun ra hai chữ: “Đồ ngốc.” Hắn quay mặt đi nên Cố Cửu không thấy được đôi mắt thấp thoáng ý cười của hắn.
Cố Cửu nghe được sư huynh quở mình là đồ ngốc, biết thế này là hắn không giận rồi mới thở phào nhẹ nhõm, tối nay lại có giường ấm, lại có bếp sưởi rồi.
Hai người đợi trong chốc lát, một lúc sau, Cố Cửu nhìn thấy thai phụ mặc bộ đồ đỏ rực lúc trước mình đã khám bệnh cho ở Nhà Cô Độc được một đám người vây quanh từ đằng xa đi tới, đi bên cạnh cô là một thanh niên tuấn tú cao hơn cô một cái đầu, thỉnh thoảng y còn đưa tay ra đỡ nhưng đều bị cô vùng vằng hất ra.
Khi Cố Cửu và Thiệu Dật vừa đến có thấy tấm biển treo trước cửa nhà này ghi là nhà họ Tiết, vậy cô nương này tên là Tiết Vĩnh Hân.
Lúc cô ta nhìn thấy hai người, ánh mắt lộ ra vẻ nghi ngờ không hề che giấu.

Cô ta nhìn chằm chằm hai người một lúc rồi mở miệng hỏi: “Mấy người biết đoán mệnh thật đấy hả? Có lừa người ta không đó?”
Cố Cửu không đáp lời, ngược lại Tiết phu nhân cùng đi vào thì trách mắng: “Nói bậy! Con bé này, con muốn chọc mẹ tức chết hả?”
Tiết Vĩnh Hân bĩu môi.
Tiết phu nhân quay lại cáo lỗi với Cố Cửu và Thiệu Dật: “Xin hai vị đạo trưởng bỏ quá cho, con bé này khẩu xà tâm Phật, thực sự không có ác ý.”
Cố Cửu nhún vai bảo không sao cả, cậu vừa nhìn một cái đã biết cô gái này tính tình đỏng đảnh khó chiều.

Vả lại dù sao trên đường đi hay lúc bày sạp xem bói bên đường hai người đã gặp không ít người hoài nghi mình giống như thế này rồi, đã sớm miễn nhiễm không thèm để ý.
Chồng của Tiết Vĩnh Hân tên là Ôn Minh Viễn, nhà ở một nơi khác trong quận, ngày hôm qua hai vợ chồng son cãi nhau, Tiết Vĩnh Hân nói bị chồng chọc giận nên bỏ về nhà mẹ đẻ ngủ lại một đêm.

Sáng nay Ôn Minh Viễn chạy sang dỗ dành đón vợ về, đợi ăn cơm trưa xong bọn họ quay về thì Cố Cửu và Thiệu Dật sẽ cùng đi theo để làm pháp sự.
Cơm nước xong xuôi, lúc mấy người Cố Cửu chuẩn bị lên đường thì gặp được một cô gái dẫn theo mấy nha hoàn bước vào cửa.
Cô gái nhìn thấy Tiết Vĩnh Hân chuẩn bị về nhà chồng, kinh ngạc hỏi: “Chị Hân Hân, chị phải đi bây giờ sao?”
Tiết Vĩnh Hân tiến lên nắm tay cô gái một cách thân mật: “Yến Như, sao giờ này em mới đến, sáng nay chị bảo Hồng Nhi sang gọi em đến chơi mà em lại không có nhà.”
Yến Như nói: “Em ra ngoài với mẹ, chẳng phải em nghe tin chị về chơi nên mới vội chạy qua đây sao, ai ngờ chị lại phải đi rồi.”
Tiết Vĩnh Hân che miệng cười khúc khích: “Ôi dào, có gì đâu, dù sao nhà chồng chị cũng ở gần đây, cách có mấy con phố thôi mà, ngồi xe ngựa một tiếng là đến nơi.


Mấy ngày nay chị không khỏe trong người, để chị khỏe hơn rồi chị lại mời em sang đó chơi.”
Yến Như gật đầu, sau đó quay sang chào hỏi Tiết phu nhân mấy câu rồi lại lễ phép chào hai vợ chồng Tiết Vĩnh Hân, rõ là một cô gái dịu dàng đoan trang.
Hai sư huynh đệ Cố Cửu ngồi riêng một chiếc xe ngựa.

Lúc lên xe, Cố Cửu còn nghe thấy tiếng Tiết Vĩnh Hân mè nheo với Ôn Minh Viễn: “Em đã nói mẹ đừng có đi tìm đạo sĩ, đạo sĩ toàn là phường lừa tiền cả!”
Ôn Minh Viễn tính tình ôn hòa, cố gắng khuyên nhủ vợ: “Cũng chẳng có bao nhiêu tiền, em cứ để cho mẹ được yên tâm thôi mà.”
Tiết Vĩnh Hân kiêu căng hừ một tiếng: “Tiền đó đi quyên cho Nhà Cô Độc để họ may đồ mới cho mấy đứa trẻ còn có lý hơn.”
Ôn Minh Viễn lại dỗ dành: “Được rồi, chừng nào về ta sẽ bảo người làm đưa bạc đến gửi cho Nhà Cô Độc may quần áo nhé.”
Tiết Vĩnh Hân bực bội nói: “Kệ chàng, muốn làm gì thì làm.”
Ôn Minh Viễn bất đắc dĩ nói: “Sao lại giận dỗi nữa rồi?”

Sau khi xe ngựa bắt đầu chạy thì không còn nghe thấy tiếng nói chuyện nữa, Cố Cửu xích lại gần chỗ Thiệu Dật ngồi, vén rèm cửa lên nhìn ra ngoài, bình luận: “Ôn Minh Viễn tốt tính thật.”
Hôm nay lúc ăn cơm ở nhà họ Tiết, Cố Cửu thấy Tiết Vĩnh Hân được người nhà họ cưng như trứng mỏng, gần như muốn gì được nấy.

Ôn Minh Viễn cũng không giống cánh đàn ông ở thời đại này, quan niệm chồng chúa vợ tôi, tuy rằng vừa mới cãi nhau xong nhưng y vẫn rất chiều chuộng vợ mình, nói năng khuyên bảo nhẹ nhàng.

Còn Tiết Vĩnh Hân là cành vàng lá ngọc điển hình, là tiểu thư con nhà giàu có nên được cưng từ nhỏ đến lớn, không chịu nổi chút xíu ấm ức nào, ruột để ngoài da, nói chuyện cứ huỵch toẹt không kiêng nể gì ai, mà quả là cô ta cũng có địa vị để kiêu ngạo thật cho nên càng lớn lối.

Giao tiếp là một môn nghệ thuật, Cố Cửu cảm thấy khả năng ở môn nghệ thuật này của Tiết Vĩnh Hân chỉ là con số không tròn trĩnh.

Người như vậy nói cho xuôi tai là đơn thuần thẳng ruột ngựa, còn ai ác ý thì sẽ bảo là phường vô duyên.

Những người có tính xấu này cũng sẽ vì thế mà thường hay làm phật ý người khác, hay bị người ta ghét dù cho không thực sự ác tâm, và cũng càng dễ phạm Thái Tuế.
Xe ngựa lộc cộc lăn bánh, quả nhiên đúng như lời của Tiết Vĩnh Hân, chưa tới một tiếng đã về đến nhà họ Ôn.
Nhà họ Ôn và nhà họ Tiết môn đăng hộ đối, đều là phú hộ của vùng này.

Nhà họ Ôn neo người, chỉ có vài họ hàng ở xa, mẹ của Ôn Minh Viên đã sớm qua đời, người lớn trong nhà chỉ còn lại cha y.


Tiết Vĩnh Hân gả đến đây không cần hầu hạ mẹ chồng, không phải lo nghĩ về xích mích mẹ chồng nàng dâu, chồng thì lại một lòng một dạ yêu thương cô, cuộc sống có thể nói là sướng như tiên cũng không quá, lẽ ra cô phải vui vẻ hạnh phúc lắm mới đúng.

Sau khi Cố Cửu nắm được tình hình càng cảm thấy nhà họ Tiết vì tính tình đột nhiên trở nên kì quặc của cô mà phải lo sắp trọc đầu đến nơi rồi.
Tiết Vĩnh Hân có thai, tuy bây giờ còn chưa lộ bụng nhưng ngồi xe ngựa gần một tiếng đồng hồ cũng thấm mệt, lúc xuống xe có vẻ buồn ngủ.

Ôn Minh Viễn sắp xếp phòng cho khách cho hai sư huynh đệ Cố Cửu xong bèn vội vàng dỗ vợ trở về phòng ngủ
Chỉ một chốc sau, Ôn Minh Viễn tìm đến gặp Cố Cửu và Thiệu Dật để hỏi xem bái Thái Tuế thì cần phải chuẩn bị những gì và lập đàn tràng ở chỗ nào.

Cố Cửu hướng dẫn: “Bái Thái Tuế cần phải chọn một nơi yên tĩnh, hoặc làm ở ngay gian thờ cúng trong nhà công tử cũng được.”
Ôn Minh Viễn suy nghĩ một lát, nói: “Vậy làm ở sảnh nhỏ của tôi đi.”
Sau khi chọn được chỗ xong, Cố Cửu còn dặn Ôn Minh Viễn chuẩn bị thêm nhang đèn, giấy vàng mã và rượu.
Cố Cửu và Thiệu Dật tuy là nhận tiền làm việc nhưng dù sao thân phận của bọn họ cũng khá đặc thù, dù người ta có không tin đi nữa thì vẫn kiêng dè và thết đãi bọn họ chu đáo.

Vì vậy, lúc ăn cơm Ôn Minh Viễn mời Cố Cửu và Thiệu Dật ngồi cùng mâm với cả nhà họ, cả cha Ôn và Tiết Vĩnh Hân đều có mặt đầy đủ.
Trên mâm bày nhiều món nguội, Cố Cửu để ý thấy Tiết Vĩnh Hân không hề động đũa vào các món nóng, chỉ chăm chăm gắp đồ nguội.

Ôn Minh Viễn thì vẫn cố gắng gắp mấy món nóng cho vợ, khi thấy cô cứ ngâm mãi trong chén không chịu ăn bèn khẽ khuyên: “Bệnh đau dạ dày của em vừa mới khỏi, không nên ăn nhiều đồ nguội.”
Tiết Vĩnh Hân bĩu môi: “Em không thích ăn đồ nóng.”
Ôn Minh Viễn vẫn kiên nhẫn dỗ cô nàng, nào ngờ Tiết Vĩnh Hân bỗng nhiên nổi nóng, không màng đến trên bàn cơm có hai người lạ và cha chồng, dằn mạnh đôi đũa xuống mâm, nhăn mặt la lên: “Đã nói là không ăn!”
Cô nói xong đứng lên bỏ đi mất dạng.

Cô vừa đi khuất cha của Ôn Minh Viễn đã tức giận hừ lạnh: “Càng ngày càng không ra gì!”
Sắc mặt Ôn Minh Viễn cũng chẳng đẹp nổi, y cười như mếu bất đắc dĩ giải thích với Cố Cửu và Thiệu Dật: “Vĩnh Hân cô ấy…từ sau khi mang thai đến giờ không biết tại sao lại trở nên nóng tính.

Xin hai vị thứ lỗi.”
Cố Cửu nói: “Thiếu phu nhân có vẻ rất sợ nóng?”.