Lễ Diễu Hành Phục Sinh (The Easter Parada)

Chương 1




Không một ai trong chị em gái nhà Grimes có một cuộc sống hạnh phúc, và nhìn lại thì dường như mọi bất hạnh đều bắt đầu từ việc ly dị của cha mẹ họ. Chuyện đó xảy ra vào năm 1930, khi Sarah lên chín và Emily lên năm. Mẹ của họ, người muốn con gái gọi mình là “Pookie”, đã đưa họ đi khỏi New York đến trú ngụ tại một ngôi nhà đi thuê tại Tenafly, bang New Jersey, nơi mà bà nghĩ trường học ở đó tốt hơn và là nơi bà đặt hy vọng bắt đầu công việc với nghề bất động sản ở vùng ngoại ô. Công việc này đã không thành công - hầu như rất ít những kế hoạch công việc của bà được thực hiện - và họ đã rời Tenafly sau đó hai năm, và đó là một khoảng thời gian đáng nhớ của hai cô con gái.

“Bố của bạn có bao giờ về nhà không?” những đứa trẻ khác thường hay hỏi như vậy, và bao giờ Sarah cũng là người dành quyền giải thích ly dị là gì.

“Bạn có bao giờ thăm bố không?”

“Có chứ”.

“Bố bạn ở đâu?”

“Ở New York”.

“Ông viết tiêu đề. Ông viết tiêu đề báo cho tờ New York Chủ nhật”. Và cách cô nói thật sự đã để lại ấn tượng cho bạn cô. Ai cũng có thể là một phóng viên hào nhoáng và vô trách nhiệm hoặc đơn thuần là một người sửa bài cần mẫn; nhưng đây là một người viết tiêu đề! Người mà phải đọc tất cả những tin tức phức tạp hàng ngày để lựa chọn ra những ý chính và tóm tắt lại bằng những từ đắt ý, khéo léo sắp xếp vừa vặn trong một chỗ trống có giới hạn - ông là một nhà báo tuyệt vời và là một người cha xứng đáng với danh tiếng của mình.

Trong một lần các cô con gái đi thăm bố, anh dẫn các cô đi thăm xưởng in Mặt trời và họ đã được tận mắt nhìn thấy mọi thứ.

“Bản in đầu tiên đã sẵn sàng”, anh nói, “Chúng ta đi xuống phòng in và tham quan nào; sau đó bố sẽ dẫn các con đi xem ở tầng trên”. Anh đưa các con đi theo cầu thang bằng sắt toả mùi mực in và giấy in báo đến một tầng hầm rộng nơi có những máy in quay thật cao được xếp theo hàng. Công nhân làm việc hối hả mọi chỗ, tất cả đều đang đội mũ hơi vuông góc, làm bằng giấy báo cứng được gấp rất cầu kỳ.

“Bố ơi, sao họ lại đội những mũ giấy kia ạ?” Emily hỏi. “À, có thể, họ sẽ nói với con là họ đội mũ để tránh không cho mực dây ra tóc họ, nhưng bố nghĩ là họ đội mũ để trông cho vui mắt.”

“‘Vui mắt’ là như thế nào ạ?”

“Ồ, có nghĩa là giống như chú gấu của con vậy”, anh nói trong khi anh chỉ vào một cái ghim hình con gấu màu hồng ở trên váy của cô bé đang mặc, và đây cũng là điều cô mong cha cô nhận thấy. “Đó là một chú gấu vui nhộn”.

Họ xem những chiếc đĩa bằng giấy kim loại đúc khuôn còn mới được uốn cong chuyển động nhẹ nhàng trên băng tải ống lăn mực in được kẹp chặt lại trên trục lăn; rồi sau một hồi chuông họ quay sang xem trục lăn của máy in. Sàn thép rung lên dưới chân họ, làm cho họ cảm thấy buồn buồn và tiếng động quá to làm họ không thể nói chuyện được; chỉ có thể nhìn nhau và cười, và Emily phải dùng tay để bịt tai.

Những sọc trắng của bản in đi theo mọi hướng chạy qua máy in, và những tờ báo hoàn chỉnh được ra khỏi máy in theo trật tự.

“Con nghĩ gì thế?” Water Grimes hỏi con gái khi họ đi lên cầu thang. “Và bây giờ chúng ta sẽ tham quan phòng làm việc nhé!”

Đó là một nơi thật rộng toàn bàn làm việc dành cho những người đánh máy. “Chỗ trước mặt nơi có bàn làm việc được xếp cạnh nhau là nơi làm việc trung tâm”, anh nói. “Người phụ trách tài chính là bác đầu hói đang nói chuyện điện thoại. Và người ngồi ở đằng kia, thậm chí còn quan trọng hơn. Bác ta là người quản lý biên tập.”

“Chỗ ngồi của bố đâu ạ?” Sarah hỏi.

“À, bố ngồi ở bàn viết bản thảo. Ở phía bên cạnh. Con đã nhìn thấy chưa?” Anh chỉ ra chỗ có một chiếc bàn hình bán nguyệt bằng gõ màu vàng. Một người ngồi ở trung tâm, và sáu người còn lại ngồi xung quanh, đọc và sửa bài bằng bút chì.

“Kia là nơi bố ngồi viết tiêu đề có phải không ạ?”

“À, viết tiêu đề chỉ là một phần công việc thôi con à. Công việc là như thế này - khi phóng viên và người sửa bài hoàn thành tin, họ đưa bản thảo của họ cho nhân viên chạy việc vặt - cậu thanh niên trẻ kia là nhân viên chạy việc vặt - và cậu ta mang bản thảo đến đưa cho bộ phận làm việc của bố. Bộ phận làm việc của bố sẽ kiểm tra ngữ pháp, chính tả và dấu chấm câu, sau đó sẽ viết tiêu đề. Thế là hoàn chỉnh và sẵn sàng cho việc mang đi in.”

“Chào Charles”, anh nói với một người đi ngang qua về phía máy uống nước. “Charle, tôi muốn giới thiệu với anh đây là con gái của tôi. Đây là Sarah và đây là Emily”.

“A”, anh ta nói, cúi rạp người xuống chào. “Thật đúng là những cục cưng, các cháu có vui không?”

Rồi anh đưa con đi thăm phòng điện tín, nơi họ có thể biết tin tức trên toàn thế giới truyền đến qua đường dây thông tin được chuyển đến phòng biên tập và mọi thông tin được viết ra và thể hiện trên những trang báo. “Các con đã đói chưa?” anh hỏi. “Các con có muốn đi vệ sinh trước không?”

Trong ánh nắng ban mai, anh nắm tay các con đi qua Quảng trường Toà thị chính Thành phố. Các con anh đều mặc áo khoác nhẹ ra ngoài những chiếc váy xinh xắn, đi tất sọc trắng với những đôi giầy bằng da được làm rất tinh xảo. Trông các cô bé thật xinh. Sarah tóc đen và rất ngây thơ, còn Emily thì thấp hơn cô chị một cái đầu, tóc vàng hoe, gầy và trông rất nghiêm nghị. “Trông không giống Toà thị chính lắm, các con nhỉ?” Walter Grimes nói. “Các con có nhìn thấy toà nhà cao tầng sau rặng cây kia không? Toà nhà màu đen ý - Đó là văn phòng của tờ báo Thế giới đấy, mà thật ra đã là thì đúng hơn. Năm ngoái tờ báo này đã bị đóng lại. Đó là tờ tin tức hàng ngày lớn nhất của Mỹ đấy.”

“À, vậy thì tờ Chủ nhật bây giờ là tờ báo nổi tiếng nhất, có phải không hả bố?”, Sarah hỏi.

“Ồ, không đâu, con yêu. Thật ra tờ Chủ nhật không hẳn hoàn toàn là báo.”

“Thế ạ, sao lại vậy hả bố” Sarah trông rất lo lắng.

“À, đó là một thể loại bình luận cực đoan”.

“Bình luận cực đoan là gì hả bố?”

“Có nghĩa là rất, rất bảo thủ; rất Cộng hoà”.

“Chúng ta có phải là người theo Đảng Cộng hoà không ạ?”

“Bố nghĩ rằng mẹ thì có nhưng bố thì không”.

“Ồ”.

Anh uống hai ly trước bữa ăn và gọi nước gừng cho con mình, sau đó họ ăn gà và khoai tây nghiền. Emily bây giờ mới mở miệng nói chuyện kể từ lúc họ rời khỏi văn phòng của bố. “Bố ơi, nếu bố không thích tờ Chủ nhật, vì sao bố lại vẫn làm việc ở đó ạ?”

Khuôn mặt dài của anh, khuôn mặt mà hai cô con gái cho rằng đấy là khuôn mặt điển trai, trông thật mệt mỏi. “Vì bố cần việc làm, cục cưng của bố à,” anh nói “Bây giờ rất khó kiếm việc. Hừm, nếu bố giỏi hơn thì bố đã chuyển sang chỗ làm khác, nhưng con thấy đấy - bố chỉ là một người biên tập bản thảo”.

Không có gì nhiều để kể với bạn khi họ quay lại Tenafly, nhưng ít nhất họ cũng có thể nói rằng bố họ là người viết tiêu đề báo.

“... Và nếu bạn nghĩ rằng viết tiêu đề báo là một công việc dễ dàng thì bạn đã sai rồi!” Sarah nói với một cậu bé thô lỗ ở sân chơi như vậy.

Mặc dầu vậy, Emily - một cô bé có tính chính xác - chỉ đợi ngay khi cậu bé đó không còn trong tầm nghe nữa liền nhắc nhở chị mình một thực tế là “Bố chỉ là người biên tập bản thảo”.

* * *

Esther Grimes, hay là Pookie, là một phụ nữ nhỏ bé, năng động có một cuộc sống dường như gắn liền với giá trị không tưởng mà chị cho là “nhạy bén”. Chị mải mê với tạp chí thời trang, với việc ăn mặc có thẩm mỹ và đã nhiều lần cố gắng chỉnh sửa lại mái tóc của mình, nhưng không thể giấu nổi đôi mắt hoang mang và thật sự, chưa bao giờ chị biết cách tô son trên môi của mình, một đôi môi luôn thể hiện dáng vẻ của sự thiếu kiên định đến mức độ đáng kinh ngạc và đầy yếu đuối. Chị tìm thấy sự nhạy bén ở tầng lớp thượng lưu hơn là ở trong tầng lớp trung lưu, và vì thế chị chạy theo việc nuôi con theo kiểu cách và tư tưởng của người giàu. Chị luôn cố tìm cho được những cộng đồng “tốt” để sống tại đó, mặc cho việc chị có khả năng trang trải cho việc sống tại đó hay không, và chị phải cố bắt mình trong khuôn khổ của sự đoan trang.

“Con yêu, mẹ mong rằng con sẽ không làm như vậy nữa”, chị nói với Sarah như vậy trong một bữa sáng.

“Làm như vậy có nghĩa là sao ạ?”

“Nhúng bánh vào sữa theo cách như vậy”.

“Ồ”, Sarah rút miếng bánh mì bơ nướng thật dài ra khỏi cốc sữa và để nó bị chảy lê thê trước khi đưa bánh mì vào cái miệng đang chờ sẵn của mình. “Tại sao hả mẹ?” Cô hỏi mẹ sau khi đã nhai và nuốt miếng bánh mì.

“Vì, như thế trông không được đẹp mắt. Emily kém con bốn tuổi nhưng em cũng không hành động trẻ con như con”.

Và, hơn thế nữa, chị luôn nói rằng, theo nhiều phương diện, Emily nhạy bén hơn Sarah.

Khi công việc của chị ở Tenafly trở nên rõ ràng là không thành công, chị bắt đầu hay đi xa cả ngày để tìm kiếm cơ hội ở những thị trấn khác, hoặc trong thành phố, và gửi bọn trẻ ở những gia đình khác. Sarah thì dường như không quan tâm đến việc mẹ vắng nhà, nhưng Emily thì có; cô không thích ngửi mùi nhà lạ; cô không ăn được và lo lắng cả ngày; cô tưởng tượng ra những tai nạn khủng khiếp và nếu Pookie đến đón cô muộn một hoặc hai tiếng thì cô khóc như đứa trẻ.

Một ngày mùa thu các cô bé được gửi ở một gia đình tên là Clark. Các cô mang theo những con búp bê bằng giấy để chơi nếu bị bỏ rơi một mình, dường như là như vậy - ba người con của gia đình Clark đều là con trai - nhưng bà Clark đã giao nhiệm vụ cho con trai cả của mình, cậu Tyron, là một người chủ nhà hiếu khách, và đảm nhận trách nhiệm một cách nghiêm túc. Cậu bé mười một tuổi, và cả ngày cậu thể hiện với các cô bé.

“Nhìn này”, cậu luôn mồm nói “nhìn này”.

Ở phía bên kia sân sau của gia đình nhà Clark có một ống thép nằm ngang được đỡ bằng những ống trụ thẳng đứng, và Myron thì rất giỏi với những trò nghịch ngầm. Cậu thường chạy ra cái xà đó, vạt áo bay phần phật dưới lớp áo len, nắm lấy cái xà bằng cả hai tay, xoay gót chân ngược lên, qua chiếc xà và cậu treo người qua đầu gối; rồi cậu kéo căng người ra, lộn từ trong ra ngoài, rơi xuống đất trong luồng gió bụi.

Sau đó, cậu để cho các em cậu và các cô con gái nhà Grimes trong một cuộc chiến trò chơi hỗn tạp, rồi bọn trẻ vào trong nhà và xem bộ sưu tập tem của cậu, rồi bọn trẻ lại quay ra sân chơi, nhưng thật sự bây giờ, không còn gì để chơi nữa.

“Này, nhìn kìa”, cậu bé nói, “Sarah cao gần bằng chiếc xà nên có thể chui qua xà mà không chạm vào thanh xà đấy.” Khá chính xác: đỉnh đầu của Sarah thấp hơn thanh xà một nửa insơ. “Anh biết phải làm gì rồi”, Myron nói, “Sarah hãy chạy đến thanh xà càng nhanh càng tốt và vừa khít chui lướt qua xà”.

Cách thanh xà khoảng gần ba mươi thước Anh, bọn trẻ đứng gọn sang một bên và xem, còn Sarah bắt đầu chạy, bộ tóc dài của cô bay bay. Không một ai nhận ra là khi Sarah chạy thì sẽ cao hơn lúc Sarah đứng - trong một tích tắc, khi Emily phát hiện ra thì đã quá muộn, thậm chí không còn kịp thời gian để kêu lên nữa. Thanh xà đã đập vào Sarah đúng phía trên mắt với một tiếng vang mà không bao giờ Emily có thể quên được - ding! - và rồi cô bé quằn quại kêu lên với quầng mắt đầy máu.

Emily ướt hết quần khi cô bé chạy vội vào trong nhà cùng với những cậu bé nhà Clark. Cô Clark kêu lên khi cô nhìn thấy Sarah; cô vội vàng quấn Sarah trong chăn - cô biết rằng, đôi khi nạn nhân tai nạn có thể bị sốc - và đưa cô bé đến bệnh viện, cùng với Emily và Myron ngồi ở ghế sau. Sarah thôi không khóc nữa - cô bé chưa bao giờ khóc nhiều cả - nhưng Emily thì lại bắt đầu khóc. Cô bé khóc suốt trên đường đến bệnh viện và trong phòng đợi phía bên ngoài phòng cấp cứu, nơi mà cô Clark ló mặt ra đến ba lần chỉ để nói với bọn trẻ “không gãy xương”, “không chấn thương” và “khâu bảy mũi”.

Sau đó tất cả mọi người về nhà...

“Mẹ chưa bao giờ thấy ai chịu đau giỏi đến như thế”, cô Clark nói - Sarah nằm ở ghế sofa trong phòng khách được che tối lại với khuôn mặt thâm tím sưng phồng, một miếng gạc to che một bên mắt cô bé và một chiếc khăn toàn đá chườm lên miếng gạc. Các cậu bé lại đi ra ngoài sân chơi, nhưng Emily thì không muốn rời khỏi phòng. “Con phải để cho chị được nghỉ”, cô Clark nói “Cưng, đi ra ngoài chơi đi con”.

“Em cháu ở đây cũng được ạ”, Sarah nói thật xa xăm và kỳ lạ.

Vì thế, Emily được ở lại, điều đó có lẽ lại tốt vì chắc hẳn cô bé đã đấm đá nếu có ai đó cố kéo cô ra khỏi nơi cô bé đang đứng và cắn móng tay trên một tấm thảm xấu xí của nhà Clark. Bây giờ cô bé không còn khóc nữa; cô chỉ nhìn chị của mình đang nằm mệt mỏi trong bóng tối và cảm nhận những cơn sóng của sự mất mát khủng khiếp.

“Mọi việc đều ổn thôi Emmy”, Sarah nói bằng giọng rất xa xôi. “Sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng quá. Pookie sẽ về nhà sớm mà”.

Mắt của Sarah không bị chấn thương - đôi mắt to, màu nâu sẫm vẫn sẽ là một nét hoàn hảo trên khuôn mặt đáng nhẽ là rất đẹp - nhưng một cái sẹo nhỏ mờ màu trắng xanh từ chân mày đến mi mắt sẽ theo cô suốt quãng đời còn lại, giống như một nét bút chì không dứt khoát, và Emily có thể sẽ không bao giờ quên được cảnh chị cô đã chịu đựng đau đớn đến như thế nào mỗi khi cô nhìn vào vết sẹo. Vết sẹo cũng luôn làm cho cô nhớ đến việc dễ bị hoảng loạn và sự khiếp đảm tột cùng khi phải ở nhà một mình.