Lật Mở Thiên Thư

Quyển 1 - Chương 5-6: Đi tìm Thạch Bình Nhi




Lão Phó nói, lần trước đến nhà Chung Sênh nghe ông ta nói về chuyện “dịch dung”, biết đâu, ông ta đã phát hiện ra phương pháp dịch dung từ cuốn “gia bản” kia, và cuốn sách ấy còn chứa những bí mật khác nữa, nhưng ông ta không nói hết cho chúng tôi biết và còn định dùng các thủ đoạn khác để nắm được các kỹ thuật, cho nên ông ta phải đóng giả Mông Nhân (ông ta cũng đã biết chuyện Mông Nhân đang về quê). Tóm lại là, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Chung Sênh rất đáng ngờ.

Lão Phó chưa nói xong thì đã bị Trần Trọng ngắt lời: “Khoan đã! Nói linh tinh bát nháo gì thế? Dịch dung mà có thể làm được như vậy? Các cậu đang soạn kịch bản phim chắc?”

Lão Phó vội nói: “Tôi đang phân tích vấn đề mà! Anh đừng sốt ruột.”

Tôi lắc đầu: “Tôi cảm thấy không phải Chung Sênh. Ông ta già như thế, mà có thể nhảy tưng tưng giữa các căn hộ như khỉ leo trèo hay sao? Nếu ngã xuống thì ông già sẽ chết nhăn răng! Và, giả sử ông ta biết cách dịch dung, nhưng chiều cao thì sao? Sẽ bị lộ ngay, vì chúng ta sẽ căn vặn Mông Nhân rằng sao cậu lại lùn thế này. Hắn sẽ cãi rằng đi qua công trường bị tấm ván rơi trúng đầu nên biến thành thằng lùn à? Rõ là không ổn.”

“Thế thì có thể là ai?” Lão Phó lắc đầu vẻ băn khoăn khó hiểu. Tôi lại hỏi Trần Trọng: “Anh đã điều tra về con người Thạch Bình Nhi chưa? Có vấn đề gì không?” Trần Trọng lắc đầu. Hôm nay tôi nhìn mọi người lắc đầu tới tấp, cộng với chính tôi lắc đầu nữa, nhiều đến nỗi sắp ngang với số lần trái đất tự quay quanh trục của chính nó cũng nên. Trần Trọng nói: “Không điều tra thấy gì hết, cái tên mà cậu đưa ra, không hề có thông tin hoặc tư liệu gì. Tôi cũng thử tra trên mạng, trống trơn không có gì cả. Nhập ba chữ Thạch Bình Nhi vào máy thì chỉ toàn cho kết quả là các đồ thủ công mỹ nghệ chế tác từ đá!”[1]

[[1]] Chữ Thạch, nghĩa gốc là đá.

Rồi Trần Trọng “hứ” một tiếng, sau đó xọc bàn tay vào mái tóc, cau mày, nhìn vào cái bàn trà. “Chờ đã... tôi đang nghĩ thêm. Đầu óc đang chứa đủ thứ lộn xộn, phải phân loại thông tin đã... chỉ một lát thôi. Tôi ra ban công đứng một lát.” Nói rồi anh cầm điếu thuốc lá bước ra ban công. Tôi và lão Phó nhìn nhau, im lặng, nhấp trà, rồi ngáp dài. Lão Phó nói gọi điện cho Mông Nhân thì thấy tắt máy. Kỳ lạ, kỳ lạ thật. Mông Nhân không có thói quen tắt di động. Lúc này thì đã khuya, ngày mai sẽ gọi vào máy để bàn của gia đình Mông Nhân vậy.

Trần Trọng từ ban công bước vào, nói: “Cái vụ án kia... vụ án ở đài hỏa táng mà tôi đã kể... còn nhớ chứ?” Tôi gật đầu, còn lão Phó thì ngơ ngác.

“Còn nhớ cái xác đó không?” Trần Trọng nhìn tôi, vẻ mặt anh nặng nề. Tôi chợt hiểu ra, nói: “Thế là rõ rồi, cũng na ná như chuyện hôm nay.”

Trần Trọng vỗ vai tôi. “Chú em ạ, không phải na ná mà là... tôi vừa phân tích rồi, vẫn là do một kẻ gây ra, tức là chỉ có một nghi phạm.”

Tôi hỏi: “Là ai?”

Trần Trọng lắc đầu: “Tôi không biết, nhưng trực giác mách bảo tôi rằng: thời gian xảy ra hai vụ việc gần nhau, thủ pháp cũng gần giống, nên khẳng định chỉ là một kẻ gây ra. Vụ ở đài hỏa táng, cho rằng nghi phạm chính là Lý Cường, nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra anh ta nên không thể khẳng định chính là anh ta đã hành động. Và dù đúng là Lý Cưởng thì anh ta nhằm đến cuốn sách để làm gì?”

Chuyện về cuốn sách càng ngày càng phức tạp, tôi thấy hơi đau đầu. Bí mật nằm trong sách đó - những điều mà ông Chung Sênh đã nói, đâu chỉ có như thế là hết? Xem ra, những lời đồn đại quả là ghê gớm, đều cho rằng trong cuốn sách đó ẩn chứa bí mật về trường sinh bất tử thật?! Có vẻ như những mối nguy hiểm không chỉ là những chuyện hôm nay gặp phải, mà vẫn còn nữa, thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa. Nếu hôm nay chúng tôi không phát giác ra, hoặc không gọi Trần Trọng đến, thì gã Mông Nhân giả kia sẽ ra tay hạ sát tôi và lão Phó; chúng tôi chết - không ai biết tại sao nhưng sẽ khiến Mông Nhân bị quy kết là kẻ sát nhân.

Còn về Thạch Bình Nhi? Lúc nãy nhìn thấy người trên ôtô đúng là Thạch Bình Nhi, nếu tôi không hoa mắt nhìn nhầm, chính cô ta lái xe. Hiện nay chỉ nó thể bắt tay vào từ Thạch Bình Nhi và Lý Cường, tìm thấy một trong hai người này thì có thể tìm ra cốt lõi để giải mã chuyện này.

Tôi nói với Trần Trọng về cách nghĩ của mình, Trần Trọng gật đầu: “Tôi sẽ tiếp tục truy tìm Lý Cường thật nhanh chóng, và đương nhiên cũng cần phải phá án. Còn về Thạch Bình Nhi, tôi cũng sẽ lưu ý. Dù sao cô ta cũng chưa hề phạm tội, cảnh sát không thể dán ảnh khắp mọi nơi để truy nã. Cậu và lão Phó cũng nên lưu ý.” Tôi và lão Phó gật đầu, lão Phó ngáp liền mấy cái. Tôi bỗng đập tay thật mạnh vào Trần Trọng, khiến cả anh lẫn lão Phó đều giật mình, họ gần như đồng thanh hô lên: “Gì thế?”

Tôi nói: “Sao lại không thể truy nã? Có thể chứ! Anh tìm cách khác, ví dụ, không gọi là truy nã mà là tìm người.”

Tôi nêu ý kiến: cán bộ chuyên môn của cảnh sát sẽ vẽ chân dung Thạch Bình Nhi căn cứ vào lời miêu tả của chúng tôi về cô ta, sau đó tôi và lão Phó sẽ đi dán khắp các phố phường xóm ngõ, để lại số phôn, viết thêm “sẽ hậu tạ”! Thạch Bình Nhi nhan sắc như thế, rất dễ bị người ta nhận ra, sẽ có khối người gọi điện thông báo cho chúng ta.

Tôi vừa nói xong thì Trần Trọng và lão Phó đua nhau ngợi khen tôi có cái đầu linh hoạt khôn ngoan. Tôi thầm nghĩ, nếu có Mông Nhân ở đây thì anh ta đã nghĩ ra cách này từ sớm rồi.

Cả ba chúng tôi lăn ra ngủ ở ngay nhà tôi vài tiếng, thức dậy lúc 9 giờ sáng rồi cùng ra khỏi nhà, Trần Trọng dẫn chúng tôi đến gặp một vị chuyên gia. Người ấy dựa vào miêu tả của chúng tôi vẽ ra bức chân dung của Thạch Bình Nhi, sau đó phô-tô thành vô số bản. Rồi bảo lão Phó thuê một số thiếu niên đi dán khắp nơi, chủ yếu là bến tàu xe, các quảng trường, trung tâm thương mại... là những nơi đông người qua lại. Và còn dặn chúng dán lên các bảng quảng cáo chuyên dùng chứ đừng dán bừa ngoài phố, coi chừng sẽ bị phạt.

Lão Phó cũng khen tôi viết những câu chữ tìm người rất khéo...

Tôi đã cho in lên các tờ chân dung ấy nội dung như sau:

Thông báo tìm người

Chúng tôi muốn tìm một nữ, tên là Thạch Bình Nhi, 26 tuổi, cao 1,8 mét; mấy ngày trước đi khỏi bệnh viện ưu tiên chăm sóc của thành phố C, hiện không rõ đang ở đâu. Là bệnh nhân tâm thần phân liệt, thường tự nói linh tinh “tôi từng bị tâm thần phân liệt nhưng đã chữa khỏi”. Thỉnh thoảng Thạch Bình Nhi vẫn bị tái phát và tấn công người khác, nhổ nước bọt vào người lạ, thậm chí đại tiểu tiện bừa bãi. Nếu ai thấy Thạch Bình Nhi ở đâu, xin báo ngay cho chồng cô tên là Đường Tiểu Bạch, số điện thoại 13 XYZ. Xin cảm ơn và hậu tạ 3.000 nhân dân tệ.

Tội vốn định viết “anh Đường Tiểu Bạch” nhưng lão Phó và Trần Trọng đề nghị cứ viết là chồng, sẽ càng thể hiện tâm trạng lo lắng, và tiền hậu tạ là 5.000 tệ, vì tiền này sẽ là lão Phó chi ra, thì lão Phó chữa thành 3.000, chữa rồi, lão Phó nói rất tự tin rằng: “Đến lúc đó, ta sẽ cho nhà ngươi luôn 5.000 Yên Nhật, ta không tìm nữa!”