Tên tôi là Âu Dương Miểu Miểu. Vì lúc bố đặt tên cho con, thầy bói bảo mệnh tôi thiếu nước, ông lại là người kinh doanh, thiếu nước có nghĩa là thiếu tài lộc, vì thế phải bổ sung cho tôi. ‘Bổ’ một lần, rút cuộc lại thành nhiều. (Chữ Miểu (淼) gồm ba chữ thủy (水) ghép lại – mang nghĩa nước mênh mông.)
Đặc biệt là, tôi thiếu Thủy, còn cô em sinh đôi của tôi lại thiếu Hỏa. Đối với một người làm bác sĩ pháp y như mẹ, đây là chuyện rất quan trọng, thiếu hỏa thì âm khí sẽ nặng, rất dễ gặp phải ma quỷ, vì thế đặt tên em tôi là Âu Dương Diễm Diễm (Tương tự, Diễm (焱) gồm ba chữ (火) ghép lại.)
Như thế cũng tốt, một đứa sáu Thủy, một đứa sáu Hỏa, sẽ không có cảnh Thủy Hỏa bất dung. (như từng giải thích ở
Đúng là tôi lớn lên mà bị em gái bắt nạt.
***
Tôi là đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, gia cảnh coi như cũng khá giả. Theo như lời ông nội tôi bảo, ở xã hội cũ, gia đình chúng tôi thuộc lớp địa chủ, cũng thuộc hàng có tiền dư của, tiếc thay nông dân muốn vùng lên làm chủ, nhà tôi cũng sa sút theo. Có điều ông nội rất giỏi chịu khổ, dù không còn là địa chủ, cười ha hả đi cày ruộng, cũng có chút tên tuổi đó nha – Lúa Miêu Đại Vương. (Lúa miêu, còn gọi là củ niễng, màu trắng dùng làm thức ăn)
Bố tôi trưởng thành từ trong gian khó, tuy rằng chưa từng đọc sách nhưng việc kinh doanh rất suôn sẻ, mắt quan sát rất chính xác, làm cái gì thành công cái đó, tiền bạc ào ào.
Ông nội tôi có hai người vợ. Bà nội hiện tại là vợ nhỏ. Vợ cả của ông đã qua đời lúc tôi còn chưa sinh ra, em thứ chín của ông nội vẫn còn sống, nhỏ hơn bà nội hai tuổi, tôi cũng gọi là bà chín.
Ông có nhiều con lắm, tổng cộng hết chín người, bố tôi là thứ ba, ở dưới còn một em trai và năm em gái. Ông cố nội tôi còn sinh nhiều hơn, có tới hai mươi mấy người con. Bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, tôi cũng chẳng nhớ rõ, chỉ biết cứ mỗi dịp lễ tết, cả nhà chúng tôi đều tụ họp, những đứa đồng lứa với tôi, mới tính sơ qua đã tới 300 người.
Thú vị hơn, đời thứ ba của dòng họ Âu Dương nhà tôi, ngoại trừ bố tôi ra, kể cả các cô đã lấy chồng, hay các chú bác đã cưới vợ, tất cả đều sinh con trai, chỉ có mình tôi và em gái là hai cô cháu gái duy nhất.
Thật ra, bố tôi muốn có con trai hơn. Thời xưa có câu ‘sinh trai có danh, đẻ gái được nhờ’, nhưng bố tôi kiên quyết quẳng đi nửa câu sau, chỉ muốn con trai mà thôi.
Nhớ lại mẹ tôi từng kể, khi bố biết mẹ sinh, lại còn là sinh đôi, ông vui đến nỗi chạy vội đi mua hoa. Mà người báo tin cũng thật là, báo sinh đôi nhưng cũng chẳng nói là nam hay nữ. Thời đó chỉ cho sinh một con, nhưng mẹ tôi sinh đôi, đối với người luôn thích nhiều con như bố tôi, sao lại không cao hứng được cơ chứ.
Lúc bố tôi mua tặng mẹ bó hoa cúc trắng (đổ mồ hôi, dù sao đó cũng là hoa mẹ tôi thích, không quản được), vội vàng tới bệnh viện, y tá thấy ông liền nói, chúc mừng anh, ngài Âu Dương, sinh được hai thiên kim.
Đúng là nghìn vàng, lúc ấy bố tôi có cảm giác như bị một cây búa nghìn cân nện xuống đầu, ngất đi tại chỗ.
Sau này được biết nhà Âu Dương đời thứ ba chỉ có hai bé gái, của hiếm là thứ quý, tâm tình bố tôi mới tốt hơn, bấy giờ ông mới nhớ những câu ‘đẻ gái được nhờ’, ‘con gái là áo ấm của cha mẹ’.
Từ đấy về sau, ông chiều tôi và em gái tới tận trời.
***
Khi tôi được ba tuổi, có một lần bị cảm nặng, xui xẻo là gặp phải một gã lang băm, cảm cúm trở thành virus gây viêm cơ tim, bệnh mãn tính, khiến cơ thể tôi yếu ớt như Lâm Đại Ngọc (nhân vật trong Hồng Lâu Mộng), quanh năm suốt tháng làm bạn với thuốc, ngược lại, sức khỏe em gái tôi rất tốt, từ nhỏ đến lớn chưa từng bị bệnh lần nào.
Thủy hỏa bất dung sao? Khống chế lẫn nhau sao? Chả đúng tẹo nào.
Bởi vì sức khỏe tôi yếu, nên bố mẹ càng chiều chuộng tôi nhiều hơn, khi đó tôi đòi gì hai người đều đáp ứng. May mà những năm 80 thời ấy không bị vật chất hóa như bây giờ, tôi cũng chỉ có nhiều hơn vài con búp bê, ăn nhiều ổ bánh, mặc nhiều váy hơn mà thôi.
Đúng là bị chiều đến hư, hồi bé tính tình tôi tệ lắm, hễ không vừa ý thì nổi cáu ngay. Bởi bố mẹ tôi cũng muốn để tôi được tự do, dần dà, tôi hiểu thành: Mình là nhất! Tính nết có chút bất thường.
Còn nhớ, khi bé, tôi có một cô chị họ, tôi cực kì không thích nó. Có lần tôi cố ý cột nó vào sau xe ba bánh rồi kéo lê đi, kết quả mặt nó toàn máu là máu. Nhưng tôi chả sợ, đã có bố làm chỗ dựa rồi mà.
Tôi được dung túng đến vậy đấy, mãi đến năm bốn tuổi mới được uốn nắn lại.
Năm bốn tuổi, tôi gặp một cậu bé đang bắt nạt một chú cún con. Bé cún kia kêu gào đến tội nghiệp, không hiểu sao tinh thần chính nghĩa của tôi nổi lên, tuy chỉ mới bốn tuổi nhưng lại rất khỏe, đánh cậu nhóc kia một trận tơi bời. Bé cún biết người cứu mình, rất bám tôi, khiến tôi rất vui, liền quyết định nuôi bé cún.
Chính nhờ lần đó, tôi đột nhiên nhận thấy, mình và cậu bé bắt nạt cún con kia cũng giống nhau, đều là đồ đáng ghét, liền thay đổi tính tình. Tính cách tôi trước năm bốn tuổi ngang ngược là vậy, sau đó liền tự sửa đổi, từ ấy về sau yêu chó, yêu đến không cách gì cứu chữa.
Có thể do tôi cầm tinh con chó, bản tính vốn hiền lành đó thôi.
Cứ như thế, tôi dần trưởng thành. Nháy mắt, đã đến tuổi đi học.
***
Vừa vào tiểu học, tính tò mò, hiếu động, thể lực cũng theo đó mà tăng, tôi có không biết bao nhiêu là sự kiện không biết nên khóc hay cười.
Nhớ hồi lớp một, tôi rất thắc mắc không biết mình được ra đời như thế nào.
Về câu hỏi này, tôi tin rằng thế hệ sinh sau năm 80 đều từng hỏi bố mẹ mình một lần.
(Gửi những độc giả đọc quyển sách này, nếu bạn là người sinh sau năm 90, có thể xem nhẹ đoạn này, vì chắc chắn bố mẹ bạn đã nói thật cả rồi!)
Đương nhiên, các bậc phụ huynh không thể nói thật với bạn, đa số bọn họ đều chọn một trong những phương án sau đây để trả lời thôi.
1. Con lớn rồi sẽ tự biết thôi.
2. Con được nhặt từ đống rác
3. Con từ nách mọc ra rơi xuống.
4. Con sinh ra từ hòn đá.
Hẳn là còn rất nhiều câu trả lời tương tự thế, nói chung, các vị ấy hoàn toàn không thể nói thật được.
Câu trả lời của bố mẹ tôi mới lạ hơn cả.
Khi tôi hỏi câu đấy, mẹ tôi ôn tồn kể rằng – “Con mọc lên từ một hạt giống, mỗi ngày mẹ tưới nước, không bao lâu thì con ra đời.”
Lúc ấy tôi mới học lớp một, ngây thơ tin rằng đấy hoàn toàn là sự thật.
Bởi vì có một cô em gái sinh đôi hay bắt nạt mình, nên tôi rất mong có thêm một cô em gái, hoặc một cậu em trai để chơi cùng. Vì thế, ở vườn nhà bà nội trồng rất nhiều rau cải, tôi bứng một bụi lên đặt trồng trong chậu.
Tôi thật rất nghiêm túc với ý định này, chăm sóc cây rau rất cẩn thận.
Kết quả không cần phải nói tới, tất cả mọi người hẳn là biết rõ em bé từ đâu mà ra.
Nhưng đến khi cây rau cải kia héo khô, chẳng có bất cứ cái gì được sinh ra cả.
Tôi ôm chậu bông đi hỏi mẹ, khóc lóc bảo rằng bà đã lừa tôi.
Mẹ tôi rất bình tĩnh, bảo rằng – “Rau cải chỉ dùng để ăn thôi, mẹ có nói là rau cải đâu, súp lơ mới có thể mọc ra em bé.”
Tôi ngây thơ không biết gì lại tin là thật, nhưng cũng không tiếp tục làm trò ngốc ấy nữa.
Bởi vì, khi ấy tôi hoàn toàn không biết súp lơ là cây gì, đương nhiên chẳng đi tìm.
Rồi chuyện ấy cũng trôi qua như thế.
***
Tôi càng lớn thì càng nhiều sự tích để kể hơn.
Lên lớp ba, trong một lần viết văn, thầy giáo ra đề viết về một người mà mình kính yêu nhất.
Thời ấy viết tập làm văn, lúc nào cũng có văn mẫu, trăm bài như một.
Ví dụ như: bố em phải làm việc rất vất vả, mẹ em rất dịu dàng và tốt bụng, anh chị em từ lúc còn bé đã rất siêng năng học hành chăm chỉ, em trai nghịch ngợm em gái đáng yêu, ông bà hiền từ kể chuyện cổ tích, thầy cô luôn quan tâm học trò… thêm vào cuối là chị Trương Hải Địch thật kiên cường. (Trương Hải Địch là một nhà văn khuyết tật nổi tiếng sinh năm 1955)
Học sinh tiểu học những năm 80 ấy thật sự hồn nhiên trong sáng.
Thời còn bé, người tôi kính trọng nhất là bà ngoại, bởi vì bà sinh được tám người con, vừa vặn bốn nam bốn nữ. Sinh theo thứ tự thì càng kì diệu hơn, cứ một gái thì có một trai, sau đó là gái rồi trai kế tiếp, cứ nam nữ xen kẽ nhau như thế, theo tôi, điều ấy kì diệu biết là bao nhiêu.
Cho nên tôi quyết định viết về bà ngoại. Nhưng mà phải làm thế nào để nhấn mạnh được hai chữ kính trọng của mình đây, tôi nghĩ đi nghĩ lại, viết ra những thương cảm đau khổ của mình sau khi bà qua đời.
Tôi rất cố gắng, viết rất nghiêm túc, viết đến chảy nước mắt nức nở, đọc là thấy đau lòng.
Kết quả là tác phẩm của tôi được đưa đi tham gia cuộc thi viết văn dành cho học sinh tiểu học ở Thượng Hải, đạt giải ba.
Chuyện hay tới ngay sau!
Bác của tôi, chính là vợ của anh trai mẹ tôi, làm giáo viên, đúng bữa ấy gặp cô giáo tiểu học của tôi.
Cô giáo tôi vừa nhìn thấy bác liền nói – “Chị Kim, người chết không thể sống lại, chị đừng quá đau buồn!”
Bác tôi sửng sốt nói – “Nhà tôi đâu có tang sự nào?”
Cô giáo – “Không phải mẹ chồng chị vừa qua đời tháng trước sao?”
Bác – “Cô nói cái gì thế, bà đang sống rất vui vẻ cơ mà?”
Cô giáo – “Vậy bài văn kia là…” – Nói xong cô lấy bài văn tôi viết ra.
Có thể biết kết quả thế nào rồi đấy, tôi bị tám người con của bà ngoại, dì dượng cậu mợ, mắng suốt ba ngày ba đêm.
Chuyện này đến tận bây giờ, mỗi dịp tết quây quần bên nhau, đều lôi ra cằn nhằn tôi một lần…
***
Cũng có năm tôi bị chó cắn.
Mọi người ai cũng biết rồi đấy, tôi đặc biệt rất thích chó, khi ấy nhà tôi là nhà riêng, có một cái sân rất rộng, nuôi một chú chó săn (chó berger) rất lớn!
(Thật sự rất lớn luôn đấy, khi tôi còn nhỏ, chỉ trông như cọng giá đỗ thôi.)
Tôi đốt nến muốn xem thử nó đã ngủ chưa mà không biết rằng động vật vốn sợ lửa, tôi sơ ý đốt cháy lông nó, vì tự vệ, con chó Bối Bối cắn bị thương người chủ nó yêu nhất!
Chuyện cũng chưa dừng lại ở đó.
Nó cắn chỗ nào không cắn, lại nhằm vào cái ‘bánh bao nhỏ’ chưa phát triển của tôi.
‘Cái bánh bao’ của tôi bị bác sĩ nhẫn tâm may ba mũi.
Tôi phải nghỉ học suốt một tuần.
Lúc miệng vết thương còn chưa cắt chỉ, tôi đã phải đi học, người bác làm giáo viên của tôi, đem chuyện tôi bị chó cắn kể cho tất cả giáo viên trong văn phòng.
Lúc nghỉ trưa, tôi được gọi tới văn phòng, cô giáo chủ nhiệm của tôi cứ hỏi tôi có đau không, tôi trả lời không đau, đã khỏe rồi ạ.
Nếu đó chỉ đơn giản là quan tâm thôi thì được rồi, đằng này cô ấy cứ muốn nhìn miệng vết thương của tôi.
Tôi cũng mơ mơ màng màng mà cởi áo cho cô xem.
Cô ấy xem thì cũng xem đi, đằng này còn gọi tất cả các giáo viên bước tới nhìn.
Trong đó… còn có cả thầy giáo.
Tôi ngửa đầu… nhìn trời…
***
Cứ thế tôi trải qua tuổi thơ quý báu, bước vào thời kì dậy thì.
Nếu hỏi tôi, trong cuộc đời học sinh, lúc nào là vui nhất, tôi nhất định sẽ trả lời rằng đó là thời trung học cơ sở. Cả đời tôi khó mà quên được khoảng thời gian khi ấy, lúc đó không đặt nặng áp lực học tập như với tụi trẻ bây giờ, vô ưu tư lự. Đương nhiên là ngoại trừ những kì thi lên trung học.
Tụi học trò khi ấy, cũng đều đang ngây ngốc ở độ tuổi dậy thì, cứ hết tiết là cãi nhau ầm ĩ, vui biết là bao nhiêu. Tuy đó là thời kì ngây thơ, nhưng cũng là lúc các kích thích tố tiết ra, bất kì nam hay nữ sinh nào, đều có cảm giác chua chua ngọt ngọt.
Ở phương diện này, tôi chậm phát triển hơn nhiều. Có lần một cô bạn tốt tâm sự với tôi rằng cô ấy có cảm tình một cậu bạn trai cùng lớp, nghe đến đó tôi hoàn toàn như vịt nghe tiếng sấm, nhưng giả vờ không lộ ra, nếu không chắc chắn nó sẽ nghĩ tôi như cục đất mất.
Có cảm tình là gì? Tôi cứ suy nghĩ về từ này mãi, thật là khó hiểu, đây là nói về một cảm giác nào đó sao?
Về đến nhà, tôi quyết định hỏi mẹ, nhưng không thể nói thẳng, bởi vì cái thời tôi những năm ấy, nếu nói đang có cảm tình với người khác phái, chắc chắn sẽ bị xem là có dấu hiệu yêu sớm. Yêu sớm những năm tám mươi sao, nghiêm trọng ngang mức có người phóng hỏa ấy. Nhỡ mà mẹ nghi đó là tôi, không chừng bà lấy dao giải phẫu thi thể để phân tích tôi mất. Phải không để lộ chuyện này mới được, lại còn các giáo viên trong trường, cô giáo chủ nhiệm gặp mặt, dạy dỗ hằng ngày nữa chứ.
Tôi chỉ dò hỏi kín đáo – “Mẹ, sao ngày xưa mẹ lại lấy bố thế?”
Tôi rất thắc mắc chuyện này, dù sao mẹ tôi cũng tốt nghiệp thạc sĩ, lại dấn thân vào nghiệp pháp y danh giá, sao lại coi trọng người đàn ông đầy mùi tiền như bố tôi?
Lúc đó mẹ tôi lãnh đạm nói một câu – “Có vị đàn ông.”
“Hả?” – Vị đàn ông? Đó là vị gì?
“Bố con hả… haha…” – Hình như bà đang nhớ lại những kỉ niệm tươi đẹp thời trẻ, cười rất háo sắc.
Tôi không nhịn được thúc – “Mẹ kể nhanh đi, con muốn nghe!”
Mẹ cũng chẳng ngượng ngùng gì, thấy tôi tò mò liền tuôn ra như máy phát thanh.
“Hồi đầu mẹ ghét ba con lắm đó chứ, không bằng cấp lại chỉ biết buôn bán, mẹ và ông ấy căn bản là chẳng hề có tiếng nói chung. Có điều ngày đó mẹ mới từ nông thôn lên thành phố, muốn tìm một người để lấy làm chồng, định cư ở Thượng Hải. Bà ngoại tìm được một người làm mai, thế là liền giới thiệu bố con cho mẹ.”
“Vậy sao sau này này mẹ lại lấy bố con?”
“Vốn đầu mẹ vốn không định tiến xa với ông ấy đâu.” – Lúc này, giọng mẹ kéo dài ra – “Thế là liền hẹn ông ấy tới công viên để nói cho rõ ràng, kết quả là nói xong, bố con… haha…”
“Bố con thế nào? Nói đi, mẹ!” – Đúng là làm tôi tò mò quá đi thôi.
“Bố con rất nổi giận, không không, là vô cùng nổi giận, kết quả là… ha ha…”
Tôi chờ mẹ cười đến nỗi suýt nữa phát điên.
Chờ mẹ cười xong, đột nhiên nói ra một câu – “Ông ấy bay lên đá một cái, cái chân to ấy trúng vào đùi mẹ.”
“Lúc đó hả, mẹ đột nhiên cảm thấy ông ấy rất đàn ông, rất khí phách!”
Tôi bị sét đánh vào người.
“Haha…“ – Mẹ tôi càng cười càng lộ vẻ mê trai.
Cả nửa ngày rồi mà tôi vẫn không tìm được hồn phách mình ở đâu, đến khi tỉnh hồn thì mẹ vẫn đang cười ha hả.
Tôi đổ mồ hôi – “Thế ra vì cái cú đá nó mà mẹ, mẹ quyết định lấy bố sao?”
“Đúng! Lúc bố con đá một cú đó, ống tay áo thổi bay bay, trông đẹp trai cực kì!”
“…” – Cho tôi xin ba phút ói ra máu đã.
Có lẽ là mẹ tôi tự nhận ra nói những chuyện này với con gái rất không thích hợp, vội vàng đứng dậy vào bếp thái rau, che giấu sự khó xử của mình.
“Mẹ nè…” – Tôi nói.
“Sao con?”
“Mẹ, thế thì không phải là bố có vị đàn ông, m là… ngang tàng bạo ngược!”
“…”
“Còn nữa, mẹ…. mẹ… không phải thích bị ngược đãi đấy chứ?” – Nào có phụ nữ nào muốn gả cho người đá trúng mình.
Khóe miệng mẹ tôi co giật, con dao làm bếp trong tay phản chiếu tia sáng lạnh lẽo.
Tôi run cầm cập, vội vàng chuồn mất.
Mẹ tôi là vậy, còn bố tôi sao? Tuy rằng tôi không biết vị đàn ông là gì, nhưng tôi cảm thấy không ai có thể qua mặt được bố mình được.
Bố tôi, giống như động vật hoang dã vậy.
***
Nhà tôi có nuôi một cặp cá rồng vàng(*). Năm tôi lên chín, lúc ấy người ta quan niệm cá rồng vàng mang lại tài lộc, người làm ăn ấy mà, luôn hi vọng tiền vào như nước, bố tôi trước giờ chưa từng bỏ qua cách nào có thể giúp ông phát tài. Vì thế nhà tôi bắt đầu nuôi cá rồng, nuôi cả đôi. Thời ấy cá rồng khoảng một nghìn tệ một con. Những năm chín mươi khi ấy, một nghìn tệ, là một con số rất lớn, không phải có thể tùy tiện bỏ ra. Bố tôi còn sắm một loạt nào là hồ cá, hang cá, bơm oxy, thức ăn cho cá, trong trong ngoài ngoài tốn không ít tiền bạc.
(*) Cá rồng vàng: Giống cá cảnh, đứng đầu danh sách các loài cá nước ngọt trong sách Đỏ Việt Nam, có con lên tới trăm triệu, thường có hai loại quý nhất là cá rồng quá bối – toàn thân vàng, được quan niệm mang tài lộc và thăng tiến trong sự nghiệp, cá rồng huyết long – màu đỏ tránh xui xẻo, mang lại may mắn)
Lúc tôi mười sáu tuổi thì hai con cá kia từ 10cm đã phát triển thành 80cm, nghe nói cá rồng càng dài thì càng có giá trị, lúc đó bố tôi còn đặc biệt mời một chuyên giá tới để định giá con cá kia, thật khủng khiếp, một con thôi mà lên tới bốn, năm vạn.
Nhưng vào lúc đó, chính phủ trưng thu đất, nhà tôi bị tịch thu, phải dọn vào một chung cư cao tầng. Gia đình tôi vốn quen ở nhà riêng, bây giờ phải dọn vào chung cư, liền nảy ra vấn đề, phải đặt hang của cặp cá rồng kia ở đâu? Hai con cá lớn lên, cái hang ấy cũng được mở rộng dần theo, thành ra bây giờ bự lắm. Bố tôi định đem hang và cá bán đi, nhưng ai sẽ mua? Ai lại bằng lòng bỏ tiền nuôi cặp cá này chỉ cho vui chứ?
Nếu không thì mang tặng? Sao bố lại có thể làm thế được? Ông là người làm ăn, tuyệt không thể làm những chuyện gây lỗ như vậy.
Trước ngày chuyển nhà một hôm, bố tôi đứng trước hang cá đi qua đi lại ngẫm nghĩ, cuối cùng đã có quyết định.
Tôi còn nhớ kĩ, bữa tối ngày hôm đó có món gì.
Một đĩa cá hấp, một mâm cá kho. Chính là – hai con cá rồng nuôi trong nhà. Tôi không biết tình hình, cứ thế mà ăn.
Thật là nghiệp chướng…
Tôi không thể không nói, bố tôi đúng là một người có bản lĩnh phi thường.
Thế không phải là động vật hoang dã thì là gì?
Đó cũng chưa phải chuyện ghê gớm nhất đâu. Tôi từng nuôi một con dê núi nhỏ đặt tên là ‘Lông Quắn’, bởi vì trên trán nó có một phần lông xoăn xoăn. Khi được bố đưa đến nông thôn, tôi thấy nó cực kì đáng yêu, liền bắt mang về.
Khi đó, gia đình vẫn ở nhà riêng, vì hai chị em tôi, bố đặc biệt xây một vườn hoa nhỏ, trải nguyên một thảm cỏ, còn làm cả xích đu, nơi đó cũng trở thành nhà mới của ‘Lông Quắn’.
Mỗi ngày tôi đều cho nó ăn ngon, vỗ béo nó, cứ thế, cuối cùng tai họa của nó đã đến.
Hôm ấy, nhà trường tổ chức đi chơi xuân, đi hết hai ngày. Tôi sợ khi mình đi thì ‘Lông Quắn’ ở nhà bị đói, bố mẹ đi làm rất bận, đành mang nó qua gửi nhờ bà nội, xong xuôi mới yên tâm chơi bời.
Ngày tôi về, trong nhà chẳng có ai nên tôi qua nhà bà nội để ăn cơm, thuận tiện đi thăm ‘Lông Quắn’, tôi nhớ nó chết đi được.
Ai ngờ, nó đã trở một đĩa thịt dê luộc trên mâm cơm nhà bà, mà kẻ xuống tay không ai khác là bác cả.
Tôi giận đến nỗi muốn lật bàn, nhưng lúc đó vẫn còn nhỏ, không có sức. Tôi thử dỡ cái bàn gỗ lim kia nhưng chẳng nhúc nhích tẹo nào. Tôi nhịn, phải đi tìm người có ‘sức lực’ khác đòi lại công cho tôi mới được.
Và bố tôi chính là người có ‘sức lực’ đó.
Chờ khi bố đến, tôi òa khóc nức nở, tức tưởi kể lại hành vi sát sinh của bác cả.
Bố tôi nghe xong, vỗ mạnh lên bàn, đen mặt quát lớn – “Cái gì? Dám làm thịt con dê nhà mình nuôi à!”
Tôi đã hi vọng, có cửa rồi đây.
Lúc đấy, trong mắt tôi, bố chính là đấng cứu thế, là thượng đế.
Thế nhưng…
“Thế nhưng lại không gọi bố tới ăn, anh em gì mà kì vậy! Bố phải lấy đùi về gặm mới được!”
Tôi nghẹn ngay tức khắc, giọt nước to như hạt đậu còn đọng lại viền mắt, thấy bố tôi hừng hực bước ra khỏi cửa, sau đó hùng hổ quay về, trong tay quả thật còn cầm một cái đùi lớn.
‘Lông Quắn’ của tôi… cục cưng bé bỏng của tôi…
Tôi rơi nước mắt…
‘Lông Quắn’ đã bị làm thịt, hi sinh như thế đó.
Sự kiện ‘Lông Quắn’ quả thật làm tôi rất đau lòng, vậy mà bố tôi chẳng mảy may, tiếp tục quẹt thêm một nét bút tội nghiệt vào niềm vui nuôi dưỡng động vật của tôi.
Số là năm tôi học lớp năm, có một người bạn tiểu học phải chuyển nhà, có một con thỏ, muốn gửi tạm tôi nuôi ít bữa, tôi liền đồng ý.
Nói đến nuôi dưỡng động vật, không phải thổi phồng đâu nha, quả thật tôi nuôi con nào cũng béo tốt cả! Đặc biệt hơn nữa là, con cún tôi nuôi, không bao giờ có kiểu ‘chó cậy gần nhà’ mà bắt nạt con vật không cũng giống loài với nó, lại còn rất thân thiết với nhau nữa kìa.
Bạn vì tin tưởng nên mới giao cho tôi, thật đúng là tình bạn thắm thiết. Đương nhiên tôi phải xem bé thỏ này như báu vật trong lòng. Mỗi ngày tôi đều cho nó ăn cả rốt tươi, chăm sóc trở nên cực kì đáng yêu, trông như quả cầu bông.
Một ngày nọ, trong đêm trăng mờ gió thổi(*), không biết lúc đó bố tôi nghĩ cái gì, thấy thỏ liền nghĩ đó là mẹ mua về để bồi bổ cho ông, không nói lời nào, năm giờ sau, biến thành một nồi thịt thỏ ngon lành.
(*) Nguyên văn ‘nguyệt hắc phong cao’, ý chỉ những đêm phù hợp để làm chuyện đen tối, mờ ám,
Vì để trả thỏ cho bạn, ngày hôm sau tôi vội vàng chạy đi mua một con thỏ khác giống y chang con cũ, định để thay thế. Nhưng tôi đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng, quên hỏi con thỏ của cô bạn kia là đực hay cái.
Kết quả là mua lầm, lộ chuyện!
***
Từ đó về sau, tôi chẳng nuôi con nào ngoại trừ chó cả, bởi vì tụi nó toàn trở thành đồ ăn cho bố tôi thôi, hoặc không thì cũng thành đồ nhắm rượu cho các bác trong nhà.
Nhưng ít ra, chó thì không.
Bởi vì bố tôi rất thích chó, nhờ điều này, phận con gái như tôi mới tha thứ cho ông đấy.
Thế nhưng, ‘vị đàn ông’ với tôi là gì vẫn không thể giải thích được.
Mãi cho tới khi… một học sinh chuyển trường vào lớp.
Anh xuất hiện…
Ái Tân Giác La – Khang Duật, anh đúng là khắc tinh cả đời này của em.
P/S (lời tác giả): Những câu chuyện của nữ chính, tất cả đều là những điều tôi từng trải qua trong đời.
Là thật đó!
Ôi, đầu năm nay, viết sách thế nào, lại đem chuyện của mình viết vào trong.
Có điều, thời thơ ấu của tôi, quả thật rất hạnh phúc, haha…