Lãng Tử Tại Đô Thị

Chương 260-2: Thái liên khúc (khúc Hái sen) (2)




– Hoa sen là hoa sen, không ngắm thì làm được gì khác?

Giang minh chủ than một câu.

– Nó có rất nhiều tác dụng.

Lâm Dật Phi cười nói:

– Hoa sen, lá sen, hạt sen, củ sen đều có thể làm thuốc, có thể nói toàn cây là bảo vật. Phía nam có nhiều hoa sen, nhưng mùa đông lại để lãng phí, ngoại trừ có thể ăn chút thịt xào ngó sen ở căn tin, những phần khác rất ít dùng tới. Đúng là đáng tiếc.

– Lá sen cũng có tác dụng?

Dương Tu Vũ đang nói chuyện thuê thuyền, cũng quay đầu lại hỏi. Trong đầu y, tác dụng lớn nhất của lá sen chính là bẻ ra rồi cầm che mưa.

– Lá sen vị đắng tính bình, có thể uống, thanh nhiệt, trị liệu tim phổi buồn bực, bụng trướng, đau bụng hoặc dùng lúc bị sót nhau thai sau khi sinh.

Lâm Dật Phi trầm tư:

– Còn hoa sen tính ôn vị đắng, có thể hoạt huyết hóa ứ, giải nhiệt, trị vết thương khi té, trị vết thương…

Thiếu niên lặp lại, đột ngột bật cười:

– Không sai, trị vết thương rất có tác dụng.

Hai người không biết hắn nói những tác dụng này có đúng hay không, cũng không biết hắn vì sao đối với bị thương cảm thấy hứng thú như vậy, lẽ nào cảm thấy thiếu tự tin đối với trận đấu nên muốn chuẩn bị trước? Nhưng lời này chỉ có thể để mục nát trong bụng, không tiện hỏi nhiều:

– Được rồi, Dật Phi, có thể lên thuyền rồi.

Dương Tu Vũ gọi.

Lâm Dật Phi tươi cười, chỉ gật đầu, đương nhiên là nghĩ tới một vấn đề vui vẻ.

– Các vị.

Một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi ra sức ôm một chiếc đàn tranh, tuy trời không nóng nhưng trán đã lấm tấm mồ hôi:

– Muốn nghe diễn tấu đàn tranh không?

Thiếu nữ đó gầy yếu, vẻ ngoài bình thường, có điều đôi mắt lại trong sáng cực kì, hai con ngươi đen lay láy tựa nước sơn.

Năm đó Bạch y Liễu Tướng Liễu Tam Biến từng làm một bài từ “Vọng hải triều” tả cảnh đẹp Tây Hồ. Trong đó có một câu hay là “Khương quản lộng tình, lăng ca phiếm dạ”, nghĩ đến cổ nhân “Túy lúy nghe tiêu trống, ngâm thưởng khói sương” cũng khiến người ta xúc động. Có điều nghe nói Kim chủ Hoàn Nhan Lượng sau khi đọc xong bài “Vọng hải triều”, thấy câu “Đông nam địa thế thuận lợi, tam Ngô đều biết, Tiền Đường tự cổ phồn hoa… Ba thu hoa quế, mười dặm hoa sen”, “toại khởi đầu tiên độ giang, lập mã Ngô Sơn chi chí”, cách năm liền dẫn sáu trăm ngàn đại quân xuống nam công Tống. Liễu Vĩnh không ngờ tới điều ấy, có thể thấy bài từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến mức nào.

Có điều đến ngày này không còn ai tao nhã như thế. Song có nhiều học sinh học đàn tranh, đàn cổ, gia cảnh không khá giả, lúc rảnh rỗi lại tới đây thử vận may, lo học phí để có thể tiếp tục theo học. Tô Yên Nhiên đương nhiên là số tốt, có thể chuyên luyện đàn cổ, không lo ăn mặc. Nhưng có một vài người vì ước mơ của mình, khổ một chút cũng cam nguyện. Thiếu nữ này chắc chắn là một trong số đó.

Dương Tu Vũ vốn muốn từ chối, Giang minh chủ lại cười:

– Du truyền trên hồ, lắng nghe cổ nhạc. Chúng tôi cũng muốn học theo cổ nhân, chắc cũng thú vị.

Thiếu nữ mừng rỡ. Dương Tu Vũ thấy thế cũng không tiện nói gì, dù sao lần này đi cũng vì công cán, không có trường học chi trả thì cũng có võ lâm đại hội gánh cho. Y tốt bụng đỡ giúp cây đàn cho cô thì thấy hơi nặng, chợt thấy thông cảm. Lại nghĩ đến mình học đại học vẫn ăn bám cha mẹ, y không khỏi có chút hổ thẹn.

Lần này Dương Tu Vũ không thuê thuyền máy hay thuyền khí đệm, mà là thuyền gỗ thông thường. Ba người đều tập võ, nếu muốn học người xưa thì làm cho triệt để, còn ngồi thuyền khí đệm thì chẳng đâu vào đâu.

Sau khi lên thuyền, cả ba đều ngây như phỗng. Thì ra người chèo thuyền là một cô gái đẹp, tuổi tầm hai mươi mấy, ống quần vén cao lên để lộ chân trắng như củ sen. Đầu đội nón lá, thân mặc áo lục, lông mi cong vút. Cô nhìn mọi người mỉm cười, cực kì động lòng người.

Dương Tu Vũ hồi lâu sau mới nói:

– Cô em tên gì vậy, có thể chèo thuyền không?

Cô cười một tiếng:

– Khách quan, ngồi cho vững.

Cô nói chuyện rất dịu dàng, nhưng tiếng Phổ thông nói không chuẩn là mấy, còn học theo cách gọi của người xưa khiến khách ngồi thuyền thấy mới mẻ.

Khách đã ngồi vững, cô tháo dây buộc thuyền, tay đặt lên hai mái chèo. Vừa đẩy một phát, thuyền nhỏ đã rời bờ chầm chậm lướt trên hồ. Cô chèo rất chậm, mọi người đều nghĩ cô có thể chèo là hay rồi, không mong gì cô chèo nhanh được. Dương Tu Vũ vốn định tự chèo, nhưng thấy người ta chèo rất bình tĩnh, nhìn một hồi cũng yên tâm.

Cảnh hồ đẹp đến nao lòng. Sóng lăn tăn, trời xanh không một gợn mây, nước xanh biếc tựa gương sáng. Có cô chèo thuyền đi cùng nói chuyện, mọi người đều thấy sảng khoái, tự nhủ chuyến du hồ này tuy giá không rẻ, song cũng xứng đáng.

– Trước kia tôi đi du hồ, thấy người chèo không phải ông cụ thì cũng là đàn ông.

Giang minh chủ chợt nói:

– Gần đây sao lại có phụ nữ nữa, họ không sợ các cô mệt sao?

Cô gái mỉm cười, phong tình vô hạn:

– Không phải nói nam nữ bình đẳng sao. Anh nên biết trước đây đều là nữ chèo thuyền ở Tây Hồ, đàn ông chèo thuyền chỉ là chuyện mấy năm nay mới có. Chẳng qua do an toàn với thể lực nên mới dần dần để đàn ông thay thế.

– Trước đó tôi thấy trên báo nói ở đây tuyển phụ nữ chèo thuyền. Cô mới đến phải không?

Cô gái gật đầu:

– Đúng vậy, chủ yếu là xét thấy thiếu con gái chèo thuyền, Tây Hồ sẽ mất đi một cảnh, cho nên bây giờ mới tuyển nữ chèo thuyền lại.

– Đây cũng là một dạng hiệu ứng thị giác, ha ha.

Giang minh chủ cười vui vẻ:

– Cứ thế thì người ngồi thuyền sẽ nhiều hơn rồi. Đến cả tôi nếu có dịp sau, chắc chắn cũng sẽ đến đây ngồi thuyền.

Lâm Dật Phi không nhiều lời, chỉ nói:

– Hiệu ứng thị giác, không sai, không sai.

– Cô biết bơi không?

Giang minh chủ sực nhớ tới một chuyện rất quan trọng, bèn lo lắng hỏi.

– Điều kiện tuyển dụng đầu tiên chính là biết bơi, biết chèo thuyền; thứ hai chính là có thể giới thiệu phong cảnh cho khách.

Cô gái lại cười:

– Vị này, thấy anh cao to, có phải người phương bắc?

Giang minh chủ vỗ tay cười:

– Đúng thế, vịt cạn phương bắc.

Đáng lẽ Giang minh chủ không giỏi tiếp chuyện, vẫn luôn giữ tôn nghiêm của minh chủ. Nhưng với giọng điệu êm tai của cô gái, ông cũng nói nhiều hơn:

– Dật Phi, cậu biết bơi không?

Lâm Dật Phi đang nghĩ ngợi, nghe thấy liền ngây người:

– Không giỏi lắm, chuyện gì vậy?

Công phu trên ngựa hắn rất thành thạo, nhưng nói đến bơi thì chưa từng luyện nhiều. Song nếu nói về bơi lội trong nước, trọng yếu chính là giữ khí. Nội công hắn tinh thâm, năm đó bị người ta truy sát, tuy giết chết Ngũ Hành Đạo nhân, song lại bị y đẩy xuống thác nước. Nhờ nội lực thâm hậu, hắn lấy một hơi rồi chìm xuống cả ngàn thước, sau đó mới trồi lên mặt nước thoát khỏi sự truy sát của mấy kẻ khác. Tây Hồ này không đáng nhắc đến trong mắt hắn.

– Tu Vũ là người phương nam, biết bơi mà.

Giang minh chủ đột nhiên hỏi:

– Tôi nói giả sử thôi, giả sử thuyền lật rồi, cô sẽ cứu ai trong hai người chúng tôi?

Cô gái cười, khoan thai đẩy mái chèo:

– Đang yên lành, thuyền sao lật được?

– Tôi nói là giả sử.

Giang minh chủ đương nhiên là nói đùa với thuyền nương.