Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 309-2: Ta nhìn thấy cũng thương (2)




Trương Nhữ Lâm là người Chiết đảng, tất nhiên cách nhìn có chút khác biệt với người của đảng Đông Lâm, nhưng cơ bản cách nhìn đó cũng không sai, Đông Lâm cũng không kiêng dè quan điểm riêng của từng môn phái, đấu đá dứt khoát với những người không cùng phe cánh với mình.

Trương Nguyên nói:
- Thúc tổ nhắc nhở rất đúng, tộc tôn sẽ hành sự cẩn thận, phải tránh không mất lòng cả hai bên. Trước mắt chuyện gấp nhất của tộc tôn là chuẩn bị thi hương, chuyện trong triều đình, đảng tranh giành còn cách tộc tôn rất xa.

Trương Nhữ Lâm gật đầu nói:
- Đây chính là chuyện thứ hai ta muốn nói với con, xem ra con rất có chí đối với lần thi hương Ất Mão này, lại không phải giằng co vì nữ sắc, con có biết rằng nữ sắc là thứ làm cho người ta sai lầm nhất đấy?

Trương Nguyên thầm nghĩ: "Hóa ra đây chính là chuyện thứ hai, không ngờ tộc thúc tổ cũng biết, vậy là việc này cũng đã truyền đến Hội Kê, ôi, ta phải có lời giải thích." Nói:
- Thúc tổ dạy rất đúng, tộc tôn đang muốn báo cáo việc này với thúc tổ và gia phụ.
Lược đi không nói chuyện gặp nhau ở đêm trăng Tây Hồ, bắt đầu nói từ chuyện gặp Trần Mi Công ở núi Xa Sơn, cùng thuyền đến Nam Kinh, Vương Vi gặp nạn xin hắn giúp đỡ, rồi lại đến Sơn Âm.

Nghe Trương Nguyên giải thích xong, Trương Nhữ Lâm trầm ngâm sau một lúc lâu, nói:
- Việc này đã lan truyền ra, lúc này bắt con bỏ rơi cô gái kia cũng không được, ngược lại sẽ làm cho người ta mỉa mai con lỗ mãng bạc bẽo, lẽ ra cưới vợ trước rồi nạp thiếp cũng không sao, chỉ có điều bình thường kẻ sĩ nạp thiếp đều là công thành danh toại, hơn bốn mươi mới bắt đầu hưởng lạc, giống như thúc tổ vậy sau năm mươi tuổi mới bắt đầu tận hưởng thanh sắc, khi thiếu niên thì phải đoan chính.

Trương Nguyên mặt thì vâng vâng, nhưng trong lòng lại thầm nghĩ: " thị thiếp của tộc thúc tổ thật không ít, đều là ở độ tuổi thanh xuân, có thể nói tất cả đều là hoa lê, hải đường." Hắn không tiếp thu việc nạp thiếp cũng như cách nạp thiếp này nhưng lúc này chỉ có thể ngồi nghe mà thôi.

Trương Nhữ Lâm nói:
- Thiếu niên phải dè chừng trước sắc đẹp, con thông minh hơn người, lại luôn điềm đạm, chắc chắn không cần đợi ta phải nói thêm thì mới tỉnh ra. Hãy tự mình giải quyết cho tốt, con đi đi.

Trương Nguyên đứng lên, lại nghe tộc thúc tổ nói:
- Người nữ lang kia đang ở đâu?

Trương Nguyên vội đáp:
- Tộc tôn mạo muội, để Vương Vi ở tạm Mai Hoa thiền. Xin thúc tổ thứ lỗi.

Trương Nhữ Lâm xua tay nói:
- Chuyện này không ngại, cứ việc ở đó, bản lĩnh tề gia này phải học con rồi.

Trương Nguyên ra khỏi Bắc viện, tiện đường đi tới Tây Trương Tàng thư lầu tìm mấy cuốn thi văn của cổ nhân, thi văn của người đương thời cho Vương Vi đọc. Bỗng nhiên lật đến bốn quyển thi văn tập của Từ Văn Trường, lại là bản viết tay của Từ Vị, trong đó còn kẹp hai bức thủy mặc, một bức là "Xuân Lan đồ", một bức là "Ba tiêu đồ", hai bức họa đều bị hư hỏng ở mức độ khác nhau. Trương Nguyên vừa vui mừng lại vừa tiếc, Từ Vị và Tây Trương là thế giao, Từ Vị giết vợ, là do cha của Trương Nhữ Lâm- Trương Nguyên Biện nghĩ cách cứu ra tù, thành tựu trong lĩnh vực thư họa thi văn của Từ Vị rất cao, nhưng tài cao số lại gặp nhiều khó khăn, giá trị nghệ thuật không được người đời công nhận.

Trương Nguyên liền tìm người hầu trông coi thư lầu để đăng kí mượn sách, mang theo sách qua sông Đầu Lao, về tới nhà mình mới biết tỷ tỷ Trương Nhược Hi và Mục Chân Chân tới Giới Viên rồi, nhíu nhíu mày, thầm nghĩ: "Vương Vi trí tuệ nhanh nhẹn, khéo hiểu lòng người, sẽ ứng phó được với tỷ tỷ của ta, tỷ tỷ ta nhìn thì có chút mạnh mẽ, nhưng thật ra rất dễ nói chuyện, ta rất hiểu tỷ tỷ."

Tông Dực Thiện đang ở phía trước sảnh chờ, cùng Trương Nguyên đi một mạch tới đại sảnh nho học của phủ học cung. Mấy trăm Hàn Xã đồng nhân tụ tập dưới mái nhà chính thảo luận nhiệt liệt, thấy Trương Nguyên đã đến, liền cùng cung thỉnh Trương Xã đầu bắt đầu bài giảng, Trương Nguyên cũng không khách khí, nói:
- Nền giáo dục thời nay đang đi xuống, sĩ tử chỉ lo bát cổ không thông kinh sử, mặc dù may mắn trúng cử, nhưng khi làm quan rồi sẽ không trị được ai cả, cả quận ấp dài không trị được nói gì đến một người dân, nhân tài ngày sau sẽ thành quan không tốt, cũng chính vì vậy, Trương Nguyên bất tài, nguyện cùng mọi người trong Hàn Xã phục hưng cổ học, để lại cho đời sau, đó là tâm nguyện của đời ta.

Cái gọi là hưng phục cổ học của Trương Nguyên thật ra là mượn quan điểm của cổ học, “bình cũ rượu mới”, quan niệm đều là mới nhưng hình thức lại là cũ. Hắn giảng từ kinh, sử, giảng đến thời sự, rồi lại giảng đến những chuyển biến từng ngày về khoa học kĩ thuật của các nước phương Tây, miệng lưỡi lưu loát, thao thao bất tuyệt, nói hơn một canh giờ. Những chuyện Trương Nguyên nói tới có rất nhiều chuyện các chư sinh đang ngồi đây chưa nghe thấy bao giờ. Sau giờ cơm trưa, tiếp tục giảng, lúc này là dưới hình thức chất vấn. Trương Nguyên mời Hoàng Tôn Tố và Tông Dực Thiện giúp hắn, mấy trăm chư sinh đang ngồi hỏi ba người rất nhiều vấn đề từ bát cổ, kinh sử, dân sinh đến tình hình chính trị đương thời, không khí nhiệt liệt, mãi đến lúc hoàng hôn mới kết thúc. Lúc này Trương Nguyên mới phát hiện Cao Phan Long đang im lặng ngồi nghe ở một góc của đại sảnh, Trương Nguyên vội lên phía trước xin lỗi, Cao Phan Long cười nói:
- Quý xã nhân tài đông đúc thật, Trương công tử lại nói vô cùng tốt, khiến Cao mỗ mở rộng tầm mắt, 'kinh dĩ cùng lý, sử dĩ chứng sự’, chuyện ở các nước phương Tây, Trương công tử lại rõ như lòng bàn tay, Trương công tử thường lui tới chỗ thầy tu phương Tây sao?

Trương Nguyên nói:
- Tại hạ được đồng môn Từ Tử Tiên tặng bộ sách "kỉ hà nguyên bản", "phương Tây thủy pháp", lại từng nói chuyện với hội trưởng cha đạo Nam Kinh Vương Phong Túc, cho nên có chút hiểu biết về Tây học.

Cao Phan Long đáp:
- Vương Phong Túc từng đến thư viện Đông Lâm thăm hỏi, học vấn của người này không bằng Lợi Công.

Lợi Công chính là Matteo Ricci, người Đông Lâm đánh giá rất cao Matteo Ricci, coi y là nhà thông thái của phương Tây.

Trương Nguyên nói:
- Tiên sinh nói đúng, Vương Phong Túc kia chỉ nhiệt tình truyền giáo chứ học vấn và đạo đức không thông đạt lắm.
Lại mời Cao Phan Long, Trâu Nguyên Tiêu ngày mai tới phủ học cung dạy học cho Hàn Xã chư sinh, Cao Phan Long vui vẻ đồng ý.

Khi ra đại môn của phủ học cung, Trương Nguyên gặp Mao Nguyên Nghi và Ngô Đỉnh Phương đang chờ hắn. Hai người Mao, Ngô hôm nay đã nghe giảng ở phủ học. Giờ Mao Nguyên Nghi mời Trương Nguyên tới bạch mui thuyền của y uống rượu, Trương Nguyên từ chối khéo, nói trong nhà còn có việc, Mao Nguyên Nghi cười nói:
- Vì chuyện của Vương Tu Vi ư?
Mao Nguyên Nghi kể hoàn toàn không có ác ý gì về chuyện Trương Nguyên và Vương Vi, y thực sự cảm thấy chuyện tình yêu này không có gì là không thể nói.

Lúc Trương Nguyên và Tông Dực Thiện, Lục Thao trở về dinh thự Đông Trương đã là giờ lên đèn, dùng xong cơm chiều, đi vào nội trạch, thấy thư phòng của Tây lầu lóe lên ánh đèn, Trương Nhược Hi ngồi ở trong đó đọc sách. Mục Chân Chân ngồi ở một bên, Trương Nguyên đi vào, Mục Chân Chân lập tức đứng lên kêu:
- Thiếu gia.

Trương Nhược Hi đang lật xem mười cuốn thi văn tập Trương Nguyên mượn ở Tây Trương, hỏi:
- Tiểu Nguyên, cái này đệ chuẩn bị đưa cho Vương Tu Vi xem à?

Trương Nguyên nhìn thi tập kia, gật đầu nói:
- Vâng, đã đồng ý với nàng ấy từ trước rồi.
Hắn bảo Mục Chân Chân pha trà cho hắn, hôm nay ở Thiệu Hưng phủ học gần như không lúc nào ngơi miệng, nói nhiều đến nỗi miệng đắng lưỡi khô.

Trương Nhược Hi nói:
- Sáng nay ta đến Giới Viêm gặp Vương Tu Vi kia.
Nói một câu, nhìn thần sắc của Trương Nguyên, "Hừ" một tiếng nói:
- Đệ dường như rất ung dung?

Trương Nguyên cười nói:
- Tỷ là tỷ tỷ của đệ mà.

Trương Nhược Hi không nhịn được mỉm cười nói:
- Nếu là Thương Đạm Nhiên đến đó, đệ mới hoảng hồn đúng không.

Trương Nguyên không đáp, nói:
- Tỷ tỷ nói đi, gặp Vương Tu Vi thế nào rồi?

Trương Nhược Hi nói tám chữ:
- Ta thấy cũng còn yêu, không trách được đệ.

Trương Nguyên cười, nghĩ thầm rằng:
- Tỷ tỷ của ta cũng bị Tu Vi mê hoặc rồi.

Trương Nhược Hi lại nói:
- Ta nói với Vương Tu Vi sau này để nàng ấy giúp ta quản lí hiệu buôn Thịnh Mĩ, nàng ấy cũng đã đồng ý rồi.

Trương Nguyên "ách" một tiếng, Trương Nhược Hi liền hỏi:
- Thế nào, đệ không chịu?

Trương Nguyên nói:
- Không có, chỉ cần nàng ấy đồng ý là được.

Trương Nhược Hi lại hỏi:
- Vậy đệ giải thích với Đạm Nhiên như thế nào? Nam tử nạp thiếp mặc dù chuyện này không có gì quá đáng, nhưng không giải thích thì không được.
Nói tới đây liền hạ giọng:
- Lời này không được nói với tỷ phu của đệ đâu đấy, nếu như tỷ phu của đệ cũng mang một người khác về thì ta không chịu nổi đâu.

Thái độ của Trương Nhược Hi là tâm tính phổ biến của những người vợ cả của những kẻ sĩ đời Minh, biết chế độ nạp thiếp, nhưng nếu rơi xuống đầu mình thì chả ai cam tâm tình nguyện cả.

Trương Nguyên nói:
- Chút nữa đệ sẽ viết thư cho Đạm Nhiên.

Trương Nhược Hi "Ừ" một tiếng, lại nói:
- Đều là những người phụ nữ tốt, nếu đệ đã gặp gỡ, lại có duyên phận như vậy, thì nên phải đối xử với các nàng ấy tốt một chút.
Trương Nhược Hi vốn còn muốn hỏi chút chuyện của Vương sư muội, nghĩ rồi lại không hỏi nữa.

Màn đêm buông xuống Trương Nguyên do dự vắt óc suy nghĩ viết thư cho Thương Đạm Nhiên. Chuyện này khó gấp trăm lần so với viết bát cổ văn, tất cả các kỹ xảo viết văn đều vô dụng, nói thật vẫn là tốt nhất, cân nhắc từng câu từng chữ, hai canh giờ mới viết xong hai phong thư, một phong cho anh vợ Thương Chu Đức, một phong thư cho Đạm Nhiên, trong thư cũng nói mấy ngày nữa sẽ đến nhà gặp mặt giải thích.