Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 292: Kinh tài tuyệt diễm




Trâu Nguyên Tiêu gật đầu nói:
- Trương sinh nói rất đúng, nhưng thực thi được thì rất khó. Chư Vương ắt sẽ phản đối, và Hoàng đế cũng không thể hạ quyết tâm này được.

Trương Nguyên nói:
- Đương nhiên là rất khó, không thì sao có thể là mối họa của nước nhà được. Chẳng những tôn thất chiếm ruộng đất nghiêm trọng mà tham quan chiếm ruộng đất cũng nhiều. Thực ra vãn sinh cho rằng, tranh giành ruộng đất không đáng sợ, dù có thôn tính thế nào, thì đất đó vẫn cần người gieo trồng. chứ không phải một khi tranh giành đất đai thì nông dân sẽ phải lưu lạc không có đất trồng trọt. Quan trọng là thất thoát thuế má cùng với việc địa chủ sẽ thuê người nông dân để đẩy thuế lên đầu họ gánh chịu. Một khi thiên tai, nông dân không thể gánh được thuế đất, sẽ lưu dạt, đây mới là điểm cần phải cải cách.

Trâu Nguyên Tiêu và Cao Phan Long nhìn nhau, cảm thấy người thư sinh này chỉ ra nhiều điểm lợi hại, hiểu biết sâu sắc, khi hai người họ đưa ra câu hỏi với Trương Nguyên, cứ tưởng dồn hắn vào thế bí. Nhưng Trương Nguyên rất thông minh, không trả lời hết ra, hắn không thể nói toàn bộ phương án cải cách trong một lúc ra được. Vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận người, nên tạm thời không thể nói ra những việc hiện chưa thực hiện được, nếu không sẽ gặp cản trở lớn, con đường làm quan của Trương Nguyên sẽ không có lợi.

Sắc trời đã tối hẳn, có những bông tuyết rất nhỏ bay lượn dưới ánh đèn lồng, nhiệt độ không khí đã xuống dưới mức đóng băng, trên Y Dung Đường, chỉ có trước chỗ ngồi của Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu là có chậu than, còn những người khác thì ai nấy lạnh cóng cả chân tay.

Trương Ngạc rất lấy làm hối hận vì đã đến đây, nếu lúc này ở trên thuyền thì y đã chăn ấm nệm êm, trêu đùa cùng với nữ tỳ Lục Mai, hoặc đọc vài trang trong cuốn “Chu Lâm dã sử” mà y mới mua, hứng trí lên thì làm một giấc Cao Đường, thật là sảng khoái làm sao. Thật là tốt hơn nhiều so với việc ngồi đây chịu lạnh mà nghe thuyết giáo, tức cười hơn cả là Giới Tử còn có thể đàm luận với hai người Cao, Trâu hăng say đến vậy.

Trương Ngạc cũng chẳng buồn để tâm đến lễ nghĩa nữa, ngồi dựa vào lưng ghế, nhắm mắt dưỡng thần, nghe thấy tiếng Cao Phan Long vang dội như cãi nhau:
- Những việc trong thiên hạ nếu có lợi cho quốc gia nhưng tổn hại đến người dân, nếu coi quyền lợi của quốc gia làm trọng, thì phải vì nước; những việc có lợi cho dân nhưng hại cho nước, nếu coi quyền dân làm trọng, thì phải vì dân. Còn những việc không hại gì tới quốc gia mà lại có lợi cho dân, thì kẻ trí sẽ quyết định một cách không do dự, kẻ nhân sẽ làm một cách không ngại ngần.

Trương Nguyên nói:
- Tiên sinh đem dân và nước ra so sánh với nhau thì hình như không thỏa đáng cho lắm.

Dám nói thẳng vào mặt Cao Phan Long là phát ngôn của ông ta không ổn, quả là một chuyện động trời ở Đông Lâm Học viện. Nhưng Cao Phan Long không hề giận dữ, chỉ cười lạnh:
- Người quân tử làm chính sự, có điều dân có người tốt người xấu, triều chính là nền tảng của quốc gia, cần mọi người trong thiên hạ, bất luận là kẻ hiền, kẻ trí, kẻ ngu, kẻ bất tài phải hợp sức thì mới có thể làm được.

Trương Nguyên nói:
- Để mọi người trong thiên hạ đều hiểu là chuyện không thể nào, nếu như thế thì cũng chỉ khiến cho mọi chuyện đều rơi vào tranh cãi, chứ không thể thực hiện được chuyện gì cả.

Cao Phan Long lạnh lùng nói:
- Nói vậy thì Hoàng đế phải là người coi mình là trời, độc đoán thì mới hợp ý ngươi?

Trương Nguyên không chút giận dữ, vẫn giữ giọng ôn hòa như trước:
- Cảnh Giật tiên sinh, vãn sinh từng nghe Khải Đông tiên sinh nói rằng “người tài trong thiên hạ coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình”.

Trương Nguyên chơi trò Thái Cực với Cao Phan Long, hắn phản đối một vài quan điểm của Cao Phan Long, nhưng lại không trực tiếp nói ra quan điểm của mình, phần nhiều quan điểm của hắn vẫn phụ họa theo Cao Phan Long. Cao Phan Long được hắn khuyến khích, miệng lưỡi càng lưu loát, nghị luận càng thêm hùng hồn. Người đứng đầu Đông Lâm này tuyệt đối không phải là người chỉ biết nói suông về học vấn, chỉ là ông ta bị hạn chế bởi chế độ quân quyền theo quan niệm hủ Nho mà thôi. Cao Phan Long nhận thức một cách sâu sắc về tôn giáo, kinh tế và các vấn đề xã hội: Gia Tĩnh tín Đạo, Vạn Lịch nịnh Phật, thời đó chủ trương hợp nhất tam giáo rất thịnh hành, Vạn Lịch đế thậm chí còn lấy hành vi không lên triều nhiều năm của mình mà viết một cách mỹ miều là “Vô vi nhi trị” (không làm gì cả mà vẫn trị vì được – ND), trào lưu tư duy như thế hiển nhiên là không có lợi cho sự phát triển của xã hội. Cố Hiến Thành, Cao Phan Long ra sức phản đối Phật giáo và Đạo giáo, nhưng lại có thái độ bao dung với Thiên chúa giáo. Thông qua nói chuyện với Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu, Trương Nguyên được biết người của Đông Lâm Đảng đa phần đều có cảm nhận tốt về Thiên chúa giáo, Cao Phan Long còn từng kết giao với Matteo Ricci. Matteo Ricci là người sùng Nho phản Phật, người đề xướng chống lại đạo Phật, phát triển Nho giáo đương nhiên là được người của Đông Lâm Đảng hoan nghênh rồi.

Bậc cha chú đời trước của Cố Hiến Thành và Cao Phan Long đều dựa vào kinh doanh đất đai và buôn bán mà lập nghiệp, cũng coi như thuộc tầng lớp trung, tiểu địa chủ. Đông Lâm Đảng có một số người nằm trong tầng lớp này, còn một số thì xuất thân từ tầng lớp thương gia lớn, những người thanh bần như Lưu Tông Chu, Ngụy Đại Trung cũng không ít. Cao Phan Long cũng giống như Cố Hiến Thành, đều đề xướng việc buôn bán trao đổi hàng hóa, có ý thức kinh doanh rất mạnh mẽ, nên Cao Phan Long quả thật rất phản đối việc chưng thu thuế thương nghiệp, ông ta cho rằng việc chưng thu thuế thương nghiệp không khác gì cướp của của dân. Thế nhưng, ông ta cũng phản đối việc tăng thêm điền tô, thuế nông nghiệp, theo như Cao Phan Long nhìn nhận, thì việc hạn chế thuế thu chính là hạn chế hoàng quyền. Ông ta cho rằng, cái tai hại của việc tăng thêm diện tích ruộng đất cho thuê chính là nằm ở chỗ thẩm tra đối chiếu. Ông ta chủ trương giảm thiểu gánh nặng, chia ruộng đất cho dân, cổ vũ người dân khai khẩn đất hoang. Về việc thành lập kho lương cứu đói, ông ta và Trương Nguyên nói chuyện rất tâm đầu ý hợp.

Không bàn đến những người khác trong Đông Lâm Đảng, chỉ với một Cao Phan Long này thôi, thông qua cuộc nói chuyện dài lần này, Trương Nguyên nhận thấy Cao Phan Long đích thực chính là một chí sỹ coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình, chí ở thế đạo, coi trọng thực học, có sự đồng cảm sâu sắc với nỗi khốn khổ của dân chúng. Năm năm trước, Tam Ngô lũ lụt nghiêm trọng, Cao Phan Long viết thư cho Tào Vận Tổng đốc Lý Tam Tài mà thở than rơi lệ, còn vì việc đó mà thành lập hội Đồng Thiện, quyên góp tiền gạo ứng cứu nạn dân, cứu sống vô số người. Đương nhiên Cao Phan Long cũng có chút bảo thủ, không dễ gì thu nhận ý kiến của người khác, nhưng có ai là thánh nhân đâu, đối với thời cuộc, Cao Phan Long đâu thể nhìn thấu một cách triệt để như con mắt từ tương lai của Trương Nguyên, cho nên nông cạn là khó tránh.

Hoàng Tôn Tố có nhiều trải nghiệm, thỉnh thoảng cũng chen vào phát biểu ý kiến, cuộc nói chuyện ở Y Dung Đường lần này kéo dài hơn hai canh giờ. Trương Nguyên, Hoàng Tôn Tố còn trẻ, không cảm thấy mệt mỏi, Trâu Nguyên Tiêu ngoài sáu mươi tuổi và Cao Phan Long ngoài năm mươi thần thái cũng vẫn rất tươi tỉnh, gương mặt của Cao Phan Long vốn đã đỏ, giờ ngồi cạnh chậu lửa lại càng thêm đỏ bừng. Nghe thấy tiếng trông báo canh ba vang lên, trong sảnh tạm lặng yên mất một lúc, lắng nghe tiếng trống canh, lúc này mới nghe thấy có người đang ngáy, nhìn theo hướng phát ra tiếng ngáy, thì thấy Trương Ngạc vẹo người dựa vào lưng ghế, nhét tay vào ống tay áo, ngủ ngon lành.

Trâu Nguyên Tiêu bật cười ha hả, đứng dậy nói:
- Hôm nay được gặp các vị tài năng tuấn kiệt, nghị luận vui vẻ, thật là thú vị, đêm đã muộn rồi, năm vị nghỉ lại trong thư viện chứ?

Trương Đại cũng nghe đến buồn ngủ rồi, đời nào chịu ngủ lại ở đây, vội đứng lên nói:
- Bọn vãn sinh có thuyền neo đậu nơi cửa sông đào, cách đây không xa, không dám làm phiền chức dịch của thư viện phải chuẩn bị chăn mền.

Trâu Nguyên Tiêu, Cao Phan Long cũng không giữ nữa, tiễn năm người Trương Nguyên ra ngoài Y Dung Đường. Trương Ngạc bị gọi dậy, mơ mơ màng màng đi theo, lúc này Trương Nguyên mới phát hiện ra Trâu Nguyên Tiêu bước đi chân thấp chân cao, phải chống gậy mà đi.

Cao Phan Long cảm thấy cuộc nói chuyện này vẫn chưa thỏa mãn, bèn nói với Trương Nguyên và Hoàng Tôn Tố:
- Mời hai vị ngày mai lại đến trò chuyện.
Còn Nghê Nguyên Lộ, Trương Đại và Trương Ngạc thì ông ta lờ đi luôn.

Hoàng Tôn Tố liếc nhìn Trương Nguyên một cái, Trương Nguyên nói:
- Hay lắm, ngày mai vãn sinh lại đến nghe hai vị tiên sinh dạy bảo.

Trâu Nguyên Tiêu vê râu nói:
-Không dám chỉ dạy, hai vị đều là “hậu sinh khả úy”. Tối nay Lão phu và Cảnh Dật huynh đều chịu sự dẫn dắt của hai vị.

Trâu Nguyên Tiêu và Cao Phan Long đứng trên bậc cấp của Đông Lâm Tinh Xá, nhìn theo hai chiếc đèn lồng vàng vọt di chuyển trên nền tuyết, nhìn Trương Nguyên đi qua cây cầu nhỏ bắc qua Phán trì, đi ra cổng lớn. Đêm tuyết rơi gió lạnh, thần trí đột nhiên tỉnh ra, Cao Phan Long mở miệng nói:
- Nam Cao huynh, huynh thấy Trương Nguyên này là người như thế nào?

Trâu Nguyên Tiêu nói:
- Kinh tài tuyệt diễm, bất thế kỳ tài.

Tám chữ đánh giá mà Trâu Nguyên Tiêu dành cho Trương Nguyên quả là không còn gì hơn, Cao Phan Long cũng cảm thấy không hề quá, trầm mặc một lát, nói:
- Năm ngoái Lưu Tông Chu đến chơi, có nói rằng Trương Nguyên này có khả năng lĩnh hội hơn người, là mầm mống của kẻ đọc sách, hôm nay gặp mặt mới biết tiểu tử này không cam tâm làm một học trò đọc sách bình thường, mà có chí hướng trở thành một thần tử trị thế. Một thiếu niên mười bảy tuổi có được sự hiểu biết như vậy, thật là khiến người ta thán phục, đáng tiếc là Kính Dương tiên sinh đã không còn nữa, không thể tham gia buổi nói chuyện đêm nay.