Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 236-2: Không bất chính không giàu (2)




Trương Nguyên nói:
- Đương nhiên, thư cục Hàn Xã là thư cục lớn nhất, không chỉ ở Giang Nam mà còn cả triều Đại Minh này.

Trương Nguyên rất có tự tin với chuyện này, tự tin hơn cả việc hắn trúng cử thi hương sang năm. Hắn thuộc lòng thoại bản tiểu thuyết Minh Thanh, rất rành hứng thú đọc của người đương thời, Thư cục Hàn Xã không ra sách thì thôi, đã ra sách thì quyển nào cũng đắt.

Trương Nhược Hi cười hì hì nhìn đệ đệ của mình, tự tin, ung dung, khi nói sức cuốn hút rất lớn, nàng tin đệ đệ có thể thành công, nàng nói:
- Tiểu Nguyên, đệ mới mười bảy tuổi, vừa lập văn xã vừa lập thư cục, có khi nào ảnh hưởng đến nghiệp học không?

Trương Nguyên mỉm cười:
- Không dám để lỡ việc học, hai ngày nữa đệ phải đến Nam Kinh khổ học ở Quốc Tử Giám rồi. Mọi việc chủ yếu do Thạch Hương huynh lo liệu, với lại Lục thị không còn họa ngoài nữa, hàng vải hiệu Thịnh Mỹ hẳn sẽ khai trương sớm thôi.

Trương Nhược Hi vừa nghe thấy ba chữ “hiệu Thịnh Mỹ” thì mặt sáng lên, nàng nói:
- Mấy ngày nay tỷ để ý đặc sản các vùng của Tùng Giang, đồ thêu của trấn Hạ Sa, sợi kéo của Kim Sơn Vệ, vải nhuộm của trấn Chu Kinh và Phong Kinh, vải dệt Tam Lâm Đường, còn có phố gạo nức tiếng gần xa của trấn Chu Phổ. Nổi tiếng về muối thì có các trấn Tân Trường, Đại Đoàn, Bát Đoàn, Hành Đầu. Ngoài ra, tiệm vớ, tiệm giày, phường nhuộm, trạm giao dịch, thương nhân cũng không kém cạnh, nhưng phần lớn lại thuộc về bản xứ. Thương hiệu lớn như hiệu Thịnh Mỹ chúng ta mở đến Tô Châu, Hàng Châu, Nam Kinh là độc nhất vô nhị.

Trương Nguyên cười nói:
- Tỷ tỷ cũng mơ mộng viễn vông quá rồi, hiệu Thịnh Mỹ vẫn chưa đến đâu, sao lại nói là độc nhất vô nhị.

Trương Nhược Hi vừa thẹn vừa buồn nói:
- Tiểu Nguyên đệ đợi đó, không tới ba năm, hiệu Thịnh Mỹ nhất định nổi tiếng Giang Nam.

Trương Nguyên cười nói:
- Đệ tin đệ tin, tỷ tỷ luôn tài giỏi mà. Tỷ phu có nội trợ hiền như tỷ tỷ đây, hiệu Thịnh Mỹ nhất định tiền tài tấn tới, đệ cũng muốn nhập cổ phần với hiệu Thịnh Mỹ.

Trương Nhược Hi cười hỏi:
- Đệ ra bao nhiêu ngân lượng?

Trương Nguyên đáp:
- Ra bao nhiêu thì phải xem đại lễ mà Hoa Đình Đổng thị chuẩn bị cho đệ.

Mục Kính Nham tìm một cây khoan sắt, nạy hết ổ khóa của mười chiếc rương rồi lui đi.

Trương Nguyên mở một rương ra trước, từng thỏi bạc ròng đầy ắp, bên trong có giá gỗ năm tầng, mỗi tầng đặt hai mươi thỏi bạc, mỗi thỏi là hai mươi lượng. Có sáu rương bạc tương tự, tổng cộng có mười hai ngàn lượng bạc ròng. Trương Nguyên biết phú hộ cuối đời Minh thích tích trữ vàng bạc, một lượng lớn ngân lượng chảy vào những nhà này liền được cất giữ truyền lại cho con cháu, không còn được lưu thông nữa. Việc này khiến thị trường thiếu thốn bạc trắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế thương phẩm. Trong lúc vội vàng mà Hoa Đình Đổng thị có thể gom được mười lăm ngàn lượng bạc định mang đi, có thể thấy được họ giàu có đến mức nào. Ngoài ra, Đổng thị còn sở hữu một lượng lớn điền sản, cửa hiệu, du thuyền, một ngàn năm trăm lượng này chưa bằng một phần mười gia sản của họ.

Tổng cộng có mười chiếc rương, Trương Nguyên lại mở một chiếc, lần này kim quang lóa mắt, cơ man thỏi vàng chất đầy rương, mỗi thỏi mười lượng, có tám mươi thỏi, tính ra là một ngàn sáu trăm lượng vàng. Cuối thời Minh, tỉ suất đổi vàng bạc là một ăn tám, một ngàn sáu trăm lượng vàng bằng mười ba ngàn lượng bạc trắng.

Lúc này Trương Nguyên khó mà bình tĩnh, hắn nín thở mở thêm một chiếc rương, trong đó toàn là ngọc khí bọc lại bằng vải bông dày. Trương Nguyên lấy vài món ra xem, một cặp chén tử ngọc, một cặp bình ngọc san hô, một chiếc vũ thương (chén uống rượu có quai ở hai bên, đáy bằng) ngọc hoa, hai tượng Phật ngọc, trong rương còn có rất nhiều ngọc khí. Trương Nguyên không rảnh xem hết từng thứ một, liền nhờ Mục Chân Chân bọc lại mấy cái chén và bình ngọc đã lấy ra, cất lại vào rương. Hắn lại mở chiếc rương thứ tám, lần này là kim khí, có bình kim phi ngư, chén vàng tai tròn, chậu hoa kim phụng, v.v… Còn có không ít trang sức châu báu, đoán chừng cũng trên cả ngàn lượng vàng. Rương thứ chín, thứ mười chắc không phải kim ngân ngọc khí rồi. Hắn mở một chiếc, thấy thư tịch chất đầy bên trong, đều là cổ tịch quý giá, hai quyển “Phong tục thông” bản Tống, một bộ “Cảnh Đức truyền đăng lục” bản Tống gồm sáu quyển, bốn quyển “Tiềm Hư diễn nghĩa” bản Tống, năm quyển “Xuân Thu hoặc vấn” bản Tống…

Ngoài sách quý bản Tống, còn có không ít thư tịch bản Nguyên, như quyển “Trung dung tụ thuyết”, “Chu tử thành thư”,… của bản Nguyên, bên cạnh đó có vài bản chép lại.

Trương Nguyên biết sách bản Tống và Nguyên quý giá đến mức nào, nhất là ở hậu thế, kinh qua chiến loạn, sách thời Tống và Nguyên chỉ còn lác đác, chỉ có đơn bản. Vì vậy hắn nhất định phải giữ kỹ chỗ thư tịch và ngọc khí này, kế thừa văn hóa có khi còn quan trọng hơn cả sinh mạng.

Rương thứ mười cũng chỉ chứa thư tịch và một số văn cụ quý giá, nghiên mực cung Vị Ương, nghiên mực Thiên Thành của Tô Đông Pha. Còn có một hộp gỗ hoa lê, bên trong là xấp điền khế và phòng khế dày cộm, xem lướt qua thì phát hiện sáu trăm mẫu điền khế vườn dâu của Lục thị nằm trên cùng.

Trương Nhược Hi cầm lấy xấp điền khế rất dày lật xem, phát hiện rất nhiều khế thư không có xác nhận, nàng nói:
- Chỗ khế chứng của Đổng thị này hẳn là có không ít là do phản nô giao cho, cũng có thể do lừa gạt mà có, nhiều phần không hợp pháp lắm.

Trương Nguyên nói:
- Điền khế sáu trăm mẫu ruộng dâu cứ để Huyện hộ phòng bổ sung mới ổn, đống khế chứng để đệ giữ cho, sau này hẳn có chỗ dùng.
Trương Nhược Hi thốt lên:
- A, còn có nô khế bán thân.
Trương Nguyên vội nói:
- Xem có nô khế nào họ Tông không.

Hắn cầm lấy một xấp tỷ tỷ chia cho rồi lật từng trang, tìm thấy một tờ khế bán nam nô ký tên Tông lão bản. Giấy đã ngả vàng, hiển nhiên đã qua nhiều năm rồi, trên khế thư viết:
“Tam Lâm Đường Tông lão bản, nay con trai ruột là Tông Lộc, nhũ danh Lại Kiển, mười ba tuổi. Vì nhà nghèo, cơm không đủ no, tình nguyện phó thác đến phủ của Hoa Đình Đổng Kỳ Xương làm nô, được bạc bảy lượng tám tiền. Ngày lập khế ước đã giao đủ tiền, con trai phải nghe lời bạc chủ nuôi dưỡng thành người, cưới hỏi, cả đời sử dụng, nếu có bất trắc tôi sẽ thay thế. Con trai do tôi thân sinh, không hề có chuyện lai lịch bất minh, nay muốn có bằng cớ, lập văn khế cùng dấu tay của con trai để đối chiếu, ngày mười chín tháng hai năm Vạn Lịch thứ năm, Tông lão bản (ký tên), người chứng kiến Uông Quy Thọ (ký tên).”

Trong đống văn khế này, trừ văn khế bán con của Tông lão bản ra, hắn không thể tìm thấy nô khế họ Tông nào khác. Trương Nguyên sai Vũ Lăng ra ngoài viện hỏi tên cha của Tông Dực Thiện, không lâu sau Vũ Lăng quay lại, nói cha Tông Dực Thiện tên là Tống Lộc. Trương Nguyên nói vớ tỷ tỷ và tỷ phu:
- Tông Dực Thiện là con của gia nô, bản thân không có giấy bán thân, thế thì tiện rồi, đệ phải tạo một xuất thân khác cho Tông Dực Thiện.
Mười chiếc rương đã mở cái thì lóa ánh vàng rực, cái thì trắng ngời, châu quang bảo khí, đây chỉ là một phần nhỏ trong tài sản của Hoa Đình Đổng thị. Loại trừ kim khí, ngọc khí, vải và thư tịch đồ cổ ra, chỉ cần vòng vàng vòng bạc đã trị giá ba mươi ngàn lượng bạc trắng. Hoa Đình Đổng thị luôn keo kiệt, địa phương gặp thiên tai không chịu ra tiền. Có một lần là do Trần Mi Công đề xướng, Đổng Kỳ Xương miễn cưỡng đưa ra hai bức tự họa bán được tám mươi lượng bạc để cứu tế.

Năm Sùng Trinh cuối cùng, Lý Tự Thành công phá Đại Đồng, uy hiếp kinh kỳ. Sùng Trinh hạ lệnh bỏ Liêu Viễn, điều thiết kỵ Quan Ninh của Ngô Tam Quế vào bảo vệ kinh sư. Điều binh cần lương hưởng, nhưng kho hoàng cung và kho Thái Hộ bộ không còn đồng nào, bất đắc dĩ Sùng Trinh hạ chỉ dựa theo tước quan cao thấp mà quyên góp lương hưởng, song chỉ có mấy viên thái giám góp chút bạc, tuyệt đại đa số quan viên đều bủn xỉn không chịu vắt ra một đồng. Các thần Ngụy Đức Tảo chỉ quyên năm trăm lượng, Trần Diễn thì khóc lóc biện bạch mình thanh liêm, không có bạc để góp. Về sau quân nông dân tấn công Bắc Kinh, Ngụy Đức Tảo quy hàng đầu tiên, Trần Diễn hiến bốn mươi ngàn lượng bạc. Rất nhiều quan viên ban đầu không quyên một đồng, khi bị quân nông dân bức ép thì hở chút bỏ ra mấy chục ngàn lượng bạc, có thể thấy triều Đại Minh không hề thiếu tiền. Tiền trong tay tham quan ô hợp như ác hào Đổng Kỳ Xương một khi gặp thời, thiết nghĩ cũng không thua gì Ngụy Đức Tảo và Trần Diễn. Kẻ làm quan ở triều đại nào cũng thế, hà tất trung thành với một người, tâm thái như đám thân sĩ cuối thời Minh rất phổ biến, chỉ cần giữ được tính mạng và tài vật của nhà mình thì hưng vong của quốc gia, sinh tử trăm họ can gì đến chúng. Điều này có một liên quan nhất định đến chủ trương "bo bo giữ mình" của Thái Châu Học phái mà sản sinh ra trào lưu theo chủ nghĩa hưởng lạc, mà thế mạnh của Trương Nguyên là biết lịch sử, có chí cứu quốc, tất nhiên phải nắm rõ khoản tài lực kếch xù của mình, hắn lập tức nói:
- Tỷ tỷ, tỷ phu, liệu đệ có thể góp vốn nhập cổ với hiệu Thịnh Mỹ được không? Đệ ra mười ngàn lượng.

Trương Nhược Hi nhìn Lục Thao, Lục Thao nói:
- Nếu không có Giới Tử, Lục thị ta lần này thất bại thảm hại rồi, có cho Giới Tử một nửa gia sản này cũng là chuyện nên làm.

Trương Nguyên vội nói:
- Tỷ phu huynh đừng nói vậy, lẽ nào đệ không nên giúp tỷ phu tỷ tỷ sao!
Lục Thao nói:
- Đừng nói nữa, hiệu Thịnh Mỹ Lục thị ta và Trương thị mỗi bên một nửa, đệ không cần bỏ ra mười ngàn lượng, chỉ cần diệu kế kinh doanh lần trước của đệ cũng đáng vạn kim rồi.