Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 231-2: Lửa thiêu Đổng hoạn (3)




Đương nhiên là nếu như trước cửa phủ không có đám người Ngô Huyền Thủy thì chắc chắn rằng tên nô bộc kia vừa được cứu ra cũng sẽ bị Đổng Kỳ Xương sai người ném y trở lại biển lửa.

Ngọn lửa thiêu Đổng phủ tây viện được dập tắt, cũng may là nhờ có trận mưa hôm qua, khiến cho ngọn lửa lan chậm, nếu không thì Đổng phủ sẽ bị thiêu rụi chẳng còn thứ gì, mà lại còn liên lụy đến cả những nhà xung quanh.

Hoàng Quốc Đỉnh nhìn thấy lửa cháy ở Đổng phủ, bèn lập tức sai người đi bắt bọn Trương Nguyên, nhưng lại không bắt được gì. Cùng lúc đó mới hay tin Ngô Huyền Thủy, Lưu Đồng Tri và một nhóm chư sinh đi tới Đổng phủ, ông ta mới ngộ ra sự việc đã bị bại lộ, tức giận tột cùng, lần này thì đúng là tức giận mà đổ bệnh.

Dân chúng Hoa Đình không đốt Đổng hoạn, cũng không cướp bóc Đổng hoạn, nhưng Đổng hoạn đã hoàn toàn bị hủy hoại rồi, danh tiếng của Đổng Kỳ Xương đã bị bôi thối. Đổng Kỳ Xương thường ngày đối với những người tới xin họa của lão chỉ cần gửi cho lão nhuận bút hậu hĩnh, lão sẽ đều không từ chối. Tất nhiên đại bộ phận trong số đó đều là gia nô của lão thế bút. Nhưng hiện tại thì ở Tùng Giang phàm nhà nào có họa của Đổng Kỳ Xương thì hoặc là nhanh chóng thu cất lại, hoặc là tự thiêu hủy, không dám công khai tự hào treo bày, nếu khống sẽ bị người khác cười nhạo. Trên đường phố những cửa hàng có biển hiệu là bút tích của Đổng Kỳ Xương thì phải nhanh chóng gỡ xuống, nếu không sẽ bị người khác ném đá cho vỡ tan. Tọa Hóa Tự phía đông thành có bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện” treo ngay trước chính điện là bút tích của Đổng Kỳ Xương. Ngày hôm đó từ sáng sớm đã có một kẻ nhàn rỗi lấy đá ném vào tấm hoành phi. Đến nỗi hòa thượng sợ quá bèn tự bắc thăng lên gỡ bức hoành phi xuống, tên nhàn rỗi đó đập nát bức hoành phi, nói đó là “Đập nát Đổng Kỳ Xương”. Thực ra tên nhàn rỗi đó chẳng có thù oán gì với Đổng thị, mà chỉ là hiện tại đang có một phong trào đánh đổ Đổng thị, nên tên nhàn rỗi đó chắc chắn là không tự cho mình lạc hậu được.
Sáng sớm ngày hai mươi tháng năm, Trần Kế Nho cưỡi nai sừng tấm (<a href="http://baike.baidu.com/view/300019.htm" target="_blank">http://baike.baidu.com/view/300019.htm) đến Hoa Đình thăm bạn cũ Đổng Kỳ Xương, nữ đồ đệ Vương Vi cũng đi theo cùng. Chạng vạng tối qua ở Đông Xa Sơn, Trần Kế Nho đã được nghe kể chuyện Đổng Kỳ Xương bức tử tú tài Phạm Sưởng, Trương Nguyên dẫn đầu đám chư sinh đến Đổng phủ đòi công lý, lại có đến hàng nghìn bách tính đến vây quanh Đổng phủ, mưa to cũng mặc nhất định không chịu giải tán. Cuối cùng thì Đổng Tổ Thường và Đổng Tổ Nguyên bị dẫn trói giải đến công đường. Trần Kế Nho kinh ngạc vô cùng, mới trước đó một hôm thôi Trương Nguyên vẫn còn ở đây đánh cờ, xem mẫu chữ khắc bia cùng ông ta, vậy mà ngày hôm sau đã gây ra chuyện lớn như vậy!

Còn về chuyện đêm nay Đổng thị bị thiêu rụi nhà cửa thì Trần Kế Nho vẫn chưa được biết, đến khi vào huyện thành Hoa Đình rồi mới được nghe nói, khắp thành đang bình luận về Đổng Kỳ Xương. Trần Kế Nho thường ngày hành thiện tích đức, được người người ngợi khen, rất được dân chúng tôn trọng, nhưng hôm nay vào thành rõ ràng cảm nhận được thấy những ánh nhìn khác lạ. Có một người quen cũ bước tới nắm chặt dây cương của con nai sừng tấm nói:

- Mi công, chúng ta nói chuyện một chút nhé.

Trần Kế Nho bước xuống cùng với cố nhân tới gốc cây bên đường nói chuyện, người đó hỏi:

- Mi công đi thăm Đổng Kỳ Xương phải không?

Gọi trực tiếp tên của người khác là rất bất kính, Trần Kế Nho chau cặp mày dài đáp lại:

- Đúng vậy.

Người đó bèn nói:

- Mi công không biết những tội lỗi mà cha con Đổng thị đã gây ra hay sao? Mi công cao phong lượng tiết, sao lại có thể cùng hàng ngũ với Đổng hoạn được, tuyệt đối không nên đi, Mi công hãy xem cái này đi:

Người đó đưa cho Trần Kế Nho một bản “Thư họa khó luận tiếng lòng” chép tay.

Trần Kế Nho xem cuốn “Thư họa khó luận tiếng lòng”, cặp lông mày dài chuyển động liên hồi, rồi hỏi:

- Bản này là do ai viết vậy?

Người đó nói:

- Nghe nói là do Tiểu Tam Nguyên Trương Giới Tử vùng Sơn Âm viết, nhưng không biết thực hư ra sao.

Vương Vi đạo quan vải bào, không quá trang hoàng nhưng xinh đẹp chẳng gì sánh được, nghe nói bài văn này là do Trương Nguyên viết thì bèn đến xem, nét mặt vô cùng ngạc nhiên.

Người quen cũ của Trần Kế Nho còn kể lại chuyện hôm qua cùng với chuyện nửa đêm Đổng Kỳ Xương phóng hỏa đốt nhà hòng vu oan cho chư sinh một cách rành rọt. Trong lúc người đó kể có đến vài người bước tới vây quanh, bọn họ đều mắng nhiếc Đổng Kỳ Xương, yêu cầu Mi công không nên qua lại với tên ác quan đó nữa, phải cắt đứt mọi quan hệ mới đúng, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Mi công.

Trần Kế Nho thản nhiên nói:

- Tình bạn hơn bốn mươi năm, sao lại không đi thăm hỏi cơ chứ?

Biểu ý cho mọi người giãn ra, Trần Kế Nho đi ra khỏi đám đông, người hầu đằng sau dắt con nai sừng tấm, và còn cả mấy người Vương Vi cũng đi theo đằng sau.

Đến trước cửa Đổng phủ, chỉ nhìn thấy cửa đóng chặt, gõ cửa một hồi cũng không có người ra mở cửa. Trần Kế Nho đi đi lại lại trước cửa không chịu về, miệng nói nhỏ:

Hiểu giác hàn thanh tán liễu đê,

Thiên lâm tuyết sắc áp chi đê.

Hành nhân bất đáo hàm đan đạo,

Nhất chủng yên sương dã tự mê

(Tạm dịch: Tiếng kèn báo sáng vọng bờ đê đầy liễu. Nghìn cây tuyết trắng nặng trĩu cành. Người đi không đến Hàm Đan đạo, Một làn khói trắng cũng làm người tự say.)

Vương Vi biết đó chính là đề họa thơ của Đổng Kỳ Xương, cô có thể cảm nhận được thương cảm của Mi công. Mi công và Đổng Kỳ Xương đã là bạn thư họa, bạn thư pháp hơn bốn mươi năm, hôm nay đột nhiên biết được nhưng hành động ác độc của Đổng Kỳ Xương nhiều như vậy, đó rốt cục là do đám người Trương Nguyên bày đặt hãm hại, hay thực chất Đổng Kỳ Xương là con người như vậy? Hoặc giống như Trương Nguyên đã nói trong “Thư họa khó luận tiếng lòng”, trong thư họa là một Đổng Kỳ Xương, tham tài háo sắc, tâm địa bất lương lại là một Đổng Kỳ Xương khác, có thật là như vậy không?

Một hồi lâu, Trần Kế Nho cưỡi lên lưng con nai rồi nói:

- Về thôi.

Con nai đi được vài bước, Trần Kế Nho ngoái đầu hỏi Vương Vi:

- Vương Vi, con có cần ngồi kiệu không?

- Không cần, chân của đệ tử rất khỏe.

Vương Vi đi nhanh vài bước, đi bên cạnh con nai.

Toán người rời khỏi huyện thành Hoa Đình, chậm rãi đi theo hướng Đông Xa Sơn, Trần Kế Nho ngồi trên lưng con nai yên lặng không nói, Vương Vi cuối cùng không kìm nổi nữa, bèn hỏi:

- Đổng Hàn lâm mắc phải nạn này, Mi công thấy thế nào?

Trần Kế Nho không đáp, đợi một lát mới từ tứ nói:

- Nhược phi bễ nghễ càn khôn,

Định thị lưu liên quang ảnh,

Bán biều bạch tửu sơ tỉnh,

Nhất cuốn hoàng đình cao chẩm.

Vương Vi trộm làm cái mặt xấu, trong lòng nghĩ: “Mi công đây là suy nghĩ mọi bề mà nói giúp lão, nhưng Mi công không đấu tranh cho Đổng Hàn lâm, có lẽ là Mi công cũng nhận định rằng Đổng Hàn lâm thật có điều sai trái, chỉ là vì nghĩa tình bạn bè mà không bình luận thôi.”

Xa Sơn đã hiện ra trước mắt, Trần Kế Nho thở phào nhẹ nhõm hỏi:

- Vương quan, tên Trương Nguyên đó xem chừng đã giải quyết xong mọi việc, tới đây sẽ tới Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, con có còn muốn đi cùng hắn không?

Vương Vi sắc mặt ửng hồng, diễm lệ như hoa đào nói:

- Mi công đang nói gì vậy, đệ tử chỉ là ngồi cùng thuyền thôi, làm gì có chuyện đi cùng hắn ta.

Trần Kế Nho nói:

- Trương Nguyên người này tâm cơ khó lường, tuổi còn nhỏ nhưng đã tàn nhẫn như vậy, không cùng một đường với chúng ta, đạo bất đồng bất tương vi mưu. Vương Vi con không nên bị cuốn vào, đó đối với con là họa phi phúc, con là đứa con gái, hãy luyện cho thành thạo cầm kỳ thi họa rồi tìm một người hiền lành mà kết tóc xe duyên, cuộc đời như vậy là đủ đầy.

Vương Vi cúi đầu “Vâng” một tiếng, nhưng trong lòng lại không nghĩ như vậy.

Sáng sớm khi Trần Kế Nho và Vương Vi đến Hoa Đình, Trương Nguyên vẫn còn nằm ngáy khò khò ở khách điếm Vũ Hạc, hắn thực sự đã quá mệt mỏi. Hắn lo lắng suốt một ngày đêm, đến tận bây giờ mới có thể yên lòng ngủ ngon, tiếng pháo khi xa khi gần cũng khó mà đánh thức được. Đa phần dân chúng đều hùa theo, có nhà đốt pháo chúc mừng cha con Đổng thị rớt đài, thấy vậy các nhà lân cận cũng nháo nhào bắt chước, tựa như khắp nơi đều giẫm đạp những tấm biển do Đổng Kỳ Xương viết. Phong khí hôm nay chính là phải đốt pháo như đón giao thừa, song tình cảnh hỗn loạn bát nháo đó không liên quan gì đến Trương Nguyên. Hắn đang đắm chìm trong mộng đẹp, tiếng pháo dẫn dắt hắn trở về thời thơ ấu, hình bóng người thân qua lại như đèn kéo quân. Ký ức hai kiếp tuy giao hòa lẫn lộn nhưng bầu không khí ấm áp, háo hức chờ đợi đó không hề có chút khác biệt, vì vậy hắn ngủ rất bình yên.

Mục Chân Chân không quen ngủ ban ngày, nàng chỉ ngủ hơn một canh giờ thì đã tỉnh giấc. Lúc này là cuối giờ Thìn, mặt trời đỏ treo cao trên đỉnh, trong khách điếm lại vắng tanh không ai qua lại, chư sinh và kẻ hầu của họ vẫn còn an giấc nồng. Khách điếm Vũ Hạc đã được ba huynh đệ Trương thị bao hết, vì vậy không có ai khác bước vào.

Mục Chân Chân tìm đến giếng nước ở hậu viện khách điếm để xách nước rửa mặt. Nàng còn muốn giặt giũ y phục mà thiếu gia cùng cha nàng thay ra tối qua, vừa đến hậu viện thì thấy phụ thân Mục Kính Nham đã dậy từ sớm. Ông ở trần, tóc buộc cao lên, tay cầm cây sào múa máy phát ra tiếng xé gió vun vút như đại thương.