Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 146: Trương Tùng đùa cợt Tào Man




Lục Thao biết Trương Nguyên không phục Phạm Văn Nhược ỷ thế khinh người, Phạm Văn Nhược cũng quả thật quá vô lễ, “dùng văn kết bạn” thế mà ngay cả bài chế nghệ của y cũng không chịu nghe hết, đã vội vàng buông lời chế giễu.

Lục Thao vốn tính tình ôn dịu lần này gặp chuyện cũng thấy không vui, chỉ là sao Trương Nguyên lại nói bài chế nghệ của Phạm Văn Nhược –Phạm cử nhân lại giống với bài bát cổ của tiền bối nhỉ? Lần này không xong rồi, hẳn sẽ gây đại họa.

Nếu Trương Nguyên không nói cho rõ ràng, chắc chắn nó sẽ bị còng đầu lên quan, tội sỉ nhục tiền bối, coi thường uy nghiêm khoa cử triều đình, Trương Nguyên chắc chắn bị đòn vì tội này, nếu vậy y biết giao phó với thê tử Nhược Hi ra sao đây, ơ, Nhược Hi đâu rồi?

Lục Thao quay đầu nhìn về phía vườn hoa Thược Dược, chẳng trông thấy bóng dáng Trương Nhược Hi và Mục Chân Chân đâu cả, chắc đi cúng Thủy Tiên ở điện thờ rồi, trong lòng Lục Thao nôn nóng vô cùng, đứng dậy chắp tay nói:

-Phạm Huynh, vị tiểu đệ này của ta tuổi còn nhỏ, mong….

Phạm Văn Nhược quát lớn:

-Tuổi nhỏ thì có thể phỉ báng tiền bối à?

Chợt nghe tiếng Trương Nguyên nói:

-Xin Phạm cử nhân và chư vị nhân huynh nghe kỹ nhé, tại hạ bắt đầu đọc “ Đại úy dân chí'” trong cuốn “《 Khả nghi đường thì văn bát bách đề” đây:

-Đắc tư chí chi sở tự, tức tụng khả dĩ ngộ bản dã,

Cái dân chí nhi chí vu đại úy, tất hữu kỳ sở dĩ úy giả tại dã.

Thử tuy vi tụng ngôn chi hồ, nhi tri bản chi đạo, dĩ bất ngoại thị. “

(Dân chí ơ đây là lòng dân lòng người, đại úy dân chí, nghĩa là người làm quan phải lấy được lòng dân, lấy được lòng dân coi như đã có được căn cơ vững bền.

Có được lòng dân thì mới có quan tồn tại, đạo lý này là bất biến.

Tố tụng có thể giúp ngộ ra căn cơ, từ trong việc nghe tố tụng có thể phân biệt thị phi, nguyên do. Để từ đó tìm biện pháp không để tố tụng xảy ra nữa.)

Phạm Văn Nhược cười lạnh nói:

-ha ha…Phá đề, Thừa đề chẳng khác chữ nào so với bài của ta cả, hứ, ngươi nhớ được coi như ngươi hay, nhưng hôm nay cho dù ngươi đọc ra cả bài chế nghệ của ta đi nữa, ta cũng không tha cho ngươi đâu!

Trương Nguyên nói:

-Vội gì chứ, nghe tiếp đã, xin chú ý nghe hai vế phía sau, tiểu vế và đại kết phía sau, những chỗ này có sự khác biệt hết sức rõ ràng, hơn nữa còn thông tình đạt lý, rõ ràng trôi chảy hơn bài của Phạm cử nhân nhiều.

Phạm Văn Nhược tức tới răng nghiến nhau ken két, gật đầu nói:

-Ngươi đọc, đọc đi.

Trương Nguyên hơi nâng cao giọng, đọc tiếp:

-Cho nên thực hiện “ đại úy dân chí”, mục đích là để dân không tố tụng, hiểu đạo lý. Việc thẩm án cốt lõi là để tìm hiểu nguyên nhân, làm sao cho tố tụng không tái xuất hiện, dân chúng nể sợ kính phục, từ đó ta có “đại úy dân chí”, cũng giống như việc bóc thuốc, phải làm cách nào cho dứt bệnh, bệnh nhân phải tự rèn luyện để không tái bệnh, đó chính là “căn cơ” của người làm quan, hay gọi là “bản”. Nói cho cùng, cũng chính là vấn đề giáo hóa và trị lý, người dân có tư tưởng giáo dục tốt, đạo đức khá sẽ tự tránh kiện tụng. Đây cũng là người “tri bản” .

Tuy nhiên, người đời cầu “bản” cũng không thể bỏ qua “mạt”, người thầy thuốc bóc thuốc trị bệnh chính là “mạt”, ngoài giáo hóa thì “mạt” là quan trọng. Tu thân là “bản”, tề gia, trị quốc bình thiên hạ là “mạt”.

Khổng tử nói “vật hữu bản mạt, sự hữu thủy chung”, quan hệ giữa “bản mạt”, cũng như quan hệ “nhân quả” vậy. Vì thế nếu không có tố tụng, thì không thể tận minh đức, không thể kiểm điểm hoàn thiện giáo hóa. Nghe tố tụng chính là đủ tìm rõ căn nguyên sự việc, nắm lấy căn cơ.

Sau khi đọc xong, Trương Nguyên chắp tay với chư vị sơn phòng xã Phật Thủy, nói:

-Bài “đại úy dân chí” của Phạm cử nhân, chư vị nhân huynh hẳn là đọc thuộc, tự có thể phân biệt đúng sai, hai đoạn kết của bài ta vừa đọc, khác xa so với bài của Phạm cử nhân, hai vế sau và đại kết của Phạm cử nhân là:

Tri bản tắc bản chi tự toàn giả, kỳ thủy chung vô bàng lạc nhi chung tất vô thiên cử chi tệ hĩ, bất canh ngôn thủy chung hĩ; tri bản tắc bản chi tiệm trí giả, kỳ tiên vô lăng tiết chi thi, kỳ hậu tất vô nghịch chí chi ứng hĩ, bất canh ngôn tiên hậu hĩ

(“Tri bản” là người đó phải tự hoàn thiện học vấn bản thân mình, lúc bắt đầu không nản chí mà đến cuối cùng không được mắc bệnh khoa cử, đây là có trước có sau; “tri bản” là người tự hoàn thiện đạo đức, lúc bắt đầu không được làm trái với lễ giáo, sau đó không được trái với phép nước. )

-Chư vị, Phạm cử nhân, tại hạ không bỏ sót chữ nào chứ hả?

Trong đình Thương Lãng yên lặng như tờ, mọi người đều kinh ngạc đến ngẩn ngơ, tất cả họ đều đang nghĩ:

-Chẳng lẽ bài chế nghệ thi hương của gã Phạm Văn Nhược chính là “hàng nhái” thật ư?

Lục Thao thì vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, Trương Nguyên quả nhiên có chứng cứ, bỗng nghe thấy bên ngoài đình có người ho khan một tiếng, tiếng ho khan này khá quen thuộc, Lục Thao quay đầu nhìn ra, thấy vợ mình Nhược Hi và Mục Chân Chân hai người đang đứng dưới một bồ hòn ở ngoài, thấy y nhìn qua, Nhược Hi khẽ vẫy tay gọi.

Lục Thao đứng dậy, đang tính bước ra ngoài thì nghe Trương Nguyên lại lên tiếng nói:

-xin chư vị phân tích kỹ sự khác biệt của hai bài chế nghệ này.

Mọi người vẫn trầm lặng không lời, ai nấy đều đưa mắt nhìn nhau, xong lại quay ra nhìn Phạm Văn Nhược.

Gã Phạm Văn Nhược kia thì lúc này mặt đã đỏ như trái gất, gân xanh gân đỏ nổi cả lên, bàn tay đang cầm quyển sách cũng bắt đầu run lên bần bật, gã khổ luyện thời văn, văn chương khá dở gã đều phân biệt ra được,đề “đại úy dân chí” trong “Đại học”, trong bài chế nghệ của gã bám xác vào lấy đức làm “bản”, trị làm “mạt”, tự cho rằng mình đã phát huy triệt để, không bỏ sót ý nào, nhưng hai vế sau của Trương Nguyên đọc ra lại phát huy được ý tưởng khác đó là “tố tụng”, rõ ràng trên gã một bậc, ranh giới phân minh, khai thác cái tuyệt diệu trong văn chương một cách triệt để, nhìn từ góc độ cả bài viết, trước sau đều tương đồng, nhưng phần sau của hai bài lại khác nhau, mà chỗ khác nhau đó lại cao thâm hơn bài của gã.

-Sao lại thế? Sao có thể được!

Gặp phải đả kích lớn như vậy, Phạm Văn Nhược mất hồn mất vía, bối rối vô bờ, xưa nay gã luôn tự phụ về tài chế nghệ của mình, lần này trước mặt bao vị Thanh Phổ, chính là muốn khoe khoang chế nghệ của mình, lấy tài phục nhân, từ đó biến xã Thanh Phổ trở thành Sơn Phòng Xã Phật Thủy.

Điều khó ngờ là bài mình đọc ra lại trùng khớp với bài chế nghệ của tiền bối năm Chính Đức, hơn nữa bài xưa còn cao minh hơn bài của gã một chút, cú sốc này khiến Phạm Văn Nhược nhất thời bối rối chẳng biết làm sao, vừa oan uổng vừa thất vọng, khí thế kiêu ngạo xem thường chư sinh ban nãy cũng biến mất không một dấu tích, môi rung lắp bắp, không biết nói gì cho phải….

Hứa Sĩ Nhu, Tôn Triều Túc, Vương Hoán Như ba người đều cảm thấy hơi mất mặt, như ngồi trên đống lửa, không biết có nên rời khỏi chỗ này nhanh lẹ hay không?

Dương Thạch Hương, Viên Xương Cơ đều vô cùng kinh ngạc, nếu Phạm Văn Nhược thật sự có sao chép, thì đây quả là chuyện đáng xấu hổ, còn nếu không phải, thế thì rốt cục chuyện gì đang xảy ra?

Dương Thạch Hương thấy không khí ảm đạm, liền chuyển chủ đề nói:

-Phạm huynh, chư vị, thiết nghĩ đây chỉ là một buổi gặp mặt giao lưu, đề Tứ thư nhiều như vậy, người thời nay đồng quan điểm với bậc tiền bối cũng không phải không có khả năng.

Lục Thao nhanh chân bước ra khỏi đình, đi xuống hòn non bộ, Trương Nhược Hi khẽ cười nói:

-Vừa rồi suýt nữa là thiếp bị người nhà Dương tú tài đánh rồi…..

Lục Thao kinh sợ hỏi rõ ngọn nguồn, Trương Nhược Hi trình bày sự việc xong, lại hỏi :

-Đám người trong đình đều nhìn chằm chằm vào tiểu Nguyên làm gì vậy?

Lục Thao liền thuật lại chuyện đang xảy ra trên đình, nói:

-《 khả nghi đường thì văn bát bách đề 》, quyển sách này nàng có nghe qua chưa Nhược Hi, bộ sách này trong nhà nàng ở Sơn Âm có không?

Trương Nhược Hi lắc đầu nói:

-Không có, tiểu Nguyên vài năm trước căn bản không chịu khó học hành, lúc đó nó đâu lớn được bao nhiêu, chuyện này hẳn là nó đang giễu cợt Phạm cử nhân kia đó.

Lục Thao ngạc nhiên nói:

-Trương Nguyên có thể đọc thuộc bài chế nghệ của Phạm cử nhân là thế nào nhỉ?

Mục Chân Chân nãy giờ im lặng nghe hai người nói chuyện, lúc này mới lên tiếng nói:

-Đại tiểu thư, Cô gia, thiếu gia cực kỳ thông minh, nghe qua một lần là nhớ ngay, mắt thiếu gia không tốt, nên người thuê người đến nhà đọc sách cho mình nghe, một quyển sách thật dày, nghe qua là thiếu gia nhớ như in.

-A

Trương Nhược Hi kinh ngạc nói:

-Sao ta không biết nó có bản lĩnh này nhỉ?

Mục Chân Chân nói:

-Là mùa hè năm rồi thiếu gia bị bệnh đau mắt, không tiện đọc sách, nên mới mời người đến đọc sách cho mình nghe, bản lĩnh nghe qua là nhớ của thiếu gia, cũng được luyện thành từ đấy.

Trương Nhược Hi nhìn phu quân Lục Thao, vui mừng nói:

-Thì ra là vậy, trong phúc có họa mà, chẳng lẽ tiểu Nguyên học vấn tiến bộ nhiều đến thế ư, sách dài vậy mà nghe qua là nhớ, thật có tài.

Lục Thao cười nói:

-Giới Tử đây là Trương Tùng cợt Tào man, nhưng còn khó hơn chuyện Trương Tùng cợt Tào Man nhiều, không những phải nhớ dai, mà còn phải cải biên nữa.

Trương Nhược Hi vội hỏi:

-Cải biến ra sao?

Lục Thao nói:

-Hơn hẳn nguyên văn một bậc.

Trương Nhược Hi vui mừng khôn xiết , nói:

-Để xem Phạm cử nhân hạ đài ra sao!

Cùng Mục Chân Chân tiến gần đình Thương Lãng, nghe những người trong đình nói chuyện, Lục Thao thì quay về trong đình.

Trương Nguyên vốn không có ý gây sự, truy hỏi Phạm Văn Nhược đến cùng, nên hắn quyết định chỉ phụ họa cho Dương Thạch Hương nói:

-Dương Huynh nói không sai, đề Tứ Thư nhiều như vậy, Thánh nhân đại đạo cũng như nhật nguyệt trên trời, ai có thể nhìn rõ được chứ, nếu thánh nhân đã viết từ trước, người đời sau làm theo, có ý trùng khớp cũng là chuyện thường tình, chẳng có gì lạ.

Trương Nguyên chính là muốn bẽ cong ngạo khí của Phạm Văn Nhược, hắn không có ý dồn người vào đường cùng.

Phạm Văn Nhược nghe Trương Nguyên nói vậy, sắc mặt hòa hoãn một chút, ngượng ngùng nói:

-Thật sự có chuyện kỳ lạ như vậy ư, Phạm mỗ thật lấy làm xấu hổ.

Hỏi Kim LangThanh và Hứa Sĩ Nhu có từng xem qua quyển “Khả Nghi Đường thời văn bát bách đề” chưa?

Đám người Kim, Hứa đều tỏ ra hổ thẹn, kiến thức nông cạn, chưa từng đọc qua.

Chính vào lúc này, đột nhiên bên ngoài đình có tiếng cười lanh lảnh:

-Năm chàng xã phòng sơn Phật Thủy thật nực cười, lại bị một chàng thiếu niêm đùa bỡn trong tay, ha ha…buồn cười, buồn cười!

Chư vị trong đình đều ngoái đầu nhìn lại, chỉ thấy một chàng thanh niên tầm 24,25 tuổi, mặt thanh mày tú, phong thái thoát tục, cũng vận bộ đồ màu xanh, hẳn là có công danh, khẩu khí lại không nhỏ, lên đến đình thì chắp tay với mọi người xung quanh.

Dương Thạch Hương chắp tay hỏi:

-Vị huynh đài này sao có thể vào được trong văn miếu?

Y đã căn dặn người trông coi miếu không được cho người ngoài vào trong.

Chàng thanh niên trẻ tuổi mỉm cười đáp:

-Cho người trông miếu vài phân tiền, nói cũng đến tham gia hội văn, thế là vào được chứ sao?

Kim LangChi nói:

-Huynh đài nói năm người bọn ta bị Trương công tử đùa giỡn ư, lời này ý gì đây?

Chàng thanh niên trẻ tuổi này hiển nhiên đã đứng xem khá lâu, cười nói:

-Tuy nói văn bát cổ quan trọng, nhưng chẳng lẽ các vị chưa từng đọc qua “Tam quốc diễn nghĩa” sao? Chẳng hay có biết chuyện Trương Tùng người thục đùa bỡn Tào Tháo, Tào Tháo khoe sách binh mình tự thảo với Trương Tùng, Trương Tùng đọc qua một lượt, lại nói là người vô danh chiến quốc biên soạn, đứa trẻ 6 tuổi nước Thục cũng có thể đọc thuộc làu làu, nói rồi liền đọc thuộc trước mặt Tào Tháo, Tào Tháo cũng tưởng thật cho rằng sách mình biên trùng hợp với người xưa, trong lúc nóng giận đem binh sách đốt trụi, sau này mới biết mình đã mắc lừa Trương Tùng, bởi vì Trương Tùng kia có tài nhìn qua là nhớ. Vị Trương công tử này có trí nhớ cực mạnh có thể nói là Trương Tùng tái thế đó, tuy nhiên nếu Trương Tùng năm xưa có tuổi trẻ anh tuấn như Trương công tử đây, thì Tào Tháo đâu có xem thường ông ta, chắn chắn đã phong ông ta làm “thượng tân” rồi, ha ha ha…

Lục Thao thầm gật đầu, gã thanh niên trẻ tuổi này rất có mắt nhìn người.

Không khí trong đình Thương Lãng lập tức náo nhiệt trở lại, đầu óc của gã Phạm Văn Nhược vẫn đang quay vòng vòng, hỏi:

-Cho dù gã nghe qua một lần là nhớ, nhưng tại sao hai vế sau lại khác xa so với bài của ta?

Chàng thanh niên trẻ lắc đầu tán thưởng nói:

-Tài nghệ của Vị Trương công tử này thật hiếm thấy, trước tiên ráng ghi nhớ bài chế nghệ của Phạm huynh, sau đó phát huy cải biến, sau đó đọc ra lanh lảnh, thế là Phạm huynh mắc lừa Trương công tử rồi.

Lại nói:

-Phạm huynh không biết sao, tổ tiên của vị Trương công tử này chính là trạng nguyên Long Khánh năm thứ năm, bát học uyên thâm lắm đấy.

Trương Nguyên thầm cảm thấy kì lạ, người này là ai, tại sao lại hiểu về hắn đến như vậy?