Lạn Kha Kỳ Duyên

Chương 65: Mỹ tửu cõi tiên niềm ưa thích, Hoa Điêu trần tục thú đam mê




Dịch: Cua Đá

Biên: Chưa Biên Bạch Ngọc Sách cô nương

***

Từ xưa tới nay, Rồng vốn là biểu tượng của dân tộc Trung Hoa. Dẫu cho ở thế giới này vị thế loài rồng không sánh được với kiếp trước của hắn thì y phục của vua một nước vẫn là long bào, bởi vậy, chữ "long" vẫn mang ý nghĩa cực kỳ đặc biệt.

Vào lúc này, nếu nói Kế Duyên không khẩn trương sẽ là nói dối. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, dù nội tâm hắn hưng phấn kịch liệt thì phản ứng cơ thể hắn vẫn hoàn toàn bình thường. Dường như trong câu chuyện trà dư tửu hậu trước đó, Kế Duyên đã có những suy đoán và chuẩn bị tâm lý nhất định. Hoặc cũng có thể vấn đề này đã tác động đến suy nghĩ của hắn.

Thực ra "Ngoại đạo truyện" không ghi chép lại điển tích này, lại càng không nhắc gì đến việc loài rồng tạo ơn mưa móc hai trăm năm ở Kê Châu vì bách tính. Tuy Kế Duyên không biết lão già này đã đọc hết nội dung cuốn sách chưa, nhưng suy cho cùng thì nội dung “Ngoại đạo truyện” và tư tưởng của tác giả cũng chẳng mâu thuẫn hay liên quan gì nhiều với chuyện rồng làm mưa ở Kê Châu cả.

Lão hỏi vậy là cần sự công nhận ở hậu thế sao?

Gìn giữ Kê Châu mưa thuận gió hoà không quá khó khăn, vì thời tiết vốn thay đổi theo quy luật tự nhiên. Chỉ cần không gặp tình huống bất thường thì tiết khí sẽ đến như trời giáng cam lộ. Hiếm gặp là ở chỗ đảm bảo không có các biến số ngoài ý muốn như đại hạn, duy trì mưa thuận gió hoà đều đặn hai trăm năm.

Kế Duyên thầm nghĩ, để làm được việc này e rằng mỗi năng lực phun mưa đơn giản thì không thể hoàn thành.

Lời khích lệ đầu môi chẳng hề khó nói, cũng chẳng hiếm gặp. Lão ấy chỉ muốn nghe mình vuốt đuôi lấy lệ sao? Kế Duyên cảm thấy, dường như đây là khúc mắc, là cái gai trong lòng lão Giao này.

Nhưng có lẽ bởi lão già trông rất ôn hoà lại minh mẫn biết phân rõ trái phải, hoặc có lẽ bởi sức nặng của từ “Long” trong lòng người Hoa, Kế Duyên sau khi kích động thì nội tâm cũng cuộn sóng. Hắn nhìn không chớp mắt vào lão già bằng đôi mắt xám trắng chẳng thấy nhãn cầu rồi trả lời chẳng chút ăn nhập gì với câu hỏi.

- “Kế mỗ hết sức kính phục việc y bảo hộ một cõi mưa thuận gió hoà tận hai trăm năm, lại càng cao hứng khi thấy y ra tay hành thiện. Nhưng nếu ba trăm năm trước ta gặp gỡ con Ác Giao kia lúc nó gây hoạ, mà ta đủ khả năng trấn áp thì sẽ chém chết không tha”.

Lão giả nhíu mày híp mắt, khóe miệng phảng phất có dòng khí màu trắng phun ra.

- “Vậy tiên sinh có cho rằng, công đức tích suốt hai trăm năm có thể bù trừ với hoạ hồng thuỷ năm xưa chăng?”

Giọng điệu và thần thái của lão ta khiến tim Kế Duyên đập thình thịch. Dù lão không hề phóng ra chỉ lực nào nhưng cảm giác bức bách tràn ngập lòng hắn nặng tựa ngàn cân.

Xem ra không thể trông mặt mà bắt hình dong được rồi, bên ngoài coi bộ thân thiện dễ nói chuyện chứ thực ra cũng “gắt” lắm nha.

Nếu ban đầu Kế Duyên nghi ngờ con Li Giao đi gây hoạ năm xưa không phải rồng ắt cũng là thuồng luồng, thì bây giờ hắn đã có thể khẳng định, ông lão trước mặt hắn chính là con rồng kia. Mặc dù ăn ngay nói thẳng nhưng Kế Duyên cũng không vì nỗi sợ hãi vừa dấy lên trong lòng mà gió chiều nào xoay chiều ấy. Cứ suy bụng ta ra bụng người, hắn mà là kẻ ngồi đối diện kia thì tuyệt đối sẽ không thích kẻ nào lật mặt nhanh hơn nướng bánh vậy đâu.

Kệ cho ông lão biến sắc, Kế Duyên giả bộ không nhìn thấy gì dù lòng dạ thấp thỏm như đánh lô tô. Hắn nhét “Ngoại đạo truyện” vào túi quần áo, tận lực dùng thời gian ngắn ngủi này để tránh ánh mắt lão ta và kiềm chế trạng thái căng thẳng của mình.

Sau khi cẩn thận cất cuốn sách đi, Kế Duyên đưa mắt nhìn thẳng vào ông lão.

- “Kế mỗ cũng muốn hỏi lão tiên sinh một câu: Nếu tất cả mọi người đều cho rằng hai trăm năm tích đức có thể xoá đi tội nghiệt năm xưa, công đức vô lượng đã viên mãn rồi, vậy lão còn tiếp tục hành vân bố vũ ở Kê Châu nữa không?”

Câu hỏi của Kế Duyên vạch trần thân phận loài rồng, nửa đầu câu còn hoà nhã nhưng khúc sau đã mang giọng điệu chất vấn rõ ràng, dường như hắn đang kháng cự cảm giác sợ hãi trong lòng mình.

Tuy rằng Kế Duyên ngoài mặt nghiêm túc cương quyết nhưng trong lòng hắn cực kỳ hoang mang thấp thỏm, thậm chí còn có phần ân hận vì ban nãy trót mạnh miệng.

Lão già nghe xong câu hỏi thì ngây ngẩn cả người. Lão trầm ngâm chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhíu mày nhìn ra ngoài hang đá, dõi mắt trông theo những đám mây đen nằm lững thững chẳng chịu tản đi dù mưa đã ngừng rơi.

- “Kế mỗ cảm thấy, công là công, tội là tội. Có thể lấy công chuộc tội nhưng không thể lấy công và tội bù trừ cho nhau. Như Kế mỗ căm ghét Nghiệt Giao trước đây, khâm phục Chân Long hiện tại, điều này không hề mâu thuẫn”.

Dù ngoài mặt ra vẻ nghiêm túc đạo mạo để nói cho xong nhưng trong lòng Kế Duyên phải cật lực kìm nén để giữ bình tĩnh, nào dám manh động dám hó hé gì.

Lão già đang cau mày nghe câu này thì “được lời như cởi tấm lòng”, rung động quay sang nhìn Kế Duyên:

- “Nói hay lắm, nói hay lắm!”

Lão già đáp lời bằng hai câu tán thưởng. Rồi dường như đã nghĩ thông suốt điều gì, lão lãng đãng tựa lưng vào vách đá vuốt râu, thỉnh thoảng lại mỉm cười lắc đầu, cứ như trong lòng ông lão đang liên tưởng đến bản thân rồi tự giễu vậy.

“Phù....”

Góc kia Kế Duyên vốn đang căng như dây đàn bỗng như chùng nhẹ một nhịp. Thậm chí hắn có ảo giác đến bây giờ hơi thở của mình vẫn còn run rẩy, khi nghe được từ “hay” thốt ra từ miệng lão già mới kịp hoàn hồn.

Cảm giác “tai qua nạn khỏi” vừa đến, thân thể Kế Duyên như được giải phóng, nghiêng ngả trượt chân ngã vào túi đồ đạc mang theo, cũng may là tiếng động không lớn.

Cân nhắc về chuyện “tăng điểm cống hiến” có khi sẽ có hiệu quả, hắn lấy bốn quả táo còn sót lại trong túi quần áo, đưa cho lão già hai quả.

- “Lão ăn thử táo tươi đi, đây là táo trồng ở nội viện nhà ta, tuy không quá đặc biệt nhưng ngọt thơm lắm!”

Ông lão ngoái đầu nhìn hắn, cầm lấy hai quả táo cười vui như tết.

- “Táo trái mùa thật là hiếm thấy. Còn nữa không? Mỗi hai quả táo ta ăn làm sao đủ?”

Yêu cầu này nếu hỏi lúc Kế Duyên còn đang lập cập sợ hãi thì có lẽ hắn sẽ đồng ý, còn vào thời điểm này hắn dĩ nhiên là không chịu rồi.

- “Ta chỉ còn bốn quả thì đã cho lão một nửa rồi, có sao ăn vậy đi”

Vừa nói hắn vừa cho cả hai quả táo vào miệng rồi liên tục nhai rau ráu để cho hương táo tràn khắp khoang miệng, động tác không khác gì bọn trẻ con khư khư bảo vệ đồ ăn vặt.

Lão già vừa cười vừa hít hà quả táo rồi cũng học Kế Duyên cho hai quả táo vào miệng nhai, tận hưởng hương vị thanh mát quẩn quanh tứ phía.

- “Táo ngon, táo ngon. Linh khí tuy ít nhưng vị ngọt khó quên. Không biết nhà tiên sinh ở đâu? Có thể nể mặt cho ta đi hái thêm mấy quả nếm thử không?”

Kế Duyên nhịn cười không nổi. Lão này đúng là con rồng tham ăn nha.

- “Bây giờ thì đã hết sạch rồi. Trước khi Kế mỗ đi du ngoạn đã căn dặn một vị bạn hữu rằng sau khi ta rời đi hãy hái hết số táo trên cây, một phần tặng cho láng giềng, phần còn lại để gia đình vị ấy sử dụng. Thời gian từ khi ta rời nhà cũng đã khá lâu rồi đấy”.

Ông lão đầy bụng tiếc nuối nhưng vẫn bám đuổi không tha.

- “Hảo bằng hữu của tiên sinh liệu còn cất trữ quả nào không nhỉ, bảo vị ấy nhường lại cho ta vài quả cũng tốt mà”.

- “Ồ, huynh ấy là phu tử ở trường tư thục huyện, không có tài phép gì, ở nhà lại có một cậu nhóc tham ăn, giấu không được mà để dành cũng không nổi đâu lão”.

Xem ra táo thì không có quả nào rồi đây, nhưng nghe Kế Duyên nói, lão giả lại nảy sinh hiếu kỳ.

- “Bằng hữu của tiên sinh là phàm nhân ư?”

Kế Duyên sững sờ một lúc rồi gật đầu.

- “ Không sai.”

- “Là người tài đức vang danh xa gần sao?”

Kế Duyên nghĩ tới sắc phong, hiểu ý cười cười.

- “Còn chưa có danh hiền tài”.

Nghe vậy ông lão nhíu mày:

- “Một phàm nhân là phu tử chốn thôn quê, có tài đức gì mà được làm hảo hữu với tiên sinh cơ chứ?”

Kế Duyên phun hạt táo hắn mân mê trong miệng nãy giờ rồi đáp:

- “Đọc sách có tài đức gì sao? Kế mỗ ta coi huynh ấy là bạn, thế còn không đủ ư?”

Lần thứ hai trong ngày lão giả đứng hình, thậm chí so với lần đầu thì lần này còn sững sờ lâu hơn.

- “Ha ha ha ha ha... Ha ha ha ha ha ha... Hay lắm hay lắm, nói đúng lắm, nói hay lắm! Kế tiên sinh coi ai đó là bằng hữu đều do tiên sinh tự nói mới tính, ha ha ha ha ha...”

Tiếng cười sảng khoái vang lên đột ngột khiến Kế Duyên sợ run cả người, muốn giấu cũng không giấu được. Còn lão già đã kéo bộ y phục ướt đẫm rồi đứng lên:

- “Không biết một kẻ Yêu Tộc như lão hủ có tư cách làm bằng hữu của Kế tiên sinh chăng?”

Trong câu nói của ông lão không giấu nổi cảm giác khát khao mong chờ.

Kế Duyên chậm rãi xoa xoa yết hầu rồi đứng lên, ổn định tâm trạng, cố dằn xuống lời đồng ý một cách sảng khoái mà thay bằng một câu khác:

- “Còn phải xem lần sau lão có mời Kế mỗ uống rượu một bữa không đã!”

- “Kế tiên sinh muốn uống loại rượu gì chỉ cần nói với ta là được!”

- “Ha ha, ta chỉ nhìn người chẳng quản rượu. Mỹ tửu cõi tiên niềm ưa thích, Hoa Điêu trần tục thú đam mê!"

- “Ha ha ha, hay cho câu Hoa Điêu trần tục thú đam mê”

Rồi ông lão chắp tay thi lễ, cao giọng mở miệng:

- “Lão hủ chính là Ứng Hoành của sông Thông Thiên”

Kế Duyên không dám chậm trễ, đồng thời chắp tay đáp lễ.

- “Tại hạ Kế Duyên, cũng xem như là người huyện An Ninh”

Ông lão mặt mày hồng hào, tươi cười sảng khoái thi lễ với Kế Duyên, chậm rãi đi ra khỏi phạm vi thạch bích động rồi quay sang Kế Duyên và bảo:

- “Ta còn cần bố vũ cho tất cả các phủ ở Kê Châu vào tiết Mang Chủng. Lần gặp sau sẽ cùng uống với Kế tiên sinh một trận sảng khoái”

Vừa dứt lời thì thân ảnh biến hoá thành một con rồng phá mây tức tốc bay đi.

“Gràooo ~~~~~ “

Phía chân trời xa vọng lên tiếng rồng ngâm, dư vị như là tiếng sấm.

Gửi bạn đọc: Chúc các bạn một năm mới an lành, ấm áp, hạnh phúc bên người thân. Đây là bản dịch thô. Cám ơn các bạn đã đón đọc.