Điểm sáng trong ba tuần nhạt nhẽo vừa qua là tôi được gọi đi phỏng vấn. Mọi chuyện trôi qua rất êm đẹp. Tôi dựa lưng vào ghế nhìn màn hình máy tính, thầm nghĩ tới những biểu hiện của mình khá tốt. Có thể tôi sẽ được như ý nguyện, tức là được nhận vào làm, hoặc là sẽ bị từ chối. Mà tôi thì lạc quan tới mức không hề nghĩ đến vế thứ hai.
Còn nói về người đàn ông dạo trước đứng cửa nhà tôi, thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện trên trời dưới biển nay lại đột nhiên biến mất như một bóng ma.
Nhưng rồi bóng ma đó lại xuất hiện vào một buổi sáng làm nhũng nhiễu cuộc sống yên bình của tôi.
Mới sớm đầu thu, trời đẹp trong xanh rất thanh bình. Tôi đang uấn éo thể dục ở công viên thì nhận thấy giọng nói ngang phè phè vang lên cạnh mình. Tôi quay ra, mắt trợn như ốc bươu khi phát hiện người đó là Khải Huy.
“Em chăm chỉ tập thể dục thật đấy.”
“Nhà anh ở gần đây sao?”
“Không, nơi nào có người đẹp thì tôi đến thôi.”
Tôi lắc đầu rồi chạy ra chỗ khác. Khải Huy thấy thế cũng đuổi theo.
“Em làm sao mà cứ tránh tôi như tránh bệnh dịch thế? Từ nãy tới giờ tôi đâu có làm gì tổn hại tới em đâu. Chúng ta đã hứa sẽ chung sống hòa thuận rồi mà.”
Tôi dừng chân.
“Thì tôi cũng đâu có gây chiến với anh. Tôi đứng chỗ đó lâu rồi muốn đổi gió. Anh sao cứ phải theo tôi rồi suy diễn lung tung.”
“À, vậy hả? Nhưng tôi đâu có chạy theo em. Đường này là của chung. Tôi thích chạy hướng đó trùng hợp lại cùng hướng với em. Chúng ta có duyên ghê.”
Có duyên cái con khỉ. Tôi đang tính chạy ra chỗ khác thì gặp bác Lưu hàng xóm đang hớn hở đi tới.
“Hạ Vi. Ai đây? Đẹp trai ghê nha. Cháu có rồi mà không giới thiệu gì cả, cứ giấu mãi thôi.”
“À không, bác hiểu nhầm rồi.”
Tôi xua tay hết mức, dùng mọi biện pháp ngăn chặn dòng suy nghĩ lệch lạc đang hiện diện trong đầu bác. Không hiểu bác có biết thật không nữa mà cứ vỗ vai tôi liên hồi. “Bác biết rồi, bác biết rồi.” Sau đó còn giơ biểu tượng chiến thắng với Khải Huy.
Tôi ngờ nghệch mất giây lát. Khải Huy đứng bên được phen ôm bụng cười sặc sụa như lên đồng. Cái người này, cười mãi không thấy méo mồm sao?
“Em thấy không? Chúng ta đẹp đôi tới mức bác ấy phải ngoác miệng ra khen kìa.”
Tôi lắc đầu chán ngán bởi khả năng ảo tưởng của anh ta vẫn không hề thuyên giảm, có khi ngày một tăng cao.
“Anh cười gì chứ? Tính bác ấy vốn yêu đời, gặp ai bác cũng sẽ như thế thôi. Anh không cần phải tự khen như vậy.”
“Mình không yêu bản thân mình thì trời tru đất diệt. Tôi chính là đang tập luyện nâng cao tuổi thọ đấy.”
Một câu ngắn gọn của Khải Huy khiến tôi cứng họng. Tôi đã cố gắng kiềm chế lắm để không lườm anh ta. Người này đúng là chuyện gì cũng có thể suy diễn được.
Tôi bước nhanh về phía trước mặc kệ anh ta đứng luyên thuyên đằng sau. Bây giờ mà cứ nói chuyện nhiều thế nào tôi cũng đứt nơ ron mà chết, tuổi thọ cũng theo đó mà dừng lại ở cột mốc hai tư.
“Sao em đi nhanh vậy? Cẩn thận kẻo máu dồn hết xuống chân bây giờ.”
“Tôi nghĩ đây không phải Trái Đất thân yêu của mình nữa rồi. Tôi cần tìm đường trở về.”
“Em nói nghe hay ghê. Đây là Trái Đất mà.”
“Nếu đây là Trái Đất tôi chắc chắn anh là người ngoài hành tinh. Đĩa bay của anh đâu? Lấy ra rồi mau mau trở về hành tinh của anh đi.”
Người này thật đáng ghét, không làm phiền cuộc sống của tôi thì anh ta thấy không hài lòng?
“Em vừa làm tổn thương sâu sắc tới trái tim mềm yếu của tôi.” Vừa nói anh ta vừa ôm ngực tiến tới làm tôi chống không nổi đành lùi tiếp ra sau. Được vài bước chân, lưng tôi đã đập vào lan can sắt, lạnh buốt người.
“Thật là em không quan tâm tới thành ý của tôi?” Anh ta bước thêm một bước, cúi đầu nhìn tôi. Nụ cười gian xảo trên môi tắt ngấm. Sự nghiêm túc trên gương mặt khiến tôi có chút hốt hoảng.
“Tránh ra coi, anh đừng có được nước lấn tới.” Tôi nhích chân sang bên, lách lách thoát theo đường lan can.
“Thôi được rồi, em chậm tiêu nên cứ từ từ suy nghĩ. Nhưng em đã nói sẽ chịu trách nhiệm rồi nên không được quên đâu đấy.”
Xem ra tôi đã quá sai khi so mặt hắn với cái đít chảo rồi, đít chảo đã ăn nhằm gì, mặt hắn phải dày bằng cái thớt bảy phân. Đúng là không biết xấu hổ.
Cứ thế anh ta lại tiếp tục tự biên tự diễn một tràng dài khiến tôi không kịp phản ứng, chỉ biết đứng thộn mặt ra như chó Bull.
Nhìn vẻ ngu ngơ của người đối diện anh ta khẽ nhếch môi, đầu cúi xuống chân tôi, mím lại như cố nhịn cười.
“Thời gian không còn nhiều nữa, tôi phải trở về hành tinh của mình đây. Em ở lại, nhớ cọ giầy cho kỹ.”
“Sao cơ?” Tôi đang hút sữa, nghe xong câu nói kì quặc đó mà nhả luôn, mắt lờ dờ soi xét.
“Hồi nãy mải bàn chuyện yêu đương với em mà quên nhắc, em… dẫm phải phân chó rồi.”
Nói xong Khải Huy vỗ vỗ vai tôi, khuôn mặt làm ra vẻ xót thương rồi một mạch chạy đi không thèm ngoảnh đầu lại.
Tôi tiếp tục hút sữa, cố gắng tiêu hoá lời nói đầy mùi xảo quyệt của hắn rồi nhìn xuống đế giầy, thấy dấp dính, màu vàng khè lại thum thủm. Tôi sặc sữa, miệng suýt sùi bọt mép.
Mẹ ơi cái gì đây? Phân chó. Mới sáng sớm con nào không có ý thức thả bom giữa đường giữa lối thế này. Tôi gào ầm trọng bụng. “Trời ơi là trời, sao quỷ thần lại đi nặn ra cái tên Khải Huy ác như con tê giác này vậy?”
Tôi nhìn xuống chân mà ôm mặt đau lòng khóc tức tưởi. Vậy là đôi giày mới tinh vừa tậu tháng trước đã ra đi vào cái ngày chả mưa chả nắng gì cả.
…
Mấy ngày sau nữa, cuộc sống cứ nhàn nhạt trôi qua. Khang - cậu em tôi quen trong một lần đi xem bóng đá cũng thỉnh thoảng gọi điện, hỏi thăm sức khỏe và thông báo cho tôi lịch thi đấu mới. Dạo này tôi hay được mời tới nhà hàng, thử đồ và viết bài giới thiệu thành ra thời gian cũng không thư thả như trước.
Tối qua, tôi ngồi nhắn tin phiếm với Khang, trò chuyện linh tinh và kết thúc bằng một lời mời tới tiệc buffet đứng ở Vincom Bà Triệu. Tôi nhớ đơn vị tổ chức sự kiện này là một công ty Nhật Bản có chi nhánh ở nhiều quốc gia châu Á. Người ta đến đây không phải để ăn mà tới tìm kiếm nhiều mối quan hệ có lợi cho việc mở rộng hợp tác. Chỉ có một số ít vé được phát hành và số còn lại chủ yếu là vé mời dành cho khách hàng và những nhà đầu tư tiềm năng. Tôi đã phải dành cả buổi tối đi săn vé chợ đen nhưng vẫn không ích gì. May thay Khang lại có vé, cậu ấy rủ cả Diễm My nhưng cô ấy bận nên không đi. Còn về phần tôi, tất nhiên là đồng ý rồi, cơ hội lâu lắm mới có mà.
Trước khi vào cửa tôi có gọi Khang ra gửi cậu ấy tiền vé. Đây cũng là một cách để tôi thể hiện sự cảm ơn và tôn trọng với người mời.
“Cảm ơn em đã mời chị đi cùng.”
Khang nhìn xuống tay tôi tỏ ý không hài lòng.
“Chị làm vậy em thấy xa lạ quá! Nếu không có ai đi cùng em cũng ở nhà mà.” Cậu ấy không nhận.
“Nhưng chị cũng thấy áy náy lắm. Vậy có dịp chị sẽ mời em một bữa nhé. Chị mới phát hiện có mấy quán ăn mới mở khá ngon.”
“Được chứ chị! Em luôn sẵn sàng.” Khang cười tít mắt.
Rất nhanh sau đó chúng tôi đã có mặt ở phía trong nhà hàng. Phải nói là hoành tráng ngoài sức tưởng tượng. Đèn điện nhấp nháy khắp nơi, đồ ăn thức uống bày la liệt. Các nhân viên chạy đôn đáo hướng dẫn khách hàng. Đúng là phong cách nước ngoài có khác, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp.
Khang dặn tôi chọn giúp đồ ăn và đợi cậu ấy ở khu vực dùng bữa. Tầm mười lăm phút sau thì Khang quay lại dắt theo hai đứa bé tầm bốn, năm tuổi. Bé gái mặc váy hồng, tóc cột nơ hồng, chân đi giày hồng nốt. Da bé trắng phấn ra, trông đáng yên cực. Còn bé trai mặc yếm bò, nhìn bé có vẻ non nớt hơn bé gái kia. Hai đứa nhỏ bụ bẫm, dễ thương lắm. Không biết các bé là con ai mà trông yêu thế này!
Tôi chưa kịp hỏi thì Khang đã lên tiếng.
“Đây là Nhím, còn đây là Sóc. Hôm nay thầy em có việc bận nên nhờ em trông giúp.”
“Em chào chị ạ.” Hai bé đồng thanh.
Tôi toe toét cười. “Chào hai em.”
Sau khi mẹ sinh Duy Minh thì thôi không tiếp tục nữa. Thành ra ước mơ có một đứa em gái để được chải tóc, làm dáng với nhau cùng không còn. Bây giờ gặp được bé Nhim dễ thương như thế này, tôi làm sao mà không thích cho được.
Bốn chúng tôi, hai lớn, hai nhỏ quyết tâm đại chiến hết đồ ăn ở đây. Trong bữa tiệc đã xuất hiện một vài điều thú vị như đây.
“Chị ơi, chị có thích ăn bánh không?” Bé Nhím hai tay hai chiếc cupcake, miệng líu líu lo lo hỏi tôi.
“Có chứ, chị thích lắm. Ngày xưa chị ăn bánh nhiều hơn ăn cơm.”
“Vậy chị biết làm bánh chứ?” Khang chen vô.
“A, cái này chị biết. Nhưng chị chỉ làm được một số loại bánh thông dụng thôi. Cơ bản cũng không được ngon như nhà hàng.”
Khang cười tủm tỉm rồi liếc sang cô bé.
“Vậy là chị với Nhím hợp nhau rồi. Ai mà biết làm bánh là con bé theo suốt luôn.”
“Thật à? Chị mừng lắm đấy!”
Tôi xoa xoa mái tóc tơ mềm mượt của Nhím. Cô bé cười tít mắt. Để ý mới thấy chúng tôi có một điểm giống nhau là đều có má lúm đồng tiền. Đây là điểm nhấn mà tôi thấy tự hào nhất trên tổng thế gương mặt mình.
Thêm một câu chuyện vui vui với người bạn nhỏ này.
“Chị ơi.”
“Gì em?”
“Chị có biết loại nước màu đỏ đỏ mà người ta cho vào bánh gato không? Loại nước này có vị cay xè nhưng khi uống lại rất ngọt, còn có mùi thơm như tóc của Nhím nữa.”
“Chị biết, loại nước đó gọi là rượu vang. Nhưng trẻ con còn bé không được uống đâu.” Tôi xua xua tay, nhắc nhở bé tránh xa những thứ độc hại. Trẻ con vốn hiếu động, không dặn trước là không yên tâm.
“Thế mà lần trước cậu em cho em uống.”
“Cậu em?” Sao lại cho trẻ con uống rượu?
“À, cậu con bé là thầy em.” Khang xen vào. “Nhưng Nhím này, thứ cậu cho em uống không phải rượu đâu. Là nước nho đấy. Em uống thấy rất ngọt phải không.”
Hóa ra là vậy. Nếu cậu con bé cho con bé uống rượu thật thì đúng là đáng trách.
“Chị này. Chị có nhìn thấy người đang đứng ở đằng kia không?”
Khang chỉ vào chỗ tụ tập đông người ở phía bên kia khu vực sân khấu.
“Chị đang nhìn. Có gì vậy em?”
“Người đang đứng thử rượu là cậu của Nhím đấy. Anh ấy cũng là thầy của em.”
Vừa hay mọi người tản ra, tôi nhìn thấy rõ trong đám đông có một dáng hình cực quen. Gương mặt này, cách nói này… Sao lại?
“Là anh ta đó à?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Vâng, đúng vậy.” Khang cũng ngạc nhiên không kém. “Chị quen anh ấy ạ?”
“Chị không quen lắm.”
Nói xong tôi quay người ngồi thẳng. Nếu trả lời là có quen thì Khang sẽ thắc mắc hỏi tôi với anh ta có quan hệ gì. Bảo là bạn bè thì không được, khách hàng cũng không xong. Chẳng nhẽ nói mình đang nợ tiền anh ta. Điều xấu hổ thế tôi nên giấu nhẹm đi thì hơn.
Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại. Mấy ngày nay sao toàn gặp phải chủ nợ thế này? Có phải ông trời đang báo trước những ngày tháng uống nước trừ cơm của tôi không đây?
“Lần trước nghe chị My kể chị viết nhiều blog về rượu vang. Em tưởng chị cũng biết? Cậu ấy giải thích thêm. “Chị có nhớ nhà hàng Wine em với chị đi qua lúc nãy không? Cái nhà hàng đó là của anh ấy. Thỉnh thoảng em cũng tới học và làm thêm giờ.”
“Em học gì vậy?” Tôi thắc mắc, mọi người sẽ học gì ở nhà hàng rượu?
“Em học thử nếm rượu. Tuy nghề này còn mới và bước đầu vấp phải nhiều khó khăn nhưng em sẽ không bỏ cuộc đâu.”
Cậu ấy tỏ chí quyết tâm. Tôi gật gù đồng tình. Tuổi trẻ là phải dám thử sức với những thứ mới lạ, phải để cuộc đời táng cho bầm dập mới trưởng thành hơn.
Khang còn kể cho tôi nghe nhiều về sommelier - chuyên gia thử rượu. Họ là những người định hình bữa ăn và còn nhiều hơn thế. Qua đây tôi có thể biết được thêm về xã hội xung quanh ngoài việc suốt ngày ru rú trong nhà cắm mặt vào máy tính. Tuy nhiên trong lời kể của cậu ấy có chút gì đó buồn buồn, ẩn chứa một bí mật khó có thể nói ra.
Trong khi tôi đang trầm mặc trong dòng suy nghĩ thì bé Nhím kêu lên sung sướng.
“A, cậu.”
Tôi quay sang, ôi thôi Khải Huy đã ở đây từ lúc nào. Anh ta đi nhẹ như lướt, tôi còn không hề cảm thấy có tiếng bước chân người. Chẳng hiểu sao anh ta cứ nhìn chằm chằm, miệng cười đểu đểu làm tôi dựng hết tóc gáy.
“Cậu ơi, cậu ngồi ở đây đi.”
Bé Nhím vỗ vỗ vào chiếc ghế trống bên cạnh. Khải Huy cũng ngồi xuống, tay đút bánh cho cô bé ăn. Khang ở đối diện bắt đầu màn làm quen xưa rích.
“Giới thiệu với anh, đây là chị Vi, là cạ cứng của đội em.” Quay sang tôi. “Anh ấy tên Khải Huy, đang là sommelier và cũng là thầy của em. Mọi người làm quen chút nhỉ!”
“Làm quen?” Khải Huy khó hiểu nhìn Khang. Tôi biết mà, tôi với anh ta gặp nhau đến chai cả mặt thì có gì mà không quen. Đấy, lại nhớ tới vụ hôm trước, đôi giày snack trắng của tôi hiện đang nằm chiễm chệ ở bãi rác thành phố. Nghĩ tới lại ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa.
Giờ tới Khang, cậu ấy khá ngạc nhiên trước câu hỏi tu từ của Khải Huy.
“Hai người biết nhau ạ?”
“A, vâng. Chào anh, lâu lắm mới gặp. hôm nay tôi tới ăn tiệc với Khang. Khéo quá lại gặp anh ở đây.” Tôi tiếp tục với Khang. “À, giờ chị mới nhớ ra. Khổ thế đấy, thời gian căng thẳng nên có chút chuyện dễ bị lãng quên.”
Khải Huy chưa kịp nói thì tôi chen ngang. Cái này người ta gọi là đánh đòn phủ đầu. Mong là anh ta không hé răng điều gì bởi lúc nãy tôi chót dại nói không quen biết với Khang. Nhưng hình như tôi nhầm rồi. Khải Huy hắn ta không cần đánh cũng khai.
“Lâu lắm mới gặp? Tôi nhớ chúng ta mới xa nhau chưa được một hôm mà em đã quên nhanh vậy.”
Vừa hay tiếng nhạc nổi lên. Tôi liếc sang Khang, cậu ấy đang bón cho Sóc ăn. May mắn thay những lời đó không lọt tới tai cậu ấy.
Tôi im lặng thì Khải Huy càng lấn tới. Biết người ta không đáp còn cố tìm chuyện để nói. Đúng là cái đồ đít chảo cũng phải gọi bằng cụ. Hắn hết nhìn lên màu son rồi lại nhìn xuống chân tôi, miệng buông lời đùa cợt.
“Em cọ sạch giày rồi đấy à?”
“…”
Có cái đầu khỉ. Bà đây mua hẳn đôi mới rồi nhá!
…
Trước khi về, tôi có ghé qua nhà hàng thịt nướng bên cạnh mua chút đồ ăn cho bữa tối nay. Khang có việc nên cậu ấy xin phép về trước. Còn tôi, ra ngoài và đứng đợi xe buýt.
Nhưng số tôi hôm nay đen quá, vừa mới bước ra cổng thì chuyến mới nhất cũng chạy khỏi. Tôi chán nản, lại phải chôn chân đứng chờ chuyến sau.
Đang mải ngó nghiêng thì nhìn thấy con xe màu trắng bạc hiệu Lexus cực quen đi tới.
Cửa kính từ từ kéo xuống, gương mặt đẹp trai chết người của Khải Huy xuất hiện như phim truyền hình, chỉ thiếu mỗi nhạc nền là đủ bộ.
“Lên đi tôi đưa em về.”
“Cảm ơn nhưng tôi sẽ đứng chờ xe buýt.”
Anh ta nghiêng đầu vào vô lăng như đang xem xét gì đó.
“Nếu em lên xe với hai túi đồ to như vậy chắc chắn gây khó chịu với nhà xe, không khéo còn bị cho xuống vì những thực phẩm trong túi rất dễ gây mùi. Hơn nữa chuyến xe gần nhất mới chạy qua, nếu em nhất quyết đứng chờ cũng phải mất ba mươi phút. Trời bây giờ sắp tối, em phải về nấu cơm cho bà nên đây không phải lựa chọn thông minh. Còn nữa, người tiết kiệm như em sẽ không hào phóng bỏ ra mấy trăm nghìn đi taxi. Vậy nên cách tốt nhất em lên xe tôi đưa về. Vừa nhanh gọn lại tuyệt đối an toàn.”
Tôi đứng đơ mất một lúc mới tiêu hóa nổi toàn bộ thông tin nghe được. Anh chàng này suy luận cũng sắc bén đấy.
Tôi đang chần chừ thì bé Nhím thò đầu ra.
“Chị ơi, chị mau lên đi.”
“Em lên nhanh đi không chúng ta bị bắt về tội cản trở giao thông bây giờ.”
Hai cậu cháu đồng sức đồng lòng. Thấy mấy chiếc xe phía sau bấm còi inh ỏi, tôi đành mặt dày leo lên ngồi.
Rất nhanh sau đó về tới nhà. Tôi nhảy khỏi xe rồi cúi đầu cảm ơn. Bé Nhím từ trong lại thò đầu ra, miệng cười chúm chím.
“Chị ơi, em rất thích chị. Hôm nào chúng ta lại đi chơi tiếp chị nhé.”
Tôi cười hì hì vẫy tay với lũ trẻ.
Hai bé Nhím, Sóc thò tay ra chào tạm biệt. Khải Huy nhìn rồi cười kiểu gì mà khi đó lại khiến tôi lạnh sống lưng. Trong khi tôi đang đứng thộn mặt ở đấy thì anh ta liền vẫy tay tạm biệt rồi lái xe đi mất.
…
Sau khi ăn cơm tắm giặt đàng hoàng, tôi leo lên phòng xem lại email, vẫn chưa có hồi âm. Nhớ hôm trước đi phỏng vấn, tôi đều trả lời tốt các câu hỏi chủ khảo đưa ra. Dự tính xác suất thành công lần này lên tới bảy mươi phần trăm. Họ nói sẽ sớm gọi điện nhưng đến giờ không thấy động tĩnh gì. Có lẽ phải chờ thêm chút thời gian.
Thời tiết thì nóng bức, ngồi không cũng chẳng có việc gì làm. Tôi lại chợt nhớ đến những lời nói của Khang ban chiều. Suy nghĩ một lúc tôi quyết định lên mạng tìm thông tin về nhà hàng Wine và người chủ nhà hàng.
Xem nào, có khá nhiều reviews khen nhà hàng bố trí nội thất đẹp. Nhân viên phục vụ thân thiện, nhiệt tình. Cách trang trí không gian ấm cúng, phù hợp với những bữa tiệc gia đình hay những cuộc họp bàn ký kết hợp đồng.
Lướt thêm vài vòng, cái tôi quan tâm nhất là anh chàng này còn mở lớp dạy phục vụ và nếm rượu vang cho những người trẻ có đam mê. Xem đi xem lại đều thấy những lời tán dương lòng nhiệt thành, thái độ chuyên nghiệp của người chủ nhà hàng.
Nhưng có khen thì phải có chê, tôi lật sang vài trang sau thấy một số bình luận nói rằng nhà hàng bán rượu quá đắt. Một số loại còn đắt hơn rất nhiều so với những cửa hàng ngoài kia. Thậm chí các cửa hàng đối thủ còn đặt điều nói rằng nhà hàng Wine nhập rượu kém chất lượng và bán ra với con số gấp đôi.
Thiết nghĩ, người mua hàng giờ đâu dễ bị lừa, họ tự biết nơi nào làm ăn trong sạch, giá cả phải chăng mà đặt niềm tin. Những chiêu trò này đã trở thành chuyện xưa như Diễm rồi. Cách thức dìm người ta để nâng mình lên quả thực đã lỗi thời.
Phương châm nói ít làm nhiều được nhà hàng Wine áp dụng rất đúng.
Đóng lại vài tab báo mạng. Tôi thở dài thườn thượt. Cứ tưởng mình biết nhiều về rượu vang nhưng thật ra cũng chỉ như hạt cát lẫn trong sa mạc rộng lớn. Hôm nay tôi đã được sáng mắt ra rất nhiều.
Tôi xuống bếp uống chút nước, vừa lên thì nhận thấy email của mình nhấp nhánh thư mới. Tôi lướt qua, là thông báo từ công ty ẩm thực. Tuyệt quá, đây là thứ mà tôi mòn mỏi chờ đợi bao nhiêu ngày qua.
Tôi di chuột đến hòm thư mà tim đập, tay run, lưng mướt mồ hôi y hồi xem điểm Đại học. Hít vào thở ra một cái, tôi liều mình mở thư.
Bức thư hiện lên, tôi đã suýt rú lên sung sướng khi thấy dòng chữ Chúc mừng bạn đã trúng tuyển nằm trang trọng chính giữa. Vậy là bao đêm thấp thỏm chờ đợi, ăn không ngon ngủ không yên cũng được đền đáp xứng đáng. Tôi đã nói rồi mà, trời sẽ không tuyệt đường sống của ai cả. Chúng ta không thể vì khó khăn mà buông xuôi, phải tin vào bản thân, bởi chỉ cần giữ được rừng xanh ắt sẽ có củi đốt.
Tôi vừa rung đùi vừa đọc lại thông báo mà không thể ngừng cười. Ngay ngày mai thôi tôi có thể đi làm, chính thức chấm dứt cuộc sống của giai cấp vô sản.
Đắp chăn lên giường, tôi mường tượng về tương lai tươi sáng mà ở đó, trên đỉnh ngọn núi cao hùng vĩ, nhà leo núi Hạ Vi đã xuất sắc cắm ngọn cờ chiến thắng. Tôi hứng phấn rất lâu rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.