Lã Mai Nương

Chương 4: Nơi Tần Lĩnh, hai kiếm sư thâu đồ đệ Chùa Bạch Vân, Mai Nương, Tử Long luyện kiếm




Tên cường đạo chạy khỏi, Cam Phúc, gia nhân trung thành của Trường Mâu vội theo xem, thấy tên hung hăng đã mất dạng, liền trở ra bảo mọi người và gọi Triệu thị.

Liệng thanh kiếm xuống mặt giường, Triệu thị bảo con ở lại trong phòng, ngơ ngác ra thảo sảnh thấy mọi người đang xúm đông ở ngoài thềm nhà.

- Việc chi thế hả Cam Phúc?

- Thưa, có mấy vị đây tới thăm.

Triệu thị tiến nhanh ra bực thềm thì thấy ba người...

Một đại sư vóc dáng tầm thước, tuy tuổi đã cao nhưng sắc diện hồng hào, vận đạo bào vàng đang đứng ở giữa sân trước với một nữ kiếm khách dáng điệu như bạch hạc, tóc búi trần đã điểm hoa râm nhưng trên khuôn mặt trái xoan da còn mịn tựa trái đào, cặp mắt sáng lung linh sáng quắc. Vị nữ khách đó vận bào ngắn màu thiên thanh trùm quá gối, để lộ ra cặp vỏ hài nhỏ nhắn đen huyền. Cả hai cùng đeo tréo trường kiếm sau lưng.

Một cô bé, trạc tuổi Tử Long, tóc kết trái đào, khuôn mặt lanh lợi hao hao giống vị nữ khách như mẹ với con, đứng kế bên.

Triệu thị xuống thềm, tiến tới cung kính vái dài :

- Nhị vị đại sư, thiếp không được biết trước ra đón tiếp, dám mong người đại xá cho.

Đáp lễ xong, vị đại sư cất tiếng sang sảng :

- Thái thái không biết chúng tôi, nhưng lệnh phu quân vốn đồng môn phái nên có thể gọi là thân tình. Chuyến này vân du Thanh Hải trở về qua khu Tần Lĩnh, nhờ hai con nghiệt súc dẫn đường tới đây, chẳng dè lúc nhà ta hữu sự.

Triệu thị rưng rưng hạt lệ phục xuống lạy :

- Nhị vị đại sư đến vừa đúng lúc, nếu không thì phu quân thiếp vừa qua đời và cả mẹ con thiếp cũng phải vong mạng theo, mối tử thù sẽ không người báo phục.

Vị nữ khách cúi xuống đỡ Triệu thị lên.

Giữa khi ấy, từ trên ngọn Bạch Dương cao lớn um sùm ở sân, vọng lên mấy tiếng ré rợn tai và tiếng cánh đập mạnh nổi gió ào ào khiến lá xanh rụng lả tả.

Mọi người trong trại giựt mình ngước đầu nhìn lên thấy hai con chim điêu to lớn dị thường từ đỉnh cây bạch dương bay vụt ra lượn quanh khu trại, định bay về phía Tây bắc.

Đại sư ngó thấy kịp, huýt gió vang mấy tiếng.

Như biểu hiệu lệnh, kim điêu vội sà xuống đậu lên đỉnh ngọn bạch dương như cũ.

Đại sư mắng lớn :

- Nghiệt súc ở đó, không được đi đâu!

Nữ khách nói với đại sư :

- Chúng đói đó. Hình như ở phía Tây bắc có mồi.

Triệu thị vội hỏi :

- Thưa đại sư, chúng ăn gì! Ngô hay khoai?

Đại sư mỉm cười :

- Chúng ăn thịt! Mười cân thịt sống còn chưa đủ

Cam Phúc nghe vậy, nhanh chân tiến lên.

- Bẩm trong trại còn thịt trâu để con lấy cho đại điểu ăn.

Triệu thị mời khách vào nhà, kể hết mọi sự đã xảy ra cho hai người nghe.

Đại sư giới thiệu :

- Bần đạo là Chiêu Dương đại sư trụ trì tại Bạch Vân tự Mã Dương lãnh, Sơn Đông Trực Lệ, Lệnh cố phu quân trước kia cũng xuất thân từ bản tự. Đây là đạo hữu Lã Tứ Nương, danh đồ của bà Độc Tý đại sư trưởng phái Nga Mi sơn. Lã đạo hữu không ở núi, vân du thế thiên hành hiệp luôn luôn. Hiện thời đạo hữu nghỉ chân tại Bạch Vân tự để truyền nghề cho cô cháu gái đây là Lã Mai Nương. Giờ đây xin phép thái thái để mặc chúng bần đạo săn sóc thi thể Cam hiền đệ, chớ để nhiều tên cắm trên người thế kia không tiện. Tang ma nên sửa soạn ngay.

Triệu thị cảm động xin vâng lời và gọi Cam Tử Long ra lạy chào.

Chiêu Dương đại sư và Lã Tứ Nương cùng chăm chú nhận xét thấy Tử Long dõng dạc, diện mạo khôi ngô tuấn tú, có linh cảm khác người phàm tục, nên rất quý mến.

Lã Tứ Nương hỏi ngày sanh tháng đẻ của Tử Long, bấm đốt ngón tay tính toán giây lát, gật đầu đắc ý, ghé tai nói nhỏ mấy câu với Chiêu Dương.

Hai vị để Lã Mai Nương và Cam Long đứng đó với Triệu thị, đoạn bước tới chỗ để thi thể Trường Mâu lấy thuốc bột rắc vào các vết thương rồi rút bỏ hết các mũi tên.

Đại sư lấy rượu chùi sạch vết máu rồi cùng Lã Tứ Nương tụng niệm suốt đêm ấy, sáng hôm sau tang lễ cử hành.

Nấm mồ Cam Trường Mâu cất ngay ở chân Bạch Dương Sơn.

Triệu thị thiết lập bàn thờ chồng ngay ở thảo sảnh, giá cây trường mâu đầu rồng đặt kế bên và đặt ngay mũi giáo ác nghiệt trên linh sàng, Tử Long quỳ lạy khóc sướt mướt thề quyết báo phụ thù.

Lã Tứ Nương và Chiêu Dương nán lại mấy ngày tụng niệm cho linh hồn Trường Mâu được siêu thăng tịnh độ.

Thù cha nung nấu, sáng nào Cam Tử Long cũng đem mộc kiếm ra sân trước tập luyện như hồi Trường Mâu còn sanh thời.

Chiêu Dương và Lã Tứ Nương đứng xem mỉm cười nói :

- Hiền điệt sử dụng bài kiếm này khá lắm nhưng còn thiếu sót nhiều.

Tử Long dõng dạc đáp :

- Phụ thân con đang dạy dang dở thì lâm họa nên con không nhớ được hết.

Đại sư xoa đầu Tử Long :

- Hiền điệt nuôi chí lớn muốn báo thù cha, thì còn phải khổ luyện hơn thế rất nhiều, vậy có muốn theo ta lên núi không? Sau này bản lãnh đầy đủ mới mong hạ nổi kẻ thù. Như phụ thân hiền điệt võ nghệ cao siêu biết chừng nào mà còn mắc họa đó.

Cam Tử Long cả mừng quỳ xuống, lạy hai người gạt nước mắt thưa :

- Được nhị vị sư bá ưng thuận thâu nhận nhận truyền nghề, lẽ nào con không theo, để con vào trình bày tự sự cùng mẫu thân con hay.

Triệu thị những mong rửa được mối phụ thù, thấy Tử Long có chí thì mừng lắm, song vẫn e ngại mẹ có một con, con có một mẹ nên dùng dằng chưa biết tính sao cho ổn.

Lã Tứ Nương biết ý mời Triệu thị ra bàn với Chiêu Dương đại sư :

- Bữa nọ, tên Tăng cường đạo có ý làm hỗn, một khi chúng tôi lên đường, chắc đây y không trở lại đây hãm hại. Chi bằng thái thái nên giao gia trang trại lại cho Cam Phúc trông coi rồi cùng Tử Long về núi với chúng tôi, như vậy ổn cả đôi bên, thái thái nghĩ sao?

Triệu thị cảm động rớm lệ :

- Nhị vị đại sư thương tình mẹ con tôi chu tất, cho như vậy là cả một sự may mắn vô bờ bến, lẽ nào từ chối, nhưng tình nghĩa vợ chồng, ngu phu vừa mất, tuần thất thất chưa qua, tôi quả không đành tâm giao phó việc cúng lễ người xấu số cho người nhà được. Chi bằng, sau thất tuần, mẹ con tôi sẽ tìm đường lên núi xin theo.

Cảm động về lời phân giải trung nghĩa của Triệu thị, Lã Tứ Nương bàn với Chiêu Dương :

- Bây giờ chỉ còn giải pháp này, Đạo huynh về Bạch Vân tự trước. Tôi và Lã Tam Nương nán lại Cam gia trại chờ cúng lễ xong xuôi cho Trường Mâu rồi sẽ đưa thái thái và Tử Long về núi, đạo huynh nghĩ sao?

Đại sư gật đầu :

- Sư muội luận trúng ý tôi. Đường sá xa xôi núi rừng hiểm trở, lục lâm cường đạo đầy rẫy, để mẹ con thái thái đi một mình, quả tôi không an tâm chút nào. Mà ta đi trước để hai người lại đây cũng không được. Mai tôi đi trước, đúng kỳ hẹn sẽ cho kim điêu về đây rước, được không?

Lã Tứ Nương gật đầu đồng ý.

Triệu thị cảm động lạy tạ, bảo Cam Tử Long lạy Chiêu Dương và Lã Tứ Nương tôn hai vị làm sư phụ.

Lã Tứ Nương cho Mai Nương cùng Tử Long giao bái kết bạn đồng môn sư muội.

Triệu thị sai Tử Long vào tư phòng lấy cây trường kiếm đưa cho nhị vị sư phụ coi.

Đại sư rút kiếm ra xem một lượt rồi đưa cho Lã Tứ Nương.

Đón kiếm, lật đi lật lại, Tứ Nương nhận xét kỹ, gọi Tử Long và Mai Nương đến bên bảo :

- Đây là kiếm báu Huyền Tiễn trường kiếm. Mai Nương lấy cây kiếm của ta ra đây so sánh.

Mai Nương chạy vào lấy kiếm ra.

- “Còn cây kiếm này là Yểm Nhật trường kiếm. Khí kiếm Yểm Nhật sắc trắng long lanh lúc hoa lên dưới ánh thái dương, làn kiếm sáng chói hơn mặt trời.

Huyền Tiễn kiếm khí xanh, làn kiếm quang có sức át nổi sức sáng của cung Hằng.

Cả hai thanh cùng bén sắc vô cùng, đặt sợi tóc lên thổi nhẹ có thể đứt đôi. Thời Chiến quốc, Câu Tiễn nước Việt, ăn chay nằm mộng, lấy vàng trộn lẫn với thép lọc, đem bạch ngưu mã lên Côn Ngô Sơn tế thần ứng với khí bát hướng tứ phương, tốn công bốn mươi chín ngày mới luyện thành.

Sau này học tập, các con sẽ đi tới ba thời kỳ khổ luyện.

Thời kỳ thứ nhất, hoa kiếm lên như thường tức là sơ luyện Thời kỳ thứ hai, làn kiếm bắt đầu phát ra bạch và thanh quang lạnh vi vu bao phủ khắp người. Đó là trung luyện.

Thời kỳ thứ ba, làn kiếm bốc sáng lớn quanh người rộng tới ba trượng, khiến đối thủ phát lạnh người, luồng gió phát ra từ lưỡi kiếm lúc nhẹ vi vu như gió thoảng thông reo, lúc dồn dập rít lên như lụa xé. Tức là điêu luyện. Thời kỳ đó, người xử kiếm bước vào hàng đại kiếm khách, lấy đầu người dễ dàng như trở bàn tay.

Đạt được nước ấy, hai con phải khổ luyện mười năm trời, liệu có theo nổi không?”

- Chúng con xin theo.

Lã Tứ Nương cười :

- Nói vậy chớ hai con còn nhỏ tuổi làm sao dám chắc được!

Tử Long dõng dạc thưa :

- Thù cha, đệ tử phải báo, dù gian lao cũng cam lòng.

Lã Mai Nương nói :

- Điệt nữ sẽ theo giúp Cam sư huynh đến cùng cho trọn tình đồng môn đồng đạo.

Sáng hôm sau, Chiêu Dương đại sư ra sân trước huýt gió hai tiếng.

Cặp kim điêu từ ngọn cây bạch dương bay là xuống.

Chỉ con điểu lông mượt màu vàng sẫm, Chiêu Dương nói :

- Đồng Tử ở lại chờ Lã đại sư! Kim Tử đi với ta.

Như hiểu tiếng người, Đồng Tử ré lên mấy tiếng vỗ cánh khiến gió lộng cả vùng sân, bay lên cao rồi là xuống đậu trên ngọn cây bạch dương như cũ.

Đại sư chào mọi người trong trại quỳ rạp trên sân cỏ tiển đầu, leo lên lưng Kim Tử điểu, bảo đi Con Kim Tử xòe đôi cánh lớn lao mình vụt lên cao lượn quanh Cam gia trại một vòng rồi mới hướng về phương Tây bay thẳng.

Trong thời gian chờ đợi Triệu thị cúng tuần thất cho Trường Mâu, Lã đại sư ngày nào cũng hai buổi giảng dạy và thực hành các môn võ sơ đẳng cho hai môn đồ.

Lã Mai Nương và Cam Tử Long nhờ đã có thời kỳ tiên luyện nên thâu nhận được hết một cách dễ dàng.

Chẳng bao lâu, tuần thất thất đã hết.

Một buổi chiều kia, Lã đại sư vừa dắt hai môn đồ đi chơi trong Bạch Dương lãnh về gần tới cổng trại thì thấy một vừng đen lớn từ xa bay tới.

- Hai con coi kìa! Kim Tử điểu đã tới rước.

Mai Nương và Tử Long vỗ tay reo mừng.

Quả nhiên Kim Tử điểu bay tới rất lẹ, vòng quanh trại. Đồng Tử điểu cũng bay vụt lên, ré lớn như mừng đón bạn, hồi lâu hai con đại điểu mới sà xuống cây bạch dương trong Cam gia trại.

Cam Phúc vội lấy thịt sống bỏ vào chậu gỗ để ra giữa sân cỏ.

Hai đại điểu sà ngay xuống ngốn một hồi hết nhẵn, đưa cặp điểu trảo cứng như móc sắt, gõ mỏ cồm cộp rồi bay thẳng ra suối đằm mình uống nước.

Về tới thảo sảnh, Lã đại sư bảo Triệu thị :

- Thái thái liệu thu xếp hành trang, giao phó việc nhà, ngày mốt lên đường.

Triệu thị nói :

- Thiếp sửa soạn xong cả rồi. Ngày mai sẽ cúng từ mộ phần rồi lúc nào đi cũng được. Chỉ e...

E sao?

- Thiếp e ngồi trên mình điểu bay cao sẽ bị nhào xuống mất.

Lã đại sư cười dòn giã :

- Điều đó thái thái khỏi lo. Ngự điêu còn êm hơn kỵ mã rất nhiều. Ít tuổi như Lã Mai Nương lần đầu ngự điểu còn không biết sợ nữa là! Tử Long ngồi với tôi. Thái thái ngự chung một điểu với Mai Nương, nó đã quen, thái thái giữ chặt lấy ngang lưng Mai Nương là được.

Hôm sau, mẹ con Triệu thị ra chân ngọn Bạch Dương lễ mộ phần Trường Mâu.

Lã đại sư và Mai Nương cũng theo ra khấn vái cầu Trường Mâu linh thiêng phù hộ Tử Long học tập thành tài.

Trang trại giao phó cho Cam Phúc đốc xuất cai quản.

Sớm ngày, Lã đại sư giắt theo thanh Huyền Tiễn trường kiếm, mẹ con Triệu thị đến bên bàn thờ Trường Mâu sụt sùi khấn vái nhiều lần rồi mới lên lưng điểu, theo Lã đại sư ra đi.

Người trong trại ra tiễn đưa đủ mặt nhìn theo cho tới khi bóng hai kim điểu khuất hẳn sau dãy Tần Lỉnh Sơn chơi vơi ngạo nghễ như thách thức trời xanh.

Thật ra, nếu đi đường bộ, từ Cam gia trại đến Mã Dương cương đường sơn cốc hóc hiểm, xa xôi vạn dặm, phải mất vài tháng mới tới nơi.

Nhưng ngồi trên mình điểu, đường tắt gần hơn nhiều. Những khi muốn nghỉ ngơi, Lã đại sư cho điểu đáp xuống sườn non hay cánh rừng, dùng lương khô rồi tiếp tục hành trình.. Chiều chiều, đại sư thấy nơi làng mạc hay thôn ổ nào, thì để kim điểu lên cây lớn đầu rừng, còn người vào quán trọ, sáng hôm sau lại đi.

Mỗi khi ở tửu điếm lần nào cũng mua theo thịt sống cho hai đại điểu ăn.

Thấm thoát, tới trưa ngày thứ bảy, kim điểu bay tới một dãy núi đá chênh vênh hiểm trở mọc toàn thứ thông vạn niên cao vòi vọi, thân lớn hằng mấy ôm.

Những đợt mây trắng như bông vắt ngang sườn núi.

Tới một ngọn cao nhất giữa hàng trăm ngọn khác chập chùng, Lã đại sư cho kim điểu hạ xuống phiến đá phẳng lì lớn bằng bốn, năm chiếc chiếu.

- Ta đáp xuống đây rồi leo chân lên núi cho biết đường đi.

Đoạn đại sư quát hai đại điểu :

- Về chùa báo trước đi!

Hai con điểu bay vòng ra sau núi mất hút.

Lã đại sư hỏi Triệu thị và Cam Tử Long :

- Thái thái và hiền đồ có mệt không?

- Ngậm viên thuốc đại sư cho, tôi thấy người khỏe như thường.

Lã Mai Nương dắt tay Tử Long tung tăng chạy trước.

Đường đi vòng thúng quanh co hồi lâu tới một khu bằng phẳng, bỗng một con trăn lớn vẩy hoa mình lớn mấy khoanh, quấn tròn, ngóc đầu lên cao, mắt sáng như sao, há miệng đỏ lòm phun phì phì, lưỡi tia ra như lửa, chắn ngay giữa lối đi.

Cam Tử Long nhảy lùi lại bên mẹ, Triệu thị run lập cập luýnh quýnh muốn chạy.

Lã Mai Nương cười vang :

- Sư huynh! Chưa kịp hỏi đã chạy! Trăn này không hại ta đâu.

Lã đại sư quát :

- Nghiệt súc! Không nhận ra người nhà sao? Đi nơi khác! Mau.

Con trăn lớn nặng nề quẩy khúc, vươn mình vào khe đá, mất dạng.

Lã đại sư bảo mẹ con Triệu thị :

- Nghiệt súc này khôn lắm, Chiêu Dương đại sư dạy bảo nó và cho nó chức tuần phòng ngọn Mã Dương. Người không có bản lãnh khó lên thoát tới đây. Sức nó có thể làm bật rễ cây thông lớn.

Bốn người lại tiến quanh co đến một thác nước đổ ầm ầm từ vách đá trên cao dội xuống.

Nước đập vào đá, tung lên thành muôn vạn mảnh long lanh như ngọc lưu ly.

Đường đi khúc khủyu, phong cảnh cực kỳ u nhã, cây cỏ rung rinh, hoa dại muôn màu đua nở hương bay ngào ngạt.

Ngoài tiếng gió cuốn thông reo, chim kêu vượn hú, thác cuốn sườn non, không còn một tiếng động nào khác nữa.

Triệu thị có cảm giác lâng lâng thoát tục.

Qua hai cửa động tối âm u có nhũ đá nhỏ giọt lạnh giá, bốn người len lỏi tới một khu rộng rãi.

Trời đã về chiều, vừng kim ô lắng chìm sau vách đá, bầy chim rừng xào xạc về tổ. Khí núi bốc lần lần, cảnh hùng vĩ nên thơ đượm vẻ thần tiên, gió quyện ngàn hương hòa trong lớp sương lam huyền ảo.

Xa xa ẩn hiện lớp tường đá xanh xanh.

Lã đại sư chỉ tay :

- Đi lên, gần tới Bạch Vân tự rồi.

Mọi người đều rảo bước qua khu đất trống tới lớp cổng đá gỗ kính đục nổi ba đại tự nét bút cực kỳ sắc sảo: Bạch Vân tự.

Hai chú tiểu đồng đã đứng chờ sẵn đó, mừng Lã đại sư cùng Mai Nương đã về, cung kính chào Triệu thị và Cam Tử Long.

- A di đà Phật!

Lã Mai Nương thân mật hỏi hai chú tiểu :

- Nhị vị sư huynh chưa lên hương sao?

- Lên rồi mới ra chờ ở đây chứ! Lệnh của sư phụ.

Chỉ Cam Tử Long, Mai Nương nói :

- Đây là Cam Tử Long, sư huynh, môn đồ của chùa ta.

Lã đại sư hỏi :

- Sư phụ đâu?

Chú tiểu đáp :

- Dạ người đang chờ đại sư trên trai phòng.

Qua cổng Bạch Vân tự vào tới đại điện. Tám tượng La Hán, lớn bằng người thật ở hai bên tường đá. Giữa điện có một pho Di Lặc cao lớn dị thường, đầu gần chạm nóc. Chiêu Dương đại sư đứng ngoài cửa trai phòng, tay lần tràng hạt.

Triệu thị, Tử Long và Mai Nương quỳ lạy.

Chiêu Dương nói :

- Đường xa mới về mệt nhọc, thái thái miễn đại lễ.

Mọi người theo Chiêu Dương vào cả trai phòng, đặt hành lý xuống bực đá.

Trai phòng sáng sủa dưới ánh sáng lung linh của bốn ngọn đèn lưu ly.

Chiêu Dương hỏi Lã Tứ Nương :

- Trong cuộc hành trình đạo hữu có gặp mưa không?

Trao hai thanh trường kiếm Yểm Nhật và Huyền Tiễn cho Mai Nương cất đi, Lã đại sư đáp :

- Thiệt may! Không bị một hạt mưa nào cả.

Chỉ tấm ghế bên tường, Chiêu Dương mời Triệu thị ngồi. Đoạn, mời Lã đại sư ngồi trên tấm bồ đoàn trên bực, rồi tự mình ngồi xuống kế bên, Chiêu Dương cất tiếng sang sảng tựa chuông vàng :

- Cam Tử Long con, con hãy quỳ dưới chiếu cỏ nghe ta dạy.

Tử Long bước tới trước mặt nhị vị đại sư nghiêm chỉnh quỳ xuống.

- Dạ, xin nhị vị sư phụ truyền bảo.

Chiêu Dương chậm rãi nói :

- Xưa nay ta vốn không truyền võ thuật cho bất cứ người nào. Nhưng hiền đồ đây là con của một bằng hữu, hơn nữa linh căn của hiền đồ xuất phàm nên Lã kiếm khách đại sư và chánh ta mới ưng thuận thâu nhận làm môn đồ. Hiền đồ cố chí, không quản gian nan, mong học thành tài báo thù phụ đó là sự kiện khiến ta chấp nhận. Bạch Vân tự này xưa kia là nơi trú ngụ trước nhất của Tổ phái Thiếu Lâm, Đạt Ma thiền sư, trước khi người xuống Hoa Nam. Truyền tới nay là Bắc phái Sơn Đông. Sư muội ta, Lã Tứ Nương đại sư, danh đồ Nga Mi sơn, cũng trụ trì nơi đây. Vậy môn võ thuật mà hiền đồ sẽ thọ hưởng từ nay đều do hai môn phái chân truyền để đi tới mức hoàn toàn siêu việt. Khi thành tài, hiền đồ phải hiểu nguồn gốc môn võ thuật công phu mà hiền đồ đã may mắn được hưởng từ giây phút này.

Tiếng nói dõng dạc ấm áp, huyền bí như tiếng chuông ngân từ xa vọng lại, Cam Tử Long rung động, hồi hộp, im lặng nghe.

Chiêu Dương nói tiếp :

- Hai chú tiểu đồng Mạnh Sơn, Võ Sơn cũng là bạn đồng môn được ta thâu dạy từ lâu, tuy còn ít tuổi nhưng nghệ thuật khá cao siêu, tánh tình hiền hậu, Lã Mai Nương, điệt nữ của Lã đại sư đây, và hiền đồ, nhập môn sau, phải tôn hai người ấy làm sư huynh, không được khinh suất phạm tới nghiêm giới chùa này.

Cam Tử Long lắng nghe lời sư phụ, xin nhất nhất tuân theo.

Triệu Thị cũng vái tạ Đại sư có lòng cứu giúp chu tất cho hai mẹ con khỏi phải xa nhau.

Chiêu Dương bảo chú tiểu Mạnh Sơn truyền cho bà thủ tự dọn một căn phòng kế bên phòng Lã Mai Nương cho Triệu thị và Cam Tử Long ở.

Đêm hôm ấy, Triệu thị thao thức, phần thì nhớ nhà không hiểu phần mộ chồng có được trông coi chu đáo không, phần thì thù chồng canh cánh nên nằm ngồi không yên.

Đêm khuya khí lạnh, kéo mềm cho Tử Long ngủ say, Triệu thị bước ra thềm nhà nhìn cảnh vật non cao cây cảnh u tỉnh chìm dưới ánh trăng đầu tháng.

Mắt rưng rưng lệ, nàng chắp tay lẩm nhẩm khấn :

- Phu quân sống khôn, chết thiêng xin phò hộ cho Tử Long có đủ can đảm năng lực học kiếm pháp thành tài, sau này gươm thiêng sẽ phanh thây tên cường đạo Tăng Tòng Hổ rửa hận phục thù.

Nhìn cảnh vật hồi lâu, Triệu thị rùng mình thấy lạnh mới rón rén vào phòng lên giường ngủ, thiếp đi lúc nào không biết.

Xa xa tiếng chim rừng rộn rã điểm canh năm, Triệu thị chợt tỉnh dạy, đánh thức con sửa soạn lên hầu đại sư.

Cam Tử Long cùng Lã Mai Nương lên tới trai phòng thì hai chú tiểu Mạnh Sơn và Võ Sơn cũng vừa tới.

Chiêu Dương và Lã Tứ Nương đang ngồi dùng trà...

Đến sáng rõ, hai đại sư bắt đầu truyền dạy võ nghệ cho Tử Long, Mai Nương.

Trước còn luyện tập gân xương, nghe giảng võ thuật, sau tập quyền cước phi hành.

Mai Nương và Tử Long vốn đã sẵn căn bản võ thuật từ nhỏ nên học rất mau biết, sư phụ dạy đến đâu, cả hai đều thâu nhận được đến đấy rất chu đáo, lắm lúc tự biến các thế quyền cước một mình khiến hai vị đại sư cũng phải khen ngợi.

Trong thời gian truyền dạy, nếu có việc cần phải ra khỏi núi thì một đại sư hạ sơn, nên việc luyện tập của Mai Nương, Tử Long không hề bị gián đoạn.

Thấm thoát được năm lần thu qua đông tới, quyền pháp của hai người đã diệu đạt tới mực cao siêu vô địch, phi hành lẹ như chiếc én mùa thu, cặp cước linh động vô cùng lợi hại, đá, đạp, càn, quét xuất quỷ nhập thần Về môn Nội Ngoại Công Phu, Mai Nương, Tử Long cũng thọ hưởng một thuật pháp phối hợp đặc biệt của hai chánh phái Nga Mi và Sơn Đông do hai danh sư chân truyền tận tâm chỉ bảo.

Một hôm, Chiêu Dương bảo hai đồ đệ :

- Một đấu một, hai con thử lần lượt cùng ta giao đầu xem sao. Lã Mai Nương đánh trước.

Dứt lời, đại sư cởi áo ngoài vắt vào gốc cây, xắn tay áo chờ.

Lã Mai Nương bước tới quỳ lạy :

- Xin sư phụ tha lỗi.

Đoạn, nàng lùi lại mấy bước bái tổ.

Chiêu Dương đứng Chảo Mã Tấn, tay hữu thu vào sường, tay tả xòe ra trước ngực, hất hàm ra hiểu bảo đồ đệ vào phá.

Mai Nương đổi bộ pháp ba lần, rồi bất thần nhảy vụt tới co chân tả đá móc vào bắp chân đại sư.

Chiêu Dương thoát bộ tránh ngọn cước ấy nhưng Mai Nương đã thừa thế hạ tấn Trung Bình dang tay đấm thẳng vào mặt địch thủ, tay hữu vòng ra trước ngực.

Đó là thế “Thần Cung Xạ Hứa Điền”.

Chiêu Dương quát lên một tiếng hay gạt phắt trái thôi sơn của đối thủ, vỗ mạnh và dùng thế “Đại Bàng Chuyển Dực” thúc cùi chỏ vào đối phương.

Mai Nương thoát bộ lần nữa, lánh đòn, rồi tiện đà chân đá quét luôn ngọn “Hoàng Xà Tảo Địa” khiến Đại sư phải thoái bộ nhường Mai Nương tấn công tới tấp.

Hai thầy trò song đấu, kẻ qua người lại, bốn tay tung lộn khuôn phép, cặp cước nhịp nhàng, đòn tấn cũng như thủ mau lẹ biến ảo vô cùng.

Lã Tứ Nương đứng ngoài coi, thích chí vỗ tay :

- Dư trăm hiệp rồi, hòa đi!

Đánh nhử một đòn, Chiêu Dương nhảy ra khỏi vòng chiến :

- Thôi về quyền pháp, ta mừng cho con đấu ngang tay rồi. Chịu thua! Cam Tử Long vào đấu Mai Nương thế ta nào!

Mai Nương khoanh tay chờ giữa sân.

Tử Long nhảy vào bái tổ nói :

- Xin lỗi sư muội Mai Nương mỉm cười tươi như hoa :

- Kính mời sư huynh cứ ra tay.

Thế là hai người vận dụng toàn sức đấu một trận dữ dội chẳng khác chi lưỡng hổ Tranh tài. Quyền ra vun vút, cước phóng vù vù tựa gió. Quyền cước biến chuyển nhịp nhàng, khi lẹ hơn chớp giật. Lẫn vào đó, thỉnh thoảng bật lên tiếng thét lanh lảnh nghiêm nghị của Mai Nương hay tiếng quát vang dậy cả toàn khu của Tử Long.

Hai người tận lực giao đấu kinh thiên động địa, bộ cước tiến, lùi sầm sập có phương pháp chánh tông, thiệt là một trận long tranh hổ đấu, bóng hai đối phương quấn quít vây tròn lấy nhau mau lẹ đến nỗi khó bề phân biệt bên nào là Mai Nương, bên nào là Tử Long.

Trận đấu dư hai trăm năm mươi hiệp.

Hai vị đại sư mải miết coi đến nỗi quên cả cầm chịch.

Chú tiểu Võ Sơn phải đến gần sư phụ thưa :

- Dư hai trăm năm mươi hiệp rồi, sư phụ.

Chiêu Dương vội nói lớn :

- Thôi! Ngừng tay.

Mai Nương và Tử Long đang tận lực tranh đấu, say đòn, không nghe thấy gì, tiếp tục đánh mạnh hơn.

Lã Tứ Nương khoanh tay lên miệng thành loa gọi :

- Hai hiền đồ ngừng tay! Cuộc đấu ngang tài, hòa.

Bấy giờ Cam, Lã, hai thiếu niên mới chịu thoái bộ ngừng tay bái tổ, sắc mặt chỉ hơi đỏ, hô hấp nhẹ nhàng.

Cam Tử Long khoanh tay nói :

- Quyền pháp của sư muội vượt mức cao siêu, ngu huynh xin chịu.

Lã Mai Nương đáp lễ :

- Sư huynh dạy quá lời, bài học Quyền cước hôm nay sư huynh ban cho quả rất đích đáng.

Hai người liền cùng bước tới vái nhị vị đại sư rồi khoanh tay đứng hầu hai bên.

Bỗng Mạnh Sơn hỏi Lã Mai Nương :

- Ủa! Chiếc bông sư muội gài trên mái tóc đâu rồi?

Cùng khi ấy, chú tiểu Võ Sơn cũng hỏi Tử Long :

- Kìa! Cam hiền đệ mất chiếc nút áo lúc nào vậy?

Lã Mai Nương tủm tỉm cười đưa trả chiếc nút áo cho Tử Long.

- Xin lỗi sư huynh nhé.

Lẳng lặng, Tử Long lấy trong túi áo ra chiếc bông gài lại lên mái tóc đen huyền của Mai Nương :

- Ngu huynh cũng xin đưa lại chiếc bông này cho sư muội.

Thì ra trong khi giao đấu hai người đã đoạt hai vật nói trên để ghi thành tích mà cả hai cùng lẹ làng quá đến nỗi không biết được là bị đoạt.

Chiêu Dương đại sư cười lớn :

- Khá lắm! Kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài! Kẻ tám lượng người nửa cân. Bõ công chúng ta dạy bảo. Tre già măng mọc, ta rất mừng.

Lã Tứ Nương đại sư bảo Cam, Lã hai đồ đệ :

- Ta rất mừng hai hiền đồ sử dụng rất tinh vi cả hai môn quyền cước Nga Mi và Sơn Đông. Trong thiên hạ ít có người may mắn được thọ hưởng chân truyền cả hai môn phái như vậy.

Từ nay phải chuyên luyện thập bát ban võ khí và nhất là kiếm thuật để sau này thành kiếm khách lỗi lạc bản lãnh phi thường.

Hai thanh trường kiếm Yểm Nhật và Huyền Tiễn bảo kiếm, trên đời này không có thanh thứ hai. Bởi vậy người đeo kiếm phải phi phàm xuất chúng, nếu không, tất uổng kiếm linh.

Các hiền đồ hãy vào lấy kiếm ra đây.

Mai Nương và Tử Long cùng chạy vào phòng Lã đại sư lấy báu kiếm mang ra.

Lã đại sư nói :

- Hai hiền đồ hãy đeo kiếm lên lưng, ra sân mau!

Ba thầy trò ra tới sân, Lã đại sư bảo :

- Rút kiếm ra xem bây giờ có vừa tay không?

Soạt!...

Mai Nương, Tử Long rút kiếm, lưỡi kiếm mát lạnh, long lanh, sức nặng vừa tay.

- Thưa, vừa tay lắm.

Lã đại sư đứng thẳng, giơ tay cầm nhành liễu nhỏ mong manh chỉ vào hai người :

- Dùng kiếm chém ta coi!

Vái lạy Lã đại sư xong, hai môn đồ uốn mình nhảy tới chém mạnh, tức thì Lã Tứ Nương không gạt đỡ nhưng uốn mình dẻo dai như giao long giỡn thủy, lượn theo tay kiếm của Cam, Lã hai người. Ngót trăm hiệp, hai lưỡi kiếm chém vùn vụt mà không thể xâm phạm tới nhành liễu trong tay Lã đại sư. Mai Nương và Tử Long tự hiểu có đánh thêm nữa cũng vô ích, bèn thâu kiếm lại quỳ lạy :

- Chúng đệ tử không thể nào chém trúng được, nhành liễu phất phơ dễ dàng ngay trước mắt mà sao biến ảo vô thường.

Lã đại sư hỏi hai môn đồ :

- Ô! Ta sử dụng nhành liễu theo kiếm pháp tuyệt cao của Cam đại lão đó. Hiền đồ không nhận ra lối kiếm linh diệu của bài Việt Nữ Kiếm đó sao? Với bài kiếm này, khi xưa người con gái nước Việt đã hạ nổi con Bạch Viên thành tinh trên Đông Sóc lãnh. Hai con hiện thời, quyền cước vô song, tay kiềm kiếm tốt mà còn không xâm phạm nổi nhành liễu trong tay ta, như vậy đủ hiểu kiếm thuật là một môn học rất tinh vi linh diệu khác thường, khó khăn hơn các môn võ khí khác. Muốn mạnh thì mạnh, muốn nhẹ thì nhẹ, biến ảo muôn đường. Sau này hiền đồ đạt tới mức tuyệt cao về kiếm thuật và với tài sức hiện thời về quyền cước, khi ra đời, hai hiền đồ dư sức chống lại bất cứ tay kiếm khách lỗi lạc nào trong thiên hạ. Chiêu Dương đại sư và ta truyền hết công phu bình sanh chỉ trông cậy ở hai hiền đồ sau này cùng Mạnh Sơn, Võ Sơn nối nghiệp môn phái, đó là ước nguyện của chúng ta. Cũng như quyền thuật, mong rằng hai hiền đồ sẽ thâu nhận được hết môn kiếm thuật để trở thành kiếm khách, quyền gia lỗi lạc siêu đẳng sau này.

Mai Nương, Tử Long vâng lời, lạy tạ, gài kiếm vào vỏ.

Từ đó Cam - Lã hai người chuyên tâm luyện kiếm thuật, đêm đêm dậy sớm từ đầu canh tư ngồi vận dụng Nội Ngoại công phu.

Hơn một năm sau, sức sử dụng bảo kiếm đã bắt đầu có luồng kim quang bao bọc nhẹ quanh người.

Nhị vị đại sư vui mừng cho rằng :

- Qua thời kỳ sơ đẳng rồi. Từ đây, đã có căn bản về kiếm thuật, đạt tới trung đẳng không đến nỗi khó khăn tuy cũng còn phải nhiều công phụ nữa.

Một năm rưỡi sau, Lã Mai Nương và Cam Tử Long sử dụng Yểm Nhật kiếm và Huyền Tiễn kiếm huyền ảo biểu hiệu vô cùng, luồng kiếm và khí lạnh vi vu toát ra ba, bốn trượng. Những lúc mau lẹ, gấp rút, lưỡi kiếm bật ra những tiếng rít kinh hồn như tiếng lụa xé.

Trước sự hiện diện của hai đại sư, Mai Nương, Tử Long, luyện kiếm dưới ánh trăng xanh. Hai người lúc tiến khi lùi, hoặc khi đậu lên mỏm đá, lúc sà xuống mái chùa, hai luồng thanh quang, bạch quang, vi vu, biến ảo, linh diệu, nhập thần, tiếng kiếm chém vào nhau nghe chí chát khô khan nghe lạnh gáy, rền rĩ âm vang khắp vùng núi âm u. Lã đại sư vỗ tay ra hai môn đồ thâu kiếm lại. Cam, Lã từ nóc chùa liệng mình xuống sân nhẹ nhàng như chiếc lá mùa thu, tra kiếm vào vỏ, chắp tay hầu.

Lã Tứ Nương nói :

- Hiền đồ đã đạt tới mực độ siêu phàm, rất đáng mừng, nhưng ta muốn truyền nốt mực độ cuối cùng rất hiếm có để hai hiền đồ đi tới mực độ xuất phàm điêu luyện. Hãy nghe ta giảng đây. Trong khi học thập bát ban võ nghệ, hai hiền đồ đã luyện thuật phi tiêu, phi đao và phóng trâm, liệng đạn. Trong bốn môn phi đó Mai Nương đã đặc cách luyện môn trâm, còn Tử Long thì hoàn toàn về môn phóng thiết đạn. Nay ta đặc cách truyền cho môn phóng kiếm, nghĩa là sử dụng thanh trường kiếm như ngọn tiêu, lá đao, cây trâm và viên đạn để đâm hay trảm một vật gì cách xa mình. Thanh kiếm không phải môn võ khí dễ phóng ra như bốn môn tiểu võ khí kia. Bởi vậy khi phóng kiếm, kiếm gia phải biết sử dụng cả thần khí nội công mới hòng đánh đâu trúng đấy được. Môn phóng kiếm này chỉ riêng có hai phái Côn Luân và Nga Mi xưa kia cùng thọ huấn một Sư tổ, sử dụng nổi, và chỉ chọn lọc môn đồ mới bí truyền. Ngoại trừ chúng ta, hiện thời chỉ có sư huynh ta là Chu Tâm sư trưởng Nga Mi sơn thay thế thầy ta đã viên tịch, và Thiên La Hán sư trưởng Côn Luân sử dụng nổi thuật này. Chặng cuối đây còn trên một năm nữa, ta mong các hiền đồ cố gắng cho khỏi ô danh môn phái.

Nghe Lã đại sư giảng dạy một hồi, Mai Nương và Tử Long rất đỗi vui mừng, từ đó ra công học môn bí truyền phóng kiếm.

Hơn một năm sau, thuật phóng kiếm của Lã và Cam đã nhập thần bách phát bách trúng.

Một hôm Lã đại sư bảo :

- Ta muốn thử các hiền đồ lần cuối cùng, hãy ra đây.

Đại sư bẻ một cành cây lớn bằng vế đùi, chặt cả hết cành lá nhỏ, buộc dây thừng vào một đầu. Lã Mai Nương, Cam Tử Long đeo kiếm đứng chờ.

Đại sư dặn bảo :

- Khi ta hô phóng thì đợt đầu dùng mũi kiếm nghe.

Dứt lời Đại sư cầm đầu dây thừng phi hành chạy vòng quanh sân chùa.

Cành cây bị kéo nhanh nhấc bổng lên trên mặt đất như chiếc diều bay...

- Phóng!

Lẹ như chớp, Mai Nương, Tử Long rút trường kiếm nhằm cành cây phóng mạnh.

Hai thanh bảo kiếm vụt ra như tia chớp cắm phập vào cành cây lúc đó lướt qua chỗ Cam, Lã đứng tới bảy trượng.

Lã đại sư ngừng chạy. Cành cây là xuống đất.

Mai Nương và Tử Long cùng chạy tới lấy kiếm lại.

Đại sư nói :

- Thành công đợt đầu rồi, bây giờ tới đợt thứ hai. Phải chém, nghe?

Cam, Lã không kịp trả lời, đại sư đã vội chạy đi như trước. Cành cây lại bổng lên khỏi mặt đất.

- Phóng!

Mai Nương, Tử Long đồng loạt hành động. Hai báu kiếm phóng xẹt ra tiện đứt cành cây thành ba khúc rớt xuống đất.

Lã đại sư ngừng chạy, quay lại nhìn khúc gỗ bị tiện đứt nhẵn như bào :

- Ta mừng cho hai hiền đồ thành công rồi. Với công phu này, hiền đồ có thể trảm đứt đôi mình ngựa đang phi thiệt nhanh. Từ nay cần giữ sức cho đều hòa và không cần phải học hỏi gì thêm nữa.

Mai Nương, Tử Long mừng rỡ quỳ lạy tạ hai sư phụ về phòng an nghỉ.

Triệu thị ngồi ngoài hàng hiên chờ con, thấy hai người xách kiếm đi tới, thì đờ người ra nhìn không chớp mắt. Bấm đốt tay, thấm thoát đã mười lần bông đào nở trên Bạch Vân tự. Từ cậu trai nhỏ bé, Cam Tử Long ngày nay đã nghiễm nhiên là một hảo thanh niên tráng sĩ với hai chục lần xuân, tóc đen lánh búi ngược, mi thanh mục tú, hàm én mày ngài, cổ to vai rộng, lưng beo mềm mại uyển chuyển như con báo.

Lã Mai Nương cũng vậy. Ai ngờ thiếu nữ mười tám ấy lại là vị cân quắc anh hùng! Làn tóc tơ như dải suối huyền lồng khuôn mặt trái xoan, da trắng tựa ngà. Đôi mắt phượng xếch ngược đen lánh, lúc thường thì mơ màng huyền bí xa xôi, nhưng khi ra quyền, múa kiếm lại long lanh tựa hai vì sao sáng. Cặp môi gọn gàng đỏ mọng tươi tắn nhưng lại không kém vẻ nghiêm nghị khiến nét mặt ngây thơ của người thiếu nữ đang xuân ấy già dặn thêm một đôi phần. Cũng như Tử Long nàng ưa vận võ phục màu chàm. Thấy Triệu thị nhìn đăm đăm, Lã Mai Nương ngừng bước đứng lại gần tươi cười hỏi :

- Bá mẫu nhìn chi vậy?

- Ta nhìn người thiếu nữ xinh đẹp như đóa hoa ngàn!...

Nghe mẹ nói, Cam Tử Long chống kiếm lên bực thềm nhìn Lã Mai Nương, mỉm cười.

Hai má ửng đỏ như trái đào, Mai Nương cười khúc khích :

- Chà! Bá mẫu giỡn hoài! Sống bao năm giữa cỏ ngàn hoa dại này, con người sơn cước chỉ có khỏe mạnh chất phát thôi!

- Điệt nữ khiêm tốn càng đáng quí, đáng yêu... À, sao đêm nay về trễ vậy?

Lã Mai Nương thưa :

- Đêm nay đại sư thử kiếm thuật nên lâu hơn mọi bữa. Từ nay chỉ còn chuyên luyện chớ không phải học thêm môn nào nữa.

Triệu Thị tươi hẳn nét mặt :

- Nếu vậy ngày Tử Long hạ sơn cũng sắp tới? Mối thù kia mười năm nay vẫn canh cánh bên lòng, nay mới đến thời kỳ báo phục.

Cam Tử Long nhìn Mai Nương :

- ... Và chúng ta cũng đến lúc chia tay! Không biết kẻ thủ hiện ở nơi đâu? Khi lâm chung gia phụ chỉ trối trăng lại câu: Tăng Tòng Hổ, lục lâm, cường đạo. Muốn kiếm nó có lẽ phải giang hồ góc bể chân trời... Như vậy cũng mất tới vài năm mới trở về đây thăm nhị vị sư phụ và sư muội được. Tăng tặc đạo còn sống ngày nào, ngu huynh không an lòng ngày ấy, mà hồn gia phục cũng chưa được mỉm cười nơi chín suối!

Lã Mai Nương nghiêm nghị :

- Tiểu muội mồ côi, theo cô mẫu Lã đại sư từ tấm bé, nên ngoài đại sư tu hành nơi đây ra thì tiểu muội hoàn toàn tứ cố vô thân. Ngày nay, võ nghệ học thành rồi, tiểu muội rỗi rãi không biết làm gì hơn, chi bằng xin phép cô mẫu cho cùng xuống núi với sư huynh, trước là trợ lực báo thú, sau là nhân dịp du hành một phen cho biết đó biết đây. Sư huynh có chấp thuận không?

Cam Tử Long cả mừng :

- Được vậy còn chi bằng! Có sư muội cùng đi tham khảo ý kiến, chắc mau lẹ gặp kẻ thù hơn!

- Sư huynh còn nhớ mặt tên họ Tăng không?

- Có chứ! Còn nhớ rõ như mới trông thấy y ngày hôm qua.

- A! Như vậy sự tìm kiếm cũng đỡ được phần nào.

Triệu thị thấy Lã Mai Nương hứa hạ sơn đi cùng với con mình thì mừng rỡ vô cùng.

- Khuya rồi, điệt nữ và Tử Long về phòng thay áo rồi còn ăn cháo, kẻo nguội.

Từ nhiều năm nay vẫn vậy, bữa cơm nào Cam - Lã hai người phải luyện võ ban đêm, Triệu thị cũng nấu sẵn nồi cháo cho hai người dùng sau buổi luyện tập. Bà quý Mai Nương như con gái ruột. Đổi lại, Mai Nương cũng kính trọng và quý mến Triệu thị như mẹ vậy.

Vốn là người chăm chỉ, hiền đức, suốt trong thời gian ở Bạch Vân tự, Triệu thị không chịu ngồi rỗi, ngày ngày giúp đỡ mọi việc trong chùa, trồng trọt, vá may luôn tay. Hàng ngày, Triệu thị còn tụng niệm trên đại điện cầu cho linh hồn chồng được siêu thăng và dun rủi cho Tử Long có đủ năng lực học võ nghệ thành tài.

Mấy hôm sau, hai vị Đại sư bảo Cam Tử Long rằng :

- Hiền đồ lên Bạch Vân tự này cũng đã dư mười năm trường, hấp thụ được bản lãnh phi phàm. Nay mai đây, ta sẽ cho hạ sơn báo phụ thù và đem tài trí giúp đời. Ta tin ở bản lãnh con lắm, nhưng chớ có cậy tài đâm ra kiêu hãnh. Luôn luôn nhũn nhặn nhân nhượng. Dùng giải pháp ôn hòa, cùng lắm mới sử dụng tới võ thuật để bảo vệ tánh mạng, danh dự. Phải đặt danh dự môn phái lên trên tánh mạng. Từ ngọn Mã Dương này, ta theo dõi hiền đồ từng bước trong muôn vạn nẻo đường.

Cam Tử Long giơ tay nghiêm nghị thề :

- Đệ tử lấy danh dự thế nhất nhất theo tôn chỉ của môn phái cho khỏi phụ công ơn dạy bảo của nhị vị sư phụ trong bấy lâu nay.

- Cho hiền đồ đứng dậy.

Lã đại sư gọi :

- Mai Nương con.

Mai Nương vội ra quỳ trước mặt hai đại sư - Dạ, sư phụ có lời truyền?

- Nay con đã thành tài, ở mãi trên núi này vô ích, ta muốn con theo giúp Tử Long cho trọn tình đồng đạo, âu cũng là dịp hay đi đây đó hải hồ muôn dặm khử bạo, trừ gian, làm quen cùng anh hùng trong thiên hạ. Phận sự của kiếm khách như thế nào và các kinh nghiệm du hiệp ta đã truyền giảng hết không thiếu sót một điểm nào. Với mớ hành lý tinh thần ấy, ta an tâm họ Cam và con không đến nỗi nào sút kém trên đường giang hồ hành hiệp. Danh dự môn phái đặt cả trên bao thước kiếm thần.

Con có điều chi muốn trình bày không?

- Điệt nữ còn biết nói gì nữa hơn là xin nhất nhất vâng lời nhị vị sư phụ.

Cam - Lã, hai thanh niên về phòng nói lại việc đại sư cho hạ sơn với Triệu thị nghe.

Cam Tử Long nói :

- Điều làm trước nhất khi hạ sơn là về Tần Lĩnh sơn thăm mộ phần, mọi việc sẽ hay sau.

- Mẹ cũng muốn về thăm, tế mộ phần luôn thể.

- Thiết tưởng mẫu thân chẳng về vội. Con chỉ ở nhà có ít ngày rồi lên đường tìm kẻ thù ngay. Lúc đó mẫu thân ở nhà một mình con không an tâm. Chi bằng cứ nương nhờ nơi đây, an ninh được đảm bảo hơn, chừng nào mối thù đã báo, con sẽ đón mẫu thân cùng về tế vong hồn cha có hơn không?

Triệu thị lưỡng lự không biết làm sao cho phải thì Lã Mai Nương nói :

- Cam sư huynh nói phải, bá mẫu nên theo lời. Báo thù xong, về Tần Lĩnh sơn cũng không muộn.

Ba người đang bàn định thì chú tiểu Võ Sơn đi đến nói với Triệu thị :

- Đại sư cho mời thái thái lên ngay.

Triệu thị vội sốc áo theo Võ Sơn lên đại điện.

Chiêu Dương mời ngồi.

- Bần tăng mai mốt sẽ cho Tử Long hạ sơn tìm kẻ thù. Lã đại sư cũng cho Mai Nương theo giúp. Thái thái có ý kiến gì góp bàn không?

Triệu thị đứng lên chắp tay vái :

- Nhị vị đại sư không quản công gây dựng cho họ Cam, ơn ấy lớn hơn trời biển, Tử Long muốn để thiếp ở lại đây nương nhờ bóng lớn của nhị vị, chừng nào y trả thù xong sẽ đón về Cam gia trại.

- Tử Long nghĩ thế thấu đáo lắm, thái thái định thế nào?

- Báo thù là sở nguyện của thiếp sau đó tế vong hồn kẻ xấu số cho được vui lòng nơi chín suối. Thiếp xin nghe lời Tử Long ở lại đây nương nhờ bóng Phật đài mãi mãi...

Nghe lời Triệu thị, hại đại sư rất đẹp lòng.

Lã Tứ Nương nói :

- Ba hôm nữa tốt ngày, giờ Thìn hai trẻ sẽ hạ sơn. Thái thái khá báo cho chúng hay.

Triệu thị vâng lời lui ra về phòng nói lại cho Mai Nương, Tử Long nghe. Hai người thu xếp hành trang. Triệu thị lấy ra túi bạc định phân đôi đưa cho hai thiếu niên :

- Các con giữ lấy tiền đây làm lộ phí. Về tới Bạch Dương lãnh, vàng bạc mẹ chôn cả ngay gần gốc đào cổ thụ ở cửa sổ sau phòng, Tử Long còn nhớ gốc đào đó không?

- Dạ, con còn nhớ. Bạc chôn ngay dưới gốc đào?

- Không. Đứng trong cửa sổ nhìn thẳng ra gốc đào là hướng Bắc. Thẳng hướng đó kể từ gốc đào, đi mười bước là nơi chôn hũ sành đựng năm nén vàng và ngàn lượng bạc. Muốn chi dùng bao nhiêu cứ việc lấy. Ngoài ra, khi mới đến Bạch Dương lãnh lập trại cha con có chôn một bình sứ xanh thiệt lớn cũng đầy vàng bạc, mẹ không rõ bao nhiêu, nhưng biết là khá nhiều.

- Chôn ở đâu hả thân mẫu?

- Gần nơi phần mộ có cây bạch dương thiệt lớn...

- Dạ, con biết cây đó rồi. Một cành thấp sà xuống mặt đất.

- Chánh vậy, một phần trông về hướng Bắc, gốc cây đó ở chánh Nam. Từ gốc bạch dương đi sang hướng Đông độ hai trượng có ba hòn đá lớn chụm vào nhau.

Tử Long gật đầu :

- Có, con nhớ ra rồi.

- Vàng bạc cha con chôn dưới ba thớ đá ấy.

- Làm sao chôn vàng được ở đó? Ba viên đá ấy nặng lắm mà!

Triệu thị gật đầu :

- Đành rằng nặng, vì chánh cha con khi chôn của xong vác ba viên đá đó từ núi Bạch Dương ra đặt tại đây để đánh dấu. Nghe đâu mỗi tảng đá cũng nặng có cả ngàn cân. Mẹ chỉ cho con biết và tùy ý sử dụng.

Mấy người dùng bữa ngọ phạn xong, Lã đại sư gọi riêng Mai Nương vào tư phòng căn dặn và cho một túi bạc :

- Đây là tiền mượn của tham quan ô lại, điệt nữ hãy cầm lấy chi dụng. Nơi hồng trần không có thứ này không được. Xuống tới thị trấn, điệt nữ liệu sắm thêm trang phục, vận mấy thức sơn cước này khiến mọi người chú ý bất tiện. Phải tùy thời mới được.

Lã Mai Nương đem việc Cam mẫu cũng đưa tiền nói lại cho cô mẫu nghe.

- Cam sư huynh cũng có tiền, đem theo nhiều làm chi cho bận rộn.

Đại sư mỉm cười :

- Khi bằng tuổi điệt nữ, từ thầy xuống núi, ta cũng nghĩ như điệt nữ bây giờ, nhưng ở nơi bồng trần, càng nhiều thứ này càng hay. Giặc cướp tứ tung, cường hào ác bá nhan nhản, tham quan ô lại đầy rẫy, chẳng qua cũng vì hoàng kim hắc thế nhân tâm, khiến gươm linh hiệp khách chém bao nhiêu cũng không hết những phường đó. Vậy điệt nữ giữ lấy đây mà chi dùng hành hiệp.

Lã Mai Nương đỡ lấy túi bạc, lạy tạ lui ra.

Đêm hôm ấy, chừng cuối canh một, sau khi ôn luyện võ nghệ, Mai Nương, Tử Long chưa về phòng vội, chống kiếm ngồi dưới mái hiên lơ đãng nhìn cảnh non cao rừng rậm trập trùng dưới ánh trăng mờ.

Hai người nửa vui nửa buồn. Một bên nghĩ tới thù cha ước mong được phi hành xuống núi thét gió gào mưa đưa lưỡi kiếm linh moi gan Tăng đạo tặc. Một bên nghĩ đến việc sắp sửa xuất xứ ra đời với thiên chức nặng nề trừ hung khử bạo, nhưng nghĩ đến tình sư đệ nhiều năm đằng đẵng lại thấy cảm luyến nơi non bồng thủy nhược. Xa xa, từ dưới chân núi vọng lên tiếng thú săn mồi gầm vang động, tiếng vượn rúc não nùng. Hai người đang mải miết suy nghĩ, chợt có tiếng chân người sầm sập từ phía trước chùa chạy tới. Ngơ ngác, Cam, Lã chưa hiểu gì bỗng nhiên bốn bóng đen đã áp đến hoa khí giới đánh.

Mai Nương, Tử Long vội phi thân ra giữa sân. Bốn bóng đen đuổi theo vây tròn hai người vào giữa.

Cam, Lã tuốt kiếm đánh lại, nghĩ thầm không biết bọn đạo tặc nào lại vào nổi khu chùa này mà gây hấn vậy.

Làn bạch quang và thanh quang do hai thanh kiếm Yểm Nhật và Huyền Tiễn kiếm toát ra lạnh rùng mình, tiếng thép va chạm nhau chí chát, rền rĩ lanh lảnh ghê rợn. Như hai con vượn lẹ làng bay nhảy, Mai Nương, Tử Long vụt bên Đông, vút bên Tây biến ảo dị thường, đàn áp bốn kẻ lạ nọ phải lùi dần dần về phía sau chùa, nơi có nhiều gốc cây tùng cao lớn lù lù chắn ngang lối đi.

Mai Nương, Tử Long cả mừng ra sức đánh mạnh hơn. Bỗng hai bóng đen thoái bước chạy lẫn vào các gốc tùng rồi biến mất. Còn hai bóng đen ở lại chống với hai luồng kiếm rít lên như lụa xé.

Nhân lúc hai bóng đó lùi gần tới phiến thạch bàn ngang sườn núi, Mai Nương thét lớn :

- Tặc đồ, chạy đâu cho thoát.

Cả hai ngọn kiếm linh động cùng một lúc bổ mạnh xuống đầu địch thủ tưởng chẻ đối phương ra làm bốn mảnh...

Nhưng không, hai bóng đen đồng quát vang động :

- Giỏi đa!

Bị hai kẻ lạ xô áp tới người nắm chắc lấy cổ tay không cho chém xuống, bàn tay khép chặt lại như hai chiếc kềm sắt. Mai Nương, Tử Long đưa tay tả định điểm vào mắt đối phương buộc chúng phải rời cổ tay ra nhưng cũng vừa nhận ra hai bóng đen đó là Chiêu Dương và Lã Tứ Nương.

Toát mồ hôi ra như tắm, Cam, Lã vội quỳ xuống tạ lời :

- Đệ tử không nhận ra nhị vị sư phụ, tội đáng muôn vàn.

Chiêu Dương đại sư cười :

- Hiền đồ có tội chi, ta muốn thử đó thôi! Bản lãnh siêu phàm, kiếm thuật tinh vi, chúng ta có thể an tâm tin cậy được ở hiền đồ! Thôi, khuya rồi, cho về phòng an nghỉ, Dứt lời, nhị vị đại sư vùn vụt quay đi. Mai Nương, Tử Long tra kiếm vào vỏ lững thững trở về phòng.

Họ Cam nói :

- Sư phụ thử bất ngờ khiến ngu huynh hết hồn!

Mai Nương phì cười :

- Chùa này mà đạo tặc vào được là cả một sự lạ. Hai người kia chắc là Mạnh Sơn, Võ Sơn.

Về tới cửa phòng, Tử Long thấy Cam mẫu đang ngấp nghé nhìn ra, vẻ mặt hoảng hốt lo sợ.

- Chuyện chi thế con? Tặc đạo đâu cả rồi?

Mai Nương cười ròn rã :

- Thưa bá mẫu, không có tặc đạo nào cả, vừa rồi là nhị vị đại sư và hai sư huynh thử sức Cam sư huynh và điệt nữ đó.

- Trời ơi! Thế mà ta tưởng có thích khách hay bọn Tăng Tòng Hổ chi đó. Tim hãy còn đập như trống trận đây nè!

Cam Tử Long nói :

- Nếu Tăng đạo tặc tới đây là cả một sự may mắn! Đỡ mất công đi tìm kiếm, mẫu thân ạ!

Sớm ngày mốt, Lã Mai Nương, Cam Tử Long đai nịt gọn ghẽ, lưng đeo kiếm báu lên trai phòng.

Chiêu Dương trao cho hai đồ đệ một bọc vải đỏ và dặn rằng :

- Mười năm nay vừa luyện võ vừa theo ta vào rừng hái thuốc, luyện thuốc, hẳn hiền đồ đã biết linh nghiệm của các thứ thuốc bí truyền đựng trong bọc này. Vậy khá giữ lấy phòng thân lỡ sau này dùng tới.

- Thôi, sang giờ thìn rồi, chúc cho hiền đồ thượng lộ bình an Mai Nương, Tử Long đỡ lấy bọc thuốc, quỳ xuống lạy tạ, bịn rịn toan nói, nhưng hai đại sư mắt đã nhắm nghiền tham thiền nhập định trơ ra như hai pho thạch tượng.

Hai người biết ý, đứng dậy, ra khỏi trai phòng, lấy hành lý đeo lên vai, chào bà thủ hộ, lạy tạ Cam mẫu.

Triệu thị rơm rớm nước mắt :

- Điệt nữ và Tử Long nên tiểu tâm phòng bị. Báo phục xong liệu mau mau về đây kẻo mẹ mỏi mòn trông chờ.

- Xin mẫu thân an lòng, chớ lo buồn e hao tổn tuổi già.

Cam, Lã tìm Mạnh Sơn, Võ Sơn thì hai người đã đi tới.

- Xin chào nhị vị sư huynh, anh em tôi hạ sơn đây.

Hai chú tiểu đáp lễ :

- Chúng tôi cũng chúc nhị vị sư đệ, sư muội mã đáo thành công, rồi mau mau trở về đây họp mặt.

Mai Nương, Tử Long ra nơi hang đá bên chùa, chỗ ở của kim điêu, vuốt ve cổ đại điểu bảo :

- Các ngươi ở lại chùa nhé. Chúng ta xuống núi đây. Ước gì có các ngươi cưỡi đi xa xa thì thích quá!

Hai kim điêu vỗ cánh, hé mỏ ré vang như lưu luyến Cam, Lã hai người.

Thoan thoát, Mai Nương, Tử Long xuống núi, hết chặng này đến chặng khác, mãi chiều hôm ấy mới ra khỏi dãy Mã Dương cương, tìm chòi tiều phu nhờ qua một đêm, hôm sau lại lên đường, nhằm hướng Tây tiến thẳng.