Lá Cờ Ma

Chương 18: Hài cốt của Tôn Huy Tổ(2)




“Là quần áo phòng hóa chất à?”, tôi mắt chữ O mồm chữ A nhìn anh chàng Vệ Tiên đang lúi húi mặc quần áo.

“Không, là quần áo du hành vũ trụ đấy”, chiếc mũ chụp đầu trong suốt của anh ta làm đứt đoạn luồng ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin.

“Bộ quần áo này có thể ngăn không cho khí độc xâm hại cơ thể, bình oxy đeo trên lưng có chứa khí oxy nén dùng được trong bốn tiếng, nguồn năng lượng trong bình đảm bảo cho nó có thể thay mới khí oxy trong vòng bốn mươi tám tiếng, còn nữa, bộ quần áo này là quần áo chống đạn đấy, nó sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mấy mũi tên bắn ra từ bên trong mộ cổ nếu trong đó có bẫy ngầm. Thôi nào, đừng đờ người ra thế chứ, mau mặc quần áo vào đi!”.

Quần áo chống đạn? Lại còn cả bình oxy có thể thay mới khí oxy trong vòng bốn mươi tám tiếng? Tôi không thể không thán phục sự thần thông quảng đại của Vệ Tiên, những trang bị vừa kể trên không phải người bình thường nào cũng được trông thấy.

“Ồ, thế ra hai hôm nay anh bận mải chuẩn bị những thứ này à? Một bộ quần áo như thế này chắc phải có giá trên trời đấy nhỉ!”

“Giá cũng bình thường thôi nhưng đồ thì ít quá, tôi vốn có một bộ cho riêng mình, còn một bộ nữa phải mượn của người khác, hi vọng nó sẽ vừa với anh”.

Giá cũng thường thôi ư? Tôi không tin điều đó! Có lẽ do tiêu chuẩn đánh giá về tiền bạc của tôi và anh ta không giống nhau.

Mặc bộ quần áo này lên người thật không dễ chút nào, tôi cũng xoay sở xong nhờ sự giúp đỡ của Vệ Tiên. Những chiếc cúc được đóng chặt, cảm giác không khó chịu lắm, chỉ trừ chiếc bình oxy đeo trên lưng là hơi nặng. Tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng của Vệ Tiên.

Một tay cầm chiếc đèn pin được chế tạo một cách đặc biệt mà Vệ Tiên đưa cho tôi, một tay ôm chiếc túi nhỏ tôi mang theo trước khi đi, bên trong có đồ nghề vô cùng quan trọng của tôi: chiếc máy ảnh kĩ thuật số. Tôi bước ngay sau Vệ Tiên, từ từ bước xuống dũng đạo[1] bên dưới theo chiếc cầu thang sắt.

[1] Dũng đạo: đường dẫn vào sân hoặc nghĩa trang, ở đây nghĩa là đường đi trong mộ cổ.

Bộ quần áo ôm sát cơ thể, nên hành động không đến nỗi bất tiện. Bộ quần áo này quả nhiên là một thứ trang bị hoàn hảo. Chiếc bình oxy đeo sau lưng cũng không bị lộ ra bên ngoài, mà được kẹp giữa bộ quần áo, như thế nó sẽ được bảo vệ bằng chất liệu đặc biệt của bộ quần áo, không dễ bị xây xước hay va đập.

Hành lang thấp và nhỏ hẹp, tôi chỉ có thể khom lưng bước đi theo sau anh chàng Vệ Tiên. Dũng đạo chỉ cao chừng một mét sáu, lúc đầu do không cẩn thận, chiếc mũ chụp đầu của tôi bị cụng phải trần nhà, làm tôi sợ mất mật, ngộ nhỡ nó hỏng, tôi lấy tiền đâu mà đền.

Hai chúng tôi chưa đi được bao lâu, thì ánh sáng của chiếc đèn pin trong tay rọi tới một chiếc khay sắt nhỏ thò ra khỏi vách tường.

“Nó là cái gì thế?”, tôi hỏi.

Vệ Tiên dừng chân, lấy từ trong ba lô ra một cái chai lớn, đổ thứ gì đó vào bên trong khay sắt.

“Là đèn dầu đấy”, Vệ Tiên nói, rồi lấy trong túi ra một sợi bấc đèn và đặt vào bên trong.

Tôi nhìn anh ta châm đèn, thoáng chút ngạc nhiên.

“Anh mang cả những thứ này theo ư?”

“Thực ra, trong các ngôi mộ cổ lớn thường có những chiếc đèn kiểu này, nếu chưa bị đột nhập thì bên trong tất có những chiếc đèn chưa được sử dụng, nhưng ngôi mộ cổ này từng chứng kiến sự xâm phạm của bốn anh em nhà họ Tôn nên tôi đoán những chiếc đèn đã được dùng, bèn mang theo một ít dầu và bấc, không ngờ nó lại hữu dụng trong cái dũng đạo này”. Khi Vệ Tiên nói tới mấy chữ “không ngờ”, giọng điệu của anh ta có phần huênh hoang.

Anh ta suy nghĩ rất thấu đáo hoặc anh ta muốn chứng tỏ lời phỏng đoán của ông lão Vệ Bất Hồi là hoàn toàn sai lầm theo cách này.

Hai chúng tôi tiếp tục tiến lên phía trước, cứ cách chừng mười mấy, hai mươi mét lại có một chiếc đèn dầu, con đường quay về trở nên sáng rõ hơn nhiều so với con đường trước mặt được rọi sáng bằng ánh đèn pin mà chúng tôi sắp sửa đi tới.

Chúng tôi đi tiếp, chẳng mấy chốc đã trông thấy ngã rẽ đầu tiên.

“Đi lối nào bây giờ?”, tôi hỏi.

“Đi lối nào cũng được, nhưng tốt nhất là hai chúng ta đừng nên tách nhau”.

“Tại sao lại có đường nhánh nhỉ?”

“Tôi nghĩ chắc là do bốn anh em nhà họ Tôn không biết vị trí chính xác của ngôi mộ cổ này. Anh có nhận ra trên tường và dưới mặt đất của dũng đạo chúng ta vừa đi có một số cái lỗ nhỏ và sâu không?”

Tôi nhớ lại: “Hình như tôi có nhìn thấy một cái”.

“Những cái lỗ đó được đào bằng xẻng Lạc Dương, có lẽ là do Tứ Thúc Công tôi đào để xác định vị trí ngôi mộ cổ. Nhưng nếu ngôi mộ cổ nằm cách quá xa cái lỗ mấy con đường, sau đó kết hợp với xẻng Lạc Dương để xác định vị trí”.

Vệ Tiên đột nhiên dừng bước.

“Sao thế?”, tôi hơi căng thẳng, vẫn không có chỗ nào kì dị hiện lên dưới ánh sáng của chiếc đèn pin trong tay tôi.

“Ha ha, chúng ta gặp may rồi đây”, Vệ Tiên cười nói.

“Chúng ta đi đúng đường à? Làm sao anh biết được?”

“Không, chúng ta đi sai đường, phải quay trở ra thôi”, Vệ Tiên xoay người lại, “nhưng tôi đã tỏ cách nhận biết đường đi rồi”.

“Anh không phát hiện thấy con đường này có gì không ổn à?”

Tôi cẩn thận soi đèn pin, chẳng có gì khác lạ cả, nó vẫn thấp và mấp mô như con đường ban nãy.

“Na Đa, tôi thấy anh hơi căng thẳng đấy, lẽ ra, anh phải phát hiện ra chứ. Không phải là chúng ta tới thám hiểm mộ người chết sao, thoải mái chút đi, khà khà, lát nữa còn có cả bộ xương của anh em nhà họ Tôn nữa cơ mà”.

Tôi cười mỉa mai. Tôi không thể phủ nhận, từ lúc bước vào ngôi mộ cổ, Vệ Tiên đã lấy lại được phong độ ngày thường, không còn thấy nét muộn phiền vì sự đả kích mà ông lão Vệ Bất Hồi mang lại; còn tôi thì trái ngược hẳn, từ lúc cánh cửa sắt gian phòng ngầm đóng sập lại phía sau lưng, tôi đã bắt đầu thấy căng thẳng, tới khi bước vào trong dũng đạo này, tôi không thể ngăn trí não mình nhớ lại cái lần suýt chút nữa không thể ra khỏi dũng đạo trong hang người năm đó, bởi thế, tôi nắm thật chặt chiếc đèn pin, chỉ sợ có vật gì bất chợt nhảy xổ ra từ một nơi nào đó.

“Đâu được như các hạ đào mộ người chết đã nhiều, bản lĩnh kiên cường như thép gang, tiểu sinh đây sợ hãi lắm lắm!”, tôi tự giễu cợt mình, cũng là để dịu bớt nỗi phập phồng trong tim. Tôi vốn không phải là một người để ý nhiều tới chuyện sống chết nên mới bạo gan tham dự vào hành động mong manh giữa sự sống và cái chết này, nhưng nỗi âu lo về những điều chưa biết thì người thường ai chẳng có, tôi chỉ khác người bình thường ở một điểm, ấy là tôi vừa sợ vừa tò mò trước những điều chưa biết.

Tôi soi kĩ khắp xung quanh một lần nữa và chợt hiểu.

“Không có đèn dầu”.

“Đúng thế”, Vệ Tiên bật tách ngón tay cái, “xem ra thì những người công nhân khi đào cái động này đã sử dụng loại đèn thợ mỏ mang theo bên người, đèn dầu trên tường được gắn vào sau khi đào xong động và chỉ gắn trên con đường dẫn vào mộ cổ, vừa để chiếu sáng vừa tránh nhầm đường”.

Chúng tôi quay người bước trở ra. Lần này thì tôi đi trước, Vệ Tiên theo sau. Chúng tôi đi theo một con đường khác không lâu, quả nhiên lại nhìn thấy đèn dầu.

Kể từ lúc đó, mỗi khi tới một ngã rẽ, tôi lại rọi đèn pin trước quan sát xem con đường nào có khay sắt đựng đèn dầu, sau đó mới chọn con đường chính xác. Ở đây không giống như trên mặt đất, mỗi bước đi hết khom người lại vặn mình, eo lưng tôi mỏi nhừ, tê nhức. Tôi và Vệ Tiên đã đi qua bảy, tám ngã rẽ, dũng đạo ngầm dưới mặt đất này lớn thật.

Nó thoải dần xuống dưới, chứng tỏ chúng tôi có lẽ đã đi đúng đường.

Chất liệu của bộ quần áo tôi mặc trên người khá thoáng mát, nhưng do thời tiết quá nóng nực, lại thêm không khí trong dũng đạo không được lưu thông nên lưng tôi đã ướt đẫm từ lâu, những cúc áo trên người đều đóng chặt cả, không thể lấy tay lau mồ hôi, bởi thế, cảm giác khó chịu của tôi lên đến cực điểm.

Chúng tôi lại đi qua một ngã rẽ nữa. Vệ Tiên thắp thêm một chiếc đèn. Đi thêm mấy bước nữa, tôi thảng thốt đứng khựng lại.

“Tại sao lại là đường cụt thế nhỉ?” Luồng ánh sáng thẳng tắp của chiếc đèn pin không rọi tới dũng đạo mờ tối, sâu hun hút, mà chiếu trên một bức tường đất lổn nhổn, rõ ràng, dũng đạo chỉ đào tới đây, không tiếp tục đào xuống sâu thêm nữa.

“Không thể như thế chứ?”, Vệ Tiên lách người, len qua tôi, tiến lên trước.

“Quỷ tha ma bắt, tại sao lại thế... á, tôi đoán ra rồi”. Vệ Tiên rướn thẳng lưng, chiếc mũ chụp đầu cụng phải trần nhà phía trên hành lang.

Tôi thò đầu ra xem, trông thấy chiếc đèn pin trong tay Vệ Tiên không chiếu thẳng hướng phía trước mặt, mà rọi tới một điểm nằm hơi chếch về phía trước, ở cách chỗ chúng tôi không xa.

Ở đó có một cái động.

Tim tôi đập dồn dập hơn.

Chúng tôi bước lên phía trước, có cầu thang đất dẫn xuống phía dưới.

“Tôi xuống trước, anh theo sát ngay sau nhé!”, Vệ Tiên nói bằng một giọng trầm trầm rồi dẫn đầu nhảy trên các bậc thang đất.

Đi xuống phía dưới chừng năm, sáu mét, chúng tôi tới một gian dũng thất[2] khác. Gian dũng thất này có lẽ cũng do bốn anh em nhà họ Tôn đào, rộng gần mười mét vuông, cũng thấp lè tè như dũng đạo ở phía trên.

[2] Dũng thất: khoảnh đất dẫn vào các lối đi trong mộ cổ.

Bên trong gian dũng thất có một phiến đá cực lớn đã bị dịch chuyển, đúng ra, nó không phải là một phiến đá mà là một tảng đá bằng phẳng, to bằng nửa gian dũng thất, dày khoảng hơn bảy cen ti mét, không biết nặng mấy tấn.

Con đường dẫn xuống dưới vốn bị tảng đá bằng phẳng này chặn lối giờ đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

Đó là một con đường được tạo bởi những bậc thềm làm bằng đá đen lớn, được mài nhẵn thín, dẫn tới một nơi tối như hũ nút mà chúng tôi chưa hề biết.

“Xuống thôi!”, anh chàng Vệ Tiên lên tiếng thúc giục sau một hồi đứng trên cửa động rọi đèn pin xuống phía dưới quan sát.

Lúc này, ngay cả tiếng nói của anh ta cũng rè rè bên tai tôi.

Chúng tôi từ từ đi xuống phía dưới theo từng bậc đá, hai luồn ánh sáng phát ra từ hai chiếc đèn pin đan chéo vào nhau thăm dò con đường phía trước. Không giống với dũng đạo nhỏ hẹp lúc trước, dũng đạo chúng tôi đang đi là một khoảng không gian thoáng rộng vô cùng.