Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 3: Bí ẩn xác chết




Năm nào cũng vậy, mùa xuân không hẹn vẫn cứ trở về. Bởi lẽ trái tim mọi người đều luôn khát vọng về nó. Mùa xuân năm nay, hoa lá ngát hương nơi sân trường đã về với Diệp Hinh, cô còn có được những đêm dài êm đềm không gặp ác mộng. Nhưng điều không mong đợi thì lại đến với Âu Dương Sảnh: vào tháng tư, cô mắc chứng viêm gan A, xét bệnh trạng của Sảnh thì cô cần phải nghỉ học từ một đến hai tháng. Lúc này Hinh đang ở trong phòng thực nghiệm giải phẫu, loay hoay với một cánh tay đang ngâm trong phooc-môn màu nâu đỏ và lại nhớ đến cô bạn thân tinh nghịch của mình. Kể từ sau lần mạo hiểm đến khu nhà giải phẫu lúc đêm khuya, đến nay hai cô đã dần dần không để ý gì đến các chuyện ma quỷ nữa. Họ cũng thường cùng nhau nghiên cứu nguyên do bí ẩn của ‘Vụ án mưu sát 405’, nhưng vì bài vở bộn bề, các hoạt động của trường cũng nhiều, mặt khác, lại thiếu các tư liệu, nên hai cô không biết nên bắt đầu từ đâu. Thêm nữa, cả hai lại sống giữa khu trường xanh tươi cây lá, chỉ thấy quanh mình rực rỡ ánh mặt trời, nên dần dần cả hai cũng giống như mọi người: chấp nhận coi những chuyện kinh dị hết sức hão huyền ấy chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nên không cần nhớ đến làm gì nữa.

Sảnh vừa mới nghỉ dưỡng bệnh được ba ngày, thì Diệp Hinh – vốn luôn tự coi mình là con người độc lập tự cường – đã có phần ngơ ngác. Cũng không có gì là lạ, từ khi bước chân vào trường, hai người hầu như luôn bên nhau như hình với bóng. Kể từ sau cái đêm thu năm ngoái cùng mạo hiểm vào phòng thực nghiệm giải phẫu, cả hai lại càng ăn ý với nhau hơn. Nay Hinh bỗng cô đơn vì tạm thời vắng bóng Sảnh – bông hoa thổ lộ tâm tình, thì Hinh khó tránh khỏi có phần hẫng hụt. Tuy nhiên, Hinh vẫn thầm tự trách và giận chính mình đã quá kém cỏi, vì một cô bạn mà đã phải lúng túng rối trí. Hinh nhớ về kỳ nghỉ đông, mẹ cô đang làm thủ tục ly hôn, bà khóc và dặn dò cô: “Không bao giờ được gắn quá chặt tình cảm của mình với một ai đó.” Bà nói vậy là vì đã bao năm bà bế tắc, giận chồng không có chí vươn lên. Và đó cũng là nỗi ngậm ngùi về một cuộc hôn nhân thất bại.

Nhưng rồi cô lại nghĩ liệu có phải mình đã quá lan man về chuyện này không? Tình bạn giữa mình và Sảnh rất trong sáng, một chút bất ổn hiện nay rồi sẽ nhanh chóng trở lại bình thường cùng với thời gian. Khi mới biết tin cha mẹ ly hôn, tâm trạng mình chẳng phải cũng đã từng rất nặng nề hay sao? Mình đã khóc, đã oán trách, thậm chí bỏ nhà ra đi ... nhưng nay chẳng phải đã phẳng lặng nhiều rồi hay sao? Khi mẹ hoặc cha nói chuyện điện thoại với mình, vẫn rất tình cảm đấy thôi! Hinh không muốn chìm đắm trong khoảng chân không mà Sảnh đã để lại, cô vùi đầu vào vùng trời nho nhỏ của mình – trạm phát thanh của trường. Chị trưởng trạm phát thanh sắp tốt nghiệp đến nơi, thấy kỹ thuật đọc của Hinh ngày càng thuần thục bèn đề cử cô kế nhiệm chị làm trưởng trạm. Đang là mùa xuân, nên các hoạt động văn nghệ của trường rất phong phú, trưởng ban văn nghệ của hội sinh viên nhà trường đang bận tối mắt tối mũi, bèn kết nạp thêm Hinh làm một cán sự để chuẩn bị cho một số buổi trình diễn văn nghệ và thi đấu. Hinh đã làm khá nhiều việc cho hội sinh viên, khi đứng trong phòng thực nghiệm giải phẫu im ắng này, cô lại nhớ đến Sảnh.
“Hinh ơi, cậu đang thất tình đấy à?” Tần Lôi Lôi hỏi khẽ Diệp Hinh đang có phần lơ đễnh. Trong học kỳ này, từ sau khi bắt đầu học môn giải phẫu, Lôi Lôi đã mạnh dạn hơn nhiều nhưng vẫn chưa có gan đi một mình vào phòng thực nghiệm giải phẫu để ôn bài, nên mới nài nỉ Hinh đi cùng. Tuy ban ngày đã được nghe giảng về các tiêu bản này, nhưng vì đông người ồn ào nên khó có thể yên tâm chăm chú nhìn cho rõ. Cho nên đến tối thường có sinh viên cùng khóa đến đây để nghiên cứu các phần của tứ chi bày la liệt trên bàn. Chúng đều là một phần của các tử thi cũ, chẳng rõ đã ngâm trong phooc-môn bao lâu. Một số sợi cơ thịt đã bị tuột ra, thêm vào đó là mùi phooc-môn nồng cay nhức mũi... Không thể nói là lý thú gì, nhưng ít ra cũng còn hơn là xem các xác mới chết đầm đìa máu me.

Hinh bỗng cầm một tiêu bản cánh tay giơ lên, làm động tác như định đánh Lôi Lôi: “Cậu nói nhí nhố quá, ngay cả người chết cũng phải chồm dậy đánh cậu đây này!”
Lôi Lôi giật bắn người: “Diệp Hinh, nhà người vốn là thục nữ miền Giang Nam, đi theo Âu Dương Sảnh nên cũng học được thói quậy phá rồi đấy!’
Lại là Sảnh, Hinh thầm than vãn: cô bé rồ dại ấy đã reo rắc thật không ít!
Chu Mẫn đang ngồi bên, khẽ cười: “Hinh lại đang nhớ đến Sảnh. Tớ cứ tưởng vì quá bận việc ở phòng phát thanh nên cậu quên nó rồi! Thì ra là không thể quên!”
Trần Hy thường hay đi với Chu Mẫn, đang khẽ hát “Không thể quên ... nước mắt của em, không thể quên ... nét yêu kiều của em” trong bài hát “Không thể quên” của Đồng An Cách.
Những câu nói tếu như thế, Hinh đã nghe nhiều rồi nên cô không mấy để tâm. Chu Mẫn lại nói: “Gần đây lớp ta phải tham gia khá nhiều hoạt động, nên tớ chẳng còn thì giờ mà học. Hinh thật là tệ, chẳng giúp đỡ tớ gì cả!”
Hinh biết rõ Mẫn đang ỡm ờ “trấn” cô, cô định nói: “Đâu phải tớ không muốn giúp cậu, nhưng hễ tớ định hăng hái một chút thì cậu lại ‘từ chối khéo’, chắc cậu sợ tớ có ‘dã tâm’ gì đó, thì tớ còn biết làm gì nữa”, nhưng Hinh lại e sẽ làm mất vui, nên đành nói: “Thế thì lần sau cậu nhớ gọi tớ, tớ xin răm rắp nghe theo!”
“Không dám đâu! Đừng nói vậy! Cậu là quan to của hội sinh viên nhà trường, tớ chỉ là một lớp trưởng còm, đâu có vai vế gì để chỉ huy ai!”

Trần Hy cười khanh khách.
Hinh cũng cười. Cô chăm chú quan sát tiêu bản, bất giác lại nghĩ: nếu Sảnh có mặt ở đây thì nó sẽ nói những câu gì kỳ quặc để đối phó nhỉ? Bỗng nghe thấy những tiếng bước chân lệt sệt, Hinh chột dạ, nhớ đến ông già gù đầu hói đã gặp trong đêm hôm nào, cô bỗng mất tự chủ, rảo bước bước ra khỏi phòng thực nghiệm.
Phòng thực nghiệm giải phẫu đồng thời cũng là phòng học, ở tầng trệt của khu nhà giải phẫu gồm hai phòng thực nghiệm ở hai hướng bắc, nam; đều rất gần cửa ra vào khu nhà này. Đi tiếp vào trong, là phòng lưu trữ, phòng chuẩn bị và một gian nho nhỏ chẳng rõ dùng vào việc gì. Tận cùng hành lang là phòng xử lý tử thi mà hồi nọ hai cô gái đã gặp ông già gù. Hinh rảo bước lên mấy bước, rồi bỗng dừng lại và tự hỏi “tại sao mình lại đi gặp ông già gù ấy? Chẳng lẽ chỉ để chào một câu thôi ư? Vẻ mặt dữ tợn của ông ta hôi nọ, rõ ràng là ông ta chẳng thiết gì gặp lại mình, tội gì mình phải mua chuyện không vui?”
Cứ đến hỏi thăm một câu vậy! Lúc này đang là giờ tự học, ông ta chẳng có cớ gì mà nổi nóng. Hinh biết rõ mình đang nổi máu tò mò, muốn xem xem có phải ông già gù lại đang “dỡ hàng người chết” không? Nhưng ông ta đã nói: khi có người khác, thì ông ta không làm việc, và cũng không bao giờ thắp đèn để lảm việc. Nhưng tại sao trong phòng lại sáng đèn?

Đèn đang sáng, nhưng không thấy bóng ông già đâu. Trên chiếc giường sắt trong căn phòng nhỏ cũng không có tử thi chờ phân tách. Nghe Sảnh nói là vài năm nay ngày càng có ít người hiến xác cho y học, coi như lần trước mình đã có cơ may được xem một màn trình diễn. Hinh quay người định đi thì bỗng liếc thấy căn phòng khép hờ cánh cửa cũng có ánh đèn sáng lọt ra. Có lẽ ông ta đang ở đó. Hinh không hiểu tại sao mình cứ muốn gặp ông già gù đó, nhưng cô vẫn đi tới rồi đẩy cửa bước vào.
Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến cô nhìn mà hoa mắt.
Cô không buồn nhìn các thứ bày quanh căn phòng, cô chỉ để mắt đến một tủ kính rất to kê ở chính giữa, trong đó lại có một tử thi hẳn hoi. Nhìn kỹ, thì nên gọi nó là một tiêu bản cơ thể con người cực kỳ tinh xảo chứ không phải một tử thi bình thường. Trong đó, mỗi một cơ quan phủ tạng, mỗi một khúc xương, từng cơ thịt, từng mạch máu, từng sợi dây thần kinh dường như đều phát ra ánh huỳnh quang. Chúng hiển hiện rất hoàn chỉnh, các tầng thứ đều rõ ràng, khiến cho người xem tưởng như mình có khả năng nhìn xuyên thấu, và có thể nhanh chóng nắm bắt toàn bộ kết cấu phức tạp của cơ thể con người. Một điều khiến Hinh thấy rất tuyệt nữa là: tất cả các cơ, các mạch máu, sợi dây thần kinh đều được đeo biển ghi rõ tên họ bằng các chữ Hán và chữ Latinh rất nhỏ.
Sau khi tấm tắc một hồi, Hinh lại thấy hơi gai người; tác phẩm diệu kỳ đỉnh cao này dường như đã ngược với nguyên lý thông thường của giới tự nhiên. Ví dụ, xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh vốn đan xen nhau nhưng tiêu bản này đã thể hiện chúng đồng thời xuất hiện, miễn là chính xác về góc độ. Các cơ quan dường như bị treo lơ lửng, tạo cảm giác lập thể rất rõ. Đôi mắt mình có khả năng nhìn xuyên thấu từ khi nào vậy, mà có thể nhìn rõ tất cả các mạch máu, các nội tạng nằm dưới các màng mỏng dưới cơ thịt? Và các bộ phận của cơ thể người cứ như là tiêu bản sống chứ không như các mô hình bằng chất dẻo mà giảng viên vẫn dùng để dạy học. Và các bộ phận của cơ thể người cứ như là tiêu bản sống chứ không như các mô hình bằng chất dẻo mà giảng viên vẫn dùng để dạy học. Thông thường, phải dùng phooc-môn và các thức thuốc để ướp thì mới có thể chống phân hủy – cũng tức là tiêu bản sẽ mất đi màu sắc tươi nguyên vốn có, biến thành màu nâu đỏ như các mảnh chân tay trong phòng thực nghiệm. Nhưng tiêu bản này thì sống động như còn tươi mới cùng màu sắc nguyên thủy của nó. Thứ thuốc gì có thể bảo quản chống phân hủy với hiệu quả thần kỳ đến thế này? Trong tủ kính không có đèn chiếu, tại sao các bộ phận của cơ thể người lại có thể phát ra ánh sáng?

Có lẽ đây là phát minh mới của khoa học công nghệ cao. Hinh tin chắc, có được tiêu bản giàu tính lập thể này thì học tập môn giải phẫu học sẽ có hiệu quả cao khác thường, hứng thú mà nó tạo nên sẽ thay thế cho việc xem các loại sơ đồ và tiêu bản khô khan tẻ nhạt. Tại sao khi lên lớp các thầy giáo lại không dùng thứ công cụ giảng dạy kỳ diệu này, mà lại cứ bắt chúng mình sờ nắn các tiêu bản cũ rích và mơ hồ lẫn lộn như vậy? Cảm giác mới lạ và lòng ham học không cho phép Hinh nghĩ nhiều, cô quan sát tỉ mỉ các bộ phận cơ thể mà cô đã được học, nhận thức của cô về cấu tạo cơ thể người càng thêm sáng tỏ.
Tiếng chuông gấp gáp bỗng vang lên, thì ra không ngờ đã đến giờ chuẩn bị tắt đèn, và cũng là nhắc nhở kết thúc giờ tự học buổi tối. Tiếng bước chân rộn lên ngoài hành lang, các sinh viên đang ra về. Hinh đang ngẩn người, thì nghe thấy tiếng Lôi Lôi gọi tên mình.
Hinh tiếc nuối bước ra khỏi căn phòng nhỏ. Lôi Lôi đứng ngoài hành lang trông thấy, cô sửng sốt: “Hinh ơi, cậu đang làm gì ở trong đó?”
Chu Mẫn và Trần Hy đi bên nhau bước ra khỏi phòng học, cũng mỉm cười ngạc nhiên, Hy nói luôn: “Cậu bạo thật đấy, dám vào trong phòng với cái xác lâu đến thế!”
Thì ra không chỉ riêng mình đã nhìn thấy cái tiêu bản này. Hinh nghĩ vậy, rồi cười: “Thì ra cậu cũng biết rồi, tớ chẳng thấy có gì đáng sợ cả!”
Trần Hy đáp: “Sao lại không đáng sợ? Lúc ban ngày, mình và Mẫn đi loanh quanh ngẫu nhiên nhìn thấy, sợ giật nảy mình, kêu lên rồi ù té chạy ra. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy sợ!”
Hinh cảm thấy có điều uẩn khúc ở đâu đó: “Các cậu đã nhìn thấy gì? Cái xác ấy đáng sợ ở chỗ nào? Mình cho rằng đó là một tiêu bản rất hoàn hảo, mình đã nghiên cứu nó rất lâu. Các cậu cũng nên xem đi, sẽ rất bổ ích cho môn giải phẫu.”.

Mẫn và Hy nhìn nhau, cứ như đang nghe chuyện hão huyền. Mẫn nói: “Tớ muốn hỏi cậu xem đã nhìn thấy gì? Chẳng qua chỉ là cái xác rữa nát, thịt da tơi tả, mặt mũi nát bươm, đã hỏng đến độ không thể quan sát được gì, cũng chẳng rõ là nam hay nữ nữa. Mình nghĩ có muốn xẻ ra làm tiêu bản cho phòng thực nghiệm cũng không xong! Thế mà cậu còn nghiên cứu nó!”
Hinh rất ngạc nhiên, nhưng cô chợt hiểu ra ngay: “Chúng mình nhìn thấy không phải cùng chung một cái xác. Cái xác xấu xí mà các cậu nhìn thấy lúc ban ngày, chắc chắn đã xử lý rồi. Mình nhìn thấy một cái xác rất đẹp mắt, cơ thịt và mạch máu đều rất rõ ràng, mỗi bộ phận đều gắn biển chú thích bằng chữ Hán và chữ Latinh. Mình cho rằng trên đời này không thể tìm thấy một công cụ học giải phẫu tốt hơn nó!’
Cả ba cô gái kia đều sửng sốt: “Thật thế không?”
Hinh dẫn ba cô bạn trở lại căn phòng nhỏ vừa nãy, cô lại phải kinh ngạc thêm lần nữa: giữa căn phòng không hề có tủ kính nào cả, mà là một chiếc giường sắt, trên giường là một cái xác cũ giống như Chu Mẫn vừa nói, cơ thịt của nó hầu như không còn chỗ nào lành lặn, lại còn đang bốc mùi thum thủm.
“Này Hinh, có phải cậu đã bị sốc khá mạnh vì căn bệnh của Sảnh không? Viêm gan A đâu phải căn bệnh vô phương cứu chữa, chỉ nghỉ ngơi vài tháng là ổn. Cậu đừng nghĩ ngợi quá nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe.” Chu Mẫn ôn tồn khuyên Hinh.

Hinh quá kinh ngạc, vẫn chưa hoàn hồn, ngập ngừng một lúc rồi mới nói được: “Ý cậu là ... cái đầu mình thiếu tỉnh táo, nên đã có ảo giác à? Cậu đừng nói bừa! Mình rất tin ở đôi mắt, trí nhớ và cả tinh thần trí tuệ của mình nữa!”
Thấy Hinh có vẻ bực dọc, Trần Hy vội nói: “Không phải Mẫn nói cậu ... có bệnh, mà ý là vì cậu quá mệt mỏi ... vào lúc khuya thế này, dễ bị giống như ngủ mê nhìn thấy các thứ kỳ dị. Hoặc có thể nói là tại cậu đã quá miệt mài học môn giải phẫu ...”

Hinh ngắt lời: “Khỏi phải nói nhiều nữa, ừ thì mình lẩm cẩm, ngủ mê ... muốn nói là gì cũng được! Sắp tắt đèn rồi đấy, nếu về muộn thì ký túc xá sẽ khóa cửa mất! Về thôi!”
Hinh nằm trên giường, mãi vẫn không ngủ được. Cô ngủ sao nổi? Một tiêu bản cơ thể rất bắt mắt và một cái xác rữa nát chết khiếp đang chập chờn hiện lên trong óc cô. Cô dường như lại nhìn thấy Mẫn và Hy đang cười nhạt - khi nhận thức của một con người đang rối loạn thì người đó đương nhiên trở thành đối tượng chế nhạo của mọi người.
Cách duy nhất để làm rõ sự thật, là lại đi xem một lần nữa. Có lẽ, chụp ảnh ghi lại sẽ là một thứ chứng cứ tốt nhất.
Bỗng một hồi chuông reo dồn dập, thì ra là tiếng chuông đồng hồ báo thức của cô. Cô ngờ ngợ ấn nút dừng chuông rồi nhấn nút đèn soi mặt chiếc đồng hồ điện tử: đồng hồ chỉ rõ ràng là 12 giờ. Mình thường đặt chuông báo thức lúc 6 giờ sáng kia mà, sao chuông lại reo vào lúc này nhỉ? Nhưng cô lại nghĩ ngay rằng: đến khu nhà giải phẫu vào lúc này, chính là điều tối kỵ. Lần trước mình bị Sảnh lừa đi đến, tuy chẳng có ma quỷ gì nhưng rốt cuộc chỉ là chuốc lấy sự kinh hãi vô tận. Vả lại, cô vẫn còn nhớ lời dặn dò của ông già gù hôm đó: sau nửa đêm, cấm cô bước vào khu nhà giải phẫu...
Tại sao lại chỉ cấm mình?
Sảnh ơi là Sảnh ... đúng lúc mình đang cần cậu, thì cậu lại ở tận đâu? Nỗi bức xúc muốn tìm hiểu rõ sự thật để chứng minh cho mình dần dần lấn át bao nỗi ngại ngần, Hinh nhẹ nhàng ra khỏi giường, mở ngăn kéo lấy chiếc đèn pin và chiếc máy ảnh mẹ cô mua cho. Hinh bắt chước Sảnh: trước lúc đi, cô đứng bên đầu giường Chu Mẫn một lất, nghe thấy tiếng thở đều đều... sau đó cô mới ra khỏi phòng.

Cả khu trường lúc nửa đêm cũng đang ngủ say, bốn bề im lặng như tờ. Những đợt gió cát đầu mùa xuân đã hết, hương thơm mát trong của cây cỏ được dịp lan tỏa khắp bầu không khí, thực hết sức dễ chịu. Con đường rộng dẫn ra khỏi khu ký túc xá, ban ngày nườm nượp người qua lại, lúc này chỉ có Hinh một mình một bóng. Đi một quãng xa mới bất chợt gặp một vài đôi tình nhân sau hồi âu yếm đang ngẩn ngơ quên cả lối về.
Đứng ngoài bậu cửa cao trước khu nhà giải phẫu, Hinh mới cảm thấy có phần hối hận: hay là mình đã có ảo giác, đã nhìn nhầm, thì việc gì mà phải ngượng ngùng, để rồi phải đối mặt với rủi ro như thế này thì mới bõ tức?
Nhưng có gì mà nói là rủi ro mạo hiểm? Là các chuyện đồn đại về ma quỷ ư? Lần trước đánh liều đi cùng Sảnh, cuối cùng cũng chỉ là gặp một vị kỹ thuật viên mà thôi!
Hinh chẳng muốn mệt óc đắn đo gì nữa, cô bước qua bậu cửa, bước lên bậc thềm rồi đẩy mạnh cánh cửa.
Một màn tối đen chờ đón cô.
Kể cũng hay: ít ra là ông già gù kia đang không có ở đây, thì sẽ không có ai quát tháo nổi nóng với mình. Nhưng cũng lại là dở: vì đúng là ở đây chỉ có mỗi một mình mình.
“Sảnh ơi, lúc mình cần đến cậu nhất, thì cậu lại đang ở đâu?”
Hinh không quên khép cửa lại, rồi bật đèn pin, từ từ bước vào. Trong này còn im ắng hơn ngoài sân trường, cô chỉ nghe thấy tiếng bước chân, hơi thở của mình, và cả tiếng nhịp tim của cô đập nữa.
“Mình đang làm chuyện ngu ngốc gì thế này?
Phía sau, cách năm mét là cửa ra. Mình có thể chạy vụt ra ngay.”
Nhưng cô vẫn chậm rãi và kiên quyết tiến bước. Cô biết phải như thế này thì mới đúng là Diệp Hinh. Căn phòng nhỏ cuối hành lang vẫn khép hờ cửa, ánh sáng yếu ớt bên trong lách qua khe cửa. Hinh đẩy cửa, thì bên trong bỗng sáng lên.

Chiếc tủ kính cùng với tiêu bản cơ thể con người cực kỳ hoàn hảo - chính nó là cảnh tượng cô đã nhìn thấy lần trước. Cô dụi mắt thật mạnh, không có hình ảnh bồng bềnh, không có làn ánh sáng mờ ảo nào cả, cô đã nhìn thấy hoàn toàn rõ ràng, đó là một sản phẩm của khoa học công nghệ cao, là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất để học môn giải phẫu học. Đèn flash lóe lên, cô chụp vài kiểu từ các góc độ khác nhau. Cô tin chắc ống kính máy ảnh không bị đóng, cô tắt đèn flash rồi lại chụp thêm vài kiểu nữa. Cô mường tượng ngày mai sau khi đến buồng tối của câu lạc bộ nhiếp ảnh tráng phim in ảnh xong, rồi nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc của Chu Mẫn và Trần Hy thì mình sẽ hơi hơi đắc chí đây! Đã hoàn thành sứ mệnh, cô rất thỏa mãn và đang định đi ra, nhưng lại không nén được phải nán lại ngắm thêm cái thi thể ấy, càng ngắm càng thấy tuyệt vời không thể tả được, cô bất giác đứng lại. Dùng kỹ thuật gì để có thể đồng thời xử lý toàn thể và từng chi tiết đến mức không chút sơ suất, để mọi người có thể vừa nhìn trõ cấu tạo cơ thể và các cơ quan chủ yếu của cơ thể người, lại vừa có thể làm nổi bật rành rành các mạch máu và dây thần kinh nhỏ như sợi tóc thế này? Các chi tiết đã hòa nhập toàn thể theo phương thức này: trong con mắt của Diệp Hinh, các mạch máu và dây thần kinh độc lập dần dần nhập vào vị trí trong cơ và các nội tạng, cơ và các nội tạng dần dần được da và các màng mỏng bao bọc. Và da thì rất "thật", cứ như là người đang sống.
Như người đang sống? Hay thực sự đúng là người đang sống!
Hinh nhìn, rồi thấy các bộ phận của tiêu bản đã hòa nhập với nhau rất hoàn chỉnh, cái thi thể ấy còn đạt tới đỉnh cao hoàn mỹ nữa: làn da, bộ tóc, thậm chí cả quần áo nữa!
Nằm trong tủ kính lúc này là một cô gái mặc đồ trắng, vì đầu và mặt dập nát nên khó nhìn rõ, cô ta đang chầm chậm giơ tay về phía Hinh!

Hinh cảm thấy tiếng kêu kinh hoàng của mình bị nghẹn lại ở cổ họng, dường như ngạt thở. Cô quay người chạy ra cửa. Chạy một quãng ở hành lang, bỗng đầu bị va rất mạnh, rồi cô ngã xuống. Thì ra là chạy trong bóng tối cô đã đập đầu vào cửa ra khu nhà. Hinh thấy chóng mặt, cô khẽ lẩm nhẩm: "Ánh trăng ... ánh trăng là gì?"
Không nghĩ nhiều nữa, Hinh đứng dậy chạy ào ra ngoài khu nhà.
Ánh trăng ... ánh trăng là gì, ánh trăng ở đâu?
Hinh chạy một mạch về ký túc xá, hình như có một câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi trong đầu cô. Cô lên giường nằm, nhưng không thể ngủ được. Cô nhắm mắt, nửa tỉnh nửa mê ... và cái âm điệu thiên nhiên kia lại văng vẳng bên tai cô, trong làn ánh sáng trắng nhợt, cô gái mặc áo dài trắng lại xuất hiện. Máu tươi trên mặt còn sẫm đỏ hơn trước, cô ta vừa từng bước tiến gần vừa lẩm bẩm: "Ánh trăng, ánh trăng..."
Ngoài cửa sổ là ánh trăng. Hinh ra khỏi giường, mở cửa sổ, tắm mình trong làn hơi thở trong lành của đêm xuân, thực là dễ chịu. Bên ngoài là từng mảnh từng khối ánh trăng.
Một làn gió đưa, se lạnh. Có lẽ, tại quá đắm đuối nên ta mới thế này chăng?
Hãy ra khỏi cái phòng ngủ bé như cái chuồng chim và những cơn ác mộng đeo bám ta, bên ngoài cửa sổ là ánh trăng và hương hoa tha hồ tận hưởng đến vô cùng.
Lại có cả Âu Dương Sảnh nữa.

Hinh chợt thấy bóng Sảnh ở dưới sân, đang ngẩng đầu nhìn thẳng vào Hinh. Hinh kinh ngạc kêu lên: "Sảnh ơi!" nhưng lại thấy Sảnh với vẻ mặt đờ đẫn, đứng đó bất động không nói một lời, chỉ thấy Sảnh khẽ lắc đầu chầm chậm. Giống như thoắt ra khỏi bến mê, Hinh bỗng nhiên tỉnh hẳn, thấy mình đang đứng trên gờ tường mép ngoài cửa sổ...