Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 64: Sonoma (3)




Ra khỏi con hẻm ấy, bả vai Hoài Chân sụp xuống, hòm thuốc lại nằm trên vai cô, bóng người bên cạnh bước nhanh từ trong hẻm tối ra chỗ sáng, đi đến chỗ mấy người cảnh sát da trắng đang chơi cá cược và tú lơ khơ dưới đèn lồng ven đường.

Già Huệ đi sau lưng cô chậc chậc: “Tình nhân nhỏ đấy, ây da.”

Tam thiếu cười.

Sợ già Huệ lại nói bậy bạ, Hoài Chân vội đổi chủ đề: “Lúc nãy Tam thiếu hỏi em gì vậy?”

Tam thiếu mỉm cười, “Chỉ là, trước ngày em bị bắt, tài liệu hợp đồng hôn nhân của thằng Sáu là do tôi thảo.” Nói đoạn, anh ta bổ sung, “Để đề phòng em bị giam trên đảo Thiên Thần, đề phòng nó không muốn cưới.”

Hoài Chân nghĩ bụng, thì ra Tam thiếu là người khẩu Phật tâm xà. Thế là cô cười nói, “Vậy tài liệu hợp đồng đó có còn không?”

“Vẫn còn đây. Ngay cả giấy hôn thú của em và Ôn thiếu cũng ở chỗ tôi.”

Hoài Chân nhanh chóng đăm chiêu, song vẫn không hiểu rốt cuộc Tam thiếu muốn làm gì.

Tam thiếu nói, “Đừng lo, tình hình cha tôi hôm nay ra sao em cũng thấy rồi đấy. Thì giờ còn lại của ông không còn nhiều, chỉ quan tâm duy nhất mỗi thằng Sáu. Tiền án của nó hơi mệt, nhất định đồn cảnh sát sẽ không tha cho nó. Nếu như nó bị đánh, chắc chắn đồn cảnh sát sẽ mượn cớ bác sĩ da trắng từ chối chữa bệnh cho người da vàng, còn thầy thuốc da vàng lại không vào đồn cảnh sát được, cứ lần lữa nó. Huệ đại phu lại có ghi chép ‘không tốt’ ở đồn cảnh sát, cô Quý à…”

Hoài Chân nói tiếp, “Ừ, em không có ghi chép hành nghề Trung Y, lại có giấy chứng nhận hôn thú này nên chỉ có em có thể đi thăm anh ta. Sau đó đi ra mời Huệ đại phu kê thuốc cho anh ta, lần sau đi thăm thì lại đem thuốc vào.”

“Đúng thế. Sau đó tôi sẽ tiêu hủy chúng cho em, về phía Vancouver, em muốn gặp hay không muốn gặp thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp em.”

Hoài Chân tức giận, “Không có những thứ đó, em cũng sẽ giúp Tiểu Lục gia.”

“Tôi phải đảm bảo không có sai sót trước chứ, có đúng không?”

Đầu tiên bóc trần gốc gác nhà người ta ra, sau đó mới từ từ nói điều kiện với người ta.

Thì ra hôm nay mời cô đến tiệm thuốc phiện không phải là vì nhất thiết muốn cô đến bằng được, mà là để cô nhìn Hồng gia thế nào, biết được gì đó thì sẽ dễ đưa ra yêu cầu với cô hơn.

Luật sư đều thế cả à?

Hoài Chân nói, “So với điều này, trông anh có vẻ không hề để tâm đến vết thương của cha anh cho lắm.”

Tam thiếu suy nghĩ rồi nói, “Em nhìn đi, chính ông ấy còn không để tâm nữa là. Ông ấy gọi tôi về cũng chỉ là muốn cầu cạnh tôi thôi.”

Hai cha con này cho cô cảm giác tình thân nhạt nhẽo, hơn nữa, cách tam thiếu đối nhân xử thế quả đúng là quá thiết thực. Đối với nghề nghiệp của anh mà nói thì điều này không có gì là không tốt, nhưng Hoài Chân cảm thấy nhìn anh không có vẻ khiến người ta ưa như gương mặt của anh.

Dĩ nhiên, người khác cũng không ngại điểm này.

Trên đoạn đường kế tiếp, tam thiếu chỉ lo nói chuyện đút lót vụ kiện với già Huệ. thảm sát người Hoa năm 1871 ở Los Angeles, sau khi cảnh sát và chủ trang trại người da trắng bị hạ gục, đội duy trì an ninh Los Angeles không bắt được người gây ra bạo loạn, lại còn bạo hành quy mô lớn với người dân vô tội ở phố người Hoa Los Angeles. Tam thiếu nói, hành động theo cảm tính của Hồng Lương Sinh cũng không hẳn sai hoàn toàn, chí ít trong chuyện này đã nhắc nhở cộng đồng người Trung rằng, người da trắng đã bắt đầu kiêng kỵ thế lực của Đường hội ở phố người Hoa. Người da trắng cũng muốn mưu cầu lợi ích, bọn họ chỉ muốn một người gánh vác tất thảy, lấy đó làm cơ sở để bọn họ ăn nói với truyền thông và dân chúng

Anh chỉ nói qua ý kiến của mình, còn dự định kỹ lưỡng hơn thì không liên quan gì tới cuộc trò chuyện này. Hoài Chân im lặng đi sau hai người, nhưng cô không phải đồ ngốc, cẩn thận lắng nghe thì cũng có thể nghe ra trao đổi trong đó. Ví dụ như lấy một cái mạng hết sức quan trọng để đi đổi lại sự công bằng mà xã hội người da trắng muốn, lại ví dụ như dùng một cái mạng càng quan trọng hơn để Đảng Dân chủ không phải gặp bất lợi trong trận chiến này, thậm chí có khi còn có thể giành được công bằng trong đạo luật đối với người Hoa.

Cho tới khi tam thiếu rời đi, Hoài Chân vẫn không nói một lời.

Trong phòng khám Huệ Thị tối đen như mực, già Huệ cười hỏi cô: “Con lo cho Hồng gia à? Không hận ông ta nữa sao?”

“Có hận. Nhưng con vẫn thấy…”

Già Huệ nói: “Không việc gì phải đồng cảm với ông ta cả, những chuyện ác ông ta từng làm đủ để ông ta xuống địa ngục.”

“Đương nhiên ông ấy là người ác. Nhưng lại là một… người ác thông tình đạt lý. Vừa rồi trong tiệm thuốc phiện, con cảm thấy ông ta đáng để kính trọng.”

Già Huệ nói, “Ông ta có vô số món nợ phong lưu, cả đời này chỉ quan tâm phố người Hoa, không màng thương yêu vợ con. Cũng không trách tam thiếu được. Đời này ông ta có thể chết vì phố người Hoa cũng coi như chết có ý nghĩa.”

Hoài Chân trầm tư, không biết vì sao trong đầu lại hiện ra bóng dáng của rồng Trung Quốc.

Nếu nói về rồng, trong tâm trí của những bạn nhỏ phương Tây thì rồng mãi mãi là hóa thân của cái ác, nhưng ở phương Đông rồng lại là vị thần bảo vệ trong những câu chuyện cổ tích, là biểu tượng của Trung Quốc.

Phòng khám đóng cửa, trên đường đi về, cô chợt nghe thấy tiếng gây gổ ở ngoài tiệm giặt A Phúc.

Cửa tiệm tạp hóa đang mở, hai người phụ nữ trung niên đang vật lộn với nhau trên mặt đất, đồng loạt xé quần áo giật tóc đối phương. Dưới đèn lồng màu đỏ trong bóng đêm, quần áo của cả hai đều bị người kia xé toạc, lộ ra bầu ngực vàng đã ngả màu mật, khá là bất nhã. Hai người không thông ngôn ngữ, chỉ biết dùng mấy lời lẽ hạ lưu học được từ khách khứa mà chửi mắng nhau. Cho tới khi đánh chảy máu thì người đứng xem mới biết chuyện lớn rồi, vội vã tiến lên tách bọn họ ra. Cho đến khi cả hai tách ra, Khương Tố vẫn chỉ vào mũi Dera mà chửi “hija de puta” (con đĩ chó đẻ).

Dera cũng không phục, dùng tiếng Quảng chửi lại Khương Tố “con đĩ giật chồng” “hạng dâm đãng”.

Khương Tố tức khắc chửi lại, “Tao là đĩ giật chồng đấy, nhưng cũng là một người hiểu chuyện, chưa bao giờ gây rắc rối Hồng gia. Khó trách cả đời này ông ta không ghi hận ai, lại ghi hận mày nhất!”

Vừa dứt lời, cánh cửa đóng lại cái *rầm* như sấm đánh, dọa Hoài Chân giật mình.

Trong chớp mắt đó cô quay đầu lại, nhìn thấy Dera vóc dáng cao to sửa sang lại quần áo trước ngực, quỳ *bịch* xuống trước cửa tiệm tạp hóa, lớn tiếng òa khóc.

Cô rảo bước đi nhanh vào nhà, khép cửa tiệm giặt A Phúc lại.

Đến chập tối mà trong nhà vẫn còn gây gổ, cô chỉ đi ra ngoài một lúc, thế mà tình hình càng lúc càng nghiêm trọng. Lần này ngay đến A Phúc cũng bị vạ lây, vẫn là vì chút tiền đó, La Văn càng ồn ào càng đau lòng, nói từ khi bà gả vào nhà họ Quý tới nay thì vẫn luôn ở trên lầu trong cái tiệm này, “Tôi chỉ muốn có một mảnh đất nhỏ ở San Francisco, giống như gia đình thương nhân có thể diện sống qua ngày, chứ không phải làm vợ thương nhân lủi thủi trên lầu.”

A Phúc im lặng ngồi trên băng ghế hút tẩu thuốc, khói bốc lên. Thấy Hoài Chân về thì ông khoát tay, bảo cô nhanh về phòng mà ngủ, đừng dây dưa vào nữa.

Thế nhưng chậm rồi —— La Văn liếc thấy bóng người run run sát tường, đột nhiên chỉ vào Hoài Chân nói, “Trước nay chỉ nuôi một đứa con lên đại học, bây giờ học phí đại học cho cả hai đứa chúng ta cũng không cấp được.”

Hoài Chân vội nói, “Dì Quý, dì không cần cân nhắc đến học phí của con đâu. Có thì đi, không có thì không đi cũng được…”

La Văn xì một tiếng, nghiêm nghị nói: “Không đi? Không đi thế nào được! Không vào đại học thì trẻ con người Hoa có tiền đồ gì!”

Dứt lời bà nghẹn ngào, như nhớ lại gì đó mà nghiêng đầu im lặng đi lên cầu thang, phát ra tiếng cọt kẹt.

A Phúc có để nước nóng cho cô. Hoài Chân rửa mặt, lên lầu chui tọt vào chăn của Vân Hà.

Vân Hà vẫn chưa ngủ, nghe thấy tiếng động thì quay đầu lại cù lét cô: “Hoa lan điểm huyệt chỉ!”

Hoài Chân lớn tiếng kêu tha: “Nữ hiệp tha mạng!”

Vân Hà cười to.

Hoài Chân nói, “Chị đã quyết định mình sẽ học ngành gì chưa?”

Vân Hà cười đùa, “Nếu có đủ tiền, chị muốn vào Học viện Công nghệ Massachusetts. Học gì không quan trọng, dù gì cũng chỉ có thể nằm mơ nghĩ đến mà thôi.”

Hoài Chân nói, “Chị biết không? Bắt đầu tám mươi năm trước, chúng ta đã gọi nước Mỹ là Kim Sơn, còn thành phố San Francisco này là Kim Môn. Từ đào mỏ vàng cho đến sửa đường sắt… Sau đó mọi người dần dần đổ về Los Angeles, vì có người cảm thấy đã kiếm hết tiền ở San Francisco rồi, không còn cơ hội nữa. Nhưng em lại cảm thấy, cho đến nay vàng ở Kim Sơn chưa bao giờ cạn.”

Vân Hà bật cười: “Thật thế không? Chị đang mong chờ đây, hôm nào đó đào dưới gốc khế trong sân sau mà ra được hũ vàng thì hay nhỉ.”

Hoài Chân nghĩ trong đầu, chờ đi, cứ chờ đi.

Khi bắt đầu lật qua trang thế kỷ 20, tất cả mọi người đều cảm thấy mình đến thành phố San Francisco đã quá muộn. Bởi vì vàng đã hết, đường sắt cũng đã xây xong, không còn cơ hội khắp nơi nữa. Nhưng thực chất không phải thế, một năm này, cây cầu Cổng Vàng vẫn chưa xây. Kim Sơn xa xa đâu chỉ mỗi nơi này, bởi vì sẽ sớm có Thung lũng Silicon, và sẽ có Bãi biển Silicon. Kim Sơn Kim Sơn, sao có thể dừng lại ở đây?

Cuối tuần này là lần đầu tiên Hoài Chân và Vân Hà đi dạo phố chợ. Nơi đây là trung tâm buôn bán nằm gần phố người Hoa, cũng là điểm khởi đầu của xe cáp Powell nổi tiếng. Chiều cuối tuần ánh nắng dịu nhẹ, du khách trên phố chợ tấp nập nườm nượp. Nhất là có rất nhiều lữ khách từ bờ Đông đến, người lớn tuổi vận Âu phục kết bạn, hoặc là những đôi tình nhân trẻ tuổi cầm máy ảnh Leica đứng bên ngoài điểm quay xe cáp, quan sát tài xế xe cáp lái xe lên trên đĩa tròn, sau đó xoay xe một góc 30 độ, đổi phương hướng khởi hành lên đồi.

Thấy người bờ Đông lần đầu tiên nhìn thấy thứ mới mẻ mà thán phục trầm trồ, Vân Hà nắm tay Hoài Chân khịt mũi xem thường, coi như là người bờ Tây lần đầu có cơ hội thầm giễu cợt đám người bờ Đông này: đồ không có kiến thức.

Vân Hà rất quen thuộc với nơi này, dẫn cô đi dạo ở các khu nhà giàu nổi tiếng.

Trong tiệm đồ cũ Ý ở trên đường Union tại quảng trường Union, dưới ánh mắt khinh bỉ của nữ nhân viên trung niên trong tiệm, hai người ôm một đống quần áo mình nhắm được chui vào phòng thử đồ. Vân Hà nói, “Mấy món này được chở từ Ý đến bằng đường biển, có rất nhiều đồ mà người giàu chỉ mặc một lần rồi bỏ xó, bị người giúp việc trong nhà bán đến đây. Cứ việc thử đi, thử không lỗ gì, mua càng không thiệt thòi. Nếu có ngày nào đó không muốn mặc nữa thì vẫn có thể bán cho cửa hàng đồ cũ trong phố người Hoa, đưa về Thượng Hải bán, vẫn có thể bán với giá cao đấy.”

Trong số nữ trang còn dùng tốt, hai người lựa được một chiếc váy len màu trắng gần như mới tinh cùng với một đôi giày Lux màu trắng. Đối với thẩm mỹ của người hiện đại như Hoài Chân mà nói, phong cách ăn mặc này rất đơn thuần lại thoải mái. Mà đối với thẩm mỹ dân quốc của Vân Hà, nó cũng khá đẹp.

Hoài Chân trả cả hết chín đô cho hai món đồ cũ. Nhưng Vân Hà đã hạ lệnh nói, tuyệt đối không lỗ. Rời khỏi quảng trường Union, hai người ngồi xe cáp miễn phí về phố người Hoa, Vân Hà cứ nằng nặc kéo Hoài Chân vào tiệm cầm đồ do người Thượng Hải mở, đưa bộ quần áo kia cho ông chủ kiểm hàng.

Ông chủ đeo kính nâu tròn vành, nhìn từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài ít nhất cũng ba lần, cuối cùng không soi ra chút tì vết nào, lúc này mới nói quần áo trị giá 5 đô, đôi giày giá 2 đô. Vân Hà hừ một tiếng giật quần áo và giày lại, lôi Hoài Chân nghênh ngang rời đi, làm ông chủ đuổi theo sau: “11 đô, 11 đô la, không thể nhiều hơn được nữa! Các em gái, các em nghĩ cho anh đi, quần áo bán về nước vẫn phải tốn tiền vé mà đúng không!”

Vân Hà đắc ý nháy mắt với Hoài Chân, “Em nhìn đi, không lỗ đúng không?”

Hai người nắm tay nhau tung tăng đi xuống dốc, đứng trên phố Sacramento cười to, khiến mấy du khách da trắng ngoảnh lại xem thường.

Khi lùng sục một chiếc áo len trong một cửa hàng đồ cổ Trung Quốc, đột nhiên Vân Hà hỏi Hoài Chân, “Là lần gặp mặt cuối cùng thật à?”

Hoài Chân chơi đùa bông tai hồng ngọc to bằng móng tay ngón út, Vân Hà nói tiếp, “Cái này nhìn đẹp đó. Đẹp hơn cái màu tím kia. Cái này có màu đỏ nhạt, hợp vòng tay màu tím nhạt lắm, đều rất đẹp.”

Hoài Chân lập tức hỏi Phùng đại ca chủ tiệm đồ cổ bao nhiêu tiền, anh ta nói chỉ là đồ chơi lừa du khách da trắng thôi, em gái nhà mình mà, chỉ mấy chục cent đưa mấy cũng được.

Vân Hà lập tức móc ra 50 cent trả cho Phùng đại ca, lại nói về chuyện ban nãy, “Đừng để chuyện Hoàng Văn Tâm mà mẹ chị kể dọa. Thi được đến bờ Đông là không có gì to tát hết.”

Hoài Chân nói, “Đạo luật bài trừ người Hoa vẫn còn đè trên đầu kia kìa. Anh ấy có thể tưởng tượng được điều chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu thứ, mà những thứ anh ấy mất còn nhiều hơn chúng ta tưởng, nên thật sự không đáng giá.”

Cô trầm tư rồi nói tiếp, sớm tụ sớm tan, mọi người đều không mệt mỏi.

Vân Hà cũng cảm thấy thế. Cô ấy nghĩ ngợi rồi nói, “Vậy phải uống rượu đó, còn phải khiêu vũ, phải hôn môi nữa.”

Hoài Chân nói, em chỉ có một vấn đề muốn hỏi mà thôi.

Ngày Ceasar đến, đồ Vân Hà nhờ người đi thuyền chuyển từ Nam Trung Quốc cũng đã tới San Francisco. Vừa tan học, Vân Hà đã ôm một chồng túi giấy từ bến tàu chạy về. Vừa vào nhà đã gọi Hoài Chân lên lầu, ném chiến lợi phẩm xuống giường.

Xà bông mùi trà, mùi đàn hương, mùi bạch lan và cả mùi hoa lộ nước thơm… tất cả đều là những món đồ nhỏ. Mỗi món đồ chỉ tốn bốn đồng bạc, mua cả hết ba mươi đồng, cộng thêm phí vận chuyển đường thủy nữa thì tổng cộng cũng chỉ mất một đô, vẫn còn lời nhiều lắm.

Bộ đồ thời Đường màu xanh lơ kiểu nam mà Hoài Chân muốn cũng mua được rồi, cô từng thấy người da trắng mặc nó ở trên đường, rất mát lại thoải mái, thợ thiết kế làm nó gần giống áo sơ mi, không quá mức ngột ngạt, là quần áo thường ngày mà người Hoa hay mặc, không phải là hàng kém chất lượng dùng để lừa người da trắng. Lần trước đến tiệm áo quần nhưng cô không tìm được bộ thích hợp, ông chủ bèn nói cho cô biết có người nào đó vẫn đang ở trong nước, cô có thể gửi điện báo đến Hương Cảng nhờ anh ta mua đem lên thuyền, giá cũng rẻ hơn mua trực tiếp ở Mỹ. Gói quần áo được đựng trong túi giấy “Long Phượng Tường” màu đỏ, cô vốn định bỏ xà bông mùi đàn hương vào, nhưng không biết vì sao lần này lại thiếu xà bông đàn hương, Vân Hà cũng không đủ dùng, nên cô bèn đổi sang xà bông mùi trà.

Vân Hà cười khì, “Lần này người da trắng biết không chỉ có mỗi xà bông Lava và Lux rồi nhé.”

La Văn đứng cạnh liếc nhìn: “Từ thời ông nội con đã bắt đầu dùng xà bông Lava rồi, tắm sạch lắm. Huống hồ, đàn ông con trai có thích mấy thứ con gái thích không?”

Hai người không chút ngại ngần, vào phòng tắm dùng cục xà bông mùi trà tắm thử, đang định lên lầu thì La Văn đột nhiên nhớ lại, nói, “Vừa nãy người da trắng kia mới nhờ người đến hỏi dì, nói sáu giờ tối có thể đón con đi Sonoma được không? Dì nói được. Cậu ta còn nói nhất định sẽ đưa em gái về trước 12 giờ. Dì thấy lạ, người da trắng chuyển lời không biết nói Hán ngữ, vì sao biết người Trung hay gọi con gái là em gái nhỉ?”

“Chắc là vì tiếng Quảng Đông của anh ấy không tệ.”

La Văn lấy mấy đồng xu lẻ ra đưa Vân Hà, bảo cô đến tiệm thịt Ba Sao mua nửa con heo sữa, mua thêm cả mấy hộp cơm đem về, vì tối nay bà bận không nấu cơm được. Còn nói Hoài Chân không cần đi, cứ thay quần áo rồi xuống tiệm chờ, tránh về trễ người khác chờ lâu.

Khi đó vẫn chưa đến năm giờ rưỡi, vẫn còn kịp, mà tóc vẫn chưa khô, cô cảm thấy vẫn đủ thời gian đi ra ngoài một vòng rồi về. Ở trong tiệm chờ cũng chán, cô bèn lên lầu thay váy len và giày Lux, đeo thêm dây chun vào cổ tay, cùng Vân Hà đi đến hàng thịt Ba Sao cách đấy nửa con phố.

Đầu bếp ở trong tiệm vừa chặt heo sữa vừa nói chuyện với hai cô. Hoài Chân đứng ngoài tủ kính, tết bím tóc thả trước ngực. Thắt bím xong mà Vân Hà vẫn chưa ra, Hoài Chân ngẩng đầu nhìn mấy con heo sữa quay da vàng giòn rụm treo cao trong tủ kính.

Chiếc xe Ford gặp lần đầu tiên đã lặng lẽ đỗ bên đường. Hoài Chân vừa quay đầu lại thì đã trông thấy, chẳng biết đã đậu ở đó bao lâu rồi.

Cô a lên, “Sao lại sớm thế?”

Người trong xe cười nói, “Em cứ lên đi.”

Hoài Chân nói, “Chị em vẫn còn ở trong tiệm!”

Người trong xe lại bảo, “Bảo cô ấy lên luôn, như vậy sẽ nhanh hơn.”

Hoài Chân đáp, “Không chỉ chị em đâu, còn có… nửa con heo quay nữa.”

Nụ cười người trong xe dần tắt: “… Lên luôn.”

Vân Hà xách heo sữa bước ra hàng thịt Ba Sao, lớn tiếng nói: “Đừng để ý đến chị, hai người cứ đi đi, chị thích về nhà một mình!”

Hoài Chân trơ mắt nhìn Vân Hà chui tọt vào quán cơm bên cạnh, mua cơm hộp chỉ mất chưa tới một phút thôi, nhưng không biết vì sao cô ấy cứ nấp bên trong không ra ngoài.

Chú Thompson mở cửa xe mời cô đi vào, cười nói, “Đã lâu không gặp quý cô, cô vẫn không thay đổi gì.”

Hoài Chân nghe câu này, không biết vì sao lại giống câu trêu ghẹo.

Thompson như dự liệu được Ceasar đen mặt đi, bèn vội giải thích, “Con gái mà, ai cũng vậy cả. Đi đâu đây?”

Hoài Chân chợt nhớ ra túi giấy kia, suýt nữa kêu lên: “Còn phải về lại phố Grant Ave đã!”

Ceasar chậm rãi ừ, như đang tự an ủi mình, “Không sao, dù gì cũng phải báo cho người nhà biết mấy giờ cần đưa em về.”

Thompson phá lên cười.

Ceasar bình tĩnh hỏi như người Đức ở Yankee: “Buồn cười thế sao?”

Thompson chậm rãi dừng xe ven đường, nói, “Thấy hai cô cậu ở với nhau là thú vị lắm rồi.”

Xe dừng lại, Hoài Chân chạy nhanh vào tiệm giặt, la lớn vào bên trong, “Dì Quý, dì Quý, túi giấy của con!”

La Văn đã chuẩn bị xong túi giấy đưa cho cô, trách mắng, “Con thấy chưa, dì đã bảo con đừng ra ngoài rồi.”

Hoài Chân cười hì hì xin lỗi.

“Mấy giờ thì về?” Bà mẹ phố người Hoa chạy lên trước, hỏi cô chuyện quan trọng.

“Trước nửa đêm ạ!” Cô chạy nhanh đi.

Chui vào trong xe, Hoài Chân thở hổn hển đặt túi giấy giữa hai người, không lên tiếng, cũng không nói với anh đó là thuộc về ai.

Không ai động đến chiếc túi giấy kia cả, trong không gian nhỏ hẹp, hương trà xanh thoang thoảng dần bay ra.

Ceasar giật giật khóe miệng, như thể tính khí cáu kỉnh vừa rồi chỉ là cố ý giả vờ.

Anh cười hỏi, “Đến Sonoma có được không?” Giọng anh dịu dàng đi, “Xin em đấy, nhà hàng không cấm rượu rất khó tìm.”

Qua kính chiếu hậu, Thompson quan sát sắc mặt người ngồi sau, từ từ giơ hai tay lên, “Buổi tối các phu nhân cần tôi chở họ từ Sonoma về Oakland, tôi chỉ là thuận đường mà thôi.”

Không biết vì sao Hoài Chân lại nổi lên tính xấu. Trong đầu nghĩ, nếu muốn uống rượu, vậy nhất định hôm nay cô phải xem bộ dạng say khướt của anh mới được.