Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 62: Sonoma (1)




Đây là một nơi rất náo nhiệt, đâu đâu cũng có tiếng ồn ào la hét của phụ nữ Trung Hoa. Trong khoản thời gian này, chính mắt anh thấy tiệm tạp hóa lần đầu tiên anh đặt chân vào mở cửa: người đàn bà còng lưng già tới nỗi không thấy rõ tầm nhìn đang tháo từng ván cửa ra gác qua một bên, sau đó những người khách nam lần lượt đi vào. Phần lớn những người da trắng đến quét dọn chỉ mới mười ba mười bốn tuổi. Tú bà đứng ngoài cửa cao giọng vẫy khách, dùng mấy câu tiếng Anh mình biết mà rêu rao gái nhà mình với đám thanh thiếu niên da trắng vừa trổ mã: tiểu tiên sinh à, phụ nữ chân nhỏ, dáng dấp chỗ đó không giống người khác đâu. Về điểm này, các cậu đã biết từ chỗ bạn học rồi đúng không?

Dần dà anh cũng quen với chuyện xảy ra ở phố người Hoa. Bọn họ mãi mãi không có được thân phận quang minh chính đại —— ví dụ như đám đàn bà phương Đông mặc sườn xám rẻ tiền cặp kè với các thủy thủ Anh Quốc ở cảng Hương Cảng ; vũ nữ cấp cao nói tiếng Anh tiếng Trung và tiếng Bồ Đào Nha, được đào tạo bài bản; lại ví dụ như những hủ tục  phương Đông bị các tờ báo lớn nhỏ ở Mỹ bác bỏ vô số lần. Phụ nữ người Hoa trong ấn tượng của anh giống như dấu chấm hay giọt nước, cuối cùng cấu thành định kiến luồn cúi trước thế giới phương Tây, phải nhẫn nhục chịu đựng.

Anh đợi ngoài tiệm giặt giũ đến khoảng mười giờ mà đám đàn bà kia vẫn chưa rời đi. Cho tới khi người mẹ trên phương diện pháp luật của Hoài Chân dùng tiếng Anh kiểu phố người Hoa xin lỗi anh: “Tiên sinh à, em gái phải thi vào trung học, việc học bận rộn lắm, thường xuyên làm bài tập đến rất khuya mới về.”

Em gái (mèi mei), cái tên người nhà gọi cô ấy gần giống với từ “có lẽ” (may may), “tháng năm” (May May) hoặc “có lẽ tháng Năm” (may May) trong tiếng Anh. Có thể May (tháng 5) là tên tiếng Anh mới của cô —— cũng không phải anh không thu hoạch được gì.

Anh nói anh có thể chờ.

Bà ta nói tiếp, “Trẻ con người Hoa phải cố gắng gấp nhiều lần so với trẻ con người da trắng, nhưng dù vậy cũng chưa chắc có thể thành công. Xin cậu thứ cho, cái giá quá lớn, chúng tôi không mua nổi.”

Dù anh không nghe hiểu ý tứ vòng vo trong lời lẽ Trung Quốc, nhưng dù đồ ngốc cũng biết được lời bà ta có dụng ý khác. Đây chính là hạ lệnh tiễn khách, anh mỉm cười nói được, tôi biết rồi. Nhưng anh không cảm thấy có gì gây rối, dù sao đâu phải cô nhất thiết phải biết chuyện giáo sư Trần, và anh cũng không có lí do gì để phải gặp cô cả.

Những ngày tiếp theo, tuy anh đến phố người Hoa song không phải vì tìm cô, tuy nhiên lại vì rất nhiều nguyên nhân công tác mà anh thường xuyên trông thấy Hoài Chân ở trên phố. Phố người Hoa bốn mươi con phố rộng là vậy, nhưng anh thường ngồi trong xe nhìn thấy cô đi lướt qua ở ven đường: lúc thì cùng bạn ôn bài ở trong quán cà phê hoặc tiệm trà, lúc lại xách bó rau cải hoặc hải sản, lúc lại mua bịch ô mai muối ở tiệm tạp hóa vừa đi vừa ăn.

Ba tuần sau, vết thương trên mặt cô đã khỏi hẳn.

Có một hôm cảnh sát đang đuổi bắt một băng mafia bị truy nã chạy trốn từ New York đến San Francisco, trốn trong nhà thổ ở khu Ý. Đánh nhau cực kỳ gay cấn, một đồng nghiệp vì thế mà trúng đạn bị thương, được đưa về bệnh viện Đông Hoa gần đó. Lúc Ceasar thay nạn nhân hỏi chuyện bác sĩ, thì từ đằng xa trông thấy cô nàng tóc thắt bím hoạt bát đang xếp hàng lấy số ở cuối hàng, cầm một tấm thẻ bảo hiểm y tế không biết của ai, bình tĩnh nói với y tá: “Đúng thế, em tên là Quảng Địch Tây.”

Y tá nói, “Em không trang điểm nhìn thuận mắt hơn đấy, trang điểm vào trông già đi mười tuổi.”

Cô cười cười lấp liếm, “Vậy hóa ra em chỉ mười tuổi thôi à.”

Bác sĩ ngoại khoa gọi tên Quảng Địch Tây, lúc Hoài Chân chạy qua bên cạnh Ceasar, anh cúi đầu cười gọi cái tên giả của cô, thành công chặn cô lại.

Cô nàng dừng bước ngẩng đầu lên, mặt đỏ bừng vì bị vạch trần lời nói dối.

Đây là cuộc gặp mặt vô cùng ngắn ngủi, ngay cả chào hỏi cũng không có. May mà có bác sĩ thúc giục, cô lập tức chạy biến đi.

Nếu không phải có một hôm Andre nhắc nhở, anh vẫn cứ ngỡ cuộc sống thế này có thể kéo dài rất lâu ở San Francisco.

Buổi tiệc mà Queline kỳ vọng cuối cùng cũng dựa theo ý của Catherine, được tổ chức gần một trang viên rượu vang ở Sonoma vào thứ bảy. Vì nơi đó cách xa thành phố nên lệnh cấm rượu không thi hành nghiêm ngặt. Trong danh sách khách mời có rất nhiều nam nữ trẻ tuổi, đa số đều là bạn bè và bạn đại học ở Berkeley của Catherine và Daisy. Dù Ceasar đã bày tỏ rõ ràng là gần đây anh siêu bận, sẽ không tham dự được, nhưng vẫn không thể ngăn cản trên giấy mời xuất hiện rất nhiều tên những cô con gái trẻ tuổi độc thân ở San Francisco của những người bạn mà Queline biết.

Trong ngày nhận được giấy mời, Andre nói với Ceasar, “Cậu biết vì sao mẹ của Catherine cố ý muốn tổ chức tiệc trước khi về bờ Đông không? Vì cậu đã 21 tuổi rồi, Ceasar à. Đợi đến khi cậu về bờ Đông thì ngay lập tức cậu sẽ có được một vị hôn thê, mà Queline lại muốn nắm được quyền khống chế trước khi chuyện đó xảy ra. Ví dụ như tốt nhất là con gái của người quen, chí ít là bà phải biết cô ấy trước khi tất cả người nhà Muhlenberg biết.”

Khi gả cho Harrods cha của Ceasar, Queline vẫn chỉ mới là một cô gái. Harrods lớn hơn bà tám tuổi, vì giấu giếm và mắc nợ trong lòng nên Harrods rất nhân nhượng và chiều theo ý bà. Mà gia tộc Muhlenberg lại chưa bao giờ có chuyện gì cần bà phải bận tâm, vì vậy, trí khôn trên một vài phương diện của Queline mãi mãi dừng lại ở tuổi 17. Từ năm ba tuổi lần đầu tiên gặp người mẹ kế này, bà rất hay làm ra những chuyện nực cười khiến Ceasar đau cả đầu, kéo dài từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ ngưng. Anh cũng đã không lạ lẫm gì nữa rồi.

Lời nhắc nhở này còn khiến anh không vui hơn so với những chuyện xuẩn ngốc mà Queline đã làm. Anh không thích thành phố San Francisco này, trước nay không thích, bây giờ cũng không tăng thêm được bao nhiêu hảo cảm. Vậy mà nay khi sắp rời khỏi, anh lại đột nhiên thấy tiếc nuối vô cùng.

Andre không định suy đoán anh đang tiếc nuối cái gì, chỉ hỏi anh, cậu còn nhớ một chuyện hồi bé không?

Chuyện gì?

Lúc đó cậu vẫn còn là cậu nhóc tóc nâu mắt xanh xinh xắn, bị anh họ lừa trèo cây nhìn lén con gái của gia đình Do Thái ở Long Island tắm, lại bị người hầu trong gia đình Do Thái phát hiện.

Ồ, thì ra là chuyện kia.

Khi anh lên tám, vườn hoa bên cạnh được bán cho gia đình Do Thái ở Đức mới di cư đến. Ông anh họ công tử bột đang ở tuổi 13 đầy tò mò, lừa anh trèo lên cây gần cửa sổ phòng tắm nhà hàng xóm, sau khi bị người hầu nữ phát hiện thì bỏ anh lại chạy mất hút, còn anh bị bắt quả tang tại trận. Vị tiên sinh Do Thái người Đức nghiêm khắc kia dẫn anh đến cửa nhà Muhlenberg hỏi tội, Arthur vừa mở miệng đã hỏi Ceasar, “Rosa có đẹp không?” Lúc đó anh vẫn chưa phân biệt được xấu đẹp, đành chọn câu trả lời tốt nhất, “Đẹp ạ.” Arthur cười to, “Vậy bị đánh một trận đau cũng đáng có đúng không?” Anh cười, nói con không muốn ăn đòn. Ngay cả Rosa cũng bật cười.

Lúc ấy Arthur nói, chuyện tốt xảy ra giữa tụi nhỏ dù là gì cũng đáng để tha thứ, tốt nhất không nên dùng cái nhìn của thế giới người lớn mà đập tan sự thánh thiện tự nhiên của con trẻ, phải tác thành cho nhau mới đúng. Cũng chính vì cách nói này mà ngay cả những người Do Thái nghiêm khắc nhất cũng không còn đưa ra nhận xét nào khác về vấn đề này. Trong chuyện này, người duy nhất bị phạt là ông anh họ kia, anh bị ép phải chuyển đến ký túc xá ở trường —— ở đó bị cấm cửa nghiêm khắc, giường đơn vô cùng chật hẹp, kiểm soát cực kỳ hiệu quả về hầu hết các mối quan hệ diễn ra trong độ tuổi trung học.

Ceasar hỏi Andre vì sao lại đột nhiên nhắc đến chuyện này.

Andre cười bảo, tôi cũng không biết, chỉ là bỗng dưng nhớ ra mà thôi.

Đương nhiên Ceasar không tin.

Cho tới nay Andre chưa từng làm chuyện vô nghĩa bao giờ.

Anh ngẫm nghĩ, có lẽ Andre hy vọng anh hiểu được hàm ý kia. Dù là Arthur cũng chỉ có thể chấp nhận sai lầm tốt đẹp giữa cậu bé và cô gái. Có một số việc, nếu đã qua giới hạn tuổi tác hoặc vượt quá phân tấc nào đó, thì sẽ vượt ra khỏi phạm vi dễ dàng tha thứ của Arthur. Ví dụ như cha anh chẳng hạn, sau khi rời khỏi Hương Cảng thì cả đời này chưa hề gặp lại tình nhân Trung Quốc kia nữa.

Vụ án nổ súng ở phố người Hoa có sức ảnh hưởng rất lớn, lớn hơn bất cứ cuộc bạo lực nào trước đây. Quy tắc của phố người Hoa đã xảy ra thay đổi, chính quyền thành phố San Francisco muốn nắm lấy cơ hội này để giành được nhiều quyền hơn trong phạm vi phố người Hoa. Con trai của người đứng đầu phố người Hoa –  Charlie Hồng vẫn đang bị giam trong đồn cảnh sát, cứ cách thời gian nhất định lại gửi trát đòi hầu tòa đến hội quán Nhân Hòa, hy vọng có thể đưa nhân vật cực kỳ quan trọng đó vào bẫy của đồn cảnh sát thành phố. Chỉ cần thế lực của Hồng Vạn Quân chưa biến mất thì chính quyền thành phố sẽ mãi mãi không chiếm được nhiều lợi ích hơn. Vì dính dáng đến quá nhiều lợi ích mà bọn họ không phán quyết Charlie Hồng —— bọn họ hy vọng cha hắn ta, ông gia này có thể đưa ra tuyên thệ nào đó, nhận trừng phạt thay con trai mình, bởi vì cậu con trai trẻ tuổi lỗ mãng này dễ bị khống chế hơn nhiều so với con rồng Trung Quốc xảo quyệt kia.

Vì chuyện này, Ceasar cùng phó cảnh sát trưởng ở đồn cảnh sát thành phố đi gặp Hồng Vạn Quân ba lần, và lần nào ông ta cũng ở tiệm thuốc phiện lớn nhất ở phố người Hoa. Tiệm thuốc phiện được ngụy trang thành một căn phòng ngầm thoạt nhìn giống rạp hát, bên trong rẽ bảy rẽ tám lần, đèn tường màu tím phản chiếu một cặp tranh tường phương Đông kỳ lạ khó coi, mô tả cảnh rất gợi tình, trong lúc đó lại có một nhóm người da trắng hoặc người Hoa đang nằm bên dưới những bức tranh tường này say sưa mơ màng. Dẫn họ vào sảnh hút thuốc phiện là một ông già phương Đông mặc đồ Đường, gầy trơ xương cao như hạc, nhìn thấy anh đang quan sát bức tranh trên tường. Sau khi nói chuyện với cảnh sát, ông nói với anh bằng tiếng Anh: “Đây là những bức tranh truyền thống của Trung Quốc, được gọi là xuân cung đồ, có vài bức có hơn ba trăm năm lịch sử.”

Hồng Vạn Quân đang nằm ở buồng trong cùng của hành lang quanh co. Có vẻ như triển vọng tinh thần rất tốt. Không hề giống tin đồn ông ta đang mắc bệnh nghiêm trọng. Phó cảnh sát trưởng hy vọng ông ta sẽ đến đồn cảnh sát để giải quyết vụ nổ súng ở phố người Hoa, nếu không họ sẽ trực tiếp giam giữ Hồng Lương Sinh suốt đời. Nhưng lần nào đối mặt với sự uy hiếp của phó cảnh sát trưởng, ông ta vẫn bình tĩnh từ chối lời đề nghị. Ông ta biết, một khi mình đến đồn cảnh sát thành phố thì ông ta khó mà bước chân ra được nữa. Ông nói bọn họ hãy yên tâm, thằng ba làm luật sư con ông sắp về rồi, lúc đó sẽ thay mặt ông giải quyết hết mọi vấn đề.

Sau lần thứ ba thất bại với Hồng Vạn Quân, anh bước ra khỏi tiệm nha phiến, đứng dưới mái hiên trong đường hẻm nổi tiếng tiếng xấu trên phố người Hoa, một lần nữa trông thấy Hoài Chân. Cô xách một hòm thuốc bằng gỗ, đi theo đại phu tính tình quái gở kia cùng một gã đàn ông người Hoa cao ráo bước vào tiệm thuốc phiện.

Cô không thấy Ceasar, nhưng lần này, anh quyết định sẽ đợi cô đi ra.