Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 60: Oakland (5)




Lưu Linh Trân từng đi học ở trường Nhà thờ Cơ đốc do người Mỹ kiều thành lập ở Thượng Hải, cho đến khi nhận được thông báo trúng tuyển đại học Utah ở Mỹ. Không khí ở thành phố Thượng Hải khiến cho những bạn nhỏ nhận được giáo dục tốt sẽ tiếp nhận toàn bộ nền văn hóa phương Tây, đồng thời cũng căm ghét chia cắt lãnh thổ.

Lúc hai người rời đi, Lưu Linh Trân còn dùng ánh mắt của kẻ thù kẻ thực dân nhìn Ceasar hằn học. Mà Trần Mạn Lệ vừa mới đến lãnh địa Mỹ, vừa học được tiếng Anh, vào lúc này cũng tìm được kẻ địch đầu tiên trong căn nhà này, đó chính là Ceasar. Thế là cô bèn bảo người hầu của mình lấy một xâu lạp xưởng hun khói đen sì trong rương hành lý ra tặng cho Hoài Chân, cũng nhờ Lưu Linh Trân dùng tiếng Anh hỏi Ceasar: “Cô ấy là người Hoa, tặng thứ này cho cô ấy cũng không phải là hối lộ đúng không? Hơn nữa, nhất định người da trắng các anh không thích thứ đồ này.”

Trong lúc Lưu Linh Trân nói, những người còn lại trong phòng gật đầu lia lịa. Anh nhìn đi, cách tốt nhất để thành lập hữu nghị cách mạng chính là có cùng một đối tượng căm thù.

Buồn cười lắm đúng không? Vừa bước ra khỏi lập trường ở đồn cảnh sát, rồi lập tức tiến vào lập trường ở phía đối lập. Anh khó mà tìm được cơ hội nào để khéo léo ghép hai lập trường này vào nhau.

Ở vịnh đối diện khách sạn là một nhà hàng Hải Đăng San Hô nổi tiếng. Ceasar dẫn Hoài Chân đi thẳng đến đó, nhưng lại bị tấm bảng “từ chối tiếp người da màu” mà ông chủ treo trên cửa chặn lại.

Ceasar bèn lái xe đi hai con phố nữa thì mới tìm được nhà hàng không dán cáo thị tương tự như vậy.

“Theo lý mà nói bữa tối của chúng tôi cần phải đặt trước, nhưng mà…” Nhân viên nữ nhìn thấy Ceasar ăn mặc chỉnh chu thì đổi lời hỏi, “Mấy người ạ?”

“Hai người.”

Bên ngoài cửa nhà hàng, một người thanh niên da trắng tuấn tú đưa tay kéo nhẹ. Và xuất hiện cùng anh là một cô gái da vàng.

Lập tức nhân viên nữ đổi giọng, “Trong phòng ăn còn dư một bàn —— nhưng người da màu phải dùng bữa riêng. Vậy nên chúng tôi rất xin lỗi.”

Lúc ấy Ceasar đã đẩy cửa đi vào, cơn tức giận bùng lên khiến anh muốn nhấc ghế lên đập cửa kính nhà hàng. Hoài Chân đuổi theo níu anh lại. Ceasar dừng bước, ngoái đầu nhìn cô. Cô nhìn thẳng vào mắt anh, nhẹ nhàng kéo ống tay áo anh. Trong chốc lát ấy, ánh mắt Ceasar thả lỏng đi. Sau lưng là một cánh cửa kính, ánh sáng của đoàn tàu hỏa đi qua bên ngoài hắt lên mặt anh, có chút biến hóa khó lường. Cô đứng trước cửa nhà hàng, bước lên trước hai bước đối mặt với anh.

Anh đành thỏa hiệp.

Sự xuất hiện của hai người đã thu hút cái nhìn chăm chú và ca thán của tất cả mọi người trong nhà hàng. Dưới con mắt của mọi người, anh để mặc Hoài Chân kéo cổ tay rời khỏi nhà hàng.

Hai người im lặng ngồi trong xe một lúc lâu. Ceasar cũng không nổ máy chạy, nhưng mỗi lần đoàn tàu chạy qua kéo theo chấn động mạnh là Hoài Chân lại có ảo giác xe hơi đang lăn bánh.

Ngay trong tiếng tàu hỏa ồn ào, Hoài Chân đề nghị: “Vào giờ này, muốn tìm một quán ăn không cô lập người da màu, anh có thể đến khu Ý thử xem.”

Ở đó nằm rất gần phố người Hoa, người Ý cũng là quần thể người da trắng thân thiết với người Hoa nhất. Rất nhiều phú thương phố người Hoa phát tài ở lãnh thổ này vẫn sẽ hợp tác và đầu tư với ông chủ người Ý.

Nhưng Ceasar lại nói, “I don’t want to go anywhere.”

Anh không thích khu Ý, không chỉ vì đó là nơi lần đầu tiên anh ý thức được giữa mình và cô có khoảng cách.

Ở quốc gia này, nhất là San Francisco, sự ngăn cách luôn tồn tại trên mỗi con hẻm xó xỉnh trong thành phố. Bất công và ức hiếp khiến người da trắng đạt được kiêu ngạo, và cũng dưới sự chèn ép ấy, phố người Hoa ra đời.

Sau khi ra khỏi đồn cảnh sát, anh vẫn chở cô đi loanh quanh thành phố, định tìm một nơi có thể để cả hai dung thân. Nhưng bất luận là đến đâu, thì hoặc là quay lại thế giới của cô, hoặc là đến thế giới của anh, một khi mỗi người một ngã thì sẽ tuyên cáo cả hai đều thoát khỏi thế giới ngang hàng, như thể có tìm cũng không tìm được quan hệ hợp lý để kết nối hai người lại.

Anh không muốn đi đâu cả.

Nên anh cứ lần lữa không đưa cô về.

Có rất nhiều thứ không nói rõ được. Cho dù có ngồi lì ở đây đến bảy giờ sáng mai mặt trời mọc thì vẫn không rõ ràng.

“Cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về đạo luật Cable sẽ diễn ra vào bảy tuần nữa.” Anh nói.

Hoài Chân cười, “Vậy là phần thắng của các anh rất lớn?”

Muốn lấy lại California, đảng Dân chủ đúng là mơ mộng hão huyền —— Desai thường xuyên nói những câu này, nhất là khi Ceasar giao bằng chứng người Trung Quốc đầu cơ trục lợi cho ông ta.

Nhưng Ceasar trực tiếp bỏ qua câu hỏi này, “Sau đó tôi sẽ rời khỏi San Francisco.”

Hoài Chân ừ, “Lúc ấy tôi cũng thi xong rồi, có thời gian sẽ suy nghĩ nên tặng anh quà chia tay gì.”

Ceasar không lên tiếng. Một lúc sau, anh kéo hộc ở bên tay lái ra, tìm lấy bật lửa bật lên.

Nhưng sau mấy lần quẹt không thành, anh ném nó đi, tiếp tục tìm trong hộc.

Hoài Chân tưởng anh lên cơn nghiện thuốc lá nhưng lại không tìm được thuốc, bèn hỏi, “Cần giúp đỡ không?”

Anh lắc đầu đáp không. Một lúc sau, anh lại tìm ra một bật lửa khác, thử thắp sáng không gian trong xe. Bật lửa kêu cái “tách”, ánh lửa bùng lên chiếu sáng hai người. Trong chớp mắt ngọn lửa phụt sáng, ánh mắt anh cũng sáng lên.

Rồi anh đưa bật lửa vẫn vương hơi ấm cho Hoài Chân kèm theo một nụ cười, sau đó mới nổ máy lái xe chạy đi.

“Cô kể tiếp đi.” Anh nói.

“Kể gì?”

“Kể về phố người Hoa.”

Hoài Chân không hỏi anh lái xe đi đâu. Trước ngày hôm nay, nhất định cô sẽ than phiền anh không nên vì thân phận chủ nợ mà tùy tiện chi phối sự tự do của cô.

Nhưng giây phút lúc này đã khác.

Mãi cho đến rất lâu về sau, Hoài Chân mới ý thực được, chuyến đi vô định ngày hôm nay thực chất chính là một cuộc hẹn hò đúng nghĩa. Nhớ lại mình để lại cho Ceasar ấn tượng gì về cuộc hẹn này, Hoài Chân cảm thấy hẳn là hình ảnh một cô gái líu ra líu ríu. Hoài Chân không biết nói gì, đành kể về những chuyện sốt dẻo nhất gần đây ở phố người Hoa: nếu Đảng Dân chủ toàn thắng trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về đạo luật Cable, thì chị cô sẽ lập tức bị đuổi về Trung Quốc coi mắt sau khi kết thúc kỳ thi trước kỳ nghỉ hè. Và rất nhiều cô gái ở phố người Hoa cũng vậy. Tuy các cô gái sinh ra trong gia đình truyền thống Trung Hoa đều rất ghét gả chồng, nhưng một khi luật hôn nhân của người Hoa ở Mỹ đều công bằng với tất cả mọi người, thì các bậc phụ huynh ở phố người Hoa nhất định sẽ tranh nhau bể đầu, đưa cô con gái đến tuổi mười sáu mười bảy về nước xem mặt. Nên về mặt nào đó cô lại hy vọng Ceasar của đảng Cộng hòa chiến thắng, như vậy các cô gái trên phố người Hoa chỉ có thể lựa chọn tiếp tục đi học, lên cấp ba hoặc vào đại học.

Kỳ lạ chính là, Hoài Chân nói nhiều như thế nhưng không hề khiến Ceasar ghét bỏ. Anh rất nghiêm túc lắng nghe, lại còn hỏi, vậy cô thì sao?

Tôi? Tôi không biết. Thân phận công dân của tôi quá yếu, gần như khó mà về nước xem mặt được. Một khi tìm được đối tượng hẹn hò thích hợp ở Mỹ, nhất định chú Quý sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Cho tới khi xe dừng lại ở đường Polk dưới Nob Hill, Ceasar vẫn không ngắt lời cô.

Xung quanh hầu như đều là nhà dân, Ceasar bước xuống xe, đi vòng ra sau mở cốp xe ra. Lúc Hoài Chân bước xuống thì anh đã xách một chiếc thùng đi về căn nhà kiểu Tây trước mặt.

“Lại đây.” Anh đi được hai bước thì vẫy tay gọi cô.

Hoài Chân bước theo.

“Có cầm bật lửa đó không?” Anh hỏi.

“Có.”

“Được rồi. Anh vừa nói vừa lôi một chùm chìa khóa ra, mở cánh cổng sắt ở bên ngoài vườn hoa.

“Đây là ký túc xá tạm thời của cảnh sát liên bang.” Anh vừa dẫn Hoài Chân vào vừa thấp giọng giải thích.

Đây cũng là khởi điểm của đạo luật bài trừ người Hoa, nơi gây rắc rối cho Đảng Công nhân Mỹ nổi tiếng, do hậu quả của việc giết chết hàng chục công nhân người Hoa. Hiện tại ở bên trong là hơn mười người đàn ông độc thân trẻ tuổi ủng hộ đảng Cộng hòa.

Ceasar thuận lợi dẫn Hoài Chân đi vào căn phòng nhỏ sâu trong sân cỏ, đây là nơi giặt giũ phơi quần áo tạm thời của những người độc thân. Mở cửa ra, bên trong phơi đầy áo cảnh sát, quần dài và áo khoác cùng màu.

Anh đi băng qua khu rừng quần áo một hồi, tới lúc đi ra thì trong ngực ôm một chồng quần áo, lại gần ném cho Hoài Chân.

“Cùng một cỡ cả.” Anh nói.

Hoài Chân lảo đảo nhận lấy ôm vào trong lòng, mở ra một bộ đồng phục cảnh sát, để lộ cái tên thêu trước ngực.

Quả nhiên.

Cô quay đầu nhìn Ceasar đứng ở cửa.

“Tôi không chắc bọn họ có từ quán bar về lại đây sau rạng sáng không.” Anh dựa vào cửa canh gác, rồi ngoái đầu lại nói, “Mặc cô muốn làm gì thì làm.”

Hoài Chân cầm quần áo treo lên, quan sát một hồi.

Sau đó cô châm lửa đốt sạch đáy quần. Suy nghĩ một lúc, cô lộn áo lại đốt hai lỗ trước vạt áo sơ mi.

Bước ra khỏi phòng phơi đồ, Ceasar kéo nhẹ tay cô, đưa cô đến bức tường tòa nhà có lịch sử hơn tám mươi năm trước mặt.

Nương theo ánh trăng, cô phát hiện có một hàng dài các cụm từ tiếng Anh in nghiêng lớn và vẽ bậy màu đỏ trên tường.

Cô đứng dưới ánh trăng cẩn thận xác định: đó là một chuỗi từ ngữ thô tục cực dài, chửi người Sikh chết tiệt, mắng người Pakistan, Công giáo, người Liên Xô, băng Mafia hay người Do thái, vân vân… Hơn nửa mặt tường, gần như đều mắng chửi mọi quốc tịch trên lãnh thổ nước Mỹ.

Trên mảnh đất này, thủ đoạn mà chính khách muốn thắng cuộc tuyển cứ chính là làm lung lay cử tri, nhằm cầu tính đứng đắn chính trị. Mà mặt tường này, gần như bao gồm tất cả những tính không đứng đắn chính trị.

Ceasar cầm bình xịt trong tay trầm tư một lúc, sau đó khom người viết.

Hoài Chân dịch lại gần nhìn: SILLY COPS, FUCK THE HONKY… (Đám cớm ngu ngốc, lũ da trắng chết tiệt)

Còn chưa viết xong câu chửi bậy tiếp theo thì đột nhiên cửa sổ trên đỉnh đầu đẩy ra, một người cảnh sát tắm xong đi đến cửa sổ hút thuốc.

Hoài Chân sợ hết hồn.

Ceasar nhanh chóng bịt miệng cô lại, kéo cô vào ngực lăn đến dưới chân tường.

Bình xịt rơi vào trong thùng thuốc màu kêu “lạch cạch ——”, phát ra âm thanh rất vang trong màn đêm tịch mịch.

“Ai ở đó?” Anh ta cầm giá cắm nến soi sáng vườn hoa dưới cửa sổ.

Đúng lúc này một con mèo đuổi theo con chuột cống to đùng vào chân tường vườn hoa, vào vùng đen bị vách tường chặn lại.

Anh ta chỉ nhìn thấy thùng sơn trống trơn, thế là quyết định mặc quần áo ra ngoài kiểm tra.

Ngay trong lúc đó, Hoài Chân và Ceasar đã im lặng vòng qua chân tường, từ bên dưới hàng rào bên kia lén chạy ra khỏi cổng.

Hai người vừa ngồi vào trong xe bên đường thì nghe thấy tiếng chửi ầm vang nửa con phố: “Who the fuck ——”

Ceasar bật cười. Đạp lút cán cần ga, ném nửa vế sau của câu chửi rủa xa cả nửa phố.

Hoài Chân nín cười, “Tôi chưa từng thấy cảnh sát chửi đồng nghiệp là cớm, người da trắng chửi người da trắng là lũ quỷ da trắng bao giờ.”

“Dù thế nào thì, đã hả giận chưa?” Anh cười hỏi.

Hoài Chân cười đáp, hả giận rồi.

Nếu như cách thức duy nhất đối phó với quy tắc chỉ còn lại là chơi khăm bất cần đời kiểu thanh niên, thì tất nhiên là hả giận rồi.

Nob Hill cách phố người Hoa không quá xa. Lúc xe chạy vào phố người Hoa thì có ý nghĩa rằng, hai người sắp quay về thế giới riêng của mình.

Ceasar lại khó khăn trong việc tìm lý do để gặp mặt cô.

Xe vẫn theo như quy định cũ, dừng lại trên phố Sacramento cách tiệm giặt nửa con phố. Ceasar nói, “Tôi có thể chờ cô năm phút. Nếu người cha về mặt pháp luật của cô từ chối mở cửa cho cô con gái đi về muộn.”

Hoài Chân cười cám ơn.

Đột nhiên anh hỏi, “Cô cũng về Trung Quốc xem mặt sao?”

Trong lòng cô dấy lên sự khác thường, chợt ngoái đầu lại.

Ceasar cũng nhìn cô. Nụ cười khi ra khỏi căn hộ cảnh sát từ từ biến mất, anh lúc này đang bình tĩnh nhìn cô, ánh mắt của anh khiến cô biết anh và cô nghĩ cùng một chuyện.

Hoài Chân đáp, “Không biết. Thân phận công dân của tôi rất nhạy cảm, có lẽ bọn họ sẽ tìm cho tôi một đối tượng hẹn hò có lợi để giữ thân phận này.”

“Ví dụ?”

“Tôi không biết. Có lẽ là quân nhân quốc tịch Mỹ chẳng hạn.”

Anh không nói tiếp.

Hoài Chân đẩy cửa xe ra, nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi anh, “Thật ra tôi rất muốn biết, so với đồ ăn Quảng Đông, có phải Chop suey hợp khẩu vị của anh hơn không?”

“Tôi đều không thích cả hai. Nếu phải tốn 30 cent cho một bữa ăn thì tôi sẽ chọn bánh mì kẹp xúc xích.”

Hoài Chân ừ đáp, sau đó khoát tay với anh rồi chạy đi.

Hoài Chân biết được vài chuyện rồi.

Hai lần đến phố người Hoa, anh đều ở đây đưa cô về nhà.

Lần đầu tiên, anh bắt đầu nghiêm túc nhìn kỹ về những sai lệch trong phân biệt chủng tộc.

Lần thứ hai, anh phát hiện mình thật sự không ghét cô.

Có lẽ có một chút xíu thích nữa.

Nhưng chút xíu ấy có công dụng bao nhiêu? Qua mấy tháng nữa, rời khỏi nơi này thì anh sẽ quên đi thôi.

Hoặc là đạo đức sâu trong lòng anh luôn sẵn sàng để bài xích, hoặc từ chối thừa nhận cảm giác này.