Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 59: Oakland (4)




Bỗng Hoài Chân nghĩ rõ một chuyện. Cô rất hay nhớ đến một vài chuyện không quan trọng, ví dụ như lúc này, cô đột nhiên cảm thấy, rốt cuộc là vì sao con gái sinh ra trong gia đình Trung Quốc phải học dương cầm và múa ba lê chỉ vì để duy trì sự tao nhã? Lúc nào mới có thể bảo đám người da trắng kia ép con học gảy đàn tỳ bà từ tấm bé, đọc thuộc lòng hành thư Lan đình tập tự ở bữa tiệc kiểu Trung Hoa, nịnh nọt người Hoa?

Đúng thế, bây giờ cô đã hòa nhập vào phố người Hoa, vô cùng quen thuộc sử dụng cái cụm “đám người da trắng” đó rồi.

Cô bất giác nhớ đến bố mình. Lúc ăn mì ở nhà ông sẽ tạo ra tiếng xì xụp rất lớn, đến ngày lễ ngày tết lại ở ngoài phòng ăn cao giọng đàm luận tình hình thế giới, vì viêm họng nên hễ mỗi khi trở trời là lúc nào ông cũng ho khù khụ… Nhưng chuyện ấy cũng chẳng hề ngăn ông bước chân ra khỏi biên giới. Bước ra khỏi nhà đi vào lớp ở trường đại học, ông lập tức lại là một quý ông trung niên lịch sự tao nhã, có phần hơi cổ hủ.

Có phải chăng Trung Quốc đích thực không phải là một Trung Quốc giàu có, đàng hoàng và thịnh vượng sau những năm 80, mà một phố người Hoa hơi chút lại khiến người da trắng lườm nguýt, mang theo phong tục cứng ngắc, mới là Trung Quốc kéo dài từ ba trăm năm trước đến nay?

Hoài Chân bất giác bừng tỉnh hiểu ra, tất cả nền giáo dục đã tiếp nhận từ thời thơ ấu, chỉ đơn giản là sự trông mong của bậc phụ huynh Trung Quốc, muốn ngụy trang con mình thành một món ăn Trung Quốc theo phong cách Tây, ví dụ như chop suay, sườn xào chua ngọt, gà Tả Tông Đường, hoặc là nước nấu cá làm từ cá lưỡi trâu được làm đông lạnh nhanh trong siêu thị Trung Quốc, không đòi hỏi phải phi lê lát cá phức tạp, nhưng đồng thời cũng đánh mất khẩu vị.

Bấy giờ cô mới nhớ đến người Mỹ đang ngồi cạnh mình đây, cô có thể lập tức xác nhận điểm này với anh, hỏi anh rằng, so với đồ ăn Quảng Đông, có phải các anh thích đồ ăn Trung đã được cải chế theo kiểu Mỹ hơn không?

Nhưng khi cô quay đầu sang, nhìn mặt sườn nghiêm túc của người đang lái xe đến thất thần kia, đột nhiên cảm giác đây không phải là thời cơ để hỏi. Nhìn từ phía cô, hàng mi anh che giấu hốc mắt lõm sâu dày rậm, như thể trước khi mở mắt nhìn thế giới cần phải nâng lên tâm sự nặng ngàn cân. Vẻ mặt tự nhiên này khiến anh đạt được khả năng dù mắc phải sai lầm gì, thì cũng có thể khiến người ta dễ dàng tha thứ cho anh.

Rốt cuộc anh đang nghĩ gì mà lại có biểu cảm nặng nề đến vậy?

Hoài Chân đoán, có lẽ tính cách của anh còn cố chấp hơn dáng vẻ thoạt nhìn âm trầm. Anh có thể khách quan hơn rất nhiều người, nhưng ngay cả sự khách quan của anh cũng không thể thay đổi cái nhìn và sự thật của anh về một sự vật nào đó. Ví dụ như trong lễ trao giải Miss Chinatown mấy tháng trước, anh cẩn thận thay mặt cá nhân, xin lỗi cô vì chủ nghĩa chủng tộc của anh. Lại ví dụ như rất lâu về trước, vì một số chuyện chính mắt thấy tai nghe mà anh mới quyết định rõ lập trường bài trừ người Hoa của mình.

Hai người thuộc hai chủng tộc như vậy, ngồi trong xe thì có thể nói chuyện gì mới không khiến bầu không khí thêm sượng sùng đây? Hoài Chân nhẩm tính: Bóng đá? Âm nhạc? Hay minh tinh Hollywood?

Vẫn nên thôi đi thì hơn.

Khi cô quyết định im lặng thì nghe thấy tiếng đồng hồ gõ. Tám giờ rưỡi rồi, tệ quá. Vì buổi sáng La Văn cứ than phiền hũ mắm tôm mua ở Quảng Đông bốn tháng trước sắp hư, nên chậm nhất là sáng mai nhất định phải ăn. Trước khi ra ngoài còn cố ý dặn dò cô, nói cô buổi chiều tan trường, đi ngang qua cửa hàng rau củ thì nhớ mua ít rau muống về.

Đã đến giờ này rồi sao. Hoài Chân xoay mặt ra ngoài cửa, tìm một cửa hàng chưa đóng cửa để mua đồ. Tám giờ rưỡi là lúc San Francisco yên tĩnh nhất, bởi vì những người ở gia đình đứng đắn đều đã kết thúc công việc, quay về nhà chuẩn bị rửa mặt ngủ; còn những người tìm vui về đêm thì vẫn chưa lên đường.

Lúc này cô phát hiện đông đúc cửa hàng ở khu SoMa. Đây không phải là hướng chạy về phố người Hoa, mà xe đang chạy về phía Nam.

Cô nhìn thẳng, “Nếu không phải về phố người Hoa, tôi cảm thấy, anh nên nói trước với tôi là đi đâu mới phải.”

Một lúc lâu sau Ceasar mới hoàn hồn, tầm mắt lướt qua con mắt dán băng gạc của cô, như đột nhiên tìm được cớ mà nói: “Cô bị thương rồi.”

“Không phải bác sĩ đã khám cho tôi rồi sao?”

“Cô đã nghĩ phải giải thích với bọn họ thế nào chưa?”

“Dù một tháng sau trở về thì bọn họ cũng sẽ phát hiện là tôi bị đánh.”

Sau một lúc im lặng, Hoài Chân nhìn chằm chằm vào đôi tay bị thương của anh, đề nghị, “Anh có thể cho tôi xuống ở nhà hàng Ý, chính là chỗ lần trước hai ta từ giã. Tôi có thể đi bộ về nhà, như vậy sẽ không ai đoán lung tung là anh đánh tôi.”

Ceasar lơ đãng nhìn lướt qua cô với ánh mắt như nhìn kẻ ngốc.

Hoài Chân im lặng chờ anh lái xe một cách vô định thêm hai con phố nữa.

“Chúng ta có điểm đến không?” Cô hỏi.

“Người mẹ kia đã bảo lãnh hai cô gái rời khỏi đảo Thiên Thần rồi. Đang ở gần ga tàu.” Đột nhiên anh nghĩ ra một chỗ có thể đến bất cứ lúc nào, “Bọn họ nói muốn gặp cô một lần.”

Còn lâu mới muốn gặp tôi. Hoài Chân nghĩ bụng.

Cô hỏi, “Bà ấy gỡ tội cho Trần Mạn Lệ rồi à?”

Ceasar lắc đầu, “Vẫn phải ở đây cho tới khi người cha kia đến San Francisco.”

“Vậy tức là đã thừa nhận thân phận cháu gái của cô ấy.”

“Bà ấy luôn miệng chắc chắn cô gái đó rất giống em trai mình hồi nhỏ.”

“Nhưng các anh vẫn cho phép cô ấy được bảo lãnh.”

“Bà ấy nộp tiền bảo lãnh rồi.”

Hoài Chân đoán, có lẽ bà Phương cũng không chắc rốt cuộc em trai mình có con riêng không. Nhưng bất kể là con riêng hay là em trai mình đã từng đăng ký giấy tờ giả, thì khi bán vào Đường hội, cô ấy cũng phải thừa nhận mọi chuyện, tránh dẫn đến rắc rối không cần thiết.

Chiếc xe dừng lại gần chỗ đậu xe ở nhà thờ. Bên đường là một tòa nhà ba tầng thời kỳ Victoria hiếm hoi. Cửa hàng phụ tùng xe đạp được thuê ở tầng dưới, đi thông lên lầu là một cánh cửa nho nhỏ. Tên của khách sạn nằm bên cạnh chuông cửa.

Trong mấy phút đợi cửa mở, trên chiếc cầu cách đó không xa, có một đoàn tàu hỏa khởi hành từ San Francisco không biết đi đâu “xình xịch xình xịch” chạy qua.

Rất nhiều năm về sau, khi giao thông liên thành phố nhanh gọn nhất nước Mỹ đã biến thành máy bay, thì tàu hỏa đã không còn là lựa chọn hàng đầu của những người hiện đại bận rộn nữa rồi, nên giá vé tàu cũng tăng nhanh. Tàu hỏa lăn bánh cũng trở thành lịch sử nào đó, tạo điều kiện cho người có tiền có thì giờ ngắm cảnh hoặc tưởng nhớ. Hoài Chân ngẩng đầu, trông thấy một dãy ô cửa trên tàu sáng đèn thì đột nhiên nảy sinh hứng thú.

Người trên đường đi lớn tiếng chuyện trò rôm rả, nhưng tiếng động dưới này vẫn bị tiếng tàu xình xịch lấn át.

Từ bên trên có người vội vã đi xuống, hỏi qua cửa sổ chia nhỏ thành tám ô: “Tìm ai?”

Ceasar lôi tấm thẻ cảnh sát trong túi áo ra, “Viếng thăm bà Phương ở phòng 214.”

Chủ nhà mập mạp kéo cửa khóa ra, dẫn hai người lên lầu, dùng tiếng Anh tiêu chuẩn lớn tiếng than phiền: “Ngày nào cũng ồn ào vậy đấy.”

Ông chủ là người Pháp điển hình di cư đến từ sau cú sốc kinh tế của thế kỷ trước. Những bậc thang dốc hẹp trong khách sạn được trải thảm đỏ tinh tế, trên tường có tranh treo. Có vài ngọn đèn trần cực kỳ cổ điển song lại không sáng cho lắm, trông vừa nặng nề lại u ám.

Phòng 214 nằm ngay đầu cầu thang. Người Pháp sợ gây chuyện nên dẫn bọn họ đến ngoài cửa, nhấn chuông rồi thức thời rời đi ngay.

Lưu Linh Trân mặc đồ ngủ ren màu vàng nhạt đi ra mở cửa. Trong khoảnh khắc cánh cửa mở ra, quả thật cô ấy khá bất ngờ, nhưng vẫn nghiêng người mời hai người đi vào.

Mấy người trong phòng đang ăn cơm. Trong khách sạn không có nhà bếp, đồ ăn chỉ là xúc xích rán trộn lẫn nhiều thứ lại với nhau. Vừa thấy người đến thì mọi người đứng bật dậy, nom rất ngạc nhiên.

Bà Phương quần áo chỉnh tề, đội chụp tóc trên đầu, mặc sườn xám trắng điểm xuyết hoa, dưới chân đi đôi giày đế bằng. Trần Mạn Lệ cũng mặc áo sơ mi và quần dài kaki, lời nói cử chỉ của cả hai rất đúng mực, song lại có vẻ khó chịu vô hình.

Ceasar dùng tiếng Anh thuật lại đơn giản ý định với bà Phương. Đại khái nói là, trạm di trú cần đảm bảo mọi người vẫn luôn ở tại thành phố San Francisco, thỉnh thoảng sẽ đến cửa hỏi vài vấn đề liên quan tới Trần Mạn Lệ và cha cô ấy, không cần phải sợ.

Sau đó lại nhường đường nói, đây là cô gái người Hoa mà cô bảo muốn hy vọng gặp lại.

Lưu Linh Trân và mẹ đưa mắt nhìn nhau, bà Phương lại nhìn Trần Mạn Lệ, qua một lúc sau mới lộ ra vẻ bừng tỉnh rất Trung Quốc. Bà Phương nói bằng tiếng Anh, “Đúng đúng đúng, có vẻ cô đã giúp không ít việc?”

Hoài Chân bất chợt cảm thấy lúng túng. Cô gần như có thể đọc được từ giọng và ánh mắt trao đổi của bọn họ rằng: giữa chúng tôi ngay đến nói chuyện còn không được, rốt cuộc Trần Mạn Lệ nhắc đến cô ấy bao giờ? Cô ấy tên gì?

Nếu bây giờ nói giúp gì thì cũng chỉ là giúp Trần Mạn Lệ bớt rắc rối không cần thiết, và mua băng vệ sinh cho Lưu Linh Trân mà thôi, không đến nỗi phải gặp lại để cám ơn.

Hơn nữa lại phải chọn đúng thời điểm hai người sưng mặt sưng mũi để đến thăm…

Trong mấy phút Ceasar nói chuyện với bà Phương, Hoài Chân và hai cô gái khác ngồi trên sofa nhìn nhau không nói.

Trần Mạn Lệ học được vài câu tiếng Anh đơn giản.

“Cô có khỏe không?” Cô ấy hỏi.

“Ý cô ấy là vết thương.” Lưu Linh Trân dịch lại.

“Không sao, sẽ khỏe nhanh thôi.” Hoài Chân trả lời bằng giọng Tứ Xuyên.

“Cô ấy nói rất khỏe.” Trần Mạn Lệ dùng tiếng Anh dịch lại.

Thấy quan hệ chị em vốn không biết có quan hệ ruột thịt hay không đột nhiên thân thiết, Hoài Chân có phần vui vẻ yên tâm.

Trần Mạn Lệ thấp giọng nói bằng tiếng Anh, “Sao anh ta lại đánh cô?”

Lưu Linh Trân cũng tò mò.

Hoài Chân phát hiện chuyện này khó mà giải thích rõ với đôi ba câu.

Cô dứt khoát trả lời bằng tiếng Anh, “Tôi không biết.”

Hai cô gái bị câu trả lời này dọa sợ hết hồn.

Ngay sau đó tiếng nói chuyện bên kia cũng dừng lại.

Lúc cuộc đối thoại vang lên lần nữa, Ceasar nói với bà Phương, “Trong thời gian này không được rời khỏi thành phố, tạm biệt bà.”