Khu phố nhà họ Trần ở tuy cũ nhưng rất sạch, từ xa nhìn tới là phố xá sạch sẽ thoáng đãng. Nhà hơi nhỏ, nhưng cửa sổ sáng bóng sạch kin kít, đồ nội thất và rèm cửa đều có cùng màu trắng sáng rất mát mắt, những đồ trang trí nhỏ như áo gối, khăn trải bàn, bình hoa và đồ trang trí,… đều toát lên hương vị cuộc sống của chủ nhân căn nhà. Nhắc đến đây, bà Trần khá là đắc ý.
“Nhà ba phòng ngủ riêng, phòng áp mái cũng có thể được dùng làm phòng ngủ; số nước – cả nước nóng để tắm đều miễn phí, nấu cơm thì có bếp lò nhóm lửa, nhà vệ sinh kiểu tây, bếp hơi nước mùa đông, tiền điện và dầu ăn đều được tính trong tiền thuê tháng, thế mà tổng cộng chỉ mất có một trăm đô la. Khu phố này cách khu mua sắm của người phương Tây cũng rất thuận tiện, nằm ngay bên ngoài đường, không cần phải băng qua đường lớn, càng không sợ xe, sáng sớm ngày nào bà cũng đi bộ đến đó mua đồ ăn. Jin Jean đi học thì có cậu lái xe chở nó đi, lúc cậu nó không rảnh thì đi ba chuyến xe buýt đến trường; Mạn Lệ thì dễ hơn, thuận tiện hơn, ngày nào cũng có xe buýt tới cửa đưa đón đến trường trung học Oaks Christian.”
Hoài Chân hỏi bà Trần là ai tìm được căn nhà riêng này? Cô và chị tìm khắp các nhà trọ ở San Francisco, nhưng không gặp được căn nhà nào tốt như thế này.
Bà Trần nói: “Ngoài bà ra thì còn ai nữa? Trước khi Mạn Lệ tới, Linh Trân và mẹ con bé phải ở trong ký túc xá nội trú, còn cậu nó với người khác chen chúc trong một căn nhà trọ; Mạn Lệ tới rồi, hai cô gái đều do mẹ Linh Trân dạy, thế là cả nhà cùng chuyển ra ngoài ở luôn. Chỉ có bà rảnh rỗi, dẫn Mạn Lệ đi xem nhà, nhân tiện cũng để con bé quen đường xá, nói đôi câu tiếng Anh, cuối cùng nhắm trúng căn nhà này. Mấy đứa chúng nó bận rộn như thế, không có thời gian rảnh, vẫn là do bà trả giá từng cắc một với người phương Tây. Bọn họ thấy bà lớn tuổi, nói tiếng Anh lại khó nghe, ngại dây dưa rắc rối nên cho bà thuê với giá rẻ luôn!”
Hoài Chân nói đúng là rất thỏa đáng, rồi lại khen trong nhà bài trí rất nhã nhặn.
Bà Trần nói, hồi còn ở Pháp, mấy căn nhà ở trên đường đều nhỏ hơn đây nhiều. Mấy bà bạn già ở Thượng Hải cũng không được hưởng thụ thế này. Mấy lần bà gửi ảnh về nước, bọn họ đều xuýt xoa hâm mộ không thôi!
Vì Hoài Chân có nhắc đến chuyện ra ngoài mua quà tặng cho bà Noonan, nhân tiện tìm tiệm cắt tóc để cắt. Không ngờ cô khen bà Trần vui vẻ quá, nên đến lúc hai chị em rửa mặt thay quần áo đi ra, bà Trần đưa cho Hoài Chân một chiếc khăn tay màu đỏ tự thêu, nói cầm theo cái này đi, người Mỹ đều cảm thấy thứ này đáng quý, ngày trước lúc giáo sư Trần học đại học, bà gửi đồ cho ông, gấm Tô Châu là thứ được đánh thuế lớn nhất khi qua hải quan.
Hoài Chân khuyên can mãi, nói là tâm ý của bản thân cô, nếu tặng thứ này thì không hay lắm, lúc này bà Trần mới cất khăn đi. Lại giới thiệu với cô, có thể đến cộng đồng người Hoa ở phía Tây mua một tấm thảm thêu nhỏ. Mặc dù ở đó đều là mấy thứ lừa gạt người Mỹ, nhưng thảm thì lại không như thế. Vì ngày trước trên con đường tơ lụa đến châu Âu, thảm luôn là thứ hàng tốt nhất ở Trung Quốc, giá cả cũng không đắt lắm.
Nghe nói cô muốn đi cắt tóc, bà lại giới thiệu cho cô một tiệm cắt tóc —— “Ở cộng đồng người Hoa làm rẻ lắm, nhưng cắt thì không đẹp; Linh Trân có thể dẫn Hoài Chân đến phố Bonifacio, lần trước mẹ cháu uốn kiểu tóc của Greta Garbo trong Luffar-Petter ở đấy đấy, đắt thì đắt, nhưng mà đắt xắt ra miếng cháu à!”
Các cô gái vẫn chưa rửa mặt xong thì giáo sư Trần đã từ công ty sửa chữa gọi điện về, nói đã đưa Ceasar đi rồi, mọi chuyện rất thuận lợi, bảo Hoài Chân cứ yên tâm. Vì lát nữa ông phải về trường dạy, sau bữa trưa mới về được, nên nếu cần ông lái xe chở các cô ra ngoài thì phải đợi.
Lưu Linh Trân nói các cô sẽ đi taxi.
Bà Trần vừa nghe thế, lập tức nổi giận —— “Ở đây mặt trời rất gắt, vừa ra nắng sẽ đen ngay, đi taxi làm gì?”
Lưu Linh Trân nói —— “Bọn con đến ngã tư mới đi taxi, sẽ không bị phơi nắng đâu!”
Bà cụ không ngăn được, trước khi các cô ra ngoài thì nhét cho mỗi người một quả táo, nói ở Mỹ táo nhiều, ăn nhiều táo sẽ khó đen da; rồi lại bảo các cô nhớ về sớm, tránh lỡ bữa trưa.
Mạn Lệ phải đến trường, nên người đi đến tiệm làm tóc với Hoài Chân là Linh Trân. Không đợi Hoài Chân hỏi, Linh Trân đã nhanh nhảu nói hết mọi chuyện trong nhà với cô, ví dụ như tuy người nhà lừa bà Trần nói Mạn Lệ là con gái ruột, nhưng bà cụ không ngốc, e là sớm đoán ra được rồi, nhưng vẫn đối xử rất tốt với Mạn Lệ. Mạn Lệ khôn khéo hiểu chuyện rất được lòng người, bà lão cũng cảm thấy tha hương nước lạ sống lẻ loi vất vả, đều là người Hoa vốn giúp đỡ lẫn nhau, nên cũng nhắm một mắt mở một mắt, thương như cháu gái mình.
Tiệm làm tóc ở phố Bonifacio không xa lắm, đến ngã tư rẽ phải là tới nơi ngay. Tuy vẫn còn sớm, nhưng lúc hai người đến thì lại có sinh viên đại học – có vẻ là người Hoa – đang hớt tóc ở đó, anh ta bảo thợ cắt tóc cắt cho mình kiểu “lục quân nước Mỹ” —— nghe anh ta than phiền nói là, bởi vì các sinh viên nam người da trắng đều một tuần sửa tóc một lần, hơn nữa còn dậy sớm gội đầu vuốt keo, nếu không sẽ bị cười nhạo. Giờ anh ta cắt tóc kiểu lục quân, không chỉ tiết kiệm tiền keo tóc, mà còn có thể hai lần mới đến tiệm cắt tóc một lần.
Cắt kiểu tóc lục quân rất nhanh, lúc sắp cắt xong, thợ cắt tóc hỏi Hoài Chân muốn cắt kiểu nào. Hoài Chân miêu tả đại khái, nói chiều dài quá nửa tai giống nam sinh trung học vậy.
Thợ cắt tóc hỏi cô, không phải muốn cái kiểu nhìn rất giống yêu tinh đó chứ.
Hoài Chân không hiểu ông ta nói “yêu tinh” là cảm giác gì, chỉ nói: giống con trai là được.
Thanh niên người Hoa kia ngạc nhiên há to miệng, nói, như vậy sao được?
Tuy thợ cắt tóc không hiểu câu tiếng Trung anh ta nói, nhưng vẫn đoán được chung chung, bèn liếc anh ta bảo, cô ấy hợp với tóc ngắn như thế.
Người thanh niên không tin, khăng khăng ở lại xem sao.
Thợ cắt tóc rất quen tay, kéo đi rất nhanh, chỉ năm ba đường cắt đã ra dáng, hỏi người thanh niên kia: có phải rất giống yêu tinh không?
Một phu nhân da trắng dắt chó đi dạo chờ bên ngoài, vốn muốn uốn nóng cho cả mình với chó, nhưng khi cặp mắt xanh kia nhìn chằm chằm Hoài Chân, bà bèn hỏi thợ: quả thật rất đẹp, liệu có thể cắt như vậy cho tôi được không?
Thợ cắt tóc hỏi Hoài Chân có thích không?
Cô nói đẹp lắm.
Thợ cắt tóc vô cùng đắc chí, nói ngày trước ông từng làm kiểu tóc của Greta Garbo ở trong phim, ông có thể không bao giờ làm trùng một kiểu với nhiều người khác nhau
Đẹp thì có đẹp, nhưng tiền lại rất đắt, tổng cộng tốn hết một đô la. Người sinh viên kia bảo phu nhân nọ vừa kêu đắt, vậy là anh ta cố ý bảo thợ lát nữa dùng dầu thơm bôi lên tóc bà, như thế lúc uốn sẽ còn tốn hơn hai đô la.
Trước khi ra ngoài, Hoài Chân bị cuốn “Tạp chí tuần lễ” treo trên cửa thu hút —— ảnh bìa là một người phụ nữ châu Á mặc sườn xám tay cộc màu tro in hình hoa, nút áo màu xanh lông công đính từ vạt áo trước cho đến bên hông trái, bên dưới xẻ tà rất tự nhiên, để lộ đôi chân dài. Sườn xám may bằng vải tuyn, trước ngực có hai điểm như ẩn như hiện thấp thoáng. Trong tay cô cầm một chiếc quạt gấp bằng gạc mờ thêu hình chim đỏ, quạt che đi nửa mắt.
Hoài Chân nhìn cuốn tạp chí một lúc lâu, nói: “Đây là…”
Linh Trân nhận ra nhân vật trên mặt bìa tạp chí nổi tiếng số này trước: “Đến đào kép Diệp mà cô cũng không biết hả? Bây giờ cô ta phất lên rất nhanh, nổi tiếng đến mức Chicago còn mời cô ta đến làm đại sứ chim ngực đỏ.”
Hoài Chân ngạc nhiên.
Linh Trân nói, “Cô lớn lên ở Mỹ, không biết chuyện của cô ta ngày trước cũng không có gì lạ. Ba tuổi bị cha mẹ bán vào kỹ viện, may mắn được Đấu Ngưu Tử tiên sinh ra tay cứu giúp, nhờ vợ là Hồng Xán Thanh dạy cô ta hát kịch thanh y. Vì kỹ viện ở Bắc Bình nằm ở đình Thùy Hồng, nên mới gọi cô ta là Diệp Thùy Hồng.
Đến năm mười bảy tuổi, cô ta nhờ vào khúc Tư Phàm mà thành danh, tính cách cũng thay đổi hẳn, tự cho rằng không ai ở kinh thành diễn được dáng vẻ của Triệu Sắc Không, thậm chí còn không xem sư nương dạy dỗ cho mình ra gì, hát liền khúc “Tư Phàm” ở ba mươi sân khấu với sư nương, khăng khăng đòi tranh cao thấp.
Thanh y phái họ Thẩm vốn là độc truyền, năm ấy sư nương Hồng Xán Thanh của cô ta mắc bệnh về não, trời đông giá rét mà vẫn phải hát đến sân khấu thứ hai mươi tám, Đấu Ngưu Tử tiên sinh biết rõ vợ có bệnh nhưng vẫn muốn tranh đấu, nhiều lần khuyên nhủ không ngớt, lúc đó bà ấy mới nhờ người gửi tin cho cô ta, lấy danh sư phụ cầu xin Diệp Thùy Hồng dừng lại mấy ngày. Nhưng không biết trong thời gian đó đã xảy ra biến cố gì, hoặc có thể đồ đệ không biết nặng nhẹ, cho rằng sư nương nói mình bệnh chỉ là một cái cớ, dù sư nương nhận thua cũng chỉ là muốn nhường mình; hoặc chính Hồng Xán Thanh không chịu cúi đầu, khăng khăn phân cao thấp với đồ nhi, không chịu từ bỏ ý đồ.
Cuối cùng Diệp Thùy Hồng vẫn đi hát sân khấu thứ hai mươi chín; Hồng Xán Thanh cũng nhắm mắt lên sân khấu, nhưng hát được nửa thì ngất trên sân khấu, không bao giờ tỉnh lại nữa. Diệp Thùy Hồng cũng bị phái họ Thẩm gạch tên, ồn ào tới mức sư phụ hay sư huynh sư đệ từ mặt, có chết cũng không qua lại với cô ta. Thế mà hôm đó Diệp Thùy Hồng còn mặt dày đến trước quan tài sư nương dập đầu nhận sai, khiến Đấu Ngưu Tử tiên sinh tức tới nỗi thề độc trước mặt mọi người: từ đây trở đi, nếu trên sân khấu có Diệp Thùy Hồng thì sẽ không có Đấu Ngưu Tử ông.
Về sau cô ta trăn trở lênh đênh từ Thượng Hải đến Quảng Đông, tuy thỉnh thoảng vẫn có người cổ vũ, nhưng cô ta đã không còn mặt mũi mà lên sân khấu nữa. Cô ta buồn bã chán nản, về sau nghe tin Mai Lan Phương tiên sinh đến rạp hát Grand Stage ở thành phố San Francisco, danh vọng vang khắp Hoa Kỳ, vô cùng rạng rỡ! Thế là cô ta dùng cách khác, qua lại với giáo sư tiến sĩ nước ngoài, vì tô giới người Tây và Hoa Kiều không rõ chuyện của cô ta, nên nhân đó lợi dụng người ta đưa mình ra nước ngoài ca diễn… Hôm nay coi như cô ta được như ý rồi, nở mày nở mặt gần như sánh ngang Anna May Wong*.”
(*Anna May Wong là tên tiếng Anh của Hoàng Liễu Sương.)
Ở cộng đồng người Hoa, cô mua một tấm thảm dê dệt nổi tranh sơn thủy, mất năm mươi đô la, trên đường đi taxi đến trấn trên đưa cho bà Noonan, Linh Trân lại không ngừng lải nhải với Hoài Chân, nói Diệp Thùy Hồng có bao nhiêu tiếng xấu trong mắt các vị phu nhân ở Thượng Hải: “Mẹ tôi hay nói, khu kỹ viện Trường Tam không có ai đạp mình như cô ta cả.”
Diệp Thùy Hồng là một mỹ nhân, một lời nói hay một hành động đều được nghiền ngẫm cân nhắc kỹ; bàn về cách đối nhân xử thế thì thật sự không phải là người phóng khoáng gì. Nhưng chỉ cần vì những cô ấy từng làm cho phố người Hoa và rạp hát, Hoài Chân không có cách nào phán xét cô ấy từ góc độ nào đó được, vì thế cô cũng không hùa theo Linh Trân.
Bà Noonan không có ở nhà, Hoài Chân bèn nhét thảm qua khe cửa, lại dùng giấy ghi chú viết rất nhiều câu cám ơn, gấp lại nhét vào nắm đấm, sau đó hai người lại ngồi taxi về.
Linh Trân thấy cô không nhiệt tình lắm, nên trên đường về cũng không nhắc lại nữa. Hai người lại nói chuyện về cây hương thung do công ty vận chuyển chở từ trong nước tới, lại nói đến chuyện đồ uống lạnh ngon nhất ở chuỗi cửa hàng sữa nào đó. Cuối cùng hàn huyên đến chuyện Hoài Chân hành kinh không đều do ăn kem, Linh Trân cười nói: có lẽ buổi chiều cô có thể đến đại học Utah một chuyến, trong trường có một bệnh viện bảy tầng rất to, học sinh và người nhà giáo sư đều được khám miễn phí.
Hoài Chân cười bảo, đấy cũng không phải là bệnh gì, nghỉ ngơi cho lại sức là được rồi, đỡ bác sĩ người da trắng cảm thấy người Trung Quốc chuyện bé xé ra to.
Đợi sau khi quay về thành phố, Hoài Chân không còn thời gian làm chuyện khác nữa. Trong giờ ăn trưa, Giáo sư Trần nói rằng ông đã liên lạc với giáo sư thỉnh giảng môn Hán học ở đại học Utah, ông ấy đã đồng ý sẽ giúp cô sửa đổi bản thảo tiếng Anh. Nhưng vị giáo sư già này khá bảo thủ, chỉ chấp nhận bài phát biểu được đánh bằng máy đánh chữ, nhất định không xem bản viết tay; trong nhà giáo sư có một máy đánh chữ, cô ấy có thể tận dụng buổi chiều để đánh chữ ra đưa tới cho giáo sư, rồi ông lại thúc giục, trước tối nay có thể sửa giúp cô.
Dù Linh Trân rất muốn chơi với cô, nhưng cũng biết Hoài Chân không được rảnh rang, thế là cầm tiểu thuyết của Shakespeare vào thư phòng ngồi đọc suốt cả chiều, nghe cô gõ bàn phím lạch cạch lạch cạch.
Khoảng bốn giờ chiều, khi Hoài Chân vừa đánh lại nguyên xi mười hai trang bản thảo thì nhận được điện thoại, giáo sư Trần lái xe về, đem bản thảo ghi chép chữa bệnh kia đến cho giáo sư Hán học. Trước giờ cơm tối ông lại đem bản thảo về lại, tất cả những chỗ suy luận không rõ, cần điều chỉnh hoàn thiện đều được khoanh vòng chỉ rõ ra, lại bảo Hoài Chân tranh thủ lúc ăn tối sửa lại, rồi dùng máy đánh thêm một bản mới. Mẹ Linh Trân nói Mạn Lệ xúc cho cô bát cơm chiên trứng hương thung đem lên, Hoài Chân và lấy và để vài đũa, ngồi trước máy đánh chữ cho đến tận tám giờ.
Tác phong của giáo sư Trần cũng rất mạnh mẽ vang dội, lúc nhận được bản thảo thứ hai, ông lại ngay lập tức lái xe về, cũng không hề gọi hẹn trước với vị giáo sư da trắng bảo thủ kia.
Mới đầu Hoài Chân cảm thấy dựa theo tác phong làm việc của người da trắng, dù đã lên chức giáo sư thì cũng sẽ không nửa đêm ở lại trường học tăng ca. Vậy mà lúc gần mười một giờ khuya khi giáo sư Trần về nhà – lại là “thắng lợi quay về”, ông gõ cửa phòng ngủ gọi Hoài Chân ra, đưa bản thảo đã được sửa cho cô, vui vẻ bảo: giáo sư Philip nói, phần bản thảo này rất xuất sắc, chắc chắn tiến sĩ Hằng Mộ Nghĩa sẽ không chỉ ra quá nhiều lỗi sai, cũng sẽ sẵn lòng hướng dẫn nhân tài có khả năng viết ra bài văn xuất sắc thế này.
Bởi vì đêm đông ở thành phố Salt Lake rất lạnh, nên giáo sư Trần mặc áo khoác ngoài, trên lông mày và râu đã kết một tầng sương mỏng. Nhìn thấy giáo sư phải bôn ba trong gió lạnh vì chuyện của mình, Hoài Chân vô cùng cảm động, nắm tay giáo sư mãi không buông.
Giáo sư Trần cười to, nói: “Không cần cám ơn, cộng đồng người Hoa luôn hy vọng người Mỹ có thể nhìn thấy được mặt xuất sắc của con gái Trung Hoa chúng ta.”
Đêm hôm đó, Hoài Chân ngồi trước máy đánh chữ sửa đổi đến tận ba giờ sáng, đợi sau khi không còn nhìn thấy lỗi sai nào nữa, cô mới mặc nguyên quần áo đi ngủ. Bên trong có bật lò sưởi, không khô hanh như căn phòng ở Winnemucca. Mặc dù ngày mai còn có sứ mệnh trọng đại hơn, nhưng Hoài Chân vẫn không căng thẳng chút nào, ngủ một giấc đến tận tám giờ sáng. Lúc này bà Trần ở dưới lầu vội vã bấm chuông thúc giục hai cô gái rời giường, đánh răng rửa mặt bắt kịp chuyến xe buýt.