Kim Ốc Hận

Quyển 4 - Chương 87: Thiên hạ kính trọng điện Trường Môn




Con trai trưởng thành hôn, Lưu Triệt và Trần A Kiều là cha mẹ nên tất nhiên phải đến dự nhưng không ở lại cuối cùng. Trở lại điện Trường Môn, Lưu Triệt thấy A Kiều tâm trạng không vui liền hỏi, “Kiều Kiều làm sao vậy?”

“Thiếp thấy phiền muộn.” A Kiều đáp vẻ bất an, “Rõ ràng ngày hôm qua vẫn cảm thấy là Mạch nhi còn nhỏ, chớp mắt một cái, con trai đã thành thân rồi. Cứ thế mà tính thì hóa ra thiếp đã già rồi sao?”

Đứa con trai mà mình hết lòng yêu thương đã cưới một cô gái xa lạ nên trong lòng nàng rất không nỡ. Có phải mỗi người mẹ đều từng trải qua tâm trạng như vậy không?

Lưu Triệt cười lớn, vén mái tóc đen dày của A Kiều lên, âu yếm hôn nàng rồi nói: “Dung nhan Kiều Kiều vẫn như xưa, đâu thấy già đi chút nào?” Y nói vậy cũng không phải để an ủi nàng. Tính ra thì Trần A Kiều không còn trẻ nữa nhưng nàng lại già đi rất chậm, dung nhan hiện giờ vẫn hết sức rạng rỡ không hề thua kém thời thiếu nữ.

Ngày hôm sau thì Thái tử phi vừa được gả phải vào cung thỉnh an, Thượng Quan Linh vốn là người khéo ăn ở, không hề để xảy ra sai sót về mặt quy củ lễ nghi. Từ nay về sau, bốn mươi tám điện của cung Vị Ương chính là nhà của cô. Chốn phồn hoa gấm vóc này là niềm khao khát nhưng cũng là mồ chôn tuổi thanh xuân của vô vàn thiếu nữ.

“Từ nay về sau, con phải tự mình sống cho tốt.” Trần A Kiều tươi cười căn dặn.

“Linh nhi biết.” Cô ngoan ngoãn đáp rồi quay sang nhìn phu quân mới cười. Trong khoảnh khắc đối mặt, má cả hai đều đỏ bừng.

Lưu Triệt hạ chỉ cho Thái thương lệnh Triệu Quá phụ trách nông nghiệp trong triều áp dụng những phương pháp nông nghiệp mới trên ruộng thí nghiệm ở vùng lân cận kinh thành. Triệu Quá vốn xem thường Trần nương nương là cành vàng lá ngọc thì không hiểu biết gì về nông nghiệp. Sau khi Trần nương nương xuất cung, giảng giải về hai phép quảng canh và thâm canh thì hắn mới thay đổi quan điểm, vô cùng khâm phục nàng.

“Hạ quan cũng từng trông thấy cảnh dùng súc vật cày ruộng, đúng là tiết kiệm được rất nhiều sức lực nhưng lại không mấy thuận tiện. Hơn nữa, tuy là phép quảng canh, thâm canh rất tốt nhưng nếu sức dân có hạn, không thể nào duy trì được cách làm này thì đúng là phụ ý tốt của nương nương mất rồi.”

“Vì thế nên mới cần thử nghiệm trước ở kinh thành một năm.” Trần A Kiều mỉm cười nói, “Hơn nữa, chỉ cần chế tạo nông cụ thích ứng thì dùng trâu cày sẽ rất tiện lợi.”

Đến cuối tháng Hai bắt đầu vào mùa xuân thì cày đôi kiểu dáng mới và máy gieo hạt đã chế tạo xong. Triệu Quá chọn một vùng đất tại khu vực quanh kinh thành để áp dụng phép quảng canh theo cách của Trần A Kiều, đồng thời dùng trâu bò cày ruộng thật nhuyễn, gieo giống tưới nước, quả nhiên tiết kiệm được rất nhiều sức lực. Thượng Quan Linh theo A Kiều đi xem một lần, như có điều suy nghĩ, hỏi A Kiều: “ Có phải năm trước mẫu thân thấy nông dân ở Lâm Phần cực khổ nên nảy ra ý bảo bệ hạ xúc tiến nông nghiệp phải không?”

“Đúng vậy.” A Kiều nhẹ nhàng đáp. Những chuyện nàng có thể làm được cũng chỉ đến thế. Nếu bảo nàng thực sự xắn tay áo xuống ruộng làm việc là chuyện không thể nào. Khi còn bé nàng đọc sách sử rằng các bậc đế vương coi trọng nông nghiệp cũng từng xuống ruộng làm gương cho thiên hạ, nhưng theo như nàng thấy thì Lưu Triệt không bao giờ làm được điều này.

“Con vốn cho rằng làm phụ nữ chỉ cần hầu hạ phu quân cho tốt là được.” Thượng Quan Linh bất giác thở dài nói, “Hôm nay thấy mẫu thân có thể chia sẻ gánh nặng với bệ hạ mới biết, chí hướng của phụ nữ cũng không chỉ giới hạn trong khuê các mà còn lợi ích khắp thiên hạ. Mẫu thân đại tài, nhi thần bái phục!”

Chớp mắt đã đến tháng Ba, cũng sắp tới thời điểm kết hôn của Tề vương Lưu Cứ. Lưu Cứ dù sao cũng là con nối dòng của bệ hạ, là chư hầu một phương, nên quan lại từ đế đô Trường An cho tới đất Tề đều rục rịch đưa tỷ tỷ của Thái tử Phi, em gái lớn của Thượng Quan Kiệt là Thượng Quan Vân tới đất Tề làm lễ cưới. Đến ngày hai mươi ba tháng Ba, đội ngũ rước giá phải rời Trường An lên đường để kịp đến nơi vào thời hạn kết hôn trong tháng Năm. Ngày hôm đó, thị nữ thiếp thân Trúc Tâm của Thượng Quan Vân từ trong khuê lầu của Thượng Quan Vân hốt hoảng chạy ra tìm Thượng Quan Kiệt, khóc váng lên rồi quỳ sụp xuống bẩm báo: “Thiếu gia, Đại tiểu thư… không thấy đâu nữa.”

Mấy tháng đã qua kể từ khi muội muội gả cho Thái tử điện hạ đương triều mà Thượng Quan Kiệt vẫn chưa hết đắc ý. Tuy hắn cũng hơi lo lắng về chuyện Thượng Quan Vân bị gả cho Tề Vương nhưng xét tạm thời thì cuộc hôn nhân này đối với Thượng Quan gia cũng coi như là dệt hoa trên gấm. Đến cuối cùng, dù cho hoàng tử nào đăng cơ thì hắn cũng là ngoại thích nắm quyền cao nhất, lấn át cả triều đình. Bây giờ lại nghe Trúc Tâm báo như vậy thì bỗng nhiên lạnh toát cả người, giận dữ hỏi, “Ngươi nói gì?”

“Nô tỳ biết Đại tiểu thư vẫn luôn không chịu gả cho Tề Vương điện hạ.” Trúc Tâm khóc lóc kể lể, chuyện đã đến mức này cô còn e ngại gì nữa mà không kể hết ra: “Nhưng nô tỳ lại không thể nào ngờ được là Đại tiểu thư lại có ý đào hôn. Hôm tết Nguyên Tiêu, Đại tiểu thư ngồi lặng trước song cửa sổ cả ngày, một mực khóc ròng, nhưng không cho nô tỳ nói với thiếu gia. Đến bây giờ thì thời gian thành hôn đã tới. Buổi sáng hôm nay, nô tỳ tới hầu tiểu thư rửa mặt, nào ngờ tiểu thư đánh nô tỳ ngất xỉu rồi đổi y phục của nô tỳ trốn ra ngoài. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, nô tỳ có nghe Đại tiểu thư nói là dù chết cũng không chịu gả cho Tề vương, dặn thiếu gia và Thái tử phi điện hạ bảo trọng. Sau đó nô tỳ tỉnh lại thì không thấy tiểu thư đâu nữa nên vội tới bẩm báo cho thiếu gia.”

Thượng Quan Kiệt chết điếng người, vô lực ngã ngồi xuống ghế. Việc không thấy thị vệ canh cửa Vân lâu tới bẩm báo với hắn là Thượng Quan Vân giả dạng thị nữ xuất phủ cho thấy rằng Thượng Quan Vân đã trốn thoát, không cần phải hỏi nữa. Dù sao thì thị vệ cũng chỉ để phòng người ngoài xâm nhập chứ nào ai nghĩ rằng một thiếu nữ sắp trở thành Tề vương phi tôn quý lại muốn chạy trốn chứ? Hân vẫn biết lòng trưởng muội luôn hướng về Thái tử điện hạ nhưng chưa từng nghĩ rằng Thượng Quan Vân lại là một thiếu nữ cương cường, hoặc nói cách khác là đơn thuần đến ngu xuẩn, đến mức dùng phương thức quyết liệt như vậy để cự tuyệt. Hơn nữa cô là một tiểu thư quyền quý mà lưu lạc ở bên ngoài thì sao có thể sống được an toàn?

Chuyện này không thể che giấu nên Thượng Quan Kiệt bảo thê tử vào cung cầu kiến Thái tử phi, bản thân mình thì tới phủ Chiêm sự quỳ xuống nhận tội không dạy được muội muội và xin bị trừng phạt. Thượng Quan Linh biết được chuyện này thì trong lòng cả kinh, tay cầm chén trà run rẩy đánh đổ mất hơn một nửa.

“Ra là vậy.” Cô tự nhủ, “Chẳng lẽ tỷ tỷ cũng yêu Thái tử điện hạ?”

Trong lòng cô vẫn cảm thấy khó hiểu. Cô luôn cho rằng Thượng Quan Vân đối với Lưu Mạch chẳng qua là thiếu nữ hoài xuân gặp thiếu niên anh tuấn nên ôm ấp ảo mộng, nào ngờ vì tình cảm này mà Thượng Quan Vân chịu trả giá nhiều như vậy, vứt bỏ cuộc sống nhung lụa đã quen thuộc từ tấm bé, làm nghịch ý ban hôn của bệ hạ, thậm chí không nề hà cả việc làm liên lụy đến ca ca. Nhưng ngay cả như thế thì cũng có kết quả gì chứ? Không hề nhìn thấy một tia hi vọng nhưng vẫn làm, chứng tỏ tỷ tỷ quyết liệt đến nhường nào.

Bệ hạ biết chuyện này thì nổi giận lôi đình, phạt Thượng Quan Kiệt một trăm trượng, tước tất cả chức vụ. Thượng Quan Linh là Thái tử phi cũng liên lụy, bị quản chế trong điện Bác Vọng.

“Điện hạ”, Thượng Quan Linh sợ mất mật, hỏi Lưu Mạch:”Bệ hạ sẽ xử lý tỷ tỷ như thế nào?”

“Chuyện này sao mà biết được”, Lưu Mạch chau mày nói, “tốt nhất là Thượng Quan Vân đừng để bị tìm thấy.” Nếu không, ngay cả hắn cũng không dám chắc sẽ cứu được Thượng Quan Vân từ trong tay phụ hoàng.

Tất cả mọi người đều cho rằng Thượng Quan Vân quen sống giữa nhung lụa nên chắc sẽ chỉ trốn đi không quá một ngày. Cô lại không hiểu thế sự thì làm sao có thể tránh được sự truy tìm gắt gao của Kỳ Môn quân. Nào ngờ Kỳ Mông quân không ngừng truy tìm trong vòng nửa tháng, lật tung cả thành Trường An nhưng thiếu nữ xinh đẹp đó lại giống như hơi nước biến mất trong không khí. Ba tháng sau, Tề Vương Lưu Cứ cưới một thiếu nữ con nhà thế gia khác làm vợ. Lang trung lệnh Thượng Quan Kiệt nhờ chuyện này mà được phục chức lại, nhưng đó là chuyện của ba năm sau. Cũng từ đó, Thượng Quan Vân trở thành một cái tên bị kiêng kỵ trong thành Trường An. Nhiều năm sau, mọi người mới gặp lại cô, nhưng đó là chuyện còn xa xôi.

Rất lâu sau, những người già trong thành Trường An vẫn còn thổn thức nhắc tới chuyện lập lại Hiếu Vũ Trần hoàng hậu vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu. “Chuyện phế hậu rồi lại lập lại quả thật hiếm thấy trong lịch sử Hoa Hạ.”

Song người phụ nữ là Hiếu Vũ Trần hoàng hậu kia được thế gian xưng là Hiền hậu[1], người phụ nữ tốt như vậy thì cần phải được đối xử tương ứng. Vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu, Hiếu Vũ Trần hoàng hậu được phục vị. Trong suốt hai mươi bốn năm sau đó, Hoàng đế và Hoàng hậu luôn ân ái mặn nồng. Khi triều đại Hán Vũ huy hoàng qua đi, thiên hạ chỉ biết có Hiếu Vũ Trần hoàng hậu mà dần dần quên lãng người phụ nữ họ Vệ cũng đã từng được ca ngợi là truyền thuyết của cung Vị Ương. Người đời chóng quên cũng là lẽ thường.

[1] Hiền hậu: Vị hoàng hậu đức hạnh, tài năng.

Trần hoàng hậu được phục vị nhưng không trở về điện Tiêu Phòng mà ở lại cung Kiến Chương. Nhà Hán truyền ngôi được hơn bốn trăm năm, mấy chục vị hoàng đế đời sau đều tôn điện Trường Môn làm Trung cung. Từ Thượng Quan hoàng hậu trở xuống, Hoàng hậu đời sau nào cũng thích ở điện Trường Môn để nhớ về một đời Hoàng đế và Hoàng hậu ân ái mặn nồng nhưng sống cách nhau cả trăm năm nên cũng chẳng thể biết rõ về tâm tình thật sự của đôi vợ chồng luôn gắn bó với nhau như hình với bóng đó.

Cuối tháng Bảy năm Nguyên Đỉnh thứ sáu thì Lưu Triệt về ở hẳn trong cung Kiến Chương. Mùa thu vừa chớm, một ngày y vô tình bị cảm lạnh. Y xưa nay vẫn khỏe mạnh nên tuy uống mấy thang thuốc để chiều ý A Kiều nhưng bản thân lại không mấy để tâm, song qua mấy ngày vẫn không thấy đỡ. Một hôm, y đang xử lý công việc trong điện Tuyên Thất thì nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng nhưng khẩn trương ở bên ngoài. Trung thư lệnh Chu Kiệt mặt mày tái nhợt đi vào quỳ bẩm, “Bệ hạ, Tây Khương phản rồi!”

Lưu Triệt nhíu mày, gấp mạnh bản tấu chương trong tay, đứng phắt dậy, nghiến răng, cười lạnh nói, “Bọn chúng thật to gan!” Y đang muốn nói tiếp thì lửa giận bốc lên ngùn ngụt, trước mắt tối sầm, cả người đổ vật xuống. Ngự tiền tổng quản Dương Đắc Ý ở một bên thấy thế thì sắc mặt trong phút chốc còn trắng hơn cả giấy, xộc tới nâng dậy, hét lên the thé: “Bệ hạ!”

Chu Kiệt ngớ người ra một lát mới khôi phục thần trí, hét vang “Mau tuyên ngự y!” Cung nhân trong điện bấy giờ mới tỉnh ra, hoảng loạn chạy đi.

Sắc mặt Chu Kiệt trắng bệch. Phải biết rằng tuy Tây Khương làm phản nhưng bọn họ ở biên thùy xa xôi, chẳng qua chỉ là họa nhỏ. Lưu Triệt lại đang là trụ cột của Đại Hán, nếu nằm xuống thì Đại Hán tất yếu sẽ dậy sóng. Từ sau năm Tuyên Quang, Hoàng đế trong điện Tuyên Thất dần dần bộc lộ tài năng, phong cách hành xử luôn sát phạt khốc liệt, quyết đoán tàn ác. Trong lòng mọi người, hình tượng của y cao vời không thể xâm phạm, dù là thần tử hay cung nhân của y đều chưa bao giờ nghĩ tới bệ hạ của họ sẽ có ngày đột nhiên ngã xuống. Song Lưu Triệt đích xác là đã bị bệnh, hơn nữa bệnh tình còn vô cùng trầm trọng. Y ho đến khàn giọng, không thể xử lý công việc nhưng trong lúc ngự y trị liệu vẫn lạnh giọng ra lệnh, “Chỉnh đốn ba quân, mau sớm đạp bằng Tây Khương.”

“Bệ hạ”, trên trán ngự y toát mồ hôi, khom người bẩm, “Bệ hạ bị cảm lạnh lúc trước còn chưa khỏi, lúc này lại lửa giận công tâm nên mới đột nhiên choáng váng.”

“Trẫm không muốn nghe điều này”, Lưu Triết cười lạnh nói, “Ngươi cứ nói thẳng cho trẫm biết bao lâu mới khỏi?”

“Điều này”, ngự y không khỏi chần chừ, trên thực tế, Lưu Triệt lúc còn nhỏ đã tập qua cưỡi ngựa bắn cung, đấu kiếm, sau khi trưởng thành lại thích săn bắn nên cơ thể cường tráng, trước đây rất ít bị bệnh. Nhưng chính vì thế một khi phát bệnh sẽ rất nặng.

“Cũng phải điều dưỡng một thời gian.” Ngự y nói ngắn gọn.

Lưu Triệt nhướng đôi mày lưỡi mác, đang định nổi giận thì vừa lúc Dương Đắc Ý khom người ngoài mành bẩm, “Bệ hạ, Trần nương nương đến.”

Y sững lại, hạ giọng nói với ngự y: “Ngươi lui xuống trước đi.” Ngự y ngầm thở phào, có cảm giác vừa sống sót dạo qua một vòng trước Quỷ Môn quan. Lão vừa quay ra thì đúng lúc Trần nương nương đang vén rèm vào điện.

“Triệt nhi.” A Kiều trông thấy Lưu Triệt mặt xám ngoét nằm trên giường thì không khỏi nhíu mày lo lắng thốt lên. Nàng đưa tay ra định bắt mạch thì nghe thấy tiếng Lưu Triệt mỉm cười trấn an, nói: “Không có chuyện gì đâu.” Y vừa nói xong lại cong người ho sù sụ.

“Mạch mấy ngày trước còn tốt.” Nàng chậm rãi nói. Hôm nay, mạch của y đập yếu mà nhanh, cũng may chứng bệnh rõ ràng, gốc bệnh không sâu.

“Ta kê đơn thuốc này cho bệ hạ.” Nàng thu tay lại, không tin vào mấy ngự y mà lấy giấy bút viết ra phương thuốc.

“Thuốc này…”, ngự y nhìn phương thuốc, chần chừ nói, “có quá mạnh không?”

“Đúng vậy.” Trần A Kiều gật đầu nói: “Thuốc mạnh để trị bệnh, điều dưỡng bằng thức ăn.”

“Bệ hạ?” Nàng hỏi ý Lưu Triệt.

Lưu Triệt gật đầu, nói: “Trẫm tin Kiều Kiều.”

Bệ hạ cũng đã nói vậy thì người của Ngự y thự không còn dị nghị gì nữa. Chén thuốc sắc xong được bưng lên có màu nâu đen, mùi vị đắng ngắt. Lưu Triệt khẽ nhíu mày uống một hơi cạn sạch và chiêu một ngụm nước sạch xúc miệng rồi bảo, “Đưa trà lên.”

Dương Đắc Ý khom người vâng dạ, đang định truyền lệnh xuống tiếp thì thấy Trần A Kiều lắc đầu, nói: “Không được, trà giải dược tính, không thể uống.” Hắn quay sang nhìn Lưu Triệt vẻ dò hỏi.

“Thôi bỏ đi.” Lưu Triệt khẽ mỉm cười, “Dù sao, nói về trà đạo thì có ai tinh thông hơn Kiều Kiều của trẫm chứ?” Y ho khan vài tiếng, nhìn Trần A Kiều, cười ý vị, “Bao nhiêu năm qua trẫm đã thành thói quen uống trà do Kiều Kiều sao, một ngày không uống thì cảm thấy trong người rất khó chịu.”

Nàng nhấm nháp ý tứ trong lời nói của y, duyên dáng cười, nói: “Có thể nói đó là vinh hạnh của thiếp được không?”

Hoàng đế bệnh nằm trên giường, những hoàng tử công chúa còn ở trong cung đều tới thăm. Sau đó Lưu Triệt về nghỉ ở điện Trường Môn. Cũng không biết vì địa long trong điện Trường Môn ấm áp hay vì dược tính mạnh mẽ mà y cảm thấy mình thiếp đi, người nóng hầm hập. Y trằn trọc đến nửa đêm thì toàn thân toát mồ hôi, mãi tận gần sáng mới ngủ say. Theo thói quen nhiều năm, lúc y tỉnh dậy thì sắc trời vẫn còn rất sớm, nhưng giai nhân đã không còn bên cạnh. Từ hồi A Kiều quay về Trường Môn vào năm Nguyên Sóc thứ sáu thì y đã biết nàng không quen dậy sớm, sau khi nàng bị thương vào năm Nguyên Thú nguyên niên lại càng như vậy. Song vào ngày hôm nay, nàng lại dậy sớm hơn y. Cung nhân hầu y rửa mặt xong liền mang cháo loãng vào cho y.

“Người vừa khỏi bệnh cần ăn những món ăn thanh đạm.” A Kiều vén rèm đi vào, mỉm cười nói.

Y niếm thử một miếng thấy mùi vị cực ngon thì chợt động tâm, cười hỏi, “Kiều Kiều tự mình nấu phải không?”

Nàng ngạc nhiên, hỏi lại: “Sao bệ hạ lại suy nghĩ như vậy?”

Lưu Triệt khẽ ho vài tiếng, đưa tay vuốt mấy sợi tóc xõa ra thái dương của nàng, âu yếm nói, “Má nàng bị vương khói dầu rồi.”

Khuôn mặt A Kiều thoáng ửng đỏ, ngượng ngùng quay đi không đáp, lại nói, “Hạt ý dĩ tính ôn, nhân hạt thông cũng rất tốt cho cơ thể. Bệ hạ ăn vào một lần sẽ thấy.” Dù như thế nào thì nàng vẫn luôn mong y không xảy ra việc gì. Lưu Triệt cúi đầu cười mấy tiếng, mặc dù thân thể vẫn còn mệt mỏi nhưng tâm trạng đã khá hơn.

Dùng thuốc vào thì quả nhiên đỡ hơn nhưng bệnh vẫn còn dây dưa nên cần phải điều dưỡng dần dần. Một hôm, Lưu Triệt nhìn Trần A Kiều như có điều suy nghĩ, bỗng nhiên nói, “Kiều Kiều, trẫm cho nàng phục vị làm hoàng hậu nhé. Được không?”

Trần A Kiều sửng sốt, nhìn thẳng vào mắt y mà kinh ngạc hỏi, “Sao đột nhiên lại đề cập tới chuyện này?”

Những năm qua, dù nàng chưa từng tiếp nhận bất kỳ danh hiệu hay phong hào nào nhưng ở tại hai cung Kiến Chương, Vị Ương cũng coi như tương đương với hoàng hậu. Hiện giờ thế sự ổn định, nàng lại không có yêu cầu thì không có lý do gì để y chủ động nhắc tới chuyện phục vị hoàng hậu? Dù sao, một khi phục vị hoàng hậu sẽ coi như thừa nhận với thiên hạ rằng việc phế hậu năm xưa là sai. Trần gia ở sau nàng lại một lần nữa có cơ hội phát triển.

Lưu Triệt hơi lúng túng, quay đầu đi, chậm rãi nói, “Hôm đó, lúc ngã xuống ở điện Tuyên Thất, trẫm đã suy nghĩ xem nếu cuộc đời trẫm kết thúc như vậy thì chuyện gì muốn làm mà chưa kịp?”

“Trẫm còn trên đời một ngày thì còn có thể sủng ái nàng, khi trẫm mất đi thì Mạch nhi kế vị cũng có thể tôn nàng làm Thái hậu, nhưng khi nàng trăm tuổi mà chôn cùng trẫm ở Mậu Lăng thì dù gì vẫn không được danh chính ngôn thuận. Kiều Kiều đã bị phế thì không thể nào cùng trẫm vào thái miếu tổ tông được. Khi cô cô dặn dò trước lúc qua đời, trẫm có ý nghĩ này nhưng vẫn e ngại thế cục Trường An nên muốn kéo dài thêm một thời gian. Tuy thế, việc này có thể kéo dài tới bao lâu chứ? Cuối cùng cũng phải đối mặt mà thôi. Nếu khi còn sống có thể được Kiều Kiều bầu bạn bên cạnh thì trẫm không muốn sau khi mất lại phải cô đơn ở dưới lòng đất một mình. Nếu trẫm đột nhiên mất đi thì đó chính là điều tiếc nuối.”

A Kiều kinh ngạc nghe xong, bỗng nhiên cúi đầu mắng một câu, “Ngu ngốc!” Giọng nàng khẽ đến nỗi ngay cả bản thân nàng cũng không nghe rõ, mắng xong, nàng cúi đầu, nước mắt chầm chậm lăn xuống.

Vào năm Nguyên Quang thứ năm đó, người này đã nói với nàng rằng y không cần nàng, quyết ý muốn phế bỏ nàng. Y để nàng ở sau lưng buồn bã gọi tên mình, gọi đến nhòa lệ không thấy bóng lưng của y nhưng vẫn không quay đầu lại. Khi đó, nàng thật sự cảm thấy dù cuộc đời có phồn hoa thế nào chăng nữa thì đối với nàng cũng chỉ là trống rỗng. Nàng đã thất bại tức tưởi trước vận mệnh vì người thương yêu nhất đã cho nàng một nhát đao trí mạng. Cho nên với cuộc ám sát ở cung Trường Môn thì dường như nàng còn mong nó xảy ra. Nếu nàng chết vào lúc ấy, Triệt nhi của nàng hay biết thì có thương tâm một chút nào không? Nàng thật sự không dám nghĩ tới đáp án. Khi đó, nàng oán hận nghĩ rằng một ngày nào đó người sẽ hối hận vì không biết mình đã đánh mất thứ gì. Bởi vì, trên cõi đời này không còn người con gái nào có thể yêu người hơn nàng. Năm tháng như thoi đưa, chớp mắt một cái đã hai mươi năm. Sau hai mươi năm, y nói với nàng, “Kiều Kiều, trẫm cho nàng phục vị làm hoàng hậu nhé. Được không?” Câu nói đó coi như là một loại biến tướng của hối hận sao? Nhưng ngay cả khi y hối hận thì nàng cũng đã không thể yêu thương y như trước được nữa rồi. Còn nàng nói “Ngu ngốc”, rốt cuộc là mắng y hay là mắng chính nàng?

Lưu Triệt nhìn nàng rơi lệ, cặp mắt đen sâu thẳm cũng mờ đi, cuối cùng nói, “Thật xin lỗi.” Giọng y cũng khẽ đến nỗi nay cả bản thân y cũng không nghe thấy.

Tháng Chín năm Nguyên Đỉnh thứ sáu là lúc mùa lúa mì trồng thí nghiệm lần đầu tiên ở vùng gần kinh thành chín. Hiếu Vũ hoàng đế chiêu cáo thiên hạ, Hoàng hậu Trần A Kiều năm xưa có tài có đức nhưng bị bãi truất do kẻ gian mưu hại, nay khôi phục lại ở Trung cung làm mẫu nghi thiên hạ.

Vận mệnh luôn luôn có những khúc ngoặt mà con người không thể tưởng tượng nổi. Lúc xưa Quận chúa Đường Ấp Trần gia danh chấn kinh thành, có ai ngờ một thiếu nữ xinh đẹp như phượng hoàng lại thua trong tay một ca cơ hèn mọn. Còn khi thế gian truyền xướng ca dao “Sinh nam không mừng, sinh nữ không giận, một thân một mình, Vệ Tử Phu hơn cả thiên hạ”, Thì lại không ai ngờ rằng người phụ nữ cuối cùng khiến cho Hiếu Vũ hoàng đế nhớ nhung lại là biểu tỷ A Kiều thuở ban đầu của y?

Năm sau, Hoàng đế hạ lệnh cho đào sáu con kênh, đồng thời ban bố phương pháp quảng canh, thâm canh cho toàn thiên hạ. Vào lúc nông dân vùng Quan Trung sử dụng súc vật cày ruộng, tất cả mọi người đều khen, “Hoàng hậu nương nương thật là một hoàng hậu hiền minh.”

Năm tháng dần xóa nhòa quãng thời gian hai mươi năm giữa hai lần Trần A Kiều làm hoàng hậu. Sau triều Hán Vũ, Thiên hạ coi điện Trường Môn ở cung Kiến Chương là Trung cung, điện Tiêu Phòng ngược lại không được nhắc đến. Sau này khi Tư Mã Thiên viết Sử ký, danh từ Hiếu Vũ hoàng hậu nếu không phải đặc biệt thì chính là chỉ Trần hoàng hậu. Người trong thiên hạ, ngoại trừ bốn con gái mà Vệ hoàng hậu lưu lại ở nhân gian, còn lại dần quên lãng người phụ nữ từng một bước lên trời này.