Kim Ngọc Kỳ Ngoại

Chương 97: Vết Thương Cũ




Biên tập: Ginny.

Thấy An Thị đau lòng như vậy, Diệp Trọng Cẩm cũng rất khó chịu, nhưng có những chuyện, nói ra sớm một ngày, tổn thương sẽ giảm bớt một phần.

Về lại tướng phủ, Diệp Trọng Huy đã chờ trước cổng, thấy mẫu thân và đệ đệ hôm nay xuống xe đều trầm mặc không nói không rằng, đôi mày thoáng chau lại.

Hắn xưa nay là người thẳng tính, bèn trực tiếp hỏi: “Hôm nay ở Nhị Sơn đã xảy ra chuyện gì?”

An Thị miễn cưỡng nở nụ cười với con, song vẫn không cách gì che đi mệt mỏi, qua loa đáp lại: “Đường núi xốc nảy khó đi, mẫu thân chịu không nổi, nghỉ ngơi một chút là ổn thôi.”

Nói xong, không quên vỗ nhẹ lên mu bàn tay Diệp Trọng Cẩm rồi để tỳ nữ đỡ mình về viện tử.

Diệp Trọng Cẩm nhìn theo bóng lưng An Thị, gương mặt bất giác lộ ra thần sắc lo âu.

Về tới Phúc Ninh Viện, Diệp Trọng Huy cho hạ nhân lui xuống, đứng chắn trước mặt Diệp Trọng Cẩm. Diệp Trọng Cẩm vẫn mãi ngẩn ngơ, chưa nhận ra trước mặt mình có người đang đứng, cứ thế đâm sầm vào ngực Diệp Trọng Huy.

Y bối rối xoa xoa trán mình, vừa nói: “Xin lỗi ca ca, có làm huynh bị thương không?”

Đôi mày của Diệp Trọng Huy càng chau chặt. Người này là đệ đệ mà hắn biết sao, A Cẩm mà hắn biết dù đụng trúng người khác cũng sẽ bày ra khí thế hùng hồn, oán giận ngược lại ngực người ta không đủ mềm mại, làm đau thân thể ngọc ngà quen được chiều chuộng của mình, sao có thể xin lỗi người khác như vậy.

Hắn giơ tay xoa nắn hai má thiếu niên: “Bơ phờ không chút tinh thần, A Cẩm cũng bị đường xá làm cho mệt mỏi à?”

Nếu là những lúc bình thường, bị Diệp Trọng Huy nhéo mặt, Diệp Trọng Cẩm nhất định sẽ đùng đùng nổi giận, nhưng hiện tại y chẳng lấy đâu ra sức để mà nổi giận.

Y buông mắt, nhỏ giọng đáp: “Thật ra hôm nay A Cẩm đã chọc cho mẫu thân khó chịu, A Cẩm chống đối mẫu thân, nói mấy câu bất chấp lý lẽ, mẫu thân không vui.”

Diệp Trọng Huy ôm y vào lòng, nhẹ giọng trấn an y: “Mẫu thân thương A Cẩm nhất, A Cẩm dỗ ngọt mẫu thân vài câu, mẫu thân sẽ bỏ qua thôi.”

“Vô dụng thôi.” Diệp Trọng Cẩm nhếch môi, ủ rũ nói: “Lần này không giống trước đây.”

Y vẫn luôn biết trong lòng An Thị có một vết sẹo, là nỗi áy náy với ấu tử năm xưa, bấy lâu nay An Thị vẫn luôn tự trách, đắm chìm trong cảm giác tội lỗi sâu nặng. Cũng vì vậy mà từ nhỏ dù y có ghét có hận chén thuốc mỗi ngày phải uống cỡ nào, một khi có An Thị ở bên, y đều ngoan ngoãn uống hết, chẳng dùng dằng lấy một câu, bởi vì y biết, chỉ cần y lộ ra một chút đau khổ hay chống cự nào, thì đó sẽ chất chồng thêm lên vết thương trong lòng người mẹ thương con ấy.

Vậy mà, giờ đây, vết thương cũ đã liền sẹo ấy lại bị y đâm cho rách ra, máu me đầm đìa. Là lỗi của y.

Diệp Trọng Huy vỗ lưng y: “Tuy không biết giữa mẫu thân và A Cẩm có hiểu lầm gì, nhưng ca ca tin chắc một điều, người mà mẫu thân để ý nhất là A Cẩm, nếu A Cẩm lo lắng cho mẫu thân như vậy, sao không gửi gắm phần tâm ý này của A Cẩm cho mẫu thân biết, dù không phải vì mình, thì vì A Cẩm, mẫu thân sẽ phấn chấn lại mau thôi.”

Diệp Trọng Cẩm ủ trong ngực hắn, trầm mặc thật lâu.

“A Cẩm sợ?”

“Ca ca, A Cẩm là vết thương cũ của mẫu thân, A Cẩm xuất hiện trước mặt mẫu thân chỉ càng khiến mẫu thân khó chịu.”

Thiếu niên buồn bã nhếch lên khóe môi, cơn gió nhẹ từ đâu lướt qua, mang theo vài chiếc lá trúc xanh biếc rơi xuống mái tóc và y phục trên người.

Diệp Trọng Huy sững lại.

Một lúc lâu, buông tiếng thở dài: “Là vết thương thì cũng là một bộ phận không thể tách khỏi cơ thể, nếu một hai cưỡng chế khoét ra, chỉ càng khiến cho máu chảy không ngừng, thậm chí có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Đã là vết thương thì đụng vào chắc chắn sẽ đau, nhưng nếu không kịp thời xử lý, ngày dài tháng rộng, không phải sẽ ngày càng nặng hơn ư. Giữa đau dài và đau ngắn, A Cẩm cảm thấy bên nào tốt hơn?”

Diệp Trọng Cẩm trầm mặt một lúc, nhỏ giọng đáp: “Những gì ca ca nói, A Cẩm đều hiểu.”

Gương mặt thanh lãnh của Diệp Trọng Huy ngập giữa ôn nhu, nhấc tay gạt đi chiếc lá trúc đang đậu trên tóc đệ đệ mình.

A Cẩm với hắn mà nói, cũng là một vết thương đau nhức triền miên, nhưng cái cảm giác đau âm ỷ mà vết thương để lại đó cũng là một niềm hạnh phúc.

Sầu lo vì đệ ấy, phiền não vì đệ ấy, nóng ruột nóng gan cũng vì đệ ấy, nếu mất đi những thứ ràng buộc này, thiếu đi những cung bậc tình cảm này, linh hồn của Diệp Hằng Chi sẽ trở nên khiếm khuyết, chỉ còn là một túi da bọc máu lạnh, băng lãnh thấu xương, khác gì hàn thạch?

Hắn ôm thiếu niên vào lòng, thì thầm rất khẽ: “A Cẩm, với ca ca mà nói, A Cẩm là món quà mà ông trời ban cho ca ca.”

Diệp Trọng Cẩm mở to hai mắt, nghe được những lời ấy, tâm tình y bỗng chốc thông thoáng hơn nhiều, y nói: “Có thể sinh ra ở Diệp gia, gặp được ca ca, gặp được phụ mẫu, gặp được ông nội, với A Cẩm mà nói, là phúc khí kiếp mà trước tu được.”

Nói xong mấy lời tâm tình ấy, Diệp Trọng Cẩm cũng hơi ngượng nghịu, đẩy Diệp Trọng Huy ra, xoay người chạy khỏi rừng trúc.

Bẵng qua mấy hôm sau, tâm tình của An Thị vẫn chưa hồi phục, gọi theo mấy nha hoàn đi dạo quanh viện để giải sầu.

Trên khoảng không mé ngoài tường viện bỗng đâu xuất hiện một con diều, con diều này được gấp từ tranh vẽ, là một đứa bé tròn ủm mặc một cái yếm đỏ, bé con rất đẹp, môi hồng răng trắng, trắng trắng mềm mềm, nếu không phải còn có một sợi dây nhỏ điều khiển đường bay, suýt chút nàng đã cho rằng đó là một tiên đồng thật sự.

An Thị đặt chén trà xuống bàn, đứng dậy trông lên, nét vẽ đó, là từ tay A Cẩm của nàng.

Trong nhà bọn họ, người giỏi thơ văn đâu đâu cũng có, thứ duy nhất nàng dạy được cho con là vẽ tranh, kỹ năng vẽ của hai đứa con trong nhà đều do nàng truyền thụ, từ lâu đã thành trò giỏi hơn thầy.

Con trai lớn thích cách vẽ truyền thần, con trai nhỏ thiên về tả thực, đều là nhất tuyệt.

Vài thị tỳ đi theo nhỏ giọng xôn xao: “Đứa trẻ trên con diều kia là tiên đồng chăng? Trên đời làm gì có đứa bé nào linh khí ngập tràn như vậy.”

Một ma ma hơi lớn tuổi trong đám người bật cười: “Sao lại không, tiểu công tử nhà chúng ta khi còn bé y hệt như vậy đấy, à không, so với nét vẽ trên kia còn ưa nhìn hơn nhiều, nhớ có một năm, ngay trong Trung Thu Yến, tiểu công tử được đích thân tiên hoàng ôm đặt vào lòng mà hết lời khen ngợi, đến cả bệ hạ năm đó vẫn còn là thái tử cũng yêu thích không thôi, cứ bế cả đêm không nỡ rời tay.”

Ma ma nói mấy câu đầu An Thị còn mỉm cười, đến khi nghe được hai chữ “thái tử”, sắc mặt đột nhiên biến đổi.

Người bên cạnh trộm quan sát nàng, thấy nàng không vui, lập tức thức thời im lặng.

Lúc này bên kia bức tường lại xuất hiện thêm một con diều, không phải là một đứa bé tròn mũm nữa, mà là một nữ tử rất đẹp, tóc búi dao đài, tay cầm một cây quạt tròn vẽ tranh sơn thủy, nàng mặc áo Tỳ Bà Khâm, chân mang hài thêu phượng văn, gương mặt dịu dàng ấm áp, ngỡ như phi tử thần tiên.

Một nha hoàn tinh mắt thốt lên: “Đây… đây là phu nhân nhà chúng ta.”

An Thị nhìn con diều trên cao, cõi lòng càng rối ren phức tạp.

Mà trên cao, con diều trẻ con tà tà bay theo con diều nữ tử, đứa bé dang rộng hai cánh tay tròn như củ sen, hai má ngọc bạch rạng rỡ nét cười, giống như đang khẩn cầu mẫu thân ôm lấy mình vậy.

Một màn này không hiểu sao lại khiến cho lòng người bỗng dưng mềm nhũn, những người vây xem như mất đi tiếng nói, chỉ thấy tim mình đang hóa dần thành nước.

Diệp Nham Bách bước vào trong viện, ngước mắt nhìn hai con diều trên cao, mặt cũng nghệch ra, sau đó khóe môi chậm rãi câu lên, lặng lẽ quay lưng rời bước.

An Thị nhìn chằm chằm khoảng không trên cao, chỉ chốc lát nữa thôi đứa bé kia sẽ tới được vòng tay của mẫu thân mình, mọi người không hẹn cùng nín thở chờ đợi, con diều lớn vậy mà thình lình bị thu dây lại, biến mất khỏi tầm mắt mọi người.

Bầu trời bên trên chỉ còn lại mỗi đứa bé, hai tay vẫn dang rộng, lênh đênh giữa mênh mông, không biết đi đâu, cũng chẳng rõ sẽ về đâu, phiêu bạc không nơi nương tựa.

Khoảnh khắc ấy không biết đã làm tan nát bao nhiêu trái tim người.

An Thị càng đau lòng hơn, mắt cũng đỏ mất rồi, thấp giọng nỉ non: “A Cẩm, A Cẩm của mẹ.”

Nàng bước nhanh ra ngoài viện tử, vòng qua bức tường, đi đến một mảnh đất trống, thiếu niên bên kia trong tay còn ôm một con diều, đang cúi đầu ngẩn người.

“A Cẩm…”

Diệp Trọng Cẩm ngẩng đầu nhìn sang, dè dặt gọi: “Mẫu thân.”

An Thị bước tới bên cạnh y, vuốt ve gò má y, nhẹ nhàng hỏi: “Sao lại thu dây?”

Diệp Trọng Cẩm nhấp môi, nhỏ giọng đáp: “Mẫu tử con diều còn có thể đoàn tụ với nhau, nhưng A Cẩm lại không thể cùng mẫu thân hòa hảo, lòng A Cẩm đố kỵ, nên mới thu dây.”

Khóe môi An Thị cong lên, khóe mắt lại tràn ra dòng lệ, vươn tay ôm con mình vào lòng.

“A Cẩm, A Cẩm của mẫu thân, là mẫu thân không biết phải đối mặt với con thế nào, ngẩng đầu ba thước có thần minh, chuyện mẫu thân làm không cách gì vãn hồi lại được, những chuyện sai trái ấy trời xanh đều nhìn thấu, mẫu thân không sợ Thần Phật trách tội, cũng không sợ nhân quả sẽ đến với mình, mẫu thân chỉ sợ sau này khi A Cẩm biết được chân tướng sẽ oán trách mẫu thân.”

Diệp Trọng Cẩm vỗ nhẹ lưng An Thị: “A Cẩm chỉ biết, không có mẫu thân thì sẽ không bao giờ có A Cẩm, mẫu thân từng nói, mẫu thân vĩnh viễn sẽ không giận A Cẩm, như vậy A Cẩm cũng sẽ vĩnh viễn không giận mẫu thân, đây là hứa hẹn của A Cẩm với mẫu thân, nam tử hán đại trượng phu, nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.”

Nghe con trai nói vậy, An Thị cuối cùng mới an lòng hơn một ít.

Trân Vị Lâu.

Trong một nhã gian, Diệp Trọng Huy rót cho mình một chung rượu, nâng chung nhấp một ngụm, tán thưởng một câu: “Lê Hoa Bạch này mùi vị không tệ.”

La Diễn cười nói: “Hằng Chi thích là tốt rồi.”

Diệp Trọng Huy đặt chung rượu xuống, mắt cũng không buồn nhấc: “Bãi triều chưa kịp thay quan phục đã bị ngươi kéo tới đây, rốt cuộc là có chuyện quan trọng gì?”

Mi tâm của La Diễn hiện lên một loại cảm giác nhìn như vô cùng chật vật, vô cùng rối rắm và hỗn loạn, ngửa đầu uống cạn một chung rồi ảm đạm cất lời: “Mẫu thân ta nhờ Thành vương phi làm mối, sang nhà Liễu đại nhân đề hôn sự.”

“Liễu đại nhân? Là vị Thông Chính Sử kia?”

La Diễn gật đầu, đoạn, ngước đôi mắt đen thẳm nhìn thẳng vào nam tử đối diện: “Đúng vậy, là ái nữ của vị Liễu đại nhân này.”

Diệp Trọng Huy nói: “Công trạng của Liễu đại nhân nổi trội hơn người, chứng tỏ là một người có bản lĩnh, nữ nhi của ông ấy hẳn cũng là một cô nương thông minh hiểu chuyện.”

“Đương nhiên là thông tuệ rồi, nghe mẫu thân kể, Liễu tiểu thư là người đứng đầu hội thi văn trong buổi tiệc thưởng hoa của Thành vương phi, không chỉ xinh đẹp, cầm kỳ thi họa thứ gì cũng thông, nữ công trù nghệ không gì không biết, hoàn mỹ đến nỗi không tìm đâu ra một điểm để chê.”

“Nói như thế, đây đúng là một mối lương phối.”

La Diễn nặng nề lặp lại: “Lương phối?”

Sau đó bỗng cười khẽ một tiếng rồi liên tục tự trút cạn mấy chung, Diệp Trọng Huy đè lại tay đang cầm bình rượu của La Diễn: “Cái kiểu uống này của ngươi, chẳng mấy chốc sẽ say.”

La Diễn trầm mặc nhìn bàn tay đang đặt trên tay mình, ngón tay cân xứng, trông như ngọc thạch được mài dũa mà thành, đẹp không lời nào tả được.

Ma xui quỷ khiến, hắn trở tay cầm lấy bàn tay mà ngay cả trong mộng cũng không dám chạm vào ấy, cúi đầu muốn hôn xuống, lại bị người nọ giữ lại hàm dưới, nhíu mày đẩy ra: “Làm gì?”

Gương mặt La Diễn xuất hiện thần sắc rất lạ, nắm tay siết chặt: “Hằng Chi, ngươi hẳn cũng biết, ta không muốn cưới La tiểu thư nào cả, ta… lòng ta vẫn luôn duyệt ngươi.”

Diệp Trọng Huy chớp mắt nhìn hắn, không chút phản ứng.

La Diễn lại nói: “Năm ấy, cũng là một ngày sơ hạ như thế này, ta thay đại ca đến quý phủ hỏi thăm chuyện hôn sự của đường tỷ ngươi, ngươi đá ta xuống hồ sen trong phủ, đó là lần đầu tiên ta thấy ngươi cười, trước kia đúng là vì ngươi là con trai trưởng của Diệp tướng, ta mới mặt dày mày dạn muốn kết giao với ngươi, nhưng kể từ ngày hôm ấy, ta cứ như bị ma ám, thời thời khắc khắc muốn nhìn thấy ngươi, khi ngươi vui, ta vui hơn ngươi gấp trăm lần, ngươi không vui, ta khó chịu hơn ngươi gấp ngàn gấp vạn.”

Hắn si ngốc nhìn Diệp Trọng Huy, lẩm bẩm: “Diệp Hằng Chi, ba chữ này, tựa như khắc sâu vào máu thịt của ta, làm sao cũng không thể moi ra được.”

Diệp Trọng Huy chậm rãi nâng chung rượu lên uống cạn, lạnh nhạt nói: “Ta chỉ xem ngươi là bạn.”

La Diễn mỉm cười tự giễu: “Đương nhiên, trong mắt ngươi chỉ có người đệ đệ kia của ngươi, chưa từng có ta, ta biết rõ điểm này mà. Chỉ là… chỉ là ta không cam lòng mà thôi.”

“Trên đời này, người ái mộ Hằng Chi công tử rất nhiều, ta chỉ muốn cho ngươi biết, có một người tên là La Hành Diểu đã từng lặng lẽ thích ngươi ròng rã tám năm, ai ai cũng nói ta phong lưu, nhưng tình của ta toàn bộ đều đã trao cho ngươi rồi, chẳng còn sót lại một mẩu nhỏ nhoi nào để mà phân cho kẻ khác.”

Diệp Trọng Huy đứng dậy, bước tới bên cửa sổ, đẩy ra cánh cửa gỗ hoàng hoa lê, mấy chú chim tước đậu ở đầu cành vắt bên khung cửa líu ríu kêu vang, ầm ĩ đến độ khiến lòng người phiền muộn.

“Ta và ngươi vốn không phải là người đi chung một đường.”

La Diễn ở sau truy vấn: “Như vậy, đường của ta là đường nào, mà đường của Hằng Chi, lại là đường nào? Là ai, ai mới có thể cùng ngươi đi chung trên một con đường?”

“Đường của ta là đường nào sau này ngươi sẽ biết, nhưng ngươi, La Hành Diểu, người ngươi yêu không phải là ai khác, ngươi chỉ yêu chính bản thân ngươi. So với chân tình, quyền thế và địa vị với ngươi quan trọng hơn nhiều. Năm đó ngươi thay đại ca mình đến cầu hôn đường tỷ ta, những gì ngươi nói ngày hôm ấy, ngươi còn nhớ không?”

La Diễn hơi biến sắc: “Khi đó còn quá trẻ, chưa thấu được chân tình…”

“Cứ cho là khi đó ngươi chưa thấu được chân tình, mấy năm nay ngươi có rất nhiều cơ hội cho ta nhìn thấy tâm ý của ngươi, nhưng ngươi chưa từng nói, thứ nhất, ngươi không nắm được tâm tư của ta, thứ hai, ngươi không dám. Tình cảm giữa nam tử với nhau suy cho cùng vẫn bị người đời xem là vi phạm nhân luân, ngươi sợ bị lên án, sợ sẽ viết thành giai thoại bị hậu thế chê cười, cho nên ngươi co đầu rụt cổ, không dám nói, không dám nhận. Ngươi chậm chạp kéo dài là vì muốn đợi đến ngày hôm nay, phận làm con không nghe theo lệnh của phụ mẫu là bất hiếu, có mẫu thân ngươi đứng ra gánh tiếng bức hôn làm bè cho ngươi, ngươi rốt cuộc đã tìm được lối thoát trong vũng bùn vây ngươi ngần ấy năm rồi.”

Sắc mặt La Diễn càng lúc càng khó coi: “Thì ra ngươi luôn nghĩ như vậy.”

Diệp Trọng Huy khép lại cửa sổ, ngăn lại tiếng ồn huyên náo bên ngoài, từ tốn nói: “Mỗi người một chí, ai cũng có chí riêng, có người trọng tình, có người trọng lợi, không thể khẳng định bên nào đúng bên nào sai. La huynh, rượu hôm nay, chỉ uống đến đây thôi.”

Diệp Trọng Huy vừa định mở cửa, tiếng La Diễn ở sau đã vọng theo: “Ngươi nói không sai, đúng là ta không dám. Nhưng những năm này, chỉ cần ngươi cho ta thấy mình có một chút hy vọng, dù chỉ một chút nhỏ thôi, ta không có gì là không dám.”

“Diệp Hằng Chi, ngươi có tin không, hôm nay chỉ cần ngươi nói với ta một câu, “Đừng thành thân”, dù bệ hạ đích thân tứ hôn, ta cũng dám kháng chỉ bất tuân, cái gì danh lợi, cái gì mà quyền thế, ta chỉ muốn…”

Sắc mặt Diệp Trọng Huy vẫn chẳng mảy may thay đổi, lạnh nhạt ngắt lời La Diễn: “Ngươi say rồi.”

Nói xong, không chút do dự bước ra khỏi sương phòng.

La Diễn nhìn theo bóng lưng người nọ, dáng người như ngọc, tự ngọc trúc lâm lang, hệt như năm ấy làm hắn si mê không dứt.

Qua hồi lâu, hắn như nổi điên gạt đổ hết bàn rượu và thức ăn, sau đó bất lực dựa vào tường, để mặc cho bản thân chật vật trượt dần xuống, hai tay che mặt, bật ra tiếng cười trầm, nhưng chẳng biết từ lúc nào lệ đã ngân đầy mặt.

“Diệp Hằng Chi, ngươi quả là có lòng…”

===========

Ht chương 97.