Kim Giáp Môn

Chương 6: Ba Giáp Cốc Truy Tìm Bí Cấp-trung Thu Nguyệt Hạ Cứu Môn Nhân





Ba Giáp thuộc huyện Ba Sơn, nằm gần ranh giới hai phủ Hà Nam và Hồ Bắc.
Tám ngày sau Tử Siêu đã đến nơi, Chàng hóa trang thành đại hán râu dài như lúc ở Đại Đồng Sơn để các cao thủ Thiếu Lâm dễ nhận ra.
Một nhà sư La Hán Đường cải trang thành khất sĩ đến bên hỏi:
- Phải Hạng thí chủ đấy không?
Chàng gật đầu, đi theo vị tăng nhân đến một ngôi chùa cửa tây huện thành. Tổng đàn Nhất Thống bang đặt trong sơn cốc, thuộc rặng núi Ba Giáp, phía đông thành.
Ngộ Minh thiền sư ở trong ngôi Tùng Lâm cổ tự này đã hơn nửa tháng. Mấy lần ông tìm cách đột nhập đều thất bại, vì tổng đàn Ba Giáp phòng thủ rất nghiêm mật.
Thiền sư buồn rầu nói:
- Nơi này đúng là tường đồng vách sắt, cơ quan báo động gài khắp nơi, vào hướng nào cũng bị phát hiện. Lão nạp đành bó tay thôi.
Tử Siêu cười bảo:
- Đêm nay vãn bối sẽ vào thử xem. Nhưng làm sao biết lão giấu chân kinh ở đâu mà tìm?
Ngộ Minh quả quyết:
- Tệ sư thúc có thói quen nhiều năm là dấu vật quý ở dưới đệm giường. Nếu thí chủ vào được, cứ chỗ ấy mà tìm.
Canh hai đêm ấy, Tử Siêu cùng mọi người mặt áo dạ hành, mặt bịt khăn đen, nương theo ánh trăng mờ vào vùng Ba Giáp.
Ngoài cây ma côn, trên áo chàng còn cắm hàng trăm cây phụng đầu châm, thủ pháp phóng ám khí của chàng đã lão luyện hơn trước rất nhiều. Trong đêm tối, khó ai tránh thoát.
Chàng đã nghĩ đến việc ly gián hai phe U Linh Giáo và Nhất Thống bang nên nhờ một vị sư cô trong Tùng Lâm tự viết sẵn một phong thư, thụ danh Khổng Diễm Yên, phó giáo chủ U Linh Giáo.
Theo sự chỉ dẫn của Ngộ Minh thiền sư, chàng nhập cốc bằng vách phía đông.
Trăng còn thấp nên vách đá tối om. Tử Siêu êm ái phóng châm giết sạch hết đám võ sĩ tuần tra trên đỉnh vách, rồi dùng dây tụt xuống...
Ngộ Minh thiền sư và Thập Bát La Hán Đường ở trên canh chừng và hỗ trợ khi cần.
Qua kinh nghiệm của Ngộ Minh, chàng biết trên mặt đất có giăng những đường dây nhỏ, vấp vào sẽ rung chuông. Vì vậy, Tử Siêu đã chuẩn bị sẵn hai thanh tre dài nửa trượng. Chàng dùng chúng đi từng bước như cà kheo. Có lúc đầu đoạn tre chạm trúng dây nhưng lại đè chặt nó xuống nên không gây rung động. Cuối cùng, chàng vượt qua khoảng trống mười trượng, đến được khu nhà của bọn bang chúng.
Tử Siêu dựng hai đoạn tre vào vách rồi tung mình lên mái nhà. May thay, Nhất Thống bang không gài cơ quan trên nóc ngói.
Tòa đại sảnh đồ sộ ở giữa cốc có lẽ là bản doanh của Liễu Quả.
Tử Siêu dùng pho khinh công Ma Ảnh Du Phong vượt qua khoảng cách ba trượng một cách kỳ diệu.
Toán tuần tra ỷ y vào mạng lưới báo động chung quanh nên lơ là, chỉ đi cho lấy lệ. Nhờ vậy, Tử Siêu vào được khu đại sảnh.
Sau tòa nhà lớn kia là một dãy tiểu viện xinh đẹp, ngăn cách bởi một vườn hoa nhỏ.
Ngộ Minh thiền sư từng nói Liễu Quả là người nhiều tham vọng nhưng làu thông kinh kệ và rất mộ đạo. Chàng suy ra lão phải có bàn thờ phật trong chỗ trú ngụ, bèn vận dụng khứu giác xem nơi nào có mùi nhang.
Quả nhiên, căn tiểu xá ở giữa tỏa mùi hương trầm thơm ngát. Chàng dừng lại, mở ngói nhìn xuống. Một người mặt mũi thanh tú, tóc ngắn đang ngồi trước bàn thờ phật ở cuối phòng xem sách.
Chàng đứng lên vẫy khăn trắng ra hiệu. Ngộ Minh thiền sư bèn cho mười tăng nhân chạy bọc ra phía sau cốc tấn công bọn võ sĩ canh gác.
Tiếng chuông báo động khua vang, Liễu Quả vội xếp kinh, nhét xuống đệm giường rồi xách đao chạy ra.
Tử Siêu mừng rỡ, nhảy xuống khía sau, bẻ gẫy song cửa, chồm vào phòng lật nệm. Chàng nhét kinh văn vào người, đặt phong thư vào chỗ ấy rồi thoát ra.
Toán tăng nhân Thiếu Lâm chỉ đánh vài chiêu để gây huyên náo rồi bỏ chạy ngay.

Liễu Quả về phòng thì Tử Siêu đã đi khỏi. Chàng không còn sợ chuông báo động rung nữa, nên vận tuyệt đỉnh khinh công lướt nhanh như gió, trở lại bức vách phía đông. Ngộ Minh thiền sư vận toàn lực kéo chàng lên rất mau. Tử Siêu vội nói:
- Đã lấy được kinh, mau rút khỏi nơi này!
Ngộ Minh mừng như sống lại, thúc đệ tử theo chàng về Tùng Lâm tự. Họ lên ngựa bỏ đi ngay vì biết chắc Liễu Quả sẽ huy động toàn bang truy tìm.
Chiều hôm sau, đoàn người đã có mặt ở Thiếu Lâm tự. Ngộ Pháp phương trượng nhận lại chân kinh, cúi đầu cảm tạ:
- A di đà phật! lão nạp và toàn thể đệ tử Thiếu Lâm tự xin tạc dạ công đức vô lượng của thí chủ.
Chàng rất ngại phải nghe những lời tán dương nên từ tạ xuống núi, vào huyện thành nghỉ qua đêm.
Mờ sớm, Tử Siêu phi nhanh trở lại Lạc Dương. Đến trưa, chàng dừng chân nơi quán ven đường dùng bữa. Tử Siêu đã khôi phục lại mặt thật, từ lúc ở Thiếu Lâm tự. Trời oi bức khiến da mặt luôn đổ mồi hôi, nếu mang mặt nạ sẽ rất khó chịu. Chàng tin vào bản lãnh của mình, nên chẳng cần cải trang nữa.
Bộ trường bào thư sinh màu nâu rộng rãi đã che lấp những bắp thịt nở nang của chàng. Hàng râu mép xanh măng rất hợp vói làn da trắng hồng. Thời gian này chàng thường phải hoá trang nên không sạm nắng.
Một đoàn xe ngựa chở hàng đi ngang qua, bụi bay mù mịt. Hai chục cỗ xe song mã không mui chở khoảng tám chục chiếc quan tài gỗ mộc. Người kỵ mã theo hộ tống, sắc mặt âm trầm lạnh lẽo.
Tử Siêu cũng đã ăn no nên gọi tiểu nhị tính tiền rồi lên ngựa, chàng phi mau định vượt qua đoàn xe để tránh bụi. Nhưng khi đi ngang xe thứ năm, từ dưới lên, chàng phát hiện có một dấu ám ký của Kinh Phi Độ, vẽ bằng bùn. Thoạt nhìn sẽ tưởng là dấu tay của phu khuân vác, nhưng ba vệt nằm thành hình chữ xuyên này hơi khác đi một chút.
Tử Siêu linh cảm trong tám chục chiếc quan tài đều có người sống. Chàng giả đò thản nhiên vượt qua, đến khúc quanh mới ẩn vào, chờ đoàn xe đi khỏi liền chậm rãi bám theo. Không ngờ chúng lại đi đến Lạc Dương.
Sẩm tối đã đến nơi. Tử Siêu bỏ ngựa, dùng khinh công bám xát xem đoàn xe này vào đâu. Té ra, chúng vào trại hòm ngay cửa nam thành, có tên là Vạn Tạo Đường.
Tử Siêu nhảy lên cây cổ thụ cao vút cạnh tường quan sát. Ánh trăng mười ba cũng đủ cho chàng nhận ra địa hình toàn khu vực. Các công trình dựa vào nhau tạo thành một hình vuông. Cạnh nam là trại hòm, cạnh đông dường như là một kỹ viện. hai cạnh tây và bắc là phạm vi của một phủ đệ đồ sộ.
Tử Siêu nhảy xuống nóc nhà, lướt thẳng vào cuối trại. Chàng sững sờ nhận ra nơi đây có cổng thông với hoa viên phủ đệ. Những chiếc quan tài được khiêng thẳng tới khu hậu viện kiên cố.
Chàng lại phát giác kỹ viện cũng có cửa sau thông với phủ đệ, bốn năm kỹ nữ đang từ đó rảo bước về khu hậu viện. Nhìn bộ pháp khinh khoái, biết ngay họ có võ công.
Không một chút chần chừ, Tử Siêu nhảy xuống vườn hoa, đột nhập vào những tòa nhà chứa quan tài. Qua song cửa, chàng thấy bọn hán tử áo xanh mang xác ra khỏi hòm, đặt nằm trên sàn rồi đưa quan tài rỗng trở ra. Dưới ánh đưốc chập chờn, chàng nhận ra Kinh Phi Độ và Khuất Nham Tuyền.
Số còn lại mặc võ phục, mặt mũi lem luốc. Trên người họ có những mảnh băng chứng tỏ đã qua cuộc tử chiến. Một lão già cầm đuốc đến xem xét, nhờ vậy, chàng nhận ra mấy chục anh em Vô Ảnh Đàn và một số hào kiệt võ lâm. Tên trưởng toán áp giải kính cẩn nói:
- Tiểu nhân đã giao đủ số, mong lão quân sư ký nhân cho.
Nghe cách xưng hô, Tử Siêu bèn quan sát kỹ lão già kia. Lão tuổi đã quá thất tuần, tóc bạc, không râu, da mặt xanh mét, nhăn nheo và chỉ còn một con mắt. Lão ta ký nhận vào sổ rồi cằn nhằn:
- Bao giờ U Linh Giáo mới giao đủ số ba trăm sáu mươi người cho lão phu? Vương gia đã nóng ruột lắm rồi đấy!
Hán tử kính cẩn thưa:
- Bẩm quân sư! Chỉ trong vòng tháng tám này sẽ giao xong. Tiểu nhân xin cáo biệt.
Lão nhân độc nhãn quát bọn thủ hạ khiêng các xác người vào dãy lồng sắt cuối sảnh. Tử Siêu không dám vọng động, lần trở ra, về Hồ gia trang.
Dã Nhi đang ngồi một mình nơi khách sảnh, trước mặt gã là mâm rượu thịt. Gã hát ư ử một khúc dân ca Sơn Tây, giọng khàn khàn nghe chẳng thể lọt tai.
Dã Nhi đảo mắt liếc nhìn về phía hậu viện rồi thò tay vào túi vải dưới gầm bàn, móc ra một con gà to béo đã vặt sạch lông nhưng chưa nấu nướng gì.
Gã khoan khoái xé một bên đùi, máu tươi bắn đầy bàn. Nhưng khi vừa đút vào miệng thì nghe tiếng hừ lạnh lẽo. Dã Nhi nhìn lại sau lưng thấy chủ nhân đang đứng nhìn mình với cặp mắt lạnh lùng nghiêm khắc.
Dã Nhi hồn phi phách tán, quăng miếng đùi gà, quỳ xuống van xin rối rít:
- Công tử! Dã Nhi chưa ăn miếng nào cả, xin công tử tha tội.
Tử Siêu trầm giọng:
- Ta vì xót thương ngươi chịu cảnh giam cầm, tù túng đã mười năm nên mới đứng ra nhận lãnh việc dạy dỗ. Nay ngươi, không muốn làm người mà chỉ thích làm dã thú, ta sẽ phế võ công, đem ngươi giao lại cho Lư tiền bối.
Dã Nhi run như cây sấy, khóc lóc:
- Dã Nhi xa bọn họ Kinh nên buồn rầu, dã tính nó mới nổi lên. Xin thề không dám tái phạm.
Gã tự tát vào mặt mình mấy chục cái. Kỳ Lan và Thu Uyên nghe động chạy lên, thấy xác con gà, họ hiểu ngay cớ sự. Kỳ Lan cười bảo:
- Tướng công hãy tha cho gã, thiếp đã có cách xử lý!
Nàng bèn bước đến lấy phần thịt còn lại trên bàn trao cho Dã Nhi:
- Nếu không được ăn, ngươi cứ thèm mãi, cứ ăn cho xong đi!
Tử Siêu biết Kỳ Lan đa mưu túc trí nên gằn giọng:
- Ăn đi!
Dã Nhi vội cầm con gà ăn ngấu nghiến. Vừa được nửa con đã nghe lòng đau như cắt, bao nhiêu rượu thịt như muốn trào ra. Gã chạy vội ra vườn nôn thốc tháo đến kiệt lực mà vẫn không hết.
Kỳ Lan nói vọng ra:
- Ngươi đã quen với thức ăn nấu chín, nay ăn thịt sống vào tất nôn mửa đến sáng!
Ba người kéo nhau vào hậu viện để mặc cho Dã Nhi chịu cực hình. Thu Uyên mau mắn chuẩn bị nước nóng cho trượng phu tắm gội. Kỳ Lan xuống bếp làm thức ăn.
Tử Siêu ăn no bắt đầu kể lại chuyện trộm kinh ở Ba giáp và đoàn xe quan tài chở tù nhân.
Kỳ Lan kinh hãi nói:
- Lão già chột mắt ấy chính là Độc Nhãn Hoa Đà Lã Trung Châu. Mười năm trước lão hạ độc giết hơn trăm mạng người trong một nhà đại phú, bị triều đình truy nã gắt gao. Không ngờ lại có mặt ở Lạc Dương này.
Tử Siêu tự lự:
- Anh em đều bị mê man cả, dẫu chúng ta có giết được lão và bọn gia nhân trong tòa nhà đã ấy cũng không thể đưa họ thoát ra được.
Kỳ Lan suy nghĩ rồi đáp:
- Nếu họ bị bắt bởi tay đại sư tỷ thì có lẽ đã trúng chất độc mê hồn phấn. Thiếp có thể giải được, nhưng không đủ người bảo vệ cho họ chạy ra.
Tử Siêu hỏi lại:
- Họ có thể đi đứng được chứ?
- Thưa được! Yuy võ công chưa hồi phục nhưng cũng có thể chạy nhảy.
Tử Siêu gật đầu, trình bày kế sách của mình. Hoa Sơn Tiên Tử nhìn phu tướng với ánh mắt khâm phục. Nàng giả vờ giận hờn:
- Tướng công và Lan tỷ tâm kế sâu sa, chỉ có mình tiểu muội là ngu ngốc!
Tử Siêu vươn tay xiết chặt nàng vào lòng, âu yếm nói:
- Ta lại yêu mến tính ngây thơ trung hậu của nàng. Ta và Kỳ Lan luôn phải đối phó với hoàn cảnh nên bắt buộc lao tâm khổ tứ. Đâu được thanh thản như nàng.
Thu Uyên hài lòng, lặng im hít lấy mùi da thịt quen thuộc của trượng phu. Kỳ Lan nói đùa:
- Uyên muội cố tình nhõng nhẽo để được tướng công ôm ấp phải không?

Thu Uyên đỏ mặt, ngồi xa Tử Siêu ra.
Sáng hôm sau, tiếng rên rỉ của Dã Nhi đã đánh thức ba người. Tử Siêu mở của, thấy gã ôm bụng nằm cách đấy hơn trượng.
Thấy chàng, gã gượng dậy, bò lại van xin:
- Dã Nhi đã biết công tử thần thông quảng đại, xin chữa trị giùm chứng nôn mửa này, nếu không Dã Nhi chết mất!
Chàng cười nhạt hởi:
- Ngươi còn dám ăn thịt sống nữa không?
Gã rùng mình đáp:
- Chỉ nghĩ đên thôi Dã Nhi cũng muốn ói rồi!
Chàng gật đầu, quay vào phòng bảo Kỳ Lan đưa thuốc giải rồi trở ra đưa cho gã:
- Thuốc này trị ói mửa rất công hiệu. Uống xong, ngươi xuống bếp nấu cháo trắng mà ăn! Phải cố lấy lại sức mà đi giải cứu Kinh Phi Độ và Khuất Nham Tuyền!
Dã Nhi ăn uống xong, nghe cơn buồn nôn mất hẳn, gã lảo đảo chạy xuống bếp.
Thu Uyên và Kỳ Lan cũng xuống theo để làm bữa điểm tâm.
Hơn khắc sau, bốn người quây quần bên bàn bát tiên ăn sáng. Trước mặt Dã Nhi là một tô cháo nóng nghi ngút. Gã đói bụng kinh khủng nên ăn rất ngon lành.
Khí lực hồi phục, Dã Nhi mới nhớ đến hai bằng hữu:
- Công tử! chẳng lẽ hai gã Kinh, Khuất đã lâm nạn?
- Đúng vậy! đêm nay ta sẽ đi cứu họ! À! mà ngươi có thích đến kỹ viện chơi một chuyến không?
Dã Nhi cười hì hì đáp:
- Năm mười tám tuổi, thuộc hạ đã nhẵn mặt bọn kỹ nữ ở trấn Đại Đồng.
Kỳ Lan bật cười:
- Học có sợ ngươi không?
- Lúc đầu thì có nhưng mấy nén bạc trắng đã khiến họ quên đi tất cả!
Tử Siêu bèn dặn dò gã những việc phải làm.
Ăn xong, Kỳ Lan và Thu Uyên cải trang vào thành mua mấy chục bộ trường bào xanh giống như của bọn gia nhân trong vương phủ.
Hai nàng cũng khéo léo dò hỏi được lai lịch của ngôi phủ đệ. Đây là biệt thự của Trấn Nam Vương Lương Phù Vân. Lão ở Bắc Kinh nhưng thường về đây nghỉ ngơi cả mấy tháng! Quan lại Lạc Dương đến chầu hầu đều bị đuổi ra, lấy cớ là để giữ lòng thanh liêm, chính trực.
Tối hôm ấy, mới đầu canh một, trăng mười bốn đã tỏa sáng trên không. Lũ tiểu đồng mừng tiết trung thu hơi sớm, xách lồng đèn chạy khắp nơi.
Dã Nhi mang mặt nạ, áo quần bảnh bao, diêm dúa trông rất anh tuấn, quy củ. Gã mang theo ngàn lượng bạc trắng vào Hư Tình Viện. Dã Nhi hào phóng ban phát cho gã quy nô dẫn đường đến năm lượng, khiến đám kỹ nữ xôn xao hẳn lên.
Chủ nhân kỹ viện là một người bàn bà nạ giòng. Mặt trát đầy son phấn, xởi lởi chào đón.
Dã Nhi huênh hoang nói:
- Mụ hãy chọn cho bổn công tử ba nữ nhân xuất sắc nhất!
Gã thưởng trước cho mụ năm chục lượng khiến lưng mụ còng hẳn xuống.
- Công tử anh tuấn, khôi vĩ thế này tất phải cần nữ nhân hầu hạ, tiểu nhân sẽ khiến người được hài lòng.
Mụ chọn ba nàng đẹp nhất, họ xúm lại đưa Dã Nhi lên lầu. Vào phòng, gã cho mỗi nàng năm chục lượng rồi bảo:
- Nếu các nàng không hết lòng chiều chuộng, bổn công tử sẽ lấy lại số bạc này và phá sập kỹ viện!
Dã Nhi thổi tắt ngọn hồng lạp rồi khởi sự. Ba nàng kỹ nữ trút bỏ xiêm y, trèo lên giường bát bửu rộng thênh thang. Dưới ánh trăng mờ rọi qua song, họ nhận ra toàn thân khách chơi đen kịt. Nhưng đã quen tiếp đủ hạng người trên đời, nọ nhắm mắt chịu đựng.
Dã Nhi đã lâu không gần gũi nữ nhân, gã hăm hở thỏa mãn nỗi thèm khát.
Lúc đầu, ba nàng còn cắn răng chịu trận, nhưng mãi không thấy gã ngưng nghỉ, họ bắt đầu mệt mỏi.
Dã Nhi mang dòng máu dã nhân nên sung mãn lạ thường. Cuối canh hai, ba nàng đau đớn van xin:
- Công tử tha cho bọn thiếp!
Dã Nhi giả vờ phẫn nộ, vừa mặc y phục vừa chửi bới:
- Con mẹ nó! Lão gia đã nói trước rồi, nhận bạc thì phải hết lòng, cớ sao lại than vãn?
Gã tung mình đạp tung cửa phòng, bước ra ngoài gọi vang:
- Bớ mụ chủ, kỹ viện của mụ chẳng ra gì cả, mới một canh giờ đã đuổi khách ra. Bữa nay, bổn công tử sẽ phá nát ổ điếm này.
Dứt lời, gã nhảy xuống ôm lấy cột nhà lay mạnh.
Thần lực gã chỉ thua có mình Tử Siêu nên đã kéo sập chiếc cột lớn ra khỏi chân tán, ngói rơi xuống ầm ầm.
Dã Nhi nhổ liền mấy cây khiến hàng lan can sụp xuống. Khách chơi và bọn kỹ nữ kêu cha gọi mẹ.
Đám quy nô và hộ viện xúm lại đều bị Dã Nhi đánh cho mềm xương.
Mụ chủ đành bảo một kỹ nữ chạy ra sau gọi đám cao thủ trong vương phủ. Bọn chúng đông đến hai mươi mấy tên, rút đao vây chặt Dã Nhi. Gã cười hô hố vung đôi tay dài thượt, len qua lưỡi đao chụp từng tên ném vào tường.
Bỗng có tiếng mõ báo cháy vang rần, trại hòm Vạn Thọ bốc cháy nghi nghút. Gío lồng lộng thổi lùa ngọn lửa lên cao.
Dã Nhi đấm mạnh mấy quyền phá vòng vây chạy mất. Toàn gia đinh đi lo việc chữa cháy.
Trước đó, Tử Siêu đã hóa trang thành Độc Nhãn Hoa Đà, phục trên mái ngói tòa thạch thất phía sau vương phủ.
Khi ngọn lửa trại hòm bốc lên, lão một mắt vội chạy ra huy động bọn võ sĩ áo xanh chữa cháy. Vì sợ lan đến vương phủ, lão cẩn thận khóa trái cánh cửa lớn lại.
Tử Siêu buông mình xuống, giật tung song cử sổ bằng sắt, lướt vào. Tám mươi tù nhân trong lồng đã tỉnh lại nhưng tay chân rũ rượi, không đứng lên nổi.
Tử Siêu đến gần, nói mau:
- Ta là Tử Siêu đây, nhị vị hãy cho mọi người uống thuốc rồi mặc y phục xanh vào.
Tử Siêu lại bẻ cong những thanh sắt tròn bằng cổ tay, đưa thuốc và túi da đựng nước vào. Kinh Phi Độ mừng rỡ cùng họ Khuất uống trước. Tay chân bắt đầu có chút khí lực, họ phân phát thuốc cho số còn lại. Từng người chui ra, mau mắn khoác áo xanh lên người. Tử Siêu dẫn họ thoát ra bằng đường cửa sổ, chạy về phía sau kỹ viện.
Mụ chủ nhân ngỡ ngàng hỏi:
- Sao quân sư không lo chữa cháy?
Chàng trầm giọng đáp:
- Chuyện ấy đã có người lo, lão phu phải bắt cho bằng được tên kia để truy ra kẻ đốt nhà!

Mụ vội trách sang bên nhường đường. Ra đến ngoài, bọn chúng lùa vào đám thường dân đi xem hỏa hoạn trở về. Cuối canh ba, họ đã có mặt ở Hồ gia trang.
Kỳ Lan, Thu Uyên, Dã Nhi mau mắn bưng ra những tô cháo thịt ngon lành để đám tù nhân ăn cho lại sức. Mỗi người lại được uống thêm ba viên linh đan, nhờ vậy đến sáng họ đã khá hơn nhiều.
Dù qua một đêm không ngủ nhưng ai cũng phấn khởi, vui mừng vì thoát nạn. Đám thủ hạ Vô Ảnh Đàn sụp xuống ra mắt Tử Siêu. Kinh Phi Độ đại diện nói:
- Bẩm công tử, tại hạ đến Nghiệp Thành liên lạc với anh em. Cả năm mươi người đều đồng lòng thoát ly Thanh Long Môn về phò công tử. Nhưng đi được và chục dặm, đã bị Khổng Diễm Yên đem đại quân vây chặt và dùng mê hồn phấn hạ độc. Thuộc hạ quen với chất độc nên tỉnh táo hơn mọi người một chút, cố gượng vẽ lại ám ký bên ngoài hòm gỗ. Nào ngờ, trời xui đất khiến nên công tử nhận ra!
Ba mươi người còn lại bàn bạc xong cũng đồng sụp xuống, quỳ một chân, chống tay tỏ vẻ quy phục. Người lớn nhất trong bọn là một lão già trạc lục tuần, mặt đầy thẹo trông rất hung dữ, lão không quỳ mà đứng vòng tay nói:
- Lão phu là Xú Diện Sơn Vương Lôi Lãm Kinh, trước đây hùng cứ núi Kỳ Sơn. U Linh Chân Nhân đến chiếm cơ nghiệp và bắt giam lão phu cùng hai mươi chín thuộc hạ sống sót này, lão phu dù là cường đạo nhưng ân oán phân minh, lại từng ngưỡng mộ hiệp danh công tử. Nay xin được phò dưới trướng để đền ơn cứu tử!
Khuất Nham Tuyền ứng tiếng:
- Thuộc hạ có bằng hữu gần Kỳ Sơn nên biết rõ Lôi lão huynh là người khí phách, chỉ cướp của cường hào ác bá chứ không hà hiếp lương dân. Xin công tử đừng nghi ngại!
Tử Siêu trầm giọng:
- Nếu Lôi lão và anh em Kỳ Sơn đã quyết tâm, tại hạ xin tuân mệnh! Mời chư vị đứng lên.
Kỳ Lan rất tin tưởng vào sự thành công của trượng phu nên đẫ chuẩn bị sẵn thực phẩm và rượu ngon. Bọn cao thủ Vô Ảnh Đàn lại quen làm món nhắm, chỉ đến gần trưa đã sắp xong tiệc.
Họ dẹp bàn ghế, ngồi cả xuống đại sảnh thù tạc. Dã Nhi khoan khoái uống như hũ chìm, sang sảng kể lại trận quậy phá Nhu Tình Viện. Không có mặt Kỳ Lan và Thu Uyên nên gã chẳng dấu giếm gì. Cả bọn cười vui vẻ không hề gò bó.
Xú Diện Sơn Vương nói:
- Công tử bản lãnh quán tuyệt thiên hạ, sao không khai tông lập phái, giương danh với đời?
Tử Siêu cười mát:
- Tại hạ chỉ sống không đầy hai năm nữa, nghĩ gì đến chuyện ấy?
Kỳ Lan từ trong bước ra:
- Đại sư bá có quy củ là chỉ giúp người một lần, nhưng thiếp sẽ về Thiên Thủy cầu khẩn ông chỉ giáo cách trị Tam Âm Tuyệt Mạch. Nay đại sư tỷ trốn ra, đem tuyệt kỹ khuynh đảo thiên hạ. May ra sư bá đổi ý mà giúp đỡ để chúng ta đối phó với bà!
Tử Siêu gượng cười:
- Đó là do nàng phỏng đoán thôi. Hòa thượng là người già cả, khó mà thay đổi thói quen cố hữu! Cứ chờ đến sang năm rồi hãy tính!
Thu Uyên bẽn lẽn góp ý:
- Theo ý thiếp! Tướng công nên đứng ra thành lập bang hội để quy tụ anh tài chống lại tà mà. Trước mắt cứ âm thầm, nhưng nếu chàng thoát khỏi tuyệt chứng sẽ giương cờ khai giáo cho rạng danh giòng họ Hạng!
Tử Siêu biết nàng muốn chừng tỏ trí tuệ của mình nên không nỡ bác lời, chàng tủm tỉm hỏi:
- Thế Uyên muội đã nghĩ ra tên của tổ chức ấy chưa?
Thu Uyên phấn khởi đáp:
- Thiếp cho rằng tướng công nên lấy chiêu bài Kim Giáp Môn để tưởng nhớ đến lão gia!
Tử Siêu hài lòng lẩm nhẩm:
- Kim Giáp Môn! nghe cũng oai phong lắm chứ!
Kỳ Lan khen ngợi:
- Uyên muội cao kiến hơn người, tỷ tỷ xin bái phục.
Thu Uyên hồi hộp chờ ý kiến trượng phu. Tử Siêu nghiêm giọng:
- Thu Uyên nói có lý! Hạng mỗ sẽ thành lập Kim Giáp Môn.
Mọi người đồn thanh vòng tay:
- Chúng thuộc hạ tham kiến môn chủ!
Tử Siêu chỉnh sắc nói:
- Chúng ta đều là những nam tử hán đỉnh thiên lập địa, sống trên đầu gươm, ngọn giáo. Nay kết hợp với nhau trong tình huynh đệ chân thành bất tất viện đến nhang đèn hay lời thề thốt. Nếu chư vị một lòng trung thành với Hạng mỗ, Siêu này coi chư vị như xương thịt của mình, phúc cùng hưởng, hoạ cùng chia!
Lôi Lãm Kính cao giọng:
- Sáng nay, lão phu đã đàm đạo cùng anh em Vô Ảnh Đàn, hiểu rõ tấm lòng nhân hậu, rộng rãi của môn chủ, lão phu cùng các đệ tử nguyện phơi gan trải mật, quyết chẳng phụ lòng môn chủ.
Kinh Phi Độ tiếp lời:
- Làm thân võ sĩ, cõ được minh chúa như công tử, còn mong gì hơn nữa? Bọn thuộc hạ dẫu có nhảy vào lửa đỏ cũng theo môn chủ đến cùng.
Kỳ Lan cười bảo:
- Tướng công! Theo thiển ý của thếp, bước đầu nên chia thành nội ngoại đàn để dễ phân công. Kinh Phi Độ nắm ngoại đàn, Lôi lão huynh thống lĩnh nội đàn!
Tử Siêu tán thành:
- Khuất huynh sẽ là phó đàn chủ ngoại đàn. Còn Lư Dã sẽ là phó đàn!
Dã Nhi hớn hở ưỡn ngực, mũi phập phồng, nâng chén nói:
- Mời chư vị cạn chén để mừng cho tại hạ được thăng quan tiến chức!
Cả bọn cười vang, uống liền mấy chung.