Kim Giác Quái Đàm Tập 1: Ông Lý

Chương 1




Năm mười tuổi, tôi đã ăn một viên kẹo của ông Lý tầng dưới.

Chỉ sau một đêm, tôi đã già đi sáu mươi tuổi, không thể nào tra ra được nguyên nhân.

Mẹ tôi đột nhiên bật khóc nói: Đây là con đã cho lão già kia mượn thọ rồi!



"Nghe nói gì chưa? Thật ra lão Lý đã chết từ lâu rồi đấy."

Lúc ăn trưa, mẹ tôi đột nhiên nói ra một câu không đầu không cuối như thế.

Bố tôi khẽ cau mày suy nghĩ, rồi nói: "Chẳng trách..."

Tôi vừa dọn mâm cơm từ trong bếp ra, thì thấy họ xì xào bàn tán.

Dù đang là giữa trưa, nhưng tôi bị cách nói chuyện của bố mẹ doạ sợ, rợn cả sống lưng.

Lão Lý mà họ đang nói đến, chính là ông Lý.

Năm tôi mười tuổi, bố tôi được mời đến Viện Mỏ làm trợ giảng, mẹ đưa tôi từ trong thôn đi theo, sống trong căn nhà mà trường học phân cho.

Ông Lý là hàng xóm đối diện với nhà tôi.

Nhà chúng tôi sống ở tầng hai, còn nhà ông ấy ở tầng một.

Tuy hai gia đình chỉ cách nhau một cái sân, nhưng cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn khác nhau.

Mặc dù nhà tôi có hai phòng ngủ và một phòng khách, nhưng căn phòng vừa cũ vừa nhỏ.

Ông Lý thì sống trong căn hộ ba phòng ngủ rộng rãi và sáng sủa, còn có thêm một khoảng sân nhỏ, chúng tôi gọi nó là nhà thủ trưởng.

Tôi nghe bố tôi bảo lương hưu hàng tháng của ông Lý là hai vạn tệ.

Lần đầu tiên mẹ tôi nghe được chuyện này, hai mắt mở to như chuông đồng.

"Lại không phải là làm quan, sao kiếm nhiều như vậy chứ?"

Rồi càng nói càng tức:

“Cả nhà chúng ta thức khuya dậy sớm, còn không bằng đầu ngón chân người ta nữa."

Lúc đó mẹ tôi đang làm thời vụ tại nhà trẻ, còn bố tôi là trợ giảng cho viện thí nghiệm hóa học, hai người làm việc từ sáng đến tối, lương gộp lại chỉ được có 1500 tệ.

Bà không thể hiểu nổi, người với người sao lại có thể khác xa đến như vậy?

Bố tôi bảo lão Lý là chuyên gia hoá học địa chất gì gì đó, thậm chí nổi tiếng trên cả thế giới, mỗi dịp Tết Nguyên Đán, các nhà lãnh đạo của thành phố đều sẽ đến chúc Tết, là một nhân vật lớn của trường.

Mẹ đi vào bếp, nhìn ông cụ đang phơi nắng qua cửa sổ.

Lúc đó ông Lý đang ăn đậu phộng, mẹ tôi càng nhìn càng tức, hỏi bố tôi:

"Ông già này năm nay thọ bao nhiêu rồi?"

Bố tôi đáp: "Hết năm là một trăm rồi, ông ấy là người lớn tuổi nhất Viện Mỏ, cũng là người kiếm nhiều tiền nhất.”

Mẹ tôi lại nhìn chằm chằm vào ông Lý một lúc rồi nói:

"Đáng lẽ đã chết lâu rồi mới đúng."

Bố tôi vội vàng đánh vào tay mẹ một cái, bảo bà nhỏ giọng lại.

Mẹ tôi vẫn đang nhìn lão Lý, lẩm bẩm tự nói:

“Miệng đầy răng, ăn con ăn cháu, lão đã chiếm cả thọ của con cái rồi.”

Bố tôi giật nảy mình.

Bởi vì ông Lý quả thật từng có một đứa con trai, nhưng mười mấy năm trước đã chết.

Chuyện này chưa từng có ai nói với mẹ tôi, không biết làm sao mà bà biết được.

Ông Lý lúc đó trông vẫn còn rất khỏe mạnh, nháy mắt đã ăn hết một nắm đậu phộng lớn.

Mẹ tôi cười lạnh một tiếng:

“Ăn nhiều vào, không còn mấy ngày nữa đâu.”



Khi đó bố tôi cho rằng mẹ tôi ghen tị với lão Lý.

Dân quê mà, rất thích ganh đua.

Nhưng chỉ mấy ngày sau, xe cấp cứu lại thật sự đến mang ông Lý đi.

Đêm khuya hôm ấy, có mấy hàng xóm nghe thấy tiếng động đã chạy ra giúp đỡ.

Hai đứa cháu trai của ông Lý cũng đến.

Chúng tôi thường gọi họ là Đại Lý và Tiểu Lý.

Đại Lý và Tiểu Lý trông lớn tuổi hơn bố tôi, ăn mặc rất sành điệu, áo quần bảnh bao, đeo cà vạt, đi giày da, vừa nhìn là biết người thành phố.

Sau khi xe cấp cứu chạy đi, Đại Lý và Tiểu Lý cũng lái xe riêng theo sau, năm đó người có xe riêng cũng không nhiều, nhìn có vẻ rất giàu có.

Sau khi về nhà, bố tôi nhắc mẹ:

"Viện Mỏ không giống như trong thôn đâu, về sau mình nói gì cũng phải chú ý, nếu hai đứa cháu kia mà nghe thấy lời mình nói hôm trước thì chắc chắn sẽ tìm đến gây sự với mình đấy, hai kẻ đó cũng không phải người dễ chọc đâu.”

Đại Lý và Tiểu Lý tốt nghiệp một trường kỹ thuật, ban đầu họ được gia đình sắp xếp cho làm việc trong phòng bảo vệ của trường, nhưng họ thấy mất mặt nên đã bỏ đi.

Có người nói hai anh em họ ra nước ngoài làm ăn.

Có người lại bảo họ chẳng làm gì hết, mỗi tháng chỉ nhờ vào hai vạn tệ của ông nội mà ăn sung mặc sướng.

Lúc đó, mẹ tôi còn đem Đại Lý và Tiểu Lý ra để giáo dục tôi, nói làm người phải sống bằng chính năng lực của mình, ông nội có tài giỏi đến đâu cũng sẽ có lúc phải đi, đến khi đó thì biết làm gì ngoài giương mắt ếch nữa.

Ai ngờ được, mấy ngày sau, lão Lý lại quay lại.



Tôi nhìn thấy ông Lý nằm trên chiếc giường bệnh đặc biệt với đủ các loại ống dẫn c ắm vào cơ thể, mũi miệng còn chụp ống thở, Đại Lý và Tiểu Lý đẩy ông vào nhà, sắp xếp xong mọi thứ, mỗi người lái một chiếc xe riêng rời đi, chỉ để lại một hộ sĩ chuyên môn chăm sóc ông.

Bố tôi bảo, giờ lão Lý đã thành người thực vật rồi.

Cả mẹ và tôi đều là lần đầu tiên nghe thấy từ “người thực vật” này, cảm thấy thật mới lạ.

Hóa ra con người cũng có thể giống như thực vật, không cần làm gì hết, chỉ cần cắm mấy cái ống vào là có thể sống được rồi.

Bố tôi bảo không phải ai cũng có thể làm người thực vật đâu.

Đống thiết bị trên người lão Lý mỗi tháng tiêu mất một vạn tệ đấy, vì làm cho nhà trường thanh toán khoản tiền này, Đại Lý và Tiểu Lý đã đại náo một trận với các lãnh đạo trường, còn nói muốn lên trung ương tìm người lý luận, thế nên hiệu trưởng đành trả khoản tiền này.

Lúc đó bố tôi thở dài: “Kiếm nhiều tiền như vậy để làm gì chứ?”

Mẹ tôi đầy mặt hâm mộ:

"Mình nói xem, có phải cứ thế này là sẽ sống mãi được không? Thế không phải là thành báu vật trong nhà rồi à? Mỗi tháng kiếm hai vạn tệ, nếu mình mà cũng có năng lực này thì tôi bảo đảm còn phục vụ mình tốt hơn cả hộ sĩ phục vụ lão Lý ấy chứ!”

Bố mẹ tôi cũng đại náo một trận luôn vào đêm đó.

Trong ký ức của tôi, lúc nào tính khí bố mẹ tôi cũng không được tốt lắm.

Mãi sau này tôi mới dần hiểu ra, chỉ là vì họ nghèo, lúc đi làm lại phải nhịn nhục, nên chỉ có thể trút giận ở nhà thôi.

Người lớn đều bảo, cho dù lão Lý có trả mỗi tháng một vạn tiền mua mạng đi chăng nữa, thì cũng chẳng còn sống được mấy ngày.

Nhưng ai ngờ nửa tháng sau, ông Lý đã có thể xuống giường rồi.

Qua mấy ngày, lại còn chống được gậy đi ra ngoài phơi nắng, gân cốt thậm chí còn cứng cáp hơn cả trước.

Nhìn ông Lý phơi nắng dưới chân tường.

Bố tôi nói, "Đúng là phép màu y học."

Mẹ tôi thì lại bảo: "Y cái rắm ấy, đây là sắp thành tinh rồi!”

Lúc đó tôi cảm thấy mẹ mình thật quá không có tố chất, nhưng sau đó mới phát hiện ra mình đã hiểu lầm.

Nhưng khi tôi biết được mọi thứ, thì cũng đã quá muộn rồi.