Kiêu Phong

Quyển 5 - Chương 140: Chùa Đại Tướng Quốc




Hình thái giám về được ba ngày, đột nhiên Lục Thất nhận được một phong mật thư, do Ôn Vũ mang tới, không ngờ là của Vi Hạo, trong thư ngoài thăm hỏi còn nói rằng hôm qua bất ngờ bị Chu Hoàng đế triệu kiến, có thể sẽ được đưa ra ngoài làm Trường sử.

Hắn chẳng quan tâm lắm đến Vi Hạo nên cũng chỉ đọc để biết, nhưng vẫn ân cần hỏi han Ôn Vũ, và cho y chuyển cáo, khi hắn đến Chu quốc, Song Nhi đã có bầu, ý rằng vì mối quan hệ với Vi Hạo sẽ nhận thân thích.

Sau hôm đó, Lục Thất chính thức dâng thư thỉnh cầu xin về quê tế tổ. Hắn không nhắc đến chuyện Công chúa, cũng không rõ Chu Hoàng đế có muốn đổi con gái gả cho hắn hay không, hắn đã có thái độ đáp trả, đương nhiên kết quả chỉ có thể im lặng mà nghe chỉ.

Ngay hôm sau, hắn và Tiểu Điệp đón xe lặng lẽ tới chùaĐại Tướng Quốc của Khai Phong phủ lễ Phật. Đương nhiên chuyện Lục Thất đi lễ Phật là một sách lược tranh giành, nếu thể hiện sự tôn kính với Phật sẽ giữ được thanh danh, nên không thể không tới chùa Đại Tướng Quốc của Khai Phong phủ.

Cửa vào chùa ở phía bắc sông Biện, nằm phía đông của khu phố, có thể nói là vị trí hoàng kim của nội thành Khai Phong phủ. Tuy Chu Hoàng đế muốn diệt Phật, nhưng cũng không dám hủy đi chùa Đại Tướng Quốc. Chu Thế Tông diệt Phật chủ yếu là hạn chế sự lớn mạnh của Phật giáo, chứ không phải diệt trừ một cách bạo lực.

Xe ngựa tới nơi, Lục Thất và Tiểu Điệp cùng xuống xe. Hôm nay hắn đến lễ Phật rất khiêm tốn, chỉ mặc một bộ áo vải bình thường, không muốn gây sự chú ý với người khác. Đến chùa Đại Tướng Quốc chủ yếu chỉ để lưu lại sự thật là hắn thực sự có tới chùa.

Chùa Đại Tướng Quốc rất lớn, cửa chùa chính là Sơn môn, chùa được xây vào thời kỳ Bắc Tề, là một ngôi chùa cổ trải qua bốn trăm năm lịch sử. Tên cũ là chùa Kiến Quốc, đến triều Đường, Đường Duệ Tông vì ghi công Tướng Quốc đã có công giúp nhà vua lên ngôi, đã ban tên cho chùa là Đại Tướng Quốc Tự.

Bước qua Sơn môn, một tăng nhân trung niên chắp tay hình chữ thập hành lễ, Lục Thất và Tiểu Điệp cũng chắp tay chữ thập chào đáp lễ, sau đó hai người vào trong chùa.

Vừa vào chùa, đầu tiên là điện Thiên Vương to lớn, không hổ là chùa cổ nổi danh cùng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Lục Thất đã từng định đến chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, nhưng vì khi lĩnh quân ở Thạch Châu, quay về Tào Vương đã quá mất Lạc Dương nên không vào được, vì vậy không biết gì về chùa cổ Bạch Mã ở đó.

Điện Thiên Vương là điện tiếp dẫn, thực ra giống như hai cửa núi. Lục Thất và Tiểu Điệp vào trong điện Thiên Vương, vái Tứ Đại Thiên Vương trợn mắt uy nghiêm hai bên. Lúc này Tiểu Điệp vẫn cải nam trang, Phật nhãn chỉ nhận tín đồ, nên rất nhiều nữ nhân của các đại hộ đi bái Phật đều mặc nam trang.

Ra khỏi điện Thiên Vương, bảo điện Đại Hùng càng thêm hùng vĩ. Bảo điện Đại Hùng của chùa Đại Tướng Quốc cao hơn mười thước, chiều rộng bảy gian, đài ngắm trăng quanh điện có trụ và lan can bằng đá trắng, cột trụ được điêu khắc hình sư tử. Bảo điện Đại Hùng mang đậm tính Phật giáo nhưng vẫn rất huy hoàng.

Tuy nhiên nhân khí trong chùa Đại Tướng Quốc đã hiển lộ ra vẻ tiêu điều của ngôi chùa cổ này, khách hành hương ra vào chỉ có năm sáu vị, lại đều là nữ nhân. Khi Lục Thất và Tiểu Điệp vào cũng khá nổi bật. Hai người bước thẳng vào bảo điện Đại Hùng.

Trong bảo điện Đại Hùng thơm nồng mùi hương, có tăng nhân đang thầm thì tụng kinh, có tiếng mõ vang lên nhịp nhàng. Điện thờ kim thân của Phật tổ, cao tới một trượng ba, khuôn mặt như cười như không, Phật nhãn trải rộng chúng sinh, hai bên đại điện còn có mười tám tượng La Hán.

Trước bàn thờ Phật đang có năm nữ nhân thành kính lễ Phật, Lục Thất và Tiểu Điệp bước vào trong, cùng chắp tay chữ thập bái Phật. Sau đó, nàng đi lấy hương, đưa cho Lục Thất, rồi cùng nhau cầm hương kính bái, sau đó cắm vào lư hương trên bàn thờ Phật.

Sau khi bái lạy lui ra, Tiểu Điệp lấy ra mười quan cúng tiền nhang đèn. Mười quan tiền cũng là con số không nhỏ, tăng nhân chủ trì ghi chép bèn ghi vào sổ công đức đại danh Lục Thiên Phong Thọ huyện. Sau đó Lục Thất và Tiểu Điệp đi nơi khác bái tế.

Vì Lục Thất quyên nhiều tiền nhang đèn nên chủ trì cho một tăng nhân đi trước dẫn đường. Chùa Đại Tướng Quốc thực sự rất lớn, đằng sau bảo điện Đại Hùng xây như một tảng đá mọc lên, tăng nhân nọ dẫn hai người đi xem điện Lưu Ly bát giác. Được cung phụng trong điện Lưu Ly là một pho thượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay, khách hành hương trong điện này rất đông, khoảng mấy chục người, bình dân họ tín thờ Quan Thế Âm Bồ Tát hơn.

Bái xong Quan Thế Âm Bồ Tát, hắn tới Tàng Kinh Các thăm thú. Tàng Kinh Các của chùa Đại Tướng Quốc nhìn qua rất cũ kỹ, tựa như đã hoang phế từ lâu, rõ ràng có dấu vết bị phóng hỏa. Tăng nhân kia giải thích chùa Đại Tướng Quốc đã rất nhiều lần chịu nạn binh đao, về cơ bản Tàng Kinh Các này đều được làm từ gỗ, cho nên đã rất cũ, nhưng vì triều đình không cho tùy ý tu sửa chùa miếu, nên nơi này vẫn không được tu sửa.

Lục Thất nghe vậy thoáng suy nghĩ một chút. Tiểu Điệp nhỏ giọng nói:

- Thất Lang, không phải chàng muốn quyên tiền sửa sang Tàng Kinh Các chứ?

Hắn gật đầu:

- Quả thực ta muốn vậy, chỉ có điều làm vậy sẽ dễ chọc phải Hoàng đế. Trước kia Hoàng đế đã từ chối một thỉnh cầu nhỏ của ta, có lẽ đang cảnh cáo ta đừng có làm gì quá phận ở Khai Phong phủ.

- Hoàng đế không thích Phật giáo, nếu Thất Lang quyên tiền sửa Tàng Kinh Các của chùa Đại Tướng Quốc, rõ ràng có ý đối đầu với Hoàng đế.

Hắn gật đầu, quay đầu nhìn sang nơi khác:

- Tăng xá và phòng khách của chùa Đại Tướng Quốc cũng rất tan hoang, chúng ta có thể ra tiền tu sửa một chút. Tiểu Điệp, cứ lấy tên nàng để sửa sang đi, đền thờ Quan Thế Âm Bồ Tát cũng nên tu sửa một chút.

Nghĩ một lát, nàng đáp:

- Thất Lang, nô thấy tốt nhất là dâng thư xin tu sửa.

Hắn lắc đầu:

- Nếu dâng thư sẽ dẫn đến rất nhiều nghi ngờ chỉ trích vô căn cứ. Chỉ là sửa phòng ở thôi, là bố thí thông thường.

Nàng gật đầu. Hắn lại nhỏ giọng nói:

- Nàng có phát hiện không? Chùa Đại Tướng Quốc thiếu nhất là cái gì?

Nàng ngẩn ra quay đầu nhìn một vòng, nhỏ giọng hỏi lại:

- Thiếu cái gì?

- Thiếu than sưởi ấm. Trong bảo điện Đại Hùng và điện Lưu Ly lạnh như băng. Vì lạnh như thế, không chỉ tăng nhân chịu tội, cũng khiến cho khách hành hương đến rất thưa thớt.

Nàng gật đầu khẽ nói theo:

- Ngôi chùa này có lẽ không nghèo đến mức không mua nổi lửa than chứ? Chẳng lẽ không dám dùng than sưởi ấm?

Lục Thất quay sang hỏi tăng nhân dẫn đường:

- Xin hỏi sư phụ, vì sao không có lửa than trong điện bái Phật? Thực sự là lạnh lắm.

- A di đà Phật, thí chủ, trong chùa thanh liêm, không mua được than lửa, đã khiến chí chủ chịu khổ rồi.

Tăng nhân kính đáp.

- Không phải chứ? Ta thấy chùa Đông Thiền của Thọ huyện cũng không nghèo đến vậy.

Lục Thất ôn hòa nói.

- Người xuất gia không nói dối. Mặc dù chùa Đại Tướng Quốc Tự ở trong Khai Phong phủ, nhưng khách hành hương thường ngày lại không có quý nhân, miếu lại không sinh ra sản xuất gì, nên không thể so với chùa Đông Thiền.

Tăng nhân giải thích.

Hắn gật đầu:

- Rét như vậy cũng không ổn. Nếu ta muốn công đức một chút than lửa, không biết các thiền sư có nhận được không?

Tăng nhân nọ chần chừ một chút mới đáp:

- Thí chủ có lòng thiện, đương nhiên chùa nguyện ý nhận. Có điều, nếu quý nhân công đức, sợ rằng sẽ bất lợi cho bản thân.

- Không sao. Ta là vì gia mẫu nên mới đi bái Phật. Gia mẫu đã dặn ta thấy chùa nhất định phải bái Phật và công đức.

Lục Thất bình thản nói.

Tăng nhân nọ chắp tay:

- Thí chủ đã có lòng thiện, xin hãy đợi, tiểu tăng đi mời Phương trượng.

Tăng nhân kia đi rồi, Tiểu Điệp mới nhỏ giọng lên tiếng:

- Thất Lang làm vậy cũng là đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi.

Lục Thất mỉm cười gật đầu:

- Ta lấy hiếu kính Phật, triều đình Chu quốc có biết cũng khó kết tội ta.

- Chàng không sợ sẽ chọc giận tới Chu Hoàng đế sao?

- Ta tự trị ở Hà Tây, ông ta còn nhẫn được, ta kính Phật một chút ông ta sẽ vẫn nhẫn nại thôi. Ông ta là một kẻ cực kỳ lý trí, nếu đã lợi dụng ta sẽ không dễ dàng vứt bỏ. Với tình thế hiện tại của Chu quốc, ông ta cần Tây Bộ yên ổn, cần ta giữ cân bằng giữa các thế lực quân thần khác. Có điều, ông ta nhường nhịn ta vẫn có giới hạn, một khi ta trở thành uy hiếp lớn thực sự, nhất định ông ta sẽ động sát cơ.

Tiểu Điệp gật đầu.

- Chu Hoàng đế là vị trí giả, có năng lực khống chế rất mạnh, chỉ có điều thủ đoạn trị quốc của ông ta hơi thiên về khuynh hướng mạnh mẽ, khiến cho lòng người nước Chu từ trên xuống dưới cũng không cam tâm. Thực ra ông ta cũng không nên diệt Phật, Phật học có thể trấn an lòng người, Nho học có thể nuôi dưỡng quan niệm tôn sư trung quân.

Nàng gật đầu, chợt tăng nhân dẫn đường ban nãy và Trụ trì bảo điện Đại Hùng bước tới. Sau khi bái chào, Trụ trì chừng năm mươi tuổi mỉm cười:

- Sư đệ Khánh Thủy của chùa Đông Thiền đã tới tệ tự, hóa ra Lục thí chủ chính là đại thiện nhân mà Khánh Thủy sư đệ đã nói.

- Thiền sư quá khen

Lục Thất mỉm cười đáp lại, sau đó được lão hòa thượng mời tới thiện phòng nói chuyện.