Kiêu Phong

Quyển 4 - Chương 6: Chiến lược




Mã Vân Lộc ngẩn ra nhìn Lục Thất, Lục Thất mỉm cười, nói:
- Ta sẽ chuyển hai vạn quân đến Gia Hưng, sau đó sẽ tiếp tục dùng thuyền chuyển ba vạn đại quân, tấn công ở đây, kết hợp tập kích đường thuỷ Thái Hồ, Tô Châu sẽ trong tình cảnh ba mặt tác chiến.

- Á!
Bốn tướng soái đều đột nhiên biến sắc. Lục Thất cười nói:
- Vì thế ta muốn hành động trước để khống chế đối phương, dụ địch đột kích, muốn để Chu Vương không kịp điều động năm vạn đại quân, thậm chí là nhiều quân lực hơn nữa.

Cả bốn tướng soái đều im lặng, đến lúc này họ đã hoàn toàn kính phục Lục Thất. Lục Thất nói không sai, Chu quốc hoàn toàn có thể hợp quân cùng với Việt quốc tiến đánh Tô Châu. Một khi Việt quân ở Gia Hưng nhận được sự giúp đỡ của Chu quân thì tất nhiên sẽ chuyển từ thế cố thủ sang tấn công, hơn nữa Việt quốc nhất định sẽ tiếp nhận viện quân của Chu quốc.

Lặng im trong chốc lát, Lục Thất nói:
- Nếu như kế dụ địch của ta không thành thì các ngươi thật sự phải đi thông thương với Chu quốc đó. Nhưng những lời nói khó nghe của ta là ở phía trước, nếu như các ngươi làm được thì chủ soái như ta sẽ không “keo kiệt”, nếu như các ngươi ‘lấy được cái không nên lấy’ thì ta quyết không dung túng.

- Vâng!
Bốn tướng soái đồng loạt đứng dậy chào theo nghi thức quân đội, đáp lại với cảnh cáo đó của Lục Thất.

Lục Thất gật đầu, xua tay bảo bọn họ ngồi xuống, Mã Vân Lộc hỏi:
- Chủ thượng! Nếu như kế dụ địch thành công thì quân lực của chúng ta có đủ dùng không?

Lục Thất bình thản nói:
- Cho dù Chu quốc đột kích ba vạn thì quân lực của chúng ta ở Tô Châu cũng rất khó ứng phó, cái chính là lòng quân và sức chiến đấu của quân đội không mạnh, tự xưng là mười vạn quân nhưng trên thực tế còn không bằng năm vạn quân của Ninh quốc. Vì vậy ta sẽ điều động hai vạn Trung phủ dũng của Thường Châu đến tham chiến, thậm chí sẽ bảo Trương Hồng Ba thỉnh cầu Giang Âm Hầu tham chiến.

Bốn tướng soái vẻ mặt thả lỏng hơn, gật đầu. Lục Thất lại bình thản nói:
- Ta đã từng hứa Trung phủ dũng sẽ không tham gia vào chiến sự Việt quốc, nếu như đối chiến với Chu quốc thì cũng không thể coi là thất tín với các tướng sĩ.

- Nếu như có viện chiến của hai vạn Trung phủ dũng thì quân lực của chúng ta sẽ chiếm ưu thế lớn. Hơn nữa thuộc hạ thấy, Giang Đô quân mà Chu quốc đóng tại Dương Châu sẽ không dám dời đi, quân tập kích đến nhiều nhất là ba vạn quân.
Mã Vân Lộc nói.

Lục Thất lắc đầu, nói:
- Ngươi nghĩ vậy là sai rồi! Theo ta thấy, xác suất Chu quốc điều động Giang Đô quân đến Tô Châu sẽ cao hơn Tĩnh Hải quân. Bởi vì Giang Đô quân phải đối phó là Trấn Hải quân của Đường quốc, Trấn Hải quân không có thánh chỉ của Đường Hoàng thì căn bản là không dám tự qua sông tập kích Dương Châu. Ngay ca khi xin thánh chỉ của Đường Hoàng thì Đường Hoàng cũng sẽ không cho phép Trấn Hải quân xuất kích đâu.

Mã Vân Lộc ngẩn ra, gật đầu nói:
- Là thuộc hạ đã xem thường Đường Hoàng là Hoàng đế không có chí tiến thủ!

Lục Thất như thoáng có chút suy nghĩ, một lát sau, nói:
- Nếu như Giang Đô quân thật sự dời khỏi Dương Châu, ngươi xem chúng ta có nên đi tập kích bất ngờ một trận không?

Mã Vân Lộc ngẩn ra, đáp:
- Cho dù tập kích thành công thì chúng ta cũng không chiếm được.

Lục Thất mỉm cười, nhìn Mã Vân Lộc hỏi:
- Dương Châu rất giàu phải không?

Mã Vân Lộc ngẩn người ra, tiếp đó cười khổ, nói:
- Tất nhiên là rất giàu, nếu như chỉ để cướp bóc thì tập kích bất ngờ cũng đáng.

Lục Thất gật đầu, nhếch mi mắt nói:
- Tốt lắm! Nếu như Giang Đô quân thật sự dời đi thì chúng ta sẽ đến Dương Châu phát tài, hơn nữa còn phải đánh cờ hiệu của Trấn Hải quân nữa.

Mã Vân Lộc giật mình gật đầu, y đã hiểu ý của Lục Thất. Hắn ta muốn cố ý khơi dậy căm thù của Chu quốc với nước cách sông như Đường Quốc. Nếu như Đường Quốc và Chu quốc xảy ra chiến trận thì Đường Hoàng sẽ càng muốn có Tô Châu và Thường Châu.

- Được rồi, chuyện dụ địch sẽ giao cả cho các ngươi. Thành công thì càng tốt, còn nếu thât bại cũng không phải suy sụp tinh thần. Nếu như Chu quân đến thì chúng ta sẽ hành động, nếu như Chu quân chậm trễ không đến thì cũng là thuận lợi cho chúng ta “cắm rễ” ở Tô Châu, tăng cường chỉnh đốn quân đội.
Lục Thất cười, nói.

Bốn tướng soái cũng thấy nhẹ nhõm, gật đầu đồng tình. Lục Thất lại suy nghĩ một chút, nói:
- Chu Vũ huynh là một soái tài! Nếu như Chu quốc thật sự đột kích thì ta sẽ để Chu huynh chủ trì chiến sự ở đây, các ngươi phải phối hợp tốt với huynh ấy!

Bốn tướng soái vẻ mặt bất ngờ nhìn nhau. Lục Thất cười, nói:
- Ta thích hợp đi đốc chiến ở Côn Sơn hơn, ta ở Côn Sơn thì Cố tướng quân và Trương Hồng Ba sẽ có thể hợp tác hết sức với nhau. Nếu như ở Côn Sơn mà tác chiến đơn độc thì sẽ rất nguy hiểm.

Bốn tướng soái chợt bừng tỉnh, gật đầu. Lục Thất lại nói:
- Lần này ta sẽ quay về, sau khi về ta sẽ hạ lệnh thành lập Vũ Dương quân phủ, do Chu Vũ huynh làm chủ soái, điều động đóng quân trung bộ và quân lực phòng ngự Đại Giang.

Bốn tướng soái ngẩn ra, Mã Vân Lộc nói:
- Chủ thượng! Nếu như thành lập Vũ Dương quân phủ thì chẳng phải là sẽ gây xung đột với Vân Huy quân phủ về tiết chế quân quyền sao?

- Không xung đột đâu, tiết chế quân quyền của Vũ Dương quân phủ thấp hơn so với Vân Huy quân phủ. Nếu như Vân Huy quân phủ là soái thì Vũ Dương quân phủ là phó soái, hơn nữa Vũ Dương quân phủ không thể công khai, chỉ có thể âm thầm chủ trì cuộc chiến phòng ngự Đại Giang. Trên thực tế, Chu Vũ huynh không đủ để nổi danh, chỉ khi chúng ta hoàn toàn có thể chống lại Đường quốc và Việt quốc thì Vũ Dương quân phủ mới có thể công khai với thiên hạ.
Lục Thất giải thích nói.

Bốn tướng soái hiểu được liền gật đầu, bọn họ hiểu rằng, Vũ Dương quân phủ trên thực tế chính là để phòng ngự Đại Giang, khi tác chiến sẽ là soái phủ, còn nếu như lần này dụ địch thành công thì quả thật sẽ cần toàn cục chiến lược quân phủ. Nhưng một khi không xảy ra chiến sự, vậy thì Vũ Dương quân phủ cũng giống như Chiết Xung phủ, chỉ tiết chế quân dự bị.

Lục Thất rời khỏi Tào Vương bảo, hắn không đến Hải Ngu quân mà quay về Ngô huyện. Về đến Ngô huyện hắn lập tức dùng danh nghĩa của Quy Đức quân phủ, nói cho Trương Hồng Ba suy nghĩ chiến lược của mình.

Sáng sớm hôm sau, Trương Hồng Ba trả lời Lục Thất. Y ủng hộ chiến lược của Lục Thất, ủng hộ xây dựng chế độ tiết chế quân dự bị của Vũ Dương quân phủ, cũng bày tỏ niềm tin sẽ ngăn cản được tấn công của sáu vạn đại quân và lập tức tăng cường chuẩn bị chiến đấu.

Lục Thất lại gửi thư cho Chu Vũ, một ngày sau cũng nhận được chiến lược chắc chắn của Chu Vũ. Nhưng Chu Vũ cũng kiến nghị hiện giờ Trung phủ dũng luân phiên nhau ‘lẻn vào’ Tô Châu, cuối cùng chỉ giữ lại năm nghìn Trung phủ dũng để làm tai mắt thôi.

Chu Vũ nói, hiện giờ không thể trông cậy vào Vạn Bân quy thuận, mặt khác cũng nói, nếu Chu quốc không bị lay động thì phải dứt khoát hợp binh lực đi chiếm Gia Hưng. Hiện giờ Tô Châu rất cần khích lệ chiến thắng, phải mau chóng ngưng tụ lòng quân quy thuộc.

Đối với kiến nghị chủ động xuất binh chiếm Gia Hưng, Lục Thất lại rất bảo thủ. Hắn cho rằng như vậy sẽ tạo hậu quả “cây to đón gió”. Một khi chiếm Gia Hưng, vậy chiến tuyến sẽ mở rộng hơn, cũng sẽ dẫn đến Việt quốc hoảng sợ mà lao đến, và cũng dẫn đến sự chú ý của Đường Hoàng. Sách lược tốt nhất với Tô Châu giờ đây vẫn là yên lặng tích thế.

Trong khi có được nhận thức chung của hai đại soái thì tờ trình của Mã Vân Lộc cũng đến được Ngô huyện. Nói rằng thương nhân Chu quốc bị giam và hai mươi tư chiếc thuyền đều đã được thả ra. Đồng thời trong lúc thương nhân ở đó, điều động bốn nghìn tướng sĩ, còn cố ý để tướng sĩ tiết lộ quân mật, nói Trương Hồng Ba muốn tập kết quân lực tiến công Gia Hưng, đồng thời để tướng sĩ vận chuyển gạo đến bến tàu, làm ra vẻ vội vàng muốn giao thương với Chu quốc.

Lục Thất rất hài lòng, bắt đầu âm thầm tập kết quân lực ở phía đông nam của hồ Dương Trừng, thậm chí hắn còn điều động năm nghìn Dương Trừng quân đang cố thủ Ngô huyện đến đóng ở biên giới đông nam Ngô huyện. Nếu như Chu quốc không đến thì coi như là một lần diễn tập điều quân quy mô lớn.

Nhưng ngay ngày hôm sau khi Lục Thất hạ lệnh điều quân thì một người đưa thư của Chu Vũ đến cấp báo, nói cho Lục Thất một phát hiện vô cùng quan trọng. Thì ra sau khi xem xong chiến lược của Lục Thất, Chu Vũ đã phái hai thám báo đến thăm dò động tĩnh của Giang Bắc Chu quốc.

Thám báo cưỡi khoái mã ra Thường Châu, sau khi đột nhập vào Nhuận Châu đến thượng du Kinh Khẩu, mua được một chiếc thuyền theo hướng bờ Giang Bắc, thuận đường đi xuôi dòng khi có thể nhìn rõ tình hình, kết quả là phát hiện bến tàu Giang Bắc không có một chiếc thuyền nào, nếu có thì cũng chỉ là thuyền đánh cá nhỏ. Đến nay một thám báo đã lẻn vào Giang Bắc thăm dò, một thám báo khác lại chèo thuyền trở về, từ bến tàu Giang Âm quay về cấp báo.

Lục Thất nghe xong cấp báo thì vô cùng kinh hãi. Hắn muốn bày trí để dụ Chu quốc đột kích nhưng hiện giờ biết được Dương Châu không có bóng thuyền nào, hắn lập tức nhận ra, rất có thể thuỷ quân Giang Đô ở Dương Châu đã trong quá trình vận chuyển đi, vậy thì những thuyền quân đó có thể đi đâu?

Lục Thất lập tức gửi thư cho Trương Hồng Ba, nói rõ sự thực thăm dò được để Trương Hồng Ba lập tức phái thám báo tinh nhuệ đến Hàng Châu xem, có phải là Chu quốc đang dời binh đến Hàng Châu không? Nhưng chỉ có thể nói cho thám báo là thăm dò thông thường, không được tiết lộ là đã biết thuyền của Giang Đô quân không còn ở nơi dừng chân nữa.

Nửa ngày sau, Trương Hồng Ba hồi âm, nói đã phái thám báo đến Hàng Châu thăm dò, lại nói nếu như Chu quốc thật sự lặng lẽ dời binh thì tình thế phòng ngự ở Côn Sơn sẽ vô cùng nguy hiểm. Chu quốc và Việt quốc tất nhiên là đang tập kết quân lực hùng hậu nhất của mình, phỏng chừng có thể đạt tới trên mười vạn quân.