Kiều Nương Xuân Khuê

Chương 73: Heo Biểu Ca Khóc




Editor: Trà Xanh

Đổng Bích Thanh mới gả đến đây, A Kiều và Thúy Nương hầu như ngày nào cũng nghe Kim thị chỉ chó mắng mèo, khi thì mắng nha đầu Xuân Lan và Đông Mai lười biếng không nghe lời sai bảo, khi thì mắng ma ma đầu bếp không nghe lời bà, nấu cơm theo khẩu vị quá nặng, bà không thích ăn. Đổng Bích Thanh rất ít nói chuyện, nhưng nàng càng không nói, Kim thị càng tức giận, đã vậy hai cha con Chu Sưởng đều thấy bà quá phiền, không ai đứng về phía Kim thị.

Thúy Nương giả vờ đi ngang trước cửa Chu gia vài lần, thấy bộ dáng Kim thị tức muốn hộc máu, Thúy Nương chạy về vui vẻ thuật lại cho A Kiều.

Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu của Kim thị đã trở thành đề tài câu chuyện tán dóc của A Kiều và Thúy Nương.

Tuy nhiên, sự ồn ào bên Chu gia mau chóng kết thúc.

Ngày thứ ba sau khi lại mặt, Đổng Bích Thanh đột nhiên đề nghị muốn đưa Chu Thời Dụ và bọn nha hoàn dọn đến căn nhà hồi môn của nàng, lý do rất chính đáng rằng có quá nhiều người ở Chu gia, Kim thị còn mỗi ngày ầm ĩ, làm sao Chu Thời Dụ an tâm đọc sách chuẩn bị cho kỳ thi mùa thu vào ba năm sau? Chu Thời Dụ cần một thư phòng rộng rãi, sáng sủa và yên tĩnh, một mình hắn dọn đến đó cũng không được, cần thê tử chăm lo cuộc sống hàng ngày, cần nha hoàn quét dọn phòng và sân, Đổng Bích Thanh là người đi theo hắn thích hợp nhất, khi nào Chu Thời Dụ đậu cử nhân, hai vợ chồng sẽ dọn về, vào ngày lễ ngày tết, hai vợ chồng cũng sẽ về Chu gia.

Không phải phân gia, nhưng cũng không khác là bao, vì lý do rất êm tai.

Lúc đó Kim thị suýt nữa lật bàn, kiên quyết phản đối, muốn dọn cũng được, cả nhà cùng dọn.

Đổng Bích Thanh nhàn nhạt nói: “Tòa nhà quá nhỏ, không chứa hết mọi người được, hơn nữa dọn ra là để phu quân yên tâm đọc sách, nhiều người sẽ rối loạn.”

Nàng nói một câu, Kim thị có thể phản bác lại mười câu.

Đổng Bích Thanh đã sớm thuyết phục Chu Thời Dụ, lúc này nàng không cãi nhau với Kim thị, kính cẩn thỉnh công công Chu Sưởng làm chủ.

Chu Sưởng vẫn cúi đầu.

Ông chỉ có một mình Chu Thời Dụ là nhi tử, Chu Sưởng không muốn gia đình chia rẽ, để nhi tử dọn ra ngoài sống, tình cảm phụ tử sẽ bị phai nhạt. Nhưng con dâu dọn đi, ngoài việc muốn tránh mặt bà bà tồi tệ như Kim thị còn vì nhi tử, Chu Sưởng bị kẹp ở giữa Kim thị và cháu gái hơn một năm, hiểu rõ tình thế khó xử dày vò, bây giờ đổi thành nhi tử bị kẹp ở giữa mẫu thân và tức phụ thì làm sao có tâm tình đọc sách?

Chu Sưởng đặt nhiều hy vọng vào kỳ thi của nhi tử, chỉ cần nhi tử có thể yên tâm đọc sách, tạm thời tách ra ba năm thì có sao đâu? Nếu con dâu có thể thúc giục nhi tử chăm chỉ đọc sách, được ghi tên bảng vàng vào kỳ thi mùa thu ba năm sau, ông sẽ biết ơn con dâu!

Chu Sưởng đã thỏa hiệp, đêm đó tận tình khuyên bảo khuyên Kim thị hơn nửa đêm. Nhi tử đọc sách quan trọng hơn, muốn được phong quan phải nhờ cậy Đổng gia cũng là sự thật, Chu Sưởng khuyên Kim thị nhìn xa trông rộng một chút, đừng vừa cầu Đổng gia vừa khó khăn với con dâu, tương lai nhi tử làm quan, cả nhà lại ở chung một chỗ, nhà mình không cần dựa vào Đổng gia chuyện gì, Kim thị lại lên mặt mẹ chồng cũng không muộn.

Để thuyết phục Kim thị, Chu Sưởng đành phải chọn những gì Kim thị thích nghe.

“Nàng không đồng ý, lại ngứa mắt con dâu, hai người cả ngày cãi tới cãi lui, làm sao nhi tử thi đậu được?”

Lời nói này lay chuyển được Kim thị.

Nhưng Kim thị vẫn tức muốn chết: “Bọn họ sống tốt, ta chẳng hưởng thụ được chút gì, ta không cam lòng!”

Chu Sưởng cố gắng nén giận: “Trong nhà còn tiền, chúng ta không cần chu cấp học phí cho Thời Dụ, nàng lấy năm lượng mua một tiểu nha hoàn, nha hoàn do mình mua thì tùy ý nàng sai bảo.”

Kim thị nào muốn xài bạc của mình, nên ám chỉ Đổng Bích Thanh, có thể dọn đi, con dâu không thể làm tròn chữ hiếu trước mặt cha mẹ chồng thì để lại nha hoàn cho có vẻ cũng được.

Đổng Bích Thanh hiểu ra, về nhà thương lượng với Đổng thái thái, hào phóng tặng cha chồng hai hạ nhân, một bà tử hơn bốn mươi tuổi chuyên nấu cơm, một nha hoàn xinh xắn mười sáu tuổi hầu hạ cha mẹ chồng, nhưng giấy tờ bán mình vẫn nằm trong tay Đổng Bích Thanh.

Kim thị được lợi, lại có thể diện, phu thê Đổng Bích Thanh và Chu Thời Dụ  vừa dọn đi, Kim thị lập tức ra ngoài khoe khoang nói con dâu hiền huệ và hiếu thảo, nàng đến biệt viện hầu hạ để nhi tử yên tâm đọc sách, sợ không có ai phụng dưỡng nhị lão nên cố ý mua hai hạ nhân mới, cố tình che giấu chuyện bà và con dâu khắc khẩu, kể lể cuộc sống nhà mình rất thoải mái dễ chịu.

Ai không rõ thì tin là thật, chỉ có láng giềng hai bên Chu gia mới biết được tình hình thực tế giữa mẹ chồng và nàng dâu thế nào.

Đối với việc Đổng Bích Thanh và Chu Thời Dụ dọn ra, Thúy Nương tiếc nuối: “Đáng tiếc không còn kịch để nghe.”

A Kiều thì sao cũng được. Nàng vui sướng khi Kim thị bị Đổng Bích Thanh trấn áp gắt gao, hiện giờ Kim thị không có nhi tử yêu quý nhất của bà, bề ngoài thoải mái nhưng trong lòng đau khổ, gia đình Cậu lại có được sự yên bình, A Kiều rất hài lòng với kết quả này.

Trung thu sắp tới, nha môn bắt đầu nghỉ vào ngày 13 tháng 8, đóng cửa bốn ngày, ngày 17 tháng 8 mới mở lại.

Triệu Yến Bình có cuộc xã giao vào ngày 13 tháng 8, đến ngày 14 mới đánh xe ngựa đến Thẩm Gia Câu tặng quà ngày lễ cho mẫu thân, sẵn tiện đón lão thái thái. Đó là tổ mẫu ruột của hắn, tuổi đã cao, Triệu Yến Bình không yên tâm để lão thái thái ở bên ngoài. Theo lời Thẩm Anh, tứ hợp viện của Đan Dung đã xây xong hôm đầu tháng, có tiền có nhan sắc, hôn sự chắc cũng sắp xong.

Sự thật là vậy, Triệu Lương và Đan Dung thành thân chỉ sau Chu Thời Dụ ba ngày, khi Triệu Yến Bình đến, vợ chồng son Triệu Lương đã là người một nhà, hơn nữa còn hợp lực khiến cho Triệu nhị thúc và Triệu nhị thẩm vô cùng tức giận.

Triệu lão thái thái lúc này đã muốn quay về, vừa dửng dưng xem đứa con bất hiếu bị con dâu chê cười, vừa thu dọn đồ đạc, chờ đại tôn tử từ huyện thành tới đón bà. Bà tự mình đi, lại tự mình về, truyền ra ngoài sẽ bị người khác cười nhạo. Trung thu đã qua, Triệu lão thái thái không tin đại tôn tử thật sự nhẫn tâm bỏ mặc bà.

Ngoài đường vang tiếng người trong thôn chào hỏi tôn tử, Triệu lão thái thái cười, nhưng vẫn ngồi trong phòng đóng đế giày cho tôn tử.

Triệu Yến Bình mới từ Thẩm gia đến đây, trên đường đã nghe nói về cuộc hôn nhân giữa Đan Dung và Triệu Lương.

Nếu Đan Dung gả cho người khác, Triệu Yến Bình vẫn phải lo lắng chuyện Đan Dung gặp rắc rối trong tương lai, nhà trai đến tìm lão thái thái gây rắc rối vì đã làm mai, bây giờ Đan Dung gả cho Triệu Lương, Triệu Yến Bình ngược lại không cần lo gì. Triệu Lương không phải người lương thiện, Đan Dung cũng không phải là người thành thật, tùy hai người bọn họ sống thế nào, tương lai nếu vợ chồng không hòa thuận, Đan Dung không dám đến tìm hắn, Triệu Lương càng không có gan.

Hôn sự này của Đan Dung hoàn toàn không liên quan gì đến hắn.

Ngừng xe ngựa, Triệu Yến Bình đi thẳng vào nhà cũ của mình. Vào nhà thấy lão thái thái đang làm giày cho hắn, một đôi đế giày sắp xong, Triệu Yến Bình nhíu mày nói: “Đã nói nhiều lần rồi, người tuổi đã lớn, không cần làm những việc này.”

Triệu lão thái thái hừ: “Không phải làm cho con, ta rảnh rỗi không có việc chi nên làm mấy đôi đế giày để Thu Nguyệt cầm đi bán, kiếm một chút để con khỏi nói ta lợi dụng người khác và không vừa mắt.”

Đây là muốn lật lại khoản bạc cũ của Đan Dung, việc đã đến nước này, Triệu Yến Bình chẳng muốn cãi nhau nữa, hắn mở tủ quần áo, thấy đồ đạc của lão thái thái gần như đã được dọn hết, Triệu Yến Bình xách tay nải và nói: “Về nhà đi, A Kiều đã dọn tây phòng vài lần rồi, ngày mai chúng ta cùng nhau ăn tết.”

Triệu lão thái thái thấy tôn tử không bắt bà trả lại bạc cho Đan Dung, nhận lấy sự chuyển biến tốt này, bà nhét đế giày vào, ngoan ngoãn ngồi lên xe ngựa cứng ngắc.

Trên đường rời thôn, người qua đường cười chào hỏi Triệu lão thái thái, Triệu lão thái thái cười tủm tỉm nói bà vốn định ở quê thêm vài ngày, nhưng tôn tử sợ bà tự mình nấu cơm khổ cực nên nhất định đón bà về.

Triệu Yến Bình yên lặng đánh xe, lão thái thái bịa chuyện như vậy khiến Triệu Yến Bình nghĩ tới những chuyện về Kim thị từ miệng Thúy Nương.

Có đôi khi, lão thái thái rất giống Kim thị.

Ra khỏi Thẩm Gia Câu, Triệu lão thái thái thấy hai bên trái phải không có ai, bà dịch đến phía sau tôn tử đang đánh xe, nhỏ giọng hỏi thăm việc buôn bán của A Kiều.

Triệu Yến Bình biết ý định của lão thái thái, nhưng chuyện này không có cách nào giấu, cho dù Quách Hưng và Thu Nguyệt nói dối lừa lão thái thái rằng buôn bán không được, chỉ cần lão thái thái tự mình đi ra bờ sông quan sát, lời nói dối sẽ bị bại lộ.

Triệu Yến Bình chỉ có thể nói thật: “… Người yên tâm, A Kiều đều nhớ chia lời, đã chia phần của người trong hai tháng này, nàng còn mua cho người một cái lược sừng trâu, nói rằng lão nhân dùng lược sừng trâu chải đầu có thể kéo dài tuổi thọ.”

Triệu lão thái thái ganh tị với công việc kinh doanh của A Kiều, trách móc tôn tử: “Tại con lúc trước cứ đòi đưa Thu Nguyệt về phủ thành, nếu con không nói, bây giờ chúng ta có thể lấy được một nửa.”

Triệu Yến Bình không vui: “Người so đo chuyện này để làm gì? A Kiều là người của ta, nàng kiếm bạc cũng chưa từng xài cho bản thân, nhưng lại thường xuyên hiếu kính người, cũng xài tiền mua đồ cho ta, tổ mẫu cứ khăng khăng tính toán với nàng như người ngoài, là muốn gia đình chúng ta tan rã giống Chu gia hay sao?”

Triệu lão thái thái động lòng, nghi ngờ hỏi: “Chu gia phân tán? Chu gia tan rã ra sao?”

Triệu Yến Bình cố tình muốn đánh lạc hướng sự chú ý của lão thái thái, vì vậy kể cho lão thái thái tất cả mọi chuyện về Chu gia mà hắn đã nghe từ Thúy Nương và A Kiều.

Nghe tin Kim thị xui xẻo, Triệu lão thái thái cười suýt rụng răng, không còn tham bạc của A Kiều, chỉ trông mong mau về nhà để cười nhạo Kim thị.

Lộ trình xa xôi, xe ngựa cũng chậm, hai tổ tôn đến chiều mới tới nhà.

Lúc này, phu thê Đổng Bích Thanh và Chu Thời Dụ tạm thời trở về Chu gia, đợi đến ngày 16 tháng 8 mới rời đi.

Tuy rằng mới xa ba bốn ngày nhưng Kim thị nhớ nhi tử, khi nhi tử và con dâu về, Kim thị đánh giá nhi tử trước, thấy vẻ mặt nhi tử buồn bực, ánh mắt như có lý do gì đó khó nói.

Kim thị ngạc nhiên, bảo Đổng Bích Thanh dẫn bọn nha hoàn đi dọn dẹp tây sương phòng, bà kéo nhi tử ra hậu viện, yêu cầu nữ nhi Chu Song Song ở phía trước canh chừng, phòng ngừa Đổng Bích Thanh đột nhiên đến đây.

“Thời Dụ, sao con có biểu tình này, ở bên kia không thoải mái hay sao?” Kim thị sốt ruột hỏi.

Chu Thời Dụ nhìn phụ thân.

Chu Sưởng nhíu mày: “Có gì cần thì con cứ nói đừng ngại, Bích Thanh có tiền, nhưng nếu nàng ỷ vào đó bắt nạt người khác, dù con đắn đo, Chu gia chúng ta cũng không chấp nhận nàng.”

Chu Thời Dụ chỉ chờ những lời này của cha, nghe vậy lập tức tố khổ: “Nàng thật ra không có khinh con, chỉ bắt con vào thư phòng đọc sách cả ngày. Con muốn ra ngoài đi dạo thì nàng đều hỏi lý do, không cho đi dạo, không được gặp bạn bè không có công danh, còn vứt bỏ một ít sách giải trí của con trước kia, mua một đống bút ký của mọi người cho con, mỗi ngày nhàm chán trong thư phòng, con nghẹn muốn bệnh luôn.”

Kim thị đau lòng, nổi giận: “Nàng đối xử với con như vậy à!”

Kim thị muốn tìm Đổng Bích Thanh tính sổ, Chu Sưởng giữ chặt bà, trái lại răn đe nhi tử: “Con đang hưởng phúc mà không biết quý, nhiều học sinh nhà nghèo muốn mua sách đều không mua nổi, huống chi con còn có được một thư phòng rộng rãi sáng sủa, Bích Thanh thúc giục con không phải là vì tốt cho con hay sao, tuy con đậu tú tài nhưng chỉ là may mắn, ba năm nay phải cố gắng chăm chỉ đọc sách, Bích Thanh hiền thục như thế là phúc khí của Chu gia chúng ta!”

Kim thị sửng sốt, con dâu bắt nhi tử đọc sách là chuyện tốt?

Chu Thời Dụ vội la lên: “Nhưng cũng không cần canh con chặt chẽ giống phạm nhân như vậy, con đi ra ngoài làm gì đều phải báo cáo với nàng…”

Chu Sưởng hỏi ngược lại hắn: “Con có chuyện gì phải đi ra ngoài?”

Chu Thời Dụ né tránh ánh mắt của ông, chuyện gì à, thật vất vả mới có bạc trong tay, hắn muốn đi hưởng thụ sự sung sướng.

Chu Sưởng thấy vậy, cười chế nhạo: “Chuyện không đứng đắn, Bích Thanh quản con là đúng rồi, sau này đừng phàn nàn chuyện này, không có tiền đồ!”