Kiều Nương Xuân Khuê

Chương 130: Giàu Sang Có, Vinh Quang Cũng Tới!




Editor: Trà Xanh

Sau khi mua đất, A Kiều lập tức trở nên bận rộn.

Triệu Yến Bình đi làm việc ban ngày, A Kiều đưa bà mẫu đến xem 30 mẫu ruộng.

30 mẫu ruộng màu mỡ, ban đầu trồng bắp, đậu phộng tươi tốt, lúc này vô cùng xơ xác, bắp hoàn toàn hư hại, đậu phộng chôn dưới đất tuy có thể bảo quản được, nhưng đậu phộng còn chưa chín, đào ra ăn không ngon mà bán cũng không được.

Vụ thu hoạch năm nay của 30 mẫu hoa màu này xem như hoàn toàn bị huỷ hoại.

Khi Thi gia phá đất, các tá điền đã làm ầm ĩ, bởi vì thu hoạch năm nay đối với Thi gia hoặc Hoàng thị chỉ là tổn thất một ít bạc, đối với tá điền dựa vào đất để kiếm cơm, không có thu hoạch có nghĩa cả năm không có đồ ăn, không cẩn thận sẽ chết người. Các tá điền chạy tới trước cửa nhà Hoàng thị làm ầm ĩ, lúc ấy Hoàng thị đã bị Thi tam thiếu gia khống chế, của cải cũng bị Thi tam thiếu gia lấy. May mắn thay, Thi tam thiếu gia không muốn gây to chuyện nên đã trợ cấp bạc cho các tá điền, xoa dịu trận bão này.

Khi A Kiều mua đất, chẳng những lấy được khế đất, còn có được tên chủ hộ của các tá điền, tổng cộng có mười hai hộ tá điền, đều sống trong thôn trang gần 30 mẫu đất, trang đầu là nông dân họ Diệp khoảng bốn mươi tuổi. A Kiều bảo Quách Hưng đến chào hỏi Diệp trang đầu trước, hôm nay nàng tới xem đất, Diệp trang đầu cũng dẫn người đứng đầu của mười một hộ tá điền khác đến.

Hoàng thị biết rõ các tá điền, nàng biết ơn Triệu Yến Bình và A Kiều nên nói cho A Kiều biết, các tá điền này là những người trung thực và nhân hậu mà nàng đã từ từ lựa chọn trong mấy năm nay, không lười biếng hoặc sử dụng mánh lới, nếu A Kiều tin, có thể tiếp tục dùng họ.

A Kiều đội mũ có rèm, thấy nhiều tá điền tuy đã cầm bạc bồi thường, lúc này đối mặt với hoa màu bị phá hủy vẫn đỏ mắt, nàng biết các tá điền này có cảm tình với mảnh đất họ chăm sóc. Trên đời này, biết yêu quý đất đai là nông dân cần cù và thật thà, A Kiều đã thương lượng với bà mẫu, quyết định tiếp tục dùng những người này.

Sau khi ký hợp đồng thuê đất, A Kiều hỏi Diệp trang đầu: “Hiện giờ trời vẫn còn nóng, không còn kịp trồng lại hoa màu, nếu trồng cải trắng, có thể thu hoạch trước khi trồng lúa mì mùa đông không?”

Diệp trang đầu rất vui khi chủ tử mới nghĩ biện pháp khắc phục, ông nói: “Có thể, chúng ta nắm chắc thời gian để dọn dẹp đồng ruộng, vừa thu hoạch vừa trồng trọt, chỉ sợ trồng một lúc 30 mẫu cải trắng, đến lúc thu hoạch sẽ bán không được.”

A Kiều mỉm cười: “Các ngươi chỉ lo trồng, đến lúc đó đào thêm vài cái hầm để chứa cải trắng, đến tháng giêng và tháng hai sang năm, mọi nhà chưa có đồ ăn thì cải trắng tươi của chúng ta nhất định bán được.”

Phương bắc không so được với Giang Nam, một năm bốn mùa đều có rau tươi, từ cuối mùa thu đến mùa xuân ấm áp của tháng 3 và tháng 4 năm sau đều chủ yếu ăn cải trắng hoặc củ cải, ngoại trừ gia đình giàu có tự mình dựng nhà ấm, có thể nuôi được đồ ăn tươi mới.

A Kiều đưa bạc cho Diệp trang đầu, bảo ông đi mua các loại hạt giống, khi đợt cải trắng được mùa, nàng và các tá điền chia đôi.

Các tá điền sợ chậm trễ công việc nên gọi tất cả bà con nhàn rỗi đến, trong vòng ba ngày đã thu dọn sạch sẽ 30 mẫu đất hoa màu hư hại, lại dành thêm ba ngày trồng trọt các loại rau, khi A Kiều đến xem, 30 mẫu đất đã trở nên gọn gàng, chỉ chờ cải trắng nảy mầm chui từ dưới đất lên.

Trong lúc A Kiều bận rộn đồng ruộng của mình, quan viên ở Thái Thường Tự cuối cùng đã dành thời gian để điều tra rõ tình huống của A Kiều và Liễu thị.

Sau vụ án khi quân của trắc phi Tuyên Vương, nhiều gia đình ở kinh thành chú ý đến Triệu Yến Bình. Một khi bị người ta để ý, cho dù huyện Võ An cách kinh thành xa ngàn dặm, có người cố ý nghe ngóng, có người lui tới với thương nhân, tình huống của Triệu gia vẫn bị thăm dò rõ ràng, đặc biệt là sau khi Triệu Yến Bình cưới A Kiều, quá khứ của A Kiều cũng bị đào ra.

Triệu Yến Bình biết chuyện này không giấu được người khác, chính hắn đã viết ngắn gọn rõ ràng trong sổ con.

Sau khi Thái Thường Tự tìm hiểu và xác minh, chia làm hai phe, một phe cảm thấy có thể chấp thuận sổ con của Triệu Yến Bình, một phe cảm thấy không được.

Tả thiếu khanh cho rằng Liễu thị tái hôn khi Triệu Yến Bình 6 tuổi, trượng phu thứ hai qua đời mới đến nhờ cậy nhi tử đã trưởng thành, Liễu thị cơ bản không thực hiện nghĩa vụ nuôi nấng nhi tử, còn do bà tái hôn đã gián tiếp khiến trưởng nữ mất tích. Một người không muốn thủ tiết cho người chồng đã khuất, một mẫu thân không làm tròn trách nhiệm nuôi nấng con cái, vì sao muốn mẫu bằng tử quý?

Về phần thê tử Mạnh thị hiện tại của Triệu Yến Bình, đã từng lưu lạc chốn thanh lâu, cơ thể đã hỏng không thể sinh con, vứt bỏ Triệu Yến Bình để vào kinh nhờ cậy cô mẫu là phu nhân nhà quan, sau khi Triệu Yến Bình thăng quan phát tài mới đồng ý lời cầu hôn của Triệu Yến Bình, nếu loại nữ tử phong trần thấy lợi nên quên tình nghĩa này được phong cáo mệnh, đúng là sỉ nhục các cáo mệnh phu nhân tài đức vẹn toàn khác.

Hữu thiếu khanh phản đối: “Triệu Yến Bình viết rõ trong sổ con, khi hắn còn nhỏ thì gia đình rất nghèo, nếu mẫu thân không tái hôn, cả nhà đều bị chết đói, Liễu thị hoàn toàn vì hai đứa con mới miễn cưỡng tái hôn, dùng sính lễ của mình để đổi lấy sự ấm no cho hai đứa nhỏ. Khi Triệu Yến Bình vào kinh làm quan, Liễu thị chu cấp lộ phí cho hắn, sau khi vào kinh Liễu thị xử lý tất cả chi tiêu, phụ nhân xuất thân nghèo khổ có thể làm được như thế đã không dễ dàng, ngươi khinh thường bà tái hôn, chẳng lẽ muốn bà thủ tiết cho người chồng đã khuất, để cả nhà chết đói, như vậy mới gọi là phụ đức à?”

“Còn Mạnh thị, nàng vốn xuất thân từ gia đình thư hương, là tiểu thư nhà quan, bởi vì một vụ án bị oan, cha mẹ qua đời mới sống nhờ ở nhà Cậu. Người Mợ thất đức đã lén bán nàng, nàng còn nhỏ thì làm được gì? Tuy nàng lưu lạc phong trần, ở trong bùn nhưng không bị nhiễm bùn, hiếu thảo đối với Triệu lão thái thái, có lòng tốt đối với tỳ nữ có số khổ. Lần đầu tiên Triệu Yến Bình cầu hôn, nàng từ chối vì muốn tốt cho Triệu Yến Bình, một nữ nhân hiền đức như thế, Triệu Yến Bình thà rằng cả đời không có con cũng muốn cưới nàng, ngươi trách móc nàng nặng nề bởi vì nàng sinh không được, quá cổ hủ!”

Tả thiếu khanh giận dữ: “Ngươi và ta cãi nhau thì cứ cãi, ngươi mắng ta làm gì?”

Hữu thiếu khanh: “Nếu ngươi không cổ hủ mới tính là ta mắng ngươi, ngươi vốn cổ hủ, ta chỉ nói thật mà thôi.”

Tả thiếu khanh thổi râu: “Ngươi bớt giả vờ làm quân tử đi, toàn bộ Thái Thường Tự đều biết ngươi có quan hệ tốt với Lư Chấp, Lư Chấp là nhi tử của Lư thái công, Triệu Yến Bình là đệ tử của Lư thái công, đương nhiên ngươi nói giúp Triệu Yến Bình, lấy việc công làm việc tư, còn dám chỉ trích ta cổ hủ!”

Hữu thiếu khanh trừng mắt: “Ngươi nói ta lấy việc công làm việc tư, vậy ngươi thì sao? Lệnh đường sinh ra ngươi, lập công cho Lý gia, đáng tiếc lệnh đường đã từng trộm đồ của chị em dâu, có hành vi thất đức, không thể được phong cáo mệnh, ngươi ghen tị với Triệu Yến Bình có thể xin cáo mệnh cho mẫu thân, lấy ra lý do cổ hủ nào là tái hôn, không có con, nhưng ngươi đừng quên, phụ nữ được phong cáo mệnh, chỉ cần có đức có tài, sinh được nhi tử hay không thì tính cái rắm gì!”

“Ngươi, ngươi dám thốt ra những lời bẩn thỉu! Đại nhân, thỉnh đại nhân bình luận!”

Tả thiếu khanh nói không lại hữu thiếu khanh, quay đầu thỉnh Thái Thường Tự Khanh làm chủ cho hắn.

Thái Thường Tự Khanh cảm thấy hai người nói đều có lý, hai quan viên vốn nên coi trọng lễ pháp nhất lại cãi nhau đỏ mặt tía tai vì Triệu Yến Bình, ông nghiêng về ai đều bị người kia trách móc. Thái Thường Tự Khanh là người hiền lành, không muốn mất lòng người khác, ông sờ râu và nói: “Thôi, ta đi thỉnh Hoàng Thượng làm chủ.”

Vì thế, Thái Thường Tự Khanh cầm sổ con đi cầu kiến Thuần Khánh Đế.

Thuần Khánh Đế gặp Thái Thường Tự Khanh ở Ngự Thư Phòng.

Thái Thường Tự Khanh trình hai sổ con của Triệu Yến Bình.

Thuần Khánh Đế đã từng đọc bản tường thuật vụ án của Triệu Yến Bình, dùng từ chính xác ngắn gọn, không có một chữ nào dư thừa hoặc câu nào vô nghĩa, nhưng Triệu Yến Bình không phải xuất thân từ thi cử, khi còn bé không đọc sách nhiều lắm, chắc cũng không luyện chữ, chữ viết có nét mạnh mẽ nhưng tuyệt đối không đẹp.

Mở ra sổ con đầu tiên của Triệu Yến Bình, Thuần Khánh Đế ngẩn người, chữ lít nha lít nhít đầy rẫy, viết thật nhiều!

Sổ con đầu tiên là xin cáo mệnh cho Liễu thị, trước tiên trình bày năm xưa Liễu thị tái hôn vì bất đắc dĩ, sau đó còn nói Liễu thị rất yêu thương và quan tâm hắn.

Sổ thứ hai là vì A Kiều, bởi vì kích thước của sổ con có hạn, Triệu Yến Bình viết nhiều nên chữ càng nhỏ, Thuần Khánh Đế phải cầm sổ con bằng hai tay, nheo mắt đọc cẩn thận. Đọc được vài dòng, Thuần Khánh Đế mỏi mắt, đặt sổ con xuống, một tay bóp trán, một tay ném sổ con qua một bên.

Động tác và vẻ mặt như vậy, Thái Thường Tự đã hiểu, Hoàng Thượng tám phần sẽ không đồng ý thỉnh phong của Triệu Yến Bình.

Không ngờ Thuần Khánh Đế cầm lấy ngọc tỷ, đóng dấu vào hai sổ con.

Thái Thường Tự thầm giật mình.

Cao công công cũng thấy kỳ lạ, đợi Thái Thường Tự cầm hai sổ con rời đi, Cao công công mới cười hỏi: “Hoàng Thượng chưa xem xong sổ con của Triệu đại nhân, sao đã chuẩn thỉnh phong của hắn?”

Thuần Khánh Đế lắc đầu, nhìn Cao công công nói: “Hắn viết chữ nhỏ như kiến, trẫm đọc mệt quá, nhưng chỉ đọc phần mở đầu mà da đã tê rần, nếu trẫm đọc hết, chắc da gà rớt đầy đất.”

Thuần Khánh Đế đã biết rõ chuyện Triệu gia, chuyện phong cáo mệnh, ông chỉ muốn nhìn xem thần tử có bản lĩnh hay không, chỉ cần thần tử có thể dùng được và có thể đóng góp cho triều đình, vậy mẫu thân và thê tử của thần tử không phải là vấn đề lớn, Thuần Khánh Đế sẵn lòng cho cáo mệnh, chính là trao danh dự cho thần tử.

Trong mắt Thuần Khánh Đế, Liễu thị tái hôn, quá khứ của A Kiều không là gì, người có số khổ mới rơi vào hoàn cảnh như vậy, tại sao lại đòi hỏi quá nghiêm khắc?

Thái Thường Tự nhận được sổ con do Thuần Khánh Đế chấp thuận, bắt đầu điền công văn sắc phong, viết xong công văn rồi trình lên Thuần Khánh Đế, Thuần Khánh Đế tùy tiện phân công một công công trực tiếp đến ngõ Sư Tử để tuyên chỉ.

Tất cả việc này không thông qua Triệu Yến Bình. Triệu Yến Bình còn đang bận rộn ở Đại Lý Tự, hắn không biết cáo mệnh đã được duyệt, A Kiều và Liễu thị đột ngột tiếp chỉ nên trở tay không kịp, khi đang quỳ dưới đất tiếp chỉ, mẹ chồng và nàng dâu xúc động tràn đầy, đôi mắt đỏ hoe, rơi nước mắt như mưa.

Ngoại trừ công văn và thánh chỉ sắc phong, mẹ chồng và nàng dâu còn nhận thưởng 96 lượng bạc mỗi người, hai bộ triều phục cáo mệnh phu nhân ngũ phẩm, trong tương lai nếu trong cung có mở tiệc và mời cáo mệnh phu nhân tham gia, mẹ chồng và nàng dâu phải mặc triều phục vào cung. Về phần bạc thưởng, tính theo lương tháng của Triệu Yến Bình trong một năm, chỉ thưởng lần này, sau này mẹ chồng và nàng dâu cũng được hưởng thụ vinh quang trên lợi ích thực tế.

Sau khi công công đến tuyên chỉ rời đi, A Kiều và Liễu thị đặt đồ lên bàn, bất kể là triều phục, thánh chỉ, công văn hay là bạc được thưởng đều là đồ tốt, mẹ chồng và nàng dâu nhìn nhau, nước mắt đã khô, không kiềm được nên nở nụ cười. Chả trách người đọc sách đều muốn làm quan, đặc biệt là quan lớn, chỉ cần nhìn vào đã thấy, nam nhân có thể nhận bổng lộc, thê tử và mẫu thân cũng có được một số bạc không ít.

“A Kiều, con cất bạc của ta luôn đi.” Niềm vui qua đi, Liễu thị muốn giao bạc của mình cho con dâu quản lý.

A Kiều định từ chối, đột nhiên có suy nghĩ, nhìn bà mẫu nói: “Nương, hay là chúng ta lấy toàn bộ bạc được thưởng mua tòa nhà này, như vậy Triệu gia chúng ta coi như vững chân ở kinh thành, mỗi năm không cần chi ra mười lăm lượng tiền thuê, còn lo lắng không biết khi nào người ta lấy tòa nhà lại.”

Gần hai trăm lượng bạc là nhờ công của Triệu Yến Bình, họ mua tòa nhà và để tên Triệu Yến Bình, hắn cũng không cần cảm thấy xấu hổ.

Liễu thị cảm thấy ý định này không tệ.

Đến hoàng hôn, Triệu Yến Bình trở về, đối mặt với mẹ chồng và nàng dâu đã thống nhất với nhau, cả hai hớn hở mặt mày, tinh thần rạng rỡ, đương nhiên phải đồng ý.

Ban đêm, A Kiều dính Triệu Yến Bình, muốn nghe hắn nói về sổ con thỉnh phong đã viết thế nào mà thuyết phục được Thái Thường Tự và Thuần Khánh Đế.

Triệu Yến Bình biết viết nhưng không biết cách nói chuyện, cũng không có gì để nói.

“Hoàng Thượng phong cáo mệnh cho nàng, chứng tỏ nàng xứng đáng, sau này đừng xem thường bản thân.” Triệu Yến Bình vuốt mái tóc dài của nàng và nói.

A Kiều tò mò về sổ con, còn muốn hỏi tiếp, đáng tiếc nam nhân không muốn nghe nàng hỏi, ôm nàng đi làm chuyện vui sướng.