Kiều Kiều Vô Song

Chương 4: Tương ngộ




Lúc này, nàng đang quan sát tình hình xung quanh. Khác hẳn đám dân làng đang không ngừng kêu gào hỗn loạn và nhóm thế gia vọng tộc đang bủn rủn chân tay kia, nàng vẫn bình tĩnh nhìn đăm đăm vào hướng xảy ra lũ lụt, ánh mắt sáng ngời cơ trí.

Chỉ bằng một ánh mắt thôi Lư Tử Do liền hiểu ra, quả nhiên những điều nàng làm là có dự tính cả rồi! Tiểu cô này đã tiên đoán được nạn hồng thủy này sẽ xảy ra, và còn chuẩn bị hết các biện pháp phòng chống thiên tai nữa.

Đúng lúc này, tiếng reo hân hoan của dân làng vang lên, “Đại nhân! Đại nhân mau nhìn đi.”

Lư Tử Do vội quay đầu nhìn lại. Quả nhiên cơn hồng thủy nghiêng trời lệch đất đang dâng cao, tràn qua bờ đê rồi ồ ạt trút xuống mảnh đất trũng chỗ miếu thổ địa. Trong chớp mắt, cơn hồng thủy tràn qua khe núi, bao vây lấy miếu thổ địa. Dòng nước lũ cuồn cuộn đập vào con đê, tưởng chừng như sắp phá tung chân đê rồi lao vào nuốt chửng thôn La Thủy, nhưng lại bị khe núi và vành đai bằng đất sau miếu thổ địa chia cắt, từ từ hạ xuống rồi trở nên bình lặng.

Ban đầu mực nước cơn hồng thủy đã dâng cao đến tận bờ đê, nhưng vừa được điều tiết liền giảm xuống nửa thước, cho dù là đám dân làng dốt nát đến mấy cũng biết nguy hiểm đã được giải trừ.

Qua phút vui mừng khôn xiết lúc đầu, theo sau là những tiếng kêu khóc liên tiếp vang lên. Đây là tiếng khóc vui sướng của những người sống sót sau cơn đại họa, cũng chính là tiếng khóc hân hoan khi tìm được đường sống trong chỗ chết.

Lư Tử Do vui vẻ ra mặt, hắn không sợ chết nhưng cũng chưa bao giờ được nếm trải cảm giác cận kề với cái chết như khi nãy. Vào thời khắc này, cảm giác vui mừng như được tái sinh xuất hiện trong đầu hắn. Lư Tử Do ngẩng đầu, nhìn về phía mấy gã trai tráng đang phi nước đại từ tiểu trấn đến đây, không khỏi vuốt râu cười lớn.

Mấy gã trai tráng đi về phía Lư Tử Do: “Lư công còn ở đây ạ, cuối cùng bọn tiểu nhân cũng có mặt mũi về báo cáo với Tạ Lang rồi! Trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc khi nãy, thật sự khiến chúng tiểu nhân sợ hãi tột cùng. Lư công bình yên vô sự cũng chính là phúc của Kinh Châu.”

Bấy giờ huyện lệnh Thanh Sơn cũng đến và cả những nhân vật văn danh hiền tài ở huyện Thanh Sơn cùng tề tựu đông đủ. Đứng giữa đám người vui vầy, Lư Tử Do chợt quên mất sự tồn tại của Cơ Tự. Đến những hai canh giờ sau, khi cơn hồng thủy đã rút đi, hắn mới biết được nhóm Cơ Tự đã rời khỏi huyện Thanh Sơn tự bao giờ, không khỏi có chút hụt hẫng.

...

Theo huyện Thanh Sơn đang dần khuất dạng, đám người Tôn Phù nhìn Cơ Tự với ánh mắt vừa kính nể vừa nghi hoặc. Đi được một lúc, Dữ Trầm không nhịn được bèn hỏi: “Nữ lang, không phải người đã bảo phải giải quyết trăm mẫu ruộng kia hay sao? Sao bây giờ lại bỏ đi?”

Cơ Tự đang ngắm dãy núi xanh xa xa, nghe vậy nàng khe khẽ đáp: “Không, ta không có ý định bán nữa.”

Nàng vừa dứt lời, Lê thúc vui vẻ nói: “Đúng là nên như thế. Vốn trăm mẫu ruộng phì nhiêu ở huyện Thanh Sơn là của hồi môn mà năm ấy chủ mẫu để lại cho người. Bây giờ chỉ vì một câu nói của gã họ Trang kia mà nữ lang định bán của hồi môn của mình lo tiền cho hắn ra ngoài học, quả thật là dại dột.” Huống chi gã họ Trang kia cũng không có vẻ gì là yêu thích nữ lang nhà mình cho lắm...

Mấy người Tôn Phù đều hiểu được ngụ ý của Lê thúc, song tất cả cũng chỉ biết cúi đầu lặng im. Bởi vì trước kia có người vừa nhắc đến vấn đề này thì ngay lập tức bị nữ lang nhà mình la mắng, nàng tuyệt đối không cho phép bất kì kẻ nào chê Trang lang không tốt. Nửa tháng trước, cũng bởi vì gã họ Trang kia mà nữ lang còn bị một cơn bạo bệnh, suýt chút nữa không giữ nổi tính mạng.

Nhớ đến lúc nữ lang nằm liệt trên sập suốt mười ngày, ngay sau khi vừa mới hồi phục sức khỏe được một chút đã vội vàng chạy tới huyện Thanh Sơn, dự định bán của hồi môn đi để đưa tiền cho hắn đi học. Còn nàng, cũng vì cơn bệnh nặng đó mà cuối cùng để lại di chứng thường xuyên bị đau đầu đến tận bây giờ...

Đương nhiên Cơ Tự không biết tâm sự của ba nô bộc, nàng vẫn ngắm phong cảnh nơi xa và nghĩ tới trận hồng thủy vừa rồi. Tuy ba ảo giác trước đó đều được kiểm chứng, nhưng cho đến khi trận hồng thủy thực sự xảy ra, nàng mới hoàn toàn tin rằng bản thân quả thật có thể thấy được những thứ mà người bên cạnh không tài nào nhìn thấy.

Xe Cơ Tự không chở đồ đạc gì nhiều, sau khi rời khỏi huyện Thanh Sơn liền nhẹ nhàng chạy thẳng về phía Kinh Châu. Trên đường về họ đi qua biết bao thôn xóm, vô số huyện thành. Khắp nơi đều là phong cảnh tráng lệ, dãy núi hùng vĩ và bao lớp anh tài xuất hiện, nhưng nhóm Cơ Tự không vì cảnh sắc nên thơ mà dừng lại giống như những vị danh sĩ kia. Nửa tháng cứ thế trôi qua, quãng đường về Kinh Châu đã rút ngắn đi một nửa.

Ngày hôm ấy, bầu trời quang đãng, gió Nam hây hẩy, khiến tinh thần người ta thư thái vô vàn.

Cơ Tự đứng ở đường cái, ngắm mặt trời đang dần lặn về Tây, nhìn ráng chiều nhuộm đỏ vòm không, nhất thời như lạc vào cõi tiên.

Một loạt tiếng chân lừa “lóc cóc” truyền đến, Dữ Trầm chạy tới bẩm báo với Cơ Tự: “Nữ lang, đằng trước không có một thôn làng hay khách điếm nào hết, ngay cả ngôi miếu để dừng chân cũng không có.”

Lê thúc vẫn trông chừng cách Cơ Tự nửa bước, nghe thế thở dài: “Vậy thì chúng ta đành phải nghỉ tạm ngoài trời thôi.”

Ở cái nơi hoang vu hẻo lánh trước không thôn làng sau không khách điếm này, chẳng những ngủ ngoài trời có thể gặp yêu ma quỷ quái hay dã thú mà có khi còn gặp phải thổ phỉ nữa. Nếu không phải là vạn phần bất đắc dĩ thì không ai chọn cảnh màn trời chiếu đất thế này.

Đúng lúc này lại vang lên tiếng vó lừa của Tôn Phù đang chạy đến từ một hướng khác. Từ xa đã thấy ba người họ đang ngóng chờ mình, y mặt mày hớn hở reo lên: “Nữ lang, nữ lang, có một đoàn xe ở phía sau chúng ta đang sắp đến, mới vừa rồi tôi trèo lên cây quan sát, thấy đội ngũ này rất hùng hậu, tất cả mọi người đều cưỡi ngựa, vừa nhìn qua đã biết có vũ lực hơn người.”

Những lời Tôn Phù vừa nói không chỉ khiến y mà ngay cả Cơ Tự và những người còn lại đều mừng rỡ. Trời đã sắp tối rồi, nếu họ có thể cùng nghỉ đêm với đội ngũ có vũ lực hùng mạnh kia tại đây thì chắc chắn an toàn hơn rất nhiều.

Trong lúc mấy chủ tớ họ còn đang cười cười nói nói, đội ngũ mà Tôn Phù miêu tả đã đến.

Người còn chưa xuất hiện mà đất cát đã bay mịt mù, tiếng vó ngựa rầm rập chạy đến. Nhóm Cơ Tự vội vàng đứng sát mép đường. Chỉ chốc lát sau, tám cỗ xe ngựa đều dùng tuấn mã cao lớn hợp thành xa giá xuất hiện ngay trước mắt nhóm họ.

Mỗi một chiếc xe có bốn con ngựa kéo, mà những con ngựa này động tác vô cùng đồng đều, tiến lùi như một cho thấy đã được huấn luyện kỹ càng. Rõ ràng chỉ có tám chiếc xe mà khí thế của nó vô cùng hùng dũng, khiến nhóm Tôn Phù liên tục nuốt nước bọt.

Đoàn xe càng lúc càng gần, chẳng mấy chốc đã đến trước mặt nhóm Cơ Tự. Cũng giống như bầy ngựa của họ, kỵ sĩ cưỡi trên lưng ngựa đều có vóc dáng cao lớn hiên ngang, khí thế bất phàm. Đám Tôn Phù chỉ thoáng liếc mắt đã sợ hãi đến mức ngừng thở, không dám ngẩng đầu lên.

Đương nhiên nhóm Cơ Tự chỉ có bốn người và một chiếc xe lừa cũng chẳng đáng để đối phương chú ý. Hai kỵ sĩ thờ ơ nhìn sang, ngay sau đó liền ngoảnh đi nơi khác. Đoàn xe ngựa đi được một quãng về phía trước rồi dừng lại tại nơi cách nhóm Cơ Tự khoảng nửa dặm.

Nhìn họ người người bận rộn chuẩn bị hạ trại nghỉ đêm, Tôn Phù thở phào nhẹ nhõm, y nhỏ giọng nói.”Nữ lang, họ cũng định hạ trại ở đây đấy.”

Cơ Tự đáp “ừ”, sai Lê thúc mau đánh xe lừa đến đấy: “Trong vòng hai mươi dặm quanh đây, khó có thể tìm được nơi nào địa thế thuận lợi như chỗ này. Miễn không phải kẻ ngốc thì tất nhiên sẽ chọn ở đây rồi.” Sau đó nàng lập tức phân phó: “Ở lại thì ở lại, các ngươi đừng vì đối phương cao quý mà phải hạ mình!”

Đám Tôn Phù đồng thanh thưa vâng.

Chỉ chốc lát sau xe lừa dừng lại, trong lúc Cơ Tự đi về phía đội ngũ quyền quý kia, đám Tôn Phù cũng bê gạo và vài món đồ trên xe ngựa xuống để chuẩn bị hạ trại.

Cơ Tự vừa mới cất bước, trong đội ngũ quyền quý chợt vang lên tiếng đàn thánh thót. Đây là lần đầu tiên Cơ Tự nghe thấy tiếng đàn khẳng khái mà du dương như thế, nó vô cùng êm tai, nhạc khúc vừa vang lên đã khiến người nghe tâm tình thư thái, sinh lòng khát cầu.

Nàng ngẩn ngơ giây lát rồi tiếp tục cất bước.

Năm sáu người trong đội ngồi quây quần bên đống lửa vừa nhóm, bảy tám hộ vệ cường tráng vẫn đang dựng trại, còn hai tỳ nữ thì bận rộn chuẩn bị bữa tối. Với những danh sĩ quyền quý thì đây là cảnh thường thấy, nhưng đối với Cơ Tự thì lại vô cùng hiếm hoi. Hai chân nàng nặng như đổ chì không sao cất bước nổi, vừa ngước lên nhìn đã bị ánh sáng chói lòa phía trước làm nhức mắt. Nàng phải cố gắng lắm mới có can đảm ngẩng đầu nhìn thẳng phía trước.

Cuối cùng chỉ còn hai hộ vệ và hai tỳ nữ ngồi bên cạnh đống lửa. Những hộ vệ này đều mang vẻ oai phong, ai ai cũng có phong thái của quý nhân. Còn tỳ nữ thì thuộc hàng tuyệt sắc, họ có đôi mắt sáng như tinh tú cùng với hàm răng trắng đều như bắp.

Nhưng những người này đều không phải trọng điểm. Mà nổi bật chính là vị công tử bạch y ngồi dưới cây nhãn đang thong thả gảy đàn kia.

Rõ ràng phía sau chàng là dãy núi xanh thẳm, trên đầu là những áng mây trắng trôi lượn lờ. So với vùng đất mênh mông bát ngát, một linh hồn thế tục cao quý chẳng đáng là gì. Thế nhưng khoảnh khắc này, Cơ Tự lại cảm thấy quần áo mình đang mặc quá nhếch nhác, tướng mạo vẫn còn non nớt chưa đến kì nảy nở và cử chỉ của mình cũng không được tao nhã...

Đây là nỗi rung động và tự ti khó diễn tả thành lời, tựa như kẻ phàm trần đối diện với bạch ngọc, tạo nên cách biệt một trời một vực.

Cuối cùng Cơ Tự cũng không còn can đảm để tiến lên nữa. Nàng ngẩn ngơ giây lát rồi sau đó cúi đầu chầm chậm thối lui...

Giờ khắc này, tuy nàng đã nhụt chí, nhưng trong một tháng nay nàng đã củng cố sức mạnh tinh thần cho mình, dù nàng thối lui nhưng cũng phải thối lui với tư thái thong dong.

Sau khi Cơ Tự quay về không lâu, một kỵ sĩ bước đến bên cạnh Tạ Lang. Tiếng đàn bất chợt dừng lại.

Tạ Lang quay đầu: “Thư của ai?”

“Tin được gửi đến từ huyện Thanh Sơn, là của Lư Tử Do ạ.”

Ngón tay thon dài và trắng nõn của Tạ Lang nhẹ nhàng cầm phong thư rồi mở ra. Vừa mới đọc vài dòng, chân mày chàng đã chau lại, khẽ cười nói: “Lý thú nhỉ.”

Kỵ sĩ kia tò mò hỏi: “Lang quân, Lư Tử Do gửi thư nói về điều gì thú vị sao?”

Tạ Lang mỉm cười: “Ừ, Lư Tử Do nói rằng có một tiểu cô tiên đoán thôn La Thủy sẽ gặp nạn hồng thủy, nhờ lời vu sư bảo dân làng làm hai việc, vì thế đã cứu hắn và hơn một nghìn tính mạng của dân làng. Hắn ca ngợi nàng ấy là một người có tài, chỉ tiếc rằng ta đã đi quá sớm nên không có cơ hội gặp gỡ nhân vật bậc này.”

Tạ Lang thong thả cất phong thư, khóe mắt chàng liếc về phía nhóm Cơ Tự: “Ngươi đi nói với tiểu cô kia rằng ngủ ở ngoài trời thường hay phát sinh biến cố, bảo họ dựng trại gần đây một chút, chúng ta mới có thể chiếu cố được phần nào.”