Kiều Kiều Vô Song

Chương 37: Tài vật tổ truyền




Đúng rồi, hai mươi năm sau, tình hình chính trị coi như ổn định, các kiểu thêu thùa đều phát triển trên diện rộng. Mười lăm năm sau Thiên tử hạ lệnh, thành lập Cục Thêu thùa, ban thưởng lớn để tìm kiếm những người có tay nghề cao siêu khắp thiên hạ. Lúc này chủ nhân của Hồi Văn Tú là một người đàn bà thị lực đã kém hơn bốn mươi tuổi, đứa con trai độc nhất thì bị bệnh chết đột ngột, bà ta chỉ còn đứa cháu trai chưa đến mười tuổi, vì không nuôi nổi cháu trai nên bà ta đành chấp nhận là người đầu tiên dâng tuyệt kĩ tổ truyền cho Cục Thêu thùa để đổi lấy khoản tiền thưởng lớn.

Nhớ lúc ấy, gần như là nữ tử khắp thiên hạ đều học Hồi Văn tú, năm năm sau, tiếp nối bà ta lại có hai kiểu thêu thất truyền là Hoàn Nguyệt Tú và Sơn Hà Tú được dâng lên. Trong khoảng thời gian ngắn, hầu như nhóm tiểu cô ở Kiến Khang, Dương Châu hay Kinh Châu đều thuần thục ba cách thêu này, từ phố lớn ngõ nhỏ đều là ưa chuộng kiểu màu mè như vậy.

Lúc ấy, tuy Cơ Tự đã mất từ lâu nhưng hồn phách nàng vẫn bám vào miếng ngọc bội trên ngực Cơ Đạo. Sau khi nàng mất, trước tiên Cơ Đạo nhận tổ quy tông, dùi mài kinh sử mấy năm liền, sau lại đi khắp các miền non nước, kết giao với không ít kì nhân dị sĩ, mà những người đó đều thân thiết với Cơ Đạo như hình với bóng. Về phần thêu thùa, hình như nàng học từ nữ nhi của Cơ Đạo. Đúng rồi, cô bé kia vô cùng hiếu học, thường xuyên ở lì trong phòng luyện thêu hết lần này đến lần khác, nhưng cô bé không có thiên phú, khiến Cơ Tự đứng bên nhìn cũng bực đến độ giậm chân.

Chẳng qua, Cơ Tự không thể cứ vậy đứng ra giúp đỡ Dữ Thi Nhi được.

Thấy nàng ta mới vừa rồi còn diễu võ giương oai, không ai bì nổi trước mặt nàng bây giờ đã bị vú già bịt miệng, kéo lên xe ngựa giống như chết rồi, Cơ Tự cười thầm: Một con chim tước đứng trên mây, chỉ một cơn gió thổi qua đã rơi ngã.

Nàng khinh thường nhìn thoáng qua Dữ Thi Nhi, rồi nhìn về phía ba nữ tử kia, nhớ kỹ kí hiệu gia tộc cũng như tên họ của họ rồi bước lên xe.

Lúc này, đoàn xe Tạ thị bắt đầu lên đường. Mà theo hành động của họ, cả bến tàu đều nhộn nhịp đi theo.

Chờ tất cả mọi người đi hết, nhóm Cơ Tự mới bắt đầu khởi hành. Nàng bảo Tôn Phù đang ở phía ngoài đến dặn: “Trước hết tạm thời thuê một chỗ ở tạm, rồi đi hỏi thăm xem ở Kiến Khang có ngọn núi mang tên đỉnh Hạc Ỷ không.”

Thành Kiến Khang đúng thật là nơi son phấn thơm ngát, phồn hoa tựa gấm. Cơ Tự đi tới nơi đâu cũng đều bắt gặp các đại sĩ tộc sống trong nhung lụa từ bé, bất kể là nam hay nữ đều có người theo hầu như mây, khí thế bức người, khiến đám Lê thúc gần như cúi gập người tránh ven đường, đợi người ta khuất bóng rồi mới dám cử động.

Bởi vì tính e dè theo bản năng nên lúc chúng nô bộc nhờ người mối lái thuê nhà, đã cố chọn Tây thành cách xa trung tâm Kiến Khang.

Sau khi nói chuyện người mối lái xong, Lê thúc vội vàng chạy tới bên cạnh xe ngựa Cơ Tự, còn chưa nhìn thấy người y đã hổn hển kêu lên: “Nữ lang, sao nhà cửa ở Kiến Khang lại đắt thế chứ? Chẳng qua chỉ là một sân viện có hai gian, lại còn ở vùng ngoại thành, đã thế không có cả một cái tường rào mà thuê nửa năm phải mất những ba trăm lượng vàng! Trời ạ ba trăm lượng cơ đấy, nếu ở huyện Kinh, đủ để mua được cả trang viên rồi! Còn nữa, giá nhà mua nơi này cao khiếp vía, cửa tiệm môi giới dẫn tôi xem một tiểu viện, vừa hỏi người ta đã bảo phải năm nghìn lượng vàng nhất giá không bớt!”

Bắt đầu từ thời Đông Tấn, Kiến Khang bị các đại tiểu gia tộc chia vùng. Hiện tại, hoàng triều Lưu Tống càng vững chắc thì càng ngày càng có nhiều người dời đến Kiến Khang, nên đất nơi đây đã bị phân chia không thừa một mảnh. Trong tình huống như thế, giá nhà Kiến Khang đắt đỏ là chuyện tất nhiên.

Lúc này, Cơ Tự nói: “Tạm thời đừng thuê nhà vội, tìm một tửu lâu ở trước đã.”

Ngày hôm sau, Tôn Phù đã hỏi thăm được vị trí của ngọn núi Hạc Ỷ kia. Đó là một ngọn núi nhỏ không nổi tiếng cho lắm, mà nó còn không ở trong nội thành, cách Kiến Khang một trăm dặm. Tìm được nơi cần đến, sáng sớm ngày thứ ba Cơ Tự liền xuất phát.

Lúc ấy mặt trời vừa ló dạng, nhóm Cơ Tự đi trên ngã tư đường, nơi nơi đều nghe được tiếng khèn, và cả bóng dáng của những lang quân thanh thoát tựa thần tiên chậm rãi đi ra từ mấy thanh lâu. Mà những người này mỗi khi gặp đoàn Cơ Tự cũng sẽ thỉnh thoảng sẽ liếc mắt nhìn xe ngựa của nàng.

Tôn Phù ghé gần xe ngựa, khẽ hỏi: “Nữ lang, họ nhìn chúng ta với ánh mắt thế là sao ạ?” Lát sau y lại nói: “Tôi thấy hơi bất an.”

Trong xe ngựa, rèm xe mở rộng, Cơ Tự rời mắt đi, nàng hờ hững nói: “Tại ta sơ xuất, chờ đến lúc từ núi Hạc Ỷ về sẽ lập tức xử lý tám con ngựa này.”

Hóa ra là ngựa ở Kiến Khang rất đắt, rất nhiều đại sĩ tộc khi xuất hành đều ngồi xe bò xe lừa. Trong tình huống như thế, một người quê mùa như Cơ Tự ngay cả kí hiệu gia tộc cũng không có mà lại dám cưỡi tám con ngựa đi nghênh ngang trên phố. Trong mắt rất nhiều quý tộc, quả thực nàng giống như nhà giàu mới nổi khiêu khích bọn họ, cũng vì vậy mà ánh mắt họ mang theo vài phần bất thiện.

Nghe câu trả lời của Cơ Tự, Tôn Phù im lặng một chốc, cuối cùng khẽ nói: “Nữ lang, họ chính là sĩ tộc cao quý à?” Xưa nay y quen sống ở huyện Kinh không có sĩ tộc nào, nhất thời chưa thể chấp nhận việc nhà mình bị đẩy xuống tầng chót của xã hội.

Đúng lúc này, Tôn Phù nghe thấy nữ lang nhà mình cất giọng trong trẻo nhưng lạnh lùng: “Thúc sai rồi. Cơ gia cũng là sĩ tộc cao quý!”

Nàng vừa dứt lời, nhóm Tôn Phù nhìn nhau trân trối, hồi lâu không thốt lên lời.

Sau đó Cơ Tự vẫn cứ im lặng. Đoạn đường này đi rất nhanh, đến buổi chiều, cuối cùng nhóm Cơ Tự cũng tới núi Hạc Ỷ.

Ngắm ngọn núi không hề nguy nga hiểm trở, nhưng có vài phần tươi đẹp trước mắt, Lê thúc mừng rỡ gọi: “Nữ lang, trên kia có một ngôi chùa đấy.”

Cơ Tự khẽ mỉm cười, nàng nhớ tới bản đồ bảo tàng có một góc vẽ một ngôi chùa, rồi chầm chậm nói: “Thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa(1), núi Hạc Ỷ có chùa chiền thì chứng tỏ cảnh sắc nơi này rất đẹp.”

(1)Trích từ câu thành ngữ: Thế gian hảo ngữ thư thuyết tận, thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa. Dịch nghĩa: Lời hay sách chép từng pho, danh sơn thiên hạ thầy tu chiếm nhiều.

Giọng Dữ Trầm vang lên phía ngoài, “Suốt dọc đường nữ lang và tiểu lang luôn thì thầm to nhỏ, rốt cuộc muốn tìm gì ở núi Hạc Ỷ này?”

Tất nhiên Cơ Tự không đáp, mà trong xe ngựa, Cơ Đạo vẫn vùi đầu đọc sách cũng không trả lời. Cơ Tự không biết cụ thể bảo tàng nhà mình ở đâu, nàng vén rèm xe, lại bàn bạc với Cơ Đạo một hồi rồi quyết định trực tiếp đến vị trí ngôi chùa có trong bức bản đồ kia.

Quản nhiên núi Hạc Ỷ phong cảnh thanh khiết, dọc đường leo lên núi chỉ nhìn thấy khe suối róc rách, trên đường núi cây cối chọc trời, trong sơn cốc sương trắng vờn quanh.

Đến lúc mặt trời xuống núi, nhóm Cơ Tự mới tới một ngôi chùa. Ngôi chùa trước mắt này được xây theo dáng một ngọn tháp, trên cửa đề ba chữ to “Bạch Vân Tự” trông có vẻ khá cũ, không biết đã được xây một trăm năm hay hai trăm năm trước nữa. Không gian trong chùa cũng không lớn, khách hành hương thưa thớt.

Cơ Tự nắm tay Cơ Đạo, đi thẳng tới chính điện. Sau khi cùng chúng bộc dân hương, Cơ Tự quay sang chú tiểu bên cạnh, nói khách khí: “Ta họ Cơ là khách viễn phương đến từ huyện Kinh, không biết có thể cầu kiến phương trượng của quý tự không?”

Chú tiểu chắp hai tay lại, “Nữ thí chủ chờ một lát.”

Dõi theo bóng chú tiểu rời đi, Cơ Đạo ở bên cạnh nhỏ giọng nói: “Tỷ tỷ, vừa rồi đệ có để ý, dưới chân núi có khoảng nghìn mẫu ruột phì nhiêu, đều là tư sản của ngôi chùa này.”

Cơ Tự đáp “ừ” một tiếng.

Chỉ chốc lát sau, chú tiểu đi đến, chắp tay trước ngực nói với Cơ Tự: “Nữ thí chủ, phương trượng cho mời người.”

Chú tiểu vừa thốt lời, Cơ Tự và Cơ Đạo đã nhìn nhau cười, trong lòng đều thả lỏng.

Để lại chúng bộc ở bên ngoài, Cơ Tự và Cơ Đạo cùng đến gặp phương trượng Bạch Vân tự. Vị phương trượng này khoảng năm mươi tuổi, mặt mày phúc hậu, chòm râu dài điểm hoa râm.

Thấy tỷ đệ Cơ Tự, phương trượng chắp hai tay, nói: “A di đà Phật, hai vị tiểu thí chủ nói mình họ Cơ phải không?”

“Đúng vậy.” Cơ Tự thoăn thoắt lấy tấm bản đồ bảo tàng trong ngực ra: “Đại sư, tiểu nữ tìm thấy bức vẽ tổ truyền này nên cố ý tìm tới đây.”

Phương trượng nhìn qua bức vẽ, lại chắp hai tay trước ngực, “Gọi Tịnh Không tới đây.”

Chú tiểu đáp: “Vâng.”

Chỉ chốc lát, một hòa thượng trung niên có tướng mạo gầy gò, có phần chính trực đi tới. Ông hành lễ với phương trượng rồi cất lời, “Phương trượng tìm con ạ?”

Phương trượng nhìn về phía tỷ đệ Cơ Tự: “Hai vị thí chủ này tìm ngươi, họ họ Cơ.”

“Họ Cơ ư?” Tịnh Không lập tức nheo mắt lại.

Cơ Tự đáp: “Vâng, chúng tôi là hậu duệ của Hoàng đế.” Nàng đưa tấm bản đồ bảo tàng đến trước mặt Tịnh Không.

Ông chỉ nhìn thoáng qua, liền quay sang hỏi Cơ Đạo: “Vị tiểu thí chủ này cũng họ Cơ à?”

Cơ Tự hơi sửng sốt, nàng còn chưa kịp nói thì Cơ Tự đứng bên đã đáp: “Không, chỉ có tỷ tỷ con mới đích thực là con cháu Cơ thị, con chỉ là con nuôi thôi.”

Khuôn mặt Tịnh Không thoáng qua vẻ thất vọng. Ông bình tĩnh đánh giá Cơ Tự, một lát sau ông chắp tay lại hỏi, “Nữ thí chủ có vật chứng nào không?”

Cơ Tự nói: “Còn có một hộp gỗ và lời tổ phụ tôi để lại năm xưa.” Dứt lời, nàng đưa hộp gỗ cất giấu tấm bản đồ bảo tàng trước mặt Tịnh Không, sau đó mở quyển Sơn Hải Kinh ra, lật đến trang có dòng chữ mà tổ phụ nàng lưu lại.

Tịnh Không nhận lấy hộp gỗ xem xét: “Đúng rồi, chắc chắn là con cháu Cơ thị.” Thoáng cái, giọng điệu ông mang theo vài phần thương cảm, “Khi xưa hoàng đế tám trăm năm vương tôn nối dài, hôm nay chỉ còn lại một nữ tử thôi sao?”

Một lát sau, Tịnh Không xốc lại tinh thần sau nỗi bi thương, ông nói với Cơ Tự: “Người đã có tấm bản đồ bảo tàng này và cả hộp gỗ làm chứng, tuân theo lời giao ước lúc trước, lão nạp tất nhiên sẽ giao tài vật của Cơ thị cho người.”

Nghe thấy hai chữ tài vật, không chỉ phương trượng mà thậm chí cả Tiểu Cơ Đạo cũng lui ra ngoài. Chẳng mấy chốc, trong thiện phòng chỉ còn lại hai người Cơ Tự và Tịnh Không.

Tịnh Không nói tiếp: “Năm đó tổ tiên Cơ thị và phương trượng tiền nhiệm của Bạch Vân tự giao hẹn chuyện này vào thời điểm loạn lạc, không ai biết ngày mai ra sao. Ngay cả bây giờ lão nạp cũng không thể hoàn toàn xác định nữ thí chủ chắc chắn là huyết mạch của Cơ thị hay không. Nhưng người đã đưa ra bản đồ bảo tàng cùng với chiếc hộp kia, tuân theo lời giao ước năm đó, ta sẽ giao tài sản Cơ thị cho người.”

Sau khi dẫn Cơ Tự đi tới thiện phòng của mình, ông mới nói tiếp: “Năm xưa lệnh tổ để lại tài sản cho Bạch Vân tự chúng tôi giữ gìn, tổng cộng có một trang viên gồm mấy chục người hầu và ba nghìn mẫu ruộng tốt.”