Kiếp Đoạn Trường

Chương 6




" Ông tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi."

- Khánh Dương, anh xem gì mà đắm đuối quá vậy? - Khánh Hoài nói rồi đến bên Khánh Dương, ngồi xuống. Khánh Dương vội vã tắt chiếc điện thoại cảm ứng trên tay rồi bỏ vào túi áo. Chiếc điện thoại ấy Ha Đan đã chính thức tặng cậu trong buổi tối ngọt ngào một tuần trước. Vậy là đã một tuần rồi, Ha Đan đã về thành phố. Và sáng hôm qua anh đã bay sang NewYork bắt đầu hành trình du học của mình. Khánh Dương còn nhớ rất rõ mình đã khóc như thế nào trong điện thoại khi nghe lời từ biệt của Ha Đan sáng qua. Năm năm hay bảy năm nữa cậu với Ha Đan mới có thể tương phùng? Thời gian quả là quá dài, quả là một thử thách quá lớn đối với tình yêu của cậu. Mới chỉ một tuần không gặp mà Khánh Dương đã nhớ Ha Đan đến tim gan quặn thắt, thử hỏi năm đến bảy năm nữa, cậu sẽ chịu đựng như thế nào? Giờ đây, niềm vui, niềm ấm áp duy nhất của Khánh Dương là những tấm hình cậu chụp chung với Ha Đan từ điện thoại trong buổi tố ngày hôm đó. Không biết một ngày, sau buổi tối ấy, cậu đã mở điện thoại ra và ngắm ảnh đến bao nhiêu lần. Chỉ biết nhìn nụ cười và ánh mắt hạnh phúc của cả hai trong tấm ảnh, lòng cậu cứ thấy ấm áp và xốn xang làm sao ấy.

- Anh lại ngắm ảnh của anh chụp với tên thành phố đáng ghét đó hả?- Khánh Hoài hỏi, giọng hơi trêu trọc.

- Ảnh...ảnh nào? Em nói gì anh không hiểu? - Khánh Dương đỏ mặt chống chế.

- Thôi đi, anh em với nhau mà anh còn giấu. Hôm qua em đã lấy điện thoại của anh và xem hết rồi. Hai người quả là rất đẹp đôi và hạnh phúc.

- Khánh Hoài! - Khánh Dương quát lên - Em thật là quá thể!

- Có sao đâu! Em ủng hộ tình cảm của hai người mà. Nào, giờ thì nói cho em biết anh yêu tên thành phố đó lắm hả?

Khánh Dương đỏ mặt:

- Ừ. Ừ thì yêu!

- Vậy hai người tính thế nào?

- Hắn ta đi NewYork du học từ sáng qua rồi. Hắn nói năm hoặc bảy năm nữa sẽ về đón anh.

- Năm đến bảy năm? Anh tin hắn ta sao?

- Ừ. Anh tin!- Không suy nghĩ, Khánh Dương gật đầu trả lời Khánh Hoài.

- Nhưng biết đâu sang NewYork rồi, anh ta có người mới sẽ không còn nhớ anh nữa.

- Không. Anh tin tình cảm mà Ha Đan dành cho anh, Nhưng mà anh sợ Khánh Hoài à.

- Anh sợ gì?

- Anh sợ anh sẽ không chờ được Ha Đan. Anh sợ anh sẽ làm cho Ha Đan thất vọng.

- Tại sao? Anh không tin vào tình yêu của chính mình?

- Không phải. Nhưng chẳng hiểu sao nhiều lúc anh luôn có một linh cảm chẳng lành, mà linh cảm đó lại xuất phát từ anh chứ không phải Ha Đan.

- Ôi trời. Anh cứ hay suy nghĩ lung tung rồi linh cảm. Lạc quan lên đi anh trai. Giống như em đây này, vô lo vô nghĩ, nên chẳng bao giờ thấy buồn phiền là gì hết.

Khánh Dương mỉm cười:

- Ừ. Anh sẽ cố gắng học theo cách sống của em.

*******************************************************************

Từng ngày lặng lẽ trôi qua. Vậy là cho đến hôm nay Ha Đan đã sang NewYork được tròn một tháng. Suốt một tháng qua, không ngày nào là Khánh Dương không nhớ, không mơ mộng về Ha Đan. Cậu ước sao thời gian có thể trôi thật nhanh, trôi thật nhanh để hết hạn năm năm hay bảy năm gì đó, Ha Đan sẽ trở về đây tìm cậu. Hai người sẽ sớm tối bên nhau, xây dựng một gia đình hạnh phúc như lời Ha Đan đã nói.

Yêu và nhớ Ha Đan rất nhiều nhưng Khánh Dương không vì chuyện tình cảm mà làm ảnh hưởng đến việc học tập. Cậu vẫn nỗ lực phấn đấu, luôn đứng đầu lớp trong tất cả các môn học. Cậu nghĩ cậu phải học thật giỏi. Học giỏi để sau này đưa gia đình thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Học giỏi để không phụ lòng mong mỏi của Ha Đan. Học giỏi để khi đứng cạnh Ha Đan, cậu thấy mình xứng đáng.

Nhưng đường đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, cũng trơn tru như điều ta mong đợi? Một ngày sóng gió đã ập đến với gia đình Khánh Dương.

Buổi sáng hôm ấy, trên đường xuống UBND huyện làm lại CMTND, ông Trần Tuấn Nghĩa, bố của Khánh Dương không may bị một chiếc xe máy đâm phải. Chiếc xe do hai tên thanh niên chạy vượt tốc độ nên cú va chạm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Kết quả chiếc xe máy đâm vào cột mốc, gãy vỡ tan tành. Hai tên thanh niên tử vong ngay tại chỗ. Riêng ông Trần Tuấn Nghĩa, máu đầu máu chân bê bết, bất tỉnh nhân sự.

Suốt gần một tháng nằm viện, trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, sức khỏe ông Trần Tuấn Nghĩa cũng dần dần hồi phục. Cũng may ông trời còn thương hại nên tuy vụ tai nạn xảy ra khá nghiêm trọng nhưng ông Trần Tuấn Nghĩa chỉ bị gãy tay gãy chân chứ không ảnh hưởng gì đến não. Vì vậy với sự nhiệt tình hết mình của các bác sĩ cộng với trình độ y thuật hiện đại, ông Trần Tuấn Nghĩa cuối cùng cũng được xuất viện về nhà.

- Bà nó à, hãy nói cho tôi biết, có phải chuyện của tôi lần này tiêu tốn nhiều tiền lắm phải không?

- Không đâu mà. Ông cứ yên tâm nghỉ ngơi cho tốt. Chuyện tiền bạc tôi đã lo lắng đâu vào đấy cả rồi. Cũng mất có chút ít thôi.

- Chút ít là sao? Tôi phẫu thuật đến 4,5 lần mà bảo ít hả? Rốt cuộc là bao nhiêu?

- Ừ...Trên 30 triệu ông à.

- Trên 30 triệu? Nhà mình đâu có nhiều tiền như thế? Bà làm sao có mà nói đã thu xếp xong hết rồi?

- Thì tôi vay mượn họ hàng mỗi bên một ít, lại cộng thêm bên kia người ta bồi thường nên cũng tạm ổn ông à.

- Bên kia bồi thường? Cả hai đứa đều chết mà gia đình người ta cũng bồi thường sao?

- Ừ...thì...thì là do người ta sai mà. Với lại nhà người ta cũng có, một vài triệu đâu có đáng gì đâu. Thôi, ông nghỉ đi nha, tôi ra chợ mua ít sườn về hầm cháo cho ông ăn, có gì ông cứ gọi thằng Khánh Dương. Nó đang học bài trên gác ấy.

Nói rồi bà Thúy đứng dậy và bước đi. Từ ngày chồng bị tai nạn, bà cùng ba đứa con trong nhà, ai ai cũng gầy rộc đi trông thấy. Một phần là lo lắng cho sức khỏe của ông Nghĩa, một phần là do thức đêm nhiều, phần khác là lo kiếm tiền tri trả tiền viện phí. Vừa nãy bà nói với ông Nghĩa là chi hết trên 30 triệu tiền viện cho ông Nghĩa yên tâm, chứ thực ra số tiền mà bà phải tri trả đã lên đến ngót 100 triệu đồng. Để có số tiền ấy bà phải cầm sổ đỏ đi vay nóng người ta với lãi suất khá đắt đỏ. Đó là chưa kể đến việc một tháng sau ông Nghĩa sẽ phải phẫu thuật lần hai (lần cuối). Nghe bác sĩ nói việc phẫu thuật lần này rất quan trọng, chi ít cũng phải 50, 60 triệu nữa. Vậy tổng quát mà nói, tất cả số tiền lo cho ông Nghĩa lần này, từ tiền phẫu thuật, bồi dưỡng cho các bác sĩ, tiền thuốc men, ăn uống... gia đình bà cũng phải tiêu tốn đến ngót 200 triệu.

Không muốn cho các con biết, sợ các con lo lắng, suy nghĩ mà ảnh hưởng đến việc học tập, bà Thúy lén mang số đỏ đi vay nóng một người giàu có trong vùng. Theo thỏa thuận, nếu gia đình bà không có tiền trả thì toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn sẽ thuộc về người ta.

Nhưng dù có che dấu đến đâu thì bà cũng không dấu nổi Khánh Dương, một người con trai hết lòng vì chuyện của gia đình và cha mẹ. Cậu biết nên lo lắng và buồn phiền lắm. Nhưng cậu mới có 16 tuổi thì dù có lo cũng chẳng có cách gì cứu được gia đình mình trong cơn tai biến lần này cả.

Một buổi sáng, một chiếc taxi màu trắng đỗ ngay trước ngõ nhà Khánh Dương. Từ trong xe, một anh chàng thanh niên bước xuống. Anh ta khá trẻ, có lẽ chỉ khoảng 25, 26 là cùng. Với áo trắng sơ vin trong quần, giầy đen, kính đen và mái tóc chuốt keo chải bóng lộn, nhìn qua đủ thấy anh ta là một doanh nhân thành đạt.

Tay xách túi cam, anh ta bước vào trong sân. Thấy người lạ đến, mấy con chó nhà Khánh Dương sủa lên inh ỏi. Bà Thúy từ trong nhà bước ra. Thoáng thấy chàng thanh niên lạ, bà ngập ngừng:

- Xin lỗi, anh là...

- Chị, chị không nhận ra em sao? - Chàng thanh niên nói rồi gỡ cặp kính đen xuống. Thoáng chút ngỡ ngàng rồi bà Thúy reo lên mừng rỡ:

- Chú Hải Đăng! Trời đất ơi! Là chú thật hả? Chú mau vào nhà đi! Trời ơi, qúy hóa quá!

Hải Đăng bước theo bà Thúy vào nhà. Ngồi xuống ghế, Hải Đăng nói:

- Em nghe tin anh Nghĩa bị tai nạn nên đến hỏi thăm. Anh ấy thế nào rồi hả chị?

- Ừ. Nhà tôi cũng đỡ hơn nhiều rồi nhưng vẫn còn chưa đi lại gì được.

- Vậy ạ? Em xin thành thật chia buồn cùng gia đình.

- Cái vận cái hạn nhà tôi mà chú. Cũng đành phải chịu thôi. Nào mời chú Đăng uống nước!

- Dạ chị cứ kệ em!

- Nhà tôi đang ngủ. Để tôi gọi ông ấy dậy cho hai anh em nói chuyện nhá.

- Dạ thôi chị à, chị cứ để anh ấy nghỉ đi. Em sẽ còn đến chơi với anh ấy dài dài mà.

- Nhìn chú Đăng khác quá. Dạo này làm ăn trên Hà Nội chắc phát tài lắm phải không?

- Dạ cũng gọi là tạm đủ ăn thôi chị ạ. Còn chị, chuyện của anh vừa rồi chị mất nhiều lắm không?

- Cũng sơ sơ thôi mà chú. Tôi lo ổn thỏa hết rồi.

- Kìa chị, chỗ anh chị em mà chị còn giấu em sao? Em đã biết hết rồi, để chữa cho anh, chị đã cầm sổ đỏ vay của anh Thắng gần hai trăm triệu đúng không?

- Chú...sao chú biết?

- Anh Thắng nói cho em biết mà. Giờ gia đình chị tính sao?

- Tính gì nữa chú ơi! Thôi thì chờ chữa cho ông Nghĩa khỏi bệnh rồi giao toàn bộ nhà cửa ruộng vườn cho người ta thôi. Hai trăm triệu đâu phải là con số nhỏ?

- Chị, chị nghĩ sao nếu như em cho chị vay hai trăm triệu?

- Chú...chú nói sao?

- Đối với em hai trăm triệu cũng không phải là số tiền quá lớn. Anh Nghĩa thương em từ bé, giờ thấy anh ấy bị như vậy nên em muốn giúp.

- Nhưng mà...

- Chị yên tâm, em sẽ không lấy lãi của chị một đồng nào cả, sau này khi nào có anh chị trả e cũng được. Anh chị cũng không lo phải gán nhà gán vườn cho anh Thắng nữa.

- Chú Đăng, chú...chú nói thật chứ?

- Chị, chị nghĩ là em đùa sao?

- Chú Đăng nếu được như vậy thì tôi xin đội ơn chú!

- Kìa chị, chị nói gì thế? Chỗ anh em, em không giúp thì giúp ai chứ? Chị cũng không nên bận tâm làm gì.

- Vâng. Vậy thì trăm sự tôi nhờ chú.

- Con chào mẹ con đi học về ạ! Dạ em chào anh!

- Khánh Dương, hỗn nào! Đây là chú Đăng, con phải gọi bằng chú nghe chưa?

- Vậy ạ? Dạ cháu xin lỗi chú Đăng!

- Không có gì đâu mà chị. Kể ra em cũng hơn cháu có mười tuổi chứ bao nhiêu đâu. Cháu không biết nên chào em là anh cũng đâu có gì ạ?

- Chú cứ nói thế.

- Khánh Dương đấy hả cháu? Trời đất ơi, mới ngày nào còn bé xíu mà nay đã thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú thế này rồi cơ à? Ngồi xuống đây nói chuyện với chú một lúc có được không?

- Dạ vâng, được ạ!

- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

- Dạ thưa chú cháu 16. Cháu đang học lớp mười chú ạ.

- Ờ nhanh thật nhỉ? Mới ngày nào chú đến chơi cháu còn đi học mẫu giáo, bé xíu thế này này mà bây giờ đã học lớp mười rồi cơ đấy. Thế nào? Lực học của cháu ra sao?

- Dạ thưa chú, cháu học cũng tàm tạm ạ!

- Chú bảo này, học nhiều cũng chẳng có ích lợi gì đâu. Cháu thấy đấy, khối đứa tốt nghiệp đại học với bằng nọ bằng kia rồi đến lúc vẫn thất nghiệp cả lũ. Đời bây giờ muốn sống tốt thì phải có cái đầu cháu ạ. Như chú đây, học hết lớp 12 rồi bon chen với đời, vậy mà thử hỏi trên đời này có bao nhiêu người bằng được chú? Nói ra thì cháu lại bảo chú khoe khoang nhưng kì thật chú đang có đến năm gia sản ở Hải Phòng này cùng với ba gia sản khác trên Hà Nội. Đó là còn chưa kể đến số tiền vài tỷ mà chú đang giữ trong tay.

- Ủa, nhiều vậy hả chú? Chú làm gì mà giàu vậy?

- Nghề gì chú cũng làm hết. Chú buôn bất động sản, buôn laptop, máy vi tính và đồ điện tử. Nói chung là rất nhiều thứ.

- Chú Đăng, chú giỏi quá ha! Cháu thật khâm phục chú!

- Khánh Dương này, chú thấy cháu thông minh lanh lợi hay là cháu có muốn lên Hà Nội làm với chú không? Mỗi tháng chú sẽ trả cháu mười triệu. Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, cháu sẽ có thể thay mẹ cháu trả chú số tiền 200 triệu chú cho mẹ cháu vay.

Khánh Dương đưa mắt nhìn mẹ:

- Mẹ, chú Đăng cho nhà mình vay tiền ạ?

Bà Thúy cười:

- Đúng đó con. Chú Đăng thấy hoàn cảnh gia đình mình nguy ngập nên đã đồng ý cho nhà mình vay 200 triệu mà không cần lấy lãi cũng không cần cầm cố nhà cửa gì hết. Vậy là mẹ con mình sẽ không phải cắm nhà cắm đất cho bác Thắng nữa con ạ.

Khánh Dương mừng rỡ:

- Thật vậy ạ? - Rồi cậu quay sang Hải Đăng - Chú Đăng, cháu thay mặt bố mẹ cháu cảm ơn chú.

Hải Đăng cười:

- Có gì đâu cháu. Chuyện này đối với gia đình cháu là chuyện lớn nhưng đối với chú cũng đâu thấm tháp gì?

- Nhưng 200 triệu, biết đến bao giờ gia đình cháu mới trả được chú đây?

- Thì chú đợi sau này Khánh Dương tốt nghiệp rồi đi làm sẽ trả lại chú. Mà nếu cháu muốn trả chú sớm hơn thì có thể lên Hà Nội làm việc cho chú.

- Nhưng...nhưng cháu còn đi học mà?

- Thì tùy cháu thôi. Nhưng chú đã bảo rồi, học nhiều cũng chẳng ăn thua gì đâu. Cháu có thể đi theo chú rồi chú kèm cặp cháu thêm. Vậy là cháu vừa có thể làm được tiền trả chú lại vừa có thể thành tài.

Khánh Dương đưa mắt nghĩ ngợi rồi quay sang nhìn mẹ. Như hiểu ý Khánh Dương, bà khe khẽ lắc đầu. Khánh Dương mỉm cười:

- Vâng, cháu cảm ơn chú. Chuyện này chú để cho cháu bàn bạc với bố mẹ đã nhá. Có được không ạ?

Hải Đăng cười:

- Được thôi mà. Cháu cứ suy nghĩ thật kĩ đi. Có gì cháu điện thoại cho chú theo số này nhá. Chú rất vui nếu cháu đi làm cùng chú.

Nói rồi Hải Đăng đưa cho Khánh Dương một tờ danh thiếp nhỏ. Anh đứng lên khỏi ghế, mỉm cười với bà Thúy:

- Dạ thôi, em có việc phải đi. Khi khác em sẽ đến chơi với anh chị và các cháu.

- Vâng, chú về.

- Dạ cháu chào chú ạ!

Hải Đăng mỉm cười đưa tay véo má Khánh Dương:

- Cháu cứ suy nghĩ cho kĩ và gọi điện cho chú nhá!

- Dạ vâng, cháu biết rồi ạ!

Nhìn Hải Đăng bước ra khỏi ngõ, nhịp tim Khánh Dương bỗng nhiên đập lên một cách thật lạ kì. Cậu không hiểu nổi cảm giác mình đang có. Mừng vui vì gia đình được sự giúp đỡ của Hải Đăng hay là cậu đang hồi hộp suy nghĩ cho điều Hải Đăng vừa nói? Cậu không biết.