Đống thẻ trúc yên lặng nằm trên tường viện, cùng chủ nhân phơi nắng ấm đầu xuân.
Sau đó có một vị khách không mời mà đến, đó là Đổng Thủy Tỉnh.
Lúc trước thiếu niên chất phác lựa chọn ở lại trấn nhỏ, không đi theo ba đứa bạn cùng trường đến Đại Tùy xa xôi. Còn tiểu cô nương Thạch Xuân Gia cột tóc sừng dê thì lựa chọn theo gia tộc chuyển đến kinh thành Đại Ly. Năm người cuối cùng ở lại trường học của Tề tiên sinh từ đấy mỗi người một ngả, trời nam đất bắc.
Nhìn thấy Đổng Thủy Tỉnh, Trần Bình An vội vàng bảo hắn vào trong viện ngồi xuống. Cô bé váy hồng thì tay chân lanh lợi mang điểm tâm ra. Đổng Thủy Tỉnh có phần cẩn trọng, còn hơi ngượng ngùng, giống như trẻ con phạm sai lầm, ngồi ở trường học chờ thầy giáo trách phạt.
Thật ra Trần Bình An không cảm thấy Đổng Thủy Tỉnh ở lại trấn nhỏ là sai. Trên đường đi xa, có một buổi tối bị Lý Hòe nhát gan gọi đi đại tiện, đã nghe Lý Hòe nhắc đến thân thế của Đổng Thủy Tỉnh. Sở dĩ hắn tên “Thủy Tỉnh”, là vì lúc mẫu thân mang thai hắn, bụng to vẫn phải đi giếng Thiết Tỏa gánh nước, kết quả vừa khom lưng thì sinh hắn ra, cho nên đã thành trò cười cho các bạn cùng trường. Trước giờ Đổng Thủy Tỉnh không cố gắng giải thích gì cả, người khác cười cũng mặc kệ bọn họ.
Trần Bình An biết chuyện Đổng Thủy Tỉnh và Lâm Thủ Nhất đều thích Lý Liễu, còn về thật giả thì hắn không cảm thấy hứng thú lắm.
Đổng Thủy Tỉnh tán gẫu qua loa một số chuyện ở trường học mới của trấn nhỏ. Trần Bình An cũng nhân đó kể lại một vài chuyện lý thú khi du học. Hắn không dám nhắc đến những chuyện kỳ quái, sợ Đổng Thủy Tỉnh suy nghĩ nhiều, dù sao người trung thực cũng không có nghĩa là thiếu lòng dạ.
Đổng Thủy Tỉnh biết được sau này trấn nhỏ sẽ có trạm dịch của mình, bèn hỏi Trần Bình An địa chỉ gởi thư của thư viện Sơn Nhai Đại Tùy, nói rằng nhất định phải viết thư cho ba người Lý Bảo Bình. Trần Bình An hơi do dự, hắn biết trạm dịch chỉ chuyên gởi thư nhà, còn phải tốn vàng thật bạc trắng. Hôm nay Đổng Thủy Tỉnh bơ vơ không nơi nương tựa, chưa chắc đã chi trả được. Nhưng cuối cùng hắn vẫn không nói gì, chỉ yên lặng ghi nhớ chuyện này trong lòng.
Đổng Thủy Tỉnh vui vẻ rời đi. Thằng bé áo xanh tấm tắc nói:
- Tên ngốc này xem như không tệ, tôi còn tưởng là chạy đến tìm lão gia ăn uống miễn phí. Nếu hắn dám mở miệng...
Hắn bất giác nhìn sang Trần Bình An, lời nói đã đến bên miệng lại nuốt trở vào:
- Vậy thì tôi sẽ dùng lời hay khuyên nhủ, nhất định phải nói đạo lý với hắn, bảo hắn làm người phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác.
Trần Bình An mỉm cười xoa đầu thằng bé áo xanh:
- Khó cho ngươi rồi.
Mùng hai tết, theo phong tục của trấn nhỏ thì sẽ bắt đầu đi chúc tết thăm người thân.
Trần Bình An không có thân thích, bèn dứt khoát dẫn hai đứa trẻ đến núi Lạc Phách.
Núi Lạc Phách nằm ở phía tây nam quận lớn Long Tuyền. Bên cạnh có ba ngọn núi kích cỡ khác nhau, chỉ là quy mô đều kém xa núi Lạc Phách, phân biệt gọi là núi Khiêu Ngư, núi Phù Diêu và đỉnh Thiên Đô, tất cả đều được mua bởi thế lực tiên gia bên ngoài Đại Ly. Vì muốn xây dựng phủ đệ theo phong cách riêng, trước đêm giao thừa cuối năm ngoái vẫn sôi nổi thi công, ngày đêm không nghỉ.
Hôm nay lúc ba người Trần Bình An đi qua đỉnh Thiên Đô, đỉnh núi cuối cùng đã yên tĩnh. Trong một năm này, trên các ngọn núi lớn đã mọc lên từng tòa phủ đệ đạo quán, đình viện lầu gác, đài bẳng ngắm cảnh trên đỉnh núi, cáp treo cầu dài lơ lửng giữa hai ngọn núi... Từng kiến trúc hào hoa kỳ lạ nhô lên giữa núi rừng, khiến người ta phải cảm thán.
Còn về việc mở núi Lạc Phách, gần như đều là Công bộ Đại Ly bỏ tiền, cộng thêm chủ nhân không có nhu cầu xây dựng ngoài định mức, cho nên dù núi lớn đất lớn nhưng lại khá tịch mịch.
Núi Lạc Phách có sơn thần trấn giữ còn như vậy, không cần nói đến núi Bảo Lục, đỉnh Thải Vân và núi Tiên Thảo, không khí rất trầm lặng. Khiến cho tu sĩ các nhà phụ trách giám sát những ngọn núi gần đó, mỗi lần nhìn qua nhà hàng xóm đều cảm thấy buồn cười. Có nhiều tiền mua núi nhưng lại không có ít tiền mở núi, chuyện này cũng quá hoang đường rồi.
Sau khi bọn Trần Bình An đến gần ngọn núi nhà mình, Ngụy Bách lại xuất quỷ nhập thần hiện ra. Trần Bình An đưa cho Ngụy Bách một cái túi nhỏ, bên trong chứa một viên đá mật rắn thượng đẳng, bảo Ngụy Bách giúp đưa cho con rắn đen hung hãn đến từ núi Kỳ Đôn. Ngụy Bách mỉm cười cầm lấy khoản tiền mừng tuổi này, nói là nhất định sẽ đưa, tuyệt đối không tham ô.
Cùng nhau lên núi, Trần Bình An hỏi Ngụy Bách chuyện liên quan đến trường học. Ngụy Bách đương nhiên biết nhiều nội tình hơn Đổng Thủy Tỉnh, lần lượt kể lại. Hóa ra là trường học gia tộc do họ Trần quận Long Vĩ xây dựng, nhưng lại mở cửa với tất cả mọi người, hơn nữa không thu bất kỳ chi phí nào, ngay cả di dân hình đồ họ Lư còn nhỏ cũng có thể vào trường đọc sách. Chuyện này giống như đã cứu vãn mấy chục tính mạng, nếu không cũng khó nói những đứa trẻ thân thể yếu đuối kia có thể chịu đựng qua mùa đông năm ngoái hay không.
Theo quận Long Tuyền ngày một phát triển, còn có rất nhiều gia tộc từ châu quận gần đó di chuyển đến. Phần nhiều là thế gia vọng tộc không thiếu tiền cũng không thiếu người, tiêu tiền như nước mua nhà cửa đất đai ở trấn nhỏ và xung quanh. Nhà lớn ở đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp đương nhiên là lựa chọn hàng đầu, hôm nay ngay cả khu vực ngõ Kỵ Long và ngõ Hạnh Hoa, rất nhiều nhà cũ đều lần lượt đổi chủ.
Chỉ trong một năm ngắn ngủi, trường học đã có hơn một trăm học sinh, thầy giáo dạy học đều là văn hào đại nho danh vọng nổi bật.
Nói đến đây, Ngụy Bách cười bảo:
- Có phải cảm thấy giết gà lại dùng dao mổ trâu hay không? Những người đọc sách bình thường dáng vẻ tự cao tự đại kia, vì sao lại nguyện ý rời xa quê hương chạy tới nơi này chịu khổ, hơn nữa đối tượng mà bọn họ truyền đạo giảng dạy chỉ là một đám trẻ?
Trần Bình An gật đầu, hỏi:
- Là họ Trần quận Long Vĩ đã bỏ rất nhiều tiền?
Ngụy Bách cười ha hả, khoát tay nói:
- Cũng không phải chuyện tiền bạc. Trong số thầy giáo đọc nhiều thi thư kia còn có hai hiền nhân, làm sao có thể ham tiền. Bọn họ là ước ao được vào núi Phi Vân, bởi vì trên núi sắp xuất hiện một nơi thú vị gọi là thư viện Lâm Lộc.
Thằng bé áo xanh ở một bên ngắt lời:
- Lúc trước ngươi nói mình ở núi Phi Vân, không phải là làm việc vặt trong thư viện Lâm Lộc đấy chứ?
- Cút cút cút, qua một bên hóng mát đi, ta và lão gia nhà ngươi đang bàn luận đại sự.
Ngụy Bách làm động tác phất tay xua đuổi, sau đó tiếp tục nói với Trần Bình An:
- Thực ra người mù cũng nhìn thấy được, Đại Ly mưu đồ rất lớn, thư viện Lâm Lộc rõ ràng là muốn đối chọi với thư viện Sơn Nhai Đại Tùy. Một khi Đại Ly xuôi nam thuận lợi, họ Cao Đại Tùy tan nhà nát cửa, ngoài thư viện Quan Hồ, danh ngạch một trong bảy mươi hai thư viện Nho gia còn lại của Đông Bảo Bình Châu tất nhiên sẽ rơi vào thư viện Lâm Lộc. Cho nên càng sớm tiến vào thư viện Lâm Lộc, sẽ càng có khả năng trở thành “thần tử theo rồng”. Theo rồng và gần rồng, chỉ chênh lệch một chữ nhưng lại khác biệt một trời một vực. Không có cách nào, người đọc sách muốn phát huy hoài bão, trị nước an dân, nhất định phải có một ghế trong triều đình, nếu không thì chỉ là bàn luận trên giấy. Đương nhiên nếu không chen vào quan trường được, lùi một bước giữ mình trong sạch, học hành thật tốt, truyền đạo giảng dạy, giáo hóa dân chúng, dẫn dắt nếp sống địa phương cũng không tệ. Nhưng so với quan trường thì sẽ tịch mịch hơn một chút.
Ngụy Bách nói rất thản nhiên, lúc lên núi hai tay áo rộng không ngừng phất phơ, giống như hai đóa mây trắng trôi lê.n đỉnh núi. Cô bé váy hồng vác hòm sách nhìn không chớp mắt, tưởng tượng sau này lão gia nhà mình cũng sẽ có phong thái trác việt như vậy.
Trần Bình An đột nhiên hỏi:
- Ngụy Bách, hôm nay ngươi là sơn thần rồi sao?
Ngụy Bách hiểu ngầm cười nói:
- Trần Bình An, ta vẫn luôn đợi ngươi hỏi vấn đề này.
Thằng bé áo xanh bĩu môi, vẻ mặt khinh thường. Sơn thần? Ta còn có một thủy thần huynh đệ cai quản sông lớn đấy.
Ngụy Bách giơ tay chỉ về hướng núi Phi Vân:
- Hôm nay ta tạm thời là sơn thần núi Phi Vân.
Thằng bé áo xanh sánh vai đi cùng cô bé váy hồng, lén lút lắc đầu, ra vẻ xem thường.
Ngụy Bách bổ sung một câu:
- Nếu không có gì bất ngờ, núi Phi Vân rất nhanh sẽ được phá cách thăng làm Bắc Nhạc của Đại Ly.
Trần Bình An dừng bước, hỏi:
- Bắc Nhạc? Không phải Nam Nhạc sao?
Ngụy Bách lắc đầu:
- Chính là Bắc Nhạc.
Cô bé váy hồng “oa” một tiếng, trong mắt lộ ra vẻ ngưỡng mộ. Thần Ngũ Nhạc chính thức, đó là thần linh rất to, huống hồ còn là thần linh núi lớn của vương triều Đại Ly.
Thằng bé áo xanh nuốt một ngụm nước bọt, thấm ướt cổ họng, sau đó bước nhanh tới bên cạnh Ngụy Bách, ngẩng đầu mỉm cười nói:
- Ngụy tiên sư, đi đường có mệt không, có cần ngồi xuống nghỉ ngơi không? Tôi nắn vai bóp chân cho lão nhân gia ngài nhé?
Ngụy Bách cười híp mắt nói:
- Ái chà, sao không tranh cãi với ta nữa rồi?
Vẻ mặt thằng bé áo xanh quang minh chính đại nói:
- Ngụy tiên sư! Ngài là huynh đệ tốt của lão gia nhà tôi, tôi và lão gia là người một nhà, như vậy hai ta chính là nửa bằng hữu. Nói như vậy có đúng không, ngụy tiên sư?
Ngụy Bách đưa tay véo mạnh vào má con rắn nước nhỏ này:
- Nghịch ngợm.
Nụ cười của thằng bé áo xanh cứng ngắc, không dám phản kháng.
Không có cách nào, nếu Ngụy Bách không gạt người, như vậy hôm nay thằng bé áo xanh và lão gia đều xem như ăn nhờ ở đậu. Cho dù Trần Bình An sở hữu nhiều ngọn núi, chỉ cần đang ở quận Long Tuyền, vẫn phải sống cậy nhờ người khác. Là thần núi Nhạc chính thức ngồi tít trên cao, một cái hắt hơi cũng có thể khiến đỉnh núi trong địa bàn rung chuyển. Những hành vi như giữ lại linh khí, khai quật chân núi... có thể làm mà thần không biết quỷ không hay.
Ngụy Bách cười hỏi:
- Núi Thần Tú bên kia động tĩnh rất lớn, ngay cả hôm nay công việc mở núi cũng không hề gián đoạn. Trần Bình An, ngươi có muốn đi xem thử không? Thú vị lắm đấy.
Trần Bình An có phần mong đợi, gật đầu nói:
- Được, lúc trước vẫn luôn muốn đi xem.
Ngụy Bách huýt gió một tiếng, rất nhanh trên núi vang lên một trận âm thanh, động tĩnh càng lúc càng lớn. Cuối cùng một con rắn đen to lớn bụng mọc một sợi tơ vàng trườn đến, xuất hiện trong tầm mắt của bọn họ.
Thằng bé áo xanh và cô bé váy hồng đều hơi căng thẳng. Loài thuộc giao long, đồng loại tương tàn là chuyện rất bình thường. Hơn nữa con rắn đen này đã bộc lộ thiên phú, thể hiện ra tư chất qua sông hóa giao. Hậu duệ giao long phả hệ lộn xộn, rất nhiều đại yêu cường hãn tu thành hình người, hơn nữa còn bước vào cảnh giới bảy tám, thậm chí là cảnh giới thứ chín, nhưng lại không có một chút dấu hiệu hóa giao nào. Thằng bé áo xanh thường hay nhắc tới bọn họ tu hành phải dựa vào thiên phú, cũng không phải hoàn toàn là lười biếng kiếm cớ, ít nhất có một nửa là thật.
Ngụy Bách vứt cái túi kia cho con rắn đen:
- Đây là tiền mừng tuổi Trần Bình An cho ngươi, không cần gấp ăn vào bụng. Kế tiếp ngươi hãy chở chúng ta đến núi Thần Tú.
Đôi mắt của rắn đen cực kỳ bình tĩnh, không hề vùng vẫy kháng cự, chậm rãi cúi đầu xuống, biểu hiện ra đủ ngoan ngoãn.
Một nhóm bốn người đứng trên thân thể rắn đen, trèo qua núi Lạc Phách, hạ xuống chân núi phía bắc, trong đó rắn đen đã cẩn thận đi vòng qua miếu sơn thần. Sau khi rời khỏi núi Kỳ Đôn đến núi Lạc Phách, rắn đen tính tình hung ác đã bớt phóng túng đi rất nhiều, rõ ràng là công lao rất lớn của Ngụy Bách.
Một đường nhanh chóng tiến tới, Ngụy Bách chỉ vào một nhóm người ở chân núi phía xa, mỉm cười giải thích:
- Những người kia là con cháu Mặc gia tinh thông cơ quan thuật, còn có mấy thuật sĩ Âm Dương gia giỏi về phong thủy, đều được mời tới núi lớn quận Long Tuyền. Hai nhóm người này thường xuất hiện cùng nhau, phối hợp không chê vào đâu được, là nhân vật mấu chốt trong việc khai sơn lập phái, xây dựng phủ đệ thần tiên.
Sau đó tại một nơi giữa sườn núi, bọn họ nhìn thấy mấy con cóc màu xám to lớn, bụng trắng như tuyết phình lên, chậm rãi di chuyển lên núi. Hóa ra bọn chúng là cóc nuốt sông, trong bụng có thể chứa mấy vạn cân nước sông. Đến trên núi rồi chỉ cần mở miệng rộng trước ao nước đã đào bới xong, nguồn nước sẽ liên tục tràn vào trong ao.
Còn có một loại cóc thể hình nhỏ hơn, được gọi là cóc mở đường, cái bụng cực kỳ cứng rắn, chỉ cần bò sát là có thể nghiền ra một đường núi bằng phẳng chiều rộng vừa phải.
Có điều bọn họ không nhìn thấy mấy con vượn Bàn Sơn trẻ được triều đình Đại Ly nuôi dưỡng mà Ngụy Bách đã nói.
Sau đó tại khu vực đỉnh Hoàng Hoa, bọn Trần Bình An gặp phải một đám đạo sĩ, đang chỉ huy những lực sĩ khăn vàng thân cao hai trượng mở núi phá đất, vận chuyển đá lớn. Nguyên lai muốn xây dựng động tiên đất lành, gần như phải nhờ đến tu sĩ phái bùa chú Đạo gia. Từng lá bùa trong tay bọn họ rơi xuống đất lập tức hóa thành con rối, linh trí mở mang một chút, có thể nghe theo vài mệnh lệnh đơn giản nhất. Bọn chúng nghe lệnh làm việc, không cần nghỉ ngơi, cho đến khi hao hết linh khí sẽ tự động hóa thành một đống tro tàn.
Ngụy Bách dẫn Trần Bình An đi đến núi Ngô Đồng một chuyến. Cho dù nhìn từ phía xa vẫn khiến người ta cảm thấy tráng lệ, bởi vì dãy núi kéo dài này toàn bộ phần ngọn đều bị gọt bằng.
Đợi rắn đen chở bọn họ đi lên đài bằng bụi đất tung bay kia, nghe người ta giới thiệu, mới biết diện tích của khối đất bằng phẳng này lên đến bốn năm dặm, tương lai sẽ trở thành một “bến thuyền”. Có điều bến thuyền của dân chúng dưới núi là nổi trên nước, còn bến thuyền của tu sĩ trên núi phần nhiều là nổi trên biển, đó là biển mây. Còn về “thuyền lớn” là thứ gì, Ngụy Bách lại cố ý úp mở.
Đi qua núi Ngô Đồng, đã gần đến núi Thần Tú, chính giữa chỉ cách một núi Bảo Lục đứng tên Trần Bình An, cùng với núi Ngưu Giác được một tu sĩ nước Nam Giản mua. Núi Ngưu Giác không cao, thế núi có vẻ rất bằng phẳng, từng kiến trúc lần lượt kéo dài từ chân núi đến đỉnh núi.
Ngụy Bách nhảy xuống lưng rắn đen, bảo mấy người Trần Bình An xuống theo, sau đó dặn dò rắn đen ở lại chân núi đừng lộn xộn.
Cổng chào ở chân núi có treo tấm biển ba chữ “Bao Phục Trai”, ánh sáng vàng rực rỡ.
Ngụy Bách là người trong nghề, vừa đi vừa nói:
- Nơi này vừa là tiệm cầm đồ, vừa là tiệm đồ cổ, không thiếu cái lạ, thứ gì cũng có thể bán, thứ gì cũng có thể mua. Chỉ cần nhất trí giá cả, một tay giao tiền còn một tay giao hàng. Người sáng lập ban đầu là một tu sĩ tự do nghèo khổ, chỉ có thể đeo bọc vải chứa một đống đồ nát, bôn ba khắp nơi, buôn đi bán lại để kiếm lời. Sau đó phất lên như diều gặp gió, bèn dứt khoát lấy tên cửa tiệm là Bao Phục Trai. Núi Ngưu Giác là chi nhánh của bọn họ, đồ cổ vật phẩm trong mỗi tòa nhà đều khác nhau. Hôm nay tiệm đã xây gần xong, nhưng hàng hóa chỉ mới chuyển tới một phần rất nhỏ, chắc là chờ bến thuyền ở núi Ngô Đồng xây xong mới vận chuyển quy mô lớn.
Núi Ngưu Giác từ trên xuống dưới, bất kể là quản sự của Bao Phục Trai hay tu sĩ tự do đến đây tham quan du lịch, nhìn thấy nam tử áo trắng sắp trở thành thần núi Nhạc chính thức của Đại Ly đều lễ độ cung kính, khách sáo đến mức gần như nịnh nọt, cho nên mấy người không gặp trở ngại gì. Thậm chí Bao Phục Trai còn đặc biệt phái một phu nhân khí độ ung dung dẫn đường cho bọn họ, giảng giải từng món đồ quý giá.
Trần Bình An được mở rộng tầm mắt. Trong “lầu Nhất Phiến” có đặt một loại bình thơ văn bằng sứ men xanh, khắc thơ từ văn chương xuất xứ từ điển tịch Đạo gia. Tổng cộng có bảy cái, cao thì khoảng chừng nửa thân người, thấp thì cũng dài bằng cánh tay. Nghe nói bên trong chứa nước suối, toàn bộ đều lấy từ trăm dòng suối nổi tiếng trong thiên hạ. Nước suối trong vắt như ngọc, chảy như cầu vồng, thích hợp nấu trà đãi khách.
- Con người có thể một ngày không lương thực, nhưng không thể một ngày không có nước, nước là tinh hoa của thức ăn. Cho nên thế nhân có câu “nhập gia tùy tục, uống nước đứng đầu”. Bao Phục Trai chúng ta có tu sĩ chuyên môn đo lường nước suối các nơi, dùng chén nhỏ làm bằng bạc và một chiếc cân nhỏ để đo trọng lượng. Nhẹ, trong, ngọt, có đủ ba thứ mới được cất chứa trong những bình sứ men xanh này. Không dám nói là cao lương mĩ vị, nhưng có thể bảo đảm linh khí dồi dào, mỗi cân nước suối đều không có ở thế tục.
Phu nhân mặc dù dung nhan không tuyệt mỹ, nhưng giọng nói dịu dàng, êm tai như nước suối róc rách.
Bên trong “lầu Tráng Quan”, bọn họ vừa mới bước vào ngưỡng cửa, lập tức nhìn thấy một đống bình phong cao bằng thân người, bên trên có vẽ mười hai mỹ nhân tuyệt sắc, đều đến từ ngòi bút của bậc thầy hội họa. Càng đặc biệt là những mỹ nhân kia rất sống động, có người cúi đầu đánh đàn, tay áo như nước chảy, có người nâng cằm nhìn ra xa, hoặc là cầm quạt đuổi bướm, xinh đẹp động lòng người. Thoạt nhìn chỉ thấy bình phong tuyệt trần, mỗi cái đều có đặc sắc riêng, đẹp không sao tả xiết.
Còn có bình phong khí hậu vẽ hai mươi bốn tiết, bức kinh trập là sấm chớp đùng đùng, tiết thanh minh thì mưa nhỏ rào rào, đủ loại cảnh tượng kỳ diệu, khiến người xem không kìm được phải vỗ bàn ca ngợi.
Bởi vì có Ngụy Bách ở đây, phu nhân đã phá lệ dẫn bọn Trần Bình An đi tham quan vườn hoa tư gia, khi đó còn có tu sĩ nhà nông đang ôm hoa thơm cỏ lạ làm việc trong vườn. Chuyện nuôi trồng vườn hoa, ngoại trừ có thể buôn bán hoa cỏ quý giá, còn có thể giữ lại khí vận núi sông, đồng thời tạo nên cảnh đẹp ý vui, cho nên thường được thế lực tiên gia coi trọng.
Xem qua những hình ảnh khó tưởng tượng này, Trần Bình An mới biết thế nào là có tiền thật sự.
Sau khi cảm ơn và từ biệt phu nhân vẫn không tự giới thiệu kia, xuống núi rời khỏi cổng chào, Ngụy Bách trước tiên bảo Trần Bình An quay đầu nhìn về núi Ngưu Giác, búng tay một cái trước mắt hắn, cười nói:
- Lại nhìn thử xem, có gì khác biệt.
Trần Bình An tập trung nhìn, phát hiện cả ngọn núi Ngưu Giác bị bao phủ trong một lớp sương mù màu xám, thỉnh thoảng những ánh chớp trắng như tuyết lướt qua. Ngụy Bách giải thích:
- Đây chính là đại trận hộ sơn. Tòa trận pháp này của núi Ngưu Giác xuất xứ từ “Khí Chưng Vân Mộng Trạch” nổi tiếng trong số trận đồ, vốn là bức tranh sơn thủy của một vị thánh nhân Nho gia, sau đó được người ta không ngừng suy diễn hoàn thiện, cuối cùng biến thành một bức trận đồ. Ngoại trừ có tác dụng che chở ngọn núi, ngăn cản thế công, còn có công hiệu sắp đặt đá phong thủy, ngăn cản tà khí ô uế, chuyển khí đục thành khí trong.
Trần Bình An thở dài nói:
- Thật là lợi hại.
Ngụy Bách cười nói:
- Có phải trong thoáng chốc cảm thấy mình quá nghèo không?
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không cảm thấy nghèo, nhưng sẽ cảm thấy không giàu có.
Ngụy Bách vui vẻ cười lớn. Nhóm người lại nhảy lên lưng rắn đen, tiếp tục đi đến núi Thần Tú.
Ngụy Bách nói với Trần Bình An, giao dịch trên núi cũng có vàng thật bạc trắng, nhưng cơ bản chỉ là một con số mà thôi. Bởi vì trừ khi hai bên đều sở hữu vật một tấc hay vật một thước quý hiếm, nếu không thì quá phiền phức. Món pháp bảo này giá tám chục vạn lượng hoàng kim, giải quyết thế nào? Quy ra thành bạc trắng thì càng khoa trương. Cho nên tông phái lớn trên núi mua bán sẽ có “tiền tệ” riêng.
Rất nhanh bọn họ đã nhìn thấy núi Thần Tú kia. Nếu không phải còn có núi Phi Vân, vậy núi Thần Tú chính là ngọn núi cao lớn hùng vĩ nhất, đủ để áp chế những ngọn núi khác.
Trần Bình An hỏi:
- Nguyễn cô nương đang ở trên núi sao?
Ngụy Bách lắc đầu nói:
- Không có.
Núi Thần Tú có một mặt dốc đứng, được biển mây cuồn cuộn che giấu, có khắc bốn chữ to “Thiên Khai Thần Tú”. Trừ khi ngự gió bay lượn, nếu không cho dù luyện khí sĩ ngẩng đầu nhìn lên, e rằng cũng không thể nhìn thấy chân dung.
Bởi vì ban đầu Nguyễn Cung đã lập ra quy củ, trong địa bàn quận Long Tuyền, bất kỳ người tu hành nào cũng không được tự tiện ngự gió lướt trên không, khiến cho luyện khí sĩ xung quanh Đại Ly gặp phải rất nhiều phiền phức, nói là tiếng oán khắp nơi cũng không quá mức.
Lúc trước tại phương bắc xa xôi bên ngoài Đông Bảo Bình Châu, kiếm tu cuồn cuộn tiến về phía nam, đi qua phía trên trấn nhỏ vẫn hạ thấp xuống để bày tỏ thiện ý. Ngoại trừ biểu thị thừa nhận thợ đúc kiếm Nguyễn Cung, phần nhiều là tôn trọng hai chữ của thế giới Hạo Nhiên này, đ1o là “quy củ”.
Chuyện này vô hình trung đã tăng thêm uy thế cho Nguyễn Cung, bởi vì trong nhóm kiếm tu đi đến núi Đảo Huyền kia, lục địa kiếm tiên không chỉ có một người. Cho nên địa vị của Nguyễn Cung tại vương triều Đại Ly giống như nước lên thuyền lên, một số tiếng nói dị nghị vốn không lớn đều hoàn toàn biến mất.
Tại thế giới Hạo Nhiên, một khi tu thành liễu thần tiên trên núi, đương nhiên có thể vô cùng tiêu dao, có thể không tuân thủ rất nhiều lễ nghi thế tục. Nhưng là đừng quên liễu còn có Nho giáo tam đại học cung, bảy mươi hai thư viện, cùng với chín tòa nguy nga lầu Hùng Trấn đích tồn tại. Núi biển yêu ma kiếm tiên, chín tòa lầu Hùng Trấn không gì không thể trấn chi vật.
Cho dù Nguyễn Cung xuất thân từ miếu Phong Tuyết, không phải là môn sinh Nho giáo, nhưng chỉ cần quy củ do ông ta lập ra phù hợp với quy củ lớn hơn, phù hợp với tôn chỉ đại đạo của Nho gia, như vậy sức thống trị của Nho gia ngược lại sẽ ủng hộ ông ta, cuối cùng trợ giúp quy củ nhỏ của ông ta hình thành một loại uy hiếp không lời. Hai bên bổ trợ cho nhau, cuối cùng hợp lại càng tăng thêm sức mạnh. Đây chính là quy củ lớn của trời đất ban đầu Lễ Thánh tự mình lập ra, không nhìn thấy, không chạm được, nhưng lại có ở khắp mọi nơi.
Ngụy Bách không lên núi mà bảo rắn đen theo đường cũ quay về, ngồi xếp bằng, cảm khái nói:
- Nơi này ngọn núi san sát, từng tòa phủ đệ tiên gia, từng bang phái tông môn làm sơn chủ trên núi, làm long vương dưới nước. Cho dù nằm trong lãnh thổ của bất kỳ vương triều nào, sẽ có quân vương xem nó là lá chắn của vương triều, cũng sẽ có hoàng đế cho rằng nó là thế lực cát cứ không nghe điều động, là một vị vua khác họ, chúa của địa phương, đầu to khó chui lọt. Chỉ là ngại trên núi thế lớn, cho nên bọn họ buộc phải miễn cưỡng hòa hảo. Nhưng suy cho cùng dù là trên núi hay dưới núi, có thể sống yên ổn hòa thuận với nhau, vẫn phải quy công tạo hóa cho vị Lễ Thánh kia.
Trần Bình An ngồi bên cạnh Ngụy Bách, nhẹ giọng nói:
- Những chuyện này quá xa xôi với ta rồi.
Ngụy Bách cười cười:
- Nói xa thì rất xa, nói gần thì rất gần.
Trần Bình An nhìn lại núi Thần Tú, lẩm bẩm nói:
- Vậy à.
- --------
Trong ngõ Nê Bình, một thiếu nữ áo xanh đứng bên ngoài nhà tổ của Trần Bình An, nhìn cổng đóng chặt, quan sát câu đối xuân và thần giữ cửa mấy lần, muốn xoay người về nhà. Đúng lúc này có ba phu nhân bước nhanh tới, bên cạnh còn có hai đứa trẻ khoảng mười tuổi. Sau khi bọn họ nhìn thấy thiếu nữ liền cười nói:
- Tú Tú cô nương cũng tới à.
Nguyễn Tú ngoảnh mặt làm ngơ, không muốn để ý, thực ra trong lòng nàng còn cảm thấy chán ghét.
Đám phu nhân quê mùa cũng không để bụng. Mặc dù bọn họ không biết cha của thiếu nữ, Nguyễn sư phụ ở tiệm rèn kia rốt cuộc là thần thánh phương nào, nhưng cũng đại khái hiểu được Nguyễn sư phụ rất lợi hại. Theo rất nhiều tin tức ngầm thần thần bí bí, huyện lệnh lão gia gì đó cũng chỉ ngang vai ngang vế với ông ta. Bọn họ không phải không tin, nhưng chỉ chịu tin một nửa mà thôi.
Có điều nhiều lần đi qua hai cửa tiệm ở ngõ Kỵ Long, giao tiếp nhiều với thiếu nữ, từ lo lắng bất an ban đầu đã biến thành yên tâm thoải mái. Bọn họ không cảm thấy nàng có tính khí tiểu thư, chỉ là không được tươi cười mà thôi.
Nguyễn Tú rất muốn nhẫn nại không nói chuyện giống như thường ngày, nhưng hôm nay thật sự không nhịn được nữa, nhìn bọn họ lạnh lùng nói:
- Các ngươi đến tiệm mua đồ không trả tiền thì thôi, ta có thể không nói với Trần Bình An, giúp các ngươi tính vào sổ sách của ta. Nhưng sao các ngươi còn tới nhà Trần Bình An gây rối?
- Ôi chao, Tú Tú cô nương của ta, cô không biết quan hệ giữa chúng ta và tiểu Bình An rồi. Mấy phụ nữ chúng ta lúc còn trẻ có quan hệ rất tốt với mẹ hắn. Cho nên sau khi cha mẹ tiểu Bình An ra đi, không nói cái khác, chỉ là hai lần tang lễ, chúng ta đều có tiền thì bỏ tiền, có sức thì ra sức. Sau đó tiểu Bình An một mình trơ trọi, nếu không nhờ hàng xóm láng giềng chúng ta có lòng tốt giúp đỡ, đứa trẻ chỉ lớn chừng đó đã sớm chết đói rồi, nào có đại phú đại quý như hôm nay...
- Đúng thế, đúng thế, tiểu Bình An gặp ta còn phải gọi một tiếng nhị thẩm đấy. Năm xưa ăn uống ở nhà ta, thịt cá ta không nỡ ăn, cũng không nỡ cho đứa nhỏ của mình ăn, đều bỏ vào trong chén của tiểu Bình An. Phần ân tình này không đáng giá, nhưng hôm nay tiểu Bình An phát đạt rồi, chẳng những có hai cửa tiệm lớn như vậy, nghe nói còn có mấy ngọn núi, cũng không thể qua cầu rút ván chứ? Phải nhớ tới đám dì thím chúng ta đúng không? Nếu không thì đúng là không có lương tâm...
- Tú Tú cô nương, chúng ta biết cô xuất thân từ nhà giàu có, cũng rất khách sáo với cô, không thể phủ nhận chứ? Nhưng Tú Tú cô nương thật không biết chỗ khó khăn của gia đình nghèo khổ chúng ta, đám nhỏ muốn đến trường học, lò gốm lại sa sút, thật là khổ. Hơn nữa chúng ta không phải đòi tiểu Bình An mấy ngàn mấy vạn lượng bạc. Không phải năm mới rồi sao, tiểu Bình An là anh trai, cho đám nhỏ mấy chục lượng bạc mừng tuổi là được rồi. Tú Tú cô nương, cô tự hỏi lương tâm xem, như vậy không quá đáng đúng không?
Sắc mặt Nguyễn Tú lãnh đạm, nói thẳng một câu:
- Ta cảm thấy rất quá đáng.
Không khí trong hẻm nhỏ lập tức trở nên lúng túng.
Một vị phụ nhân vỗ đùi nói:
- Tú Tú cô nương, không thể nói như vậy. Lần trước sau khi tiểu Bình An rời khỏi trấn nhỏ, Tú Tú cô nương đã nhờ người tặng cho chúng ta một ít lễ vật. Chúng ta cũng không nói chuyện trái với lương tâm, đúng là đã nhận một ít đồ, nhưng những thứ đó không đổi thành tiền được. Nhà nghèo khổ sinh hoạt, không có tiền mua gạo, không có gì ăn thì làm sao sống? Đám người lớn chúng ta có thể chịu được, nhưng đám trẻ còn nhỏ như vậy. Tú Tú cô nương, cô nhìn xem, cánh tay của con ta còn nhỏ hơn Tiểu Bình An năm đó, cô nhẫn tâm sao?
Nguyễn Tú nghiêm túc gật đầu nói:
- Ta nhẫn tâm.
Đám phu nhân đều ngây ra như phỗng. Trong đó một người khôi phục tinh thần, nhẹ giọng nói:
- Chúng ta không nói chuyện với cô ta, chỉ tìm Trần Bình An. Nếu hắn không biết xấu hổ tỏ ra keo kiệt, chúng ta sẽ chỉ trích sau lưng hắn, xem hắn có cần danh dự nữa hay không.
Hai phu nhân còn lại gật đầu, biện pháp này chắc chắn khả thi. Một người mặt mày hớn hở, thấp giọng cười nói:
- Trần Bình An rất sợ người khác nói cha mẹ hắn không tốt, chuyện này hiệu nghiệm nhất.
- Cút!
Nguyễn Tú vươn một ngón tay ra, chỉ về một đầu ngõ Nê Bình, mặt không cảm xúc nói:
- Nếu không ta sẽ đánh chết các ngươi.