Lưu Đại Nương thấy Vu Anh sửa soạn xong rồi, bén khẽ nhún mình tiến lên một bước rồi vỗ tay khẽ bảo Vu Anh:
- Xin cứ hạ thủ đi thôi.
Vu Anh thấy cách đứng của Lưu đại nương ra dáng hẫng hờ cẩu
thả, chàng bèn thừa thế dùng miếng "hổ mạnh vồ dê" (mãnh hổ bộc dương),
giơ hai tay nhằm thẳng đại nương đánh luôn một cái. Bất đồ chàng vừa
nhảy đến nơi, thì vụt một cái đã thấy Lưu đại nương đứng ở sau, giơ tay
khẽ phất vào đầu một cái.
Vu Anh biết là võ nghệ của đại nương ghê gớm song chàng không
chịu thua ngay, bèn quay ngoắt người lại, dùng thế "hạc lộn trong mây"
(Vân trung hạc xiển) xòe hai quyền như đôi cánh hạc, lừa thế đánh vào
hai bên nách đại nương. Nhưng không ngờ tay quyền vừa đánh ra, thì Đại
nương lại vụt sang phía khác, làm cho chàng lại đánh trật một phen. Kế
đó Vu Anh dùng hết khí lực đánh luôn mấy ngón tiếp theo, đều bị đánh
văng ra ngoài, không trúng vào đâu hết cả. Vu Anh lúc đó tự biết bản
lĩnh tầm thường, không thể nào đọ được một phần trong nghìn vạn, chàng
bèn vội vàng chấp tay lạy rạp xuống trước mặt Đại nương mà nói lên rằng:
- Đệ tử thực là ngu dại, trăm lạy sư phụ, xin sư phụ dạy dỗ giúp cho...
Lưu đại nương lắc đầu đáp rằng:
- Không được. Tôi không thể nào mà nhận một người học trò như thế!
Nhà sư nghe nói, quay lại bảo Lưu đại nương rằng:
- Bà lại còn kênh kiệu đùa hắn làm chi! Tôi đã bảo, hắn ta phúc căn cũng hậu, cũng không đến nỗi làm nhục giá trị bà đâu.
Đại nương lúc đó mới mỉm cười bảo Vu Anh đứng dậy. Vu Anh đứng dậy, bất giác thấy trong bụng đã đói. Đoạn rồi thấy nhà sư nói lên
rằng:
- Vu Anh, nhà ngươi say rượu đã ba hôm nay. Không ăn uống tí
gì, chắc là trong bụng đã đói. Ngươi nên nói với sư phụ ngươi, xin cho
ăn uống ngay đi.
Vu Anh nghe nói ngạc nhiên, không ngờ mình mới rượu say tỉnh
dậy mà đã cách đến ba hôm. Đương khi ngơ ngẩn nghĩ ngợi, thì thấy nhà sư chạy vào trong nhà, vớ lấy cái túi treo ở trên vách, đeo khoác vào
người, rồi quay ra bảo Vu Anh rằng:
- Thôi, bây giờ ngươi ở lại đây, nên chuyên tâm mà học cho khá, ta phải đi đây...
Vu Anh nhân hỏi:
- Sư phụ lại đi đâu bây giờ, xin cho đệ tử được biết.
Hỏi chưa dứt lời thì nhà sư đã nhảy tót ra ngoài bức tường,
rồi vụt chốc biến đi đâu mất. Vu Anh thấy vậy, lắc đầu lè lưỡi cũng cho
là một bậc kỳ quái vô cùng.
Được một lát, Lưu đại nương lấy ra hai cái bánh chưng đưa bảo
Vu Anh ăn tạm. Vu Anh cầm lấy ngửi xem, thấy bánh vừa nguội vừa khô,
song có hương vị dễ chịu, và bụng đương đói meo, bất đắc dĩ cũng phải
cầm lấy ăn tạm. Ngờ đâu chàng vừa nuốt trôi xuống cổ họng, thì thấy
trong bụng khoan khoái lạ thường, quên cả những cơn đói, say nhọc mệt.
Rồi thấy Lưu đại nương đưa Vu Anh một cái túi vải trắng và dặn rằng:
- Ngươi cầm lấy cái túi này, ra nhặt những bông mai rụng ở
trong rừng mai, lấy một túi đầy đem về cho ta. Nhưng cần nhất là phải
lấy những cánh hoa không vây lấm đất và không rách nát thì mới dùng
được. Nếu lấy không được đầy túi, hay hoặc có một cành hoa rách lấm đất
đem về, thì sẽ bị trọng phạt ngay.
Vu Anh nghe nói, nghĩ chừng cả một rừng như thế, làm gì không
lấy nổi được một túi con con, chàng bèn hớn hở vâng lời, quay đi lập
tức.
Thoạt tiên, Vu Anh đi ra khu vườn gần đó để nhặt, song sờ đến
chỗ nào, cũng thấy những hoa không rách thì lấm đất, không sao nhặt được một cái chu toàn. Vu Anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chợt nghĩ ngay ra, chắc là
những chỗ gần đây, đã bị sư phụ lấy hết đi rồi, tất phải đi kiếm chỗ xa
thì mới có nhiều hoa tốt. Nghĩ vậy, chàng bèn rảo bước đi mau ra ngoài
vườn rậm xa xa để kiếm. Đi chừng vài ba dặm đường, thấy rừng mai càng
ngày càng chi chít chen nhau, chàng bèn cúi xuống tìm hoa để nhặt, thì
quả nhiên thấy dễ nhặt hơn.
Lúc đó Vu Anh nhân đã tìm được sư phụ để học, trong bụng khẩm
nẩm lấy làm vui thích vô cùng. Lại nhân một mình ngồi giữa rừng mai,
thấy mùi hương sực nức xông lên, làm cho tinh thần thêm bề khoan khoái,
thì chàng lại cũng vui thích chăm chỉ việc làm.
Chàng vừa lang thang đi quanh, vừa cúi nhặt cánh hoa bỏ túi
một lúc lâu lâu, thì ước chừng gần được nửa túi. Đương khi lủi thủi một
mình, chợt đến một chỗ, thấy có một người gái nhỏ, đương ngồi ngủ gật
dưới gốc cây mai, bên cạnh cũng để một cái túi như cái túi của chàng. Vu Anh nhân rón rén đến gần, thì thấy người con gái ra dáng đương ngủ rất
mệt, mà trông đến cái túi hoa thì ước chừng mới được non nửa túi thôi.
Chàng nhân lẩn quẩn đứng nhìn kĩ người con gái thấy mình mặc một cái áo
chẽn màu lam, dưới mặc cái quần đen xẩm, hai bàn chân nhỏ xíu xỏ vào hai cái giày vải con con; trên đầu quàng một cái khăn lụa xanh xanh, có mấy hàng tua nhủ xuống, và quanh mình lại có nhiều cành hoa mai rơi rụng
bám vào. Vu Anh thấy vậy, đoán chắc là người con gái ngồi ngủ ở đó đã
lâu. Chàng toan gọi dậy, song lại e chưa từng quen biết bao giờ, bỗng
dưng đến gọi thì có điều bất tiện, vì thế nên chàng dùng dằng lại thôi.
Đương khi chàng định quay gót đi ra, thì chợt đâu có một trận
gió đánh ào thổi đến, làm cho hoa lá trên cây rụng xuống như trút, rơi
cả vào cổ vào mặt người con gái ngủ dưới cây. Người con gái bị hoa lá
rơi vào, chợt vùng tỉnh dậy, mở mắt trông thấy Vu Anh thì bỗng có vẻ
ngạc nhiên ra mặt. Vu Anh trông mặt người con gái, hóa ra một cái bộ mặt đen sì, hai hàng lông mi cứng như hàng sắt, đôi mắt lóng la lóng lánh
như nước mùa thu, cái mũi cao cao trồi lên ở giữa, coi trạc vào độ 15,
16 tuổi.
Người con gái ấy thấy Vu Anh quanh quẩn đứng nhìn, thì chạy
vùng ngay đến giật cướp lấy cái túi hoa của Vu Anh, rồi trợn mắt quát
mắng lên rằng:
- Thằng bé con này gớm thực! Dám lừa lúc ta ngủ đến đây ăn cắp hoa của ta phải không?
Nói đoạn liền cúi xuống nhặt lấy cái túi hoa để ở dưới đất,
toan đổ dồn cả túi hoa của Vu Anh vào đó. Vu Anh thấy vậy, vội chạy đến
dằng lại, không cho đổ vào. Người con gái cũng khăng khăng một mực không chịu buông ra, thành thử đôi bên đều ra sức dằng co, làm cho cái túi
rách toang, cánh hoa tan nát bay cả ra ngoài. Vu Anh tức bực quá, nhất
định không chịu buông ra. Người con gái cũng hằm hằm tức giận, bèn phi
quyền đánh thẳng vào mặt Vu Anh. Vu Anh cũng không chịu nhịn, giơ quyền
đánh lại. Đoạn rồi đôi bên đều hăng hái đánh nhau, không thiết đến sự
nhặt hoa nữa. Đương khi đôi bên đánh nhau kịch liệt, thì bỗng thấy có
tiếng lanh lảnh đằng kia đưa đến:
- Này, sư phụ đã đến đây này.
Vu Anh cùng người con gái nghe nói, đều dừng tay lại, quay cổ
nhìn ra thì quả thấy Lưu đại nương lửng thững đi trước, và có một đứa
tiểu đồng mặt mũi khôi ngô, trắng trẻo, ước chừng 13, 14 tuổi đi theo
phía sau. Người con gái thoạt trông thấy Lưu đại nương, liền chạy ngay
đến, vừa thở hồng hộc vừa trỏ vào Vu Anh mà nói lên rằng:
- Dám bẩm sư phụ, thằng bé con này ở đâu, dám lừa lúc đệ tử
đương ngủ, lẻn đến lấy trộm một nửa túi hoa. Đệ tử dậy hỏi, lại còn dở
bộ hành hung, đem xé tan nát cả túi lẫn hoa ra đó. Dám xin sư phụ xử
cho...
Vu Anh cũng ra dáng phẫn uất, đem việc người con gái cướp túi
hoa, mách với Lưu đại nương. Lưu đại nương cười bảo hai người rằng:
- Việc này hai ngươi cùng là phải cả. Ta đây hiểu rồi, túi hoa của Hoàng Vân Nhi chỉ có Tiêu Minh Phượng lấy cắp đó thôi.
Nói tới đó Lưu đại nương lại đưa mắt nhìn rừng trừng vào người tiểu đồng theo ở phía sau. Tiểu đồng thấy vậy, nét mặt đỏ bừng lên,
không nói nửa lời. Lưu đại nương nhân hỏi tiểu đồng:
- Sao nhà ngươi nhặt hoa được chóng như thế!
Tiểu đồng bị hỏi bức bách, bèn gượng cười đáp rằng:
- Không dám giấu sư phụ, con đi nhặt hoa, thấy sư muội nhặt
được đầy túi ngồi ngủ ở dưới gốc cây, con có trót dại lấy một nửa túi
hoa, định để trêu đùa sư muội, không ngờ sư muội lại đổ oan cho người
khác, vậy tội đó con xin nhận cả.
Lưu đại nương nhân cười bảo Vu Anh cùng người con gái rằng:
- Rõ là đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ... Hai người đều là sư huynh sư muội với nhau, các ngươi đã nhận biết hay chưa.
Vu Anh cùng người con gái nghe nói, đều nhìn nhau mủm mỉm cùng cười. Lưu đại nương bèn nói rõ tên họ cho ba người biết nhau. Bấy giờ
Vu Anh mới hiểu người con gái đó là sư tỷ thứ hai tên là Hoàng Vân Nhi,
còn người tiểu đồng vừa đi ra đây là đại sư huynh tên là Tiêu Minh
Phượng, đều là môn đệ của Lưu đại nương cả. Vu Anh nghe biết, bèn làm lễ vái chào hai người, rồi cùng theo Lưu đại nương quay cả trở về.
Khi về tới nhà, Lưu đại nương nhân cười bảo Vu Anh rằng:
- Nhà ngươi tuổi lớn hơn cả, mà nay lại phải làm đàn em tất cả hai người, chắc là trong bụng nhà ngươi không thích phải không?
Vu Anh cười nói ra dáng thản nhiên đáp rằng:
- Sư phụ dạy làm chi thế! Đệ tử tài đức còn kém, dù có hơn tuổi song tuổi trâu tuổi ngựa, đáng kể làm chi....
Lưu đại nương gật đầu tỏ ý khen phải. Đoạn rồi ra vẻ nghiêm nghị quay bảo Tiêu Minh Phượng và Hoàng Vân Nhi rằng:
- Các ngươi rồi thua Vu Anh tất cả, mà rồi sẽ cùng phải nhờ
đến Vu Anh giúp đỡ mới xong... Cái đó, sau này rồi các ngươi mới biết.
Tiêu Minh Phượng nghe nói vội quay sang Vu Anh, vái dài một cái, ra dáng cung kính mà rằng:
- Nếu vậy ngày nay Tiêu mỗ hãy xin có lời nói trước với lão ca, để sau này lão ca lưu tâm giúp đỡ.
Vu Anh khiêm tốn mà rằng:
- Sư huynh bất tất dạy thế! Có điều hiện nay Vu mỗ có chỗ nào chưa hiểu, hãy xin sư huynh chỉ bảo giúp cho thì có.
Nhân đó, Hoàng Vân Nhi bèn nói với Lưu đại nương xin dạy cho
ngón võ tay không cướp đao tức là ngón "xích thủ đoạt đao" của nhà quyền thuật.
Lưu đại nương cười cười gật gật mà rằng:
- Con này tính nóng nảy quá, làm chi mà ngươi vội thế? Muốn học thì lấy đao ra đây ta dạy ngay cho cũng được.
Vân Nhi nghe nói mừng khuấy lên vội chạy vào trong, lấy ra hai khẩu đơn đao, trao cho Tiêu Minh Phượng một cái và quay lại bảo Vu Anh
rằng:
- Sư đệ sẵn có dao lưng đó, phải đem ra giúp cho chúng tôi một tay, cùng dồn vào đấu với sư phụ để học cái ngón võ này mới được.
Vu Anh nghe nói quay nhìn vào Lưu đại nương, Lưu đại nương cười bảo Vu Anh rằng:
- Được rồi ngươi cứ ra thử xem sao?
Vu Anh bèn rút thanh bội kiếm nhăm nhăm cầm ra tay. Đoạn rồi
Lưu đại nương tay không đứng ngay vào giữa, quát bảo mọi người rằng:
- Các người xông vào đánh đi.
Hoàng Vân Nhi nghe đoạn múa ngay đao lên xông thẳng vào chém.
Rồi đến Tiêu Minh Phượng cũng múa đao đánh thẳng ngay vào. Lưu đại nương liền đứng thủ thế, xoay làm ba mặt để đỡ. Vu Anh cầm thanh bảo kiếm còn đứng rình chưa vào đánh vội. Chàng thấy Lưu đại nương nhảy lên nhảy
xuống, quanh tả sang hữu, chân tay ngoăn ngoắt nhanh nhẹn, làm cho hai
ngọn đao của Vân Nhi và Minh Phượng dù tài tình biến hóa tới đâu cũng
không thể nào mà phạm vào người được.
Vu Anh thấy vậy, lại càng ngây người đứng nhìn, nhận hết các
cách tiến thoái của Lưu đại nương, nhớ lấy vào lòng. Kế thấy hai ngọn
đao của hai người kia càng ngày càng bay như biến, loang loáng đánh vào. Rồi thấy Lưu đại nương cũng loang loáng biến theo, tựa như ẩn nấp vào
trong bóng đao không thể nào mà ra được, Vu Anh thừa thế bèn múa bảo
kiếm xông vào cùng đánh.
Chàng dùng lối đánh "Liên hoàn bát quái", trong lúc bình tĩnh
thì vững vàng như núi như non, mà lúc hoạt động thì nhanh biến như hùm
như hổ, mắt liếc tới đâu là ngọn kiếm đã bay theo tới đó. Lưu đại nương
thấy vậy cũng tỏ ý vui mừng ngầm khen Vu Anh là khá. Đương khi đó, chợt
thấy đao pháp của Tiêu Minh Phượng biến khác, múa vù vù như gió chạy mây bay, nhằm các nơi yếu phạm đánh ngay vào. Rồi đao pháp của Hoàng Vân
Nhi cũng đổi khác, dùng đến toàn lực chú ý để đánh Đại nương.
Đại nương lúc đó bỗng quát lên một tiếng:
- Các người hãy nhìn đây...
Vu Anh nghe nói liền lưu tâm chú ý nhìn. Thấy sư phụ giơ hai
tay như hai cái cánh, vẫy một cái rất mạnh, bốc hẳn người lên cao khỏi
mặt đất ước chừng hơn trượng, rồi thấy xoay tít ở trên không một lúc rồi từ từ liệng xuống. Tiêu Minh Phượng cùng Hoàng Vân Nhi bèn châu đao vào giơ lên đón đánh. Ngờ đâu trong nháy mắt bỗng thấy Lưu đại nương thét
lên một tiếng và đứng xuống mặt đất thì hai thanh đao của Minh Phượng và của Vân Nhi đều đã vào tay Đại nương. Vu Anh đương choáng người kinh
ngạc thì chợt thấy Lưu đại nương đã sấn đến bên mình, đá một cái vào
giữa tay phải, làm cho thanh kiếm đang cầm trong tay bỗng rơi đến choang xuống đất.
Ba người thấy vậy, nửa mừng nửa sợ, bèn cùng nhau chạy đến cúi rạp xuống vái lạy Đại nương. Đại nương bảo ba người dậy, rồi đem các
môn thuật dẫn dụ cho cả ba người cùng nghe, Vu Anh vì lúc trước đã để
tâm nhìn kỹ nên bấy giờ nghe sư phụ nói đến đâu thì hiểu ngay đến đó.
Duy Minh Phượng cùng Vân Nhi thì còn có chỗ lờ mờ chưa hiểu, nên thỉnh
thoảng lại phải gặng hỏi kỹ càng, để sau dần dần luyện tập.
Lưu đại nương dạy bảo một lúc, rồi quay vào nhà trong, mặc cho ba người đồ đệ ở đó trò chuyện với nhau. Bấy giờ nhân lúc rỗi rãi, Tiêu Minh Phượng bèn hỏi đến tung tích Vu Anh. Vu Anh cũng đem chuyện hôm
trước thuật lại cho nghe.
Tiêu Minh Phượng nghe nói đến chỗ ở nhà đá, thì lắc đầu lè lưởi mà rằng:
- Lại cái nhà tù ấy, thì thực là khổ người vô hạn... năm trước tôi đã ở đó mất 7 ngày trời, đói đã gần chết, rồi mới được con ma rượu
đưa vào trong động Lưu Xuân.
Vu Anh vội hỏi:
- Con ma rượu là thế nào?
Minh Phượng rụt cổ lại một cái, rồi khẽ cười mà rằng:
- Khốn khổ, còn có ai nữa ! Chính là ông sư đen mặt, chớ còn
ai... Bọn mình cứ mỗi ngày phải nhặt ít hoa, là nhặt về nấu rượu cho ông ta đó. Năm trước tôi uống có một hớp rượu, say đến ba ngày mới tỉnh,
thế mà sư đệ uống đến ba hớp cũng chỉ say có ba ngày, không trách sư phụ bảo là sư đệ sau sẽ hơn tôi.
Hoàng Vân Nhi đứng đó, cũng nói tiếp lên rằng:
- Duy có một mình tôi, tôi chưa vào nhà đá đó lần nào, không biết ở đấy có những cái gì?
Minh Phượng liền hỏi:
- Thế sư muội đi lối nào mà đến được đây.
Vân Nhi cười khì một tiếng, mà rằng:
- Tôi không cần phải nói với các người làm chi...
Minh Phượng gật gật mà rằng:
- Ngươi không nói thì chớ, chúng tôi cũng không cần hỏi làm
chi. Duy có sư phụ ta, đối với ông sư ấy thế nào, các người có biết hay
không?
Vân Nhi lắc đầu đáp rằng:
- Sư huynh biết, thì nói nghe, tôi đây không hiểu gì cả.
Minh Phượng cười bảo Vân Nhi rằng:
- Tôi nói cũng không khó gì, nhưng trước hết sư muội hãy bảo cho tôi biết, còn lối nào đi được vào Lưu Xuân động đây đã...
Vân Nhi lắc đầu mà rằng:
- Tôi không bị sư huynh lừa nữa ? Sư huynh không nói thì thôi.
Minh Phượng nghe nói, thề sống thề chết, thế nào cũng sẽ nói
ra. Song Vân Nhi nhất định không tin và cũng không chịu nói câu gì nữa.
Vu Anh thấy hai người thề bồi cãi cọ nhau hoài, bèn cười bảo hai người rằng:
- Tôi có một cách này rất là công bằng, không biết hai sư tỷ, sư huynh có ưng hay không?
Minh Phượng cùng Vân Nhi nghe nói, vội vàng châu lại hỏi, xem ý kiến thế nào.
Vu Anh ung dung bảo hai người rằng:
- Bây giờ trước hết hai người hãy đem câu chuyện của hai người biết, nói riêng với Vu mỗ trước, đoạn rồi Vu mỗ sẽ ở giữa, đem câu
chuyện của người nọ nói cho người kia nghe. Như thế có ổn hay không?
Minh phượng cười rằng:
- Làm thế thì rất tiện, nhưng có điều chỉ anh là lợi nhất, anh ở giữa mà được nghe chuyện tất cả đôi bên...
Vu Anh cũng cười nói mà rằng:
- Cái đó có gì là thiệt, sáng mai tôi xin nhặt đền mỗi người một túi hoa là cùng...
Hai người nghe nói đều thích chí ưng lời lập tức. Hoàng Vân
Nhi bèn bảo Tiêu Minh Phượng hãy tránh ra một nơi, để thuật chuyện mình
trước cho Vu Anh nghe. Minh Phượng cũng ưng lời tránh ra một chỗ. Vân
Nhi bèn ung dung đem chuyện của mình thuật với Vu Anh:
Hoàng Vân Nhi nguyên là người ở Nguyên huyện thuộc tỉnh Giang
Nam, nhà ở giữa thôn Tiếp Nguyên, phía ngoài thành huyện. Phụ thân Vân
Nhi tên là Hoàng Quốc Trung, nguyên là một ông tú tài học cổ. Vợ Quốc
Trung là bà Từ Thị, vốn là một người đàn bà tài đảm chất phác ở đám
hương thôn. Quốc Trung nhà tuy nghèo túng song nhờ có cái chân tú tài
xuất thân, bèn mở một trường tư ở ngay giữa làng, gõ đầu bọn trẻ kiếm
ăn, gia đình cũng không đến nỗi quẫn bách cho lắm.
Quốc Trung tuổi ngoại 50, chỉ được một mụn con gái tức là Vân
Nhi, nên hết lòng yêu quí, muốn dạy cho sách vở học hành, để sau này kế
nghiệp thay chức con trai. Ngờ đâu năm Vân Nhi lên 7, lên 8 tuổi, Quốc
Trung bắt đầu đem sách vở ra dạy, thì Vân Nhi uể oải biếng lười không
chịu học tập. Ngoài ra Vân Nhi lại còn lêu lổng chơi nghịch, thường hay
gây sự đánh nhau với bọn học trò trong lớp. Quốc Trung đã mấy phen đánh
đập đe nẹt, rút cục cũng chẳng ăn thua.
Quốc Trung tức giận vô cùng, bèn trao cho Từ Thị, bắt Vân Nhi
nhốt trong nhà và ép cho phải tập các nghề khâu vá. Hay đâu trời đã phú
tính cho Vân Nhi, vác ngay hòn đá nặng ba bốn mươi cân thì nhẹ nhàng,
chứ cầm đến cái kim thì lại nặng nề khó nhọc, không sao mà cầm lên nổi.
Nhân thế chỉ trong ít bữa, Vân Nhi lại yêu cầu với Quốc Trung, thà cho
đi học chữ còn dễ chịu hơn, chứ nghề khâu vá quyết không thể nào mà học
được nữa.
Tới năm đó, Vân Nhi đã 13 tuổi, Quốc Trung nghĩ chừng không
tiện cho ra ngoài trường học lẫn với đám con trai, nên lại bắt Vân Nhi ở luôn trong nhà và ra bài cho học. Vân Nhi lại khổ tâm học tập trong mấy tháng trời, ai ngờ rút cục lại không được một chữ nào cả. Quốc Trung
thấy vậy, lấy làm nãn chí, không mong gì cho Vân Nhi học được thành tài. Từ đó đâm ra chán nản bỏ liều, không muốn rèn cặp chăm nom như trước.
Vân Nhi thừa được cơ hội đó, lại được phóng túng tự do, tha hồ chơi bời nghịch ngợm với lũ trẻ con quanh nhà, khi thì leo trèo lên các ngọn cây bắt chim chuột, khi thì lặn lội xuống các ao hồ, mò tôm, mò
cá, không còn kiêng nể điều chi.
Một hôm, Vân Nhi cùng tụi trẻ con hàng xóm đương chơi nghịch
với nhau, không biết vì một việc gì, Vân Nhi bất bình với một đứa con
nhà họ Vương cũng ở gần đó, hai bên đâm ra sinh sự cãi nhau, rồi đến
đánh nhau loạn xạ cả lên. Vân Nhi vốn có sức lực lạ thường, các trẻ khác đều đã biết cả, nên chúng đều chạy tránh, không một đứa nào dám bén
gần. Duy đứa bé con nhà họ Vương, cũng vì cậy gần nhà, không sợ Vân Nhi, nên cứ cố sức hăng hái để cùng Vân Nhi chống cự. Vân Nhi lúc đó máu
nóng nổi lên, nhân thấy bên đường có sẵn những đá vụn bèn nhặt ngay một
miếng, ném cho thằng bé họ Vương một cái rất mạnh. Bất đồ hòn đá ném ra
lại trúng ngay vào chỗ thái dương thằng bé, toạc ra một miếng, máu chảy
tuôn ra, rồi thằng bé ngã lăn ra đất, Vân Nhi thấy vậy kinh sợ hoảng
hồn, e trở về nhà tất bị Quốc Trung đánh đập bèn cắm đầu cắm cổ chạy
trốn thẳng.
Nàng chạy đi được một lúc lâu lâu thì trời sa sẫm tối, mà hai
chân đã mỏi cuồng, trông sau trông trước không thấy có một xóm làng nào ở đó, bất đắc dĩ phải ngồi xuống bên bờ ruộng ở giữa cánh đồng để ngủ.
Nghỉ ngơi một lúc nàng đã yên định tinh thần, bấy giờ chợt mà
nghĩ lại, muốn quay trở về nhà nhưng lại quên lạc mất đường, không biết
lối nào mà về được nữa. Vơ vẩn hồi lâu, trời cũng ngày càng tối mãi, lại nhìn bốn bên chỉ thấy đồng không mông quạnh xen lẫn những đám tha ma
thỉnh thoảng nổi lên trận gió vù vù, pha với tiếng giun kêu dế khóc
quanh mình, làm cho Vân Nhi bỗng phải chờn lòng kinh sợ đến nổi cất
tiếng khóc lên rưng rức.
Đương khi nức nở than khóc, chợt đâu có một người đàn bà đi
đến, nắm lấy tay Vân Nhi dỗ dành và hỏi gạn đầu đuôi. Vân Nhi gạt hàng
nước mắt đem hết chuyện mình thuật cho người đàn bà ấy nghe. Người đàn
bà nghe đoạn, cười bảo Vân Nhi rằng:
- Nếu vậy bây giờ ta đưa em về, em có bằng lòng hay không?
Vân Nhi nghe nói tưởng là người đó bảo đưa cho trở về nhà nên
lấy làm mừng rỡ ưng thuận ngay. Người đàn bà bèn bảo Vân Nhi nhắm mắt
lại và nắm vào vạt áo bà. Vân Nhi vâng lời, vừa mới bám vào vạt áo bà,
thì chợt thấy người nhè nhẹ bốc lên, chân không còn dính ở mặt đất, rồi
kế thấy bên tai vù vù vụt vụt, tựa như mình đã bay bổng trên không. Vân
Nhi kinh sợ hoảng hồn nắm chặt lấy vạt áo người kia không dám hững hờ và mắt thì cứ nhắm nghiền cả lại.
Chỉ trong chốc lát, bỗng thấy hai chân đã đặt lên mặt đất, rồi thấy người đàn bà nói lên rằng:
- Đã đến đây rồi...
Vân Nhi mở mắt ra nhìn, lại thấy mình ở giữa cánh đồng hoang,
không có cửa nhà chi cả. Ngơ ngác nhìn quanh, chỉ thấy sau mình có một
tòa miếu cổ nhác trông lờ mờ hình như tòa miếu đổ nát đã lâu. Vân Nhi
bèn bảo người đàn bà kia rằng:
- Bà lầm mất rồi. Bà đưa đến đây có phải là nhà tôi đâu!
Người đàn bà cười mà đáp rằng:
- Em không hiểu lúc nãy ta nói... Ta nói là đưa em về nhà ta chớ có phải đưa về nhà em đâu...
Vân Nhi ngơ ngẩn một lúc rồi hỏi:
- Vậy bà đưa tôi về nhà bà để làm gì?
Người đàn bà ra dáng vui cười mà rằng:
- Ta đưa em về, thu em làm đồ đệ để dạy bản lĩnh cho em, em có ưng ý hay không?
Vân Nhi nghe nói vui mừng vô hạn, vội thụp ngay xuống đất lạy người đàn bà bốn lạy, và nói lên rằng:
- Nếu vậy thực là may quá, con xin tình nguyện bái ngài làm sư phụ từ đây...
Người đàn bà thấy vậy tỏ ý vui mừng, bèn dắt Vân Nhi đi về
phía sau tòa miếu cổ, đến một cái miệng giếng con thì níu lấy Vân Nhi
rồi nhảy ngay xuống giếng. Vào tới trong giếng, Vân Nhi lại càng kinh
sợ, thấy đáy giếng hun hút rất sâu, không có nước mà mình thì bị người
đàn bà cập vào nách, cứ bằng bẵng tụt xuống, hình như xuống tận âm ty.
Được một lát xuống tới mặt đất, thì thấy chính là Lưu Xuân động hiện ở
ngày nay, mà người đàn bà đó tức là Lưu đại nương sư phụ hiện thời, nàng bèn lưu lại ở đó học tập. Từ khi đến đó tới nay, vì trong động không có xuân thu thay đổi, nên không biết là được bao lâu, song cứ nghe như lời sư phụ nói, thì mới đâu vừa được 2 năm.
Vu Anh lúc đó nghe rõ đầu đuôi câu chuyện của Vân Nhi, bèn hỏi lên rằng:
- Vậy cái giếng ấy hiện ở chỗ nào, sư tỷ có nhớ hay không.
Vân Nhi đáp:
- Cái giếng ấy hiện ở phía sau nhà, chỗ bên cạnh cây to, có một cái hang lớn, tức là chỗ cái giếng đi xuống đó.
Vu Anh gật gật tươi cười và bảo Vân Nhi:
- Bây giờ đến lượt đại sư huynh nói chuyện, xin nhị sư tỷ ra chỗ khác để cho đại sư huynh vào đây...
Vân Nhi nghe nói, liền chạy ra ngoài và gọi Tiêu Minh Phượng vào nói chuyện.
Minh Phượng vào tới nơi, vội hỏi Vu Anh:
- Thế nào, chuyện của nhị sư muội thế nào?
Vu Anh cười đáp rằng:
- Để đại sư huynh thuật chuyện ra trước, rồi tôi xin nói cho nghe. Sư huynh đi đâu mà vội !
Tiêu Minh Phượng cũng cười nói mà rằng:
- Chuyện tôi thì còn dài lắm, sư đệ có nghe tất phải ngồi lâu một tí, chớ không hấp tấp vội vàng như thế đâu!
Vu Anh cũng vui lòng ưng thuận mà rằng:
- Xin sư huynh cứ nói, tôi xin lắng tai nghe kỹ từng câu...
Minh Phượng gật gật, cười cười rồi từ từ đem hết chuyện mình thuật kỹ rõ ràng cho Vu Anh được biết.
Trời xa, đất cũng xa vời.
Động Lưu Xuân đó, phải nơi hữu tình
Anh em trò chuyện đinh ninh.
Biết đâu những cuộc tung hoành về sau.